TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 172/2021/KDTM-PT NGÀY 27/10/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN
Ngày 27/10/2021 tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 77/2021/TLPT-KDTM ngày 12 tháng 04 năm 2021 về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 72/2020/KDTMST ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bị kháng cáo theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 423/2021/QĐ-PT ngày 29 tháng 6 năm 2021 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thanh H, sinh năm 1983; vắng mặt.
Địa chỉ: Phòng 2112AT2 chung cư T, làng V, phường M, quận H, Hà Nội
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Trịnh Thị H - sinh năm 1990; có mặt.
Địa chỉ: Tầng 6 số nhà 16 ngõ 204 đường T, phường T, quận C, Hà Nội (Theo văn bản ủy quyền số công chứng 12723,quyển số 02/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/06/2021 tại Văn phòng công chứng Vũ Tiến Trí)
Bị đơn: Ông Hoàng Tuấn D, sinh năm 1984; vắng mặt. Địa chỉ: số 15 V, phường K, quận T, Hà Nội
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Quốc tế I Trụ sở: 169 N, phường T, quận C, Hà Nội
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Tuấn D - Chức vụ: Chủ tịch HĐQT; vắng mặt.
Ngưòi đại diện theo ủy quyền: Bà Đỗ Thị Q - Nhân viên Công ty (theo Văn bản ủy quyền ngày 26/11/2020); vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 22 tháng 10 năm 2019 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn trình bày:
Ngày 21/12/2017, bà Nguyễn Thanh H chuyển nhượng 60.000 cổ phần thuộc sở hữu của bà, tương đương 30% số cổ phần hiện hữu của Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Quốc tế I (viết tắt là Công ty I) cho ông Hoàng Tuấn D. Hai bên đã ký kết “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” với nội dung bà H chuyến nhượng toàn bộ cổ phần của mình và chuyển giao các chức vụ, quyền lợi khác của bà H tại Công ty I cho ông D với giá trị chuyển nhượng là 6.500.000.000 đồng (sáu tỷ năm trăm triệu đồng).
Cùng ngày, Đại hội đồng cổ đông Công ty I đã họp bầu bổ sung ông Hoàng Tuấn D là thành viên hội đồng quản trị Công ty và ra Nghị quyết số 01/2017/NQ- ĐHĐCĐ ngày 21/12/2017, miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty của bà H. Đồng thời, ra Nghị quyết số 02/2017/NQ-ĐHĐCĐ thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh về việc thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty từ bà H sang ông Hoàng Tuấn D, ghi nhận việc chuyển nhượng cổ phần của bà H cho ông D. Tại cuộc họp Đại hội đồng cố đông Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Quốc tế I ngày 21/12/2017 đã quyết định bầu bổ sung ông Hoàng Tuấn D trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty.
Ngày 21/12/2017, Công ty cũng đã có thông báo gửi Phòng đăng ký kinh doanh thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thay đổi cổ đông, tỷ lệ góp vốn, thông tin cổ đông sáng lập và thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp của Công ty do bà H chuyển nhượng toàn bộ cổ phần phổ thông cho ông D.
Sau khi ký thỏa thuận, bà H đã hoàn tất các thủ tục để chuyển nhượng cổ phần cũng như chuyển giao toàn bộ các chức vụ và quyền lợi mà bà đang nắm giữ và được hưởng lợi tại Công ty I cho ông D theo thỏa thuận. Hai bên không lập biên bàn giao.
Theo nội dung “Thỏa thuận giải quyết vụ việc”, ông D phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền 6.500.000.000 đồng cho bà H làm 03 lần. Ông D đã thanh toán cho bà H 02 lần với tổng số tiền là 6.175.000.000 đồng, tuơng ứng với 95% giá trị hợp đồng. Lần 3 ông D phải thanh toán cho bà H số tiền 325.000.000 đồng và khoản tiền lãi 5% phát sinh từ số tiền này là 16.250.000 đồng vào thời điểm sau 1 năm kể từ ngày các điều kiện tiên quyết quy định tại Điều 2 Bản thoản thuận đuợc hoàn thành (tức ngày 21/12/2017). Như vậy, thời điểm ông D phải thực hiện thanh toán lần 3 cho bà H là ngày 21/12/2018 với tổng số tiền là 341.250.000 đồng. Tuy nhiên, ông D không thực hiện. Bà H đã nhiều lần đề nghị ông D thực hiện nghĩa vụ thanh toán nhung ông D không hợp tác.
Do đó, ngày 22/10/2019, bà H làm đơn khởi kiện yêu cầu ông D thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận trên. Cụ thể:
1. Khoản tiền thanh toán Đợt 3 cho việc chuyển nhượng cổ phần là 325.000.000 đồng.
2. Khoản tiền lãi theo thỏa thuận phát sinh trong vòng 1 năm theo thỏa thuận, tương đương với 5% là 16.250.000 đồng.
3. Khoản tiền phạt vi phạm theo thỏa thuận do chậm thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần là 5.000.000 đồng/ngày làm việc từ ngày 22/12/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm.
Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi chậm trả đối với khoản tiền phải thanh toán đợt 3 và tiền lãi trong vòng 1 năm đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật với mức lãi suất là 10%/năm tạm tính đến ngày 30/5/2020 là 49.084.000 đồng trong đơn khởi kiện, nguyên đơn xin rút không yêu cầu bị đơn thanh toán.
Bị đơn trình bày: Ông D xác nhận lời trình bày của nguyên đơn và đại diện của nguyên đơn về việc ngày 21/12/2017, ông và bà Nguyễn Thanh H đã ký “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” với nội dung bà H chuyển nhượng cho ông 60.000 cổ phần của bà H, tương đương 30% số cổ phần hiện có của Công ty cổ phần thương mại và Phát triên quốc tế IPM và chuyển giao toàn bộ các chức vụ, quyền lợi hiện có của bà H tại Công ty I cho ông với giá chuyển nhượng là 6.500.000.000 đồng. Số tiền này được thanh toán làm 03 lần. Ông đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán lần 1 và lần 2 với tổng số tiền 6.175.000.000 đồng. Nay theo đơn khởi kiện, bà H yêu cầu ông thanh toán số tiền 325.000.000 đồng, khoản tiền lãi 5% phát sinh từ sô tiền này là 16.250.000 đồng và khoản tiền phạt 5.000.000 đồng/ngày làm việc kể từ ngày 22/12/2018 đến thời điểm xét xử sơ thẩm, quan điểm của ông như sau: Do sau khi chuyển nhượng cổ phần cho ông , bà H liên tục có những hành vi vi phạm cam kết đã thoả thuận, gây trở ngại đến nghĩa vụ chuyển nhượng, chuyển giao và hoạt động kinh doanh của ông cũng như của Công ty I. Cụ thể đầu năm 2018 bà H đã có đơn thư vu khống ông đến Cục quản lý lao động ngoài nước và Cơ quan Công an nhằm gây trở ngại quá trình chuyển giao và thay đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty I. Bên cạnh đó, bà H không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 2 của hợp đồng (theo thỏa thuận là các “điều kiện tiên quyết”), gây khó khăn cho ông trong việc tiếp quản Công ty, cũng như gây khó khăn cho Công ty trong việc vận hành, tiếp cận, chăm sóc khách hàng, tiếp cận đầu mối công việc. Ngoài ra, bà H liên tục có những hành vi nói xấu, bôi nhọ ông và Công ty I trên các trang Facebook và gửi thông điệp đến một số đối tác, gây cản trở hoạt động kinh doanh của ông và Công ty. Như vậy bà H đã vi phạm cam kết theo quy định tại điều 3.3 và 5.1 của bản thoả thuận. Bà H cũng không thực hiện nghĩa vụ bàn giao chức vụ cho ông, không hỗ trợ cho ông hoặc người do ông chỉ định tiếp nhận chức vụ, công việc, khách hàng, đối tác và các đầu mối tại cơ quan ban ngành có thẩm quyền mà bà H đã thay mặt Công ty liên hệ trong thời gian làm việc tại Công ty I. Theo điều 4 của hợp đồng, trong trường hợp bên B là bà H không hoàn thành các điều kiện tiên quyết trên theo đúng thời hạn quy định tại bản thoả thuận hoặc không hoàn thành các nghĩa vụ cam kết khác quy định trong hợp đồng bà H sẽ phải thanh toán các khoản tiền phạt là 5.000.000 đồng/ngày và 8.000.000 đồng/ ngày tùy theo vi phạm và bồi thường vô điều kiện các chi phí khác. Tuy nhiên, với thiện chí của mình, bị đơn không có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn yêu cầu thanh toán khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án này. Nếu cần thiết, bị đơn sẽ khởi kiện sau bằng vụ án khác.
Quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của ông D đồng ý thanh toán cho bà H số tiền phải thanh toán lần 3 là 325.000.000 đồng và khoản tiền lãi phát sinh trong vòng 1 năm với lãi suất 5%/năm là 16.250.000 đồng. Tổng cộng là 341.250.000 đồng. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần là 5.000.000 đồng/ngày làm việc từ ngày 22/12/2018 đến thời điểm xét xử sơ thẩm, bị đơn không đồng ý và đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Quốc tế I do người đại diện theo pháp luật trình bày:
Công ty cổ phần thương mại và phát triển quốc tế V (nay là Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Quốc tế I) được thành lập ngày 27/8/2012 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần do Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp.
Các cổ đông sáng lập của công ty tại thời điểm thành lập gồm: ông Phạm Xuân T với 50.000 cổ phần, tương đương 50,51% vốn điều lệ, bà Nguyễn Thị H với 30.000 cổ phần, tương đương 30,3% vốn điều lệ, bà Lê Thị Ánh N với 19.000 cổ phần, tương đương 19,19% vốn điều lệ. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Phạm Xuân T - Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ngày 25/4/2017, Công ty đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 7 về ngành, nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ từ 9.900.000.000 đồng thành 20.000.000.000 đồng. Bà H đăng ký mua 30.300 cổ phần, bà T mua 5.050 cổ phần, bà H đăng ký mua 65.650 cổ phần. Các cổ đông của công ty thời điểm này gồm: bà H với tổng số 60.000 cổ phần tương đương 30% cổ phần của Công ty bà T với tổng số 10.000 cổ phần tương đương 5% cổ phần của Công ty, bà H với tổng số 130.000 cổ phần tương đương 65% cổ phần Công ty.
Ngày 21/12/2017, bà H chuyển nhượng toàn bộ 60.000 cổ phần tương đương 30% cổ phần của Công ty thuộc quyền sở hữu của bà H tại Công ty I cho ông D. Hai bên thực hiện ký kết “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” với nội dung bà H chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình và chuyển giao các chức vụ quyền lợi khác của bà H tại Công ty I cho ông D với giá trị chuyển nhượng cổ phần là 6.500.000.000 đồng (sáu tỷ năm trăm triệu đồng) và phải thực hiện các nghĩa vụ của bên chuyển nhượng theo các điều kiện tiên quyết quy đinh tại Điều 2 của “Thỏa thuận giải quyết vụ việc”.
Cùng ngày 21/12/2017, Đại hội đồng cổ đông họp và ra Nghị Quyết miễn nhiệm tư cách thành viên hội đồng quản trị và chức danh tổng giám đốc của bà H tại Công ty I.
Tại Điều 2.5 của văn bản “Thỏa thuận giải quyết vụ việc”, quy định bà H có trách nhiệm thanh toán cho Công ty I các khoản còn thiếu là 180.278.000 đồng. Sau khi ký thỏa thuận trên, bà H đã thanh toán cho Công ty số tiền 180.278.000 đồng, hiện nay bà H không còn nghĩa vụ tài chính nào đối với Công ty I liên quan đến thỏa thuận giải quyết vụ việc này.
Theo “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” ngày 21/12/2017 có điều khoản “Trong trường hợp bên B (bà H) thực hiện đúng và đầy đủ các điều kiện tiên quyết quy định tại Điều 2 của thỏa thuận trên, bên A (ông D) và Công ty I cam kết sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán của mình theo thỏa thuận này” nhưng thực tế, vì đây là thỏa thuận riêng của ông D và bà H nên ông D phải chịu hoàn toàn trách nhiệm thanh toán cho cho bà H theo thỏa thuận. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông D đã thanh toán cho bà H 6.175.000.000 đồng, tương đương 95% giá trị hợp đồng từ tài khoản của ông D, không phải bằng tài sản của Công ty I. số tiền còn lại là nghĩa vụ của riêng ông D đối với bà H, không phải của Công ty I.
Nay bà H kiện ông D liên quan đến “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” ngày 21/12/2017, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 72/2020/KDTMST ngày 30/12/2020 của Toà án nhân dân quận Thanh Xuân đã quyết định:
1. Đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với khoản tiên lãi chậm trả đối với khoản tiền phải thanh toán đợt 3 và tiền lãi trong 01 năm đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật với mức lãi suất là 10%/năm tính đến ngày 30/5/2020.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu ông Hoàng Tuấn D phải thanh toán tiền nhận chuyển nhượng cổ phần theo “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” ngày 21/12/2017.
Buộc ông Hoàng Tuấn D phải thanh toán trả bà Nguyễn Thanh H tổng số tiền 368.550.000 đồng (Ba trăm sáu tám triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng chẵn) theo “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” ngày 21/12/2017, bao gồm:
+ Tiền nhận chuyển nhượng cổ phần phải thanh toán lần 3 là 325.000.000 đồng;
+ Tiền lãi 5% phát sinh từ số tiền 325.000.000 đồng trong 01 năm theo thỏa thuận là 16.250.000 đồng;
+ Tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần lần 3 là 27.300.000 đồng .
3. Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự .
Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo cho các đương sự.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 11/01/2021 bà Nguyễn Thanh H kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về khoản tiền phạt vi phạm tại điều 4 “Bản thoả thuận giải quyết vụ việc” ngày 21/12/2017. Do ông D không thanh toán số tiền mua cổ phần đợt 3 vào ngày 21/12/2018 nên phải chịu phạt vi phạm là 5.000.000 đồng/ngày làm việc từ 22/12/2018 đến 29/12/2020 là 2.520.000.000 đồng. Án sơ thẩm áp dụng mức phạt vi phạm 8%/giá trị vi phạm theo Luật Thương mại năm 2005 là không đúng. Bộ luật dân sự không quy định giới hạn phạt vi phạm nên cần xác định mức phạt như các bên đã thoả thuận trong hợp đồng. Tại phiên toà, ý kiến của người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn yêu cầu ông D phải thanh toán số tiền phạt vi phạm là 2.000.000 đồng/ngày (giảm từ 5.000.000 đồng xuống còn 2.000.000 đồng) và đề nghị HĐXX buộc ông D phải thanh toán số tiền 1.002.000.000 đồng cho nguyên đơn.
Ngày 13/01/2021 ông Hoàng Tuấn D có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Đề nghị cấp phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thanh H với lý do bà H không thực hiện theo các điều kiện tiên quyết quy định tại điều 2 Bản thoả thuận giải quyết vụ việc. Ngày 25/10/2021 ông D có đơn rút kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm:
Về thủ tục tố tụng: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, HĐXX và việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, bị đơn đúng qui định Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đơn kháng cáo của các đương sự trong thời hạn và hợp lệ.
1. Xét kháng cáo của nguyên đơn:
Năm 2017 bà H chuyển nhượng cổ phần cho ông D được Đại hội đồng cổ đông chấp nhận. Giá chuyển nhượng là 6.500.000.000 đồng thể hiện việc chuyển nhượng này vì mục đích lợi nhuận. Việc chuyển nhượng cổ phần giữa các bên phù hợp quy định tại khoản 3, Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014; khoản 1 Điều 3, Điều 4 Luật Thương mại 2005. Bản thỏa thuận ngày 21/12/2017 thuộc điều chỉnh BLDS 2015, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Thương mại 2005. Bà H cho rằng bản thỏa thuận là hợp đồng dân sự nếu chỉ áp dụng Bộ luật dân sự 2015 là chưa đầy đủ và toàn diện ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án.
Mức thỏa thuận về phạt vi phạm 5.000.000 đồng/ngày làm việc theo quy định tại điều 4 bản thoả thuận giải quyết vụ việc. Tại phiên toà nguyên đơn rút số tiền phạt là 2.000.000 đồng/ngày không phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây là vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại nên mức phạt vi phạm theo Luật thương mại. Cấp sơ thẩm xác định số tiền phạt vi phạm hợp đồng ông D phải chịu là: 341.250.000 đồng x 8% = 27.300.000 đồng là có căn cứ. Nội dung kháng cáo này của bà H không có cơ sở để chấp nhận.
2. Đối với kháng cáo của ông D: Tại phiên tòa phúc thẩm, ông D có đơn tự nguyện rút toàn bộ kháng cáo. Do đó, căn cứ Điều 289 BLTTDS đề nghị hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với đơn kháng cáo của ông Hoàng Tuấn D.
Đề nghị Hội đồng xét xử:
Áp dụng khoản 1 Điều 308, 289 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Thương mại 2005; Luật Doanh Nghiệp 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với đơn kháng cáo của ông D 1. Không chấp nhận kháng cáo của bà H.
2. Giữ nguyên Bản án KDTMST số 72/2020/KDTM-ST ngày 30/12/2020 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội Về án phí: bà H, ông D phải thực hiện nghĩa vụ nộp án phí KDTM phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về việc vắng mặt của đương sự tại phiên toà: Bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã được Toà án tống đạt hợp lệ nhưng vắng mặt. Phiên toà được mở lần thứ ba , căn cứ quy định tại điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự HĐXX vẫn tiến hành xét xử.
[2]. Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Quốc tế I được thành lập ngày 27/8/2012 gồm 03 thành viên sáng lập là ông Phạm Xuân T, bà Nguyễn Thị H và bà Lê Thị Ánh Ngọc.
Quá trình hoạt động, Công ty đã nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Ngày 25/4/2017, phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7, nâng vốn điều lệ công ty từ 9.900.000.0000 lên 20.000.000.000 đồng, mệnh giá cổ phần 100.000 đồng, tổng số cổ phần 200.000 trong đó bà Nguyễn Thanh H sở hữu 60.000 cổ phần tương đương 6.000.000.000 đồng.
Ngày 21/12/2017 bà Nguyễn Thanh H và ông Hoàng Tuấn D lập bản thoả thuận giải quyết vụ việc, theo đó bà H đồng ý chuyển nhượng 60.000 cổ phần của mình tại Công ty Cổ phần I cho ông Hoàng Tuấn D, giá trị chuyển nhượng 6.500.000.000 đồng. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, Công ty đã làm thủ tục thay đổi Đăng ký doanh nghiệp. Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 8 ngày 25/12/2017, bà H không còn là cổ đông sáng lập Công ty I, ông Hoàng Tuấn D giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị có số cổ phần phổ thông 60.000.000 tương đương 30% cổ phần của Công ty Xét hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của bà H cho ông D là hoàn toàn tự nguyện, cổ phần bà H chuyển nhượng cho ông D là cổ phần phổ thông, được phép chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Tại thời điểm chuyển nhượng ông D không phải là cổ đông sáng lập của Công ty nhưng việc chuyển nhượng cổ phần của bà H đã được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 21/12/2017. Căn cứ quy định tại khoản 3 điều 120 Luật doanh nghiệp 2014, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (bản thoả thuận giải quyết vụ việc) giữa bà H với ông D có hiệu lực pháp luật.
[3]. Xét yêu cầu kháng cáo của bà H đề nghị xem xét khoản tiền phạt vi phạm do chậm thanh toán, HĐXX thấy rằng:
Theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ((bản thoả thuận giải quyết vụ việc), quy định:
Điều 2: thoả thuận về nghĩa vụ chuyển nhượng và chuyển giao:
Bên A (ông Hoàng Tuấn D) đồng ý thanh toán và bên B (bà Nguyễn Thanh H) đồng ý nhận một khoản tiền là 6.500.000.000 đồng để chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của bên B tại Công ty I. Nghĩa vụ chuyển nhượng và chuyển giao của bên B chỉ được coi là hoàn tất khi và chỉ khi các điều kiện tiên quyết dưới đây được hoàn thành:
2.3: Bên B có trách nhiệm bàn giao và hỗ trợ để bên A hoặc người do bên A chỉ định thay bên B tiếp nhận các chức vụ và công việc, khách hàng, đối tác và các đầu mối tại các cơ quan ban ngành nhà nước có thẩm quyền mà bên B đã thay mặt Công ty I liên hệ, tiếp xúc và cộng tác trong thời gian bên B làm việc tại Công ty I.
Điều 3: Tiến độ thanh toán khoản tiền:
3.1 Thanh toán lần 1: Bên A thanh toán số tiền 5.525.000.000 đồng cho bên B tại thời điểm các Điều kiện tiên quyết quy định tại điều 2 trên đây được tiến hành;
3.2 Thanh toán lần 2: Bên A sẽ thanh toán số tiền 650.000.000 đồng cho bên B tại thời điểm các các Điều kiện tiên quyết quy định tại điều 2 trên đây được hoàn tất nhưng không muộn hơn 45 ngày kể từ ngày các bên ký thoả thuận này.
3.3 Thanh toán lần 3: Bên A sẽ thanh toán số tiền 325.000.000 đồng và lãi phát sinh từ khoản này (tương đương 5% khoản tiền) cho bên B sau 01 năm kể từ ngày các Điều kiện tiên quyết được hoàn tất nếu thoả thuận này được thực hiện đúng theo cam kết và không phát sinh bất kỳ vấn đề gì làm trở ngại nghĩa vụ chuyển nhượng và chuyển giao được quy định tại điều 2.
Điều 4: Trách nhiệm khi vi phạm thoả thuận Trong trường hợp bên A không hoàn thành các nghĩa vụ cam kết tại Thoả thuận này theo đúng thời hạn quy định tại Thoả thuận này, bên A sẽ có nghĩa vụ thanh toán cho bên B tiền phạt vi phạm do không hoàn thành các nghĩa vụ là 5.000.000 đồng/một ngày làm việc.
Quá trình thực hiện, ngày ông D đã thanh toán cho bà H số tiền đợt 1 và đợt 2 vào ngày 20/12/2017 và ngày 9/2/2018.
Nguyên đơn cho rằng số tiền thanh toán đợt 3 được tính kể từ ngày 22/12/2018 nên sau 01 năm bị đơn phải thanh toán số tiền còn lại (đợt 3) nhưng đến nay bị đơn không thực hiện là vi phạm thoả thuận nên phải chịu phạt với mức phạt theo quy định tại điều 4 của hợp đồng. Số tiền phạt nguyên đơn yêu cầu tại phiên toà là 2.000.000 đ/ngày x 504 ngày (tính đến ngày xét xử sơ thẩm 29/12/2020) = 1.002.000.000 đồng.
HĐXX thấy rằng: Theo hồ sơ thể hiện sau khi nhận tiền thanh toán đợt 1 vào ngày 20/12/2017, khi chưa đến thời gian thanh toán tiếp của đợt 2 vào ngày 6/2/2018, bà H đã làm đơn tố cáo ông D đến công an quận Cầu Giấy, Cục Quản lý lao động ngoài nước ngày 12/01/2018 nội dung ông D không trả đủ số tiền chuyển nhượng cổ phần, vẫn sử dụng tên và con dấu giả mạo chữ ký của bà H trong khi bà đã nghỉ việc tại Công ty để tiếp tục hoạt động xuất khẩu.
Tại phiên toà, người đại diện theo uỷ quyền của bà H thừa nhận sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bà H không có biên bản bàn giao công việc, đầu mối, hồ sơ, sổ sách cho Công ty nhưng trên thực tế bà H đã thực hiện nội dung này bằng việc ông D đã thanh toán số tiền đợt 1 và đợt 2 cho bà theo quy định tại điều 3.2 của hợp đồng tức là ông D thừa nhận điều kiện tiên quyết quy định tại điều 2 đã hoàn thành. Về phía ông D không thừa nhận ý kiến của nguyên đơn và cho rằng bà H không bàn giao công việc gây trở ngại đến nghĩa vụ chuyển nhượng, chuyển giao và hoạt động kinh doanh của ông cũng như của Công ty I. Việc nguyên đơn lập luận sử dụng chứng cứ gián tiếp là ông D đã thanh toán tiền đợt 1 và đợt 2 để cho rằng các điều kiện tiên quyết đã hoàn thành là không có cơ sở bởi việc nguyên đơn sử dụng chứng cứ gián tiếp không được bị đơn thừa nhận.
Thực tế qua kết quả giải quyết đơn tố cáo của bà H ngày 8/3/2018 Cục quản lý lao động ngoài nước có kết luận về việc đổi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đáp ứng theo quy định. Mặt khác Công an quận Cầu Giấy cũng trả lời đơn tố cáo ngày 9/10/2018 nội dung không khởi tố vụ án hình sự kết thúc quá trình xác minh giải quyết tin tố giác. Như vậy các cơ quan chức năng đã giải quyết xong đơn tố cáo của bà H từ 9/10/2018. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, lúc này hoạt động kinh doanh của Công ty ông D là người quản lý, thực hiện. Bà H không còn quyền đối với doanh nghiệp này. Lẽ ra ông D phải thực hiện thanh toán số tiền đợt 3 sau 01 năm kể từ 9/10/2018 như đã thoả thuận nhưng ông D không thực hiện. Do đó xác định ông D đã vi phạm thời hạn theo thoả thuận tại điều 3.3 của hợp đồng.
Căn cứ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (bản thoả thuận giải quyết vụ việc), nguyên đơn cho rằng bà H và ông D không phải là thương nhân nên không áp dụng Luật thương mại để giải quyết. Tuy nhiên tại thời điểm chuyển nhượng, bà H là giám đốc Công ty I, thực hiện và điều hành hoạt động kinh doanh của Công ty. Việc chuyển nhượng cổ phần nhằm mục đích lợi nhuận nên thuộc điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015, Luật doanh nghiệp 2014, Luật thương mại 2005.
Theo quy định tại điều 418 Bộ luật dân sự 2015: Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Tại điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định: "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm…” Căn cứ vào quy định trên thể hiện việc bà H và ông D thỏa thuận về phạt vi phạm không phù hợp với quy định của pháp luật. Cấp sơ thẩm xác định số tiền phạt vi phạm hợp đồng ông D phải chịu là: 341.250.000 đồng x 8% = 27.300.000 đồng là có căn cứ. Nội dung kháng cáo của bà H không có cơ sở để chấp nhận.
Đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn, ngày 25/10/2021 ông D đã rút yêu cầu kháng cáo nên HĐXX đình chỉ đối với yêu cầu kháng cáo đã rút.
Về án phí: Do nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện (giảm số tiền phạt vi phạm là 1.002.000.000 đồng) nên HĐXX sửa án phí sơ thẩm đối với số tiền nguyên đơn phải chịu.
Kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí KDTM phúc thẩm.
Bị đơn rút đơn kháng cáo sau khi Toà án đã mở phiên toà xét xử nên phải chịu án phí KDTM phúc thẩm Từ những nhận định trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điều 418, 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2014; Điều 301 Luật thương mại 2005;
Căn cứ điều 148, 289, 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ điều 26, 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án;
Xử: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thanh H Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của ông Hoàng Tuấn D. Sửa bản án KDTM sơ thẩm số 72/2020/KDTM-ST ngày 30/12/2020 của Toà án nhân dân quận Thanh Xuân về án phí:
Buộc ông Hoàng Tuấn D phải thanh toán trả bà Nguyễn Thanh H số tiền 368.550.000 đồng (Ba trăm sáu tám triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng) theo “Thỏa thuận giải quyết vụ việc” ngày 21/12/2017, bao gồm:
+ Tiền nhận chuyển nhượng cổ phần phải thanh toán lần 3 là 325.000.000 đồng;
+ Tiền lãi 5% phát sinh từ số tiền 325.000.000 đồng trong 01 năm theo thỏa thuận là 16.250.000 đồng;
+ Tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của số tiền nêu trên là 27.300.000 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
Về án phí: Ông Hoàng Tuấn D phải chịu 18.427.500 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông D đã nộp 2.000.000 đồng theo biên lai số 0001004 ngày 15/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Bà Nguyễn Thanh H phải chịu 42.060.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, và 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí bà H đã nộp 25.900.000 đồng theo biên lai số 0000126 ngày 21/05/2020 và 2.000.000 đồng theo biên lai số 0001002 ngày 15/01/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có Hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
File gốc của Bản án về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 172/2021/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Hà Nội đang được cập nhật.
Bản án về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 172/2021/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Hà Nội
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Số hiệu | 172/2021/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2021-10-27 |
Ngày hiệu lực | 2021-10-27 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |