TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 06/2022/KDTM-PT NGÀY 21/03/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA
Ngày 21 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại phúc thẩm thụ lý số 01/2022/TLPT-KDTM ngày 06/01/2022 về “Tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 29/11/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1271/2022/QĐ-PT ngày 01 tháng 3 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn D; Trụ sở: thành phố Q, tỉnh Bình Định.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn T – Giám đốc, vắng mặt
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn P; cư trú tại: thành phố Q, tỉnh Bình Định, vắng mặt có đơn xin hoãn phiên tòa
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty TNHH D: Luật sư Trần T, Văn phòng luật sư L, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, có mặt
- Bị đơn: Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ; Trụ sở: thành phố Q, tỉnh Bình Định.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Duy A – Giám đốc, vắng mặt
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Dương T – Chủ tịch Hội đồng Quản trị; cư trú tại: thành phố Q, tỉnh Bình Định, có mặt
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ:Luật sư Lý Quang L; Công ty Luật TNHH L thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: thành phố Hà Nội, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty V Pte Ltd; Trụ sở: Singapore 069538.
Người đại diện: Ông S; Quốc tịch: Cộng Hòa Singapore, vắng mặt mặt. D.
- Người làm chứng: Công ty đại lý O Ltd; Địa chỉ: Singapore (079903), vắng
Người kháng cáo: Công ty cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ và Công ty TNHH
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án sơ thẩm và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nội dung vụ án được xác định như sau: Tại đơn khởi kiện và trình bày của đại diện hợp pháp của Công ty D như sau: Từ ngày 12/10/2016 đến ngày 07/11/2016, Công ty TNHH D (viết tắt là Công ty D) có gửi hàng cho Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ (viết tắt là Công ty S) để vận chuyển hàng hóa là gỗ từ Cảng Q đến cảng tại Ấn Độ bằng hình thức như sau: Căn cứ vào Phiếu xác nhận đặt chỗ của hãng tàu (Booking Confirmation và Bookinh note) do S chuyển đến bằng Email. Công ty D đã đóng hàng vào con-ten-nơ tại bãi hàng ở Cảng Q và giao cho Công ty S để chuyển sang Ấn Độ giao cho khách hàng. Khi tiếp nhận hàng xong, ngày 07/11/2016 Công ty S đã cấp cho Công ty D các bộ chứng từ là 05 Bộ vận đơn vận tải đa phương thức (mỗi vận đơn gồm 03 bản gốc) ở dạng chuyển nhượng được, theo mẫu vận đơn FBL của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế, phát hành theo hình thức “theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc”, 05 bộ vận đơn này đã được xác định rõ việc Công ty S đã nhận số hàng hóa như được nêu trong các vận đơn, cụ thể:
1. Theo Vận đơn số STVN-161101 ngày 07/11/2016, ghi nhận hàng hóa gồm:
- Số lượng 02 Con-ten-nơ mang số hiệu FSCU8541227 và BSIU9213771;
- Khối lượng hàng hóa: 65,3744 CBM (khối) gỗ KERUING VENEER.
2. Theo Vận đơn số STVN-161102 ngày 07/11/2016, ghi nhận hàng hóa gồm:
- Số lượng 02 Con-ten-nơ mang số hiệu CBHU8260963 và TCNU9619434;
- Khối lượng hàng hóa: 65,7350 CBM (khối) gỗ KERUING VENEER.
3. Theo Vận đơn số STVN-161101 ngày 07/11/2016, ghi nhận hàng hóa gồm:
- Số lượng 05 Con-ten-nơ mang số hiệu PCIU8391010, PCIU8559905, PCIU8822924, DFSU6378809 và PCIU8722592;
- Khối lượng hàng hóa: 173,0569 CBM (khối) gỗ KERUING VENEER.
4. Theo Vận đơn số STVN-161107A ngày 07/11/2016, ghi nhận hàng hóa gồm:
- Số lượng 02 Con-ten-nơ mang số hiệu PCIU8753253 và PCIU8511820;
- Khối lượng hàng hóa: 66,6920 CBM (khối) gỗ KERUING VENEER.
5. Theo Vận đơn số STVN-161107B: 2914 Rol/106.1412 CBM:
- Số lượng 03 Con-ten-nơ mang số hiệu PCIU8581093, PCIU8585606 và PCIU8745469;
- Khối lượng hàng hóa: 106,1412 CBM (khối) gỗ KERUING VENEER.
Khi tiếp nhận hàng để chở, Công ty S có Hóa đơn GTGT về việc thu các loại phí gồm: Phí xếp dỡ hàng, phí niêm chì và phí chứng từ tương ứng với từng bộ chứng từ. Sau khi gửi hàng và được Công ty S cấp cho 5 bộ chứng từ nêu trên, ngày 30/11/2016, Công ty D đã gửi Giấy đề nghị nhờ thu xuất khẩu kèm với bộ chứng từ gốc cho Ngân hàng B Việt Nam – Chi nhánh P để gửi thư đòi tiền đến Ngân hàng nước ngoài nhờ thu tiền các lô hàng xuất khẩu. Theo quy định các lô hàng xuất khẩu nêu trên của Công ty D thuộc diện thanh toán ngay nhưng chờ lâu mà chưa nhận được tiền thanh toán. Vì vậy, để đề phòng rủi ro, Công ty D đã đề nghị Công ty S phải giữ hàng lại, chỉ được giải phóng hàng cho nhà nhập khẩu khi nào họ đã thanh toán để đổi lấy các bộ chứng từ. Ngày 06/12/2016, Công ty S đã gửi Email yêu cầu Đại lý của Công ty S ở nước ngoài là O (gọi tắt là đại lý của Công ty S) có nội dung: “Phải thu hồi vận đơn gốc đầu tiên mà người gửi hàng là D trước khi thực hiện chuyển đổi thành vận đơn thứ hai cho Vinglobal, và cũng phải thông báo/gửi cho chúng tôi Dự thảo Vận đơn chuyển đổi trước khi phát hành Vận đơn gốc cho ngưởi gởi hàng ở SIN. Ông/bà chỉ được phát hành vận đơn chuyển đổi gốc cho V sau khi nhận được sự xác nhận của chúng tôi”. Sau khi nhận được Email của Công ty S, ngày 07/12/2016 Đại lý của Công ty S đã trả lời cho Công ty S với nội dung “ghi nhận thư dưới đây của ông/bà, cẩn thận và sẽ tuân theo”. Ngày 14/12/2016, Ngân hàng B Việt Nam – Chi nhánh P đã gửi thông báo cho Công ty D về nội dung điện gửi của Ngân hàng nước ngoài, thông báo rằng họ đang đợi người thanh toán tiền và đề nghị Ngân hàng B Việt Nam – Chi nhánh P cho chỉ thị xử lý (nếu có). Ngày 13/01/2017, Công ty D đã đề nghị Ngân hàng B Việt Nam – Chi nhánh P thông báo đến Ngân hàng nước ngoài: “Đến hết ngày 17/01/2017 nếu nhà nhập khẩu không trả tiền, vui lòng gửi trả lại bộ chứng thư (BCT) theo địa chỉ Ngân hàng B Việt Nam – Chi nhánh P”. Đến hết ngày 17/01/2017, nhà nhập khẩu đã không liên hệ với Ngân hàng nước ngoài để thanh toán tiền hàng, nên Ngân hàng nước ngoài đã chuyển trả lại toàn bộ 05 bộ chứng từ nêu trên cho Ngân hàng B Việt Nam – Chi nhánh P, sau đó Ngân hàng B Việt Nam – Chi nhánh P đã chuyển trả cho Công ty D. Công ty D đã liên hệ với Công ty S để yêu cầu kiểm tra các lô hàng của các bộ chứng từ nêu trên. Sau khi nhận được yêu cầu kiểm tra của Công ty D, Công ty S đã gửi nhiều Email cho Đại lý của Công ty S, nội dung các Email của Công ty S gửi cho Đại lý của Công ty S đã cho thấy rằng: Mặc dù chưa thu hồi vận đơn gốc mà Công ty S đã cấp cho Công ty D theo yêu cầu Email gửi ngày 06/12/2016 nhưng Đại lý của Công ty S đã cấp vận đơn chuyển đổi cho Công ty V (Công V) để nhận hàng. Vì vậy, ngày 22/02/2017 Công ty D đã gửi Công văn yêu cầu số 1702/CVYC-DT yêu cầu Công ty S kiểm tra và xác nhận về việc đã giao hàng cho người nhận hay chưa, nếu không trả lời trong hạn 05 ngày thì phải bồi thường. Cũng trong ngày 22/02/2017 Công ty S đã gửi văn bản khiếu nại cho Đại lý của Công ty S. Đến ngày 27/02/2017, Công ty D đã gửi Công văn yêu cầu số 2202/CVYC-DT yêu cầu Công ty S kiểm tra lại việc bồi thường. Sau khi nhận được Công văn yêu cầu của Công ty D, Công ty S đã tiếp tục gửi thêm nhiều Email cho Đại lý của Công ty S trong đó có nội dung sẽ khởi kiện đại lý của Công ty S.
Theo phiên hòa giải ngày 23/01/2018, Công ty S cho rằng họ đã giao hàng cho người đến nhận hàng chứ không phải hàng bị mất. Tuy nhiên khi Công ty S giao hàng đã không thu hồi vận đơn. Theo hợp đồng ký ngày 01/7/2016, giữa Công ty D với Công V, việc thanh toán tiền hàng được thực hiện bằng hình thức DP (thanh toán đổi lấy chứng từ). Theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật hàng hải Việt Nam thì “Vận đơn là bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển”. Tại mặt trước của tờ vận đơn cũng đã ghi rõ “Một trong những vận đơn gốc phải được thu hồi để đổi lấy hàng”. Thế nhưng phía Công ty S đã cố ý giao hàng cho người nhận hàng mà không thu hồi vận đơn nên Ngân hàng BIDV chi nhánh P không thu hộ được tiền hàng cho Công ty D.
Nay công ty TNHH D yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ phải bồi thường cho Công ty TNHH D tổng giá trị hàng hóa bị thiệt hại là: 386.369 USD, quy đổi thành tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 29/11/2021) là: 8.779.533.000 đồng.
- Đại diện hợp pháp của Công ty S trình bày:
Vào khoảng tháng 11/2016, Công ty S với vai trò là người giao nhận có thu xếp dịch vụ vận chuyển bằng đường biển lô hàng 41 con-tai-nơ cho Công V thông qua các phiếu xác nhận đặt chỗ của các hãng tàu: PIL, Maersk, COSCO và của Công ty S với Công V. Sau khi hàng được xếp lên tàu tại Cảng Q, Công ty S đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng và thu tiền của người xuất khẩu đối với các “phí địa phương phải thu tại cảng bốc hàng” như: Phí xếp dỡ hàng, phí niêm chì và phí chứng từ….là thực hiện theo Phiếu xác nhận đặt chỗ với khách hàng nước ngoài theo thông lệ hàng hải. Theo đó, với điều kiện bán F.O.B như trên Hợp đồng mua bán của Công ty D thì người mua Công V chịu trách nhiệm thu xếp vận chuyển và thanh toán tiền cước tàu, còn người xuất khẩu Công ty D phải chịu các phí địa phương phải thu tại cảng bốc hàng nói trên và các trách nhiệm phát sinh trước thời điểm hàng được xếp lên tàu. Qua đó cho thấy, Công ty S hoàn toàn không ký Hợp đồng vận chuyển với Công ty D nên Công ty D không có cơ sở pháp lý để khởi kiện Công ty S.
Liên quan đến giá trị hàng hóa của 14 con-tai-nơ thuộc 05 bộ vận đơn mà Công ty D đang yêu cầu thanh toán, Công ty S đã liên hệ với Công V và được Công V cho biết, họ đã thanh toán đầy đủ số tiền hàng hóa nói trên và thậm chí còn thanh toán thừa một số tiền cho D. Để làm rõ hơn vấn đề thanh toán này, ngày 02/12/2016, Công V đã gửi một thư điện tử cho ông Thành (Giám đốc Công ty TNHH D) với nội dung: Nhắc lại các điều khoản thỏa thuận của “Phụ lục Hợp đồng số 1” được ký ngày 26/12/2016. Phụ lục Hợp đồng này là bổ sung cho hợp đồng mua bán số DT-VIN- 002-2016-VN ký ngày 01/7/2016 giữa Công ty D với Công V. Trong thư điện tử đó, Công V đã nêu rõ quá trình hợp tác của dự án Veneer tại Lào giữa Công ty D với Công V, đồng thời còn đính kèm theo bảng kết toán sổ sách chi tiết các khoản thu và chi liên quan đến lô hàng nói trên để chứng minh toàn bộ số tiền của giá trị hợp đồng đã được Công V thanh toán đầy đủ cho Công ty D như theo thỏa thuận. Theo hồ sơ khiếu kiện của Công ty D nộp cho Tòa còn thiếu “Phụ lục hợp đồng số 1” được ký ngày 26/12/2016, Phụ lục này là bộ phận không tách rời đối với Hợp đồng mua bán số DT-VIN-002-2016-VN được ký ngày 01/7/2016 giữa Công ty D và Công V. Bản phụ lục hợp đồng này thể hiện khá chi tiết về thỏa thuận liên quan đến lô hàng 41 con-tai-nơ, số lượng 1.509,606 khối veneer, trị giá 1.395.680,87 USD, trong đó có 14 con-tai-nơ thuộc 05 bộ vận đơn mà Công ty D đang đề cập đến. Cũng theo chứng từ do Công V cung cấp cho biết: Công ty D đã nhận đủ số tiền hàng với mức bán thực tế xuất khẩu là 900USD/khối và 925USD/khối như theo thỏa thuận trên “Phục lục hợp đồng số 1”. Mức giá bán thực tế này khác xa so với mức bán bình quân được nêu trong Hợp đồng mua bán số DT-VIN-002-2016-VN ngày 01/7/2016 là 500USD/khối, hoặc giá được khai trên Hóa đơn thương mại của Công ty D là 810USD/khối.
Từ những lý do trên, Công ty S không đồng ý nội dung khởi kiện của Công ty D. Đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công V, Tòa không lấy được lời khai.
Từ các nội dung nêu trên, tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 29/11/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:
Căn cứ Điều 30, 37, 147, 153, điểm c khoản 5 Điều 477 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; các điều 535, 536, 539, 542, 546 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Các điều 530, 531, 534, 541 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Khoản 2 Điều 73 Bộ luật hàng hải; Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính Phủ; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa XIV.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn D.
2. Buộc Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ phải bồi thường cho Công ty trách nhiệm hữu hạn D 386.369 USD (Ba trăm tám mươi sáu ngàn ba trăm sáu mươi chín đô la Mỹ), quy đổi thành tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 29/11/2021 là: 8.779.533.000 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng, quyền kháng cáo và thi hành án theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 09/12/2021 Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ (viết tắt Công ty S) là bị đơn trong vụ án có đơn kháng cáo đối với toàn bộ Bản án sơ thẩm, lý do kháng cáo Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ cho rằng: Bản án sơ thẩm tuyên xử không đúng bản chất của vụ án, không đúng quy định của pháp luật, cụ thể: Nguyên đơn không có quyền khởi kiện đòi bồi thường vì đây là vận đơn theo lệnh của người nhận hàng, chỉ người nhận hàng hoặc người theo lệnh của người nhận hàng mới có quyền này; Nguyên đơn đã nhận đủ tiền bán hàng, thậm chí còn thừa 969USD từ người mua hàng dựa trên các chứng cứ do người mua cung cấp đã được hợp pháp hóa lãnh sự Đại sứ quán Nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam tại Nước Cộng hòa Singapore mà bị đơn đã cung cấp trước phiên tòa sơ thẩm nhưng không được Tòa án xem xét, do đó, nguyên đơn không thể đòi bị đơn bồi thường số tiền bán hàng để nhận tiền hàng lần thứ hai cho cùng 01 lô hàng; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Người mua hàng có đầy đủ chứng cứ trả đầy đủ tiền hàng, thông qua việc họ đã chuyển khoản các món tiền khác nhau để thanh toán tiền hàng vào tài khoản của Công ty D và các tài khoản cá nhân khác ở ngân hàng tại Việt Nam do nguyên đơn chỉ định. Tuy vậy, người mua hàng đã không nhận được giấy triệu tập tham dự phiên tòa của Tòa án để trình bày trực tiếp tại Tòa việc đã trả đầy đủ tiền, do vậy, Công ty Đ yêu cầu: Bác toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường nêu trong Đơn khởi kiện của Công ty D đối với Công ty Đ; Triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty V Pte Ltd tham dự phiên tòa; Yêu cầu các ngân hàng có các tài khoản nhận tiền bán hàng của Nguyên đơn cung cấp bản sao kê những khoản tiền đã nhận được từ người mua hàng (Công ty V Pte Ltd) để chứng minh tiền bán hàng đã vào tài khoản của Nguyên đơn và những cá nhân do nguyên đơn chỉ định; Triệu tập O Ltd.Địa chỉ: Singapore (079903) tham dự phiên tòa để làm rõ việc giao hàng; Xác minh việc kê khai giá trị hàng hóa trên các hóa đơn thương mại để xác định số tiền Nguyên đơn đang khiếu kiện có đúng thực tế giá trị hàng hóa theo hợp đồng mua bán giữa Nguyên đơn và Công V, cũng như việc khai báo hải quan có phù hợp hay không.
Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện hợp pháp của Công ty Đ và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đ giữ nguyên kháng cáo và yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm.
Ngày 14/12/2021, Công ty trách nhiệm hữu hạn D là nguyên đơn có đơn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm, lý do kháng cáo Công ty D cho rằng Bản án sơ thẩm chưa xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về khoản tiền lãi đối với số tiền 8.770.576.300 đồng, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm buộc Công ty Đ trả 3.426.615.233 đồng tiền lãi suất của số tiền nêu trên. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty D đề nghị chấp nhận kháng cáo của Công ty D.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:
Về tố tụng: Tại giai đoan xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các qui định của Bộ luật tố tụng dân sự quy định, đây là phiên tòa phúc thẩm mở lần thứ hai, do vậy Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án Kiểm sát viên cho rằng quá trình giải quyết vụ án có vi phạm thủ tục tố tụng và thu thập đánh giá chứng cứ không đầy đủ, chưa chứng minh được thiệt hại của Công ty D và chưa có cơ sở buộc Công ty S bồi thường cho Công ty D, Bản án sơ thẩm đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự; mặc khác tài liệu, chứng cứ mới do bị đơn cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm, chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về lại cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; ý kiến trình bày, tranh luận của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn Công ty Cổ phần Vận tải và Giao nhận Đ (viết tắt là Công ty S) nộp bổ sung một tập tài liệu gồm 79 tờ, trong đó có 40 tờ là tài liệu viết bằng tiếng Anh, 39 tờ là tài liệu đã được dịch thuật sang tiếng Việt, có Chứng nhận, Hợp pháp hóa Lãnh sự vào ngày 09/3/2022 của Đại sứ quán Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam tại Nước Cộng hòa Xinh-Ga-Po, theo trình bày của Luật sư Lý Quang L và ông Phạm Dương T đại diện cho bị đơn, thì đây là tài liệu, chứng cứ về việc Công ty V Pte Ltd (viết tắt Công V) tại Xinh-Ga- Po đã thanh toán toàn bộ tiền mua hàng gỗ Veneer theo Hợp đồng ngày 01/7/2016 và Phụ lục hợp đồng số 01 kèm theo ngày 26/12/2016 giữa Công ty D với Công ty V Pte Ltd tại Xinh-Ga-Po, tiền thanh toán được chuyển qua nhiều tài khoản do Công ty D chỉ định, Công ty D không có thiệt hại gì đối với số hàng hóa mà Công V giao cho Công ty S vận chuyển, xét thấy, đây là tài liệu, chứng cứ mới có liên quan đến việc giải quyết vụ án, do bị đơn giao nộp tại phiên tòa phúc thẩm, chưa được Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá, xem xét, Tòa án cấp phúc thẩm không thể xem xét, làm rõ hậu quả thiệt hại của “Hợp đồng vận chuyển hàng hóa” do Bản án sơ thẩm đã xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án được.
[2]. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã bổ sung Công V vào tham gia tố tụng và đã tiến hành thực hiện việc tống đạt một số thủ tục tố tụng đối với Công V thông qua đường ngoại giao, xem xét các tài liệu ủy thác, tống đạt thủ tục tố tụng cho Công V, xét thấy, sau khi dừng phiên tòa ngày 12/7/2018 Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Văn bản ủy thác tư pháp (lần 1); Công văn số 54/CV-TA ngày 20/8/2018 gửi Bộ trưởng Bộ pháp luật Singapore về việc đề nghị phối hợp tống đạt; Công văn số 54/CV-TA ngày 20/8/2018 gửi Công ty V Pte Ltd yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan đến việc thanh toán tiền mua gỗ cho Công ty D. (BL 266-269), ngày 04/10/2018 Bộ tư pháp có Công văn số 3085/BTP-PLQT gửi Cục lãnh sự Bộ ngoại giao đề nghị Cục lãnh sự thực hiện việc ủy thác, nhưng từ tháng 10/2018 đến tháng 8/2020 không có kết quả trả lời ủy thác. Ngày 05/8/2020 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định có Công văn số 72/CV-TA và ngày 05/10/2020 có Công văn số 4095/CV-TA gửi Bộ tư pháp về việc đề nghị Bộ tư pháp trả lời việc thực hiện ủy thác, nhưng Bộ tư pháp không có văn bản phản hồi, xét thấy, tại Văn bản ủy thác tư pháp của TAND tỉnh Bình Định nêu trên không ghi rõ tên cơ quan, địa chỉ của cơ quan được ủy thác tư pháp theo đúng qui định tại Điều 11, Điều 12 Luật tương trợ tư pháp năm 2007.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 474 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau: “Trường hợp các phương thức tống đạt quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện không có kết quả thì Tòa án tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 01 tháng và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp” tại Bản án sơ thẩm đã nhận định cho rằng: “Tuy nhiên Công V không có phản hồi, không hợp tác làm việc và không cung cấp chứng cứ, Bộ tư pháp cũng không trả lời kết quả ủy thác tư pháp cho Tòa. Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 477 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt Công V” Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện đúng quy định nêu trên mà đã đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty V Pte Ltd là vi phạm thủ tục tố tụng dân sự.
[3]. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã xem xét mối quan hệ giữa Công ty O Ltd. Địa chỉ tại: Singapore (079903) với Công ty Cổ phần và Giao nhận Đ (Công ty S tại Q), phía bị đơn cho rằng: Hai công ty này độc lập, không có mối quan hệ hoặc lệ thuộc gì nhau, Xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty O Ltd, tại Singapore, là đơn vị có trách nhiệm chuyển tiếp hàng và giao cho Công V, có liên quan trực tiếp trong việc vận chuyển hàng hóa giữa Công ty D với Công V và liên quan việc vận chuyển hàng hóa của Công ty S, tại Việt Nam, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập Công ty O Ltd để làm rõ nội dung, tính chất liên quan và xác định đúng tư cách tham gia tố tụng để có cơ sở xem xét giải quyết vụ án, trong lúc chưa xác định và làm rõ Công ty O Ltd liên quan như thế nào nhưng tại Bản án sơ thẩm đã nhận định như sau:“..đủ cơ sở khẳng định rằng: Đại lý của Công ty S (tức Công ty O Ltd) đã làm mất hàng hoặc có những hành vi nào đó sai sót, gây thiệt hại đối với lô hàng của Công ty D..” (trang 07 của Bản án sơ thẩm) là một nhận định chưa có cơ sở.
Từ những phân tích trên, xét thấy do có tài liệu, chứng cứ mới phát sinh tại giai đoạn phúc thẩm nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, việc giải quyết vụ án tại giai đoạn sơ thẩm có vi phạm thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung trên cơ sở ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm, do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần và Giao nhận Đ, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, theo đúng quy định của pháp luật.
[4]. Do hủy Bản án sơ thẩm nên đối với kháng cáo của Công ty D, Hội đồng xét xử chưa xem xét.
[5]. Về án phí sơ thẩm, chi phí tố tụng sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.
[6]. Về án phí phúc thẩm: Do hủy Bản án sơ thẩm nên hoàn trả lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí cho Công ty D và Công ty Đ.
Vì các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3, Điều 308; Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự
1/. Chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần Đ, hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 29/11/2021 của TAND tỉnh Bình Định, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Bình Định xét xử lại vụ án theo đúng các quy định của pháp luật.
2/. Về án phí sơ thẩm và chi phí tố tụng tại giai đoạn sơ thẩm sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.
3/. Về án phí phúc thẩm: Áp dụng khoản 3 Điều 29, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa XIV.
- Hoàn trả cho Công ty cổ phần Đ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000 (Hai triệu đồng) thu tại Biên lai số 0000096 ngày 17/12/2021; Hoàn trả cho Công ty D số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000 (Hai triệu đồng) thu tại Biên lai số 0000099 ngày 23/12/2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 06/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân cấp cao đang được cập nhật.
Bản án về tranh chấp hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 06/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân cấp cao
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân cấp cao |
Số hiệu | 06/2022/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2022-03-21 |
Ngày hiệu lực | 2022-03-21 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |