TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
BẢN ÁN 02/2022/KDTM-PT NGÀY 21/03/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN
Trong các ngày 14 và ngày 21 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2021/TLPT- KDTM ngày 18 tháng 5 năm 2021 về việc tranh chấp “Hợp đồng mua bán”.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 11/01/2021 của Tòa án nhân dân thị xã C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 179/2021/QĐ-PT ngày 26 tháng 5 năm 2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty C.
Địa chỉ trụ sở: Đường D, phường T, quận F, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Hồng H – Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Xuân T, sinh năm 1962; (có mặt) Địa chỉ: Tổ K, Khu phố B, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ liên lạc: Tổ K, Khu phố B, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai. Theo văn bản ủy quyền ngày 11/6/2020.
- Bị đơn: Ông Tăng Minh H1, sinh năm 1986; (xin vắng mặt) Địa chỉ: Ấp Q, xã N, thị xã C, tỉnh Tiền Giang.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn – Công ty C - Người đại diện theo pháp luật:
Ông Phạm Hồng H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm;
Nguyên đơn – Công ty C, có người đại diện theo pháp luật – ông Phạm Hồng H trình bày:
Giữa Công ty C (gọi tắt là Công ty C) và ông Tăng Minh H1 là đại diện hộ kinh doanh Tăng Minh H1 có mối quan hệ mua bán gỗ với nhau từ trước. Các hợp đồng mua bán trước ông H1 đều thanh toán đầy đủ, đúng hẹn. Đến ngày 02/01/2019, hai bên ký kết hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH với nội dung: Công ty C bán cho ông H1 800m3 gỗ thông tròn nhập khẩu với giá thành 3.400.000 đồng/m3, thành tiền là 2.720.000.000 đồng, chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng.
Sau khi ký hợp đồng, Công ty C đã bàn giao cho ông H1 nhận đủ tổng cộng 852.28 m3 gỗ thông tròn nhập khẩu, thành tiền là 2.897.752.000 đồng. Vào ngày 30/3/2019, hai bên lập biên bản giao nhận kèm xác nhận tổng trị giá tiền gỗ đã giao và nhận theo hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019.
Sau đó ông H1 đã thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản cho Công ty C tổng cộng số tiền là 878.200.000 đồng, số tiền còn lại 2.019.552.000 đồng ông H1 cam kết sớm thanh toán cho Công ty C nhưng sau đó nhiều lần khất nợ đến nay ông H1 vẫn không trả.
Những nội dung nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc ông Tăng Minh H1 phải trả nợ số tiền 2.019.552.000 đồng cùng tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi thanh toán xong; lãi tạm tính từ ngày 30/5/2019 đến ngày 30/5/2020 là: 2.019.250.000 đồng x 12 tháng x 1,5% = 363.519.360 đồng.
Bị đơn – ông Tăng Minh H1 trình bày:
Giữa ông và ông Phạm Hồng H quen biết nhau do trước đây ông có mua bán gỗ với Công ty C do ông Hoàng Văn Phượng ký hợp đồng. Khoảng cuối năm 2018, ông Phạm Hồng H có theo ông Phượng đến tiếp cận xưởng gỗ của ông. Đầu tháng 01/2019, ông H điện thoại cho ông hỏi gởi nhờ số lượng gỗ để tại cảng Long Bình do hết hạn nên ông đồng ý cho gởi và không quan tâm đến số gỗ ông H đem đến. Đầu tháng 02/2019, ông H thuê ông cưa gia công số gỗ đã gởi, sau khi cưa xong thì ông H mang gỗ đạt chất lượng đi giao hàng, gỗ không đạt chất lượng ông H nhờ ông bán giúp, có khi ông H nhờ ông giao gỗ cho khách hàng của ông như ông Dương Quốc T1, ông Nguyễn Văn H2 (H2), người theo dõi sổ sách cho ông H là ông Trương Quốc V do ông Phạm Hồng H thuê, ông H1 là người ghi lại số lượng gỗ đã cưa đưa cho ông Vũ ký nhận, sau đó ông Vũ đem sổ sách về cho ông H xem, số tiền bán gỗ giúp cho ông H sau khi trừ chi phí cưa gỗ còn lại tiền ông H1 đưa trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản theo yêu cầu của ông H.
Khoảng đầu tháng 3/2019, ông H có lập sẵn hợp đồng mua bán gỗ nhờ ông ký giúp để Công ty của ông đối phó với Chi cục Thuế nên ông H1 ký giúp ông H; sau đó ông H thanh lý hợp đồng.
Cuối tháng 3/2019, ông H lập sẵn hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH và 01 bản với tựa đề “NHẬP CỦA CTY C (ĐỢT 2)” nhờ ông ký giúp cũng nói để Công ty C đối phó với Chi cục Thuế. Do tin tưởng như lần trước nên ông đã ký giúp ông H. Sau khi ký xong ông có nghe những người làm ăn chung trong nghề gỗ với ông cho hay là ông H lừa nhiều nơi ký hợp đồng giúp để kiện đòi tiền nên ông sợ quá có điện thoại cho ông H thanh lý hợp đồng nhưng ông H kêu chờ Chi cục Thuế trả hóa đơn. Ông H1 đã ghi âm cuộc điện thoại vào ngày 04/7/2019.
Ông H1 khẳng định chữ ký trong hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 là ông ký giúp theo yêu cầu của ông H để ông H đối phó với Chi cục Thuế, thực tế ông không có nhận mua gỗ của Công ty C vào năm 2019 theo hợp đồng đã ký vì nếu có nhận gỗ thì phải có hóa đơn và bản kê lâm sản chứng minh nguồn gốc, biên bản kiểm tra lâm sản, biên bản xác nhận gỗ đóng búa kiểm lâm, số xe vận chuyển, đây là nguyên tắc khi vận chuyển và mua bán gỗ; ông không ngờ ông H dùng thủ đoạn lừa ông ký tên giúp rồi khởi kiện đòi tiền theo hợp đồng giả tạo đã ký.
Những nội dung ông Tăng Minh H1 yêu cầu Tòa án giải quyết:
- Tuyên bố hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 ký kết giữa Công ty C do ông Phạm Hồng H làm đại diện với ông Tăng Minh H1 là vô hiệu do giả tạo theo quy định tại Điều 124 của Bộ luật Dân sự.
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C đòi ông H1 phải thanh toán tiền hàng theo hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019.
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 11/01/2021 của Tòa án nhân dân thị xã C, tỉnh Tiền Giang đã căn cứ Khoản 1 Điều 30 và điểm b khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 124, 131 của Bộ luật Dân sự; Điều 34, 36 của Luật Thương mại; Khoản 1, 5 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:
- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty C yêu cầu ông Tăng Minh H1 trả số tiền 2.564.831.040 đồng gồm tiền hàng còn nợ và tiền lãi do chậm thanh toán theo hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC-MH ngày 02/01/2019 ký kết giữa Công ty C với ông Tăng Minh H1.
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của ông Tăng Minh H1.
