THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 1 năm 1981 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THI HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ SÁNG KIẾN CẢI TIẾN KỸ THUẬT, HỢP LÝ HOÁ SẢN XUẤT VÀ SÁNG CHẾ
Sáng kiến, sáng chế là hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật gắn liền với quá trình nghiên cứu và sản xuất có tác dụng trực tiếp thúc đẩy kỹ thuật tiến bộ, phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng.
Nghị quyết Đại hội IV của Đảng đã nhấn mạnh vai trò then chốt của cách mạng khoa học kỹ thuật trong giai đoạn cách mạng hiện nay và nghị quyết hội nghị trung ương Đàng lần thứ tư (khoá IV) cũng đã nêu: "Phát động và quản lý tốt phong trào học tập nắm vững kỹ thuật, phong trào phát minh, sáng chế cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nhằm giải quyết những vấn đề do thực tiễn đề ra, phục vụ kịp thời sản xuất, quốc phòng và đời sống". Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1980 đã khẳng định: "Nhà nước khuyến khích nghiên cứu, sáng chế phát minh, chú trọng nghiên cứu ứng dụng" (Điều 43) và "quyền lợi của tác giả và của người sáng chế phát minh được bảo đảm" (Điều 72).
Để thực hiện đường lối của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước, góp phần đẩy mạnh cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật ở nước ta, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế nhằm thể chế hoá quyền sáng tạo khoa học kỹ thuật và các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong hoạt động sáng kiến, sáng chế; quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc quản lý các sáng kiến, sáng chế và trong việc bảo đảm quyền sáng kiến và sáng chế của công dân.
Điều lệ có những nội dung cơ bản như sau:
- Quy định thống nhất các tiêu chuẩn để công nhận một giải pháp là sáng kiến hay sáng chế, xác lập và bảo vệ các quyền liên quan đến sáng kiến, sáng chế, đặc biệt là quyền sở hữu của Nhà nước và quyền tác giả đối với sáng kiến, sáng chế.
- Quy định những thủ tục pháp lý để quản lý sáng kiến, sáng chế, từ khâu đăng ký, xét công nhận, cấp các loại văn bằng (giấy chứng nhận sáng kiến, bằng tác giả sáng chế, bằng sáng chế độc quyền), tổ chức áp dụng, khen thưởng và thông tin sáng kiến, sáng chế.
- Quy định chế độ khen thưởng cho tác giả, cho người hỗ trợ tác giả và những người tổ chức áp dụng sáng kiến, sáng chế; quy định mức thưởng sáng kiến, sáng chế và mở rộng quyền quyết định mức thưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho thủ trưởng các ngành, các cấp khen thưởng kịp thời và khuyến khích thích đáng cho tác giả, cho những người hỗ trợ tác giả và những người tổ chức áp dụng sáng kiến, sáng chế để động viên mọi người hăng hái phát huy và áp dụng sáng kiến, sáng chế.
- Quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tổ chức, chỉ đạo và quản lý hoạt động sáng kiến sáng chế, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống tổ chức của Nhà nước từ trung ương đến cơ sở để quản lý hoạt động này.
Để triển khai việc thi hành điều lệ nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan khác thuộc Hội đồng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và các đơn vị cơ sở thực hiện các việc sau đây:
1. Các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý và đơn vị cơ sở:
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội đề xuất và thực hiện các biện pháp đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế nhằm vào việc giải quyết các nhiệm vụ kinh tế quan trọng và cấp bách của ngành, địa phương, đơn vị cũng như của Nhà nước.
- Hướng hoạt động sáng tạo của mọi người lao động vào việc cải tiến và hoàn thiện sản phẩm công nghệ hiện có hoặc tạo ra các sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả của sản xuất.
Thường xuyên chỉ đạo việc sử dụng các sáng kiến, sáng chế một cách có ké hoạch vào các quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất. Khai thác và sử dụng có sáng tạo những sáng chế của thế giới cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của nước ta.
- Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý sáng kiến, sáng chế với việc tăng cường quản lý kỹ thuật, quản lý sản xuất và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.
- Khuyến khích và giúp đỡ tác giả trong quá trình tạo ra sáng kiến và sáng chế; tạo mọi điều kiện để tác giả tham gia vào việc thử nghiệm và áp dụng sáng kiến, sáng chế của họ.
- Đảm bảo các quyền lợi của tác giả, đặt biệt là quyền được nhận tiền thưởng. Tiền thưởng cho tác giả thực chất là tiền thù lao trả cho lao động sáng tạo, vì vậy khi đã xác định đúng lợi ích thu được do việc áp dụng sáng kiến, sáng chế thì phải trả thưởng cho tác giả theo đúng quy định của điều lệ.
- Xây dựng và củng cố bộ máy quản lý sáng kiến, sáng chế trong hệ thống quản lý khoa học và kỹ thuật từ Bộ, ngành, địa phương đến đơn vị cơ sở. Bố trí những cán bộ có năng lực đảm nhiệm công tác này.
2. Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước:
- Tổ chức và quản lý thống nhất hoạt động sáng kiến và sáng chế trong phạm vi cả nước. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong việc bảo hộ bằng pháp lý các sáng kiến, sáng chế và các quyền tác giả, quyền sở hữu sáng kiến, sáng chế của công dân Việt Nam và người nước ngoài.
- Hướng dẫn và kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương tổ chức và phát triển hoạt động sáng kiến, sáng chế. Trước mắt tập trung chỉ đạo hoạt động sáng kiến, sáng chế trong một số ngành kinh tế - kỹ thuật và địa phương trọng điểm.
- Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương về phương pháp luận đánh giá trình độ của kỹ thuật mới, đánh giá hoạt động của các viện nghiên cứu, thiết kế trên cơ sở những sáng chế được tạo ra và áp dụng.
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, đặc biệt là công đoàn và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, giáo dục động viên quần chúng tham gia tích cực các hoạt động sáng kiến, sáng chế, xây dựng các phương thức hoạt động thích hợp và các chỉ tiêu thi đua cho phong trào phát huy và áp dụng sáng kiến, sáng chế, trong việc tham gia kiểm tra, giám sát hoặc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của quần chúng.
- Xây dựng, tổ chức và khai thác một cách có hiệu quả của hệ thống thông tin sáng chế, bao gồm thư viện sáng chế trung ương, kho tư liệu sáng chế ở các ngành và một số địa phương, hệ thống thông tin giữa các ngành và địa phương và những sáng kiến, sáng chế quan trọng đã áp dụng; thông báo cho các Bộ, ngành, địa phương những sáng chế quan trọng trong nước và của nước ngoài để sử dụng trong kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật và kế hoạch đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
- Tổ chức đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý sáng kiến, sáng chế ở trung ương và địa phương.
- Xuất bản thông báo về sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá và các tư liệu có liên quan đến hoạt động sáng kiến, sáng chế.
3. Bộ Nông nghiệp cùng với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành chế độ đăng ký, xét và cấp bằng, tổ chức áp dụng và khen thưởng liên quan đến các giống cây và giống con gia súc mới và hướng dẫn việc áp dụng điều lệ này trong khu vực hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
4. Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước cùng với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước qui định chế độ khen thưởng sáng kiến, sáng chế làm thay đổi phương án thiết kế, thi công các công trình xây dựng.
5. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cùng với Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước ban hành chế độ đăng ký, xét nghiệm và cấp bằng cho những sáng kiến, sáng chế liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
6. Bộ Tài chính cùng với Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn việc lập dự trù kinh phí, hạch toán, quyết toán các khoản chi cho hoạt động sáng kiến, sáng chế ở các ngành, các cấp; phương pháp tính toán hiệu quả kinh tế và trả thưởng, đồng thời nghiên cứu việc thành lập quỹ riêng cho hoạt động sáng kiến, sáng chế ở các cấp trên cơ sở hạch toán tiền làm lợi thu được do áp dụng sáng kiến, sáng chế, quy định lệ phí mà người nước ngoài phải nộp khi họ xin đăng ký sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá vào Việt Nam và việc sử dụng các khoản lệ phí này.
7. Bộ Ngoại thương và phòng thương mại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước tổ chức việc đăng ký sở hữu công nghiệp (sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá) của người nước ngoài vào Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của nước Việt Nam ở nước ngoài trong các quan hệ kinh tế - kỹ thuật đối ngoại.
8. Tổng cục Thống kê cùng với Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước sửa đổi hoặc ban hành mới những biểu mẫu thống kê, báo cáo về hoạt động sáng kiến, sáng chế cho phù hợp với yêu cầu tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào chỉ thị này vạch kế hoạch và biện pháp thực hiện, đống thời trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc các cơ quan thuộc quyền trong việc thực hiện chỉ thị này.
| Tố Hữu (Đã ký) |
File gốc của Chỉ thị 20-TTg năm 1981 thi hành Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 20-TTg năm 1981 thi hành Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 20-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Tố Hữu |
Ngày ban hành | 1981-01-23 |
Ngày hiệu lực | 1981-02-07 |
Lĩnh vực | Sở hữu trí tuệ |
Tình trạng | Đã hủy |