ỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1902/HD-TLĐ | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2009 |
HƯỚNG DẪN
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CƠ QUAN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ sở cơ quan xã phường, thị trấn như sau:
1. Công đoàn cơ quan xã, phường, thị trấn là công đoàn cấp cơ sở (gọi chung là công đoàn cơ quan xã) do LĐLĐ quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thành lập, giải thể và trực tiếp chỉ đạo hoạt động.
2. Đối tượng kết nạp của công đoàn cơ quan xã bao gồm: Cán bộ, công chức, nhân viên hợp đồng lao động có thời hạn từ sáu tháng trở lên hoặc làm công việc ổn định thường xuyên, được hưởng tiền lương, tiền công và phụ cấp (theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) đang làm việc tại cơ quan hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội xã, phường, thị trấn. Các đối tượng trên nếu tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tự nguyện gia nhập Công đoàn thì được xem xét kết nạp.
Trường hợp người đang làm việc tại cơ quan xã, phường, thị trấn là sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang thì không thuộc đối tượng kết nạp vào công đoàn.
3. Công đoàn cơ quan xã có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng theo quy định của Chính phủ và Tổng Liên đoàn, được mở tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước; Tổ chức và hoạt động của công đoàn cơ quan xã thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ quan xã quy định như sau:
a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan.
b. Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức và người lao động. Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
c. Phối hợp với người đứng đầu cơ quan tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức cơ quan; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức và người lao động. Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động. Cùng với người đứng đầu cơ quan cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống của cán bộ, công chức và người lao động, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong cán bộ, công chức và người lao động.
d. Tổ chức vận động cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan thi đua yêu nước, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, người lao động, thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ theo điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên, tích cực tham gia quản lý cơ quan, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
e. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
5. Mối quan hệ của công đoàn cơ quan xã.
a. Công đoàn cơ quan xã chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng ở xã, phường, thị trấn.
b. Đối với chính quyền và các đoàn thể cấp xã.
Quan hệ của công đoàn cơ quan xã đối với uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là quan hệ phối hợp; đối với các tổ chức chính trị –xã hội cấp xã và các công đoàn cơ sở trên địa bàn xã, phường, thị trấn là quan hệ hợp tác, bình đẳng cùng thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan xã, phường, thị trấn.
6. Công đoàn cơ quan xã có các quyền của Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, phương tiện thông tin liên lạc cho công đoàn cơ quan xã hoạt động.
7. Công đoàn cơ quan xã thực hiện quyền tự chủ về tài chính Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và theo sự phân cấp của công đoàn cấp trên.
8. Việc tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan xã, phường, thị trấn vận dụng theo quy định của Nghị định số 71/1998/NĐ-CP, ngày 08/9/1998 của Chính phủ ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Về tổ chức, hoạt động của ban thanh tra nhân dân trong cơ quan xã phường, thị trấn, vận dụng Mục 2, Chương IV Luật Thanh tra và Chương III, Nghị định số 99/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
9. Hướng dẫn này thay thế Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của CĐCS xã, phường, thị trấn ban hành kèm theo Quyết định số 974/QĐ-TLĐ, ngày 29/6/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các cấp công đoàn và công đoàn cơ quan xã căn cứ quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Hướng dẫn này chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
File gốc của Hướng dẫn 1902/HD-TLĐ năm 2009 về việc tổ chức và hoạt động của Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành đang được cập nhật.
Hướng dẫn 1902/HD-TLĐ năm 2009 về việc tổ chức và hoạt động của Công đoàn cơ sở cơ quan xã, phường, thị trấn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Số hiệu | 1902/HD-TLĐ |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Người ký | Nguyễn Văn Ngàng |
Ngày ban hành | 2009-11-10 |
Ngày hiệu lực | 2009-11-10 |
Lĩnh vực | Lao động |
Tình trạng | Còn hiệu lực |