BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2011/TT-BTP | Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2011 |
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG THỐNG KÊ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 17 tháng 06 năm 2003;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 06 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung thống kê trợ giúp pháp lý như sau:
Thông tư này hướng dẫn về hệ thống chỉ tiêu thống kê trợ giúp pháp lý, các loại biểu mẫu thống kê, công bố, sử dụng thông tin thống kê trợ giúp pháp lý; điều tra thống kê trợ giúp pháp lý; quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thống kê và cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý.
1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh), Chi nhánh thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Chi nhánh trợ giúp pháp lý) và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
2. Văn phòng luật sư, Công ty luật và Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
3. Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan khác theo quy định của pháp luật và theo quy định tại Thông tư này.
HỆ THỐNG CHỈ TIÊU, BIỂU MẪU VÀ CƠ QUAN, TỔ CHỨC THỰC HIỆN THỐNG KÊ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Điều 3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê trợ giúp pháp lý
Căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp xác định danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tư pháp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý gồm 6 chỉ tiêu được đính kèm Thông tư này (phụ lục I).
Điều 4. Các loại biểu mẫu thống kê trợ giúp pháp lý
Danh mục biểu mẫu thống kê định kỳ chính thức và các biểu mẫu về trợ giúp pháp lý được đính kèm Thông tư này (Phụ lục II).
Điều 5. Cơ quan, tổ chức thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý
1. Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý xã/phường/thị trấn.
2. Chi nhánh trợ giúp pháp lý.
3. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh.
4. Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý:
a) Văn phòng Luật sư;
b) Công ty Luật;
c) Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
5. Sở Tư pháp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
6. Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp.
Điều 6. Cơ quan, tổ chức nhận kết quả thống kê trợ giúp pháp lý
1. Chi nhánh trợ giúp pháp lý và Uỷ ban nhân dân cấp xã nhận kết quả thống kê của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Ở những địa phương chưa thành lập Chi nhánh trợ giúp pháp lý thì Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh nhận kết quả thống kê của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
2. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh nhận kết quả thống kê của các Chi nhánh trợ giúp pháp lý.
3. Sở Tư pháp nhận kết quả thống kê của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và của Văn phòng luật sư, Công ty luật và Trung tâm tư vấn pháp luật đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
4. Cục Thống kê tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nhận kết quả thống kê về lượt người được trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp.
5. Cục Trợ giúp pháp lý nhận kết quả thống kê của Sở Tư pháp.
6. Cục Trợ giúp pháp lý giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp gửi Tổng cục Thống kê kết quả thống kê đối với chỉ tiêu thống kê về lượt người được trợ giúp pháp lý.
7. Bộ Tư pháp (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) nhận kết quả thống kê của Cục Trợ giúp pháp lý.
Điều 7. Kỳ hạn và thời hạn gửi kết quả thống kê trợ giúp pháp lý
1. Kỳ hạn thống kê trợ giúp pháp lý
Việc thống kê trợ giúp pháp lý được thực hiện theo kỳ như sau:
a) Thống kê trợ giúp pháp lý 3 tháng (biểu mẫu 1, biểu mẫu 2 và biểu mẫu 3), thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 đến ngày 31 tháng 12;
b) Thống kê trợ giúp pháp lý 6 tháng (từ biểu mẫu 1 đến biểu mẫu 6), thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 31 tháng 3 năm sau;
c) Thống kê trợ giúp pháp lý 9 tháng (biểu mẫu 1, biểu mẫu 2 và biểu mẫu 3), thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 6 năm sau;
d) Thống kê trợ giúp pháp lý năm (từ biểu mẫu 1 đến biểu mẫu 6), thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau.