Tuyên bố hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC-MH ngày 02/01/2019 ký kết giữa Công ty C với ông Tăng Minh H1 vô hiệu toàn bộ.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 25/01/2021, nguyên đơn Công ty C - Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Hồng H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xem xét, xét xử vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi và nguyên yêu cầu kháng cáo. Bị đơn xin xét xử vắng mặt, các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Công ty C do ông H làm đại diện có ký kết hợp đồng mua bán gỗ ngày 02/01/2019 với ông Tăng Minh H1; Công ty C đã giao đủ cho ông H1 31 container gỗ thông, trong dó Công ty M vận chuyển 21 container, ông Nguyễn Hồng P vận chuyển 10 container, ông H1 đã nhận đủ số gỗ, đã thanh toán 878.200.000 đồng (Tiền mặt và chuyển khoản), còn nợ lại 2.019.552.000đồng; Ông H1 cho rằng chỉ nhận cưa gia ông gỗ cho Công ty C nhưng không có chứng cứ gì chứng minh; Ông H1 có bán gỗ thành phẩm cho khách hàng nhưng Tòa sơ thẩm không xem xét; Ông H1 có ký bản đối chiếu vào biên bản thanh toán; Công ty C cũng chứng minh được nguồn gốc số gỗ là mua của Công ty S và mua của Công ty Cổ phần Gỗ H; ông Nguyễn Hồng P xác nhận có vận chuyển 10 container đến xưởng gỗ của anh H; ông Phạm Quang V1 có xác nhận là cưa gia công cho anh H và một số người thợ làm thuê cho ông H1; Đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng chấp hành đúng nội qui phòng xử án và thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng pháp luật. Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn là trong thời hạn luật định nên được xem xét. Nhận thấy, ngày 02/01/2019 Công ty C (gọi tắt là Công ty C) và ông Tăng Minh H1 là đại diện hộ kinh doanh Tăng Minh H1 có ký kết hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH với nội dung công ty bán cho ông H1 800m3 gỗ thông tròn nhập khẩu với giá 3.400.000đ/m3, thành tiền là 2.720.000.000 đồng. Sau khi ký kết hợp đồng công ty đã bàn giao cho ông H1 nhận 852,28m3 gỗ thông thành tiền là 2.897.752.000 đồng, vào ngày 03/3/2019 hai bên lập biên bản giao nhận kèm theo. Sau đó ông H1 đã thanh toán tổng cộng số tiền là 878.200.000 đồng, còn lại 2.019.552.000 đồng công ty yêu cầu ông H1 trả nhiều lần nhưng ông H1 vẫn không trả. Nay công ty khởi kiện yêu cầu ông H1 trả 2.019.552.000 đồng và tiền lãi chậm trả từ ngày 30/5/2019 đến ngày 30/5/2020 là 363.519.360 đồng. Tổng cộng số tiền công ty yêu cầu ông H1 trả là 2.382.769.360 đồng.
Ông Tăng Minh H1 thừa nhận chữ ký trong hợp đồng kinh tế số 0201-19/HĐ- AC/MH ngày 02/01/2019 giữa Công ty C với ông Tăng Minh H1 và chữ ký trong biên bản giao nhận ngày 03/3/2019 là của ông H1. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là ông ký dùm Công ty C để đối phó với Chi cục Thuế chứ về thực chất không có việc mua bán gỗ. Đối với biên bản giao nhận ngày 03/3/2019 là biên bản nhận gỗ do ông cho ông H gửi gỗ ở kho của ông để xẻ gỗ thành phẩm. Nay ông không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Công ty C và yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Tại biên bản đối chất ngày 21/9/2020 ông Phạm Hồng H (đại diện Công ty C) cho rằng tiếng nói trong đoạn ghi âm là của ông và ông Tăng Minh H1, ông thừa nhận nội dung trao đổi ông H1 cho rằng ông H1 ký dùm công ty chứ hai bên không có mua bán là đúng nhưng đó là trao đổi nội dung của hợp đồng ký năm 2018 với giá rẻ để cân đối đầu vào. Xét hợp đồng kinh tế số 1411-18/HĐMB ngày 14/11/2018 giữa Công ty C với ông Tăng Minh H1, hai bên đã ký thanh lý theo biên bản thanh lý hợp đồng số 18/TLHĐ ngày 14/11/2018. Tuy nhiên, đoạn ghi âm vào ngày 04/7/2019, vì vậy, phía ông Phạm Hồng H cho rằng đoạn ghi âm trao đổi nội dung hợp đồng năm 2018 là không có căn cứ.
Bên cạnh đó, ông H1 cung cấp tài liệu các giấy viết tay thể hiện việc mua bán gỗ cho các đại lý có chữ ký của anh Trương Quốc V. Tài liệu này phù hợp với lời trình bày của ông Tăng Minh H1 cho rằng sau khi ký hợp đồng số 0201-19/HĐ- AC/MH ngày 02/01/2019 thì ông có nhận cưa xẻ gỗ gia công cho Công ty C. Sau khi cưa xẻ gỗ thành phẩm, phía công ty có phân công người theo dõi ghi sổ sách và giao gỗ cho khách hàng của ông H. Số tiền bán gỗ giúp ông H sau khi trừ chi phí cưa xẻ gỗ thì ông H1 chuyển vào tài khoản hoặc trực tiếp giao cho ông Phạm Hồng H.
Từ những chứng cứ trên xét hợp đồng kinh tế số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 giữa Công ty C với ông Tăng Minh H1 là không có thật nên hợp đồng bị vô hiệu do giả tạo, do hợp đồng bị vô hiệu nên hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng phía ông Tăng Minh H1 nhận gỗ gia công và đã giao gỗ cho khách hàng của công ty và chuyển trả tiền cho công ty nên hợp đồng đã thanh lý xong.
Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn không cung cấp được hóa đơn giá trị gia tăng để chứng minh Công ty C là chủ sở hữu đối với số gỗ bán cho ông Tăng Minh H1, đồng thời nguyên đơn cũng không cung cấp đầy đủ các chứng từ liên quan đến khối lượng 852.28m3 gỗ thông tròn nhập khẩu, chứng từ vận chuyển, tên cách thức nhận biết hàng hóa nên không có căn cứ nguyên đơn có giao 852.28m3 gỗ thông tròn nhập khẩu cho ông H1. Do đó yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bác yêu cầu khởi kiện và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là đúng quy định pháp luật.
Công ty C kháng cáo với lý do Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ không đầy đủ, xem xét và xét xử vụ án không khách quan, không đúng quy định pháp luật là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ nguyên đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ để chứng minh ông Tăng Minh H1 có nợ tiền gỗ của công ty. Do đó kháng cáo của công ty không có cơ sở chấp nhận.
Từ những phân tích nhận định nêu trên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty C giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 11/01/2021 của Tòa án nhân dân thị xã C.
Qua nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kháng cáo của nguyên đơn, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng mua bán” là có căn cứ. Sau khi xét xử sơ thẩm thì nguyên đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đầy đủ nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đã được Tòa án cấp phúc thẩm tống đạt hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn cố tình vắng mặt không rõ lý do. Tại phiên tòa phúc thẩm thì người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng trình bày do nguyên đơn không trả chi phí nên Luật sư không tham gia, đồng thời không có yêu cầu luật sư tham gia phiên tòa phúc thẩm, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm xét xử vụ án theo thủ tục chung.
Đối với bị đơn Tăng Minh H1 có đơn xin xét xử vắng mặt, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông H1 theo qui định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung: Nguyên đơn Công ty C (gọi tắt là Công ty C) trình bày Công ty C và ông Tăng Minh H1 là đại diện hộ kinh doanh Tăng Minh H1 có mối quan hệ mua bán gỗ với nhau từ trước. Các hợp đồng mua bán trước ông H1 đều thanh toán đầy đủ, đúng hẹn. Theo nguyên đơn trình bày ngày 02/01/2019, hai bên ký kết hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH với nội dung: Công ty C bán cho ông H1 800m3 gỗ thông tròn nhập khẩu với giá thành 3.400.000 đồng/m3, thành tiền là 2.720.000.000 đồng, chưa bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng. Sau khi ký hợp đồng, Công ty C đã bàn giao cho ông H1 nhận đủ tổng cộng 852.28 m3 gỗ thông tròn nhập khẩu, thành tiền là 2.897.752.000 đồng. Vào ngày 30/3/2019, hai bên lập biên bản giao nhận kèm xác nhận tổng trị giá tiền gỗ đã giao và nhận theo hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019.
Sau đó ông H1 đã thanh toán bằng tiền mặt và chuyển khoản cho Công ty C tổng cộng số tiền là 878.200.000 đồng, số tiền còn lại 2.019.552.000 đồng ông H1 cam kết sớm thanh toán cho Công ty C, nhưng sau đó nhiều lần khất nợ đến nay ông H1 vẫn không trả.
Công ty C yêu cầu ông Tăng Minh H1 phải trả nợ số tiền 2.019.552.000 đồng cùng tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi thanh toán xong; lãi tạm tính từ ngày 30/5/2019 đến ngày 30/5/2020 là: 2.019.250.000 đồng x 12 tháng x 1,5% = 363.519.360 đồng. Tính đến ngày xét xử sơ thẩm thì nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả số tiền 2.564.831.040 đồng.
Ông Tăng Minh H1 trình bày chữ ký trong hợp đồng mua bán số 0201- 19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 và Biên bản giao nhận kèm xác nhận tổng giá trị tiền gỗ đã giao và nhận theo Hợp đồng số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 là ông ký giúp theo yêu cầu của ông H để ông H đối phó với Chi cục thuế, thực tế ông không có nhận mua gỗ của Công ty C vào năm 2019 theo hợp đồng đã ký, vì nếu có nhận gỗ thì phải có hóa đơn và bản kê lâm sản chứng minh nguồn gốc, biên bản kiểm tra lâm sản, biên bản xác nhận gỗ đóng búa kiểm lâm, số xe vận chuyển, đây là nguyên tắc khi vận chuyển và mua bán gỗ; ông không ngờ ông H dùng thủ đoạn lừa ông ký tên giúp rồi khởi kiện đòi tiền theo hợp đồng giả tạo đã ký. Ông H1 yêu cầu tuyên bố Hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 ký kết giữa Công ty C do ông Phạm Hồng H làm đại diện với ông Tăng Minh H1 là vô hiệu do giả tạo theo quy định tại Điều 124 của Bộ luật Dân sự. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C đòi ông H1 phải thanh toán tiền hàng theo hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019. Sau khi Tòa án sơ thẩm xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn . Ngày 25/01/2021, nguyên đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
[3] Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp thêm chứng cứ là giấy xác nhận của Công ty S (gọi tắt là Công ty S) về việc bán gỗ cho Công ty C kèm hóa đơn giá trị gia tăng ghi ngày 20/4/2019 và ngày 09/4/2019; Giấy xác nhận của Công ty Cổ phần Gỗ H; Giấy xác nhận vận chuyển hàng hóa của ông Nguyễn Hồng P; Giấy xác nhận của ông Phạm Quang V1; Bảng kê chi tiết kiểm kê gỗ tồn xưởng H; Kiểm kê xác nhận tồn xưởng H; Biên bản xác nhận thanh toán và hợp đồng kinh tế số 14/11/2018. Xét các chứng cứ nguyên đơn và bị đơn cung cấp cũng như lời trình bày của nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử thấy rằng, chứng cứ nguyên đơn cung cấp để khởi kiện là Hợp đồng mua bán sô 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019, (bút lục 19). Biên bản giao nhận kiêm xác nhận tổng giá trị tiền gỗ đã giao và nhận theo hợp đồng số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 (bút lục 14-15) và biên bản xác nhận thanh toán có ký tên Tăng Minh H1 để khởi kiện. Quá trình kháng cáo xét xử phúc thẩm thì nguyên đơn nộp kèm các chứng cứ bổ sung chứng minh nguồn gốc gỗ bán cho bị đơn là mua của Công ty S và mua của Công ty H. Xét thấy, các giấy tờ chứng cứ nguyên đơn cung cấp có ký tên bị đơn đều được bị đơn thừa nhận nhưng cho rằng chỉ ký tên cho nguyên đơn dùng để đối phó với Chi cục Thuế,bị đơn chứng minh bằng file ghi âm ngày 04/7/2019, lời trình bày của những người làm công tại xưởng gỗ bị đơn. Bị đơn có tố cáo hành vi của nguyên đơn đến cơ quan công an và được cơ quan công an thu thập chứng cứ, không khởi tố vụ án và thông báo cho các đương sự khởi kiện vụ án dân sự. Xét thấy, các chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp và các chứng cứ thu thập có trong hồ sơ thì thấy rằng có rất nhiều bất hợp lý trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 như sau:
[3.1] Hợp đồng Hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 thỏa thuận thời hạn giao gỗ từ tháng 01/2019 đến tháng 03/2019, không thỏa thuận về việc cung cấp hóa đơn chứng từ. Thực tế thì phía nguyên đơn cũng chưa cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng cho bị đơn. Căn cứ vào Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 đã qui định:
Điều 15. Lập hoá đơn 1. Khi bán hàng hoá, dịch vụ người bán phải lập hoá đơn. Khi lập hoá đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này.
2. Hoá đơn phải được lập theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn. Bộ Tài chính quy định thứ tự lập hoá đơn đối với trường hợp nhiều cơ sở của cùng đơn vị kế toán sử dụng chung một loại hoá đơn có cùng tên, cùng ký hiệu.
3. Ngày lập hoá đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hoá, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng. Các trường hợp pháp luật quy định chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thì ngày lập hoá đơn là ngày bàn giao hàng hoá.
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hoá đơn cho khối lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ được giao tương ứng.
4. Trường hợp bán hàng qua điện thoại, qua mạng; bán hàng hoá, dịch vụ cùng lúc cho nhiều người tiêu dùng, khi lập hoá đơn người bán hoặc người mua không phải ký tên theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Hoá đơn điện tử được lập xong sau khi người bán và người mua đã ký xác nhận giao dịch đã được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
6. Bộ Tài chính quy định việc lập hoá đơn đối với các trường hợp cụ thể khác.
Căn cứ Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính – Bộ Công thương – Bộ Quốc phòng đã qui định chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khầu lưu thông trên thị trường:
Điều 3. Thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ 1. Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này ngay tại thời điểm kiểm tra.
2. Đối với hàng hóa nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu đang bày bán, để tại kho, bến, bãi thuộc quyền sử dụng (kho, bến, bãi có đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền) hoặc sở hữu của cơ sở đó thì việc xuất trình hóa đơn, chứng từ được thực hiện như sau:
a) Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình bản sao hóa đơn, chứng từ có đóng dấu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu để có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu là hợp pháp;
b) Trong thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ bản chính chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này. Trường hợp cuối thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra nếu trùng vào thời gian nghỉ theo quy định thì việc xuất trình hồ sơ được thực hiện vào thời gian làm việc tiếp theo thời gian nghỉ và cơ quan kiểm tra phải ghi rõ thời gian, địa điểm yêu cầu xuất trình vào biên bản;
c) Tại thời điểm kiểm tra, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ để có căn cứ xác định tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu thì cơ quan kiểm tra hàng hóa tiến hành tạm giữ hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật để xác minh tính hợp pháp của hàng hóa.
3. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu xuất trình đầy đủ hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhưng cơ quan kiểm tra có căn cứ xác định nguồn gốc của hàng hóa nhập khẩu không hợp pháp thì cơ quan kiểm tra thực hiện việc tạm giữ hàng hóa, đối chiếu hồ sơ, xác minh làm rõ nguồn gốc hàng hóa đó để xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu gây thiệt hại cho cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu.
Xét thấy hợp đồng các bên đang tranh chấp và khởi kiện là hợp đồng mua bán gỗ nhập khẩu, cho nên việc xuất hóa đơn khi mua bán, vận chuyển hàng hóa là bắt buộc để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa mua bán cũng như phục vụ cho cơ quan chức năng khi kiểm tra. Trong khi đó thì nguyên đơn chưa xuất bất kỳ hóa đơn nào cho bị đơn cho đến ngày xét xử phúc thẩm là không đúng qui định của pháp luật.
[3.2] Hợp đồng kinh tế số 1411-18/HĐMB ký kết ngày 14/11/2018 do nguyên đơn cung cấp để chứng minh có thực hiện với bị đơn xong và đã thanh lý xong để chứng minh cho file ghi âm của bị đơn cung cấp là do hai bên trình bày về việc thực hiện hợp đồng năm 2018. Xét thấy, hợp đồng này hai bên trình bày đã thực hiện thanh lý xong, không có tranh chấp. Tuy nhiên hợp đồng này cũng ghi thời điểm giao hàng từ tháng 01/2019 đến tháng 03/2019, trùng hợp với thời gian giao hàng của hợp đồng mua bán năm 2019 mà các bên đang tranh chấp. Xét file ghi âm được xác lập ngày 04/7/2019 đã được nguyên đơn thừa nhận người nói chuyện với bị đơn chính là ông H (giám đốc của Công ty C). Nội dung ghi âm này cũng thể hiện việc nói chuyện qua lại về việc ký hợp đồng đê đối phó với Chi cục Thuế nơi quản lý thuế của nguyên đơn. Nguyên đơn cho rằng nói về hợp đồng thực hiện năm 2018 là không có cơ sở. Bởi lẽ hợp đồng mua bán năm 2018 các bên không có tranh chấp.
