Skip to content
  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • English
Dữ Liệu Pháp LuậtDữ Liệu Pháp Luật
    • Văn bản mới
    • Chính sách mới
    • Tin văn bản
    • Kiến thức luật
    • Biểu mẫu
  • -
Trang chủ » Văn bản pháp luật » Lĩnh vực khác » Nghị định 27/1999/NĐ-CP
  • Nội dung
  • Bản gốc
  • VB liên quan
  • Tải xuống

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 27/1999/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 1999 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ HẠCH TOÁN KINH DOANH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/CP NGÀY 03 THÁNG 10 NĂM 1996 CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc khoản của "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước" ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 03 tháng 10 năm 1996 như sau:

1. Điều 4 được sửa lại như sau:

''Điều 4. Trong quá trình kinh doanh, khi cần thiết, Nhà nước có thể xem xét đầu tư bổ sung vốn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp phải công bố công khai vốn điều lệ và các trường hợp thay đổi vốn điều lệ.

Ngoài vốn điều lệ, doanh nghiệp phải tự huy động vốn để phát triển kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn. Doanh nghiệp có nghĩa vụ nhận, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn và các nguồn lực được Nhà nước giao, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn về dân sự đối với các hoạt động kinh doanh trước pháp luật trong phạm vi vốn của doanh nghiệp, trong đó có phần vốn Nhà nước giao''.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 của Điều 7 như sau:

''1. Doanh nghiệp được Nhà nước giao vốn thuộc sở hữu Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, bao gồm vốn ngân sách cấp, vốn có nguồn gốc từ ngân sách và vốn do doanh nghiệp tự tích luỹ (nếu có).

2. Đối với doanh nghiệp độc lập tiếp nhận doanh nghiệp khác sáp nhập vào hoặc thành lập lại trên cơ sở hợp nhất hoặc tách từ doanh nghiệp khác, trước khi giao vốn phải xác định rõ những tồn tại về tài chính, nguyên nhân và trách nhiệm của những người liên quan đến các tồn tại đó để xử lý theo chế độ hiện hành. Đối với những tồn tại về tài chính do thực hiện chủ trương của Nhà nước thì doanh nghiệp phải kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Doanh nghiệp thành lập lại và doanh nghiệp tiếp nhận doanh nghiệp khác sáp nhập vào được kế thừa các quyền lợi và thực hiện mọi nghĩa vụ của các doanh nghiệp nhà nước trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách''.

3. Điều 11 được sửa lại như sau:

''Điều 11. Ngoài số vốn Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp nhà nước được quyền huy động vốn dưới các hình thức: Phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, nhận vốn góp liên kết và các hình thức khác. Việc huy động vốn phải tuân theo các quy định của pháp luật, không được làm thay đổi hình thức sở hữu của doanh nghiệp. Khi phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn, phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành''.

4. Điều 13 được sửa lại như sau:

"Điều 13. Doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm bảo toàn vốn Nhà nước giao theo đúng các quy định dưới đây:

1. Thực hiện đúng chế độ quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của Nhà nước;

2. Mua bảo hiểm tài sản theo quy định;

3. Được hạch toán vào chi phí kinh doanh, chi phí hoạt động khác các khoản dự phòng rủi ro sau đây:

a) Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: là khoản giảm giá vật tư, hàng hoá tồn kho dự kiến sẽ xẩy ra trong kỳ kinh doanh tiếp theo;

b) Dự phòng các khoản thu khó đòi: là các khoản phải thu dự kiến không thu được trong kỳ kinh doanh tới do khách nợ không có khả năng thanh toán;

c) Dự phòng các khoản giảm giá chứng khoán trong hoạt động tài chính;

d) Dự phòng các khoản giảm giá giữa đồng Việt Nam so với đồng ngoại tệ.

Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng nêu tại khoản 3 Điều 13 Quy chế này''.

5. Điều 14 được sửa lại như sau:

"Điều 14.

1. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện đánh giá lại tài sản trong các trường hợp sau:

a) Kiểm kê đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

b) Thực hiện cổ phần hoá, đa dạng hóa hình thức sở hữu, chuyển đổi sở hữu;

c) Dùng tài sản để liên doanh, góp vốn cổ phần (đem góp tài sản và khi nhận lại tài sản).

2. Việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản phải theo đúng các quy định của Nhà nước. Các khoản chênh lệch tăng hoặc giảm giá trị do đánh giá lại tài sản được hạch toán tăng hoặc giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp''.

6. Điều 15 được sửa lại như sau:

''Điều 15. Khi bị tổn thất về tài sản, doanh nghiệp phải xác định gía trị đã bị tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

1. Nếu nguyên nhân do chủ quan của tập thể và cá nhân thì người gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) quyết định mức bồi thường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Tài sản đã mua bảo hiểm nếu tổn thất thì xử lý theo Hợp đồng bảo hiểm.

3. Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm, nếu thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí bất thường trong kỳ.

4. Những trường hợp tổn thất đặc biệt do thiên tai hoặc do nguyên nhân khách quan gây thiệt hại nghiêm trọng doanh nghiệp không thể tự khắc phục được thì Hội đồng quản trị, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) lập phương án xử lý tổn thất trình cơ quan tài chính. Sau khi có ý kiến của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, cơ quan tài chính quyết định việc xử lý tổn thất hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định''.

7. Sửa đổi khoản 3 Điều 17 như sau:

''3. Khi doanh nghiệp cho thuê, thế chấp, cầm cố những tài sản là toàn bộ dây chuyền công nghệ chính theo quy định của cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, thì phải được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp đồng ý bằng văn bản''.

8. Sửa đổi khoản 1 Điều 18 như sau:

''1. Doanh nghiệp được chủ động nhượng bán tài sản để thu hồi vốn sử dụng cho mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn. Đối với những tài sản là toàn bộ dây chuyền công nghệ chính theo quy định của cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, khi nhượng bán phải được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp đồng ý bằng văn bản''.

9. Sửa đổi khoản 1 Điều 19 như sau:

''1. Doanh nghiệp được thanh lý những tài sản kém, mất phẩm chất, tài sản hư hỏng không có khả năng phục hồi; tài sản lạc hậu kỹ thuật không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả và không thể nhượng bán nguyên trạng. Đối với những tài sản là toàn bộ dây chuyền công nghệ chính theo quy định của cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, khi thanh lý phải được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp phê chuẩn''.

10. Sửa đổi, bổ sung điểm h (khoản 1) và khoản 2 của Điều 23 như sau:

''h) Các khoản chi phí khác:

Trích lập các khoản dự phòng theo quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 13 của Quy chế này;

Trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Nghị định số 198/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều trong Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động và các văn bản khác của Chính phủ;

Tiền ăn giữa ca của người lao động, thưởng sáng kiến cải tiến, thưởng tiết kiệm vật tư theo hướng dẫn của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính;

Chi phí nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, chi sáng kiến, cải tiến, chi đào tạo lao động, nâng cao tay nghề hay nâng cao năng lực quản lý, chi hỗ trợ giáo dục (nếu có), chi y tế cho người lao động của doanh nghiệp theo chế độ quy định;

Chi phí cho công tác bảo vệ môi trường. Nếu khoản chi lớn và có tác dụng trong nhiều năm thì được phân bổ dần cho các năm sau;

Chi phí cho lao động nữ theo chế độ quy định;

Chi bảo hành sản phẩm. Đối với sản phẩm mà thời gian sản xuất dài, hoặc phải bảo hành trong nhiều năm như các công trình xây dựng, đóng tàu thì doanh nghiệp được phép trích trước vào chi phí hàng năm;

Chi phí về tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế;

Các khoản trích trước đã có sự thoả thuận bằng văn bản của cơ quan tài chính''.

''2. Các chi phí hoạt động khác của doanh nghiệp bao gồm:

Các chi phí cho việc mua bán trái phiếu, cổ phiếu; dự phòng giảm giá các loại chứng khoán; chi phí cho thuê tài sản; chi phí nhượng bán thanh lý tài sản (bao gồm giá trị còn lại của tài sản và các chi phí nhượng bán, thanh lý), chi phí cho hoạt động liên doanh, hợp doanh, góp vốn cổ phần; chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xoá; chi phí để thu tiền phạt; khoản tổn thất tài sản còn lại sau khi đã bù đắp bằng các nguồn theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này;

Chi phí và dự phòng về chênh lệch tỷ giá ngoại tệ: theo quy định của chế độ tài chính hiện hành;

Các chi phí khác''.

11. Điều 24 được sửa lại như sau:

''Điều 24. Không được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí hoạt động khác các khoản sau:

1. Các khoản tiền phạt khi vi phạm pháp luật. Tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật phải nộp các khoản tiền phạt này theo quy định;

2. Các khoản chi không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như chi trợ cấp khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp, chi ủng hộ địa phương, đoàn thể, cơ quan...;

3. Chi phí đi công tác nước ngoài vượt định mức quy định;

4. Các khoản chi do nguồn kinh phí khác đài thọ''.

12. Điều 25 được sửa lại như sau:

"Điều 25. Xác định giá thành sản phẩm và dịch vụ:

1. Giá thành sản xuất của sản phẩm và dịch vụ gồm:

a) Chi phí vật tư trực tiếp: là chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp tạo ra sản phẩm, dịch vụ;

b) Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm: tiền lương, tiền công, các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của công nhân trực tiếp tạo ra sản phẩm và dịch vụ theo quy định của Nhà nước;

c) Chi phí sản xuất chung: là các chi phí sử dụng chung cho hoạt động sản xuất, chế biến của phân xưởng (bộ phận kinh doanh) trực tiếp tạo ra sản phẩm và dịch vụ như: chi phí vật liệu, công cụ lao động nhỏ, khấu hao tài sản cố định thuộc phân xưởng (bộ phận kinh doanh); tiền lương, các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của nhân viên phân xưởng theo quy định (bộ phận kinh doanh), chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền phát sinh ở phân xưởng (bộ phận kinh doanh).

2. Giá thành toàn bộ của sản phẩm, dịch vụ đã tiêu thụ bao gồm:

a) Giá thành sản xuất của sản phẩm, dịch vụ đã tiêu thụ;

b) Chi phí bán hàng: là toàn bộ các chi phí liên quan tới việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, bao gồm cả chi phí bảo hành sản phẩm;

c) Chi phí quản lý doanh nghiệp: là các chi phí cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các chi phí có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí công cụ lao động nhỏ, khấu hao tài sản cố định phục vụ cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp: tiền lương, khoản trích nộp kinh phí quản lý Tổng công ty; chi phí dịch vụ mua ngoài; chi phí khác bằng tiền như chi phí tiếp tân, khánh tiết giao dịch, khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Nghị định số 198/CP ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động; các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng phải thu khó đòi theo quy định tại điểm a, b khoản 3, Điều 13 Quy chế này; các khoản chi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, chi sáng kiến, cải tiến, chi phí đào tạo, giáo dục, chi y tế cho người lao động của doanh nghiệp, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí cho lao động nữ''.

13. Điều 28 được sửa lại như sau:

''Điều 28.

1. Doanh nghiệp được chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại cho các hoạt động kinh doanh, các khoản chi phí giao dịch, tiếp khách, đối ngoại, hội nghị. Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý và công khai các khoản chi nói trên. Giám đốc doanh nghiệp quyết định các khoản chi và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quyết định của mình. Các khoản chi này không được vượt quá 7% tổng chi phí thực tế trong kỳ. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể đối với một số ngành kinh doanh đặc thù;

2. Các khoản chi bảo hộ lao động phải căn cứ vào chế độ, định mức theo quy định hiện hành;

3. Doanh nghiệp thành viên Tổng công ty thực hiện việc trích nộp kinh phí quản lý Tổng công ty theo quyết định của Tổng giám đốc trên cơ sở phương án do Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt được thể hiện trong kế hoạch tài chính hàng năm của Tổng công ty. Nếu kinh phí quản lý Tổng công ty đã huy động nhưng chi không hết thì được chuyển sang năm sau để chi và giảm bớt mức huy động năm sau. Nếu số huy động nhỏ hơn số thực chi thì Tổng công ty được huy động thêm trong năm sau. Hội đồng quản trị phê duyệt mức huy động bổ sung này''.

14. Điều 32 được sửa lại như sau:

''Điều 32. Lợi nhuận thực hiện của doanh nghiệp sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được phân phối như sau:

1. Bù khoản lỗ của các năm trước đối với các khoản lỗ không được trừ vào lợi nhuận trước thuế;

2. Nộp tiền sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

3. Trừ các khoản tiền phạt vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp;

4. Lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản 1, 2, 3 của Điều này được phân phối theo quy định dưới đây:

a) Trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính; khi số dư quỹ bằng 25% vốn điều lệ thì không trích nữa;

b) Trích 50% vào quỹ đầu tư phát triển;

c) Trích 5% vào quỹ dự phòng mất việc làm; khi số dư quỹ này bằng 6 tháng lương thực hiện thì không trích nữa;

d) Đối với một số ngành đặc thù mà pháp luật cho phép trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi nhuận sau thuế thì doanh nghiệp được trích lập theo các quy định đó;

đ) Chia lãi cổ phần trong trường hợp phát hành cổ phiếu;

e) Số lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản a, b, c, d, đ được trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi. Mức trích tối đa cho cả 2 quỹ này được căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận (tính trên vốn nhà nước) như sau:

3 tháng lương thực hiện nếu tỷ suất lợi nhuận năm nay không thấp hơn năm trước. Trường hợp doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư mở rộng kinh doanh đang trong thời gian được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, nếu có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn năm trước khi đầu tư thì cũng được trích tối đa 3 tháng lương thực hiện.

2 tháng lương thực hiện nếu tỷ suất lợi nhuận năm nay thấp hơn tỷ suất lợi nhuận năm trước.

Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) sau khi tham khảo ý kiến công đoàn quyết định tỷ lệ phân chia vào mỗi quỹ.

Số lợi nhuận còn lại sau khi trích 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi như trên được bổ sung toàn bộ vào quỹ đầu tư phát triển''.

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 của Điều 33 như sau:

''1. Quỹ đầu tư phát triển: dùng để bổ sung vốn kinh doanh của doanh nghiệp; để trích nộp quỹ đầu tư phát triển của Tổng công ty theo tỷ lệ do Hội đồng quản trị Tổng công ty quyết định.

Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có quyền điều động một phần quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đầu tư phát triển doanh nghiệp nhà nước khác''.

16. Thêm Điều 40 (mới) và chuyển Điều 40 (cũ) thành Điều 41.

''Điều 40.

1. Chế độ khen thưởng, kỷ luật về quản lý tài chính đối với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước:

a) Nếu doanh nghiệp liên tục trong 3 năm liền hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo Luật định, có lãi hoặc giảm lỗ và tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước năm sau cao hơn năm trước, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao thì các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc được tăng mức tiền thưởng đồng thời được xem xét nâng bậc lương trước thời hạn.

b) Nếu doanh nghiệp kinh doanh bị lỗ thì Tổng giám đốc, Giám đốc báo cáo giải trình với Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị). Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị), Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) báo cáo giải trình với Bộ Tài chính và Cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, nêu rõ mức lỗ, nguyên nhân và trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc và có phương án khắc phục.

Tuỳ theo mức lỗ, số năm bị lỗ, nguyên nhân chủ quan gây ra lỗ và mức độ trách nhiệm cụ thể, Chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc chịu xử lý trách nhiệm theo các hình thức dưới đây: giảm hoặc cắt tiền thưởng, không nâng bậc lương (nếu đã đến hạn), hạ bậc lương, khiển trách, cảnh cáo, thôi chức đương nhiệm.

c) Khi việc thực hiện dự án đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế, dẫn đến không thu hồi được vốn Nhà nước hoặc không trả được nợ vay theo khế ước hoặc hợp đồng vay vốn, thì các thiệt hại do chủ quan gây ra, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Quy chế này, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc bị xử lý hành chính và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật. Những thành viên Hội đồng quản trị có ý kiến bảo lưu khác với Dự án được phê duyệt thì không phải xử lý trách nhiệm theo các hình thức trên.

d) Không chấp hành chế độ báo cáo tài chính; báo cáo công khai tài chính sai sự thật; không thực hiện hoặc vi phạm quy chế này thì Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Quy chế này, bị xử lý hành chính tùy theo tính chất và mức độ vi phạm; nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Các sai phạm trên đây, nếu cấu thành tội phạm thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

đ) Người quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc là người quyết định khen thưởng và xử phạt.

2. Cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật, nếu đưa ra quyết định sai, xử lý công việc chậm trễ hoặc không đúng thẩm quyền gây thiệt hại cho doanh nghiệp và Nhà nước thì phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể, tuỳ theo mức độ sai phạm bị xử lý kỷ luật; nếu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật''.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trái với nội dung Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)

 

Hướng dẫn

Quy định về quản lý tài chính được hướng dẫn bởi Thông tư 63/1999/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 12/06/2005)

Thông tư 63/1999/TT-BTC về việc quản lý doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ tại các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành


Thực hiện Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ ban hành "Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước" và Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tài chính nói trên.
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ tại các doanh nghiệp Nhà nước như sau:
I/ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Doanh nghiệp Nhà nước phải tổ chức quản lý chặt chẽ các khoản doanh thu, chi phí, giá thành sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh, tự trang trải mọi khoản chi phí bằng các khoản thu và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh.
3. Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ tài chính do cấp có thẩm quyền ban hành, doanh nghiệp phải:
- Xây dựng và thường xuyên hoàn chỉnh hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với tình hình cụ thể của mình.
- Chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ chi tiêu tài chính, chế độ kế toán thống kê hiện hành của Nhà nước.
4. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước pháp luật về tính đúng đắn và hợp pháp của các khoản doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mình.
5. Trong thông tư này một số thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Chiết khấu thanh toán là số tiền người bán giảm trừ cho người mua đối với số tiền phải trả do người mua thanh toán tiền mua sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp trước thời hạn thanh toán và được ghi trên hoá đơn bán hàng hoặc hợp đồng kinh tế.
- Giảm giá hàng bán là số tiền người bán giảm trừ cho người mua trên giá bán đã thoả thuận do hàng bán kém phẩm chất, không đúng quy cách, thời hạn đã được quy định trong hợp đồng kinh tế hoặc giảm giá cho khách hàng do mua sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp với khối lượng lớn.
- Doanh thu hàng bán bị trả lại là trị giá tính theo giá thanh toán của số sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ doanh nghiệp đã tiêu thụ, bị khách hàng trả lại do vi phạm các điều kiện đã cam kết trong hợp đồng kinh tế như: hàng kém phẩm chất, sai quy cách, chủng loại...
- Hoa hồng đại lý là số tiền doanh nghiệp trả cho các đại lý tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Hoa hồng môi giới là số tiền trả cho các tổ chức kinh tế, tập thể hoặc cá nhân làm môi giới trong việc mua bán vật tư, sản phẩm, cung ứng dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
II/ NHỮNG QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CỤ THỂ
A. QUẢN LÝ DOANH THU:
1. Doanh thu của doanh nghiệp Nhà nước gồm doanh thu từ hoạt động kinh doanh và thu nhập từ các hoạt động khác.
1.1. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh là toàn bộ tiền bán sản phẩm, hàng hoá, cung ứng, dịch vụ sau khi trừ (-) khoản giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại (nếu có chứng từ hợp lệ) được khách hàng chấp nhận thanh toán (không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền).
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn bao gồm:
- Các khoản phí thu thêm ngoài giá bán (nếu có), trợ giá, phụ thu theo quy định của Nhà nước mà doanh nghiệp được hưởng đối với hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp tiêu thụ trong kỳ.
- Giá trị các sản phẩm hàng hoá đem biếu, tặng, trao đổi hoặc tiêu dùng cho sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp như: điện sản xuất ra được dùng trong các nhà máy sản xuất điện, xi măng thành phẩm để sửa chữa ở xí nghiệp sản xuất xi măng, quạt sản xuất ra sử dụng ở nhà máy sản xuất quạt.
Doanh nghiệp chỉ được hạch toán giảm doanh thu khi việc giảm giá hàng bán phát sinh sau khi đã phát hành hoá đơn bán hàng. Đối với trường hợp bán hàng theo khối lượng lớn nếu giảm giá hàng bán cho người mua thì phải ghi rõ trên hoá đơn phát hành lần cuối cùng.
Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý và công bố công khai các khoản giảm giá hàng bán.Giám đốc doanh nghiệp được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các khoản giảm trừ nói trên.
Hàng bán bị trả lại phải có văn bản đề nghị của người mua ghi rõ số lượng, đơn giá và giá trị hàng bị trả lại kèm theo chứng từ nhập lại kho số hàng nói trên.
1.2. Thu nhập từ các hoạt động khác bao gồm các khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính và các hoạt động bất thường.
1.2.1. Thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính bao gồm các khoản thu:
- Từ các hoạt động liên doanh liên kết. góp vốn cổ phần. lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay (trừ lãi tiền vay phát sịnh từ nguồn vốn vay đầu tư XDCB). tiền lãi trả chậm của việc bán hàng trả góp. tiền hỗ trợ lãi xuất tiền vay của nhà nước trong kinh doanh (nếu có). thu từ hoạt động mua bán chứng khoán (công trái,trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu)...
- Từ hoạt động nhượng bán ngoại tệ hoặc thu nhập về chênh lệch tỷ giá nghiệp vụ ngoại tệ theo quy định của chế độ tài chính.
- Hoàn nhập số dư khoản dự phòng giảm giá chứng khoán.
- Tiền cho thuê tài sản đối với doanh nghiệp cho thuê tài sản không phải là hoạt động kinh doanh thường xuyên.
1.2.2. Thu nhập từ các hoạt động bất thường là các khoản thu từ các hoạt động xảy ra không thường xuyên ngoài các khoản thu đã được quy định ở điểm 1.2.1 mục A như: thu từ bán vật tư, hàng hoá, tài sản dôi thừa. bán công cụ, dụng cụ đã phân bổ hết giá trị, bị hư hỏng hoặc không cần sử dụng. các khoản phải trả nhưng không trả được vì nguyên nhân từ phía chủ nợ. thu chuyển nhượng, thanh lý tài sản, nợ khó đòi đã xoá sổ nay thu hồi được. hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá hàng hoá tồn kho, khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích vào chi phí của năm trước. hoàn nhập số dư chi phí trích trước về bảo hành hàng hoá ,sản phẩm, công trình và hạng mục công trình khi hết thời hạn bảo hành. chi phí trích trước về sửa chữa TSCĐ lớn hơn số thực chi. thu về cho sử dụng hoặc chuyển quyền sử dụng sở hữu trí tuệ. thu về tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế. thu về chiết khấu thanh toán. các khoản thuế phải nộp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp) được Nhà nước giảm.
2. Một số điểm cần chú ý về quản lý và hạch toán doanh thu:
- Đối với các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của hoạt động kinh doanh, tài chính và bất thường thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) nếu:
+ Xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thì doanh thu hoặc thu nhập là số tiền phải thu từ các hoạt động không bao gồm thuế GTGT (đầu ra).
+ Xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp thì doanh thu hoặc thu nhập là tổng số tiền phải thu từ các hoạt động ( tổng giá thanh toán).
- Đối với sản phẩm, hàng hoá, cung ứng dịch vụ của các hoạt động kinh doanh,tài chính, bất thường không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì doanh thu hoặc thu nhập là số tiền phải thu của các hoạt động trên.
2.1 Phương pháp xác định cụ thể một số khoản doanh thu:
- Đối với hàng hoá bán theo phương thức trả góp thì tính vào doanh thu hoạt động kinh doanh theo giá bán trả một lần, không bao gồm lãi trả chậm. Lãi trả chậm tính vào thu nhập hoạt động tài chính hàng năm.
- Đối với sản phẩm, hàng hoá ,dịch vụ dùng để trao đổi hàng hoá dịch vụ khác thì doanh thu tính theo giá bán của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm trao đổi.
- Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ doanh nghiệp sản xuất ra dùng để biếu tặng, hoặc tiêu dùng cho sản xuất trong nội bộ doanh nghiệp thì doanh thu tính theo giá thành sản xuất (hoặc giá vốn) sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đó.
