BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 26-LĐTT | Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1958 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi | - Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh |
Căn cứ theo Luật công đoàn và nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật công đoàn và sau khi thống nhất ý kiến với Tổng liên đoàn Lao động Việt nam, Bộ Lao động ban hành thông tư này nhằm mục đích hướng dẫn thi hành một số điểm để thực hiện quyền giám sát của Công đoàn, cung cấp phương tiện hoạt động cho Công đoàn, cách trả lương cho cán bộ làm công tác Công đoàn trong giờ sản xuất, việc trích nộp kinh phí Công đoàn và thể thức giải quyết những trường hợp vi phạm luật lệ Công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh.
Mục đích giám sát của Công đoàn và công nhân viên chức trong các xí nghiệp tư bản tư doanh, theo điều 9 của Luật công đoàn và các điều 12, 13, 14, 15 của nghị định Thủ tướng Chính phủ là nhằm thực hiện tốt công tác quản lý xí nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần hoàn thành kế hoạch Nhà nước và thực hiện chính sách sử dụng hạn chế cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nội dung giám sát nói chung nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng các chính sách và luật lệ của Nhà nước thi hành trong các xí nghiệp tư bản tư doanh cụ thể như dưới đây:
- Các luật lệ về sản xuất kinh doanh, các kế hoạch, các hợp đồng sản xuất, thu mua, gia công, kinh tiêu, đại lý, bảo đảm các chỉ tiêu về số lượng, quy cách, kỹ thuật chế biến, phẩm chất hàng hóa, nguyên vật liệu, tài vụ. Các luật lệ về nộp thuế công thương nghiệp, thuế lợi tức của Nhà nước.
- Các luật lệ lao động đã ban hành, các hợp đồng lao tư gồm các khoản về tiền lương, an toàn lao động, quyền lợi xã hội, phúc lợi, kế hoạch và thời gian lao động.
Để thực hiện đúng các điều 14, 15 trong nghị định Thủ tướng Chính phủ trong các xí nghiệp tư bản tư doanh, Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp, tuỳ theo từng trường hợp, tổ chức các hình thức hội nghị như dưới đây:
a) Hội nghị thường kỳ:
Hàng tháng Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp hoặc người được uỷ nhiệm quản lý xí nghiệp, quản lý công ty (dưới đây sẽ gọi chung là chủ xí nghiệp) họp hội nghị kiểm điểm, nhận xét việc thi hành các hợp đồng, các chính sách, luật lệ của Chính phủ về sản xuất kinh doanh, về quyền lợi của công nhân, viên chức trong xí nghiệp.
Tuỳ theo yêu cầu cần thiết Ban Chấp hành Công đoàn có thể mời thêm một số đãi biểu công nhân và nhân viên kỹ thuật của xí nghiệp hoặc cán bộ cơ quan Nhà nước đến dự hội nghị.
Trong hội nghị chủ xí nghiệp báo cáo việc thực hiện sản xuất kinh doanh, các hợp đồng thu mua, gia công…, việc thi hành các chính sách, các luật lệ Nhà nước, các quyền lợi của công nhân, viên chức, các hợp đồng lao tư của tháng trước và nhiệm vụ biện pháp công tác tháng tới của xí nghiệp.
Hội nghị thảo luận, nhận xét, chất vấn phê bình công việc làm của xí nghiệp, đề xuất những vấn đề cần thiết phải thi hành để hội nghị thảo luận, góp ý kiến xây dựng nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cho tháng tới.
Mỗi phiên họp đều phải làm biên bản. Những vấn đề đã thống nhất ý kiến giữa Công đoàn và chủ xí nghiệp trong hội nghị thì ghi vào biên bản để chủ xí nghiệp tổ chức thực hiện. Những vấn đề chưa thống nhất thì trong biên bản ghi ý kiến của hai bên để tiếp tục giải quyết.
Sau mỗi cuộc hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức báo cáo kết quả cho toàn thể công nhân, viên chức trong xí nghiệp biết và hướng dẫn thi hành nghị quyết của hội nghị.
Ban Chấp hành Công đoàn theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thi hành những nghị quyết của hội nghị.
Để chuẩn bị cho hội nghị tiến hành được tốt, Ban Chấp hành Công đoàn góp ý kiến với chủ xí nghiệp những vấn đề cần báo cáo trong hội nghị. Bản báo cáo cần gửi cho Ban Chấp hành Công đoàn có đủ thì giờ nghiên cứu tuỳ theo từng vấn đề, trước ngày hội nghị.
Hội nghị họp một nửa thì giờ trong giờ sản xuất và một nửa thì giờ ngoài giờ sản xuất.
b) Hội nghị bất thường:
Ngoài những cuộc hội nghị thường kỳ nói trên khi cần giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, khi công nhân, viên chức phát hiện những vấn đề thi hành không đúng các hợp đồng sản xuất kinh doanh, hợp đồng giữa thợ và chủ, điều lệ lao tư, những nghị quyết của những cuộc hội nghị giữa Công đoàn, công nhân, viên chức và chủ xí nghiệp hoặc những chính sách khác về sản xuất kinh doanh của Nhà nước thì Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp tổ chức họp bất thường để kiểm điểm và giải quyết.
c) Hội nghị công nhân, viên chức:
Đối với những vấn đề có quan hệ đến quyền lợi chung, những vấn đề quan trọng cần có ý kiến của toàn thể công nhân, viên chức để giải quyết như: những khó khăn lớn trong sản xuất, những vấn đề của các cuộc họp thường lệ và bất thường trong xí nghiệp không giải quyết được, những vấn đề do công nhân, viên chức hoặc chủ xí nghiệp yêu cầu đưa ra hội nghị công nhân, viên chức hoặc những vấn đề do Công đoàn cấp trên hoặc cơ quan Nhà nước yêu cầu thì Ban Chấp hành Công đoàn và chủ xí nghiệp tổ chức hội nghị toàn thể công nhân, viên chức hoặc hội nghị đại biểu công nhân, viên chức để thảo luận, giải quyết.
Thủ tục và lề lối của các cuộc hội nghị bất thường và hội nghị công nhân, viên chức đều theo thể thức đã nói trong phần hội nghị thường lệ trên đây. Riêng bản báo cáo trong các cuộc hội nghị bất thường và hội nghị công nhân, viên chức thì làm theo yêu cầu của từng cuộc hội nghị. Chi tiết cụ thể do Tổng liên đoàn Lao động Việt-nam hướng dẫn.
II. THỰC HIỆN VIỆC CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG CHO CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
Để thực hiện việc cung cấp phương tiện hoạt động cho công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh theo điều 12 của Luật công đoàn và điều 17 của nghị định Thủ tướng Chính phủ, chủ xí nghiệp căn cứ theo bản dự trù của Ban Chấp Hành Công đoàn cơ sở để cung cấp phương tiện hoạt động cho công đoàn. Dự trù mỗi năm làm một lần.
Những phương tiện hoạt động của công đoàn do chủ xí nghiệp cung cấp vẫn đăng ký vào tài sản của xí nghiệp đó. Ban Chấp Hành Công đoàn quản lý và sử dụng, khi không dùng đến sẽ trả lại cho xí nghiệp. Những chi phí tu sữa phương tiện hoạt động của công đoàn nói chung do chủ xí nghiệp đảm nhận, trừ những chi phí nhỏ mà công đoàn có thể đảm nhiệm được. Đối với những công đoàn ghép nhiều xí nghiệp (công đoàn khu phố, công đoàn nghề nghiệp) thì mỗi xí nghiệp chịu một phần trách nhiệm cung cấp phương tiện hoạt động cho công đoàn bằng cách phân phối theo tổng số công nhân, viên chức của từng xí nghiệp.
III. CÁCH TRẢ LƯƠNG CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN TRONG GIỜ SẢN XUẤT.
Cán bộ làm công tác công đoàn trong giờ sản xuất theo điều 18-a trong nghị định Thủ tướng Chính phủ được trả lương và các khoản phụ cấp, được hưởng các khoản tiền thưởng như khi đang sản xuất do chủ xí nghiệp đài thọ. Trong trường hợp cán bộ hưởng lương theo sản phẩm (thường gọi là lương khoán) hoặc theo cách làm chia thì lấy tổng số tiền lương lĩnh tháng trước hoặc một đợt sản xuất trước chia cho số ngày thực sự làm việc trong tháng đó hoặc trong đợt sản xuất đó của cán bộ để tính trả lương những ngày làm công tác công đoàn trong giờ sản xuất. Ở những công đoàn ghép thì mỗi xí nghiệp chịu một phần trách nhiệm trả lương cho cán bộ làm công tác công đoàn trong giờ sản xuất theo cách phân phối nói ở mục 2 trên đây.
IV. THỰC HIỆN TRÍCH NỘP KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN
Căn cứ theo điều 19 và 20 của nghị định Thủ tướng Chính phủ ở các xí nghiệp tư bản tư doanh, các trường tư thục, các cơ sở sản xuất thủ công tập trung thuê người làm công ăn lương và nơi có đoàn viên và tổ chức công đoàn thì chủ xí nghiệp hàng tháng nộp cho quỹ công đoàn, thuộc tài khoản của Tổng liên đoàn Lao động Việt nam ở Ngân hàng Quốc gia Việt nam một số tiền gọi là kinh phí công đoàn bằng hai phần trăm (2%) tổng số lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân, viên chức, không phân biệt ở trong hoặc ở ngoài công đoàn, làm việc dài hạn hoặc ngắn hạn, trừ những người thuê mướn tạm thời dưới 1 tháng.
Khi tính tổng số tiền để trích nộp kinh phí công đoàn thì không phân biệt chế độ và hình thức trả lương, gồm các khoản tiền lương chính, các khoản phụ cấp và tiền thưởng có tính chất tiền lương, như:
Lương chính- Lương ngày, lương tháng, lương trả theo sản phẩm, lương theo cách làm chia v.v…
Các phụ cấp và tiền thưởng có tính chất tiền lương - Phụ cấp khu vực, làm đêm, làm thêm giờ, phụ cấp kỹ thuật, ngày lễ, tiền thưởng tăng năng suất, thưởng tiết kiệm… Nhưng không kể món tiền thưởng trích lãi cuối năm.
Những khoản chi phí cho công nhân, viên chức về xã hội và phúc lợi như: phụ cấp ốm đau, thai sản, tiền thuốc men, trợ cấp khi chết, chi phí về thiết bị an toàn lao động thì không tính vào tổng số tiền lương. Việc tính toán có liên quan đến tổng số tiền lương sẽ dựa vào theo bản “Tổng mục tiền lương” của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để quyết định.
Những người trong gia đình của chủ, những cổ viên của xí nghiệp nếu đã tham gia lao động và thực sự làm công ăn lương thì số tiền lương của họ được tính vào tổng số tiền lương để trích nộp kinh phí công đoàn.
Tiền sinh hoạt phí của những người học việc không tính để nộp kinh phí công đoàn. Những người học việc đã đủ tiêu chuẩn thành nghề theo luật lệ Nhà nước hoặc theo thủ tục học việc của từng nghề (đúng tuổi trưởng thành, đủ năm học hoặc đã thạo nghề) thì phải chuyển họ thành người công nhân chính thức, tiền lương của họ cũng phải tính vào tổng số tiền lương để nộp kinh phí công đoàn.
Sau khi đã nộp kinh phí công đoàn rồi thì những khoản tiền trước đây chủ đã chi về hoạt động của công đoàn và công nhân, viên chức do công đoàn quản lý, như: tiền sách báo, thể thao, thể dục v.v…. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở báo chủ biết để bãi bỏ.
Hàng tháng khi chủ xí nghiệp lập xong bản kê tiền trích nộp kinh phí công đoàn vào tài khoản của Tổng liên đoàn Lao động Việt nam tại Ngân hàng thì phải thông qua Ban Chấp hành công đoàn cơ sở lấy chữ ký, đóng dấu và gửi 1 bản sao y cho Ban Chấp hành công đoàn cơ sở.
Những xí nghiệp mà việc nộp kinh phí công đoàn vào Ngân hàng thực sự có khó khăn thì chủ xí nghiệp có thể nộp kinh phí công đoàn cho Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, chi tiết thi hành do Tổng liên đoàn Lao động Việt nam hướng dẫn.
V. THỂ THỨC GIẢI QUYẾT CÁC VI PHẠM VỀ LUẬT LỆ CÔNG ĐOÀN
Khi phát hiện ra nhưng vi phạm luật lệ công đoàn hoặc vi phạm các luật lệ khác trong khi thi hành Luật công đoàn thì tuỳ theo từng trường hợp mà giải quyết theo thể thức dưới đây:
- Đối với những vi phạm về nguyên tắc quyền hạn và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn như: quyền giám sát, quyền lợi về tổ chức cán bộ, phương tiện hoạt động của công đoàn, nộp kinh phí công đoàn v.v… hoặc không thi hành đúng luật lệ lao động, những hợp đồng giữa thợ và chủ, điều lệ lao tư v.v… thì báo cho cơ quan lao động địa phương để giải quyết, uốn nắn việc thi hành cho đúng. Khi cần thiết, cơ quan lao động có thể đề nghị với Uỷ ban hành chính để cảnh cáo hoặc trừng phạt về phương tiện hành chính.
- Đối với những trường hợp không thi hành đúng những luật lệ về sản xuất kinh doanh, các hợp đồng, các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, việc nộp thuế v.v… thì báo cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo những quy định hiện hành, đồng thời báo cho cơ quan lao động địa phương để theo dõi.
- Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, cố ý vi phạm hoặc tái phạm nhiều lần Luật công đoàn hay các luật lệ nói trên thì cơ quan lao động lập biên bản đề nghị Uỷ ban hành chính hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa ra toà án để xét xử.
Thông tư này thi hành kể từ ngày ban hành.
| BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG |
File gốc của Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 26-LĐTT năm 1958 hướng dẫn thi hành Luật công đoàn và Nghị định Thủ tướng Chính phủ thi hành Luật công đoàn trong các xí nghiệp tư bản tư doanh do Bộ Lao động ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động |
Số hiệu | 26-LĐTT |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Nguyễn Văn Tạo |
Ngày ban hành | 1958-10-01 |
Ngày hiệu lực | 1958-10-01 |
Lĩnh vực | Lao động |
Tình trạng | Đã hủy |