Thông tư 01-LĐ-TT năm 1956 hướng dẫn chế độ lương cho công nhân và nhân viên các xí nghiệp Chính phủ, doanh nghiệp quốc gia và công trường do Bộ Lao Động ban hành
Nghị định số 650-TTg ngày 30-12-1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các chế độ lương cho công nhân, nhân viên kỹ thuật và công chức.
Bộ ra Thông tư này nhằm mục đích giải thích, hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên được kịp thời và kết quả.
...
III. – NHIỆM VỤ CỦA CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN CÁC NGÀNH SỬ DỤNG CÔNG NHÂN.
Việc ban hành chế độ lương mới này có một ý nghĩa quan trọng. Các ngành sử dụng công nhân, các cấp chính quyền các cơ quan lao động cần nhận rõ trách nhiệm của mình mà chấp hành nghiêm chỉnh. Phải làm cho mọi người nhận thấy sự chăm nom của Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ mà tích cực thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, đề cao cảnh giác bảo vệ xí nghiệp. Mọi người lao động phải cố gắng sửa đổi lề lối làm việc, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh năng suất lao động giảm giá thành, quản lý tốt các xí nghiệp. Muốn được như vậy trong việc sắp xếp phải lãnh đạo chặt chẽ, để cho mọi người được dùng đúng tài năng và thù lao đúng khả năng sản xuất. Nếu có người không dùng đúng chỗ thì phải điều chỉnh cho thích hợp. Không nên cố giữ lại mà trả lương thấp. Nói căn cứ thực tế mà trả lương là trước tiên nói đến việc dùng người, dùng nghề và đúng khả năng.
Phải chú trọng lãnh đạo sắp xếp cho đúng, tránh suy bì rất có hại cho sản xuất, hoặc làm cho chán nản công tác. Kết quả việc sắp xếp và trả lương mới này là làm cho mọi người vui lòng phấn khởi sản xuất. Nhưng đồng thời cũng chú ý tránh bừa bãi mà nhất loạt xếp lên cao quá khả năng thực tế.
Sau đây là những điểm chính về nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện. Các ngành, các cấp sẽ dựa vào đó và căn cứ vào tình hình cụ thể của ngành mình, của địa phương mình mà vạch kế hoạch cụ thể thi hành.
1. – Lãnh đạo tư tưởng:
Phải tuyên truyền giải thích, phổ biến rộng rãi, tổ chức học tập mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc và nội dung của chế độ lương mới cho cán bộ và công nhân, nhân viên để quyết tâm và tin tưởng chấp hành. Cần quan niệm rõ, nếu làm được tốt, thì mỗi lần điều chỉnh lương bổng là một dịp giáo dục, nâng cao lập trường tư tưởng, khuyến khích nâng cao trình độ nghề nghiệp cho cán bộ và công nhân, nhân viên, do đó mà càng kích thích công cuộc thi đua phát triển sản xuất.
Việc lãnh đạo tư tưởng phải chặt chẽ, kịp thời. Cần đề phòng những tư tưởng sai lệch sau đây:
a) Sốt ruột, cho công nhân, nhân viên đã chờ lâu ngày, nên làm qua loa vội vàng để cho anh em được hưởng lương mới ngay, mà không chú ý đảm bảo mục đích, ý nghĩa chính trị, không đạt được tác dụng giáo dục công nhân và phát triển sản xuất.
Ngược lại cũng phải đề phòng tư tưởng cầu toàn, để kéo rê thời gian, nhất là công việc vào cuối và đầu năm lại dồn dập làm cho công nhân viên chờ đợi chán nản, sinh ra thắc mắc.
Phương châm tiến hành là phải thận trọng.
b) Coi nhẹ vấn đề, cho việc điều chỉnh lương lần này không cải thiện đời sống cho công nhân được đầy đủ nên kém tin tưởng mà không nhận rõ sự cố gắng của Chính phủ, tác dụng của việc điều chỉnh lương đối với sản xuất, với việc đảm bảo sử dụng công nhân, nhân viên hợp lý cũng như đối với việc giáo dục công nhân, nhân viên.
c) Nặng về cải thiện đời sống cho công nhân, nhân viên không chú ý đến ảnh hưởng đối với ngân sách, đối với sản xuất, dễ dãi trong việc xếp bậc, làm một cách bình quân, bố trí các thang lương và chỉ số quá cao.
d) Cục bộ, cho ngành mình, xí nghiệp mình quan trọng, không nhìn qua các ngành khác, để giữ một tương quan hợp lý giữa các thang lương cũng như trong việc thực hiện xếp bậc cho công nhân, nhân viên.
2. – Lãnh đạo tổ chức thực hiện:
a) Muốn cho việc thực hiện chế độ lương công nhân thu được kết quả tốt, cần phải có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ và chu đáo.
Đối với những ngành trước đây chưa thực hiện xếp bậc cho công nhân, nhân viên hoặc đại bộ phận công nhân chưa được sắp xếp (như đường sắt, công nghiệp,v.v....) cần phải tiến hành các bước công tác sau đây:
1. – Tính khoản, nắm tổng số công nhân, tổng số lương cũ và mới, tính lương trung bình để biết rõ tỉ lệ tiền lương tăng bao nhiêu, và so sánh ảnh hưởng ngân sách.
Dựa vào chế độ lương chung, lập đề án lương của ngành mình đưa Bộ Lao đông duyệt. Chú ý:
- Nêu nguyên tắc, phương châm, chủ trương.
- Phân hạng sản nghiệp thuộc ngành mình. Dựa vào mức khởi điểm và tối đa do Bộ Lao động định, định khởi điểm tối đa cho mỗi hạng sản nghiệp.
Bố trí các thang lương thích hợp để sắp xếp công nhân, nhân viên quản trị và hành chính, nhân viên kỹ thuật thuộc ngành mình.
- Xây dựng tiêu chuẩn để sắp xếp công nhân, nhân viên.
2. - Vạch kế hoạch cụ thể tiến hành sắp xếp. Thực hiện thí điểm tổ chức học tập, huấn luyện cán bộ trong ngành.
3. – Tổ chức bộ máy sắp xếp từ Trung ương xuống đến đơn vị.
Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ máy xếp bậc sẽ quy định sau.
4. – Tổ chức học tập mục đích ý nghĩa, nguyên tắc nội dung chế độ lương, tiêu chuẩn nghề nghiệp cho công nhân viên và tiến hành sắp xếp.
5. – Duyệt các bản xếp bậc, công bố cho toàn thể công nhân, nhân viên thi hành mức lương mới. Nguyên tắc duyệt cấp bậc đã quy định trong điều lệ sắp xếp công nhân của Bộ Lao động: xí nghiệp thuộc cấp nào quản lý thì cấp ấy duyệt bậc cho công nhân xí nghiệp đó.
Về kế hoạch tỉ mỉ và thời gian, mỗi ngành sẽ tùy theo tình hình cụ thể của ngành mình mà định lấy. Nhưng không nên kéo dài thời gian.
b) Đối với những ngành trước đây đã tiến hành sắp xếp công nhân, nhân viên rồi, nay cũng cần soát lại và điều chỉnh cho thích hợp với tinh thần chế độ lương này.
1. – Soát lại các tiêu chuẩn nghề nghiệp, điều chỉnh, bổ sung những điểm không hợp lý hoặc còn thiếu sót, xây dựng những tiêu chuẩn chưa có (chú ý tiêu chuẩn của nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản trị, hành chính xí nghiệp).
2. – Soát lại và điều chỉnh các thang lương cho thích hợp nhất là thang lương của nhân viên kỹ thuật, của nhân viên quản trị và hành chính xí nghiệp, của lao động thường.
3. – Soát lại việc xếp bậc đầu năm, điều chỉnh lại cho hợp lý và duyệt các bản sắp xếp của cơ sở.
c) Mấy vấn đề về lãnh đạo cần chú ý:
- Cần có sự phối hợp mật thiết giữa các ngành sử dụng công nhân các cơ quan lao động và Liên hiệp công đoàn địa phương. Các cấp chính quyền Khu, Tỉnh phải thực sự lãnh đạo các cơ quan trên phối hợp chặt chẽ để thi hành đúng đắn chế độ lương mới không khoán trắng cho một ngành.
- Trong khi tiến hành xếp bậc, chủ yếu cán bộ lãnh đạo phải nắm được khả năng của công nhân, nhân viên, đồng thời tranh thủ ý kiến của quần chúng một cách thích đáng để sắp xếp cấp bậc cho anh em được sát.
Việc bình nghị của anh em không có tính chất quyết định. Việc sắp xếp cấp bậc chỉ nên công bố sau khi cấp trên đã duyệt y.
- Trong thời gian chuẩn bị, phải giữ gìn bí mật, để lộ ra sớm ngày nào sẽ không lợi cho sản xuất ngày ấy. Tài liệu đem phổ biến phải có kế hoạch, nên công bố lúc nào, sẽ công bố lúc ấy. Thí dụ: trong khi học tập tiêu chuẩn, tiến hành sắp xếp không nên phổ biến chỉ số mức lương.
- Việc xếp bậc cho công nhân, nhân viên hưởng lương theo chế độ lưu dung, cần phải thận trọng, có sự chuẩn bị đầy đủ chu đáo, dựa vào tinh thần tự nguyện của anh em, không nên làm một cách miễn cưỡng gò ép, gây ảnh hưởng không tốt về phương diện chính trị.
Việc thi hành chế độ lương mới có một ý nghĩa quan trọng. Nó cũng là một động tác tỉ mỉ, phức tạp. Cho nên lãnh đạo phải chặt chẽ, tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Kế hoạch phải cụ thể, sát thực tế, kỷ luật thỉnh thị báo cáo phải giữ vững, làm cho chủ trương kế hoạch thông suốt từ trên xuống dưới.