- Đối với hoạt động cho thuê tài sản có nhận trước tiền cho thuê của nhiều năm thì doanh thu của từng năm là tổng số tiền cho thuê chia cho số năm cho thuê tài sản.
- Đối với hoạt động bán hàng đại lý thì doanh thu là khoản phải thu về hoa hồng đại lý.
- Đối với hoạt động gia công thì doanh thu tính theo giá gia công ghi trên hoá đơn của khối lượng sản phẩm gia công hoàn thành trong kỳ.
- Đối với sản phẩm giao khoán trong các doanh nghiệp sản xuất nông lâm nghiệp nếu thu bằng tiền thì doanh thu là số tiền phải thu ghi trong hợp đồng giao nhận khoán đến hạn trả. nếu thu bằng hiện vật thì khi bán sản phẩm thu khoán đó mới hạch toán doanh thu và tính theo giá bán thực tế.
- Đối với hoạt động tín dụng, doanh thu là lãi tiền cho vay đến hạn phải thu trong kỳ.
- Đối với hoạt động bảo hiểm, doanh thu là phí bảo hiểm phải thu trong kỳ.
- Đối với sản phẩm xây lắp thi công trong nhiều năm thì doanh thu một năm là giá trị phải thu tương ứng với giá trị khối lượng công việc, hạng mục, công trình xây lắp hoàn thành trong năm đó được người giao thầu chấp nhận thanh toán.
Trường hợp doanh nghiệp xây lắp giao thầu lại cho nhà thầu phụ thì doanh thu bao gồm cả phần giá trị xây lắp giao thầu lại.
2.2 Thời điểm hạch toán doanh thu là khi doanh nghiệp đã chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá, sản phẩm, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ cho người mua hoặc hoàn thành công việc theo hợp đồng và được người mua chấp nhận thanh toán không phụ thuộc vào tiền đã thu hay chưa thu được.
Hàng hoá sản phẩm được bán thông qua đại lý theo phương thức bán đúng giá quy định của chủ hàng giao và được hưởng hoa hồng đại lý thì thời điểm hạch toán doanh thu là khi hàng hoá gửi đại lý đã được bán.
3. Doanh nghiệp có phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu.
4. Toàn bộ doanh thu phát sinh trong kỳ phải có các hoá đơn, chứng từ hợp lệ chứng minh và phản ánh đầy đủ vào trong sổ kế toán của doanh nghiệp theo chế độ kế toán hiện hành.
B. QUẢN LÝ CHI PHÍ VÀ GIÁ THÀNH
Chi phí của doanh nghiệp bao gồm chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí hoạt động khác.
1. Quản lý chi phí hoạt động kinh doanh:
Chi phí hoạt động kinh doanh bao gồm các chi phí có liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí nguyên, nhiên, vật liệu. khấu hao tài sản cố định. tiền lương và các khoản chi phí có tính chất lương. các khoản trích nộp theo quy định của Nhà nước như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chi phí công đoàn. chi phí dịch vụ mua ngoài. chi phí bằng tiền khác.
Việc quản lý và hạch toán chi phí được quy định như sau:
1.1. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, động lực... (dưới đây gọi tắt là chi phí vật tư) phải quản lý chặt chẽ trong 2 khâu: mức tiêu hao vật tư và giá vật tư.
a) Mức tiêu hao vật tư:
- Tổng giám đốc hoặc Giám đốc phải căn cứ vào định mức vật tư do các cấp có thẩm quyền ban hành và tình hình cụ thể của doanh nghiệp để xây dựng hệ thống định mức vật tư của doanh nghiệp trình Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị), phê duyệt và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các định mức đó.
Các loại vật tư sử dụng vào kinh doanh phải được quản lý chặt chẽ theo các định mức tiêu hao của doanh nghiệp đã ban hành trong các khâu: dự trữ, cấp phát và thanh quyết toán.
- Doanh nghiệp phải theo dõi, kiểm tra, tổ chức phân tích thường xuyên và định kỳ tình hình thực hiện định mức vật tư để đề ra các biện pháp nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống định mức, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân sử dụng tiết kiệm vật tư và xử lý các trường hợp tiêu hao vật tư vượt định mức.
b) Giá vật tư: Dùng để hạch toán và xác định chi phí vật tư là giá thực tế, bao gồm:
- Giá vật tư mua ngoài gồm: Giá mua ghi trên hoá đơn của người bán hàng (nếu là vật tư tự nhập khẩu bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá thực tế hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ của liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh cộng thuế nhập khẩu và các khoản phụ thu - nếu có) cộng với chi phí vận chuyển, phí bốc xếp, phí bảo quản, phí bảo hiểm, phí hao hụt hợp lý trên đường đi, tiền thuê kho bãi, phí gia công trước khi nhập kho (nếu có), phí chọn lọc tái chế.
- Giá vật tư tự chế gồm: giá vật tư thực tế xuất kho cộng với chi phí thực tế phát sinh trong quá trình tự chế.
- Giá vật tư thuê ngoài gia công chế biến gồm: giá vật tư thực tế xuất kho đem gia công cộng với chi phí gia công như phí vận chuyển, phí bốc xếp, phí bảo hiểm và tiền trả cho người gia công.
- Giá các loại vật tư và các chi phí gia công chế biến, vận chuyển, bảo quản, thu mua... nói trên phải ghi trên hoá đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp vật tư là sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản... mua của người trực tiếp sản xuất không có hoá đơn thì người mua hàng phải lập bảng kê mua hàng ghi rõ tên, địa chỉ người bán, số lượng hàng hoá, đơn giá, thành tiền, chữ ký của người bán hàng, giám đốc doanh nghiệp duyệt chi.
c) Đối với công cụ, dụng cụ sử dụng cho quá trình kinh doanh như: khuôn mẫu, dàn giáo, cân, giá đựng, bàn ghế, máy tính cầm tay... doanh nghiệp căn cứ vào thời gian sử dụng và giá trị của công cụ, dụng cụ để phân bổ dần vào các khoản mục chi phí trong các kỳ kinh doanh theo tiêu thức phù hợp.
d) Giá trị vật tư tiêu hao thực tế được hạch toán vào chi phí vật tư. sau khi trừ tiền đền bù của cá nhân hoặc tập thể gây ra tiêu hao vật tư vượt định mức và trị giá phế liệu thu hồi (nếu có) và số tiền giảm giá hàng mua (nếu có).
1.2. Chi phí khấu hao tài sản cố định:
Mọi tài sản cố định của doanh nghiệp phải được huy động vào hoạt động kinh doanh và trích khấu hao theo quy định của Nhà nước để thu hồi vốn. Sau khi đã khấu hao hết nguyên giá, tài sản cố định vẫn còn sử dụng được thì doanh nghiệp không phải trích khấu hao, nhưng phải quản lý và sử dụng theo chế độ hiện hành.
Công trình XDCB hoàn thành đã đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán giá trị công trình thì doanh nghiệp tạm ghi tăng giá trị TSCĐ theo giá tạm tính để trích khấu hao. Sau khi nghiệm thu, bàn giao quyết toán giá trị công trình phải điều chỉnh giá trị TSCĐ theo giá trị quyết toán.
1.3. Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương:
Chi phí tiền lương của doanh nghiệp bao gồm các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương phải trả cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của chế độ hiện hành.
Tiền lương phải được quản lý chặt chẽ và chi đúng mục đích, gắn với kết quả sản xuất kinh doanh trên cơ cở các định mức lao động và đơn giá tiền lương hợp lý được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chi phí tiền ăn giữa ca phải chi cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định hiện hành. Nếu chi cao hơn mức Nhà nước quy định thì phần cao hơn được lấy quỹ phúc lợi chi. Quĩ phúc lợi không đủ thì người quyết định chi phải bồi thường.
1.4. Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn được tính trên cơ sở quỹ tiền lương của doanh nghiệp theo các chế độ hiện hành của Nhà nước.
Chi phí cho tổ chức Đảng được lấy từ nguồn kinh phí của tổ chức này, nếu nguồn kinh phí của tổ chức Đảng không đủ để chi thì phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
1.5. Chi phí dịch vụ mua ngoài:
Là các khoản chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê ngoài, chi phí điện, nước, điện thoại, tiền bốc vác, vận chuyển hàng hoá, sản phẩm, tiền trả hoa hồng đại lý, môi giới, uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu, tiền mua bảo hiểm tài sản, tiền thuê kiểm toán, tư vấn, quảng cáo, và các dịch vụ mua ngoài khác.
+ Giá trị khối lượng xây lắp thanh toán cho nhà thầu phụ là chi phí của nhà thầu chính.
+ Các khoản chi phí hoa hồng đại lý, uỷ thác phải thể hiện trong các hợp đồng đại lý, uỷ thác và chỉ được hạch toán theo số phải chi, có đủ chứng từ hợp pháp.
+ Chi phí hoa hồng môi giới: doanh nghiệp phải xây dựng định mức chi và quy chế quản lý chi tiêu gắn với hiệu quả kinh tế do việc môi giới mang lại. Hoa hồng môi giới không được áp dụng cho các đối tượng là đại lý của doanh nghiệp, các khách hàng được chỉ định, các chức danh quản lý trong doanh nghiệp, những nhân viên làm nhiệm vụ cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm trong doanh nghiệp.
+ Chi phí sửa chữa tài sản cố định nhằm khôi phục năng lực của tài sản thì được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong năm theo số thực chi. Nếu chi phí sửa chữa phát sinh một lần quá lớn thì được phân bổ cho các năm sau. Đối với những tài sản cố định đặc thù, việc sửa chữa lớn có tính chu kỳ doanh nghiệp cần trích trước chi phí sửa chữa lớn thì phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp. Nếu khoản trích trước thấp hơn số thực chi thì được hạch toán thêm số chênh lệch vào chi phí, nếu cao hơn thì hạch toán hoàn nhập vào thu nhập bất thường trong năm.
1.6. Chi phí bằng tiền khác:
Là các khoản chi phí ngoài các khoản trên đây như: thuế môn bài, thuế sử dụng đất hoặc tiền thuê đất, thuế tài nguyên, lệ phí cầu phà, chi phí tiếp tân, khánh tiết, quảng cáo, tiếp thị, chi phí giao dịch đối ngoại, chi phí hội nghị, chi phí tuyển dụng, tập quân sự, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ công nhân viên, chi bảo hộ lao động, các khoản thiệt hại được phép hạch toán vào chi phí, chi phí bảo hành sản phẩm, các khoản dự phòng, tiền nộp quỹ quản lý Tổng công ty, tiền đóng hội phí, niêm liễm, chi phí dự thầu, trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của Luật lao động và các khoản chi khác.
- Các khoản chi tiếp tân, tiếp khách, hội họp, đối ngoại giao dịch và chi phí bằng tiền khác phải gắn liền với kinh doanh và hiệu quả kinh tế. Mức chi cụ thể do giám đốc doanh nghiệp quyết định không vượt quá mức quy định tại khoản 11 phần III của thông tư số 99/1998/TT- BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ- CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp .
Đối với một số ngành hoạt động đặc thù như triển lãm, quảng cáo có nhu cầu chi quảng cáo, tiếp thị, đối ngoại, giao dịch lớn hơn mức khống chế trên thì doanh nghiệp phải xây dựng mức khống chế phù hợp với đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp và Bộ Tài chính xem xét chấp thuận bằng văn bản.
- Chi bảo hộ lao động, doanh nghiệp hạch toán vào chi phí theo số thực chi trong phạm vi chế độ định mức hiện hành.
- Doanh nghiệp được trích trước khoản chi bảo hành vào chi phí đối với sản phẩm, hàng hoá, công trình XDCB cần bảo hành trong nhiều năm. Hết thời hạn bảo hành sản phẩm, nếu số chi bảo hành thực tế lớn hơn số trích trước thì phần chênh lệch được hạch toán thêm vào chi phí. Trường hợp số chi bảo hành thực tế nhỏ hơn số trích trước thì số chênh lệch hạch toán vào thu nhập khác.
- Khoản kinh phí quản lý Tổng công ty là để chi tiêu cho bộ máy quản lý Tổng công ty, cho công tác đào tạo, điều trị y tế, nghiên cứu khoa học mà Tổng công ty đảm nhiệm chung cho các đơn vị thành viên.
Theo phương án do Hội đồng quản trị phê duyệt, Tổng giám đốc quyết định mức huy động của từng đơn vị thành viên. Doanh nghiệp thành viên hạch toán vào chi phí theo số phải nộp.
Trong năm, nếu kinh phí quản lý Tổng công ty đã huy động nhưng chi không hết, thì được chuyển sang năm sau để chi và giảm bớt mức huy động của năm sau, nếu số đã huy động nhỏ hơn số thực chi thì phần thiếu được huy động bổ sung trong năm sau.
- Doanh nghiệp được trích chi phí dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng hoá vật tư tồn kho vào chi phí trong kỳ theo quy định hiện hành .
- Chi trợ cấp thôi việc cho người lao động thực hiện theo Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều trong Bộ luật lao động về hợp đồng lao động và các văn bản hiện hành khác của Nhà nước.
- Doanh nghiệp được chi thưởng năng suất lao động, thưởng sáng kiến, cải tiến, thưởng tiết kiệm vật tư và hạch toán vào chi phí kinh doanh theo số thực chi nhưng không vượt quá hiệu quả đem lại từ các khoản chi này. Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc(đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) phải ban hành và công bố công khai các quy chế thưởng.
- Doanh nghiệp được hạch toán khoản chi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, chế thử sản phẩm mới,chi sáng kiến ,cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp theo số thực chi. Đề tài nghiên cứu và dự toán chi phí nghiên cứu của từng đề tài phải được Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) phê duyệt và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của các đề tài đó.
- Khoản chi cho các trường lớp, đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề, năng lực quản lý và chi cho cơ sở y tế chỉ được hạch toán vào chi phí khoản chi cho các đối tượng là cán bộ công nhân viên chức của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hạch toán vào chi phí theo số thực chi sau khi trừ các khoản hỗ trợ của ngân sách nhà nước (nếu có). Mức chi tối đa không vượt quá 1,3 lần định mức chi sự nghiệp cho các đối tượng trên do nhà nước quy định.
Nếu đào tạo, điều trị cho những đối tượng ngoài doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thu phí để tự trang trải các khoản chi.
- Các khoản chi hỗ trợ giáo dục cho các tổ chức giáo dục thành lập theo quy định của nhà nước như: quỹ khuyến học, trường học sinh tàn tật, học sinh không nơi nương tựa, căn cứ vào chế độ qui định và khả năng tài chính của doanh nghiệp. Giám đốc quyết định mức chi hỗ trợ nói trên.
- Khoản thực chi về bảo vệ môi trường phát sinh trong kỳ, nếu khoản chi lớn có tác dụng cho nhiều năm thì phân bổ dần cho các năm sau.
- Chi phí cho lao động nữ theo chế độ quy định.
- Các chi phí khác bằng tiền.
1.7. Không được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh các khoản sau đây:
- Các khoản tiền phạt vi phạm pháp luật như: luật giao thông, luật thuế, luật môi trường, luật lao động, vi phạm chế độ báo cáo thống kê, tài chính kế toán và các luật khác. Nếu do tập thể hoặc cá nhân vi phạm pháp luật, thì tập thể, hoặc cá nhân phải nộp phạt. Ngoài khoản tiền đền bù nói trên, phần nộp phạt còn lại lấy từ lợi nhuận sau thuế.
- Các khoản đầu tư xây dựng cơ bản, chi mua sắm tài sản cố định hữu hình và vô hình, chi ủng hộ cho các tổ chức xã hội.
- Chi phí đi công tác nước ngoài vượt định mức của doanh nghiệp.
- Các khoản thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ như khoản chi sự nghiệp đã được ngân sách nhà nước cấp, cơ quan cấp trên hoặc các tổ chức khác hỗ trợ. Chi trả lãi vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong thời kỳ công trình chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Số lãi này được hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.
- Các khoản chi phí sản xuất kinh doanh vượt mức quy định của chế độ tài chính thì được bù đắp bằng quỹ khen thưởng và phúc lợi.
2. Hạch toán giá thành sản phẩm, dịch vụ.
Tuỳ theo quy trình công nghệ và điều kiện sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tự xác định đối tượng và chọn phương pháp phù hợp để tính giá thành sản phẩm, dịch vụ. Giá thành sản phẩm, dịch vụ có thể tính theo yếu tố hoặc khoản mục.
2.1. Giá thành sản xuất sản phẩm, dịch vụ gồm các khoản mục chi phí trực tiếp:
- Chi phí vật tư trực tiếp: gồm các chi phí về nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và động lực tiêu dùng trực tiếp cho sản xuất sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Chi phí nhân công trực tiếp: gồm các khoản trả cho người lao động trực tiếp sản xuất như: tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi ăn ca, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp.
- Chi phí sản xuất chung: gồm các khoản chi phí chung phát sinh ở các phân xưởng, bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp như: tiền lương, phụ cấp, ăn ca trả cho nhân viên phân xưởng, chi phí vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất dùng cho phân xưởng, khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền ngoài các chi phí kể trên.
2.2. Giá thành toàn bộ sản phẩm, dịch vụ đã tiêu thụ gồm:
- Giá thành sản xuất của sản phẩm, dịch vụ đã tiêu thụ.
- Chi phí bán hàng: gồm các chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ như: tiền lương, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên bán hàng, hoa hồng đại lý, hoa hồng môi giới, tiếp thị, đóng gói, vận chuyển, bảo quản... khấu hao tài sản cố định. chi phí vật liệu, bao bì, dụng cụ, đồ dùng, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền khác như: chi phí bảo hành sản phẩm, chi phí quảng cáo...
- Chi phí quản lý doanh nghiệp: gồm các chi phí quản lý kinh doanh, quản lý hành chính và các chi phí chung khác có liên quan đến hoạt động của toàn doanh nghiệp như: tiền lương và các khoản phụ cấp, ăn ca trả cho ban giám đốc và nhân viên quản lý ở các phòng ban, bảo hiểm, kinh phí công đoàn của bộ máy quản lý doanh nghiệp. chi phí vật liệu, đồ dùng cho văn phòng, khấu hao tài sản cố định dùng chung cho doanh nghiệp, các khoản thuế, lệ phí, chi phí dịch vụ mua ngoài thuộc văn phòng doanh nghiệp và các chi phí khác bằng tiền chung cho toàn doanh nghiệp như: dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phí kiểm toán, chi phí tiếp tân, khánh tiết, công tác phí, khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động. các khoản chi nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới công nghệ, chi sáng kiến, chi phí đào tạo nâng cao tay nghề công nhân, năng lực quản lý. chi y tế cho người lao động. chi bảo vệ môi trường. chi cho lao động nữ, trích nộp kinh phí quản lý Tổng Công ty.
Về nguyên tắc toàn bộ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được kết chuyển cho sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ trong năm để xác định kết quả kinh doanh. Trường hợp đặc biệt, đối với một số doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, trong năm không có sản phẩm tiêu thụ hoặc doanh thu không tương ứng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp thì chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong năm được phân bổ cho sản phẩm dở dang và tồn kho, căn cứ vào chi phí sản xuất dở dang và giá thành sản xuất sản phẩm tồn.
3. Quản lý chi phí hoạt động khác
Chi phí hoạt động khác bao gồm: chi phí hoạt động tài chính và chi phí bất thường.
3.1. Chi phí hoạt động tài chính:
Chi phí hoạt động tài chính là các khoản chi phí đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp nhằm mục đích sử dụng hợp lý các nguồn vốn, tăng thêm thu nhập và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí các hoạt động tài chính bao gồm:
- Chi phí liên doanh, liên kết là các khoản chi phí phát sinh trong các hoạt động liên doanh, liên kết (không thuộc chi phí của doanh nghiệp liên doanh, liên kết).
- Chi phí cho thuê tài sản.
- Chi phí mua bán trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu kể cả khoản tổn thất trong đầu tư nếu có.
- Dự phòng giảm giá chứng khoán.
- Giá trị ngoại tệ bán ra, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ theo chế độ tài chính hiện hành( không bao gồm chênh lệch tỷ giá ngoại tệ thuộc vốn vay để đầu tư XDCB khi công trình chưa đưa vào sử dụng hoặc vốn vay bằng ngoại tệ để góp vốn liên doanh).
- Chi phí về lãi phải trả cho số vốn huy động trong kỳ. Đối với số vốn huy động của các đối tượng ngoài tổ chức tín dụng Nhà nước thì lãi suất huy động không được vượt quá mức lãi suất trần của ngân hàng thương mại quốc doanh của cùng thời điểm.
- Chi phí chiết khấu thanh toán cho người mua hàng hoá dịch vụ khi thanh toán tiền trước hạn.
- Chi phí khác liên quan đến hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải căn cứ vào hiệu quả của từng hoạt động tài chính và các quy định của pháp luật để quyết định các khoản chi phí trên đây, đồng thời hạch toán chi tiết các chi phí thực tế phát sinh của từng hoạt động tài chính.
3.2. Chi phí bất thường là:
Các khoản chi phí xảy ra không thường xuyên gồm có:
- Chi phí nhượng bán, thanh lý tài sản cố định (bao gồm cả giá trị còn lại của tài sản cố định khi thanh lý và nhượng bán).
- Giá trị tài sản tổn thất thực tế sau khi đã giảm trừ tiền đền bù của người phạm lỗi và tổ chức bảo hiểm, trị giá phế liệu thu hồi (nếu có) và số đã được bù đắp bằng các quỹ dự phòng tài chính.
- Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi đã xoá sổ kế toán.
- Chi phí về tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế
- Chi phí để thu tiền phạt
- Các khoản chi phí bất thường khác.
Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý từng khoản chi phí bất thường. Đối với các khoản thiệt hại do tập thể hay cá nhân gây ra phải làm rõ mức độ, nguyên nhân và trách nhiệm đền bù kèm theo các biện pháp xử lý hành chính.
4. Một số điểm cần chú ý về quản lý và khi hạch toán chi phí .
4.1. - Đối với các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của hoạt động kinh doanh, tài chính và bất thường thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) nếu:
+ Xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thì chi phí không bao gồm tiền thuế GTGT đầu vào.
+ Xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp thì chi phí bao gồm cả tiền thuế GTGT đầu vào (nếu có).
Trường hợp doanh nghiệp đồng thời có 2 loại kinh doanh hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào,chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định nói trên. Nếu không hạch toán riêng được thì hạch toán chung toàn bộ thuế GTGT đầu vào và phân bổ số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định hiện hành. Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ theo từng đối tượng phù hợp, nếu lớn thì có thể phân bổ dần vào chi phí của các kỳ sau.
- Đối với các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của hoạt động kinh doanh, tài chính và bất thường không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì chi phí của doanh nghiệp bao gồm cả tiền thuế GTGT (đầu vào).
4.2. Doanh nghiệp có phát sinh các khoản chi phí bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá thực tế hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ của liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh chi phí.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này thay thế Thông tư số 76/TC/TCDN ngày 15/11/1996 của Bộ Tài chính và có hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ có hiệu lực.
2. Cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện việc quản lý doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm theo các quy định trong Thông tư này.
3. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc (đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các doanh nghiệp Nhà nước kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Hướng dẫn

Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 66/1999/TT-BTC

Thông tư 66/1999/TT-BTC về việc xây dựng, sửa đổi quy chế tài chính của Tổng công ty Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành


Bộ Tài chính đã ban hành "Quy chế tài chính mẫu của Tổng công ty Nhà nước" kèm theo Quyết định số 838 TC/QĐ/TCDN ngày 28/8/1996 và Quyết định số 995 TC/QĐ/TCDN ngày 01/11/1996 "về việc sửa đổi bổ sung Quy chế tài chính mẫu" làm cơ sở cho các Tổng công ty Nhà nước xây dựng Quy chế quản lý tài chính của từng Tổng công ty.
Để phù hợp với Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/1999/NĐ-CP) về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 59/CP), Bộ Tài chính hướng dẫn việc xây dựng, sửa đổi Quy chế tài chính của Tổng công ty Nhà nước như sau:
1. Đối với các Tổng công ty đã ban hành Quy chế tài chính thì căn cứ vào Nghị định số 27/1999/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này của Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Quy chế tài chính của Tổng công ty cho phù hợp với các quy định mới. Sau khi được Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt, quy chế sửa đổi bổ sung gửi đến cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp và Bộ Tài chính để theo dõi.
2. Đối với các Tổng công ty chưa ban hành Quy chế tài chính thì căn cứ vào Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh ban hành kèm theo các Nghị định số 59/CP, số 27/1999/NĐ-CP, Quy chế tài chính mẫu Tổng công ty Nhà nước nói trên và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính để xây dựng Quy chế tài chính của Tổng công ty mình. Sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính, Hội đồng quản trị phê duyệt Quy chế tài chính của Tổng công ty và gửi đến cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp và Bộ Tài chính để theo dõi.
3. Khi sửa đổi bổ sung Quy chế tài chính Tổng công ty cần chú ý một số vấn đề sau đây:
3.1. Theo Nghị định số 27/1999/NĐ-CP thì Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp không có nhiệm vụ thẩm định hoặc có ý kiến đối với các trường hợp cầm cố, thế chấp, thanh lý, nhượng bán tài sản quan trọng của doanh nghiệp.
3.2. Để bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xử lý tài sản và vốn trong quá trình kinh doanh, xoá bỏ phiền hà đối với doanh nghiệp, sau mỗi lần thanh lý tài sản, xử lý nợ khó đòi, xử lý tổn thất tài sản, quyết định bồi thường các khoản chi không đúng chế độ, các Tổng công ty và doanh nghiệp thành viên không phải gửi cho cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp nữa. Nhưng các trường hợp xử lý này phải có chứng từ, tài liệu chứng minh, tổng hợp và giải trình trong Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.
3.3. Khoản kinh phí quản lý Tổng công ty huy động từ các doanh nghiệp thành viên do Tổng giám đốc quyết định trên cơ sở được Hội đồng quản trị phê duyệt sau khi trao đổi với Giám đốc các doanh nghiệp thành viên và được phản ảnh trong kế hoạch tài chính hàng năm của các doanh nghiệp. Bộ Tài chính không tham gia về mức trích kinh phí quản lý hàng năm của Tổng công ty nữa.
3.4. Nghị định số 27/1999/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp thành viên được tính vào chi phí kinh doanh các khoản chi nghiên cứu khoa học, đào tạo. Quỹ đầu tư phát triển chủ yếu là để tái sản xuất mở rộng và đổi mới công nghệ. Vì vậy, Tổng công ty không huy động từ quỹ đầu tư phát triển cho việc nghiên cứu khoa học và đào tạo nói trên. Các yêu cầu chi nghiên cứu khoa học, đào tạo chung của Tổng công ty, trước hết phải lấy từ nguồn thu từ công việc nghiên cứu khoa học, đào tạo, nguồn hỗ trợ của ngân sách (nếu có). phần còn thiếu được tính vào chi phí kinh doanh của Tổng công ty. Nếu vẫn còn thiếu mới huy động thêm từ các doanh nghiệp thành viên.
3.5. Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên hạch toán kinh tế độc lập, đều là đơn vị có đầy đủ tư cách pháp nhân trước pháp luật. Do đó đều phải thực hiện việc quản lý vốn, tài sản, doanh thu, chi phí, phân phối lợi nhuận sau thuế, trích lập và sử dụng các quỹ, lập báo cáo tài chính theo đúng các quy định hiện hành.
Quan hệ tài chính giữa Tổng công ty với các doanh nghiệp thành viên như huy động kinh phí quản lý Tổng công ty, điều động tài sản, huy động quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng mất việc làm, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi vẫn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 838 TC/QĐ/TCDN ngày 28/8/1996 về việc ban hành quy chế tài chính mẫu Tổng công ty Nhà nước và Quyết định số 995 TC/QĐ/TCDN ngày 01/11/1996 của Bộ Tài chính "về việc sửa đổi bổ sung Quy chế tài chính mẫu".
3.6. Doanh nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc là những đơn vị có tư cách pháp nhân không đầy đủ. Vì vậy, Quy chế tài chính của Tổng công ty cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý và hạch toán tài sản, tiền vốn, doanh thu, chi phí và sử dụng các quỹ. Tổng công ty phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước pháp luật đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thành viên này.
4. Tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/1999/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với Hội đồng quản trị, Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) trong việc quản lý tài chính doanh nghiệp. Tổng công ty cần cụ thể hoá các quy định này trong quy chế tài chính Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên.
5. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị định số 27/1999/ NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ có hiệu lực.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Từ khóa: Nghị định 27/1999/NĐ-CP, Nghị định số 27/1999/NĐ-CP, Nghị định 27/1999/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 27/1999/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 27 1999 NĐ CP của Chính phủ, 27/1999/NĐ-CP

File gốc của Nghị định 27/1999/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 59/Cp đang được cập nhật.

Lĩnh vực khác

  • Công văn 3572/SGDĐT-CTTT năm 2021 thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo Công điện 21/CĐ-UBND do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội ban hành
  • Thông báo 267/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2021-2022 do Văn phòng Chính phủ ban hành
  • Công văn 3534/SGDĐT-VP năm 2021 hướng dẫn đăng ký thi đua, khen thưởng năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội ban hành
  • Quyết định 1955/QĐ-BTNMT năm 2021 về thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
  • Công văn 3207/SNN-TTBVTV năm 2021 về tập trung tiêu úng, tăng cường chăm sóc cây rau, màu đã trồng và tiếp tục gieo trồng mở rộng diện tích cây vụ Đông do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội ban hành
  • Công văn 4555/BGDĐT-TTr năm 2021 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học 2021 - 2022 đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
  • Công văn 4556/BGDĐT-GDTrH năm 2021 về tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh di chuyển về cư trú tại địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
  • Quyết định 1514/QĐ-BTP năm 2021 về Kế hoạch xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030" do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
  • Quyết định 3503/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh
  • Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Nghị định 27/1999/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 59/Cp

- File PDF đang được cập nhật

- File Word Tiếng Việt đang được cập nhật

Chính sách mới

  • Giá xăng hôm nay tiếp tục giảm sâu còn hơn 25.000 đồng/lít
  • Nhiệm vụ quyền hạn của hội nhà báo
  • Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng năm 2023
  • Thủ tục đăng ký kết hôn trực tuyến
  • Sửa đổi, bổ sung một số quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp
  • Tiêu chí phân loại phim 18+
  • Danh mục bệnh Nghề nghiệp được hưởng BHXH mới nhất
  • Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú
  • Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án
  • Văn bản nổi bật có hiệu lực tháng 5/2023

Tin văn bản

  • Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2022
  • Đầu tư giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn mới Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp
  • Danh mục mã hãng sản xuất vật tư y tế để tạo lập mã vật tư y tế phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
  • Từ 11/7/2022: Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 1.000 đồng/lít
  • Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ
  • HOT: Giá xăng, dầu đồng loạt giảm hơn 3.000 đồng/lít
  • Hỗ trợ đơn vị y tế công lập thu không đủ chi do dịch Covid-19
  • Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
  • Phấn đấu đến hết 2025, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%
  • Xuất cấp 432,78 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Phước

Tóm tắt

Cơ quan ban hành Chính phủ
Số hiệu 27/1999/NĐ-CP
Loại văn bản Nghị định
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành 1999-04-20
Ngày hiệu lực 1999-05-05
Lĩnh vực Lĩnh vực khác
Tình trạng Hết hiệu lực

Văn bản Bổ sung

  • Nghị định 59-CP năm 1996 ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước

Văn bản Được hướng dẫn

  • Công văn số 3150 TCT/NV4 ngày 28/08/2003 của Tổng cục thuế về việc nộp thu sử dụng vốn của Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam

Văn bản Sửa đổi

  • Nghị định 59-CP năm 1996 ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước

Văn bản Hướng dẫn

  • Thông tư 63/1999/TT-BTC về việc quản lý doanh thu, chi phí và giá thành sản phẩm, dịch vụ tại các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
  • Thông tư 66/1999/TT-BTC về việc xây dựng, sửa đổi quy chế tài chính của Tổng công ty Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

DỮ LIỆU PHÁP LUẬT - Website hàng đầu về văn bản pháp luật Việt Nam, Dữ Liệu Pháp Luật cung cấp cơ sở dữ liệu, tra cứu Văn bản pháp luật miễn phí.

Website được xây dựng và phát triển bởi Vinaseco Jsc - Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số lĩnh vực pháp lý.

NỘI DUNG

  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu
  • Media Luật

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • Chính sách bảo mật
  • Điều khoản sử dụng

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VINASECO

Địa chỉ: Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam - Email: [email protected] - Website: vinaseco.vn - Hotline: 088.66.55.213

Mã số thuế: 0109181523 do Phòng DKKD Sở kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 14/05/2023

  • Trang chủ
  • Văn bản mới
  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu