ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 590/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 23 tháng 3 năm 2018 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 2684/QĐ-UBND, ngày 02/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 26/4/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 12/TTr-SNN&PTNT, ngày 27/02/2018 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xin phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030.
(Kèm theo Đề án số 01/ĐA-SNN&PTNT ngày 27/02/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt Đề án nêu trên.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
KT. CHỦ TỊCH |
UBND TỈNH VĨNH LONG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/ĐA-SNN&PTNT | Vĩnh Long, ngày 27 tháng 02 năm 2018 |
I. THỰC TRẠNG VỀ THƯƠNG HIỆU CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP
Theo Cục Sở hữu Công nghiệp, số lượng nhãn hiệu hàng hoá mới được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại Việt Nam đã tăng nhiều trong thời gian gần đây, với gần 10.000 nhãn. Tổng số các nhãn hiệu của hàng hoá Việt Nam được bảo hộ trong nước hiện nay khoảng 20.000 trong tổng số gần 100.000 nhãn hiệu (kể cả các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài) đã được bảo hộ. Việt Nam đang có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng, trong đó đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản. Nhiều thương hiệu nông sản như: Quýt Hồng Lai Vung, Thanh Long Bình Thuận, gạo thơm Sóc Trăng, hành tím Vĩnh Châu, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sơ ri Gò Công, bưởi Năm Roi Vĩnh Long… đã được xây dựng và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Riêng tỉnh Vĩnh Long đã có 919 văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ (trong đó có 810 nhãn hiệu, 17 nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm đặc sản và sản phẩm làng nghề, 100 kiểu dáng công nghiệp, 1 sáng chế và 7 giải pháp hữu ích trong các ngành nghề khác. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã có: 01 chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh, các nhãn hiệu tập thể cam Sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân, bưởi Da Xanh Vũng Liêm, hành lá Tân Bình, chôm chôm Cù lao Long Hồ, nhãn Long Hồ…
1. Một số thành tựu trong xây dựng thương hiệu nông sản Vĩnh Long
Vĩnh Long có diện tích tự nhiên 152.018 ha (bằng 0,4% diện tích cả nước và chiếm 3,8% diện tích của ĐBSCL). Đất nông nghiệp 119.056 ha, chiếm 78,32% diện tích tự nhiên. Trong đó, đất lúa 70.939 ha, đất màu 1.477 ha, đất cây lâu năm 45.640 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 949 ha, còn lại là đất trồng cỏ và đất nông nghiệp khác. Vĩnh Long có khí hậu ôn hoà, đất đai phì nhiêu, nước ngọt gần như quanh năm, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là cây lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi và thuỷ sản. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản trên một đơn vị diện tích tăng từ 101,39 triệu đồng/ha (2010) lên 159,11 triệu đồng/ha (năm 2016).
Tỉnh Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực như sản xuất lúa gạo, khoai lang, hành lá, cải xà lách xoong, bưởi Năm Roi, cam Sành, cá tra, chăn nuôi heo, gà, vịt… Phần lớn đã hình thành được vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao và chất lượng tốt, đảm bảo số lượng đủ lớn để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Được sự quan tâm của các ngành, các cấp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản qua việc hỗ trợ, đầu tư kinh phí tham gia các hoạt động, xây dựng mô hình kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truyền thông thương hiệu nông sản, xây dựng phim quảng bá, tham gia hội chợ triển lãm nông nghiệp, hội thảo liên kết tiêu thụ, hoạt động thông tin thị trường nông sản, xây dựng chuỗi cung ứng... Đến nay, nhiều thương hiệu nông sản tỉnh Vĩnh Long không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước mà đã từng bước vươn ra thế giới, tạo uy tín và động lực cho các doanh nghiệp Vĩnh Long phát triển giao thương, đầu tư vào công nghệ để đẩy mạnh phân phối. Thời gian gần đây Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Đồng thời có sự hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước trong việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tiến hành phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp qua các hình thức:
- Tham gia chương trình khảo sát và bình chọn thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng ĐBSCL cho sản phẩm “Xà lách xoong Thuận An” và “Khoai lang Bình Tân”, “Bưởi Năm Roi Bình Minh”, “Bánh tráng cù lao Mây”, “Rau ăn lá Phước Hậu” vào vị trí top 100 các thương hiệu nổi tiếng vùng ĐBSCL giai đoạn 2013 - 2015.
- Xây dựng các phim quảng cáo cho nông sản chủ lực của tỉnh (năm 2013), xà lách xoong (năm 2012), khoai lang (năm 2013), bưởi Năm Roi Bình Minh (năm 2014), chôm chôm (năm 2015), rau ăn lá Phước Hậu (năm 2015), nhãn (năm 2015). Đồng thời, quảng cáo phát sóng trên đài PTTH Vĩnh Long, trên bản tin nông nghiệp nông thôn Vĩnh Long, báo Vĩnh Long, các chương trình phóng sự của các tỉnh bạn. Quảng cáo cho nông sản của tỉnh bằng cách xây dựng pano quảng cáo cho nông sản trên tuyến QL1A.
- Xây dựng các nhãn hiệu tập thể cho “Chôm chôm cù lao Long Hồ”, “Nhãn Long Hồ”, “Hành lá Tân Bình” và hỗ trợ 17 tổ chức, cá nhân, cơ sở xây dựng 11 nhãn hiệu, 9 mẫu mã bao bì, 6 tài liệu chào hàng, 7 website chào hàng.
- Các hoạt động xúc tiến thương mại khác cũng được triển khai như: tập huấn kiến thức cho HTX, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường; tăng cường cung cấp thông tin trên các bản tin, tổ chức thực hiện xúc tiến thương mại qua sàn giao dịch nông sản, tin nhắn SMS giá cả thị trường nông sản qua điện thoại; tổ chức hội thảo liên kết tiêu thụ nông sản, cơ hội giao thương, nghiên cứu tìm kiếm thị trường; tham gia các cuộc hội chợ triển lãm, tổ chức các hội thi giới thiệu nông sản, từ đó đã thu hút đông đảo nhiều thành phần và đối tượng tham gia, nhất là các hợp tác xã và các công ty được ký kết hợp đồng.
2. Một số hạn chế trong phát triển thương hiệu tại tỉnh Vĩnh Long
Sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, các chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất, năng suất, chất lượng các loại cây trồng được đánh giá ở mức khá cao nhưng thiếu tính ổn định và bền vững. Tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm dần, bình quân giai đoạn 2010-2015 chỉ còn 2,74%/năm (Năm 2011: 5,82%, năm 2012: 2,08%, năm 2013: 1,04%, năm 2014: 2,02 % và 2015: 2%). Đặc biệt, sức cạnh tranh một số sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực tỉnh như lúa gạo, khoai lang, hành lá, cải xà lách xoong, bưởi Năm Roi, cam sành, cá tra, chăn nuôi heo, gà, vịt… đang ở mức thấp, thị trường tiêu thụ chưa nhiều và không ổn định; khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho sản xuất của nông dân.
Các loại hình đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tập thể nông sản đang gặp khó khăn ở hình thức quản lý. Theo quy định, nhãn hiệu hàng hoá tập thể sẽ giao cho doanh nghiệp hoặc HTX sản xuất quản lý nhưng ở Vĩnh Long, các loại hình này hoạt động tương đối yếu và không bền vững để nuôi dưỡng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Vĩnh Long chỉ dừng ở mức khuyến khích và thực hiện dàn trải, theo mô hình thí điểm. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản. Bên cạnh đó, tình trạng sản xuất hàng nông sản còn manh mún, rời rạc, còn chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát,… Khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, sản phẩm sau thu hoạch chưa thật bài bản, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường, đây là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Vĩnh Long. Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động này phần lớn phụ thuộc vào chương trình xúc tiến thương mại hoặc lồng ghép vào các chương trình hoạt động của các lĩnh vực khác.
Doanh nghiệp thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh còn chưa mặn mà trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nguyên nhân là do hạn chế về tiềm lực tài chính, vì đa số các doanh nghiệp Vĩnh Long có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay hoặc nguồn vốn gia đình. Vì vậy, họ rất ngại phải bỏ ra một số chi phí để đầu tư cho việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương hiệu. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn yếu về nhận thức luật pháp, phong cách kinh doanh mang đậm nét truyền thống nông nghiệp, sợ rủi ro, chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt mà chưa thấy mục tiêu lâu dài. Khả năng các HTX, doanh nghiệp tiếp cận các hệ thống xuất khẩu, hệ thống bán sỉ, bán lẻ hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp được ban hành nhưng việc thực thi vẫn còn rất nhiều trở ngại đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng nông sản. Trong thời gian tới, nhu cầu về cơ chế chính sách xúc tiến thương mại đặc thù riêng cho ngành nông nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp, các loại hình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các hoạt động hỗ trợ sản xuất ngành hàng nông sản như đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn là rất cần thiết. Do vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản Vĩnh Long, cần có sự hỗ trợ xúc tiến mạnh mẽ từ các ngành các cấp có liên quan.
3. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án
Việt Nam là một nước nông nghiệp, với nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh, tuy nhiên các sản phẩm nông sản có thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế còn rất khiêm tốn. Phần lớn nông sản trong nước được xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến và không có thương hiệu. Vì vậy, sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ rồi bán ra thị trường thế giới hoặc thậm chí bán ngược trở lại Việt Nam để thu được giá trị gia tăng. Điều này làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản. Vĩnh Long là tỉnh có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn về tiêu thụ hàng hoá nông sản làm cho giá nông sản không ổn định, có xu hướng giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Trong khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét với tần suất thiên tai ngày càng dày, mức độ nghiêm trọng và quy mô ngày càng lớn, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân đòi hỏi trong tương lai nông nghiệp phải nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ và giá cả không ổn định.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng, các nước nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam chưa có nhiều và chúng ta phải cạnh tranh với nhiều nước khác nên thị trường xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá còn chậm, một số loại cây trồng chuyển đổi chưa thể hiện ưu thế so với trồng lúa, nông dân chưa có kinh nghiệm sản xuất cây trồng mới, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm chất lượng tốt với khối lượng lớn cùng một thời điểm. Chưa tổ chức tốt việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và lâu dài.
Nhiều thương hiệu nông sản của Vĩnh Long đã được thị trường biết đến như: bưởi Năm Roi Bình Minh, cam Sành Tam Bình, chôm chôm Bình Hoà Phước, sầu riêng Ri 6, xà lách xoong Thuận An, khoai lang Bình Tân, hành lá Tân Bình, khoai mỡ Long Mỹ, củ sắn Lục Sỹ Thành, cánh đồng mẫu lớn với các giống lúa chất lượng cao và một số sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản này chưa được đầu tư và phát triển đúng mức, xây dựng và phát triển chỉ dừng lại ở việc tổ chức tập huấn, hội thảo, và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GloabalGAP (với diện tích còn rất hạn chế) và truyền thông đại chúng chỉ dừng lại ở quảng bá trên các phương tiện thông tin, báo đài địa phương. Ngay đối với những sản phẩm được coi là có giá trị cao như bưởi Năm Roi Bình Minh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cũng chưa có một thương hiệu đặc trưng, điều này tạo nên tâm lý thiếu tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu đòi hỏi sự đầu tư và phát triển thỏa đáng, tính nhất quán, sự bền bỉ và lâu dài.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Vĩnh Long nói riêng, cần có sự đồng bộ đề xuất và thực hiện các giải pháp cũng như sự quyết tâm và động lực của các cấp, các ngành có liên quan và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà sản xuất nông sản tại địa phương. Đặc biệt, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực và tiềm năng của tỉnh là vô cùng cần thiết và cấp bách để Vĩnh Long ngày càng tiến sâu hơn trong quá trình hội nhập.
4. Những căn cứ để xây dựng Đề án
Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến nông;
Luật Sở hữu trí tuệ số 50/QH11 ngày 29/11/2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/QH12 ngày 19/6/2009;
Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Quyết định số 1883/QĐ-UBND ngày 15/12/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Đề án tổ chức hệ thống tiêu thụ nông - thuỷ sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020;
Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 13/01/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Đề án hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;
Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về việc xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020;
Quyết định số 2684/QĐ-UBND ngày 02/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/7/2016 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long về việc xây dựng và phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016 - 2020;
Quyết định số 246-QĐ/TU ngày 13/01/2017 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, chỉ tiêu Đề án số 03-ĐA/TU ngày 20/02/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh;
Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 26/4/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
1. Quan điểm
- Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và lâu dài nhằm xác định sản phẩm nông sản đặc thù thế mạnh của tỉnh để tập trung đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, hình thành những vùng nguyên liệu nông sản hàng hoá có năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước;
- Xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững theo hướng hội nhập quốc tế, giữ gìn và phát huy các giá trị về lịch sử, danh tiếng và đặc thù về chất lượng hàng hoá dịch vụ của địa phương, phù hợp với huy hoạch và phát triển theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà;
- Phát triển thương hiệu nông sản được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm mục tiêu quảng bá, quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ tại các nước nhập khẩu và tại các thị trường tiêu thụ nội địa cao cấp. Thương hiệu nông sản được xây dựng gồm: nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản của vùng, địa phương tỉnh Vĩnh Long, nhãn hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp. Từ đó, có chiến lược quảng bá các đặc sản tiềm năng của vùng;
- Duy trì và giữ vững sự ổn định tại các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, nâng cao giá trị bằng các kênh phân phối trực tiếp, củng cố và duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng;
- Nhà nước tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu của địa phương trong các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ bằng chính sách để giúp các tổ chức cá nhân, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Doanh nghiệp, HTX đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng, sử dụng và phát triển thương hiệu nông sản Vĩnh Long thông qua xây dựng phát triển thương hiệu nông sản cho doanh nghiệp, HTX để quản trị sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
- Góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thiết lập xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản của địa phương, của doanh nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương nói riêng và cả nước nói chung;
- Tập trung mở rộng vùng sản xuất, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, chuỗi cung ứng. Ứng dụng khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật, chế biến, bảo quản, đóng gói và phân phối tiếp thị. Định hướng những giá trị trên thị trường, xây dựng và duy trì lòng tin doanh nghiệp, người tiêu dùng đối với sản phẩm bằng chất lượng của sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp, của địa phương và sự đảm bảo của nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội cho người dân;
- Tuyên truyền và phổ biến kiến thức về vai trò và giá trị thương hiệu cho các THT, HTX, doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và thu mua nông sản thông qua các cuộc tập huấn, hội thảo hoặc chuyên đề.
2.2. Mục tiêu cụ thể từ năm 2018 - 2020
- Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Vĩnh Long tập trung vào 03 lĩnh vực:
+ Lĩnh vực lúa gạo: xây dựng và phát triển 2 thương hiệu;
+ Lĩnh vực cây ăn trái: xây dựng và phát triển 6 thương hiệu;
+ Lĩnh vực rau, màu: xây dựng và phát triển 1 thương hiệu.
- Xây dựng 10 nhãn hiệu hàng hoá cho các loại nông sản, thuỷ sản và sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng vùng.
2.3 Tầm nhìn mục tiêu từ năm 2021 - 2030
- Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Vĩnh Long tập trung vào 04 lĩnh vực:
+ Lĩnh vực lúa gạo: xây dựng và phát triển 2 thương hiệu;
+ Lĩnh vực cây ăn trái: xây dựng và phát triển 2 thương hiệu;
+ Lĩnh vực rau, màu: xây dựng và phát triển 1 thương hiệu;
+ Lĩnh vực thuỷ sản: xây dựng và phát triển các loại cá có thế mạnh và tiềm năng.
- Xây dựng 20 nhãn hiệu hàng hoá cho các loại nông sản, thuỷ sản và sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng vùng.
1. Nội dung
1.1. Duy trì và phát triển các thương hiệu nông sản đã có
Vĩnh Long có nhiều loại nông sản đã có thương hiệu như bưởi 5 Roi Bình Minh, cam Sành Tam Bình, chôm chôm Bình Hoà Phước, khoai lang Bình Tân, xà lách xoong Bình Minh, nhãn Long Hồ, hành lá Tân Bình. Vì vậy, việc duy trì và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực hiện có đang là một đòi hỏi tất yếu.
- Duy trì và phát triển các thương hiệu nông sản đã có thông qua các hình thức như: tổ chức giao thương xúc tiến thương mại, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, tổ chức sàn giao dịch nông sản, tổ chức hội chợ, tôn vinh thương hiệu.
- Xác định giá trị của thương hiệu nhằm tạo uy tín cho thương hiệu nông sản tỉnh Vĩnh Long trên thị trường. Để tạo nên giá trị cốt lõi của thương hiệu nông sản cần phải khẳng định được chất lượng, phương thức cung ứng hợp lý và được sản xuất theo chuỗi an toàn. Trước tiên cần phải quy hoạch diện tích phát triển sản xuất phù hợp, xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến từ gieo trồng đến sản xuất và bảo quản sau thu hoạch theo tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng hệ thống cung ứng tiện lợi, hiệu quả.
- Tăng tính bền vững trong kết nối giữa khách hàng và thương hiệu nông sản đồng thời với việc nâng cao vị thế của thương hiệu thông qua việc:
+ Gắn thương hiệu nông sản với doanh nghiệp hoặc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có uy tín, hoạt động hiệu quả.
+ Tạo trang web riêng cho nông sản và tối ưu hoá trong công cụ tìm kiếm nông sản trên mạng Internet (SEO).
+ Đa dạng hoá mẫu mã bao bì nông sản.
+ Nâng cao chất lượng nông sản, đa dạng hoá nông sản (từ dạng thô đến sơ chế, chế biến) đáp ứng nhu cầu thị hiếu.
+ Thay đổi hoặc mở rộng thị trường mục tiêu.
+ Nâng cấp và đa dạng hoá phương thức cung cấp nông sản...
1.2. Xây dựng thương hiệu nông sản mới
Xây dựng thương hiệu không là vấn đề mới nhưng trên thực tế xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó cần chú ý một số vấn đề sau đây:
- Tiêu chí chọn mặt hàng nông sản để xây dựng thương hiệu:
+ Chọn sản phẩm có quy mô số lượng lớn, được sản xuất tại một vùng tập trung với năng suất, chất lượng đồng đều và ổn định, phù hợp theo yêu cầu thị trường của người mua và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Giá bán mang tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
+ Tổ chức kênh phân phối phải đảm bảo lợi ích hài hoà, hợp lý.
- Dự kiến thương hiệu nông sản cần xây dựng (lúa gạo, trái cây, thuỷ sản, sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng vùng):
+ Lựa chọn xây dựng 2 thương hiệu lúa gạo cho mô hình cánh đồng lớn Tam Bình, Vũng Liêm và 2 giống lúa có tính chống chịu hạn mặn cao (LH8, LH9…) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm trên các thị trường.
+ Phát triển và mở rộng thêm ít nhất 2 sản phẩm có thế mạnh của vùng, điển hình như: nhãn, sầu riêng, xoài Xiêm Núm Vũng Liêm,…
+ Đối với lĩnh vực thuỷ sản: xây dựng và phát triển thương hiệu cá Điêu hồng, tôm càng xanh… Đây là những giống thuỷ sản nước ngọt có tiềm năng thế mạnh cần được xây dựng thương hiệu vùng nuôi hoặc xây dựng thương hiệu tập thể để xúc tiến sản phẩm vào các siêu thị.
- Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng ít nhất 20 nhãn hiệu hàng hoá cho nông sản, sản phẩm đặc trưng nổi tiếng vùng.
1.3. Xây dựng hệ thống phân phối nông sản an toàn
- Xây dựng mô hình thu gom và cung ứng hàng nông sản tại các vùng nguyên liệu: xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, nhà kho.
- Trang bị kỹ năng maketing và thông tin sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp.
- Xây dựng mạng lưới sản xuất và cung cấp các mặt hàng nông sản sạch trong tỉnh.
- Thành lập điểm cung ứng thông tin thị trường, tư vấn và hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản.
1.4. Tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên đề có liên quan
Từng giai đoạn cụ thể sẽ tổ chức hội thảo, tập huấn chuyên đề có liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sản xuất và kinh doanh nông sản trong tỉnh.
2. Quy mô và lộ trình thực hiện các dự án
Dự án | Nội dung | Số lượng | Giai đoạn 2018-2020 | Giai đoạn 2021-2030 |
Xây dựng thương hiệu nông sản gắn liền với vùng nguyên liệu | - Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo (2 giống lúa chất lượng cao, LH 8, LH 9): Chứng nhận VietGAP, xây dựng nhãn hiệu, truyền thông thương hiệu…. | 4 thương hiệu | 2 | 2 |
- Duy trì và phát triển các vùng nông sản chủ lực: (bưởi, khoai lang, chôm chôm, cam sành, rau ăn lá, thuỷ sản): truyền thông thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu, xây dựng mô hình... | 7 thương hiệu | 6 | 1 | |
- Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu cho nông sản khác (nhãn, sầu riêng, xoài xiêm núm...): xây dựng nhãn hiệu, xây dựng mô hình, truyền thông thương hiệu. | 3 thương hiệu | 1 | 2 | |
Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại nông sản chủ lực và các sản phẩm đặc trưng nổi tiếng vùng | - Tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực maketing cho nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp. | 15 lớp đào tạo | 5 | 10 |
- Tư vấn xây dựng chiến lược thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực | 7 chiến lược | 4 | 3 | |
- Tổ chức diễn đàn, hội chợ, giao thương | 15 cuộc | 5 | 10 | |
- Xây dựng nhãn hiệu hàng hoá cho các mặt hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng nổi tiếng vùng | 30 nhãn hiệu | 10 | 20 | |
Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản chủ lực tỉnh Vĩnh Long | - Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. | 10 hệ thống | 4 | 6 |
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mời gọi doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản đã được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Xây dựng hệ thống đảm bảo mỗi lĩnh vực ngành đều có doanh nghiệp có năng lực để thực hiện quản lý và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sau khi dự án kết thúc. | 20 doanh nghiệp, HTX | 8 | 12 | |
Xây dựng hệ thống phân phối nông sản an toàn | - Xây dựng mô hình thu gom và cung ứng hàng nông sản tại các vùng nguyên liệu: xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, nhà kho. | 15 mô hình | 10 | 5 |
- Trang bị kỹ năng maketing và thông tin sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp | 25 cơ sở | 15 | 10 | |
- Xây dựng mạng lưới sản xuất và cung cấp các mặt hàng nông sản sạch trong tỉnh. | 32 vệ tinh | 22 vệ tinh | 10 vệ tinh | |
- Thành lập điểm cung ứng thông tin thị trường, tư vấn và hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản. | 1 điểm | 1 |
|
Tổng kinh phí thực hiện đề án: 31.850.000.000 đồng
(Ba mươi mốt tỷ, tám trăm năm mươi triệu đồng)
Trong đó:
- Nguồn ngân sách: 20.950.000.000 đồng;
- Nguồn đối ứng: 10.900.000.000 đồng.
* Nguồn ngân sách phân bố cho giai đoạn năm 2018 - 2030 như sau:
+ Giai đoạn: 2018 - 2020: 7.600.000.000đ;
+ Giai đoạn: 2021 - 2025: 6.400.000.000đ;
+ Giai đoạn: 2026 - 2030: 6.950.000.000đ.
1. Tập huấn và thông tin tuyên truyền về Luật Sở hữu trí tuệ mục đích nâng cao nhận thức, kỹ năng về xây dựng và phát triển thương hiệu
- Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng trong công việc duy trì, phát triển và xây dựng thương hiệu. Tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản trên các phương tiện truyền thông, xây dựng pano, phim quảng bá và cơ sở dữ liệu, xây dựng website và phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm nông sản tỉnh Vĩnh Long.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan, các đơn vị thụ hưởng thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức góp phần nâng cao kỹ năng, xây dựng, bảo vệ và khai thác phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hội nhập theo hướng cạnh tranh phát triển;
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, kết nối cung cầu. Công tác này đòi hỏi phải có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở và sự hưởng ứng của nhân dân.
2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng và bảo hộ thương hiệu
- Rà soát chính sách của trung ương, bổ sung chính sách đặc thù của địa phương, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ nông dân sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sản phẩm được sản xuất với quy mô số lượng lớn để đề xuất mối liên kết vùng;
- Đề xuất một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản, vì khi có sự tham gia của doanh nghiệp mới đảm bảo sự thành công;
- Có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội.
3. Về khoa học công nghệ và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất
- Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các nông sản chủ lực được lựa chọn xây dựng thương hiệu. Mở rộng và nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong truy suất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguồn gốc nông sản được xây dựng thương hiệu;
- Áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến một cách đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vận chuyển bảo quản, chế biến…tất cả các khâu cần phải theo một quy trình chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, lúc đó nông sản mới được mang thương hiệu.
- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản và bao bì đóng gói, nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và bền vững môi trường.
- Khuyến khích đổi mới áp dụng công nghệ hỗ trợ nhà kho, sơ chế đóng gói, máy móc, thiết bị trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm mang thương hiệu nông sản.
4. Về sở hữu trí tuệ
- Rà soát, chọn lựa các sản phẩm có thế mạnh để tổ chức và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với hình thức phù hợp cho từng thương hiệu nông sản địa phương; xây dựng hình ảnh đặc trưng của thương hiệu gắn liền với giá trị về lịch sử và đặc thù địa phương;
- Lồng ghép các chương trình dự án phát triển thương hiệu để tăng cường hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực để đăng ký về sở hữu trí tuệ, đăng ký và phát triển thương hiệu địa phương.
5. Xúc tiến thương mại
- Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng đối với nông sản tỉnh Vĩnh Long thông qua các hoạt động XTTM. Lồng ghép các chương trình tổ chức sự kiện của Quốc gia, của khu vực để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các thương hiệu đặc trưng của địa phương, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức cơ hội giao thương trong và ngoài nước; Liên kết vùng, tham gia các cuộc hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo, phát triển kênh phân phối tại các thị trường có tiềm năng. Có chiến lược xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, truyền thông, quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện cho nông sản Vĩnh Long có cơ hội thâm nhập vào các thị trường khó tính, thị trường cao cấp trong và ngoài nước.
- Nâng cao năng lực, phổ biến kiến thức, thông tin về điều ước quốc tế của các sản phẩm khi thâm nhập vào thị trường quốc tế, nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ cho các, doanh nghiệp, HTX… trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
- Xây dựng chính sách giá cạnh tranh và tiến hành quảng bá nông sản trong và ngoài nước thông qua nhiều phương tiện khác nhau như tham dự hội chợ thương mại, xây dựng trang web, quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng,... Tạo dựng phong cách làm ăn có uy tín từ khâu ký kết đến khâu thực hiện hợp đồng và giao hàng.
- Thông qua mối liên kết bốn nhà, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản: Nhà nông đảm bảo quy trình sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác qua các chương trình khuyến nông; nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giống mới chất lượng cao, đề nghị quy trình thực hiện sau thu hoạch một cách khoa học; nhà doanh nghiệp cam kết thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý cho nhà nông.
- Xây dựng sàn giao dịch nông sản. Xây dựng chuỗi giá trị và kênh phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án Phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn 2030;
- Xây dựng kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, kế hoạch năm, kinh phí thực hiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai tổ chức thực hiện;
- Hàng năm tổ chức sơ, tổng kết kết quả thực hiện, xây dựng kế hoạch thực hiện năm tiếp theo. Thực hiện báo cáo định kỳ về UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Phối hợp Sở Khoa học Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương lập dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn.
- Chỉ đạo Trung tâm Thông tin Nông nghiệp Nông thôn triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xây dựng duy trì và phát triển thương hiệu - nông lâm thuỷ sản, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại của ngành hàng nông sản;
- Chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức hình thành các điểm dịch vụ chuyên nghiệp cung cấp ngành hàng nông - lâm - thuỷ sản. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách tiêu thụ và phát triển thương mại nông - lâm - thuỷ sản;
- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: xây dựng các quy trình sản xuất lúa, trái cây, rau màu theo hướng hội nhập, định hướng an toàn bền vững với môi trường; mở rộng phạm vi và quy mô sản xuất;
- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông xây dựng và mở rộng phát triển cánh đồng mẫu lớn theo hướng gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế cao, bền vững với môi trường;
- Chỉ đạo cho Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản định hướng chiến lược đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm trong kinh doanh nông lâm thuỷ sản;
- Chỉ đạo cho Chi cục Thuỷ sản định hướng phát triển xây dựng vùng nguyên liệu các loại cá nước ngọt đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long;
- Chỉ đạo cho Trung tâm giống nông nghiệp định hướng và sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản phù hợp trong xu thế hội nhập.
2. Sở Công thương
- Chủ trì, đẩy mạnh tiến độ phát triển công nghiệp, công tác khuyến công về nông thôn. Quy hoạch, xây dựng, triển khai tổ chức khu vực bán nông sản an toàn tại các chợ hiện hữu. Phát triển mạng lưới điện nông thôn phục vụ sản xuất. Xúc tiến thương mại, liên kết, tìm kiếm các nhà phân phối hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan tham gia tổ chức triển khai thực hiện chương trình XTTM ngành nông - lâm - thuỷ sản Vĩnh Long, tuyên truyền phổ biến các cơ chế, chính sách XTTM.
3. Sở Khoa học và công nghệ
- Chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành có liên quan hướng dẫn các thủ tục chuyên ngành về đăng ký, xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ, thương hiệu nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý…;
- Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, HTX…về bảo hộ sở hữu trí tuệ như: sáng chế, áp dụng công nghệ, trong sản xuất, trong kinh doanh.
4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, phân bổ kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc cấp phát, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán theo quy định.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tham mưu, đề xuất trình cấp thẩm quyền kế hoạch phát triển thương mại ngành nông - lâm - thuỷ sản, hỗ trợ các cơ chế chính sách phát triển cơ sở hạ tầng XTTM nông - lâm - thuỷ sản.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia. Hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã và trang trại ứng dụng đồng bộ, có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật mới, tham gia tốt vào thị trường.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và giới thiệu các đặc sản nông sản có thể mạnh của địa phương để xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương. Xây dựng và củng cố hoạt động các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã đủ mạnh để tham gia thực hiện Đề án.
- Lồng ghép các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Vận động các doanh nghiệp hợp đồng liên kết sản xuất, gia công và tiêu thụ nông sản.
- Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện vay vốn tín dụng phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu các loại sản phẩm chủ lực.
- Hàng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và nhân rộng các điển hình sản xuất theo hướng GAP/GAHP; báo cáo định kỳ và đột xuất về UBND tỉnh./.
KT. GIÁM ĐỐC |
File gốc của Quyết định 590/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030 đang được cập nhật.
Quyết định 590/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2030
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Long |
Số hiệu | 590/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Lữ Quang Ngời |
Ngày ban hành | 2018-03-23 |
Ngày hiệu lực | 2018-03-23 |
Lĩnh vực | Sở hữu trí tuệ |
Tình trạng | Còn hiệu lực |