[3.3] Về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa: Trong quá trình giải quyết ở giai đoạn sơ thẩm thì nguyên đơn cho rằng hàng hóa là gỗ nhập khẩu nguyên đơn của mua của Công ty S để bán lại cho bị đơn. Quá trình xét xử sơ thẩm thì Tòa án sơ thẩm đã xác định có 10 container không có trong hàng hóa nhập khầu của Công ty S. Sau khi kháng cáo phúc thẩm thì nguyên đơn lại chứng minh rằng có 06 container gửi tại kho ở Long Bình và mua 04 container gỗ của Công ty H và xác nhận của người vận chuyển 10 container này cho bị đơn. Xét thấy, lời trình bày của nguyên đơn trước sau không thống nhất, các giấy xác nhận của người vận chuyển như thế cũng không phù hợp. Bởi lẽ mặt hàng gỗ nhập khẩu là loại hàng hóa phải tuân thủ đầy đủ các chế độ hóa đơn chứng từ và việc giao nhận từng lô hàng, trong khi đó ông Nguyễn Hồng P xác nhận có vận chuyển 10 container gỗ để giao cho bị đơn nhưng không có chứng từ ký nhận khi ông Phi giao hàng là không có cơ sở xác thực.
[3.4] Đối với bảng kê chi tiết kiểm kê gỗ tồn xưởng H ghi ngày 25/6/2019, nguyên đơn cho rằng dùng bảng kê hàng tốn này để kéo dài thời gian trả nợ cho Công ty S. Xét thấy, lời trình bày của nguyên đơn là không có cơ sở. Bởi lẽ theo hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC/MH ngày 02/01/2019 thì nguyên đơn cho rằng đã giao đầy đủ số lượng gỗ cho bị đơn vào ngày 30/3/2019. Như vậy, thực tế việc giao gỗ có xảy ra thì bị đơn phải có trách nhiệm trả tiền theo hợp đồng, đối với việc hàng tồn kho bao nhiêu là việc của bị đơn. Bởi lẽ khi giao hàng xong thì quyền sở hữu các lô hàng là của bị đơn, bị đơn có nghĩa vụ trả tiền. Cho nên, việc kiểm kê gỗ tồn vào ngày 25/6/2019 có chữ ký hai bên và lời trình bày của bị đơn cưa xẻ gỗ gia công là có cơ sở.
[3.5] Đối với xác nhận của ông Phạm Quang V1 cho rằng “…vào năm 2019 có nhận khoán cưa gia công gỗ thông cho anh Tăng Minh H1 tại Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo thỏa thuận giá cưa gia công là 350.000đồng/m3 gỗ tròn; Trong thời gian cưa gia công tại xưởng gỗ anh H tôi có thuê một số thợ cưa từ Sài Gòn đưa xuống gồm có Vũ, Cu, Thắng, Anh Trung, Tèo Đạt, Tiến Bình….”. Xét thấy, quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm thì Tòa án sơ thẩm đã thu thập chứng cứ là lời khai của những người làm thuê là Trương Quốc V (Bút lục 65+ 240) ; Nguyễn Văn H3 (Tên gọi khác là H3) (Bút lục 68); Đào Xuân T2 (Bút lục 74) ; Trần Công T3 (Bút lục 242,243); Dương Quốc T1 (Bút lục 238,239) thì những người này cho rằng làm thuê cho anh ông H (Công ty C). Quá trình mua gỗ từ xưởng của bị đơn vận chuyển bán cho anh Quốc T1, anh H2 (H2 Kẹo) thì những người này cùng cho rằng làm thuê cho ông H (Công ty C), vận chuyển gỗ thành phẩm từ kho ông H1 bán cho anh Quốc T1, anh H2 (H2 Kẹo) đều thỏa thuận với ông H (Công ty C ) và chuyển khoản trả tiền cho ông H (Công ty C). Tại phiên tòa phúc thẩm, thì đại diện nguyên đơn cũng thừa nhận có nhận tiền và có xuất hóa đơn cho anh Quốc T1 và anh H2 (H2 Kẹo). Do đó lời trình bày của ông Vinh là mâu thuẫn với lời trình bày của những người làm thuê khác, nên không được Tòa án chấp nhận. Việc Công ty C nhận tiền từ anh Quốc T1 , anh H2 (H2 Kẹo) và xuất hóa đơn cho những người này chứng tỏ gỗ thông này là của Công ty C.
[3.6] Căn cứ vào hồ sơ Báo cáo tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 của Công ty C thì số tiền phải thu của khách hàng là 582.800.162 đồng (Bút lục 253-274), không có thể hiện số liệu phải thu là 2.019.552.000 đồng. Nếu thực tế có phát sinh mua bán gỗ với bị đơn và bị đơn còn thiếu số tiền 2.019.552.000 đồng thì từ cuối Quí 1 năm 2019 đến cuối năm 2019 do bị đơn chưa trả tiền thì sổ sách tài chính của nguyên đơn phải hạch toán số nợ phải thu của khách hàng từ 2.019.552.000 đồng trở lên (nếu có các khách hàng khác còn nợ), do dó lời trình bày của nguyên đơn cho rằng bị đơn còn nợ số tiền 2.019.552.000 đồng là không có cơ sở xác thực.
[4] Từ những cơ sở căn cứ như trên, xét nội dung bản án sơ thẩm đã xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ đúng pháp luật. Như đã nhận định trên, xét kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ không được Hội đồng xét xử châp nhận. Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm theo qui định tại khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[5] Xét đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Tiền Giang tại phiên tòa phúc thẩm là có căn cứ, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên được chấp nhận.
[6]Về án phí: Do không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn , nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo qui định, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà nguyên đơn đã nộp xem như thi hành xong án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 296 khoản 1 Điều 308, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Các Điều 124, 131 của Bộ luật Dân sự; Điều 34, 36 của Luật thương mại;và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử :
1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty C. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số số 01/2021/KDTM-ST ngày 11/01/2021 của Tòa án nhân dân thị xã C, tỉnh Tiền Giang .
2. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty C yêu cầu ông Tăng Minh H1 trả số tiền 2.564.831.040 đồng gồm tiền hàng còn nợ và tiền lãi do chậm thanh toán theo hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC-MH ngày 02/01/2019 ký kết giữa Công ty C với ông Tăng Minh H1.
3. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của ông Tăng Minh H1.
Tuyên bố hợp đồng mua bán số 0201-19/HĐ-AC-MH ngày 02/01/2019 ký kết giữa Công ty C với ông Tăng Minh H1 vô hiệu toàn bộ.
4. Về án phí:
- Về án phí phúc thẩm: Công ty C phải chịu 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được khấu trừ 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0006773 ngày 25/01/2021 của Chi cục Thi hành án thị xã C, tỉnh Tiền Giang xem như thi hành xong án phí phúc thẩm.
- Về án phí sơ thẩm Công ty C phải chịu 86.296.620 đồng án phí kinh doanh thương mại, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 39.827.000 đồng theo biên lai thu số 0000650 ngày 18/6/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã C, tỉnh Tiền Giang, Công ty C còn phải nộp tiếp số tiền án phí là 46.469.620 đồng.
Trả lại cho ông Tăng Minh H1 số tiền tạm ứng án phí đã nộp 3.000.000 đồng theo biên lai thu số 0000851 ngày 23/9/2020 và biên lai thu số 0006611 ngày 18/11/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã C, tỉnh Tiền Giang.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Tuyên án công khai lúc 08 giờ 00 phút, ngày 21 tháng 3 năm 2022
File gốc của Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán số 02/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Tiền Giang đang được cập nhật.
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán số 02/2022/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Tiền Giang
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Tiền Giang |
Số hiệu | 02/2022/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2022-03-21 |
Ngày hiệu lực | 2022-03-21 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |