THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ******** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 68/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC CHO PHÉP THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO, CƠ SỞ NGHIÊN CỨU
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Nhằm thực hiện việc gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, thúc đẩy việc ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào sản xuất và hỗ trợ một phần nguồn lực cho các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cho phép các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn để thí điểm thành lập doanh nghiệp nhà nước trong một số trường đại học, cao đẳng công lập (gọi tắt là cơ sở đào tạo), viện nghiên cứu khoa học, trung tâm khoa học công nghệ, liên hiệp khoa học - sản xuất nhà nước (gọi tắt là cơ sở nghiên cứu) thuộc mình quản lý, để hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm là kết quả nghiên cứu, triển khai công nghệ hoặc các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ gắn với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của chính cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đó.
Điều 2. Ngoài những lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước quy định tại Nghị định số 02/CP ngày 5 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu không được sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực sau: khai thác mỏ, phân phối điện, sản xuất và lưu thông vật liệu nổ, khách sạn, nhà hàng, xuất bản, vận tải hàng không, dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính tín dụng, bất động sản. Những trường hợp đặc biệt phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu được tiến hành theo quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 28 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 38/ CP ngày 28 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 50/ CP.
Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập của doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu không được thấp hơn 30% vốn pháp định quy định cho ngành nghề được phép kinh doanh có mức vốn pháp định cao nhất theo quy định tại Phụ lục số 2 kèm theo Nghị định số 50/CP. Giá trị nhà xưởng, thiết bị mà cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyển thành vốn điều lệ của doanh nghiệp không được vượt quá 1/3 tổng giá trị nhà xưởng, thiết bị của cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đó.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu thuộc mình quản lý sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề án thành lập doanh nghiệp.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ủy quyền cho Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu quản lý doanh nghiệp trong cơ sở của mình.
Điều 6. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu trình Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp và bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc doanh nghiệp.
Giám đốc doanh nghiệp sau khi thống nhất với Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu trình Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Phó giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp.
Điều 7. Doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu ngoài việc thực hiện nghĩa vụ và hưởng mọi quyền lợi của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật, được ưu đãi trong việc xem xét giải quyết đất xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh theo Luật Đất đai, được ưu tiên về điều kiện vay vốn đầu tư, được áp dụng mức thuế suất ưu đãi theo quy định của pháp luật, đồng thời có nghĩa vụ tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo và nghiên cứu của cơ sở.
Điều 8. Các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu được Nhà nước cấp lại toàn bộ số thuế lợi tức của doanh nghiệp thuộc cơ sở mình để sử dụng cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ tăng cường năng lực giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo đề án được duyệt.
Điều 9. Ngoài số giáo viên, cán bộ khoa học, công nhân viên chức do Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu điều động làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu được ký hợp đồng với giáo viên, cán bộ khoa học, công nhân viên trong cơ sở và hợp đồng tuyển dụng thêm lao động bên ngoài phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 10. Giáo viên, cán bộ khoa học, công nhân viên chức trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khi được điều động hẳn sang làm việc tại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc cơ sở, được doanh nghiệp trả lương và các thu nhập khác tương ứng với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời vẫn được quyền ký hợp đồng tham gia các hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại cơ sở đó. Khi cần thiết Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu có thể điều động số cán bộ khoa học, giáo viên, công nhân viên chức này trở lại phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo trong phạm vi biên chế được duyệt của cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đó.
Điều 11. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ trưởng cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp và trước Thủ trưởng cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, theo phân cấp quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
Điều 12.- Đối với những doanh nghiệp nhà nước trước đây do các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu đề nghị thành lập, đã được đăng ký lại theo Nghị định số 388/ HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp nhà nước, khi sắp xếp lại theo Chỉ thị 500/TTg ngày 25 tháng 8 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, không còn trực thuộc cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu, nay nếu thực sự cần thiết phải gắn trở lại với cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét quyết định, không phải làm thủ tục thành lập lại doanh nghiệp.
Điều 13. Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ qui định về mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp nhà nước của cơ sở đó.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ qui định chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét đề nghị của các Bộ và các địa phương, để lựa chọn đề án thí điểm thành lập những doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu có triển vọng hoạt động hiệu quả, đồng thời theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này sau khi được thành lập và tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 14. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.