Công văn 3339/NHNN-TTGSNH năm 2020 về giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Cơ quan ban hành | Ngân hàng Nhà nước | Số hiệu | 3339/NHNN-TTGSNH |
Loại văn bản | Công văn | Người ký | Nguyễn Trọng Du |
Ngày ban hành | 08/05/2020 | Ngày hiệu lực | Đã biết Tính năng này chỉ dành cho tài khoản Cơ bản hoặc nâng cao. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký tài khoản. |
Lĩnh vực | Tài chính - Ngân hàng | Tình trạng | Đã biết Tính năng này chỉ dành cho tài khoản Cơ bản hoặc nâng cao. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký tài khoản. |
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3339/NHNN-TTGSNH | Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2020 |
Kính gửi: | - Tổ chức tín dụng; |
Ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid 19 (Thông tư 01). Thông tư 01 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/3/2020.
Để đảm bảo thực hiện thống nhất Thông tư 01 trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước có ý kiến cụ thể tại Bản giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 01, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước./.
| TL. THỐNG ĐỐC |
(Đính kèm Công văn số 3339/NHNN-TTGSNH ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
1. Về phạm vi các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01
Câu 1
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét mở rộng phạm vi áp dụng đối với các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ, chiết khấu, bao thanh toán...
Trả lời
- Hiện nay chỉ có Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg) đối với khách hàng (Thông tư 39), Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của TCTD phi ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung) (Thông tư 30) là có quy định về khái niệm, nguyên tắc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định về các hình thức cấp tín dụng khác bao gồm Thông tư 04 (quy định về chiết khấu), Thông tư 07 (quy định về bảo lãnh ngân hàng), Thông tư số 02/2017/TT-NHNN (quy định về bao thanh toán), Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh NHNg mua trái phiếu doanh nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung) đều không có quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Đối với hoạt động chiết khấu, bao thanh toán, thời hạn chiết khấu, bao thanh toán không chỉ phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng mà còn phụ thuộc vào thời hạn, kỳ hạn thanh toán còn lại của giấy tờ có giá, khoản phải thu, khoản phải trả tại hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thời hạn truy đòi.
Đối với hoạt động bảo lãnh ngân hàng, trường hợp TCTD chưa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng thì không có cơ sở để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ do chưa xác định được thời hạn mà khách hàng phải thanh toán cho TCTD, chi nhánh NHNg; trường hợp TCTD đã thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng thì theo quy định tại Thông tư 02, TCTD phải phân loại khoản nợ đó vào nhóm 3 (nhóm nợ xấu), theo đó, trường hợp quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản bảo lãnh thì cũng chỉ giữ nguyên khoản nợ này ở nhóm 3 (nhóm nợ xấu), theo đó, không có ý nghĩa trong việc hỗ trợ khách hàng.
Đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: quyền thay đổi thời hạn thanh toán gốc và/hoặc lãi trái phiếu không phải do TCTD, chi nhánh NHNg quyết định mà do doanh nghiệp phát hành quyết định (TCTD, chi nhánh NHNg chỉ sở hữu trái phiếu). Đồng thời, việc thay đổi thời hạn thanh toán gốc và/hoặc lãi trái phiếu phải phụ thuộc vào các điều kiện, điều khoản của từng loại trái phiếu khi phát hành và phải được tất cả các chủ sở hữu trái phiếu (ngoài TCTD, còn có công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài khác) chấp thuận, đồng thời, trình tự, thủ tục thực hiện phải tuân thủ quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các VBQPPL khác có liên quan. Vì vậy, việc cho phép TCTD, chi nhánh NHNg cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp là không phù hợp.
- Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến ngày 14/4/2020, trên toàn hệ thống, tổng dư nợ cho vay chiếm 96,94%; đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm 2,47%, các hình thức cấp tín dụng khác chiếm 0,59%. Vì vậy, việc Thông tư 01 chỉ quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính là phù hợp, đáp ứng được cơ bản nhu cầu khách hàng của TCTD, chi nhánh NHNg chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.
Do vậy, việc Thông tư 01 quy định nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính mà không áp dụng đối với nợ phát sinh từ hoạt động chiết khấu, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là phù hợp.
Câu 2
Đề nghị NHNN hướng dẫn các khoản thấu chi có được áp dụng quy định tại Thông tư 01 hay không?
Trả lời
Theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NHNg đối với khách hàng, Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng thì việc cho vay theo hạn mức thấu chi đối với thẻ ghi nợ, việc cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán là một hình thức cho vay, vì vậy, TCTD, chi nhánh NHNg được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ từ hình thức cho vay trên khi đáp ứng đầy đủ điều kiện tại Thông tư 01.
Câu 3
Đề nghị NHNN hướng dẫn: TCTD, chi nhánh NHNg có được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 đối với nợ phát sinh sau ngày 23/01/2020 không?
Trả lời
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 01 quy định: “TCTD, chi nhánh NHNg được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ sau đây:...”
Căn cứ quy định nêu trên, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 không bao gồm nợ phát sinh sau ngày 23/01/2020.
Đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh sau ngày 23/01/2020 (sau khi Chính phủ công bố dịch Covid 19 tại Việt Nam), các TCTD, chi nhánh NHNg cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh, đặc điểm của khách hàng để xác định kỳ hạn, thời hạn cho vay, cho thuê tài chính phù hợp. Việc cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 đối với các khoản nợ nêu trên là không phù hợp.
2. Về số lần thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ
Câu 4
Đề nghị NHNN hướng dẫn rõ: Thông tư 01 có giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ không?
Trả lời
Thông tư 01 không giới hạn số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, TCTD, chi nhánh NHNg phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định tại Thông tư 01.
Câu 5
Đề nghị NHNN cho phép TCTD tự quyết định việc trích lập dự phòng rủi ro hoặc điều chỉnh giảm các tỷ lệ trích lập dự phòng ở mức hợp lý hơn.
Trả lời
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính của TCTD, chi nhánh NHNg, việc xác định và hạch toán chi phí được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, việc xác định chi phí trích lập dự phòng phải phù hợp với mức độ rủi ro của tài sản có (căn cứ trên cơ sở kết quả xác định nhóm nợ), đảm bảo TCTD, chi nhánh NHNg chủ động về tài chính để xử lý khi rủi ro xảy ra và phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống theo quy định của NHNN sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
Câu 6
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 01, tiêu chí xác định số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 do TCTD, chi nhánh NHNg tự xác định tại quy định nội bộ. Vì vậy, trên thực tế triển khai có thể xảy ra trường hợp cùng 01 khách hàng nhưng các TCTD sẽ có ứng xử khác nhau, ví dụ: tại TCTD A, khách hàng được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhưng tại TCTD B thì không. Như vậy, có áp dụng cơ chế điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách khách hàng do CIC cung cấp không?
Trả lời
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 01, đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 còn trong thời gian cơ cấu lại và được TCTD, chi nhánh NHNg đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ theo thời hạn cơ cấu lại thì TCTD, chi nhánh NHNg không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn (bao gồm không phải điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách khách hàng do CIC cung cấp và không phải phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo nhóm nợ của số dư nợ và cam kết ngoại bảng khác của khách hàng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 01).
Câu 7
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 01, việc trích lập dự phòng cho số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ được căn cứ theo nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 hay nhóm nợ được phân loại theo quy định tại Điều 10 Thông tư 02/2013/TT-NHNN?
Trả lời
TCTD, chi nhánh NHNg căn cứ vào nhóm nợ được xác định theo quy định tại Thông tư 01 để tính toán và trích lập dự phòng rủi ro tương ứng theo quy định của pháp luật liên quan về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg.
4. Về ghi nhận lãi dự thu theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 01
Câu 8
Đề nghị NHNN cho phép TCTD tiếp tục ghi nhận dự thu đối với số lãi phải thu của các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm 1.
Trả lời
Khoản 3 Điều 6 Thông tư 01 quy định: “Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, TCTD, chi nhánh NHNhg không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh NHNg.”
Quy định về ghi nhận lãi dự thu đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm 1 nêu trên là kế thừa quy định về ghi nhận lãi phải thu đối với nợ được giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn do thực hiện chính sách của Nhà nước tại Thông tư số 16/2018/TT-BTC ngày 07/2/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh NHNg, phù hợp với quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế tài chính của TCTD, chi nhánh NHNg và chuẩn mực kế toán về ghi nhận doanh thu phát sinh từ tiền lãi, đồng thời phản ánh đúng thực trạng tài chính, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg. Theo đó, đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 01, TCTD, chi nhánh NHNg không ghi nhận vào thu nhập khi chưa thu được; khi thu được, TCTD, chi nhánh NHNg ghi nhận vào thu nhập theo chế độ tài chính.
Câu 9
Đề nghị NHNN hướng dẫn: Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 01, TCTD hiểu rằng, toàn bộ số lãi phải thu của các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi đều phải theo dõi ngoại bảng; đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 01, các trường hợp miễn lãi vẫn cần thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu.
Trả lời
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 01, đối với số lãi phải thu của số dư nợ được giữ nguyên nhóm 1 theo quy định tại Thông tư 01, kể từ ngày được cơ cấu lại, TCTD, chi nhánh NHNg không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh NHNg.
Đối với số lãi phải thu phát sinh trước thời điểm cơ cấu lại của số dư nợ được giữ nguyên nhóm 1 theo quy định tại Thông tư 01, lãi phải thu của các số dư nợ thực hiện phân loại theo quy định của pháp luật khác về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg, TCTD, chi nhánh NHNg thực hiện ghi nhận theo quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BTC ngày 07/2/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số Điều về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh NHNg và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư 16/2018/TT-BTC (nếu có).
Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được miễn toàn bộ lãi và giữ nguyên nhóm 1, TCTD, chi nhánh NHNg không phải thực hiện theo dõi ngoại bảng như quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 01.
5. Về trình tự, thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ
Câu 10
Đề nghị NHNN sửa đổi theo hướng rút gọn quy trình, thủ tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trả lời
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 01, TCTD, chi nhánh NHNg quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của TCTD về khả năng trả nợ đầy đủ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid 19, làm cơ sở để xác định thời hạn trả nợ mới của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ; trình tự, thủ tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ do TCTD, chi nhánh NHNg quy định tại quy định nội bộ đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu quy định tại Thông tư 01.
Đề nghị các TCTD, chi nhánh NHNg ban hành đầy đủ quy trình, quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo quy định tại Thông tư 01 và tổ chức thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng. Đồng thời, giải thích kịp thời, minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ những trường hợp khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận các chương trình hỗ trợ để hạn chế phát sinh các phản ánh, khiếu kiện của khách hàng.
Câu 11
Đề nghị NHNN hướng dẫn việc thực hiện giữ nguyên nhóm nợ trong trường hợp: Trước ngày 23/01/2020 khách hàng được phân loại vào nhóm 1. Thời điểm 20/3/2020 khách hàng được phân loại vào nhóm 2 do phát sinh nợ lãi quá hạn. Khách hàng được miễn toàn bộ lãi phát sinh từ ngày 23/01/2020 đến hết tháng 5/2020, theo đó, khách hàng không còn nợ quá hạn. Vậy khách hàng có được tự động phân loại về nhóm 1 hay cần phê duyệt giữ nguyên nhóm nợ.
Trả lời
Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 01, TCTD, chi nhánh NHNg giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với số dư nợ được miễn, giảm lãi đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Thông tư 01. Trình tự, thủ tục thực hiện miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ thực hiện theo quy định nội bộ của TCTD, chi nhánh NHNg, đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 01.
6. Về xác định nhóm nợ được giữ nguyên
Câu 12
Việc quy định giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 là chưa hợp lý do tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 khách hàng ở nhóm 2, tuy nhiên, tại thời điểm được cơ cấu khách hàng đang ở nhóm 1.
Trả lời
Khoản 1 Điều 6 Thông tư 01 quy định TCTD, chi nhánh NHNg được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020.
Nợ như kiến nghị của TCTD là nợ đang trong giai đoạn thử thách đối với khả năng trả nợ của khách hàng để phân loại lại vào nhóm có mức độ rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn thử thách này khách hàng sụt giảm doanh thu, thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, theo đó, việc xác định nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 như quy định tại Thông tư 01 là phù hợp, phản ánh được khả năng trả nợ của khách hàng.
Câu 13
Đề nghị NHNN hướng dẫn: đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm 2, 3 theo quy định tại Thông tư 01, sau một thời gian khách hàng phục hồi năng lực trả nợ thì TCTD, chi nhánh NHNg có được phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro thấp hơn không?
Trả lời
Điều 3 Thông tư 01 quy định: “Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện theo quy định tại Thông tư này; các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nơ, miễn, giảm lãi, phí, phân loại nợ không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”
Căn cứ quy định nêu trên, việc phân loại lại nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 vào nhóm nợ có mức độ rủi ro thấp hơn thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg.
Câu 14
Đề nghị NHNN hướng dẫn nguyên tắc phân loại nợ trong trường hợp nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả nợ đúng hạn theo thời hạn được cơ cấu lại (phân loại như các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ bị quá hạn hay phân loại như các khoản nợ quá hạn thông thường?).
Trả lời
Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 01, TCTD, chi nhánh NHNg căn cứ vào hình thức cơ cấu (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ), số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm cả việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01), số ngày quá hạn theo thời hạn đã được cơ cấu để phân loại số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ khi đến hạn theo thời hạn cơ cấu lại vào nhóm nợ tương ứng theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNg.
Câu 15
Thông tư 01 cho phép được cơ cấu với các khoản nợ phát sinh thời gian trả nợ gốc và hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch hiện nay, TCTD không xác định được khi nào hết dịch để xác định cụ thể các khoản vay nào được cơ cấu. Theo đó, nếu sau khi dịch kết thúc mà thời gian trả nợ của các khế ước nhận nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 vượt quá thời gian T+3 thì có bị coi là sai phạm không?
Trả lời
Khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid 19 quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 01 là nhằm xác định phạm vi nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Còn thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ đối với nợ đủ điều kiện tối đa là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký. Thông tư 01 không giới hạn thời hạn trả nợ sau khi cơ cấu phải trước ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày TTCP công bố hết dịch Covid 19.
Câu 16
Đề nghị NHNN hướng dẫn:
- Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 01, TCTD có phải bắt buộc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng trong thời hạn quá hạn dưới 10 ngày đối với nợ trong hạn hoặc quá hạn dưới 10 ngày không?
- Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 01, TCTD có phải thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành không?
Trả lời:
- Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 01, TCTD thực hiện thời hạn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi khoản nợ còn trong hạn hoặc quá hạn tối đa dưới 10 ngày.
- Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 01 nhằm xác định phạm vi nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 (bao gồm số dư nợ phát sinh nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư 01 có hiệu lực thi hành); Thời điểm, trình tự, thủ tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với nợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư 01 do TCTD, chi nhánh NHNg quyết định tại quy định nội bộ đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu quy định tại Thông tư 01 và kịp thời hỗ trợ khách hàng.
Câu 17
Đề nghị áp dụng Thông tư 01 đối với khách hàng thay vì đối với số dư nợ của khách hàng như quy định tại Thông tư 01.
Trả lời:
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của các TCTD liên quan đến việc hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, NHNN quy định Thông tư 01 chỉ áp dụng đối với số dư nợ của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 mà không áp dụng với khách hàng vì lý do sau: Mục đích của Thông tư 01 là nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, từ đó, giúp khách hàng tiếp cận với nguồn tín dụng mới, tuy nhiên, việc triển khai Thông tư 01 vẫn phải đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình thực hiện (rủi ro đạo đức, rủi ro tín dụng), vì vậy, phạm vi của Thông tư 01 chỉ áp dụng đối với số dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng khả năng trả nợ do tác động của dịch Covid 19 mà không áp dụng với khách hàng.
Câu 18
Đề nghị làm rõ Thông tư 01 có áp dụng đối với cả nợ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn không?
Trả lời
Thông tư 01 không hạn chế loại hình cho vay, theo đó trường hợp số dư nợ đáp ứng đầy đủ quy định tại Thông tư 01 thì TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ mà không phân biệt nợ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Câu 19
Thông tư 01 chỉ cho phép các TCTD được cơ cấu tối đa là 12 tháng là không hợp lý đối với các khoản vay dài hạn nhằm mục đích đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy, đề nghị NHNN cho phép các TCTD tự xác định thời hạn cơ cấu.
Trả lời
Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 01 là đã đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho các TCTD, chi nhánh NHNg trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng và phù hợp với mọi loại hình cho vay, theo đó, khoảng thời gian T+12 tháng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 01 thì T được xác định là ngày cuối cùng mà khách hàng phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và hoặc lãi cho TCTD theo hợp đồng, thỏa thuận tín dụng đã ký kết không phải là ngày trả nợ cho từng kỳ hạn nhỏ trong hợp đồng, thỏa thuận tín dụng.
Câu 20
Trường hợp TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 đối với khoản vay đã giải ngân cho khách hàng theo hạn mức cho vay, tuy nhiên khách hàng vẫn yêu cầu giải ngân tiếp theo hạn mức cho vay do hạn mức được cấp vẫn còn thì việc giải ngân mới cho khách hàng có phù hợp không? Đồng thời các khoản giải ngân này có phải báo cáo NHNN và bị dừng dự thu như các khoản giải ngân trong hạn mức đã cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01.
Trả lời
- Việc xem xét, tiếp tục giải ngân cho khách hàng hạn mức còn lại theo thỏa thuận do TCTD, chi nhánh NHNg tự quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và quy định nội bộ của TCTD.
- TCTD căn cứ vào các quy định về thống kê của NHNN để thực hiện báo cáo.
- TCTD căn cứ vào quy định tại Thông tư 01, tham khảo nội dung trả lời tại Câu 3, Câu 8 Bản giải đáp này để xác định nhóm nợ, việc ghi nhận lãi dự thu đối với số dư nợ của các khoản giải ngân theo hạn mức còn lại.
Câu 21
Đề nghị NHNN hướng dẫn thực hiện việc xác định doanh thu, thu nhập bị sụt giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 trong 02 trường hợp sau:
- TCTD cho khách hàng vay để thực hiện dự án, tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 dự án không đi vào hoạt động nên khách hàng không có doanh thu.
- Trong lĩnh vực đặc thù xây lắp thi công: Khách hàng hoàn thành công trình, được nghiệm thu thanh toán nhưng đang chờ Chủ đầu tư thanh toán, chủ đầu tư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 nên khách hàng chưa chắc bị sụt giảm doanh thu nhưng thực tế không có dòng tiền trả nợ nên có nhu cầu đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trả lời
- Điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 01 quy định: “Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: ...; c) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.”
Doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid - 19 quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 01 bao gồm cả doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập mà khách hàng nêu tại phương án đề xuất vay, thuê tài chính được TCTD, chi nhánh NHNg xem xét, phê duyệt.
- Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 01, trường hợp doanh thu, thu nhập của khách hàng không sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid 19 thì nợ của khách hàng đó không đủ điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01.
Câu 22
Đề nghị NHNN hướng dẫn Thông tư 01 có áp dụng đối với các khoản vay bằng ngoại tệ hay không?
Trả lời
- Điều 11 Thông tư 39 quy định: “1. TCTD và khách hàng thỏa thuận việc cho vay bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định pháp luật có liên quan. 2. Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay đó.”
- Theo quy định tại khoản 6, 7 Điều 35 Thông tư 30, đồng tiền sử dụng trong cho thuê tài chính bao gồm cả đồng Việt Nam và ngoại tệ.
Như vậy, các TCTD, chi nhánh NHNg được thực hiện cho vay, cho thuê tài chính bằng cả đồng Việt Nam và ngoại tệ, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật có liên quan. Theo đó, khi khoản vay, khoản cho thuê tài chính bằng ngoại tệ đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Thông tư 01 thì TCTD, chi nhánh NHNg được xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.
Câu 23
Đề nghị NHNN hướng dẫn Thông tư 01 có áp dụng đối với số dư nợ được phân loại vào nhóm 2 hay không?
Trả lời
Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu, nguyên tắc quy định tại Thông tư 01 thì TCTD, chi nhánh NHNg được xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 mà không phân biệt nhóm nợ của số dư nợ đó trước khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.
Câu 24
Đề nghị NHNN hướng dẫn Thông tư 01 có áp dụng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình hay không?
Trả lời
- Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39, khách hàng vay vốn bao gồm pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.
Tại câu 3 bản giải đáp một số câu hỏi về nội dung của Thông tư 39 ban hành kèm theo Công văn số 1576/NHNN-CSTT ngày 14/3/2017, NHNN có ý kiến về khái niệm khách hàng quy định tại Thông tư 39 như sau: Khoản 3 Điều 2 Thông tư 39 quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là pháp nhân, cá nhân; quy định này phù hợp với quy định về chủ thể tham gia giao dịch dân sự tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân, thì tổ chức tín dụng xem xét cho vay đối với cá nhân (một hoặc một số cá nhân) phù hợp với các quy định tại Thông tư 39 và Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Khoản 14 Điều 3 Thông tư 30 quy định: Bên thuê tài chính là pháp nhân, cá nhân hoạt động tại Việt Nam, trực tiếp sử dụng tài sản thuê cho mục đích hoạt động của mình. Đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, khi tham gia quan hệ thuê tài chính thì các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê tài chính hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch thuê tài chính.
Như vậy, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là khách hàng vay, thuê tài chính của TCTD, chi nhánh NHNg có khoản vay, thuê tài chính đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu tại Thông tư 01, thì TCTD, chi nhánh NHNg được xem xét, quyết định thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư 01 và quy định nội bộ của từng TCTD, chi nhánh NHNg.
Câu 25
Đề nghị NHNN hướng dẫn: Thông tư 01 có áp dụng đối với các dự án PPP đã hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành mà doanh thu bị sụt giảm do ảnh bởi dịch Covid 19, các khoản vay mua nhà ở thương mại của người dân hay không?
Trả lời
Thông tư 01 không hạn chế mục đích sử dụng vốn của khách hàng, theo đó, trường hợp số dư nợ của khách hàng đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Thông tư 01 thì TCTD, chi nhánh NHNg được xem xét, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ mà không phân biệt mục đích sử dụng vốn vay (đầu tư vào dự án PPP, mua nhà ở thương mại).
Câu 26
Đề nghị NHNN xem xét một số đề xuất sau:
- Kéo dài thêm khoảng thời gian (kéo dài hơn 03 tháng) kể từ ngày TTCP công bố hết dịch hoặc quy định một khoảng thời gian cụ thể (ví dụ từ ngày 23/01/2020 đến ngày 23/01/2021 hoặc đến ngày 31/10/2021) đối với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư 01.
- Kéo dài hơn 10 ngày đối với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư 01.
- Kéo dài hơn 15 ngày đối với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 44 Thông tư 01.
Trả lời
Trước mắt, đề nghị các TCTD, chi nhánh NHNg thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định tại Thông tư 01.
NHNN ghi nhận đề xuất trên của các TCTD, chi nhánh NHNg, trên cơ sở diễn biến tình hình thực tế của dịch Covid 19, NHNN sẽ xem xét, có điều chỉnh phù hợp nếu xét thấy cần thiết.
File gốc của Công văn 3339/NHNN-TTGSNH năm 2020 về giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành đang được cập nhật.
Văn bản hiện tại
Cơ quan ban hành | Ngân hàng Nhà nước |
Số hiệu | 3339/NHNN-TTGSNH |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Trọng Du |
Ngày ban hành | 08/05/2020 |
Ngày hiệu lực | 08/05/2020 |
Lĩnh vực | Tài chính - Ngân hàng |
Tình trạng | Còn hiệu lực |