TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 05/2022/KDTM-PT NGÀY 03/03/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 03 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 14/2021/TLPT-KDTM ngày 17/6/2021 về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 957/2022/QĐ-PT ngày 16/02/2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ngân hàng A Việt Nam; Địa chỉ: thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Thế V, T phòng kiểm soát nội bộ Ngân hàng A Việt Nam - Chi nhánh Khánh Hòa (Quyết định uỷ quyền số 463/QĐ-NHN0KH-TH ngày 1/3/2022 của Giám đốc Ngân hàng A chi nhánh Khánh Hoà). Địa chỉ: tỉnh Khánh Hòa. Ông Vinh có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
Luật sư Nguyễn Văn H- Công ty luật TNHH K, ông H có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C;
Địa chỉ: thành phố C, tỉnh Khánh Hòa.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Ngọc H - Tổng Giám đốc, có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:
Luật sư Phạm Chính T-Công ty luật TNHH Quốc tế M, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ: thành phố Hà Nội, ông T có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Q Địa chỉ: tỉnh Quảng Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: ông Võ Quốc T, vắng mặt.
2. Ông Võ Quốc T;
Địa chỉ: tỉnh Quảng Ninh.Ông T, vắng mặt.
3. Ông Võ Ngọc H;
Địa chỉ: thành phố C, tỉnh Khánh Hòa, có mặt.
4. Bà Lý Diệu H;
Địa chỉ: thành phố C, tỉnh Khánh Hòa.
5. Ông Võ Quốc N;
Địa chỉ: thành phố C, tỉnh Khánh Hòa. Địa chỉ hiện nay: TX 77099USA.
6. Ông Võ Ngọc T;
Địa chỉ: thành phố C, tỉnh Khánh Hòa.
7. Bà Phan Phạm Thị Lệ H;
Địa chỉ: thành phố C, tỉnh Khánh Hòa.
Ông N, bà H, ông T, bà H đều uỷ quyền cho ông Võ Ngọc H; địa chỉ: TP C, Khánh Hoà (tham gia tố tụng theo hợp đồng uỷ quyền ngày 11/3/2016 và hợp đồng uỷ quyền ngày 29/1/2016)và tại phiên toà phúc thẩm ông Võ Ngọc H xác nhận lại đúng nội dung uỷ quyền này.
8. Bà Nguyễn Thị Hồng P;
Địa chỉ: thành phố C, tỉnh Khánh Hòa. Bà P vắng mặt nhưng có văn bản đề nghị Toà án xét xử vắng mặt, bà P là vợ của ông Võ Quốc T,(đơn xin xét xử vắng mặt do bà Nguyễn Thị Hồng P ký, đề ngày 28/2/2022).
9. Ông Võ Đình T;
Địa chỉ: tỉnh Khánh Hòa, vắng mặt.
10. Bà Võ Thị Bạch H;
Địa chi: tỉnh Khánh Hòa.Đại diện theo uỷ quyền: ông Nguyễn Hoàng M; địa chỉ: Khánh Hoà (Giấy uỷ quyền ngày 15/6/2016), vắng mặt.
11. Ngân hàng TMCP V Việt Nam;
Địa chỉ: thành phố Hà Nội.
Đại diện theo uỷ quyền: ông Nguyễn Trọng L-cán bộ Ngân hàng TMCP V Việt Nam, chi nhánh N (Giấy uỷ quyền số 190/UQ-VCB-Pc ngày 23/3/2016 của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP V Việt Nam và Giấy uỷ quyền ngày 22/9/2016 của Giám đốc Ngân hàng TMCP V Việt Nam, chi nhánh N).Ông Linh có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện ngày 20/3/2015 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 23/5/2016 và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn Ngân hàng A Việt Nam – ông Nguyễn Đình C trình bày:
Từ năm 2008 đến năm 2010, Công ty TNHH Chế biến & xuất khẩu thủy sản C (tiền thân là Xí nghiệp Tư doanh chế biến thủy sản C - gọi tắt là C Seafood) và Ngân hàng A Việt Nam, Chi nhánh Khánh Hòa (gọi tắt là A Khánh Hòa) đã ký kết 04 hợp đồng tín dụng, cụ thể:
1. Hợp đồng hạn mức số LAV-200601671/HĐTD ngày 04/6/2008 và 20 Phụ lục hợp đồng tín dụng kèm theo, nội dung cụ thể:
- Số tiền cho vay cao nhất: 52.000.000.000 đồng Trong đó: Hạn mức vay vốn lưu động: 39.000.000.000 đồng Hạn mức chiết khấu bộ chứng từ: 13.000.000.000 đồng - Lãi suất cho vay: + Cho vay và chiết khấu bằng VNĐ: 1,45%/tháng + Cho vay bằng ngoại tệ: 10%/năm + Chiết khấu bằng ngoại tệ USD: Chiết khấu L/C: 9,75% năm; Chiết khấu bộ nhờ thu: 10% năm - Phương thức trả lãi tiền vay: Trả lãi tiền vay theo kỳ trả gốc - Lãi suất quá hạn: 150% lãi suất cho vay đang áp dụng trên từng giấy nhận nợ - Thời hạn cho vay, hạn trả nợ, kỳ hạn trả nợ: Theo từng giấy nhận nợ - Mục đích vay vốn: Vay thu mua nguyên liệu, thanh toán các khoản chi phí phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng nông, thủy sản.
2. Hợp đồng tín dụng số 01.XNCR/2008/HĐTD ngày 15/12/2008 và Phụ lục hợp đồng tín dụng số 01/01.XNCR/PL ngày 29/8/2012, nội dung cụ thể:
- Số tiền cho vay: 3.000.000.000 đồng - Lãi suất cho vay: + Từ ngày vay đến ngày 19/3/2009: 15%/năm + Từ 20/3/2009: Áp dụng lãi suất thả nổi - Phương thức trả lãi tiền vay: Trả lãi tiền vay theo kỳ trả gốc - Lãi suất quá hạn: 150% lãi suất cho vay đang áp dụng trên từng giấy nhận nợ - Thời hạn cho vay: 36 tháng (từ tháng 12/2008 đến tháng 12/2011) - Hạn trả nợ cuối cùng: Tháng 12/2011 - Kỳ hạn trả nợ: 12 kỳ (3 tháng 1 kỳ) - Mục đích vay vốn: Cho vay trung hạn bù đắp tài chính.
3. Hợp đồng tín dụng số 4700-LAV-201001162 ngày 20/8/2010 và Phụ lục hợp đồng tín dụng số 01/01.XNCR/PL ngày 29/8/2012, nội dung cụ thể:
- Số tiền cho vay: 274.170 USD - Lãi suất cho vay: theo từng giấy nhận nợ - Phương thức trả lãi tiền vay: Trả lãi tiền vay theo kỳ trả gốc - Lãi suất quá hạn: 150% lãi suất cho vay trong hạn - Thời hạn cho vay: đến ngày 25/8/2010 - Kỳ hạn trả nợ: theo từng bộ chứng từ chiếu khấu và giấy nhận nợ - Mục đích vay vốn: Chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất và vay vốn lưu động.
4. Hợp đồng tín dụng số QUANGNINH/HĐTD ngày 27/8/2009 và Phụ lục hợp đồng tín dụng số 01/QUANGNINH/PL ngày 29/8/2012, nội dung cụ thể:
- Số tiền cho vay: 30.740.000.000 đồng - Lãi suất cho vay: + Từ ngày vay đến ngày 19/9/2009: 10,5%/năm + Từ 20/9/2009: Áp dụng lãi suất thả nổi - Phương thức trả lãi tiền vay: Trả lãi tiền vay theo kỳ trả gốc - Lãi suất quá hạn: 150% lãi suất cho vay đang áp dụng trên từng giấy nhận nợ - Thời hạn cho vay: 60 tháng (từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2014) - Hạn trả nợ cuối cùng: Tháng 8/2014 - Kỳ hạn trả nợ: 20 kỳ (3 tháng 1 kỳ) - Mục đích vay vốn: Cho vay trung hạn dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Quảng Ninh.
Các khoản vay trên được bảo đảm một phần bằng tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp tài sản sau:
1.Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/ĐS/CRS ngày 01/6/2006:
- Loại tài sản thế chấp: Máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, dụng cụ, ô tô…thuộc nhà máy đông lạnh C và cơ sở 60 N của C Seafood theo các Phụ lục số 01B/CRS ngày 01/6/2006 và số 02B/CRS ngày 01/6/2006.
- Giá trị tài sản thế chấp: 14.626.982.744 đồng - Phạm vi bảo đảm: Tài sản trên bảo đảm cho các khoản vay trong hạn mức 14.626.982.744 đồng cùng các khoản lãi, phí phát sinh khác được quy định tại các Hợp đồng tín dụng hiện tại còn dư nợ và các hợp đồng tín dụng phát sinh trong tương lai được ký giữa C Seafood với chi nhánh Ngân hàng TMCP V N (gọi tắt là V N) và A Khánh Hoà.
2. Hợp đồng thế chấp số 01.XNCR/2008/MMTB ngày 15/12/2008 và Phụ lục Hợp đồng số 01/01.XNCR/PL ngày 29/8/2012:
- Loại tài sản thế chấp: Máy móc thiết bị, phương tiện thuộc quyền sỡ hữu của C Seafood.
- Giá trị tài sản thế chấp: 3.131.220.322 đồng - Phạm vi bảo đảm: 3.131.220.322 đồng.
Tài sản thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
3. Hợp đồng thế chấp số 02.XNCR/2008 ngày 15/12/2008 và Phụ lục Hợp đồng số 01/02.XNCR/PL ngày 29/8/2012:
- Loại tài sản thế chấp: Tài sản gắn liền với đất là các công trình xây dựng tại nhà máy C, C của C Seafood.
- Giá trị tài sản thế chấp: 1.414.166.078 đồng - Phạm vi bảo đảm: 1.414.166.078 đồng Tài sản thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
4.Hợp đồng thế chấp số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007 và Phụ lục Hợp đồng số 01/229.07/PL ngày 29/8/2012:
- Loại tài sản thế chấp: Phương tiện (Xe Toyota 16 chỗ, biển số 79D-3939, số khung L:12P8091398, số máy 2KD9953305, màu xanh nhạt) thuộc quyền sỡ hữu của C Seafood.
- Giá trị tài sản thế chấp: 511.856.000 đồng - Phạm vi bảo đảm: 511.856.000 đồng theo Hợp đồng tín dụng số 228.07/HĐTD ngày 27/9/2007 và các hợp đồng tín dụng khác phát sinh trong tương lai được ký kết giữa hai bên.
Tài sản thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
5.Hợp đồng thế chấp số 02.HIEP.CTĐ/TC ngày 30/12/2009 và Phụ lục Hợp đồng số 01/02.HIEP.CTĐ/PL ngày 29/8/2012:
- Loại tài sản thế chấp: Tài sản gắn liền với đất tại Lô 2, Bắc Sông Cạn, thôn H Thanh, C, C thuộc quyền sỡ hữu của C Seafood.
- Giá trị tài sản thế chấp: 9.930.869.389 đồng - Phạm vi bảo đảm: 9.930.869.389 đồng theo hợp đồng tín dụng số 4700- LAV-200601671 ngày 04/6/2008 và số QUANGNINH/HĐTD ngày 27/8/2009 và các hợp đồng tín dụng khác phát sinh trong tương lai được ký kết giữa hai bên.
Tài sản thế chấp được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Quá trình thực hiện các Hợp đồng tín dụng trên, C Seafood đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Do đó, ngày 20/3/2015, A khởi kiện yêu cầu C Seafood phải thanh toán toàn bộ khoản nợ gốc, lãi là 65.787.067.565 VNĐ và 1.758.891 USD và các khoản nợ lãi, phí phát sinh theo dư nợ gốc theo các hợp đồng tín dụng kể từ ngày 21/3/2015 cho đến khi C Seafood thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cho A. Trường hợp C Seafood không trả được nợ, A đề nghị cơ quan có thẩm quyền kê biên, phát mãi toàn bộ tài sản thế chấp tại A và các tài sản thuộc sỡ hữu cá nhân ông Võ Ngọc H để A thu hồi nợ.
Ngày 23/5/2016, A có đơn khởi kiện bổ sung, đề nghị Tòa xem xét, giải quyết thêm 04 hợp đồng thế chấp, bao gồm:
01. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006 - Tài sản thế chấp: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 14/1 đường X phường C, thành phố C và Quyền sử dụng đất tại 60 N, phường Cam Lộc, C thuộc quyền sỡ hữu và sử dụng của ông Võ Ngọc H và bà Lý Diệu H.
- Giá trị tài sản thế chấp: 6.916.000.000 đồng - Phạm vi bảo đảm: 6.916.000.000 đồng Tài sản thế chấp chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm.
02. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006 - Tài sản thế chấp: Tài sản thuộc quyền sỡ hữu của ông Võ Ngọc T và bà Phan Phạm Thị Lệ H gồm:
+ Nhà và đất tại TP. C, tỉnh Khánh Hòa theo Giấy chứng nhận Quyền sỡ hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 320/99 do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 11/11/1999.
+ Nhà và đất tại C, Khánh Hòa theo Giấy chứng nhận Quyền sỡ hữu nhà phố thuộc công trình Chợ Ba Ngòi số 74/CN-CBN, Giấy mua bán nhà ngày 10/10/1997, tờ khai hợp thức hóa đăng ký Quyền sỡ hữu nhà được UBND thị trấn Ba Ngòi xác nhận ngày 18/8/1995.
+ Đất tại xã C, C theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 274 QSDĐ/X.CHĐ-TXCR do UBND thị xã C cấp ngày 12/3/2001.
+ Đất tại xã C, C theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 00449QSDĐ/CHĐ-CR do UBND thị xã C cấp ngày 17/02/1998.
- Giá trị tài sản thế chấp: 10.466.000.000 đồng - Phạm vi bảo đảm: 10.466.000.000 đồng Các tài sản thế chấp chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm.
3. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 - Tài sản thế chấp: Nhà và đất tại TP.HCM thuộc quyền sỡ hữu và sử dụng của ông Võ Quốc T và bà Nguyễn Thị Hồng P.
- Giá trị tài sản thế chấp: 291.000.000 đồng - Phạm vi bảo đảm: 291.000.000 đồng Tài sản thế chấp chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm.
4. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐBL/NAM ngày 01/6/2006 - Tài sản thế chấp: Nhà và đất tại N, Khánh Hòa thuộc quyền sỡ hữu của ông Võ Quốc N.
- Giá trị tài sản thế chấp: 1.000.000.000 đồng - Phạm vi bảo đảm: 1.000.000.000 đồng Tài sản thế chấp chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Tính đến ngày 22/9/2016, C Seafood còn nợ A Khánh Hòa số tiền là: 75.192.369.461 VNĐ và 1.912.390,58 USD (trong đó: nợ gốc: 34.111.576.314 VNĐ và 1.145.148,24 USD; nợ lãi: 41.080.793.147 VNĐ và 767.242,34 USD). Tương đương 117.113.883.293 đồng (tỷ giá quy đổi: 21.921 đồng/USD tại thời điểm ngày 31/8/2016).
Vậy, A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc C Seafood thực hiện nghĩa vụ trả nợ khoản tiền trên và tiền lãi phát sinh từ ngày 23/9/2016 cho đến khi thanh toán hết toàn bộ nợ gốc cho A Khánh Hòa. Trường hợp C Seafood không trả được nợ, A đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các tài tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
* Đại diện bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lý Diệu H, ông Võ Ngọc T, bà Phan Phạm Thị Lệ H, ông Võ Quốc N - ông Võ Ngọc H trình bày:
Ông H thừa nhận giữa nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ký các Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và bảo lãnh đúng như lời trình bày của đại diện A Khánh Hòa.
Tuy nhiên, đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, C Seafood có ý kiến như sau:
- Đối với các khoản nợ : C Seafood chỉ thừa nhận dư nợ gốc của C Seafood tại A Khánh Hòa tính đến ngày 22/9/2016 là 34.111.576.314 VNĐ và 1.145.148,24 USD quy đổi thành VNĐ là 58.684.168.247 VNĐ ( theo tỷ giá quy đổi: 21.458 đồng/USD chứ không phải tính theo tỷ giá: 21.921 đồng/USD như A yêu cầu). Đối với dự nợ lãi, C Seafood chỉ đồng ý trả nợ lãi trong hạn là 23.779,362.953 đồng, còn phần nợ lãi quá hạn bị đơn không đồng ý trả vì theo biên bản họp ngày 23/3/2012, A Khánh Hòa đã thống nhất không tính lãi quá hạn.
- Đối với yêu cầu xử lý các tài sản bảo đảm:
+ Các Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/HIEP, số 01/HĐBL/THACH, số 01/HĐTC/TRUONG, số 01/HĐBL/NAM cùng ký ngày 01/6/2006 không được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật nên không có hiệu lực pháp luật, do đó, ông H không đồng ý xử lý các tài sản này và yêu cầu nguyên đơn phải trả lại các giấy tờ nhà, đất cho các chủ sỡ hữu.
+ Hợp đồng thế chấp số 02.HIEP.CTĐ/TC ngày 30/12/2009, tiền thân là Hợp đồng thế chấp ba bên số 01/HĐTC/BĐS/CRS ngày 01/6/2006 giữa C Seafood, A Khánh Hòa và V N và đã được xử lý bằng Bản án KDTM sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của TAND tỉnh Khánh Hòa (đã có hiệu lực pháp luật). Do đó, việc C Seafood, A Khánh Hòa ký kết lại hợp đồng thế chấp số 02.HIEP.CTĐ/TC ngày 30/12/2009 là vi phạm pháp luật.
- Tại Biên bản lấy lời khai ngày 16/7/2015, ông Võ Quốc T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Q trình bày:
Năm 2009, Xí nghiệp tư doanh chế biến thủy sản C có ký hợp đồng tín dụng QUANGNINH/HĐTD ngày 27/8/2009 và 01 Phụ lục hợp đồng tín dụng số 01/QUANGNINH/PL ngày 29/8/2012 với A Khánh Hòa để vay tiền đầu tư cho chi nhánh tại Móng Cái (nay là Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Q).
Ngày 18/5/2015, ba bên gồm Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản C, Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Q và A Khánh Hòa đã lập biên bản thỏa thuận việc Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Q sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ đối với hợp đồng tín dụng số QUANGNINH/HĐTD ngày 27/8/2009 nên trách nhiệm trả khoản nợ theo Hợp đồng này thuộc về Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Q. Biên bản này Công ty Quảng Ninh sau khi ký đã chuyển lại cho A Khánh Hòa nên không có để cung cấp cho Tòa.
Để đảm bảo cho khoản vay của C Seafood tại A Khánh Hòa, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng P đã dùng tài sản thuộc quyền sỡ hữu của mình là nhà và đất tại 223/5C Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, Tp.HCM thế chấp cho A Khánh Hòa theo Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006. Tuy nhiên, Hợp đồng thế chấp này không được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm nên không phát sinh hiệu lực.
- Bà Nguyễn Thị Hồng P trình bày:
Bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của A Khánh Hòa vì lý do sau:
+ Đối với dư nợ gốc và lãi: Vào ngày 18/5/2015, Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản C và A Khánh Hòa đã thống nhất thỏa thuận chuyển khoản nợ của Công ty tại Hợp đồng tín dụng QUANGNINH/HĐTD ngày 27/8/2009 sang cho TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Q bằng biên bản xác nhận dư nợ đến hết ngày 31/12/2014. Do đó, dư nợ đến hết ngày 20/3/2015 của C Seafood tại A Khánh Hòa cụ thể: nợ gốc: 8.641.719.171 VNĐ và 1.167.146,24 USD, nợ lãi: 5.878.809.892 VNĐ và 591.744,76 USD.
Việc tranh chấp các hợp đồng tín dụng giữa A Khánh Hòa và C Seafood đã được giải quyết bằng Bản án kinh doanh thương mại số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của TAND tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 47/2010/QĐ-PT ngày 15/9/2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng. Hiện tại cơ quan thi hành án đã tiến hành kê biên tài sản của C Seafood để thanh toán cho các khoản nợ cho A Khánh Hòa.
Bà P xin được xét xử vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Đình T trình bày:
Ông là chủ sỡ hữu đối với tài sản là nhà, đất tại 392B L, N, Khánh Hòa. Năm 2005, ông đã bán tài sản trên cho ông Võ Quốc N. Sau đó ông N đã dùng tài sản này để thế chấp tại A Khánh Hòa. Do ông N không trả tiền mua nhà, đất cho ông nên ông đã khởi kiện ông N tại TAND thành phố N để yêu cầu hủy hợp đồng mua bán nhà, đất nêu trên. Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, Tòa án đã tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà 392B L, N, Khánh Hòa giữa ông và ông N và hủy Hợp đồng thế chấp tài sản giữa ông N với A Khánh Hòa. Bản án trên có hiệu lực pháp luật, A Khánh Hòa đã trả lại Giấy chứng nhận đối với nhà, đất trên cho ông và ông đã chuyển nhượng nhà, đất này cho bà Võ Thị Bạch H. địa chỉ 20 Nhị H, phường Phước Hòa, N, Khánh Hòa. Việc chuyển nhượng nhà, đất giữ ông và bà H đã hoàn tất, do đó, ông không đồng ý với yêu cầu xử lý tài sản này của A. Ông T đề nghị Tòa án giải quyết vụ án vắng mặt.
* Ông Nguyễn Hoàng M là người đại diện theo ủy quyền của bà Võ Thị Bạch H trình bày:
Năm 2011, bà Võ Thị Bạch H đã nhận chuyển nhượng nhà, đất tại 392B L, N, Khánh Hòa của ông Võ Đình T. Hợp đồng mua bán được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng đã được các bên đã hoàn tất. Hiện nay, bà H đã được UBND thành phố N cấp Giấy chứng nhận quyền sỡ hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với tài sản trên. Ông M đề nghị Tòa giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
* Đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng TMCP V Việt Nam - ông Nguyễn Trọng Linh đã trình bày:
V N và A Khánh Hòa có cùng cấp tín dụng cho C Seafood và nhận đồng thế chấp các tài sản thế chấp với tổng giá trị tài sản là 46 tỷ 035 triệu đồng theo các hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/NAM, số 01/HĐTC/TRUONG, số 01/HĐBL/THACH, số 01/HĐTC/HIEP, số 01/HĐTC/BDS/CRS, số 01/HĐTC/ĐS/CRS đều cùng ngày 01/6/2006. Toàn bộ hồ sơ giấy tờ gốc của các tài sản thế chấp theo các hợp đồng thế chấp nêu trên đều do A Khánh Hòa cất giữ và bảo quản. Do vậy, việc hoàn trả các giấy tờ gốc của các tài sản nêu trên, đề nghị các bên thế chấp liên hệ với A Khánh Hòa để được giải quyết.
Với nội dung như trên, tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định:
Áp dụng Điều 302, 350, 351, 355, 471, 474 Bộ luật Dân sự 2005;
Áp dụng pháp lệnh về lệ phí và án phí của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng A Việt Nam về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với bị đơn Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C.
Buộc Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C phải trả cho Ngân hàng A Việt Nam số tiền 75.192.369.461 VNĐ và 1.912.390,58 USD (trong đó: nợ gốc: 34.111.576.314 VNĐ và 1.145.148,24 USD; nợ lãi: 41.080.793.147 VNĐ và 767.242,34 USD). Tương đương 117.113.883.293 đồng (theo tỷ giá quy đổi: 21.921 đồng/USD tại thời điểm ngày 31/8/2016) và các khoản lãi phát sinh kể từ ngày 23/9/2016 cho đến khi thanh toán hết toàn bộ khoản nợ gốc theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại các Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa hai bên.
Trường hợp Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C không thanh toán số nợ trên thì Ngân hàng A Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa xử lý tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 01.XNCR/2008/MMTB ngày 15/12/2008, số 02.XNCR/2008 ngày 15/12/2008, số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007, số 02.HIEP/CTĐ/TC ngày 30/12/2009, số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006, số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006, số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 để thu hồi nợ.
Việc xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/ĐS/CRS ngày 01/6/2008 được áp dụng theo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 47/2010/QĐ-PT ngày 15/9/2010 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng.
2. Sau khi Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C thanh toán đủ số tiền nêu tại điểm 1 phần Quyết định của Bản án này thì Ngân hàng A Việt Nam phải trả lại các giấy tờ về tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp, bão lãnh số 01.XNCR/2008/MMTB ngày 15/12/2008, số 02.XNCR/2008 ngày 15/12/2008, số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007, số 02.HIEP/CTĐ/TC ngày 30/12/2009, số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006, số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006, số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 cho các chủ sở hữu.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí sơ thẩm, quyền kháng cáo và nghĩa vụ chịu lãi suất do chậm thi hành án.
Sau khi án xử sơ thẩm: Ngày 19/10/2016, bị đơn (Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản C) kháng cáo toàn bộ nội dung của Bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016; ông Võ Quốc T, bà Nguyễn Thị Hồng P, bà Lý Diệu H, ông Võ Ngọc T, bà Phan Phạm Thị Lệ H (những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) kháng cáo cho rằng Bản án sơ thẩm xử lý tài sản thế chấp theo các hợp đồng thế chấp mà những Ông, Bà nói trên đã ký là không đúng với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 47/2010/QĐ-PT của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng. Các Ông, Bà nói trên không bảo lãnh cho Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản C và yêu cầu được trả lại tài sản đã thế chấp; ngày 31/10/2016, Ngân hàng TMCP V Việt Nam (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) kháng cáo yêu cầu xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP V Việt Nam đối với việc xử lý tài sản thế chấp tại các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh: Số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006; số 01/HĐBL/THACH và số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 của Bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 chưa đề cập đến quyền lợi của Ngân hàng TMCP V Việt Nam.
Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2018/KDTM – PT ngày 25/5/2018 của Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng quyết định:
- Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. ( Không chấp nhận kháng cáo của các đương sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm)
1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C; không chấp nhận kháng cáo của: Ông Võ Quốc T, bà Nguyễn Thị Hồng P; bà Lý Diệu H, ông Võ Ngọc T, bà Phan Phạm Thị Lệ H; Chấp nhận thoả thuận giữa Ngân hàng thương mại cổ phần V Việt Nam và Ngân hàng A Việt Nam về xử lý các tài sản thế chấp. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa - Áp dụng Điều 302, 350, 351, 355, 471, 474 Bộ luật Dân sự 2005,
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng A Việt Nam về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với bị đơn Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C.
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C phải trả cho Ngân hàng A Việt Nam số tiền 75.192.369.461 VNĐ và 1.912.390,58 USD (trong đó: nợ gốc: 34.111.576.314 VNĐ và 1.145.148,24 USD; nợ lãi: 41.080.793.147 VNĐ và 767.242,34 USD). Tương đương 117.113.883.293 đồng (theo tỷ giá quy đổi: 21.921 đồng/USD tại thời điểm ngày 31/8/2016) và các khoản lãi phát sinh kể từ ngày 23/9/2016 cho đến khi thanh toán hết toàn bộ khoản nợ gốc theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại các Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa hai bên.
3.Trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C không thanh toán số nợ trên thì Ngân hàng A Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa xử lý tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 01.XNCR/2008/MMTB ngày 15/12/2008, số 02.XNCR/2008 ngày 15/12/2008, số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007, số 02.HIEP/CTĐ/TC ngày 30/12/2009, số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006, số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006, số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 để thu hồi nợ.
3.1. Việc xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/ĐS/CRS ngày 01/6/2008 được áp dụng theo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 47/2010/QĐ-PT ngày 15/9/2010 của Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
3.2. Việc xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp: Số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006; số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006 và số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 để thu hồi nợ theo tỷ lệ thỏa thuận: Ngân hàng thương mại cổ phần V Việt Nam 37%; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam 63%.
4. Sau khi Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C thanh toán đủ số tiền nêu tại mục 2 Quyết định của Bản án này thì Ngân hàng A Việt Nam phải trả lại các giấy tờ về tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp, bão lãnh số 01.XNCR/2008/MMTB ngày 15/12/2008, số 02.XNCR/2008 ngày 15/12/2008, số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007, số 02.HIEP/CTĐ/TC ngày 30/12/2009, số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006, số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006, số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 cho các chủ sở hữu.
Ngày 19/6/2018, Bị đơn Công ty TNHH chế biến và xuát khẩu thuỷ sản C và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Võ Ngọc T, Phan Phạm Thị Lệ H, Võ Quốc N, Võ Quốc T, Nguyễn Thị Hồng P, Lý Diệu H, Võ Ngọc H có dơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 02/2021/KDTM-GĐT ngày 28/4/2021 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cáo, đã: Huỷ Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 11/2018/KDTM-PT ngày 25/5/2018 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về phần xử lý tài sản đảm bảo theo hợp đồng thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/HĐTC/HIEP ngày 1/6/2006; Hợp đồng bảo lãnh giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/HĐBL/THACH ngày 1/6/2006; Hợp đồng thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/HĐTC/TRUONG ngày 1/6/2006, trong vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng A Việt Nam với bị đơn là Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản C. Giao hồ sơ cho TANDCC tại Đà Nẵng xét xử lại phần xử lý tài sản đảm bảo của 03 hợp đồng nêu trên theo thủ tục phúc thẩm đúng theo quy định của pháp luật.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, đối với ba hợp đồng thế chấp, bảo lãnh mà Toà án tối cao huỷ thì đề nghị tuyên vô hiệu trả lại các giấy tờ về tài sản cho chủ sở hữu hoặc tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm vì bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng, giải quyết vụ án không đúng.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ một phần bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại ba hợp đồng thế chấp bảo lãnh như Quyết định số 02/2021/KDTM-GĐT của Toà án nhân dân tối cao.
Tại phiên toà phúc thẩm, Viện kiểm sát cho rằng, Thẩm phán chủ toạ và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về giới hạn của phiên toà phúc thẩm hôm nay, chỉ giải quyết lại ba hợp đồng thế chấp, bảo lãnh theo Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2021/KDTM-GĐT, đề nghị Toà phúc thẩm tuyên ba hợp đồng này vô hiệu và trả lại các giấy tờ về tài sản thế chấp, bảo lãnh cho chủ sở hữu. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm như phân tích trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; thẩm tra công khai tại phiên tòa; nghe ý kiến trình bày của đương sự; xem xét quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao Đà Nẵng, sau khi thảo luận và nghị án; Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện. Bị đơn và người đại diện theo uỷ quyền của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có kháng cáo giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo. Các bên đương sự không thoả thuận được với nhau nên Toà án giải quyết vụ án theo quy dịnh của pháp luật.
[2]. Xét nội dung kháng cáo của Bị đơn-Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C (C Seafood), đề nghị xem xét lại bản án và chỉ tính lãi trong hạn theo thỏa thuận tại biên bản ngày 23/3/2012 thì: Nợ lãi (tạm tính đến ngày 22/9/2016) là: 19.821.706.074 đồng và 520.822,30USD, thấy rằng: tại quyết định Giám đốc thẩm số 02/2021/KDTM-GĐT ngày 28/4/2021 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã khẳng định: Về số tiền vay: các bên đều thống nhất về số tiền gốc 34.111.314 đồng và 1.145.148,24 USD, không ai thắc mắc gì.Tuy C Seafood cho rằng khoản nợ theo hợp đồng tín dụng QUANGNINH/HĐTD ngày 27/8/2009 đã được các bên thống nhất chuyển sang cho Công ty Thuỷ sản Quảng Ninh theo bản xác nhận dự nợ đến hết ngày 31/12/2014 lập ngày 18/52015 giữa C Seafood và Ngân hàng Nông nghiệp nên không đồng ý trả khoản nợ này nhưng không có chứng cứ chứng minh; do vậy Toà án buộc C Seafood thanh toán số nợ này là có căn cứ. Về số tiền lãi: trong quá trình giải quyết các khoản nợ, giữa Ngân hàng Nông nghiệp và C Seafood có các bản thoả thuận ngày 23/3/2012 và 12/6/2012 về việc sẽ xem xét đối với khoản tiền lãi, nhưng sau đó khi ký các hợp đồng tín dụng vào ngày 29/8/2012, hai bên vẫn thoả thuận C Seafood phải thanh toán toàn bộ nợ lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng cho đến khi C Seafood thanh toán đầy đủ nợ gốc. Do đó, Ngân hàng yêu cầu số tiền tính lãi đến ngày 22/9/2016 là 41.080.793.147 đồng và 767.242,34 USD là phù hợp với pháp luật. Toà án cấp sơ thẩm buộc C Seafood phải trả cho Ngân hàng nông Nghiệp tổng số tiền 117.113.883.293 đồng gồm nợ gốc và nợ lãi (theo tỷ giá quy đổi 21.921 đồng/USD tại thời điểm ngày 31/8/2016) và các khoản lãi phát sinh kể từ ngày 23/9/2016 cho đến khi thanh toán hết toàn bộ các khoản nợ gốc theo mức lãi suất đã được thảo thuận tại các Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa hai bên là có căn cứ.
Khoản nợ của C Seafood tại Ngân hàng nông nghiệp trong vụ án này khác với khoản nợ của C Seafood của Ngân hàng V theo bản án sổ 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của TAND tỉnh Khánh Hoà và Quyết định số 47/2010/QĐ-PT của Toà phúc thẩm Toà án tối cao tại Đà Nẵng nên Toà án cấp sơ thẩm buộc C Seafood trả nợ Ngân hàng nông nghiệp là chính xác.
Về nội dung kháng cáo của bị đơn yêu cầu Toà phúc thẩm tuyên vô hiệu các hợp đồng thế chấp, thấy rằng trong Quyết định Giám đốc thẩm số 02/2021/KDTM-GĐT nêu trên chỉ huỷ và yêu cầu giải quyết lại các hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/HIEP ngày 1/6/2006; Hợp đồng bảo lãnh số 01/HĐBL/THACH ngày 1/6/2006; Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/TRUONG ngày 1/6/2006. Như vậy việc giải quyêt đối với các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh còn lại của Toà án cấp sơ thẩm là có căn cứ và đúng pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Võ Quốc T, Nguyễn Thị Hồng P; Võ Ngọc T, Phan Phạm Thị Lệ H; Võ Ngọc H, Lý Diệu H về việc xử lý các tài sản thế chấp, bảo lãnh để đảm bảo cho các khoản vay của C Seafood tại A Khánh Hòa thì thấy:
Để đảm bảo các khoản vay tín dụng nói trên, C Seafood và các ông, bà: Võ Ngọc H, Lý Diệu H, Võ Ngọc T, Phan Phạm Thị Lệ H, Võ Quốc T, Nguyễn Thị Hồng P, đã thế chấp tài sản thuộc quyền sở hữu của mình là nhà, đất, nhà máy, phân xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ theo các Hợp đồng thế chấp, bão lãnh sau:
1. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006 - Tài sản thế chấp thuộc quyền sỡ hữu của ông Võ Ngọc H và bà Lý Diệu H gồm:
+ Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 14/1 đường ¾ phường C, thành phố C, tỉnh Khánh Hòa;
+ Quyền sử dụng đất tại 60 N, phường Cam Lộc, C, Khánh Hòa.
2. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006 - Tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của ông Võ Ngọc T và bà Phan Phạm Thị Lệ H gồm:
+ Nhà và đất tại Quốc lộ 1, phường Cam Phú, TP. C, tỉnh Khánh Hòa theo Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 320/99 do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp ngày 11/11/1999;
+ Nhà và đất tại số A1 Chợ Mới Ba Ngòi, C, Khánh Hòa theo Giấy chứng nhận Quyền sỡ hữu nhà phố thuộc công trình Chợ Ba Ngòi số 74/CN-CBN, Giấy mua bán nhà ngày 10/10/1997, tờ khai hợp thức hóa đăng ký Quyền sở hữu nhà được UBND thị trấn Ba Ngòi xác nhận ngày 18/8/1995;
+ Đất tại xã C, C theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 274 QSDĐ/X.CHĐ-TXCR do UBND thị xã C cấp ngày 12/3/2001;
+ Đất tại xã C, C theo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số 00449QSDĐ/CHĐ-CR do UBND thị xã C cấp ngày 17/02/1998.
3. Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 - Tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của ông Võ Quốc T và bà Nguyễn Thị Hồng P là:
+ Nhà và đất tại 223/5C Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP. HCM theo Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sở hữu nhà ở số 39778/HĐ-TCN ngày 05/12/2002, Hợp đồng mua bán nhà số 8495/HĐ-MBN ngày 27/11/1998, Tờ khai lệ phí trước bạ ngày 30/11/1998.
Các hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/HIEP, số 01/HĐBL/THACH và số 01/HĐTC/TRUONG ký cùng ngày 01/6/2006 để đảm bảo cho các khoản vay của Xí nghiệp tư doanh chế biến thuỷ sản C tại Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng V đều quy định “Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm chứng nhận” ( tại Điều 10 và 11), nhưng các hợp đồng này lại chưa được các bên đăng ký giao dịch đảm bảo nên chưa có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên.
Các hợp đồng này đều không được đăng ký giao dịch bảo đảm trong khi các tài sản bảo đảm đều là quyền sử dụng đất. Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 về đăng ký giao dịch bảo đảm; Điều 11 Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 (được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002); điểm II.3.4 Thông tư 07/2003/TT-NHNN ngày 19/5/2003 hướng dẫn một số quy định về bảo đảm tiền vay của một số tổ chức tín dụng; khoản 2 Điều 46, khoản 2 Điều 107 Luật Đất đai năm 2003; khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai 2003; Điều 134 Bộ luật dân sự năn 2005 thì hợp đồng thế chấp có hiệu lực từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử lý tài sản theo hợp đồng số 01/HĐTC/HIEP, số 01/HĐBL/THACH và số 01/HĐTC/TRUONG cùng ngày 1/6/2006 trong khi các hợp đồng này chưa có hiệu lực là không đúng.
[4]. Xét kháng cáo của Ngân hàng TMCP V Việt Nam đối với việc xử lý tài sản thế chấp tại các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh: số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006; số 01/HĐBL/THACH và số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006 của Bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 chưa đề cập đến quyền lợi của Ngân hàng TMCP V Việt Nam thì thấy: Tại các hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/HIEP, ngày 1/6/2006 (BL- 1135-1138); Hợp đồng bảo lãnh số 01/HĐBL/THACH, ngày 1/6/2006 (BL-1142-1445); Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/TRƯƠNG, ngày 1/6/2002 (BL-1139-1441), thể hiện bên thế chấp là ông Võ H, bà Lý Diệu H; ông Võ Ngọc T, bà Phan Phạm Thị Lệ H; ông Võ Quốc T, bà Nguyễn Thị Hồng P còn bên nhận thế chấp là (1) CN ngân hàng NN &PTNT tỉnh Khánh Hoà, (2) CN ngân hàng V N. Như vậy, câc đương sự đã thế chấp, bảo lãnh tài sản cho hai ngân hàng khác nhau nhưng khi giải quyết vụ án này Toà án cấp sơ thẩm chưa điều tra, xác minh, xem xét để phân định tỷ lệ thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho mỗi ngân hàng là bao nhiêu mà tuyên cho Ngân hàng A được quyền phát mãi toàn bộ tài sản ở ba hợp đồng thế chấp, bảo lãnh này khi bị đơn không trả được nợ gốc và lãi theo các hợp đồng tín dụng là chưa có căn cứ. Mặt khác, cấp sơ thẩm chỉ xem xét giải quyết quyền lợi của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, chưa xem xét gì quyền lợi của Ngân hàng TMCP V Việt Nam đối với ba hợp đồng thế chấp, bảo lãnh này, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng TMCP V Việt Nam, vì họ cũng nhận tài sản thế chấp, bảo lãnh. Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, đại diện Ngân hàng TMCP V Việt Nam khẳng định rằng ba hợp đồng thế chấp bảo lãnh này đều được thế chấp cho cả hai ngân hàng, trong đó thế chấp cho khoản vay của Ngân hàng TMCP V, tỉnh đến nay cả gốc và lãi là 52,4 tỷ đồng và Toà án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết quyền lợi của Ngân hàng TMCP V Việt Nam là làm ảnh hưởng quyền lợi của chúng tôi, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm công nhận hiệu lực của ba hợp đồng thế chấp bảo lãnh này và xử lý đảm bảo quyền lợi cho Ngân hàng TMCP V.
Những nội dung phân tích trên, cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay tại phiên toà và giải quyết ngay được. Do vậy, cần huỷ một phần bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Từ phân tích và lập luận trên, có căn cứ để khẳng định Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Ngân hàng A Việt Nam về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với bị đơn Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C (C Seafood). Buộc Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu thủy sản C phải trả cho Ngân hàng A Việt Nam số tiền 75.192.369.461 VNĐ và 1.912.390,58 USD (trong đó: nợ gốc: 34.111.576.314 VNĐ và 1.145.148,24 USD; nợ lãi: 41.080.793.147 VNĐ và 767.242,34 USD). Tổng số tiền 117.113.883.293 đồng (theo tỷ giá quy đổi: 21.921 đồng/USD tại thời điểm ngày 31/8/2016) và các khoản lãi phát sinh kể từ ngày 23/9/2016 cho đến khi thanh toán hết toàn bộ khoản nợ gốc theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại các Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa hai bên và giải quyết một số hợp đồng thế chấp, bảo lãnh là có căn cứ và đúng pháp luật.
Đối với việc xử lý tài sản theo các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 01/HĐTC/HIEP; số 01/HĐBL/THACH và số 01/HĐTC/TRUONG cùng ngày 01/6/2006 của Bản án sơ thẩm như phân tích trên là chưa đúng. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản C phải trả cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và xử lý một số hợp đồng thế chấp; Huỷ một phần bản án sơ thẩm về phần xử lý đối các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh: số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006; số 01/HĐBL/THACH, ngày 01/6/2006; số 01/HĐTC/TRƯƠNG ngày 01/6/2006.
Do vụ án bị huỷ một phần nên nội dung kháng cáo của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Võ Quốc T, Nguyễn Thị Hồng P; Võ Ngọc T, Phan Phạm Thị Lệ H; Võ Ngọc H, Lý Diệu H và kháng cáo của Ngân hàng V liên quan đến ba hợp đồng thế chấp tài sản này sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án ở cấp sơ thẩm.
Do kháng cáo không được chấp nhận nên Bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm. Vụ án bị huỷ một phần nên nội dung kháng cáo liên quan của Ngân hàng TMCP V Việt Nam và các ông bà Võ Quốc T, Nguyễn Thị Hồng P, Võ Ngọc T, Phan Phạm Thị Lệ H, Võ Ngọc H, Lý Diệu H không phải chịu án phí phúc thẩm, được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo quy định tại Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 29 Nghị quyết 326/NQ-UBTVQH về án phí lệ phí Toà án.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản C, giữ nguyên bản án sơ thẩm (về phần buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn và yêu cầu xử lý một số tài sản thế chấp)
- Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Huỷ một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà ( huỷ phần xử lý đối với ba hợp đồng thế chấp, bảo lãnh: số 01/HĐTC/HIEP, số 01/HĐBL/THACH, số 01/HĐTC/TRUONG cùng ngày 01/6/2006) và giao hồ sơ vụ án về cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
- Áp dụng Điều 302, 350, 351, 355, 471, 474 Bộ luật Dân sự 2005,
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng A Việt Nam về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với bị đơn Công ty TNHH Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản C.
Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C phải trả cho Ngân hàng A Việt Nam số tiền 75.192.369.461 VNĐ và 1.912.390,58 USD (trong đó: nợ gốc: 34.111.576.314 VNĐ và 1.145.148,24 USD; nợ lãi: 41.080.793.147 VNĐ và 767.242,34 USD). Tổng số: 117.113.883.293 đồng (theo tỷ giá quy đổi: 21.921 đồng/USD tại thời điểm ngày 31/8/2016) và các khoản lãi phát sinh kể từ ngày 23/9/2016 cho đến khi thanh toán hết toàn bộ khoản nợ gốc theo mức lãi suất đã thỏa thuận tại các Hợp đồng tín dụng được ký kết giữa hai bên.
2. Trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C không thanh toán số nợ trên thì Ngân hàng A Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa xử lý tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 01.XNCR/2008/MMTB ngày 15/12/2008, số 02.XNCR/2008 ngày 15/12/2008, số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007, số 02.HIEP/CTĐ/TC ngày 30/12/2009 để thu hồi nợ.
Việc xử lý tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/ĐS/CRS ngày 01/6/2008 được áp dụng theo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà và Quyết định số 47/2010/QĐ-PT ngày 15/9/2010 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng.
Sau khi Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản C thanh toán đủ số tiền nêu tại điểm 1 phần Quyết định của Bản án này thì Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam phải trả lại các giấy tờ về tài sản thế chấp theo các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh số 01.XNCR/2008/MMTB ngày 15/12/2008; số 02.XNCR/2008 ngày 15/12/2008; số 229.07/TC/ĐS ngày 27/9/2007; số 02.HIEP/CTĐ/TC ngày 30/12/2009 cho các chủ sở hữu.
3. Huỷ một phần Bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà, về phần xử lý các Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh đối với các hợp đồng: Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/HIEP ngày 01/6/2006, Hợp đồng bảo lãnh số 01/HĐBL/THACH ngày 01/6/2006, Hợp đồng thế chấp số 01/HĐTC/TRUONG ngày 01/6/2006, giữa bên nhận thế chấp là Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP V Việt Nam và bên thế chấp là các ông bà: Võ Ngọc H- Lý Diệu H; Võ Ngọc T-Phan Phạm Thị Lệ H; Võ Quốc T-Nguyễn Thị Hồng P.
Giao hồ sơ vụ án về cho Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Về Án phí phúc thẩm.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản C phải chịu 200.000 đồng tiền án phí phúc thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng đã nộp theo biên lai thu tạm ứng số 000095 ngày 27 tháng 10 năm 2016 (do ông Nguyễn Quang Vỹ nộp) của Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hoà.
- Các ông bà: Ông Võ Quốc T, bà Nguyễn Thị Hồng P; bà Lý Diệu H, ông Võ Ngọc T, bà Phan Phạm Thị Lệ H không phải chịu án phí phúc thẩm do đó các ông bà trên được hoàn lại 200.000 đồng tại Biên lai thu tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại các biên lai: số 000097, số 000096, số 000098, số 0000100, số 000099 cùng ngày 27 tháng 10 năm 2016 (người nộp tiền tại các biên lai này là ông Nguyễn Quang Vỹ).
- Ngân hàng TMCP V Việt Nam không phải chịu 200.000 đồng tiền án phí phúc thẩm nên được hoàn lại số tiền đã nộp tại tại biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2016/0000109 ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hoà.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 05/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân cấp cao đang được cập nhật.
Bản án về tranh chấp hợp đồng tín dụng số 05/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân cấp cao
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân cấp cao |
Số hiệu | số 05/2022/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2022-03-03 |
Ngày hiệu lực | 2022-03-03 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |