THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 43-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 1996 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỐNG LẠM PHÁT TRONG NĂM 1996
Trong mấy năm gần đây, cuộc đấu tranh kiềm chế và đẩy lùi lạm phát tuy đã đạt được kết quả nhất định, nhưng kết quả đó chưa thật vững chắc và nguy cơ tái lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, kiềm chế và kiểm soát lạm phát vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các ngành, các cấp trong thời gian tới.
Để kiềm chế và kiểm soát lạm phát có hiệu quả, cần áp dụng tổng thể các giải pháp: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm chi phí sản xuất và lưu thông, triệt để tiết kiệm trong chi tiêu, tăng nhanh nguồn vốn dự trữ, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nhằm bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo dự kiến; đồng thời, phải đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, làm cho các yếu tố tích cực của thị trường ngày càng được hoàn thiện và phát triển.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu chống lạm phát đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương khẩn trương thực hiện một số biện pháp sau đây:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách chung về quản lý kinh tế, bảo đảm cân đối lớn cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất với hiệu quả ngày càng cao; giữ vững, chấn chỉnh hệ thống doanh nghiệp nhà nước để hoạt động có hiệu quả cao hơn, sắp xếp tốt mạng lưới lưu thông hàng hoá; xây dựng khối lượng dự trữ lưu thông đủ mạnh, nhất là những mặt hàng thiết yếu, để Nhà nước có khả năng can thiệp thị trường, bình ổn giá cả, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, tham gia cạnh tranh lành mạnh, hàng hoá lưu thông thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng.
2/ Các giải pháp về tiền tệ - tín dụng:
Năm 1996, yêu cầu kiềm chế lạm phát đòi hỏi phải khống chế tổng phương tiện thanh toán phù hợp với yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, mức tăng tối đa trong khoảng 21%; dư nợ tín dụng tăng khoảng 21-22%; huy động nguồn vốn tăng 40-45%, trong đó vốn trong nước tăng 19-20%; tiếp tục điều chỉnh lãi suất và tỷ giá phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Để thực hiện các mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính và các Bộ, các ngành có liên quan tập trung thực hiện kiên quyết một số giải pháp sau đây:
a) Tiếp tục triển khai phát triển thị trường vốn ngắn hạn, củng cố thị trường tín phiếu kho bạc. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức điều hành có hiệu quả hoạt động của các thị trường này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
b) Ngân hàng Nhà nước điều hành chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán đã dự kiến; Thu hồi nợ đến hạn và quá hạn, khống chế hạn mức tín dụng kiểm soát định mức dự trữ bắt buộc theo Pháp lệnh Ngân hàng, loại bỏ tín phiếu kho bạc trong cơ cấu dự trữ bắt buộc và tăng tương ứng phần tiền gửi trên tài khoản của Ngân hàng Nhà nước.
c) Ngân hàng Nhà nước cần sơ kết kinh nghiệm điều hành thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu mua bán ngoại tệ giữa các Ngân hàng với các tổ chức kinh tế. Việc mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và từng bước thực hiện nhanh hơn chủ trương "trên đất Việt Nam chỉ tiêu tiền Việt Nam".
đ) Bên cạnh các công cụ điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp, cần áp dụng nhanh các công cụ gián tiếp để điều hành lãi suất thị trường, điều hoà lưu thông tiền tệ; mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tại các Ngân hàng thương mại việc giảm lãi suất cho vay so với hiện nay để có phương án giám tiếp lãi suất cho vay vào đầu quý II năm 1996.
3/ Các biện pháp về ngân sách Nhà nước:
a) Phấn đấu tăng thu, thực hiện triệt để tiết kiệm chi nhằm giảm bội chi ngân sách Nhà nước, tăng dự trữ tài chính gối đầu năm sau, bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước vững chắc, lành mạnh là biện pháp cơ bản để góp phần kiềm chế lạm phát. Các ngành, các cấp phải coi việc chỉ đạo thu, chi ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm của mình.
b) Đi đôi với việc nghiên cứu cải cách chính sách thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Uỷ ban nhân dân các cấp cần tăng cường công tác quản lý thu và chống thất thu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật; phối hợp với các ngành, các cấp quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh trái pháp luật, khai man doanh số hoặc chây ỳ trong việc nộp thuế; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu và nộp thuế; cải tiến thủ tục nộp thuế, tránh phiền hà cho người nộp thuế.
c) Các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị cơ sở thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu; tổ chức quản lý sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đúng mục đích, có hiệu quả và chịu trách nhiệm đối với khoản chi sai chế độ, làm thất thoát tài sản và những khoản chi lãng phí, phô trương hình thức.
Bố trí chi ngân sách trong phạm vi nguồn thu chắc chắn và trong kế hoạch được giao; Nếu thu ngân sách không đạt kế hoạch, phải giảm chi tương ứng. Bộ Tài chính nghiên cứu cải tiến cơ chế cấp phát vốn ngân sách Nhà nước nhằm kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách Nhà nước.
d) Tiếp tục sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát, lãng phí vốn và tài sản Nhà nước.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện đề án đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ; triển khai rộng rãi chế độ kế toán mới trong các doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn để đưa hoạt động tài chính của doanh nghiệp đi vào nề nếp, đúng chế độ.
4/ Các biện pháp về điều hành cung cầu, thị trường và lưu thông hàng hoá.
a) Thực hiện các biện pháp để hàng hoá lưu thông thông suốt trong cả nước nhằm ngăn chặn các hiện tượng đầu cơ, tích trữ, nạn khan hiếm giả tạo, kích giá tăng lên, thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Bộ Thương mại chủ trì cùng với các Bộ, ngành liên quan sớm có đề án quản lý thị trường tiêu thụ hàng hoá phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; Xây dựng mạng lưới thương nghiệp với sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó, thương nghiệp quốc doanh phải chủ động chi phối thị trường. Việc quản lý thị trường phải gắn với đặc thù của từng khu vực: Đô thị, nông thôn, miền núi, phía Nam, phía Bắc.
b) Về điều hành cân đối cung cầu hàng hoá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý ngành hàng lập cân đối cung cầu tổng thể theo kế hoạch hàng năm. Các Bộ, cơ quan quản lý ngành hàng phối hợp với cơ quan chức năng chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến cung cầu những mặt hàng thuộc Bộ, cơ quan mình quản lý; Phát hiện và xử lý kịp thời những mất cân đối phát sinh trong quá trình điều hành. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm điều hoà hàng hoá trong cả nước, nhất là những mặt hàng quan trọng để giải quyết những mất cân đối cục bộ ở từng khu vực.
Đối với những mặt hàng quan trọng cho sản xuất và đời sống (lương thực, đường, xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón, giấy...) thì việc cân đối cung cầu phải tiến hành từng quý, từng tháng. Đối với các mặt hàng này, phải xây dựng lực lượng dự trữ lưu thông hàng hoá, là công cụ không thể thiếu để điều hoà thị trường. Các Bộ, cơ quan quản lý ngành hàng, hội đồng quản lý các Tổng công ty quản lý các mặt hàng này sớm trình Thủ tướng chính phủ đề án về cơ chế dự trữ lưu thông, bảo đảm mức dự trữ cần thiết, đủ sức chi phối khi thị trường phát sinh mất cân đối.
c) Bộ Thương mại khẩn trương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện quyết định số 864/TTg ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hàng hoá và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1996; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp để đảm bảo sự cân đối giữa lực lượng hàng hoá, dịch vụ với tổng sức mua của xã hội. Chỉ đạo và đôn đốc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đưa đại bộ phận hàng hoá nhập khẩu về nước ngay từ những tháng đầu năm, đáp ứng kịp thời cho sản xuất và cung cầu hàng hoá ở trong nước; chấn chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu bằng việc sắp xếp đầu mối xuất nhập khẩu hợp lý, nhất là xuất khẩu lương thực; Tổ chức việc mua hàng xuất khẩu có trật tự, ngăn chặn tình trạng tranh mua hàng xuất khẩu, đẩy giá lên. Nghiên cứu hình thành quỹ hỗ trợ xuất nhập khẩu để có nguồn xử lý những rủi ro trong kinh doanh.
d) Để ngăn chặn ngay từ đầu những dấu hiệu dẫn đến phát sinh đột biến giá, Ban Vật giá Chính phủ phải theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm bắt kịp thời các thông tin về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hoá, tiền tệ trên thị trường, từ đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những biện pháp bình ổn giá trong cả năm và giúp các Bộ, ngành quản lý sản xuất, kinh doanh hình thành các mức giá cụ thể theo định hướng của Nhà nước.
Để chặn đứng tình trạng giá cả tăng cao thường diễn ra vào những tháng đầu năm, các Bộ, ngành cần nghiêm chỉnh chấp hành những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 855/TTg ngày 29 tháng 12 năm 1995 về chuẩn bị lực lượng, tổ chức lưu thông hàng hoá, ổn định thị trường giá cả trong dịp Tết Bính Tý 1996. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Vật giá Chính phủ...) tổ chức điều tra tiền lương, năng suất lao động, chi phí sản xuất, lưu thông và việc hình thành giá ở một số đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hoá đại diện cho các ngành kinh tế quốc dân để đề xuất chính sách và biện pháp giải quyết tiền lương gắn với năng suất lao động đối với khu vực sản xuất kinh doanh.
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thương mại, Ban Vật giá Chính phủ, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê... tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng để nắm chắc diễn biến tình hình vận động của hàng hoá, tiền tệ, thị trường, tình hình cân đối hàng - tiền, qua đó phát hiện những khâu yếu phát sinh trong công tác điều hành và đề xuất với Chính phủ các biện pháp xử lý kịp thời.
b) Tổ tư vấn giá cả do Trưởng ban Vật giá Chính phủ làm tổ trưởng cần nắm bắt thông tin về diễn biến giá cả trong nước, ngoài nước chính xác, kịp thời, phát hiện những vấn đề vướng mắc trong điều hành hàng hoá, và thông báo tình hình đến các Bộ, ngành có liên quan để xử lý.
c) Các Tổng công ty kinh doanh, nhất là các Tổng công ty kinh doanh những mặt hàng quan trọng, thiết yếu phải báo cáo định kỳ tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mặt hàng do Tổng công ty mình quản lý cho cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan quản lý chức năng và chịu trách nhiệm trước Bộ quản lý chuyên ngành về tình hình giá cả các mặt hàng do mình phụ trách. Bộ quản lý chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tăng gia đột biến đối với những mặt hàng thuộc phạm vi mình quản lý.
Trên cơ sở trách nhiệm, nhiệm vụ được phân công nêu trên, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
File gốc của Chỉ thị 43-TTg về tăng cường chống lạm phát trong năm 1996 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 43-TTg về tăng cường chống lạm phát trong năm 1996 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 43-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành | 1996-01-22 |
Ngày hiệu lực | 1996-02-06 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Đã hủy |