CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40-CT | Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN TRIỆT ĐỂ TIẾT KIỆM TRONG NHỮNG NGÀY LỄ, KỶ NIỆM LỚN, VÀ CÁC CHI TIÊU KHÁC TRONG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm vấn đề tiết kiệm và coi việc thực hành tiết kiệm là một chính sách lớn. Trong tình hình đất nước đang phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; các chiến sĩ và đồng bào ở biên giới đang phải chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, chiến đấu hy sinh; nền kinh tế còn nhiều khó khăn, mất cân đối; việc thực hành tiết kiệm càng phải coi trọng. Trong thời gian vừa qua, việc thực hiện chính sách tiết kiệm nói chung đã có những chuyển biến nhất định, nhưng kết quả còn rất hạn chế, thậm chí, ở một đôi nơi tệ lãng phí, phô trương hình thức vẫn còn nghiêm trọng và có chiều hướng pháp triển.
Để đề cao hơn nữa chính sách tiết kiệm và việc thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị một số việc cụ thể sau đây:
1. Năm 1985, nước ta sẽ có nhiều ngày kỷ niệm lớn, vì vậy, cần thiết phải có sự chỉ đạo thống nhất để việc tổ chức đạt được kết quả thiết thực và tiết kiệm chi tiêu tiền bạc, vật tư, hàng hoá và công sức.
Ngoài những ngày lễ lớn chung của cả nước (Cách mạng tháng Tám và Quốc khách 2-9, Quốc tế lao động, kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lần thứ 95 ngày sinh của Hồ Chủ Tịch, 10 năm giải phóng miền Nam), việc tổ chức những ngày kỷ niệm của ngành hoặc địa phương đều phải xin phép Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Việc tổ chức kỷ niệm cần xác định rõ mục đích, yêu cầu thiết thực nhằm phát huy truyền thống đề cao tinh thần làm chủ tập thể, gây tinh thần phấn khởi, tin tưởng để tạo nên sức mạnh tinh thần mới thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất; công tác và chiến đấu, phục vụ chiến đấu... đồng thời phải thực hành tiết kiệm, chống mọi sự lãng phí sức người, sức của. Thủ trưởng các ngành, các cấp cần xét duyệt chặt chẽ chương trình tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm về nội dung, hình thức, quy mô, thời gian hội hợp, vui chơi, chi phí về tài chính, lương thực, vật tư, hàng hoá...
2. Việc tổ chức hội họp, tổng kết công tác cũng cần được tổ chức chặt chẽ nhằm đạt kết quả thiết thực, nhưng hết sức tiết kiệm. Phải coi trọng việc tổng kết kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, phát hiện nhân tố mới để thúc đẩy sản xuất và công tác ngày càng tiến bộ hơn. Chú ý cải tiển cách hội họp, hạn chế thời gian ở mức cần thiết.
Việc khen thưởng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc, kể cả bằng lợi ích vật chất, là cần thiết, nhưng phải theo các quy chế hiện hành của Nhà nước, không được sử dụng tiền bạc hay hàng hoá để thưởng quá mức.
Việc tiệu tập các hội nghị toàn ngành của các cơ quan Trung ương cần tuân thủ đúng Chỉ thị số 147-CT ngày 23-5-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Cần hết sức coi trọng việc chuẩn bị tốt nội dung hội nghị, quản lý chặt chẽ thành phần tham dự thời gian hội họp để bảo đảm hiệu quả cao và tiết kiệm chi tiêu.
Trong trường hợp thật cần thiết, chủ yếu do yêu cầu của công tác, mới tổ chức hội nghị toàn ngành tại địa phương để tránh gây phiền hà, khó khăn cho địa phương; nhưng các ngành phải thảo luận và thoả thuận trước với địa phương, và phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép; các ngành không được yêu cầu các địa phương đài thọ thêm chi tiêu cho hội nghị.
3. Việc mời khách và đón tiếp khách nước ngoài phải theo đúng các quy chế của Nhà nước, đúng chế độ, phù hợp với điều kiện của đất nước; tiết kiệm mọi chi tiêu về trang hoàng, xe cộ, tiệc tùng, quà cáp... Hạn chế việc sử dụng quá nhiều xe con, hạn chế đến mức tối thiểu số cán bộ nhân viên tuỳ tùng.
4. Việc sử dụng xe con trong các cơ quan Nhà nước phải theo đúng các quy định trong Chỉ thị số 293-TTg ngày 5-9-1975 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Vật tư, Bộ Tài chính, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cùng với Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng kiểm kê lại số lượng xe con trong các cơ quan ở Trung ương và địa phương; hết sức chặt chẽ trong việc cấp phát thêm xe mới, rà soát lại định mức xăng dầu và kinh phí; nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích tiết kiệm trong việc sử dụng xe con.
5. Soát xét lại các chế độ chi tiêu về hành chính, sự nghiệp để vừa bảo đảm được yêu cầu cần thiết của công việc, vừa thực hành triệt để tiết kiệm, phải kiên quyết xoá bỏ tệ phô trương hình thức, xa hoa lãng phí, ăn uống linh đình, quà cáp, tuỳ tiện mua sắm, chi tiêu sai chế độ gây ảnh hưởng xấu trong quan hệ nội bộ cũng như với nhân dân. Các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, huyện không được bắt các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc đóng góp kinh phí hoặc sản phẩm cho mình để tổ chức hội nghị và chi tiêu vào việc ăn uống, quà cáp...
Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành nghiêm chỉnh Chỉ thị này, chỉ đạo các cấp trực thuộc thực hiện cho có hiệu quả.
Chỉ thị này cần được phổ biến đến các đơn vị cơ sở.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
File gốc của Chỉ thị 40-CT năm 1985 thực hiện tiết kiệm trong những ngày lễ, kỷ niệm lớn và các chi tiêu khác trong quản lý hành chính do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 40-CT năm 1985 thực hiện tiết kiệm trong những ngày lễ, kỷ niệm lớn và các chi tiêu khác trong quản lý hành chính do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Số hiệu | 40-CT |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Tố Hữu |
Ngày ban hành | 1985-01-24 |
Ngày hiệu lực | 1985-02-08 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Đã hủy |