2. Thời hạn gửi số liệu thống kê
a) Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý gửi kết quả thống kê chậm nhất 10 ngày sau kỳ thống kê;
b) Chi nhánh trợ giúp pháp lý gửi kết quả thống kê chậm nhất 15 ngày sau kỳ thống kê;
c) Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh gửi kết quả thống kê chậm nhất 20 ngày sau kỳ thống kê;
d) Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý gửi kết quả thống kê chậm nhất 20 ngày sau kỳ thống kê;
e) Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi kết quả thống kê chậm nhất 25 ngày sau kỳ thống kê;
g) Cục Trợ giúp pháp lý gửi kết quả thống kê chậm nhất 30 ngày sau kỳ thống kê.
Điều 8. Phương thức thực hiện chế độ thống kê trợ giúp pháp lý
1. Kết quả thống kê trợ giúp pháp lý phải được thể hiện bằng văn bản và thể hiện trên giấy theo mẫu quy định.
Trong trường hợp cần thiết, để kịp thời phục vụ nhiệm vụ đột xuất, cơ quan, tổ chức thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý có thể gửi kết quả thông qua thư điện tử (email) hoặc Fax nhưng chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ ngày gửi thư điện tử hoặc Fax, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải gửi kết quả bằng văn bản về cơ quan nhận kết quả thống kê.
2. Các cột, mục trong biểu mẫu phải được ghi chép và điền đầy đủ, chính xác. Biểu mẫu phải có đầy đủ họ, tên, chữ ký của người lập biểu mẫu, của đại diện theo pháp luật của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và đóng dấu của đơn vị thống kê (nếu có).
Điều 9. Sửa chữa số liệu thống kê trợ giúp pháp lý
Khi cần sửa chữa số liệu thống kê trợ giúp pháp lý, đơn vị gửi kết quả thống kê phải có xác nhận và đóng dấu của người có thẩm quyền của đơn vị nơi lập biểu mẫu thống kê.
ĐIỀU TRA THỐNG KÊ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Điều 10. Điều tra thống kê trợ giúp pháp lý
1. Điều tra thống kê trợ giúp pháp lý được thực hiện để thu thập thông tin thống kê từ các tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau:
a) Điều tra thống kê để thu thập thông tin thống kê từ các tổ chức không phải thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý;
b) Điều tra thống kê để bổ sung thông tin từ các tổ chức có thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý;
c) Điều tra thống kê để thu thập những thông tin từ cá nhân trong trường hợp cần thiết;
d) Điều tra thống kê để thu thập những thông tin thống kê khi có nhu cầu đột xuất.
2. Các cuộc điều tra thống kê được tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Điều 11. Thẩm quyền quyết định điều tra thống kê trợ giúp pháp lý
1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định các cuộc điều tra thống kê được phân công thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia và các cuộc điều tra thống kê của lĩnh vực trợ giúp pháp lý ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia để thu thập thông tin về các chỉ tiêu phục vụ yêu cầu quản lý của lĩnh vực trợ giúp pháp lý nhưng chưa có trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
2. Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch điều tra thống kê trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi đã có ý kiến thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của Tổng cục Thống kê.
Điều 12. Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch điều tra thống kê trợ giúp pháp lý
Kế hoạch điều tra thống kê bao gồm những nội dung chủ yếu như sau: tên các cuộc điều tra, nội dung điều tra, phương án điều tra, thời kỳ, thời điểm tiến hành điều tra, cơ quan tiến hành điều tra (cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp) và dự toán kinh phí bảo đảm thực hiện.
Điều 13. Lập phương án điều tra thống kê và tổ chức hoạt động điều tra thống kê trợ giúp pháp lý
1. Phương án điều tra thống kê của lĩnh vực trợ giúp pháp lý bao gồm mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng, đơn vị điều tra, mẫu phiếu điều tra, phương pháp điều tra, phương pháp tính và tổng hợp các chỉ tiêu điều tra, thời gian tiến hành điều tra, kinh phí và các điều kiện vật chất khác bảo đảm thực hiện, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Cục Trợ giúp pháp lý phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án điều tra thống kê của lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tổng hợp vào Kế hoạch điều tra thống kê chung của Bộ, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê của Tổng cục Thống kê và chủ trì hoặc phối hợp triển khai hoạt động điều tra thống kê sau khi phương án được phê duyệt.
3. Khi có yêu cầu về điều tra thống kê đột xuất, Cục Trợ giúp pháp lý xây dựng phương án điều tra thống kê có trách nhiệm tuân theo các quy định tại khoản 1 Điều này và gửi phương án điều tra tới Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý trước khi gửi Tổng cục Thống kê lấy ý kiến thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ. Trên cơ sở ý kiến của Tổng cục Thống kê và các ý kiến góp ý khác, đơn vị chủ trì hoàn thiện phương án điều tra, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định điều tra đột xuất.
Điều 14. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành điều tra, người thực hiện điều tra thống kê và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê trợ giúp pháp lý
1. Cơ quan tiến hành điều tra thống kê và người thực hiện điều tra thống kê của lĩnh vực trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 15 của Luật Thống kê; phải chịu trách nhiệm về tính khách quan và chính xác của thông tin điều tra, giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân là đối tượng của các cuộc điều tra thống kê của lĩnh vực trợ giúp pháp lý có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 16 của Luật Thống kê, được thông báo về quyết định điều tra thống kê; mục đích yêu cầu, thời hạn của cuộc điều tra thống kê trong thời gian ít nhất là 15 ngày trước khi tiến hành điều tra, trường hợp điều tra đột xuất thời gian nhận được thông báo là 05 ngày trước khi tiến hành điều tra.
3. Trong trường hợp điều tra theo phương pháp gián tiếp, tổ chức cá nhân được điều tra thống kê phải ghi trung thực, đầy đủ theo yêu cầu của phiếu điều tra và gửi đúng hạn cho cơ quan tiến hành điều tra thống kê.
CÔNG BỐ, SỬ DỤNG THÔNG TIN THỐNG KÊ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Điều 15. Công bố thông tin thống kê trợ giúp pháp lý
1. Thẩm quyền công bố: Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc công bố các thông tin thống kê được quy định tại Thông tư này.
2. Hình thức công bố: Thông tin thống kê của lĩnh vực trợ giúp pháp lý được công bố thông qua các hình thức và phương tiện: họp báo, đăng thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Niên giám thống kê và các văn bản chính thức khác của Bộ Tư pháp trên cơ sở phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
3. Thời hạn công bố: Thông tin thống kê năm về trợ giúp pháp lý của cả nước được công bố trước ngày 28 tháng 02 của năm sau.
Điều 16. Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê trợ giúp pháp lý
1. Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Tư pháp ứng dụng công nghệ tin học, xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê trợ giúp pháp lý.
2. Việc cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê trợ giúp pháp lý được thực hiện theo Quy chế cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của Ngành Tư pháp và của Cục Trợ giúp pháp lý.
Điều 17. Sử dụng thông tin thống kê trợ giúp pháp lý
1. Việc trích dẫn, sử dụng thông tin thống kê phải ghi rõ nguồn gốc của thông tin.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở trung ương và địa phương sử dụng thông tin thống kê để theo dõi, chỉ đạo, điều hành về chuyên môn nghiệp vụ, về tổ chức và các mặt công tác khác của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Điều 18. Bảo mật thông tin thống kê trợ giúp pháp lý
Thông tin thống kê phải được giữ bí mật bao gồm:
1. Thông tin thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp được người đó đồng ý cho công bố theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Thống kê năm 2003.
2. Những thông tin thống kê trợ giúp pháp lý đang được thu thập, xử lý, tổng hợp chưa đến kỳ hạn công bố và những thông tin thống kê có trong các tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ tối mật và độ mật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 18/2004/QĐ-TTg ngày 12/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 168/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 24/2/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều 19. Trách nhiệm thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý
Các tổ chức thực hiện thống kê trợ giúp pháp lý có trách nhiệm:
1. Căn cứ vào việc ghi chép tại đơn vị, kết quả thống kê của các đơn vị gửi đến để tổng hợp, lập biểu mẫu kết quả thống kê trợ giúp pháp lý theo quy định;
2. Gửi đầy đủ, đúng biểu mẫu thống kê và đúng thời hạn theo quy định;
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức độ chính xác, đầy đủ, kịp thời của kết quả thống kê.
Điều 20. Trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện
1. Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm chủ động phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn, tập huấn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thống kê và các hoạt động về thống kê đối với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Cục Trợ giúp pháp lý giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tổng hợp thông tin thống kê trợ giúp pháp lý trong toàn quốc bảo đảm chính xác, đầy đủ và kịp thời, trên cơ sở kết quả thống kê của Sở Tư pháp.
2. Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Cục Thống kê, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện thống kê đối với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương.
3. Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh có trách nhiệm tổ chức quán triệt, đôn đốc và kiểm tra đối với Chi nhánh, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương về việc thực hiện chế độ thống kê trợ giúp pháp lý bảo đảm thống kê chính xác, đầy đủ và kịp thời.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2011; bãi bỏ khoản 1 mục II phần B và biểu mẫu số 17 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện những điểm mới phát sinh có trách nhiệm phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để hướng dẫn hoặc bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Thống kê vụ việc trợ giúp pháp lý
1. Nội dung
* Số vụ việc trợ giúp pháp lý là số vụ việc mà Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện cho người được trợ giúp pháp lý khi gặp vướng mắc liên quan đến pháp luật và không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
* Khi tính là một vụ việc trợ giúp pháp lý, cần chú ý:
- Mỗi vụ việc phân theo từng lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý, địa điểm trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý đều được tính là một vụ việc.
- Trong một vụ việc nếu có bao nhiêu người được trợ giúp pháp lý có đơn yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì sẽ tính là bấy nhiêu vụ việc trợ giúp pháp lý. Ví dụ: Trong vụ án cố ý gây thương tích có 4 bị cáo, trong đó có 3 bị cáo là người được trợ giúp pháp lý và họ đều có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý thì sẽ được tính là 3 vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự.
2. Phương pháp tính và cách ghi biểu
2.1. Phương pháp tính:
*Cột 2+cột 3+cột 4 = cột 1
*Cột 5+cột 6+cột 7 = cột 1
*Tổng số vụ việc trong các mục I, II, III, IV của cột B phải luôn luôn bằng nhau.
2.2. Cách ghi biểu mẫu:
- Cột 2- Kỳ trước chuyển qua: Ghi số vụ việc thụ lý trong kỳ trước, nhưng chưa trợ giúp pháp lý hoặc trợ giúp chưa xong, chuyển sang kỳ này thực hiện trợ giúp tiếp.
- Cột 3- Nơi khác chuyển đến: Ghi số vụ việc do Trung tâm trợ giúp pháp lý ở tỉnh khác chuyển đến theo quy định khoản 1 Điều 26 và Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý.
- Cột 4- Phát sinh trong kỳ: Ghi số vụ việc mới được thụ lý trong kỳ này.
- Cột 5- Đã hoàn thành: Ghi số vụ việc đã được trợ giúp pháp lý xong trong kỳ này (bao gồm cả số vụ việc thụ lý trong kỳ trước chuyển qua, nơi khác chuyển đến và số vụ việc mới được thụ lý trong kỳ này nhưng đã được trợ giúp pháp lý xong).
- Cột 6- Chuyển đi nơi khác: Ghi số vụ việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh chuyển đi Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh khác theo quy định khoản 1 Điều 26 và Điều 37 Luật Trợ giúp pháp lý.
- Cột 7- Chuyển sang kỳ sau: Ghi số vụ việc được thụ lý trong kỳ này nhưng chưa trợ giúp hoặc trợ giúp chưa xong phải chuyển sang kỳ sau để trợ giúp tiếp.
3. Nguồn số liệu
- Từ Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;
- Từ Chi nhánh trợ giúp pháp lý;
- Từ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh;
- Từ các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
* Ghi chú: Đối với địa bàn chưa có Chi nhánh trợ giúp pháp lý thì Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý gửi kết quả thống kê đến Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh.
1. Nội dung
Số vụ việc kiến nghị là số vụ việc mà tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý kiến nghị bằng văn bản đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật. Cơ quan nhận được kiến nghị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Phương pháp tính và cách ghi biểu
2.1. Phương pháp tính:
*Cột 3+cột 4+cột 5=cột 2
2.2. Cách ghi biểu:
- Cột 1- Vụ việc đã kiến nghị: Ghi tất cả số vụ việc kiến nghị.
- Cột 2- Tổng số: Ghi tổng số vụ việc kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền trả lời.
- Cột 3- Giải quyết vụ việc: Ghi các vụ việc mà tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có đủ căn cứ cho rằng kết quả giải quyết vụ việc của cơ quan nhà nước đó chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý và đã được cơ quan bị kiến nghị trả lời bằng văn bản.
- Cột 4- Thực thi công vụ: Ghi số vụ việc mà trong quá trình giải quyết vụ việc, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phát hiện cán bộ, công chức nhà nước vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, giải quyết việc thi hành pháp luật của cán bộ, công chức đó.
- Cột 5- Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật: Ghi số vụ việc mà trong quá trình giải quyết vụ việc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn thì kiến nghị bằng văn bản với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đó.
3. Nguồn số liệu
- Từ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh;
- Từ các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Số lượt người được trợ giúp pháp lý
Nội dung
* Số lượt người được trợ giúp pháp lý là số lần người được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
* Để được tính là một lượt người được trợ giúp pháp lý, cần chú ý:
- Mỗi lượt người phân theo từng lĩnh vực trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý, địa điểm trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý đều được tính là một lượt người.
- Trong một kỳ báo cáo, một người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong 01 vụ việc thì tính là 01 lần (tức là 01 lượt người), trong 02 vụ việc thì tính là 02 lần (tức là 02 lượt người).
- Trong một kỳ báo cáo, cùng một người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí 02 lần trong 02 vụ việc thì tính là 02 lượt người được trợ giúp pháp lý).
- Nếu một người thuộc nhiều đối tượng trợ giúp pháp lý khác nhau thì chỉ thống kê theo đối tượng mà người được trợ giúp pháp lý có giấy tờ chứng minh và cung cấp đầu tiên để lưu trong hồ sơ. Ví dụ: một người được trợ giúp pháp lý vừa là người nghèo, vừa là người có công cách mạng khi làm đơn đề nghị trợ giúp pháp lý họ xuất trình giấy tờ là Sổ hộ nghèo thì chỉ thống kê họ là người nghèo.
* Người được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí là người thuộc một trong các đối tượng sau:
- Người nghèo là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ;
- Người có công với cách mạng là người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng; Cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ; con của liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.
- Người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa:
+ Người già được trợ giúp pháp lý là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa;
+ Người tàn tật được trợ giúp pháp lý là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn hoặc là người bị nhiễm chất độc hoá học, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa;
+ Trẻ em được trợ giúp pháp lý là người dưới 16 tuổi không nơi nương tựa.
- Người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Phương pháp tính và cách ghi biểu
*Cột 2+cột 3=cột 1
*Cột 4+cột 5+cột 6+cột 7+cột 8+cột 9+cột 10+cột 11+cột 12+cột 13= cột 1
*Cột 13 ghi người được trợ giúp pháp lý mới bổ sung. Nếu có thêm người được trợ giúp mới nữa thì tiếp tục bổ sung thêm cột vào phía sau cột 13.
*Tổng số vụ lượt người trong các mục I, II, III, IV của cột B phải luôn luôn bằng nhau
3. Nguồn số liệu
- Từ Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý;
- Từ Chi nhánh trợ giúp pháp lý;
- Từ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh;
- Từ các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
* Ghi chú: Đối với địa bàn chưa có Chi nhánh trợ giúp pháp lý thì Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý gửi kết quả thống kê đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh.
Thống kê số lượng viên chức Trung tâm trợ giúp pháp lý
1. Nội dung
*Viên chức là những cán bộ, viên chức công tác tại Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý. Phân theo chức danh, trình độ chuyên môn, giới tính và phân theo dân tộc và nhóm tuổi.
*Trợ giúp viên pháp lý chính là viên chức nhà nước có trình độ cao nhất về chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và Chi nhánh trợ giúp pháp lý, trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng và các vụ việc trợ giúp pháp lý có yếu tố nước ngoài.
Tiêu chuẩn về trình độ Trợ giúp viên pháp lý chính:
- Có bằng Cử nhân luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp viên pháp lý chính;
- Có một ngoại ngữ trình độ B trở lên;
- Có trình độ tin học văn phòng;
- Có thời gian giữ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý hoặc các ngạch tương đương về công tác pháp luật từ chín năm trở lên hoặc có tổng thời gian liên tục giữ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý và các ngạch tương đương về công tác pháp luật từ chín năm trở lên.
*Trợ giúp viên pháp lý là viên chức chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và Chi nhánh trợ giúp pháp lý, trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý ít phức tạp và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý khác theo phân công.
Tiêu chuẩn về trình độ Trợ giúp viên pháp lý:
- Có bằng Cử nhân luật trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;
- Có một ngoại ngữ trình độ B trở lên;
- Có trình độ tin học văn phòng;
- Có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên.
2. Phương pháp tính và cách ghi biểu
*Cột 2+cột 3=cột 1
*Cột 4+cột 5=cột 1
*Tổng số cán bộ, viên chức trong các mục I, II và III của cột B phải luôn luôn bằng nhau
3. Nguồn số liệu
Từ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh.
Thống kê số lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý
1. Nội dung
Cộng tác viên trợ giúp pháp lý là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý mà không thuộc một trong các trường hợp quy định cấm không được làm cộng tác viên thì được Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận cấp thẻ cộng tác viên. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý là người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Không có trình độ chuyên môn (tại điểm 3, mục I, cột B): Là người có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng nhưng không có trình độ chuyên môn luật và trình độ chuyên môn khác ( quy định trong điểm 1 và 2 của mục I) đã hoặc đang là thành viên tổ hoà giải, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, già làng, già bản, trưởng thôn, trưởng các dòng họ, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cơ sở.
2. Phương pháp tính và cách ghi biểu
*Cột 2+cột 3=cột 1
*Cột 4+cột 5=cột 1
*Tổng số cộng tác viên trong các mục I, II, III, IV và V của cột B phải luôn luôn bằng nhau.
3. Nguồn số liệu
Từ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh.
Thống kê tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý
1. Nội dung
Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức hành nghề luật sư (gồm Văn phòng luật sư và Công ty luật), Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là tổ chức tư vấn pháp luật).
2. Phương pháp tính và cách ghi biểu
*Cột 2+cột 3+cột 4=cột 1
*Cột 4+cột 5=cột 1
*Tổng số cộng tác viên trong các mục I, II, III của cột B phải luôn luôn bằng nhau
3. Nguồn số liệu
Từ các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp giúp pháp lý.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
File gốc của Thông tư 02/2011/TT-BTP hướng dẫn thống kê trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 02/2011/TT-BTP hướng dẫn thống kê trợ giúp pháp lý do Bộ Tư pháp ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Số hiệu | 02/2011/TT-BTP |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Đinh Trung Tụng |
Ngày ban hành | 2011-01-13 |
Ngày hiệu lực | 2011-03-01 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Hết hiệu lực |