BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2008/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 05 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày đăng Công báo.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Quy định này quy định vùng cấm, vùng hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất; việc bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm hiện trường, khai thác nước dưới đất, hoạt động xây dựng, khoáng sản và các hoạt động khác liên quan đến nguồn nước dưới đất.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hộ gia đình trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có các hoạt động liên quan tới nguồn nước dưới đất.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động bảo vệ nước dưới đất là hoạt động phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu tới số lượng, chất lượng, giữ cho nguồn nước dưới đất không bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt; phục hồi, cải thiện nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước dưới đất.
2. Ô nhiễm nguồn nước dưới đất là sự biến đổi chất lượng nguồn nước dưới đất về thành phần vật lý, hóa học, sinh học làm cho nguồn nước không còn phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho phép áp dụng.
3. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất là sự suy giảm về số lượng và chất lượng nguồn nước dưới đất so với trạng thái tự nhiên của nó hoặc so với trạng thái của nó quan trắc được trong các thời gian trước đó.
4. Quan trắc nước dưới đất là quá trình đo đạc, theo dõi một cách có hệ thống về mực nước, lưu lượng và các chỉ tiêu chất lượng của nguồn nước dưới đất nhằm cung cấp thông tin phục vụ việc đánh giá hiện trạng, diễn biến số lượng, chất lượng và các tác động khác đến nguồn nước dưới đất.
Điều 4. Nguyên tắc bảo vệ nước dưới đất
1. Bảo vệ nước dưới đất phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất; gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên khác có liên quan; hoạt động bảo vệ nước dưới đất ở mỗi địa phương phải gắn với bảo vệ nước dưới đất của các địa phương liền kề và phù hợp với đặc điểm tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng trong từng giai đoạn.
2. Bảo vệ nước dưới đất phải được thực hiện ngay từ khâu lập các quy hoạch phát triển và trong quá trình nghiên cứu, lập các dự án đầu tư có liên quan đến khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất hoặc có các hoạt động ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất.
3. Bảo vệ nguồn nước dưới đất phải lấy phòng ngừa làm chính, kết hợp với việc khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đối với các tầng chứa nước quan trọng và tại các khu vực nhạy cảm; chú trọng bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung.
4. Bảo vệ nước dưới đất là quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất phải có nghĩa vụ khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do mình gây ra và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất, hành nghề khoan nước dưới đất trái với các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
2. Chôn lấp chất thải vào các lỗ khoan, giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình thu nước dưới đất khác.
3. Thải nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường tràn lan trên mặt đất, xuống giếng thấm, ao thấm, hồ thấm, mương thấm và không đúng nơi quy định.
4. Đưa nước thải, chôn lấp các chất độc, chất phóng xạ, xác động vật dịch bệnh và chất thải nguy hại khác vào trong các tầng chứa nước hoặc vào trong lòng đất không đúng quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
5. Hủy hoại nguồn nước dưới đất; che dấu hành vi hủy hoại nguồn nước dưới đất, cản trở hoạt động bảo vệ nước dưới đất, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng đối với số lượng, chất lượng nguồn nước dưới đất.
6. Không trám, lấp giếng theo quy định của pháp luật.
7. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
VÙNG CẤM, VÙNG HẠN CHẾ XÂY DỰNG MỚI CÔNG TRÌNH KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Điều 6. Vùng cấm xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất
1. Vùng cấm xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất, tăng lưu lượng của các công trình khai thác nước dưới đất hiện có (sau đây gọi tắt là vùng cấm khai thác) là vùng thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vùng có mực nước dưới đất bị hạ thấp vượt quá giới hạn cho phép;
b) Vùng có tổng lượng nước dưới đất được khai thác vượt quá trữ lượng có thể khai thác;
c) Vùng nằm trong phạm vi khoảng cách không an toàn môi trường đối với các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;
d) Vùng bị sụt lún đất, biến dạng công trình, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng do khai thác nước dưới đất gây ra;
đ) Vùng cấm khai thác khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
2. Căn cứ mức độ nguy hại, ngoài việc cấm xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất và tăng lưu lượng của các công trình khai thác nước dưới đất hiện có, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể quyết định:
a) Giảm lưu lượng khai thác hoặc số lượng công trình khai thác nước dưới đất hiện có, đối với trường hợp quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều này;
b) Cấm toàn bộ hoạt động khai thác nước dưới đất hoặc giảm số lượng công trình, lưu lượng khai thác nước dưới đất hiện có, đối với trường hợp quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều này.
3. Việc thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này phải có lộ trình, bảo đảm không gây gián đoạn việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất. Tổ chức, cá nhân có công trình khai thác thuộc diện phải trám lấp, phải thực hiện việc trám lấp giếng theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 9 năm 2007 ban hành Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng (sau đây gọi chung là Quyết định số 14).
4. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này gồm:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên và đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất;
b) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định đối với các trường hợp chung quy định tại điểm a Khoản này.
Điều 7. Vùng hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất
1. Vùng hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất (sau đây gọi tắt là vùng hạn chế khai thác) là vùng liền kề với vùng cấm khai thác nước dưới đất quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này hoặc vùng thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vùng có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và hạ thấp gần tới giới hạn cho phép;
b) Vùng có tổng lượng nước khai thác gần đạt tới trữ lượng có thể khai thác;
c) Vùng có nguy cơ sụt lún đất, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm nguồn nước do khai thác nước dưới đất gây ra;
d) Vùng nằm trong các đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã có hệ thống cấp nước tập trung và chất lượng dịch vụ cấp nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng;
đ) Vùng có nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm nhưng chưa có giải pháp công nghệ xử lý bảo đảm chất lượng;
e) Vùng hạn chế khai thác khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
2. Trong vùng hạn chế khai thác, chỉ được tăng lưu lượng khai thác của các công trình hiện có hoặc xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất mới để phục vụ cấp nước ăn uống, sinh hoạt, hoặc cấp nước cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ít tiêu tốn nước, có hiệu quả kinh tế cao và phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Tổng lượng nước dưới đất khai thác nhỏ hơn trữ lượng có thể khai thác;
b) Không làm tăng nguy cơ gây sụt lún, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất trong vùng hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng khai thác nước dưới đất của các công trình khai thác nước dưới đất liền kề hiện có;
c) Phù hợp với quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Trường hợp quy định tại điểm d và đ khoản 1 Điều này, ngoài các quy định tại khoản 2 còn hạn chế việc xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ hoặc khoan giếng phục vụ cấp nước trong phạm vi hộ gia đình. Trường hợp đặc biệt thì phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương.
Điều 8. Căn cứ xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất
Căn cứ xác định các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất gồm:
1. Điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu, tập quán sử dụng nước và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương và các quy định tại Điều 6, 7 của Quy định này;
2. Mức độ hạ thấp mực nước, diễn biến mực nước dưới đất của từng tầng chứa nước trong vùng; giới hạn mực nước hạ thấp cho phép; trữ lượng có thể khai thác của từng tầng chứa nước và của cả vùng;
3. Chất lượng nước và xu thế biến đổi chất lượng nguồn nước dưới đất; các sự cố bất thường về chất lượng nước và môi trường liên quan tới việc khai thác nước dưới đất; những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất;
4. Số lượng công trình, lưu lượng khai thác thực tế của từng công trình và của cả vùng; mật độ công trình khai thác thực tế trong vùng; kế hoạch, lộ trình giải quyết nhu cầu sử dụng nước của các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, hoạt động trong vùng;
5. Quy mô, mức độ, phạm vi, tính chất nguy hại của chất thải ở các nguồn thải, các bãi chôn lấp chất thải, xác động vật; đặc tính thấm nước của các lớp đất đá tại khu vực nguồn thải và nơi chôn lấp chất thải; các biện pháp bảo vệ nguồn nước dưới đất, môi trường đã được áp dụng;
6. Hiện trạng hệ thống cấp nước và nhu cầu sử dụng nước trong vùng.
Điều 9. Trình tự, thủ tục xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất
1. Điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tài nguyên và Môi trường) tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác theo quy định tại Điều 8 của Quy định này; lập danh mục và bản đồ khoanh vùng phạm vi từng vùng cấm, vùng hạn chế khai thác (sau đây gọi chung là bản đồ phân vùng khai thác) trên địa bàn.
b) Nội dung danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác gồm:
- Danh sách và vị trí địa lý, diện tích, phạm vi hành chính của từng vùng cấm, hạn chế;
- Chiều sâu hoặc tầng chứa nước cấm, hạn chế khai thác trong từng vùng; các tầng chứa nước hoặc phạm vi chiều sâu không bị cấm, hạn chế đối với trường hợp có nhiều tầng chứa nước mà chỉ cấm, hạn chế khai thác ở một số tầng;
- Những số liệu, căn cứ chính để xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác theo quy định tại Điều 8 của Quy định này;
- Danh sách các công trình khai thác nước dưới đất hiện có, chiều sâu khai thác, lưu lượng, phạm vi cấp nước, mục đích cấp nước, số người dùng nước trong từng vùng cấm, hạn chế khai thác;
- Phương án, lộ trình giảm lưu lượng, số lượng công trình khai thác nước dưới đất hiện có và phương án giải quyết nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.
c) Bản đồ phân vùng khai thác:
Bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất phải được lập trên nền bản đồ tài nguyên nước dưới đất, thể hiện phạm vi hành chính, có tỷ lệ phù hợp với quy mô, phạm vi của từng địa phương và phải thể hiện các thông tin chủ yếu của mỗi vùng như sau:
- Cao độ, chiều sâu mực nước của các tầng chứa nước;
- Ranh giới mặn - nhạt của các tầng chứa nước (nếu có);
- Vị trí, tên, ranh giới phạm vi các nguồn ô nhiễm chính trong khu vực (nếu có);
- Ranh giới phạm vi vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất;
- Giới hạn chiều sâu hoặc tên các tầng chứa nước cấm, hạn chế khai thác; các tầng chứa nước hoặc phạm vi chiều sâu không cấm, hạn chế khai thác (nếu có)
2. Thẩm định, phê duyệt, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả điều tra, danh mục, bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất để tổ chức thẩm định và gửi Cục Quản lý tài nguyên nước để lấy ý kiến.
b) Nội dung thẩm định bao gồm:
- Căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học, thực tiễn của việc cấm, hạn chế khai thác ở từng vùng;
- Tính đầy đủ, chính xác của thông tin, dữ liệu, số liệu làm căn cứ để xác định các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác;
- Tính hợp lý, khả thi của các phương án, lộ trình đề xuất;
- ảnh hưởng của việc cấm, hạn chế khai thác đối với việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất trong vùng.
c) Thời hạn thẩm định không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
d) Căn cứ kết quả thẩm định và ý kiến của Cục Quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh danh mục và bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất (nếu có yêu cầu) trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt;
đ) Trong thời hạn không quá 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi văn bản phê duyệt tới Cục Quản lý tài nguyên nước và công bố danh mục, bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, thông báo tới Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt.
3. Điều chỉnh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác:
a) Vùng cấm, vùng hạn chế khai thác được xem xét, điều chỉnh định kỳ 5 (năm) năm một lần hoặc khi có một trong các trường hợp sau:
- Có sự thay đổi lớn về các căn cứ xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác quy định tại Điều 8 của Quy định này;
- Có sự kiến nghị điều chỉnh của Uỷ ban nhân dân cấp huyện liên quan hoặc đa số tổ chức, cá nhân trong vùng.
b) Nội dung điều chỉnh danh mục và bản đồ phân vùng khai thác phải dựa trên kết quả phân tích, đánh giá những yếu tố, căn cứ xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác ảnh hưởng đến việc điều chỉnh và phải bảo đảm tính kế thừa;
c) Việc lập, thẩm định, phê duyệt và công bố nội dung điều chỉnh danh mục vùng cấm, hạn chế khai thác và bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất thực hiện theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.
BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG KHOAN, ĐÀO, THÍ NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG
Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công các lỗ khoan, giếng khoan (sau đây gọi chung là giếng khoan) trong hoạt động điều tra khảo sát, nghiên cứu, thăm dò, khai thác, quan trắc nước dưới đất; điều tra khảo sát, nghiên cứu, thăm dò khoáng sản; điều tra, khảo sát, thi công nền móng, xây dựng công trình ngầm, tháo khô mỏ, hố móng phải bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ nguồn nước dưới đất như sau:
1. Phải chống ống tạm thời với chiều sâu tối thiểu là 3m; miệng ống chống cao hơn mặt đất xung quanh miệng giếng tối thiểu 0,2m và phải bảo vệ, duy trì trong suốt quá trình thi công và thực hiện các nhiệm vụ trong giếng khoan;
2. Xung quanh thành lỗ khoan và ống chống tạm thời phải được chèn cách ly bằng đất sét tự nhiên hoặc vật liệu có tính chất thấm nước tương đương. Trong phạm vi bán kính tối thiểu 1m xung quanh miệng giếng khoan phải gia cố, tôn cao bằng đất sét tự nhiên hoặc các vật liệu chống thấm khác để ngăn ngừa nước bẩn từ trên mặt đất chảy trực tiếp vào giếng khoan hoặc thấm qua thành, vách lỗ khoan vào tầng chứa nước;
3. Không dùng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại, phụ gia chứa hóa chất gây ô nhiễm để làm dung dịch khoan hoặc pha trộn dung dịch khoan và đưa vào lỗ khoan dưới bất cứ hình thức nào; không để nhiên liệu, dầu mỡ rò rỉ làm ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực giếng khoan;
4. Bảo đảm sự ổn định của môi trường đất xung quanh khu vực giếng khoan trong suốt quá trình khoan giếng, thực hiện công việc nghiên cứu, thí nghiệm trong giếng khoan hoặc trong quá trình sử dụng giếng khoan;
5. Trường hợp giếng khoan có thời gian hoạt động từ 2 năm trở lên thì phải thực hiện việc chống ống và trám cách ly bảo đảm ngăn chặn nước từ trên mặt đất xâm nhập vào các tầng chứa nước hoặc nước của các tầng chứa nước có chất lượng khác nhau lưu thông qua thành giếng khoan đó;
6. Trường hợp gây sự cố sụt, lún đất, mất nước nghiêm trọng và các sự cố bất thường khác thì phải kịp thời xử lý, khắc phục ngay đồng thời thông báo tới chính quyền địa phương và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi xảy ra sự cố;
7. Các giếng khoan bị hỏng, bị hủy bỏ trong quá trình thi công hoặc không có kế hoạch sử dụng phải được xử lý, trám lấp theo Quyết định số 14.
Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất phải thực hiện các quy định tại Điều 10 của Quy định này và các yêu cầu sau:
1. Việc thiết kế giếng khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, hoặc có giấy đăng ký hoạt động kinh doanh, có quyết định thành lập, trong đó có nội dung hoạt động tư vấn thiết kế về khoan giếng hoặc địa chất thuỷ văn thực hiện;
2. Việc thi công các giếng khoan khai thác nước dưới đất phải do các tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước thực hiện;
3. ống chống, ống lọc lắp đặt các loại giếng khoan khai thác nước dưới đất phải là loại ống chuyên dùng cho giếng khoan khai thác nước dưới đất, có ghi rõ ký mã hiệu, tiêu chuẩn và tên nhà sản xuất; có độ dầy và các chỉ tiêu cơ lý, hóa học phù hợp với các đặc điểm địa tầng, chiều sâu, đường kính, thời gian sử dụng và đặc tính ăn mòn hóa học của đất, nước tại nơi lắp đặt giếng; bảo đảm sự ổn định của giếng khoan trong suốt thời gian sử dụng;
4. Miệng ống giếng phải được lắp đặt cao hơn mặt đất hoặc sàn nhà bơm ít nhất là 0,3m hoặc cao hơn mực nước lũ trung bình hằng năm đối với vùng thường xuyên bị lũ, lụt; phần mặt đất trong phạm vi bán kính ít nhất 1,5m xung quanh miệng giếng khoan phải tôn cao, đổ bê tông hoặc xây, trát, láng vữa xi măng để phòng, tránh nước bẩn xâm nhập vào tầng chứa nước;
5. Phải có bản vẽ thiết kế cấu trúc giếng khoan và phương án thi công giếng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định cùng với hồ sơ xin cấp phép (nếu thuộc trường hợp phải xin phép) hoặc được lập trước khi thi công, có xác nhận của chủ giếng và tổ chức, cá nhân thiết kế giếng (nếu không thuộc trường hợp phải xin phép). Bản vẽ thiết kế cấu trúc giếng khoan và phương án thi công phải thể hiện các nội dung chủ yếu sau:
a) Cột địa tầng và mô tả địa tầng, chiều sâu phân bố của từng lớp đất đá tại vị trí khoan giếng; loại, đường kính, chiều dày, chiều sâu của từng đoạn ống chống, ống lọc; kích thước, vị trí lắp đặt của các bộ định tâm cột ống chống (nếu có);
b) Chiều sâu, chiều dầy, loại và kích thước vật liệu lọc của từng đoạn lắp đặt vật liệu lọc;
c) Chiều sâu, chiều dầy, vật liệu trám của từng đoạn trám cách ly của giếng khoan;
d) Lưu lượng khai thác và dự kiến độ sâu mực nước tĩnh, mực nước động lớn nhất; sơ đồ lắp đặt thiết bị khai thác và thiết bị quan trắc mực nước, giám sát lưu lượng khai thác của giếng;
đ) Kích thước của phần bê tông bảo vệ miệng giếng khoan và cao độ miệng giếng;
e) Tên chủ giếng và tổ chức, cá nhân thiết kế giếng;
g) Nêu rõ biện pháp thi công các lớp vật liệu lọc, các đoạn trám cách ly và cách thức kiểm tra, kiểm soát.
6. Các đoạn trám cách ly quy định tại điểm c khoản 5 Điều này phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Đoạn chiều sâu ít nhất 5m tính từ mặt đất phải được trám bằng vữa xi măng;
b) Đoạn chiều sâu tiếp theo đến mái của tầng chứa nước khai thác hoặc đến đỉnh của lớp đá, hoặc đến đỉnh của lớp vật liệu lọc phải được trám bằng hỗn hợp vữa xi măng, vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit;
c) Trường hợp đường kính lỗ khoan lớn hơn 250mm so với đường kính ngoài lớn nhất của ống chống lắp đặt trong đoạn đó, hoặc giếng khoan khai thác có đường kính ống chống nhỏ hơn 60mm và chiều sâu giếng không quá 30m thì có thể sử dụng vật liệu trám là sét tự nhiên dạng viên có kích thước không lớn hơn 0,25 lần chiều dầy của lớp trám;
d) Trường hợp giếng khoan khai thác đồng thời từ 2 tầng chứa nước không liên tục trở lên thì phải thực hiện trám đoạn chiều sâu nằm giữa các tầng chứa nước đó theo quy định tại điểm b Khoản này;
đ) Chiều dầy lớp trám không nhỏ hơn 30mm, nếu đường kính ống nhỏ hơn 60mm hoặc không nhỏ hơn 50mm đối với các trường hợp khác.
7. Vật liệu sử dụng để lắp đặt giếng khoan phải được tập kết, bảo quản ở nơi khô ráo, cách xa các nguồn nhiễm bẩn, không mang theo các hóa chất nguy hại, vi khuẩn gây bệnh vào trong giếng. Trường hợp sử dụng hóa chất để ngâm, rửa giếng khoan phải được sự chấp thuận của cơ quan cấp phép hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước ở địa phương;
8. Kết thúc quá trình thi công phải có báo cáo kết quả thi công gửi cơ quan cấp phép theo quy định (nếu thuộc trường hợp phải xin phép) hoặc bản vẽ hoàn công có xác nhận của tổ chức, cá nhân thi công khoan giếng gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đặt giếng (nếu thuộc trường hợp không phải xin phép). Báo cáo kết quả thi công phải nêu rõ các kết quả thực tế đã thi công theo nội dung quy định tại khoản 5 Điều này.
Tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công giếng khoan khác và giếng đào phải thực hiện các quy định tại Điều 10 của Quy định này và các yêu cầu sau:
1. Đối với giếng khoan thăm dò, giếng khoan tháo khô mỏ, hố móng và giếng khoan thuộc các dự án điều tra, nghiên cứu, đánh giá tài nguyên nước dưới đất:
a) Trường hợp giếng khoan được sử dụng làm giếng khoan khai thác nước dưới đất, quan trắc lâu dài hoặc giếng khoan có thời gian sử dụng từ 2 (hai) năm trở lên thì thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Quy định này.
b) Trường hợp giếng khoan không quy định tại điểm a Khoản này thì phải trám cách ly đoạn chiều sâu từ miệng giếng đến mái của tầng chứa nước, đến đỉnh của lớp đá hoặc đến đỉnh của lớp vật liệu lọc, nếu thời gian sử dụng giếng từ 1 (một) năm đến dưới 2 (hai) năm; hoặc trám cách ly đoạn chiều sâu tối thiểu 5m, tính từ mặt đất, nếu thời gian sử dụng giếng từ 6 (sáu) tháng đến dưới 1 (một) năm.
2. Đối với giếng khoan khảo sát địa chất công trình, giếng khoan thuộc các dự án nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò địa chất và khoáng sản và giếng khoan khác:
a) Trường hợp giếng khoan có thời gian sử dụng từ 2 (hai) năm trở lên, thì thực hiện việc trám cách ly giếng khoan theo quy định tại khoản 6 Điều 11 của Quy định này;
b) Trường hợp giếng khoan không quy định tại điểm a Khoản này thì phải trám cách ly đoạn chiều sâu tối thiểu 5m tính từ mặt đất.
3. Đối với giếng đào phục vụ cấp nước sinh hoạt:
a) Phải đặt giếng ở vị trí thoát nước thuận tiện, cách xa chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh, hố rác và các nguồn gây ô nhiễm khác với khoảng cách không nhỏ hơn 10m.
b) Thành giếng phải cao hơn mặt đất tối thiểu 0,5m và bảo đảm cách ly không cho nước từ trên mặt đất chảy vào giếng và phải có nắp đậy.
Điều 13. Yêu cầu bảo vệ nguồn nước dưới đất trong việc thực hiện các thí nghiệm trong giếng khoan
1. Thí nghiệm trong giếng khoan phải được thiết kế trong các đề án, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, hồ sơ kỹ thuật thi công công trình, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quá trình thực hiện thí nghiệm phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước và môi trường.
2. Trường hợp xảy ra các sự cố sụt lún đất, rạn nứt nhà cửa, công trình xây dựng xung quanh phải xử lý, khắc phục ngay đồng thời thông báo đến chính quyền địa phương và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi xảy ra sự cố
3. Hoá chất, chất phóng xạ sử dụng trong quá trình thí nghiệm phải nằm trong danh mục cho phép sử dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ những quy định về an toàn có liên quan.
4. Không được đưa nước thải, nước có chứa chất độc hại vào trong giếng khoan
5. Trường hợp thí nghiệm bơm hút nước, ngoài quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này còn phải thực hiện các quy định sau:
a) Nước bơm lên phải được thu gom, dẫn cách xa miệng giếng khoan ít nhất 10m, không gây ngập úng và ảnh hưởng tới môi trường xung quanh;
b) Không gây hạ thấp mực nước quá mức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác của các công trình khai thác nước dưới đất lân cận;
c) Trường hợp lượng bùn, cát trong nước bơm lên không bình thường hoặc làm chết cây cối phải dừng bơm, xử lý khắc phục ngay đồng thời thông báo đến chính quyền địa phương và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi xảy ra sự cố.
BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Điều 14. Bảo vệ nguồn nước dưới đất trong quá trình khai thác
Trong quá trình khai thác nước dưới đất, chủ công trình phải thực hiện các yêu cầu sau:
1. Chủ động giữ gìn vệ sinh xung quanh giếng khai thác và thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước dưới đất qua giếng khoan khai thác;
2. Xác định và bảo vệ vùng phòng hộ vệ sinh cho từng giếng khoan khai thác theo quy định tại Điều 15 của Quy định này;
3. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến lưu lượng, mực nước, chất lượng nguồn nước tại giếng khai thác; thực hiện việc quan trắc theo quy định tại Điều 16 và báo cáo theo quy định tại Điều 17 của Quy định này, đối với trường hợp phải xin phép;
4. Phát hiện, xử lý, khắc phục các hiện tượng, sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong giếng khai thác và các sự cố về môi trường do hoạt động khai thác của mình gây ra đồng thời báo cáo kịp thời tới chính quyền địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi xảy ra sự cố và tới cơ quan cấp phép đối với trường hợp đã được cấp giấy phép;
5. Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích
6. Xử lý, trám lấp giếng theo Quyết định số 14, đối với trường hợp giếng khoan phải trám lấp;
7. Thực hiện các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Điều 15. Vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất
Chủ công trình khai thác nước dưới đất phải xác định vùng bảo hộ vệ sinh của từng giếng, từng điểm lộ khai thác nước (sau đây gọi chung là giếng) như sau:
1. Đối với công trình khai thác thuộc diện không phải xin phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước vùng bảo hộ vệ sinh kể từ miệng giếng không nhỏ hơn:
a) 5m, đối với khu vực đô thị;
b) 10m, đối với khu dân cư nông thôn ở vùng đồng bằng;
c) 20m, đối với các trường hợp không quy định tại điểm a và b Khoản này.
Trong vùng này không được bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi thải, kho, bãi chứa hóa chất và các nguồn gây ô nhiễm khác.
2. Đối với công trình khai thác thuộc diện phải xin phép phải thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh bao gồm 2 khu cụ thể như sau:
a) Khu I là phạm vi xung quanh giếng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm tất cả các hoạt động phát sinh ra nguồn gây ô nhiễm. Ranh giới, phạm vi khu I không nhỏ hơn 30m, kể từ miệng giếng;
b) Khu II là khu vực liền kề với khu I, cần phải hạn chế các hoạt động phát sinh nguồn gây ô nhiễm, phá huỷ lớp phủ bảo vệ tầng chứa nước. Ranh giới, phạm vi khu II được xác định cụ thể theo điều kiện địa chất thuỷ văn, lưu lượng khai thác, sơ đồ bố trí công trình khai thác nước và mức độ tự bảo vệ của tầng chứa nước khai thác.
3. Trường hợp vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất có diện tích không thuộc quyền sử đất hợp pháp của chủ công trình khai thác, thì phải có văn bản thoả thuận với chủ sử dụng đất đó trước khi thi công;
4. Vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất quy định tại khoản 2 Điều này được xác định sơ bộ trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò nước dưới đất và được điều chỉnh, xác định cụ thể khi lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác nước dưới đất;
5. Đối với các công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động nhưng chưa lập vùng bảo hộ vệ sinh và điều kiện mặt bằng hiện tại không thể thiết lập được vùng bảo hộ vệ sinh, thì không được gia tăng các hoạt động phát sinh thêm nguồn gây ô nhiễm khu vực xung quanh công trình khai thác.
Điều 16. Quan trắc nguồn nước dưới đất trong quá trình khai thác
1. Chủ công trình khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép phải lắp đặt thiết bị và quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước theo quy định tại khoản 3 Điều này và lập sổ theo dõi diễn biến nguồn nước trong quá trình khai thác.
2. Đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên, ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, chủ công trình còn phải xây dựng giếng quan trắc để giám sát diễn biến nguồn nước dưới đất tại khu vực công trình khai thác như sau:
a) Đối với công trình khai thác có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm đến dưới 5.000m3/ngày đêm, phải xây dựng ít nhất 1 giếng khoan quan trắc;
b) Đối với công trình khai thác có lưu lượng từ 5.000m3/ngày đêm đến dưới 10.000m3/ngày đêm, phải xây dựng ít nhất 2 giếng khoan quan trắc;
c) Đối với công trình khai thác có lưu lượng từ 10.000m3/ngày đêm trở lên, phải xây dựng ít nhất 3 giếng khoan quan trắc;
d) Vị trí, số lượng giếng khoan quan trắc, yếu tố và chế độ quan trắc được xác định tùy theo quy mô công trình khai thác, đặc điểm địa chất thủy văn, điều kiện vệ sinh môi trường và hiện trạng khai thác nước dưới đất ở từng khu vực cụ thể và phải được thiết kế chi tiết trong đề án khai thác nước dưới đất. Vị trí của các giếng quan trắc phải được thể hiện trên cùng bản vẽ sơ đồ bố trí công trình khai thác.
3. Chế độ quan trắc:
a) Quan trắc mực nước ít nhất 6 (sáu) ngày một lần, đối với các tháng mùa mưa và 3 (ba) ngày một lần đối với các tháng mùa khô; thực hiện đồng thời tại tất cả giếng khoan quan trắc (nếu có) và giếng khoan khai thác vào một thời điểm cố định;
b) Quan trắc lưu lượng phải xác định được lượng nước khai thác thực tế của từng giếng khai thác và của cả công trình trong ngày (24 giờ);
c) Lấy mẫu phân tích chất lượng nước được thực hiện đối với từng giếng khai thác, giếng quan trắc (nếu có) vào cùng một thời điểm cố định; số lượng mẫu, chỉ tiêu phân tích và chế độ lấy mẫu được xác định cho từng trường hợp cụ thể tùy theo mục đích sử dụng nước, điều kiện vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước dưới đất và quy mô của công trình khai thác nước, nhưng tối thiểu mỗi giếng được lấy 1 (một) mẫu vào giữa mùa khô và 1 (một) mẫu vào giữa mùa mưa. Số lượng mẫu phân tích và chỉ tiêu phân tích được thể hiện trong đề án khai thác nước dưới đất.
4. Đối với vùng tập trung nhiều công trình khai thác nước dưới đất, vùng hạ thấp mực nước lớn và vùng nằm trong khu vực nhạy cảm về ô nhiễm, thì Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư xây dựng mạng quan trắc giám sát diễn biến tài nguyên nước dưới đất trong vùng đó. Kinh phí xây dựng, vận hành mạng quan trắc được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hoặc nguồn thu thuế, phí sử dụng tài nguyên nước.
Điều 17. Báo cáo hiện trạng nguồn nước và khai thác sử dụng nguồn nước tại công trình khai thác
Chủ công trình khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép phải thực hiện việc báo cáo hiện trạng nguồn nước và khai thác, sử dụng nước tại công trình khai thác nước của mình như sau:
1. Nội dung báo cáo:
a) Các biểu số liệu quan trắc về mực nước thực đo, mực nước lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình tháng và chênh lệch mực nước so với cùng kỳ năm trước ở từng giếng; biểu đồ diễn biến mực nước trong năm.
b) Các biểu số liệu về lưu lượng khai thác trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất của từng giếng, trong từng tháng; tổng lượng nước khai thác sử dụng của từng giếng, trong từng tháng và cả năm; biểu đồ diễn biến lưu lượng khai thác ở từng giếng khoan khai thác và cả công trình;
c) Các biểu số liệu kết quả phân tích chất lượng nước; diễn biến chất lượng nước so với cùng kỳ năm trước ở từng giếng khoan khai thác và cả công trình;
d) Đánh giá chung hiện trạng, diễn biến mực nước, chất lượng nước và lượng nước khai thác nước trong kỳ báo cáo và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
2. Chế độ báo cáo một năm một lần, trước ngày 15 tháng 12 hằng năm. Báo cáo được gửi báo cáo tới:
a) Cục Quản lý tài nguyên nước và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình khai thác nước dưới đất, đối với công trình khai thác nước dưới đất với lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên;
b) Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình khai thác nước dưới đất, đối với trường hợp không quy định tại điểm a Khoản này.
3. Trường hợp phát hiện những diễn biến bất thường về hạ thấp mực nước, suy giảm lưu lượng công trình, gia tăng hàm lượng các thành phần hóa học, vi trùng trong nước hoặc có biểu hiện sụt lún mặt đất, nghiêng lệch, rạn nứt nhà cửa và các hiện tượng bất thường khác, thì chủ công trình khai thác nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho cơ quản lý tài nguyên nước địa phương và cơ quan cấp phép.
BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG, KHOÁNG SẢN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC
Điều 18. Bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động xây dựng
1. Việc quy hoạch phát triển, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp tập trung và làng nghề (sau đây gọi chung là khu xây dựng tập trung), ngoài việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm toàn bộ nước thải phát sinh được thu gom, không thấm, rò rỉ vào lòng đất, được xử lý theo quy định trước khi thải ra ngoài phạm vi khu xây dựng tập trung và kết nối với hệ thống tiêu, thoát nước thải của cả vùng theo quy định
b) Trường hợp trong khu xây dựng tập trung có bố trí công trình khai thác nước dưới đất tại chỗ thì phải bố trí không gian phù hợp để lập vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất theo quy định tại Điều 15 của Quy định này;
c) Không bố trí các cơ sở sản xuất có hoạt động phát sinh các chất độc hại, chất thải nguy hại trong vùng lộ của tầng chứa nước, vùng đá vôi có nhiều hang chứa nước hoặc gần vùng phòng hộ vệ sinh của công trình khai thác nước dưới đất;
d) Trường hợp không thể thực hiện được các nội dung quy định tại điểm c Khoản này, thì phải đánh giá, dự báo các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất, tính toán xác định mức độ, thời gian dịch chuyển của các yếu tố gây ô nhiễm tới công trình khai thác nước dưới đất hoặc tầng chứa nước là đối tượng khai thác chủ yếu của khu vực; xác định khoảng cách an toàn đối với nguồn nước dưới đất và có phương án kiểm soát, giám sát cụ thể.
2. Chỉ sử dụng các vật liệu nằm trong danh mục được phép sử dụng theo quy định của Nhà nước; không dùng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại để trộn vật liệu thi công cọc nhồi hoặc phụt dung dịch gia cố nền móng.
3. Trong quá trình xây dựng phải có các biện pháp thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động xây dựng; không được thải nước thải tràn lan trên mặt đất, nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào lòng đất hoặc chôn lấp chất thải vào tầng chứa nước.
Điều 19. Bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động khoáng sản
Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, ngoài việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, phải thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đối với trường hợp thực hiện các biện pháp tháo khô mỏ:
a) Đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc tháo khô mỏ đối với việc khai thác sử dụng nước của các công trình khai thác nước hiện có trong khu vực; phạm vi, mức độ hạ thấp mực nước, ảnh hưởng đến môi trường và có biện pháp hạn chế, khắc phục;
b) Thu gom, vận chuyển và xử lý nước tháo khô mỏ theo quy định về nước thải. Trường hợp nước tháo khô mỏ có chất lượng phù hợp với các mục đích sử dụng khác thì phải có phương án sử dụng để cấp nước cho các mục đích đó
2. Đối với các hồ, bể chứa hoặc khu vực chứa nước thải, bã quặng và các chất thải lỏng khác, phải được cách ly bằng lớp vật liệu không thấm nước, bảo đảm nước bẩn không thấm trực tiếp vào môi trường đất đá xung quanh và phải có biện pháp thu gom, xử lý nước bẩn thấm, rò rỉ.
Điều 20. Bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khác
1. Đối với hoạt động mai táng: hạn chế tối đa việc bố trí xây dựng mới nghĩa trang tập trung tại vùng lộ của các tầng chứa nước, hoặc vùng lớp đất sét, sét pha có chiều dầy nhỏ hơn 3m.
2. Đối với hoạt động chôn lấp, xử lý chất thải:
a) Không bố trí xây dựng mới khu chôn lấp rác thải, chất thải nguy hại, xử lý các chất độc tại vùng lộ của các tầng chứa nước, vùng có nhiều công trình khai thác nước dưới đất tập trung, quy mô lớn hoặc vùng lớp đất sét, sét pha có chiều dầy nhỏ hơn 5m;
b) Khu vực chôn lấp, xử lý chất thải phải được cách ly hoàn toàn với môi trường đất xung quanh bằng lớp vật liệu không thấm nước;
c) Bố trí hệ thống thu gom, xử lý nước thấm, rò rỉ;
d) Bố trí hệ thông thu gom, thoát nước mưa riêng, không được để nước mưa chảy tràn vào khu vực xử lý, chôn lấp;
đ) Đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của việc chôn lấp, xử lý đối với việc khai thác sử dụng nước của các công trình khai thác nước hiện có trong khu vực và biện pháp giải quyết; xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với nguồn nước dưới đất và thông báo cho nhân dân, chính quyền địa phương.
3. Đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản:
a) Hạn chế việc khai thác nước dưới đất có chất lượng đáp ứng yêu cầu làm nguồn cấp cho ăn uống, sinh hoạt để nuôi trồng thủy sản ở những vùng, khu vực khan hiếm nước sinh hoạt hoặc thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước;
b) Khuyến khích khai thác nước dưới đất mặn, lợ để nuôi, trồng thuỷ sản ở những vùng đã được quy hoạch nuôi, trồng thuỷ sản nước mặn, lợ;
c) Đối với việc nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, lợ trên vùng cát ven biển, vùng đất liền khác có tầng chứa nhạt nằm trên cùng, phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có biện pháp chống thấm ao nuôi bằng vật liệu chống thấm, không được để nước ao nuôi thấm vào tầng chứa nước;
d) Thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thuỷ sản đã hết hạn sử dụng; bao bì đựng thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản sau khi sử dụng; bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về xử lý chất thải, không được chôn lấp vào tầng chứa nước;
4. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp:
a) Hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong vùng lộ của các tầng chứa nước lớn, quan trọng;
b) Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được thu gom, lưu giữ, xử lý theo quy định về xử lý chất thải nguy hại, không được chôn lấp vào tầng chứa nước;
c) Phân, rác, nước thải từ các khu chăn nuôi tập trung phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc được thu gom, chế biến để sử dụng làm phân bón, không được thải tràn trên mặt đất hoặc xả trực tiếp vào nguồn nước,
d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng dịch.
1. Đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất có trước ngày Quy định này có hiệu lực, nếu thuộc trường hợp phải phải xây dựng giếng quan trắc theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Quy định này nhưng chưa có giếng khoan quan trắc, thì trong thời hạn 1 (một) năm, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, chủ công trình khai thác phải hoàn thành việc xây dựng các giếng quan trắc theo quy định.
2. Đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất có trước ngày Quy định này có hiệu lực, nếu thuộc diện phải xin cấp phép nhưng chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng, mực nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Quy định này, thì trong thời hạn 6 (sáu) tháng, kể từ ngày Quy định này có hiệu lực phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị đo lưu lượng, mực nước tại từng giếng khoan khai thác.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, thống kê và kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định tại khoản 1 và 2 Điều này và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý tài nguyên nước chậm nhất 2 (hai) tháng, kể từ ngày hết hạn nêu trên.
1. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
File gốc của Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT về Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 15/2008/QĐ-BTNMT về Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Số hiệu | 15/2008/QĐ-BTNMT |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Công Thành |
Ngày ban hành | 2008-12-31 |
Ngày hiệu lực | 2009-02-07 |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
Tình trạng | Hết hiệu lực |