THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 272/2005/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2005 |
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ 5 NĂM (2006 – 2010)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã nhằm góp phần tích cực thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Nhà nước tạo môi trường pháp luật thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển có hiệu quả; tôn trọng các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và giá trị đích thực của kinh tế tập thể; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể.
3. Các tổ chức kinh tế tập thể phải phát huy nội lực là chính, đồng thời cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Nhà nước để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
1. Mục tiêu tổng quát:
a) Đổi mới và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phải theo quy định của pháp luật về hợp tác xã;
b) Nâng cao tốc độ tăng trưởng, đưa kinh tế tập thể cùng kinh tế các thành viên và kinh tế hộ xã viên đóng góp ngày càng cao trong tỷ trọng nền kinh tế;
c) Góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các thành viên và cộng đồng dân cư địa phương, nhất là ở vùng nông thôn.
2. Một số mục tiêu cụ thể:
a) Số lượng hợp tác xã tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, số lượng xã viên họp tác xã tăng khoảng 7,3%/năm; khuyến khích hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thành lập liên hiệp hợp tác xã;
b) Số lượng tổ hợp tác tăng bình quân khoảng 3,2%/năm, số lượng thành viên tổ hợp tác tăng khoảng 5,3%/năm; hỗ trợ, khuyến khích tổ hợp tác có đủ điều kiện đăng ký thành lập hợp tác xã;
c) Tỷ trọng tổng sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể (bao gồm cả kinh tế của các thành viên) chiếm bình quân khoảng 13,8% GDP cả nước;
d) Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo trình độ đại học đạt khoảng 20% và trình độ trung cấp đạt khoảng 38%;
đ) Thu nhập bình quân của lao động trong kinh tế tập thể, của xã viên hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác tăng gấp đôi sơ với năm 2005.
1. Về nông nghiệp (bao gồm nông, lâm nghiệp, thủy sản và nghề muối):
a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hạ giá thành và nâng cao chất lượng của các dịch vụ hợp tác xã cung cấp cho xã viên; mở rộng loại hình dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đời sống… mã xã viên và cộng đồng có nhu cầu;
b) Tiếp tục xây dựng mới các tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình kinh doanh đa ngành, vừa làm dịch vụ phục vụ hoạt động kinh tế xã viên, vừa phát triển chế biến, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động tín dụng, thương mại và dịch vụ đời sống xã viên mà nhu cầu chung của xã viên đặt ra;
c) Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, liên kết, hợp nhất, sáp nhập thành các hợp tác xã có quy mô lớn hơn theo hướng mở rộng các dịch vụ phục vụ đa dạng trong nông nghiệp: chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến diêm, bảo vệ thực vật, thú y; cung ứng vật tư, phân bón, thức ăn, sản xuất và cung ứng giống vật nuôi, cây trồng; tiêu thụ sản phẩm; chế biến nông sản; cung ứng dịch vụ thủy lợi, thủy nông, v.v…
2. Về công nghiệp:
a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các hợp tác xã nhằm cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã viên.
Gắn kết đổi mới, phát triển hợp tác xã vơi các chương trình khuyến công, để cùng với các thành phần kinh tế khác thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các cụm điểm công nghiệp và tạo tiền đề cho việc hình thành phát triển các làng nghề công nghiệp mới trong tiến trình công nghiệp hóa của đất nước;
b) Đổi mới, phát triển hợp tác xã để trở thành các vệ tinh cung cấp về dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn;
c) Khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các liên hợp tác xã hoặc hình thức liên kết kinh tế hợp tác xã có sức cạnh tranh cao ở quy mô vùng hoặc toàn quốc.
3. Về xây dựng:
a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã hiện có trên cơ sở kết hợp đồng bộ các giải pháp về tài chính, quản lý và tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã cung cấp dịch vụ cho xã viên, hiện đại hóa máy móc thiết bị thi công, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của hợp tác xã;
b) Khuyến khích thành lập mới hợp tác xã. Xây dựng thí điểm và phát triển hợp tác xã nhà ở. Mở rộng hợp tác xã cung ứng dịch vụ, vật liệu xây dựng.
4. Về thương mại:
a) Đổi mới, nâng cao hiệu quả và phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động kinh tế của thành viên và nhu cầu đời sống đa dạng của xã viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn;
b) Phát triển các hình thức tổ chức liên kết kinh tế thích hợp giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo hướng quy mô vùng hoặc toàn quốc;
c) Phát triển các hợp tác xã siêu thị và mạng lưới siêu thị hợp tác xã với phương thức hoạt động văn minh, tiên tiến mang lại lợi ích cho xã viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn;
d) Phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã thương mại của các hộ buôn bán cá thể;
đ) Phát triển hợp tác xã chợ, kể cả hợp tác xã chợ đầu mối ở những nơi có điều kiện để thu hút đông đảo tiểu thương, người bán hàng tại chợ trở thành xã viên hợp tác xã.
5. Về giao thông vận tải:
a) Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ vận tải, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các thành viên hoạt động kinh doanh vận tải;
b) Phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung cấp dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu chung của xã viên, cộng đồng dân cư hoặc các tổ chức, doanh nghiệp;
c) Chú trọng phát triển các hợp tác xã cung cấp dịch vụ cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải cho xã viên, các hợp tác xã kinh doanh bến bãi với các xã viên là các chủ phương tiện sử dụng bến bãi, hợp tác xã xây dựng và sửa chữa công trình giao thông.
6. Về tín dụng:
a) Khẩn trương hoàn thành việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân;
b) Khuyến khích thành lập mới Quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân một cách vững chắc, an toàn, thu hút mạnh hơn xã viên tham gia Quỹ;
c) Tập trung vốn cho xã viên vay để đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề. Liên kết tạo vốn cho các hợp tác xã trên cùng địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh;
d) Xây dựng và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân từ trung ương đến cơ sở vững mạnh theo hướng liên kết chặt chẽ, tiến tới xây dựng ngân hàng hợp tác xã; gắn kết chặt chẽ hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân với các hợp tác xã khác; đảm bảo hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân phát triển ổn định, vững chắc và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống.
7. Về các ngành và lĩnh vực khác: phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong các ngành và lĩnh vực khác như: hợp tác xã môi trường; hợp tác xã trong trường học; hợp tác xã dịch vụ đời sống; hợp tác xã dược; hợp tác xã y tế…
1. Triển khai Luật Hợp tác xã và các nghị định hướng dẫn Luật, Bộ luật Dân sự:
a) Khẩn trương ban hành kịp thời và đồng bộ các văn bản dưới Luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành luật;
b) Triển khai hướng dẫn và thực hiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã theo quy định tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã;
c) Triển khai hướng dẫn và thực hiện hỗ trợ về: công tác tuyên truyền pháp luật về hợp tác xã; tổng kết điển hình và xây dựng mô hình hợp tác xã; tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; nghiên cứu về phát triển dịch vụ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; khảo sát và đánh giá toàn diện khu vực kinh tế tập thể; xây dựng hệ thống chỉ tiêu mang tính khoa học và thực tiễn về kinh tế tập thể, cập nhật định kỳ số liệu; triển khai thực hiện dự án về tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể;
d) Xây dựng nghị định hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác theo quy định của Bộ luật Dân sự;
đ) Tiến hành nghiên cứu, định kỳ sơ kết, tổng kết tình hình thi hành Luật hợp tác xã để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về hợp tác xã và các chính sách khác có liên quan.
2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể:
a) Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác xã hiện có theo Luật Hợp tác xã năm 2003;
b) Giải thể các hợp tác xã chưa chuyển đổi hoặc không có khả năng chuyển đổi, hợp tác xã cũ đã chuyển đổi nhưng không hoạt động hoặc hoạt động hình thức;
c) Vận động xã viên hợp tác xã nâng mức vốn góp và vận động các hợp tác xã có điều kiện thu hút thêm xã viên, hợp nhất, sáp nhập hợp tác xã cùng ngành nghề và địa bàn hoạt động để tăng tiềm lực tài chính và quy mô hoạt động của hợp tác xã.
3. Thành lập các tổ chức kinh tế tập thể:
a) Tuyền truyền, vận động, hỗ trợ khuyến khích thành lập các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Vận động các hợp tác xã có đủ điều kiện thành lập hợp tác xã.
4. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể:
a) Thành lập và kiện toàn bộ máy quản lý, bố trí cán bộ chuyên trách thích hợp ở các Bộ, ngành, sở có chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể: ở các Bộ có vụ, sở có phòng, huyện có cán bộ chuyên trách và ở xã có cán bộ không chuyên trách để theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách nghiệp vụ đối với khu vực kinh tế này;
b) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể của cấp trên đối với cấp dưới, của Bộ, ngành đối với địa phương; thực hiện tổng kết, đánh giá định kỳ và rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể;
c) Nghiên cứu, quy định tiêu chuẩn khen thưởng, lựa chọn và kiến nghị các hình thức khen thưởng tôn vinh các cá nhân và tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, có nhiều thành tích xuất sắc về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội.
5. Phát triển hợp tác quốc tế về kinh tế tập thể
Hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc phát triển kinh tế tập thể về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thông tin tư vấn, vốn đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước.
V. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 – 2010), hàng năm của Bộ, ngành và địa phương mình trên cơ sở Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm của cả nước đã được phê duyệt; hàng năm báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí thuộc ngân sách nhà nước để thực hiện; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện kế hoạch của các Bộ, ngành và địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Quyết định 272/2005/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 – 2010) do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 272/2005/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm (2006 – 2010) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 272/2005/QĐ-TTg |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành | 2005-10-31 |
Ngày hiệu lực | 2005-11-22 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |