Thông tư liên bộ 01-TT/LB năm 1961 hướng dẫn chế độ dân công đắp đê năm 1961 do Bộ Lao động, Bộ Thuỷ lợi và Điện lực ban hành.
Căn cứ vào nhiệm vụ và chủ trương của Chính phủ về công tác dân công đắp đê năm 1961 và tình hình dân công đắp đê năm 1960, Liên bộ ra thông tư này hướng dẫn như sau:
...
III. SỬ DỤNG VÀ PHÂN PHỐI TIỀN TRỢ CẤP
Để sử dụng hợp lý tiền trợ cấp của Nhà nước, phân phối tận tay người dân công đi đắp đê, và đảm bảo đoàn kết trong nông thôn, các địa phương,công trường cần chú ý:
1. Trước hết phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, chế độ, nguyên tắc tài chính của Đảng và Chính phủ.
Tiền trợ cấp đắp đê chỉ được dùng vào việc chi phí cho công tác đắp đê, trừ khoản chi phí được tiêu về gián tiếp phí ra thì toàn bộ kinh phí phải dùng để trả thù lao cho dân công. Người đi đắp đê được hưởng một số trợ cấp nhất định tùy theo khối lượng đất đã thực hiện, không phải bình nghị.
2. Ở Trung ương, Bộ Thủy lợi và Điện lực căn cứ vào khối lượng đê phải đắp của từng địa phương vào điều kiện đào, đắp khó, dễ của các triền đê (cao, thấp, xa, gần, dụng cụ làm đê phải mua sắm đắt tiền dân công không có sẵn, như thuyền, xà beng, cuốc chim … huy động dân công đi xa 40, 50 cây số phải đi tàu, xe…) và mức độ đời sống của nhân dân từng địa phương mà phân ra 3 mức bình quân để trợ cấp cho các địa phương:
- Loại bình thường 1m3 trợ cấp : 0đ 50
- Loại khó : 0đ 60
- Loại đặc biệt khó : 0đ 70
Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh sẽ căn cứ vào kinh phí được cấp vào khối lượng và điều kiện đào, đắp khó, dễ, cao, thấp, gần xa….đúng với thực tế từng vùng, từng nơi của mỗi triền đê, mà phân ra nhiều mức trợ cấp. Nơi nào dễ làm năng suất bình quân cao, thì mức trợ cấp theo thước khối sẽ ít, nơi nào khó làm, năng suất bình quân thấp, thì mức trợ cấp theo thước khối sẽ nhiều hơn, cứ như thế điều hòa cho hợp lý để đảm bảo cấp phát ít nhất 88% tổng số kinh phí vào tay dân công và phải lãnh đạo động viên tăng năng suất để cố gắng đảm bảo thu nhập mỗi ngày công ít nhất cũng được từ 0đ40 trở lên.
Trong lúc thực hiện, các địa phương cần đặc biệt chú ý phải đảm bảo hoàn thành kế hoạch, không được xin thêm kinh phí vì Bộ Thủy lợi và Điện lực đã phân phối hết số tiền Nhà nước trợ cấp cho các địa phương. Sau khi tính toán, cân đối, quy định các mức trợ cấp xong, ở từng công trường phải công bố mức trợ cấp 1m3 đất cho dân công biết.
3. Số tiền chi về gián tiếp phí, tập thể phí, mua dụng cụ (12% kinh phí được cấp) nên phân phối như sau:
- Tuyên truyền, thi đua khen thưởng, báo chí: 1,5% kinh phí được cấp.
- Bồi thường đất đai hoa màu, nhà cửa (địa phương cần báo trước cho nhân dân biết để giảm chi khoản này): 1% kinh phí được cấp.
- Mua sắm, sửa chữa và cải tiến dụng cụ: 2,5%
- Hành chính phí kể cả lương phù động, tạm tuyển, dầu đèn… (không trả lương cho người ở trong biên chế Nhà nước, không sử dụng hành chính phí để mua sắm các vật dụng lâu dài, như xe đạp, máy phóng thanh, phích, ca, cốc…): 3% kinh phí được cấp.
- Mua thuốc men, một ít dụng cụ y tế cần thiết và chăm sóc người ốm đau hoặc bị tai nạn lao động: 4% kinh phí được cấp.
Dựa vào quy định trên, các địa phương có thể bớt khoản này một ít để thêm vào khoản khác cho hợp lý, sát với hoàn cảnh thực tế của từng công trường, phải tính toán kỹ tỷ lệ gián tiếp phí cần thiết, và phải sử dụng cho đúng mức để đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách, nhất là chính sách bảo hộ lao động, bảo đảm sức khỏe cho dân công và chính sách tiết kiệm chống tham ô lãng phí. Ngoài ra phải phấn đấu để giảm bớt những khoản có thể giảm như chi về ốm đau, tai nạn, hành chính phí bằng cách đề phòng tai nạn, ốm đau, sắp xếp tổ chức, sử dụng thuốc men cho hợp lý.
Sau khi hoàn thành công trường và đảm bảo các khoản chi phí trên, nơi nào còn thừa kinh phí gián tiếp, thì phải trả lại cho Bộ ThỦy lợi và Điện lực để nộp lại công quỹ, không được chi vào việc khác.