TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 08/2022/KDTM-PT NGÀY 30/03/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 30 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 26/2021/TLPT-KDTM ngày 16/12/2021 về việc: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 19/10/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.
Giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đ;
Địa chỉ: thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc M – Giám đốc Chi nhánh Quảng Ngãi (Quyết định ủy quyền số 110/QĐ-DAB-PC ngày 19/02/2019);
Địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi.
- Bị đơn: Công ty CP Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ S;
Địa chỉ: tỉnh Quảng Ngãi.
Văn phòng làm việc hiện nay: tỉnh Quảng Ngãi.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Mạnh T (Giấy ủy quyền ngày 22/03/2022)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Trần Đức N, Văn phòng Luật sư C, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty S LTD; Địa chỉ: Trung Quốc (China).
Người đại diện theo pháp luật: Bà Gracy V – Giám đốc.
* Người kháng cáo: bị đơn Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ S.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 05/10/2017, đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung ngày 26/10/2017 và trong quá trình tố tụng tại Tòa án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đ là ông Nguyễn Ngọc M trình bày:
Ngày 10/6/2015, giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi (viết tắt là Ngân hàng Đ) và Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại - Dịch vụ S (viết tắt là Công ty S) đã ký kết hợp đồng tín dụng số H0245/NT và H0246/NT, cụ thể như sau:
Ngân hàng Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi đã cấp tín dụng cho Công ty S số tiền 139.000.000.000 đồng (một trăm ba mươi chín tỷ đồng), khoản vay được thực hiện qua hợp đồng vay vốn trung dài hạn số H.0001/13 ngày 10/6/2015 (Ngân hàng Đ lấy số hợp đồng H.0001/1315 là do hệ thống quản lý của Ngân hàng chạy số hợp đồng tự động theo thứ tự tăng dần theo năm, điều này được giải thích tại công văn số 419/CV-DAB-Qni ngày 08/9/2021); Lãi suất 9%/năm; thời hạn vay 08 năm từ ngày 10/6/2015 đến ngày 10/6/2023; mục đích vay để đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất viên nén sinh học S tại tỉnh Quảng Ngãi. Theo nội dung hợp đồng vay vốn thì Ngân hàng Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi đã cho vay (giải ngân) số tiền là: 46.715.933.600 đồng. Để đảm bảo cho khoản vay, Công ty S đã thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục phụ trợ tại Nhà máy sản xuất viên nén sinh học S đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 16/6/2015 tại Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản Đà Nẵng (dàn máy sản xuất viên nén sinh học nhập khẩu).
Ngân hàng Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi đã tài trợ 70% vốn góp theo đúng tiến độ và đã thực hiện đúng thông báo ngày 20/5/2015 về việc tài trợ đối vói máy móc, thiết bị nhập khẩu mua tại nhà máy B (dàn máy sản xuất viên nén sinh học nhập khẩu), đồng thời Ngân hàng đã ban hành Công văn số: 18/CV- DAB.QN ngày 26/02/2016 về việc giải ngân, bảo lãnh thanh toán thuế nhập khẩu và quản lý, mua bảo hiểm đối với tài sản thế chấp đến Công ty cổ phần Sản xuât - Thương mại - Dịch vụ S.
Trong quá trình thực hiện họp đồng, do Công ty S đã không tăng vốn điều lệ và kế hoạch góp vốn cổ đông, hoàn thiện thủ tục tăng vốn theo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị, cũng như điều kiện phê duyệt cấp tín dụng nên Ngân hàng Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi không tiếp tục tài trợ vốn. Tính từ ngày 10/6/2015 đến ngày 26/10/2017, Công ty S chưa thanh toán nợ gốc và lãi cho Ngân hàng Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi là 50.324.480.238 đồng (theo sự thỏa thuận thì số tiền lãi phát sinh năm đầu tiên là 3.608.546.638 đồng được nhập vào vốn gốc nên số tiền dư nợ thành 50.324.480.238 đồng).
Nay Ngân hàng Đ yêu cầu Công ty S trả cho Ngân hàng TMCP Đ tổng số nợ tính đến ngày 19/10/2021 là 83.692.759.046 đồng. Trong đó: nợ gốc 50.324.480.238 đồng, lãi trong hạn 17.325.034.808 đồng, lãi quá hạn 16.043.244.000 đồng. Nếu Công ty S không thực hiện việc trả nợ thì Ngân hàng TMCP Đ được quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thấm quyền xử lý, bán phát mãi tài sản bảo đảm là dàn máy sản xuất viên nén sinh học nhập khấu đang gửi tại kho kiếm tra hàng hóa tập trung thuộc chi cục Hải quan cửa khẩu cảng D để thu hồi nợ. Trường họp tài sản bảo đảm không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng TMCP Đ thì Công ty S phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng cho đến khi trả hết nợ. Công ty S phải chịu mọi chi phí phát sinh.
Trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ S ông Nguyễn Trần Vĩnh Nguyên và người đại diện đuợc pháp luật chỉ định ông Nguyễn Nị trình bày:
Ông Nguyên và ông Nị thống nhất lời trình bày của đại diện Ngân hàng Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi về số tiền vay, lãi suất vay, thòi hạn vay theo Họp đồng tín dụng và tài sản bảo đảm cho khoản vay theo hợp đồng thế chấp đã ký kết. Nay, Ngân hàng Đ yêu cầu Công ty S trả nợ các ông không đồng ý, vì đang trong giai đoạn đầu tư, tài trợ vốn nhưng Ngân hàng lại tự ý chấm dứt hợp đồng đã được ký kết. Tuy nhiên, việc Ngân hàng yêu cầu trả số tiên đã vay, các ông không quyết định được mà phải chờ quyết định của Hội đồng Quản trị Công ty S.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty S LTD: Tòa án sơ thẩm đã làm thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật đến Chính quyền đặc khu Hồng Kông - Trung Quốc, ngày 8 tháng 7 năm 2021 Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư Pháp gửi kết quả ủy thác tại văn bản số 1900/BTP-PLQT cho Tòa án, trong đó có nội dung, Cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông - Trung Quốc không thực hiện được ủy thác tư pháp nêu trên. Do đó, trong hồ sơ không thể hiện ý kiến của Công ty S LTD.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 19/10/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 37; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 4 Điều 74; Điều 144; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 153; khoản 1 Điều 154; khoản 1 Điều 157, Điều 158, Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273, Điều 469, Điều 473, Điều 474 và Điều 477, Điều 479 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 137, Điều 223, Điều 280, Điều 295, Điều 298, Điểu 299, Điêu 303; Điều 317, Điều 318, Điều 319, Điều 320; khoản 2 Điều 322, khoản 7 Điều 323; Điều 351, Điều 463, Điều 465, Điều 466, Điều 468 và Điều 470 của Bộ luật Dân sự; Điều 91, Điều 95 của Luật Các tổ chức tín dụng; Điều 7 và Điều 13 của Luật Doanh nghiệp; Điều 17 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đ đối với Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ S.
Buộc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ S phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đ số tiền nợ gốc và lãi tạm tính đến hết ngày 19/10/2021 theo Hợp đồng vay số H0001/1315 ngày 10/6/2015 là:
83.692.759.046 đồng (tám mươi ba tỷ sáu trăm chín mươi hai triệu bảy trăm năm mươi chín nghìn không trăm bốn mươi sáu đồng), Trong đó: Nợ gốc 50.324.480.238 đồng, lãi trong hạn 17.325.034.808 đồng, lãi quá hạn 16.043.244.000 đồng.
Kể từ ngày 20/10/2021 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Trường hợp trong họp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà bên phải thi hành án phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi suất.
Trường hợp Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ S không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đ kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đ - Chi nhánh Quảng Ngãi có quyền yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi xử lý, bán phát mãi tài sản thế chấp là toàn bộ dàn máy sản xuất viên nén sinh học nhập khẩu theo Hợp đồng thế chấp số H0157/HĐTC ngày 10/6/2015 được ký giữa Ngân hàng và Công ty, đang được Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại – Dịch vụ S gửi tại kho kiểm tra hàng hóa tập trung thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng D để thu hồi nợ.
Trường hợp xử lý tài sản thế chấp mà không đủ để thu hồi nợ thì Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ S phải tiếp tục trả nợ cho đến khi thanh toán xong toàn bộ khoản nợ cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đ.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo và thi hành án theo quy định của pháp luật.
Kháng cáo:
Ngày 08/11/2021, Công ty S nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, ngày 22/11/2021 nộp đơn kháng cáo bổ sung. Lý do kháng cáo: Ngân hàng Đ cho rằng Công ty S không tăng vốn điều lệ và kế hoạch góp vốn cổ đông theo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị để không tiếp tục giản ngân là không đúng bản chất sự việc. Việc Ngân hàng ra văn bản số 176/CV-DAB-Qng ngày 11/9/2015 đơn phương tạm ngừng giải ngân đã gây thiệt hại cho Công ty S trong việc triển khai dự án. Vì vậy, đề nghị:
- Ngân hàng không tính các khoản nợ lãi phát sinh từ việc đã giải ngân một phần cho dự án.
- Về việc giải quyết tài sản là dàn máy móc thiết bị sản xuất viên nén sinh học hình thành từ vốn đối ứng 30% của Công ty S và 70% từ việc giải ngân của Ngân hàng, số tiền thu được từ việc bán đấu giá, sau khi thanh toán các chi phí liên quan, hoàn trả cho hai bên Ngân hàng và Công ty S theo tỷ lệ góp để mua thiết bị này.
* Tại phiên tòa phúc thẩm:
Công ty S giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn cho rằng Ngân hàng ra văn bản số 176/CV-DAB-Qng ngày 11/9/2015 tạm ngừng giải ngân với lý do thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng pháp luật. Công ty S không có lỗi về triển khai dự án chậm. Việc đơn phương ngừng giải ngân của Ngân hàng đã gây thiệt hại cho Ngân hàng. Do đó, đề nghị không tính lãi phát sinh từ khoản vay trên. Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập Công văn số 32 của Ngân hàng Nhà nước, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ và giải quyết lại vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 81/QĐ- UBND ngày 18/01/2017 về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án, lý do: nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ nên việc Ngân hàng dừng giải ngân là có cơ sở. Công ty S không có tài liệu chứng cứ chứng minh các thiệt hại phát sinh. Do đó, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu không tính lãi vay là không có căn cứ chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Ngày 10/6/2015, Ngân hàng ký hợp đồng vay trung dài hạn số H0001/1315 cho Công ty S tài trợ vốn cho dự án Nhà máy sản xuất viên nén sinh học của Công ty S, khoản vay được cấp hạn mức tín dụng là 139.000.000.000đ, lãi suất 9%/năm, thời hạn vay 08 năm từ ngày 10/6/2015 đến 10/6/2023.
[2] Để đảm bảo cho khoản vay trên, Ngân hàng và Công ty S ký Hợp đồng thế chấp số H0157/HĐTC ngày 10/6/2015, nội dung: Công ty S đồng ý thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm cho việc hoàn trả mọi khoản tiền nợ, nghĩa vụ hiện tại và tương lai đến hạn.
[3] Về thực hiện hợp đồng, Ngân hàng Đ thực hiện đúng nghĩa vụ, đã giải ngân vốn vay cho Công ty S tổng số tiền là 46.715.933.600 đồng. Ngân hàng Đ và Công ty S có thỏa thuận tại điểm 5.1 Điều 5 của hợp đồng hợp đồng vay số H0001/1315 ngày 10/6/2015, số tiền lãi phát sinh năm đầu tiên (3.608.546.638 đồng) được nhập vào vốn gốc. Sự thỏa thuận này của Công ty S là tự nguyện, không trái pháp luật; do đó, Ngân hàng xác định nợ vay gốc 50.324.480.238 đồng là có cơ sở.
[4] Theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐQT-SHX/2015 ngày 07/5/2015 của Hội đồng Quản trị, Công ty phải tăng vốn điều lệ lên 85 tỷ và tiến độ góp vốn: đến 31/8/2015 các cổ đông phải góp đủ 65 tỷ, đến 31/12/2015 phải góp đủ 85 tỷ. Công ty không có tài liệu chứng minh đã thực hiện góp đủ vốn điều lệ theo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị. Tại Công văn số 49A/BC-SHX/2015 ngày 06/8/2015 và Công văn số 64/BC-SHX/2015 ngày 05/9/2015 về việc báo cáo tình hình triển khai dự án Nhà máy sản xuất viên nén sinh học, Công ty S thừa nhận tiến độ dự án và việc góp vốn bị chậm so với kế hoạch dự kiến.
[5] Việc Công ty S không thực hiện tăng vốn điều lệ cho thấy Công ty chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu của Ngân hàng đối với Công ty tại Thông báo ngày 20/5/2015 về việc tài trợ dự án nhà máy viên nén sinh học, thể hiện Công ty có những khó khăn về tài chính và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Do đó, Ngân hàng ban hành văn bản số 176/CV-DAB-Qng ngày 11/9/2015 thông báo tạm ngừng giải ngân và thu nợ trước hạn là phù hợp với thỏa thuận tại khoản 6.2.6 và 6.2.7 mục 6.2 Điều 6 của Hợp đồng vay số H0001/1315 ngày 10/6/2015. Mặt khác, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 81/QĐ- UBND ngày 18/01/2017 về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án, lý do: nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ qui định tại giấy chứng nhận đầu tư.
[6] Do đó, kháng cáo của Công ty S và quan điểm của người bảo vệ quyền lợi của bị đơn cho rằng Ngân hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng vay không đúng pháp luật gây thiệt hại cho Công ty S và đề nghị không tính lãi vay là không có cơ sở.
[7] Về xử lý tài sản thế chấp, Công ty S đồng ý thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm cho việc hoàn trả mọi khoản tiền nợ, nghĩa vụ hiện tại và tương lai đến hạn theo Hợp đồng thế chấp số H0157/HĐTC ngày 10/6/2015 nên toàn bộ thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất viên nén sinh học là tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay trên, được ưu tiên thanh toán nợ vay Ngân hàng khi xử lý tài sản thế chấp. Do đó, kháng cáo của Công ty S đề nghị phân chia cho Công ty theo tỷ lệ 30% khi xử lý tài sản thế chấp là không có căn cứ chấp nhận.
[8] Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu trả nợ gốc, nợ lãi của Ngân hàng Đ đối với Công ty S, cụ thể số tiền nợ gốc và nợ lãi tạm tính đến hết ngày 19/10/2021 là 83.692.759.046 đồng; trong đó, nợ gốc 50.324.480.238 đồng, lãi trong hạn 17.325.034.808 đồng, lãi quá hạn 16.043.244.000 đồng và tuyên xử lý tài sản thế chấp để Ngân hàng thu hồi nợ là có căn cứ, đúng pháp luật.
[9] Do kháng cáo không được chấp nhận nên Công ty S phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo qui định tại Nghị quyết số:
326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại – Dịch vụ S;
2. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM- ST ngày 19/10/2021 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
3. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm Công ty S phải chịu 2.000.000đ, đã nộp tại biên lai số 0000677 ngày 02/12/2021 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 08/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân cấp cao đang được cập nhật.
Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 08/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân cấp cao
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân cấp cao |
Số hiệu | 08/2022/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2022-03-30 |
Ngày hiệu lực | 2022-03-30 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |