BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73/1998/TT-BTC | Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 1998 |
Thi hành Quyết định số 68/1998/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thí điểm thành lập doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu; Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu như sau:
1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp nhà nước được quy định tại Điều 1, Điều 12 Quyết định số 68/1998/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thí điểm thành lập doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
2. Doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu phải thực hiện các quy chế quản lý tài chính, hạch toán kế toán đã được quy định tại Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Thông tư này chỉ quy định những điểm khác với chế độ chung về quản lý tài chính, kế toán phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp là cơ sở đào tạo, cơ sở nghiệp cứu khoa học.
3. Các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước do mình quản lý phù hợp với các quy định chung và các quy định trong Thông tư này, ban hành sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.
I. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN TẠI DOANH NGHIỆP:
1. Đầu tư vốn.
1.1. Doanh nghiệp nhà nước mới được thành lập trong các cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu được đảm bảo vốn điều lệ ban đầu tư nguồn giá trị nhà xưởng, thiết bị do cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyển giao hoặc vốn Nhà nước cấp. Mức vốn đầu tư tại thời điểm thành lập doanh nghiệp không ít hơn 30% vốn pháp định quy định cho ngành nghề được phép kinh doanh có mức vốn pháp định cao nhất quy định tại phụ lục số 2 kèm theo Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ, nhưng không được vượt quá 1/3 tổng giá trị nhà xưởng, thiết bị của cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đó.
1.2. Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong các cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu, sản xuất kinh doanh có lãi, nếu số vốn thực có thấp hơn 30% vốn pháp định quy định tại điểm 1.1 nói trên thì được Nhà nước xem xét đầu tư bổ sung dần cho đủ 30% vốn pháp định bằng cách cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
1.3. Cơ quan ra quyết định thành lập doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 50/CP ngày 28/8/1996 của Chính phủ.
2. Huy động vốn và đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.
2.1. Doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu được huy động vốn, gọi vốn liên doanh, thế chấp giá trị quyền sử dụng vốn gắn liền với tài sản thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được sử dụng vốn, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
Phương án huy động vốn hoặc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp nhà nước do doanh nghiệp lập phải được Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu nhất trí trình Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp phê chuẩn và gửi cho cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
2.2. Lãi suất huy động vốn hạch toán trong chi phí sản xuất, dịch vụ của doanh nghiệp không được cao hơn lãi suất trần cho vay do ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố trong thời điểm huy động vốn đối với từng ngành nghề.
2.3. Doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu phải sử dụng vốn huy động đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết huy động vốn. Trường hợp đem vốn, tài sản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn phát triển vốn, tăng thu nhập.
2.4. Giám đốc doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu về việc lập phương án huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, sử dụng vốn đúng mục đích, không có hiệu quả dẫn đến tổn thất về vốn.
3. Chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản.
3.1. Việc chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản do doanh nghiệp quản lý thuộc nguồn vốn ngân sách phải được Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đồng ý. Riêng đối với dây chuyền công nghệ chính của doanh nghiệp phải được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp phê chuẩn.
3.2. Khi nhượng bán tài sản không cần dùng, lạc hậu kỹ thuật để thu hồi vốn, doanh nghiệp phải xác định giá và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch giữa số tiền thu được do nhượng bán tài sản với giá trị còn lại trên sổ kế toán và chi phí nhượng bán được hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Thanh lý tài sản
4.1. Những máy móc thiết bị, tài sản chủ yếu có tính chất quyết định hoạt động của doanh nghiệp khi thanh lý phải được Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đồng ý và được cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp phê chuẩn.
Việc thanh lý đối với các tài sản khác được thực hiện như đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh.
4.2. Doanh nghiệp phải thành lập Hội đồng thanh lý tài sản, tổ chức đấu giá bán tài sản thanh lý theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch giữa số tiền thu được do thanh lý tài sản với giá trị còn lại trên sổ kế toán của tài sản thanh lý và chi phí thanh lý được hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
II. KẾT QUẢ TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP
1. Doanh thu của doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
Doanh thu của doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học bao gồm:
- Khoản thu từ sản phẩm dịch vụ khoa học và công nghệ, thu từ hợp đồng nghiên cứu triển khai áp dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo.
- Khoản thu từ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu của doanh nghiệp với chính cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
Doanh thu hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác áp dụng như quy định đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh.
2. Chi phí của doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu khoa học.
2.1. Chi phí của doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở nghiên cứu khoa học và cơ sở đào tạo áp dụng như đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh.
2.2. Đơn giá tiền lương phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Trường hợp giáo viên, cán bộ khoa học, công nhân viên chức thuộc biên chế của cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học có tham gia làm việc tại doanh nghiệp thì phần tiền lương của cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học được trả theo thời gian làm việc tại cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học. Phần tiền lương của doanh nghiệp trả cũng trên cơ sở thời gian và hiệu quả làm việc tại Doanh nghiệp trong phạm vi đơn giá lương đã được duyệt.
- Trường hợp giáo viên, cán bộ khoa học, công nhân viên chức đã được điều động sang làm việc tại các doanh nghiệp và thuộc biên chế của doanh nghiệp thì ngoài việc được hưởng lương và tiền thưởng theo chế độ lương và thưởng trong doanh nghiệp nhà nước vẫn được quyền ký hợp đồng tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học đó.
III. PHÂN PHỐI LỢI TỨC VÀ TRÍCH LẬP CÁC QUỸ
1. Lợi tức doanh nghiệp: Là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu trừ đi giá thành toàn bộ của sản phẩm, dịch vụ, hợp đồng nghiên cứu, đào tạo.
2. Phân phối lợi tức: Tổng lợi tức thực hiện cả năm của doanh nghiệp được phân phối theo thứ tự sau đây:
2.1. Thuế lợi tức: Được cấp lại toàn bộ cho cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo đề án được duyệt theo quy định tại mục V dưới đây.
2.2. Trả tiền phạt: Phạt vi phạm hành chính, phạt vi phạm hợp đồng, phạt nợ quá hạn.
2.3. Chia lãi cho các đối tác góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có).
Lợi tức còn lại được phân chia cho các quỹ của doanh nghiệp theo quy định chung đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
IV. ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC CẤP LẠI THUẾ LỢI TỨC CỦA DOANH NGHIỆP CHO CƠ SỞ ĐÀO TẠO, CƠ SỞ NGHIÊN CỨU
1. Cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu được Nhà nước cấp lại thuế lợi tức của doanh nghiệp do cơ sở mình quản lý, khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp nhà nước trong cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu sản xuất kinh doanh có lãi, được cơ quan Thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính kiểm tra, xác nhận số thuế lợi tức đã nộp ngân sách.
- Có các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.
2. Thủ tục cấp lại thuế lợi tức:
Khi có đủ điều kiện quy định tại điểm 1 mục V nói trên cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu gửi Bộ Tài chính (Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp) hồ sơ đề nghị cấp lại thuế lợi tức đã nộp năm trước của doanh nghiệp do cơ sở mình quản lý. Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị cấp lại thuế lợi tức do thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ký tên và đóng dấu.
- Biên bản kiểm tra xác nhận của cơ quan Thuế về số thuế lợi tức đã nộp của doanh nghiệp.
- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, quyết định giao kế hoạch đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị của cấp có thẩm quyền.
Sau 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính thẩm tra xem xét, nếu đủ điều kiện, thủ tục sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp đồng thời làm thủ tục cấp lại thuế lợi tức của doanh nghiệp cho cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu. Cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu có trách nhiệm quản lý, sử dụng, quyết toán số thuế lợi tức được cấp lại như khoản vốn hoặc kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.
V. KIỂM TRA KẾ TOÁN, BÁO CÁO TÀI CHÍNH VÀ CÔNG KHAI TÀI CHÍNH
Thực hiện như quy định đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác.
1. Ngoài những quy định riêng cho doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học tại Thông tư này, các doanh nghiệp còn thực hiện các quy định khác của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Thông tư này áp dụng từ ngày ký, trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu kịp thời phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
| Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |
File gốc của Thông tư 73/1998/TT-BTC về chế độ quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu do Bộ tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 73/1998/TT-BTC về chế độ quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu do Bộ tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 73/1998/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phạm Văn Trọng |
Ngày ban hành | 1998-05-27 |
Ngày hiệu lực | 1998-05-27 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |