Thông tư 18/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 26/2001/NĐ-CP và Nghị định 30/1998/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 4/6/2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ.
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
...
B. CĂN CỨ TÍNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp qui định tại Điều 6 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập chịu thuế và thuế suất.
...
V. THUẾ SUẤT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
1. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với cơ sở kinh doanh trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 32%.
Một số trường hợp được áp dụng như sau:
a) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dưới đây được áp dụng thuế suất 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1999.
- Doanh nghiệp khai thác mỏ, khoáng sản, lâm sản và thuỷ sản.
- Doanh nghiệp luyện kim.
- Doanh nghiệp sản xuất cơ khí.
- Doanh nghiệp sản xuất hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu. doanh nghiệp chế biến cao su mủ tươi thành mủ khô.
- Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (trừ sản xuất xi măng).
- Doanh nghiệp xây dựng (trừ khảo sát, thiết kế, tư vấn, giám sát).
- Doanh nghiệp vận tải (trừ vận tải hàng không, vận tải tắc xi).
b) Các cơ sở kinh doanh có thu nhập cao do địa điểm kinh doanh thuận lợi, ngành nghề kinh doanh ít bị cạnh tranh mang lại thu nhập cao, sau khi nộp thuế thu nhập theo thuế suất 32% mà phần thu nhập còn lại cao hơn 20% vốn chủ sở hữu hiện có thì số vượt trên 20% phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung với thuế suất 25%. Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung được xác định bằng cách lấy thu nhập còn lại (sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 32%) trừ (-) 20% vốn chủ sở hữu hiện có.
b.1) Cách xác định vốn chủ sở hữu hiện có như sau:
(1) Đối với các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định số 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 và chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp theo quy định tại Quyết định số 167/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính giá trị vốn chủ sở hữu được xác định bao gồm:
- Nguồn vốn kinh doanh.
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
- Chênh lệch tỷ giá.
- Lợi nhuận chưa phân phối.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
- Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng, phúc lợi).
(2) Đối với các doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định số 1177 TC/QĐ/CĐKT ngày 23/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá trị vốn chủ sở hữu được xác định bao gồm:
- Nguồn vốn kinh doanh
- Chênh lệch tỷ giá và đánh giá lại tài sản
- Lợi nhuận chưa phân phối.
- Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng và phúc lợi)
(3) Đối với các tổ chức tín dụng thực hiện hệ thống tài khoản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định thì giá trị vốn chủ sở hữu bao gồm:
- Vốn của tổ chức tín dụng
- Các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (trừ quỹ khen thưởng phúc lợi)
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản
- Lợi nhuận chưa phân phối
(4) Cách xác định từng chỉ tiêu tại Điểm (1), (2) và (3) nêu trên căn cứ vào báo cáo tài chính năm và được tính theo phương pháp bình quân:
(Số dư đầu kỳ + Số dư cuối kỳ) / 2
Trường hợp số dư có giá trị âm (-) thì phải giảm trừ trong tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Trường hợp không có số dư đầu hoặc cuối kỳ thì cũng phải xác định theo công thức trên. Riêng cơ sở kinh doanh mới thành lập trong năm quyết toán thuế chưa có số dư đầu năm thì sử dụng số dư cuối năm làm cơ sở xác định vốn chủ sở hữu, không tính theo phương pháp bình quân nêu trên.
Ví dụ: - Phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế TNDN theo thuế suất 32% là: 1.860 tr đồng
- Vốn chủ sở hữu hiện có : 8.966 tr đồng. Phương pháp xác định vốn chủ sở hữu ( sau đây gọi tắt là vốn CSH) cụ thể như sau:
Đơn vị: tr đồng.
(Xem nội dung chi tiết tại văn bản)
Vốn chủ sở hữu hiện có: 8.966
- 20% vốn chủ sở hữu: 1.793 tr đồng
- Số thuế TNDN bổ sung phải nộp là:
(1.860 tr - 1.793 tr) x 25% = 16,75 tr đồng
(5) Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh có hoạt động liên doanh thì vốn chủ sở hữu không tính phần vốn góp của bên tham gia liên doanh và không tính giảm vốn chủ sở hữu phần vốn của cơ sở đem đi liên doanh khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.
b.2) Tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với các cơ sở kinh doanh sau:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được áp dụng thuế suất thuế TNDN 25% trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 1/1/1999.
- Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi.
- Cơ sở sản xuất nếu xuất khẩu trên 50% sản phẩm sản xuất ra hoặc có doanh thu xuất khẩu chiếm 50% tổng doanh thu.
- Các hộ kinh doanh.
- Các đơn vị sự nghiệp hưởng kinh phí ngân sách cấp, không được cấp vốn kinh doanh thì không phải nộp thuế thu nhập bổ sung. Trường hợp hoạt động có thu đã thực hiện chế độ kế toán theo pháp lệnh kế toán thống kê hiện hành, xác định được vốn chủ sở hữu thì phải nộp thuế TNDN bổ sung (nếu có).
b.3) Trường hợp cơ sở kinh doanh vừa có hoạt động chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, vừa có hoạt động tạm thời chưa thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung hoặc được miễn thuế TNDN bổ sung thì doanh nghiệp phải xác định số thuế TNDN phải nộp theo chế độ quy định, sau đó căn cứ tỷ trọng giữa thu nhập chịu thuế TNDN bổ sung và tổng thu nhập chịu thuế TNDN để xác định số thuế TNDN bổ sung phải nộp.
Ví dụ: Doanh nghiệp A có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 32%) là 2.000 tr đồng, thu nhập chịu thuế TNDN (thuế suất 25%) là 500 tr đồng, vốn chủ sở hữu là 5.000 tr đồng.
Như vậy doanh nghiệp A sẽ phải nộp thuế TNDN thuế suất 32%:
2.000 tr x 32% = 640 tr đồng.
Số thuế TNDN phải nộp theo thuế suất 25% là:
500 tr x 25% = 125 tr đồng.
Tổng số thuế TNDN ổn định phải nộp:
640 tr + 125 tr = 765 tr đồng.
Tỷ trọng % thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung so với tổng thu nhập chịu thuế:
2.000 tr : (2.000 tr + 500 tr) = 80%
20% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:
5.000 tr x 20% = 1.000 tr đồng.
Số thuế TNDN bổ sung phải nộp:
[(2.500 tr - 765 tr - 1.000 tr) x 25%] x 80% = 147 tr đồng.
c) Đối với các dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
- Nếu thuộc các lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 25%.
- Nếu dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi và hải đảo, vùng có khó khăn khác theo quy định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất 20%.
- Nếu dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đồng thời đầu tư vào huyện thuộc vùng dân tộc thiểu số ở miền núi cao theo qui định của Chính phủ được hưởng mức thuế suất 15%.
Các dự án đầu tư được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi theo qui định tại điểm này phải đảm bảo đủ các điều kiện như sau:
- Có giấy phép đăng ký kinh doanh và hoạt động đúng đăng ký kinh doanh.
- Có giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp ghi rõ điều kiện ưu đãi.
- Thi hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, đăng ký nộp thuế, kê khai nộp thuế.
Khi các điều kiện ưu đãi không còn do thay đổi ngành nghề kinh doanh, chuyển địa điểm kinh doanh, cơ sở kinh doanh không được hưởng mức thuế suất ưu đãi cho cả năm đó nếu điều kiện ưu đãi chấm dứt trong thời gian 6 tháng đầu năm. Trường hợp điều kiện ưu đãi chấm dứt trong thời Điểm 6 tháng cuối năm thì bắt đầu từ năm sau, cơ sở kinh doanh không được hưởng thuế suất ưu đãi.
Cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ, kê khai hoặc kê khai không đúng các căn cứ tính thuế thì không được hưởng mức thuế suất ưu đãi mà phải nộp thuế hàng tháng theo chế độ khoán doanh thu và tỷ lệ thu nhập chịu thuế. Ngoài ra còn bị phạt vi phạm hành chính về thuế.
2. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh là 25%.
Một số trường hợp được áp dụng thuế suất như sau:
a) Áp dụng mức thuế suất 20% trong thời hạn 10 năm, kể từ năm hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với dự án đầu tư có một trong các tiêu chuẩn sau:
- Xuất khẩu ít nhất 50% sản phẩm.
- Sử dụng từ 500 lao động trở lên.
- Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, hải sản.
- Sử dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư nghiên cứu phát triển.
- Sử dụng nguyên liệu, vật tư sẵn có tại Việt Nam. chế biến, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam. sản xuất sản phẩm có giá trị nội địa hoá từ 40% trở lên.
b) Áp dụng mức thuế suất 15% trong thời hạn 12 năm, kể từ năm hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các dự án đầu tư có một trong các tiêu chuẩn sau:
- Xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm.
- Đầu tư vào lĩnh vực luyện kim, hoá chất cơ bản, cơ khí chế tạo, hoá dầu, phân bón, sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, xe máy.
- Xây dựng kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng (cầu, đường, cấp thoát nước, điện, bến cảng).
- Trồng cây công nghiệp lâu năm.
- Đầu tư vào vùng khó khăn khác do Chính phủ quy định (kể cả dự án khách sạn).
- Chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động (kể cả dự án khách sạn).
- Các dự án có hai tiêu chuẩn tại Điểm a nêu trên.
c) Áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ năm sản xuất, kinh doanh đối với các dự án:
- Xây dựng kết cấu hạ tầng tại vùng khó khăn.
- Đầu tư vào miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
- Trồng rừng.
- Các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư khác.
d) Đối với các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT. dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất thì mức thuế suất ưu đãi 20%, 15%, 10% được áp dụng trong thời gian thực hiện dự án.
đ) Các thuế suất nêu tại Tiết a, b, c, d Khoản này không áp dụng đối với các dự án khách sạn (trừ trường hợp đầu tư vào vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam). các dự án tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp dịch vụ, thương mại.
e) Thu nhập mà nhà đầu tư nước ngoài thu được do đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (kể cả số thuế thu nhập được hoàn lại và số thu nhập thu được do chuyển nhượng vốn) nếu chuyển ra nước ngoài (hoặc được giữ lại ngoài Việt Nam), để ở Việt Nam nhưng dùng thanh toán công nợ cho công ty mẹ, chi tiêu cho văn phòng đại diện của công ty mẹ tại Việt Nam... đều phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài áp dụng như sau:
- Mức thuế suất 3% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài áp dụng đối với:
+ Người VN định cư ở nước ngoài đầu tư về nước theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
+ Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao.
+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh từ 10 triệu USD trở lên.
+ Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn khuyến khích đầu tư.
- Mức thuế suất 5% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài áp dụng đối với:
+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh từ 5 triệu USD đến dưới 10 triệu USD.
+ Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.
- 7% lợi nhuận chuyển ra nước ngoài đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn pháp định hoặc vốn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh không thuộc các trường hợp được hưởng thuế suất 3% và 5% nêu trên.
f) Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và mức thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài được ghi tại giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính bằng văn bản.
Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, được áp dụng theo mức thuế suất ghi trong giấy phép đầu tư cấp trước khi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.
3. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tiến hành tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là 50%. Khai thác tài nguyên quí hiếm khác mức thuế suất có thể từ 32% đến 50% thu nhập chịu thuế do Bộ Tài chính quyết định cụ thể đối với các dự án đầu tư của tổ chức, cá nhân trong nước. do cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau khi thống nhất với Bộ Tài chính bằng văn bản.
4. Đối với các cơ sở kinh doanh có các hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu thuế TNDN khác nhau thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng cho từng hoạt động. Trường hợp cơ sở kinh doanh không hạch toán riêng thì thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất cao nhất của hoạt động sản xuất kinh doanh do cơ sở tiến hành trong năm.