BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 22-TT/LB | Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 1975 |
Thi hành Quyết định số 129-CP ngày 25 tháng 5 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ quy định về chính sách đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi; Bộ Lao động, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương và Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn cụ thể một số vấn đề về lao động như sau.
I- VẤN ĐỀ XÂY DỰNG QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH LAO ĐỘNG
Trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, việc tổ chức đưa dân từ đồng bằng lên mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi là nhiệm vụ hết sức quan trọng để tổ chức lại lao động xã hội, phân bổ và điều phối hợp lý lực lượng lao động giữa các vùng nhằm phát huy tốt nhất mọi khả năng lao động cho xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng.
1- Dựa vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất của từng địa phương, từng vùng và yêu cầu tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông, lâm nghiệp từ cơ sở và việc xây dựng cấp huyện theo chỉ thị số 208 của Ban bí thư Trung ương Đảng ngày 16 tháng 9 năm 1974, cơ quan lao động các địa phương cần giúp Uỷ ban hành chính xây dựng quy hoạch, kế hoạch toàn diện về lao động gắn với nhiệm vụ phát triển sản xuất, thực hiện một bước công tác kế hoạch hoá sức lao động để chủ động giảm dân số và lao động ở các vùng đông dân thuộc đồng bằng; tăng dân số và lao động ở các vùng ít dân, ít lao động ở trung du, miền núi. Trong việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch lao động phục vụ mở rộng vùng kinh tế mới, cần chú ý một số vấn đề sau đây:
- Xác định được phương hướng, nhiệm vụ và mức độ lao động phải chuyển bớt đi (ở tỉnh đồng bằng), hoặc lao động cần nhận thêm đến (ở tỉnh trung du, miền núi, từ nay cho đến năm 1980 và kế hoạch cụ thể cho từng năm... Việc này phải dựa vào ước tính tăng dân số, tăng lao động để xác định được đúng đắn khả năng lao động tại chỗ và lập kế hoạch cân đối lao động một cách toàn diện.
- Bảo đảm cân đối hợp lý số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động đưa đi xây dựng các vùng kinh tế mới, đồng thời bảo đảm nhu cầu lao động để thâm canh, tăng năng suất, phát động trai trẻ, cần điều động phục vụ kế hoạch kinh tế và quốc phòng của Nhà nước.
2- Về địa bàn đưa dân đi, nhận dân đến.
a) Đối với nơi cần chuyển bớt lao động đi.
Hiện nay, ở vùng đồng bằng (kể cả đồng bằng khu 4 cũ, và đồng bằng các tỉnh trung du) có những vùng mức bình quân diện tích theo đầu người thấp dưới 3 sào (Bắc bộ). Các hợp tác xã trong vùng này thuộc diện phải chuyển bớt lao động, dân số đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Việc chuyển bớt dân đi phải tiến hành có trọng điểm, tập trung vào từng vùng, từng huyện, xã, hợp tác xã, có nơi đi trước, nơi đi sau, không nên đi phân tán lẻ tẻ, cũng không nên đưa đi ào ạt. Những nơi cần đưa bớt dân và lao động đi, trước hết là nơi ruộng đất ít, người đông, sản xuất độc canh, ngành nghề không có điều kiện phát triển. Cụ thể như sau:
- Mức bình quân diện tích canh tác theo đầu người thấp so với mức bình quân chung trong tỉnh, điều kiện thiên nhiên khó khăn, sản xuất kém, ngành nghề không phát triển được; nơi cần mở rộng các công trình xây dựng cơ bản hoặc phải giải phóng lòng sông v.v...;
- Nơi đã tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý, đầu tư thêm cơ giới, do đó lao động dôi ra;
- Những nơi bình quân diện tích canh tác theo đầu người có thấp so với mức bình quân chung trong tỉnh, nhưng sản xuất có nhiều khó khăn (do điều kiện thiên nhiên, do trình độ sản xuất còn thấp) đang tiến hành những biện pháp cải thiện điều kiện sản xuất: Cải tạo đất, xây dựng thuỷ lợi, v. v... nếu chưa có điều kiện đưa đủ số lao động đi ngay thì nên tổ chức đưa đi dần từng bước;
Những nơi bình quân diện tích canh tác theo đầu người thấp, nhưng có nhiều nghề thủ công thì cần xem xét cụ thể, nếu các nghề đó cần thiết cho nhu cầu của kế hoạch Nhà nước, có điều kiện ổn định lâu dài thì tính số lao động đó vào kế hoạch cân đối ở địa phương; nếu là nghề không ổn định, chuyển lao động lên miền núi sẽ phát triển tốt hơn thì cần tính vào cân đối lao động cần chuyển đi;
- Ở các thành phố, thị xã, thị trấn còn khá đông số người có khả năng lao động chưa làm việc, cần vận động tổ chức đưa những gia định có đông lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới theo tinh thần Quyết định số 201-CP ngày 30 tháng 8 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 12-TT/LB ngày 24 tháng 3 năm 1975 của liên bộ Lao động - Công an. Người số lao động phổ thông có thể vận động đưa đi cả lao động làm các ngành nghề như nghề thủ công sử dụng nguyên liệu song, mây, tre, nứa... nghề xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng (mộc, nề, gạch, ngói, vôi), chế biến nông, lâm sản, nghề phục vụ (may, cắt tóc...) sửa chữa công cụ (rèn cơ khí), sửa chữa xe đạp, v.v...
Những nơi đã chuyển đi xây dựng vùng kinh tế mới, Uỷ ban hành chính địa phương cần có kế hoạch tổ chức lại khu dân cư để tận dụng đất đai cho sản xuất.
b) Đối với nơi tiếp nhận dân đến:
Trung du và miền núi là nơi tiếp nhận lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới phải chú trọng những vấn đề sau đây:
Trước hết cần xác định rõ được phương hướng, nhiệm vụ và quy hoạch xây dựng vùng kinh tế mới trong tỉnh đã được cấp trên xét duyệt. Đi đôi với quy hoạch kinh tế, phải lập quy hoạch lao động một cách toàn diện và kế hoạch xin điều động thêm lao động hàng năm, từng quý. Kế hoạch đó cần cụ thể về nhu cầu lao động, cần bổ sung về số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động (lao động có nghề, lao động kỹ thuật, lao động phổ thông, lao động trực tiếp sản xuất, lao động phục vụ sản xuất; tỷ lệ nam, nữ, v.v...). Đồng thời phải chuẩn bị tốt sản xuất, điều kiện sinh hoạt và phúc lợi, đảm bảo đời sống người lao động (nơi ăn, ở, chữa bệnh, giữ trẻ, nơi học cho trẻ em, v.v...) ngay trước khi đón dân lên.
Trên cơ sở quy hoạch đất đai và lao động tính số nhân khẩu mà xây dựng quy hoạch khu dân cư, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của vùng kinh tế mới.
3- Về quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh ở đồng bằng và tỉnh ở trung du, miền núi trong việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Mối quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh ở đồng bằng và tỉnh ở trung du, miền núi phải thể hiện trong việc phân công trách nhiệm giữa hai bên, đảm bảo việc chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách và kế hoạch đưa dân đi và tiếp nhận dân đến xây dựng vùng kinh tế mới. Giữa hai tỉnh cần có kế hoạch phân công cụ thể để cùng nhau phụ trách từ khi bắt đầu đến khi hoàn chỉnh nhiệm vụ này, bao gồm: Việc chuẩn bị tổ chức đưa dân đi, đón dân đến, bố trí sắp xếp cán bộ các ngành, thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất và thi hành các chế độ chính sách đối với vùng kinh tế mới.
Các tỉnh kết nghĩa cần thành lập một bộ phận phụ trách các công việc chỉ đạo xây dựng vùng kinh tế mới.
Trước khi đưa dân đi hai bên phải cùng nhau tiến hành kiểm tra xem xét lại địa bàn về mọi mặt: chuẩn bị sản xuất, tổ chức đời sống... Nếu thấy chuẩn bị chưa tốt thì chưa nên đưa dân đi. Chú ý hoàn thành sớm và tốt việc chuẩn bị để có thể đưa lao động đến cho khớp với thời vụ sản xuất ở vùng kinh tế mới.
II- VỀ ĐỐI TƯỢNG, CƠ CẤU LAO ĐỘNG ĐƯA ĐI VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT LAO ĐỘNG HỖ TRỢ ĐỐI VỚI VÙNG KINH TẾ MỚI
1- Về đối tượng và cơ cấu lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Việc đưa lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới là đi cả gia đình; chú ý những gia đình có nhiều lao động; cũng có thể tách một bộ phận lao động trong gia đình để lập ra một gia đình riêng đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Trên cơ sở tính toán toàn diện, đúng đắn các nhu cầu lao động cho nơi đưa lao động đi và nơi lập vùng kinh tế mới mà xác định đối tượng cụ thể cần đưa đi. Phải chú ý đến đặc điểm lao động hiện có mà xác định tỷ lệ thích đáng các loại lao động về số lượng, chất lượng nghề nghiệp, nam, nữ, lứa tuổi, lao động trẻ khoẻ. Song cũng không nên gò ép một cách cứng nhắc về tỷ lệ. Ngoài số lao động phổ thông cho nông nghiệp, lâm nghiệp, cần chú ý đưa đi cả lao động có kỹ thuật (công nghiệp, thủ công nghiệp...) và cán bộ các loại cần thiết cho vùng kinh tế mới. Chú ý đưa đi một số thợ mộc, nề, rèn... để đáp ứng yêu cầu xây dựng các công trình công cộng, nhà ở phục vụ cho sản xuất và đời sống. Không đưa những hộ độc thân, già yếu, gia đình neo đơn lên vùng kinh tế mới. Trường hợp hộ độc thân có sức lao động và tình nguyện thì cũng có thể đưa đi.
2- Về việc đưa lao động đi trước chuẩn bị cơ sở để đưa gia đình lên theo.
Bộ phận đi trước chuẩn bị gồm có đại diện Uỷ ban hành chính huyện, xã và cán bộ trong bộ máy hợp tác xã mới (quản trị, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, cán bộ đội sản xuất) đi trước nhận địa bàn hoạt động của hợp tác xã (khu sản xuất, khu dân cư...) và làm thủ tục hành chính (bàn giao hộ khẩu với địa phương) đăng ký tư cách pháp nhân cho hợp tác xã mới v.v... Sau đó sẽ tuỳ theo tình hình và tiến độ xây dựng vùng kinh tế mới mà tổ chức lao động, chủ gia đình (người khoẻ có kinh nghiệm sản xuất) lên tiếp theo để nhận đất làm nhà, xây dựng những công trình phục vụ đời sống (giếng nước, nhà vệ sinh) hoặc lao động tập thể sản xuất rau màu ngắn ngày cho kịp thời vụ. Khi đã căn bản hoàn thành những công việc chuẩn bị trên thì có thể đón gia đình lên. Thời gian chuẩn bị không nên kéo dài quá 3 tháng.
3- Về cách giải quyết đối với lao động xây dựng những cơ sở vật chất và kỹ thuật quá khả năng của hợp tác xã và lao động hỗ trợ.
a) Lao động hỗ trợ:
Các tỉnh tiếp nhận dân đến xây dựng vùng kinh tế mới cần vận động nhân dân địa phương tổ chức lao động hỗ trợ cho hợp tác xã mới đến (lấy nguyên vật liệu làm nhà ở, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, mở các đường giao thông trong phạm vi hợp tác xã, v.v...).
Các tỉnh có dân đi cần cử một số lao động khoẻ mạnh, có tinh thần trách nhiệm biết xây dựng cơ bản để giúp vào việc làm trên. Những người đi hỗ trợ cho vùng kinh tế mới được hợp tác xã ở đồng bằng thống nhất quản lý phân phối theo hướng dẫn của Ban quản lý hợp tác xã thuộc Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương.
b) Đối với những cơ sở vật chất và kỹ thuật lớn hoặc tương đối lớn do Nhà nước trực tiếp đầu tư vốn, thì các tỉnh có dân đi xây dựng vùng kinh tế mới cần tăng cường vận động lao động trong địa phương đi làm hợp đồng lao động theo tinh thần thông tư số 184-TTg ngày 16 tháng 7 năm 1974 của Thủ tướng Chính phủ cho các ngành có yêu cầu về lao động để xây dựng các công trình như: Các công trình thuỷ lợi đầu mối, các trục đường giao thông chính trong vùng kinh tế mới, mở đường lâm nghiệp, làm trường học, bệnh viện, v.v...
4- Bồi dưỡng kinh nghiệm sản xuất cho lao động mới lên vùng kinh tế mới.
Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp cần cử cán bộ có năng lực tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn ngay một số kinh nghiệm cần thiết và sản xuất ở miền núi thích hợp với từng loại lao động mới lên theo ngành nghề được phân công bằng hình thức mở lớp chuyên đề ngắn ngày, tập huấn tại chỗ.
III- VỀ PHÂN BỔ VÀ TỔ CHỨC LAO ĐỘNG ĐƯA LÊN VÙNG KINH TẾ MỚI
Căn cứ vào quy hoạch và nhiệm vụ kế hoạch sản xuất của vùng kinh tế mới đã được trên duyệt, đồng thời căn cứ vào quy định về tổ chức các loại hình hợp tác xã (nông nghiệp, nông-lâm, lâm-nông, thủ công nghiệp, độc lập, xen ghép, v.v...) và về quy mô hợp tác xã các loại mà xác định việc phân bổ và tổ chức lao động đưa lên vùng kinh tế mới. Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương sẽ có quy định riêng về loại hình và quy mô hợp tác xã cho vùng kinh tế mới.
Lao động đưa lên, nói chung, không nên phân tán quá nhỏ mà nên phân bổ một cách tập trung hợp lý kết hợp theo ngành và theo lãnh thổ, bảo đảm cân đối giữa các ngành và các vùng (tiểu vùng).
Việc tổ chức quản lý lao động trong nội bộ các hợp tác xã ở vùng kinh tế mới, phải căn cứ vào loại hình hợp tác xã, nhiệm vụ sản xuất của hợp tác xã và quy mô các ngành nghề trong hợp tác xã mà tổ chức ra các đội, tổ theo hướng chuyên môn hoá kết hợp sử dụng tổng hợp sức lao động. Mặt khác, cần phải dựa vào tính chất từng loại công việc để bố trí phân công cho phù hợp với khả năng của từng lao động. Nếu lập hợp tác xã độc lập, thì bộ máy lãnh đạo hợp tác xã (quản trị, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, cán bộ chỉ huy đội sản xuất, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ...) và quy mô, cơ cấu các loại đội, tổ phải bố trí trước khi đưa lên vùng kinh tế mới. Nếu xen ghép với hợp tác xã địa phương, thì tuỳ theo hình thức xen ghép đội, tổ hoặc xen ghép hộ mà bố trí cán bộ đội, tổ hoặc cử cán bộ tham gia công tác quản lý đội của hợp tác xã địa phương. Chú ý xây dựng tinh thần đoàn kết giữa đồng bào vùng xuôi lên và đồng bào địa phương.
Các hợp tác xã mới lập, cần kịp thời xây dựng và áp dụng các chế độ, chính sách về lao động để có thể sớm đưa công tác tổ chức, quản lý lao động trong hợp tác xã vào nền nếp, phù hợp với tình hình thực tế ở vùng kinh tế mới trong từng thời kỳ. Ngoài các chế độ về tổ chức lao động, phân phối theo lao động, còn cần phải chú ý thi hành chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và an toàn lao động, đảm bảo cho người lao động yên tâm phấn khởi sản xuất và ổn định lâu dài ở vùng kinh tế mới.
IV- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ VỀ CHÍNH SÁCH
1- Chế độ dân công nghĩa vụ.
Thời gian được miễn nghĩa vụ dân công ba năm đầu là tính từ ngày người lao động bắt đầu chuyển đến vùng kinh tế mới (kể cả thời gian đi chuẩn bị trước). Thời gian những người được tạm miễn trùng vào thời gian này thì cũng chỉ được tính thời gian được tạm miễn là ba năm (ví dụ: Một người đã được tạm miễn một năm thì chỉ còn được miễn hai năm nữa).
Những thanh niên khi chuyển đến vùng kinh tế mới chưa đến tuổi làm nghĩa vụ dân công (như mới 17 tuổi), thì khi đến tuổi làm nghĩa vụ dân công, thời gian được miễn phải trừ thời gian mới đến vùng kinh tế mới chưa đến tuổi làm nghĩa vụ dân công, (ví dụ: Một thanh niên đến vùng kinh tế mới năm 17 tuổi, sau đó một năm đến tuổi làm nghĩa vụ dân công thì thời gian được miễn chỉ là hai năm).
Quy định thời gian tạm miễn nghĩa vụ dân công là nhằm giúp cho người lao động đến cơ sở mới có điều kiện tập trung vào việc ổn định nơi ăn, ở, nơi sản xuất và mở mang đường giao thông, làm thuỷ lợi trong phạm vi hợp tác xã.
Ngay sau khi nhân dân chuyển đến vùng kinh tế mới, Uỷ ban hành chính nơi đó phải nắm chắc danh sách những người trong độ tuổi lao động có sức lao động và hướng dẫn chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách đã quy định như đăng ký lao động, làm sổ lao động, cấp thẻ lao động theo Nghị định số 97-CP ngày 2 tháng 5 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 4-LĐ/TT ngày 15 tháng 2 năm 1975 của Bộ Lao động.
2- Vấn đề tuyển sinh, tuyển lao động ở vùng kinh tế mới.
Những lao động chuyển đến vùng kinh tế mới nếu có đủ tiêu chuẩn quy định vẫn được tuyển sinh, tuyển lao động vào các ngành Nhà nước một cách công bằng hợp lý. Việc tuyển đối với các hợp tác xã mới ở vùng xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới trong những năm đầu chỉ thực hiện ở những hợp tác xã đã được ổn định về sản xuất và nơi ăn, ở, và theo sự hướng dẫn của cơ quan lao động.
3- Đối với gia đình của những người đã lên trung du, miền núi làm nông, lâm nghiệp từ những năm trước và từ nay về sau.
Những người đã lên trung du, miền núi làm nông, lâm nghiệp là kể cả cán bộ, công nhân viên chức và xã viên các hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp... nếu gia đình (vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng, bố mẹ và những người thân thích khác mà người cán bộ, công nhân, viên chức, xã viên phải trực tiếp nuôi dưỡng) ở đồng bằng xin lên làm ăn, sum họp với người nhà thì được hưởng các chế độ trợ cấp như sau:
a) Đối với gia đình cán bộ, công nhân, viên chức:
- Nếu người lên có đủ tiêu chuẩn và Nhà nước có yêu cầu thì được xét tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan, xí nghiệp cùng với người nhà, hoặc được giúp đỡ làm hợp đồng lao động cho cơ quan, xí nghiệp theo tinh thần Thông tư số 184-TTg ngày 16 tháng 7 năm 1974 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc đưa vào lao động sản xuất trong hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủ công nghiệp gần nhất;
- Được trợ cấp ban đầu một lần 30đ cho gia đình theo điểm a mục 1 trong phần II của Thông tư số 7-LĐ/TT ngày 1 tháng 3 năm 1975 của Bộ lao động hướng dẫn thi hành Quyết định số 292-CP ngày 31 tháng 12 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ và cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý, tiền ăn đường, trợ cấp tiền làm nhà riêng theo điểm d mục 1 phần II trong Thông tư số 7-LĐ/TT nói trên.
b) Đối với gia đình xã viên các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủ công nghiệp.
- Được chính quyền địa phương (Uỷ ban hành chính xã) đưa vào lao động sản xuất trong hợp tác xã cùng với người nhà. Nếu có đủ tiêu chuẩn và cơ quan có yêu cầu thì cũng được xét tuyển dụng như các lao động khác ở địa phương;
- Được trợ cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý và tư liệu sản xuất, thuốc phòng bệnh khi đi đường, trợ cấp khó khăn, tiền để có thêm điều kiện làm nhà và cơ sở chăn nuôi theo điểm 1, 2 và 3 trong mục B thông tư liên bộ Tài chính - Ngân hàng - Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương - Tổng cục Lâm nghiệp số 03 ngày 4 tháng 2 năm 1975 hướng dẫn thi hành Quyết định số 129-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 25 tháng 5 năm 1974.
Về lương thực được cấp theo điểm b mục 2 phần I thông tư liên bộ Lương thực thực phẩm - Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương số 3 ngày 30 tháng 1 năm 1975.
Những người đi lẻ tẻ nói trên chỉ được hưởng các chế độ chính sách hiện hành đối với người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, khi có giấy tờ hợp lệ của Uỷ ban hành chính nơi đi cấp (giấy chứng nhận cho đi, giấy chuyển hộ khẩu, chuyển lương thực, chuyển lao động...), thực hiện đầy đủ đăng ký ở nơi mới đến và phải nhận làm việc ở cơ quan, xí nghiệp nông, lâm trường hoặc cơ sở sản xuất tập thể do Uỷ ban hành chính nơi nhận bố trí.
Ở cấp Trung ương:
a) Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, cơ quan chủ trì giúp Trung ương chỉ đạo cuộc vận động đưa dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch Nhà nước về phát triển nông, lâm nghiệp, có trách nhiệm cùng với Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn các tỉnh, thành xây dựng quy hoạch kế hoạch lao động trình Chính phủ duyệt; chỉ đạo việc tổ chức đưa dân đi hoặc tiếp nhận dân đến và việc thực hiện các chế độ, chính sách về lao động và tiền lương trong các vùng kinh tế mới; tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật, bồi dưỡng nghề nghiệp cho lao động vùng kinh tế mới.
b) Tổng cục Lâm nghiệp, có trách nhiệm tham gia cùng Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương hướng dẫn các tỉnh, thành thực hiện các công việc kể trên.
c) Bộ Lao động, cơ quan Trung ương của Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước về công tác quản lý lao động xã hội và tiền lương căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của Nhà nước, tham gia với Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, Tổng cục Lâm nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng quy hoạch lao động và kế hoạch điều lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới; phân bổ chỉ tiêu cụ thể các nhu cầu tuyển lao động, huy động lao động hợp đồng cho các vùng kinh tế mới và giúp Chính phủ đôn đốc thực hiện các kế hoạch đó; nghiên cứu các chế độ chính sách chung về nghĩa vụ lao động, hợp đồng lao động và các chế độ tiền lương, phụ cấp, tiền công, bảo hộ lao động, v.v... đối với khu vực quốc doanh và tập thể trong các vùng kinh tế mới; thanh tra và hướng dẫn, đôn đốc việc chấp hành các chế độ chính sách chung về quản lý lao động xã hội và tiền lương theo chức năng nhiệm vụ của ngành đã được quy định trong Nghị định số 172-CP ngày 1 tháng 11 năm 1973 của Hội đồng Chính phủ.
Ở cấp tỉnh:
a) Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành:
Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính hủ thực hiện việc xây dựng các vùng kinh tế mới, có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp các ngành: Uỷ ban Nông nghiệp, Ty lâm nghiệp, Ty lao động, Uỷ ban kế hoạch và các ngành có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch lao động cho từng vùng kinh tế mới trong tỉnh, trực tiếp chỉ đạo việc đưa dân đi hoặc tiếp nhận dân đến xây dựng các vùng kinh tế mới giữa hai tỉnh kết nghĩa; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các chế độ, chính sách về lao động và tiền lương; theo định kỳ báo cáo tình hình xây dựng vùng kinh tế mới lên Chính phủ đồng gửi cho Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ Lao động để theo dõi và tổng hợp chung.
b) Uỷ ban nông nghiệp, Ty lâm nghiệp, Ty Lao động:
- Uỷ ban nông nghiệp tỉnh, cơ quan chủ trì giúp Uỷ ban hành chính tỉnh chỉ đạo cuộc vận động đưa dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, có trách nhiệm cùng với Ty lâm nghiệp và các ngành có liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch lao động, tổ chức việc đưa dân đi hoặc tiếp nhận dân đến giữa hai tỉnh kết nghĩa; hướng dẫn và đôn đốc thực hiện các chế độ, chính sách về lao động và tiền lương, tổ chức ổn định đời sống của người lao động ở các vùng kinh tế mới trong tỉnh.
- Ty lâm nghiệp có trách nhiệm tham gia cùng Uỷ ban nông nghiệp tỉnh các công việc kể trên.
- Các Sở, Ty lao động, có trách nhiệm tích cực tham gia với Uỷ ban nông nghiệp, Ty lâm nghiệp, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng quy hoạch, kế hoạch đưa lao động đi hoặc tiếp nhận lao động đến nhằm bảo đảm phương hướng phân bổ, điều phối lao động và sử dụng hợp lý lao động xã hội trong tỉnh; đôn đốc việc tuyển dụng lao động, huy động lao động hợp đồng, lao động nghĩa vụ, phục vụ cho việc xây dựng vùng kinh tế mới theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước và Bộ Lao động; kiểm tra việc đưa lao động đi hoặc tiếp nhận lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới ở địa phương, qua đó phát hiện, đề xuất với Uỷ ban hành chính tỉnh, thành và các ngành có trách nhiệm kịp thời uốn nắn, bổ khuyết.
Việc tổ chức đưa lao động từ đồng bằng đi mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi là vấn đề lớn có nhiều khó khăn, liên bộ yêu cầu Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ Quyết định số 129-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 25 tháng 5 năm 1974 và thông tư này, vận dụng vào tình hình cụ thể ở địa phương, có biện pháp tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động đưa dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới đạt kết quả tốt.
Lê Chân Phương (Đã ký) | Nguyễn Đình Ngữ (Đã ký) | Trần Quốc Mạnh (Đã ký) |
Từ khóa: Thông tư 22-TT/LB, Thông tư số 22-TT/LB, Thông tư 22-TT/LB của Bộ Lao động, Tổng cục Lâm nghiệp, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, Thông tư số 22-TT/LB của Bộ Lao động, Tổng cục Lâm nghiệp, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, Thông tư 22 TT LB của Bộ Lao động, Tổng cục Lâm nghiệp, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương, 22-TT/LB
File gốc của Thông tư 22-TT/LB-1975 hướng dẫn vấn đề về lao động đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi do Bộ Lao động- Tổng Cục Lâm nghiệp-Uỷ ban nông nghiệp Trung ương ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 22-TT/LB-1975 hướng dẫn vấn đề về lao động đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi do Bộ Lao động- Tổng Cục Lâm nghiệp-Uỷ ban nông nghiệp Trung ương ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động, Tổng cục Lâm nghiệp, Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương |
Số hiệu | 22-TT/LB |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Lê Chân Phương, Nguyễn Đình Ngữ, Trần Quốc Mạnh |
Ngày ban hành | 1975-06-24 |
Ngày hiệu lực | 1975-07-09 |
Lĩnh vực | Lao động |
Tình trạng | Hết hiệu lực |