TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 12/2018/KDTM-PT NGÀY 22/03/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Ngày 22 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/2017/TLPT-KDTM ngày 22 tháng 11 năm 2017 về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng vận chuyển.
Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 86/2018/QĐ-PT ngày 18 tháng 01 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty A; địa chỉ: tầng 16, Tháp A - Tòa tháp Vincom, số 191B, phường L, quận H, thành phố Hà Nội;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trương Minh Cát N, sinh năm1971, địa chỉ: 95 Đ, phường ĐK, Quận A, thành phố Hồ Chí Minh (theo giấy ủy quyền ngày 01-11-2017) của Công ty A; có mặt.
- Bị đơn: Công ty B; địa chỉ: Số 70 lô 22 phường Đ1, quận N, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Đào Thị Thúy H, sinh năm 1981, địa chỉ: Số 70 lô 22 phường Đ1, quận N, thành phố Hải Phòng (theo giấy ủy quyền số 02.12/UQ/2017 ngày 26-12-2017 của Công ty B); có mặt.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Công ty C, địa chỉ: Số 68 đường P, khu đô thị mới T, phường K, thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Hoàng Trung T, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty; vắng mặt
- Người kháng cáo: Công ty B, là bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
I. Tóm tắt nội dung, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:
Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện:
Ngày 22-6-2015, Công ty C và Công ty A Quảng Ninh - Chi nhánh của Công ty A ký kết Hợp đồng bao bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số 015/2015-BIC QN, đối tượng bảo hiểm là vỏ container các loại; số tiền bảo hiểm cho một container từ30.000 USD đến 50.000 USD tùy loại. Số tiền bảo hiểm cụ thể cho từng container được xác định theo khai báo của Công ty C tại thời điểm cấp đơn bảo hiểm.
Ngày 20-11-2015, sau khi Công ty C và Công ty B ký kết Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 05/HĐVC-TC để vận chuyển hàng là chân gà đông lạnh chứa trong container (số hiệu SZLU9153615) bằng xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát số 15C-094.36, địa điểm giao hàng Móng Cái, Đại Vai, Bắc Phong Sinh, Lục Chắn, Đồng Văn, Hoành Mô (Quảng Ninh); Chi Ma, Hữu Nghị, Bình Nghi (Lạng Sơn); Tà Lùng, Trùng Khánh, Pò Peo, Trà Lĩnh (Cao Bằng), Bát Xát, Mường Khương (Lào Cai), Công ty A Quảng Ninh đã cấp đơn bảo hiểm cho 02 container số hiệu TTNU 8285588 và SZLU9153615 cho Công ty C. Số tiền bảo hiểm là 60.000 USD cho 02container
Quá trình vận chuyển hàng hóa cho Công ty C, xe của Công ty B xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến xe ô tô bị hư hỏng nhẹ, container số hiệu SZLU9153615 bị bẹp, méo biến dạng và nóc bị rách.
Sau khi xảy ra tai nạn, Công ty C đã có hồ sơ tài liệu và đề nghị bồi thường tổn thất gồm: Chi phí cứu hộ container hợp lý 8.000.000 đồng và chi phí bồi thường toàn bộ tổn thất container 526.228.000 đồng (tương đương 23.440 USD) chưa bao gồm thuế VAT. Trên cơ sở biên bản giám định hàng container ngày 26-11-2015 giữa đại diện Công ty C, đại diện Công ty A Quảng Ninh và hồ sơ bồi thường tổn thất, Công ty A Quảng Ninh đã thay Công ty C bồi thường tổn thất container số tiền 526.228.000 đồng (cả thuế VAT là 553.924.211 đồng) cho Công ty TNHH Transworld GLS Việt Nam-là chủ sở hữu của containerbị thiệt hại SZLU9153615 và bồi thường chi phí cẩu kéo vỏ container SZLU9153615 từ Bình Nghi, Lạng Sơn về Hải Phòng số tiền 8.000.000 đồng cho Công ty Cổ phần C & H. Tổng số tiền Công ty A Quảng Ninh đã bồi thường cho Công ty C theo hợp đồng bảo hiểm số 015/2015-BIC QN ngày 22-6-2015 là 534.228.000 đồng.
Ngày 20-01-2016, Công ty C có Công văn số 09/CV-2016/HT về việc yêu cầu Công ty B xác nhận trách nhiệm bồi thường hoặc Công ty C được ủy quyền toàn bộ thiệt hại của vụ tổn thất trên.
Ngày 23-01-2016 Công ty C ký giấy biên nhận và thế quyền thể hiện, Công ty C đã nhận số tiền bồi thường 534.228.000 đồng và thế nhiệm cho Công ty A Quảng Ninh tới mức số tiền bồi thường, tất cả quyền hạn của Công ty C liên quan đến lô hàng (container SZLU9153615).
Sau khi bồi thường tổn thất toàn bộ container SZLU9153615 cho Công ty TNHH Transworld GLS Việt Nam, Công ty A Quảng Ninh nhận lại vỏ container SZLU9153615 và thanh lý vỏ container nói trên. Công ty A Quảng Ninh đã bán thanh lý vỏ container SZLU9153615 cho Công ty TNHH giám định kiểm định An toàn thiết bị cảng với giá 54.000.000 đồng và xuất hóa đơn GTGT số 2448 ngày 26- 02-2016.
Công ty A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty B phải bồi hoàn số tiền sau khi Công ty A đã chi trả bảo hiểm cho Công ty C và trừ đi số tiền thanh lý container SZLU9153615 còn lại là 480.228.000 đồng.
* Quan điểm của bị đơn:
Xác nhận việc ký hợp đồng vận chuyển số 05/HĐVC/HT-TC với Công ty C để chở chân gà đông lạnh và quá trình vận chuyển hàng container số hiệu SZLU9153615 trên xe ô tô BKS 15C-094.36 bị lật khỏi xe.
Tuy nhiên, bị đơn cho rằng, nguyên đơn đã tạo dựng hồ sơ bồi thường bảo hiểm không khách quan và không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Khi Công ty A làm hồ sơ bồi thường bảo hiểm container SZLU9153615 Công ty B không được chứng kiến việc giám định xác định tổn thất đối với container và không được thương lượng bồi thường đối với Công ty C. Đồng thời Công ty Ckhông thông báo với Công ty B về việc yêu cầu bồi thường cũng như chuyển giao quyền yêu cầu cho Công ty A.
- Biên bản giám định tổn thất container giữa Công ty A và Công ty C ghi ngày26-11-2015 tại bãi container Nam Á, Hải An, Hải Phòng trong khi phiếu giao nhận container về bãi là ngày 01-12-2015 và tại bãi VNT Logistics.
- Không có tài liệu, chứng cứ xác định lái xe Trần Đức H vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Nguyên đơn không cung cấp được cho Tòa án bản ảnh chứng minh hiện trạng hư hỏng của container tại hiện trường.
- Căn cứ vào Điều 8 của hợp đồng vận chuyển giữa Công ty B và Công ty C, hai Công ty thỏa thuận phân công trách nhiệm về đăng ký bảo hiểm, bên A (Công ty C) phải chi phi mua bảo hiểm hàng hóa, bên B (Công ty B) chịu chi phí mua bảo hiểm phương tiện vận tải, bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Nguyên nhân gây ra tai nạn do mặt đường gồ ghề, không êm thuận nên đến đoạn cua cong, chiếc xe mất thăng bằng dẫn đến bị lật nghiêng làm cho container SZLU9153615 chứa hàng bị hư hỏng và Công ty C đã lập hồ sơ đề nghị Công ty A Quảng Ninh bồi thường tổn thất vỏ container. Ngày 20-01-2016 Công ty A Quảng Ninh có công văn số 31/CV-GĐBT về việc thông báo đồng ý bồi thường cho Công ty C số tiền 534.228.000 đồng. Như vậy, Công ty C đã được bồi thường vỏ container SZLU9153615.
Căn cứ khoản 3 Điều 6 Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 05/HĐVC/HT-TC ngày 20/11/2015 giữa hai công ty quy định “Trong trường hợp xảy ra tai nạn ngoài ý muốn của bên vận chuyển thì được miễn trừ trách nhiệm bồi thường hàng hóa vận chuyển. Đề nghị bên A (Công ty C) thu đòi từ bên bảo hiểm hàng”. Hàng hóa được hiểu với nghĩa bao gồm cả container chứa đựng hàng hóa vì chân gà đông lạnh được đóng và bảo quản trong container. Việc bị lật xe do đường quá xấu, mặt đường gồ ghề, không êm thuận. Vì nguyên nhân xảy ra tai nạn ngoài ý muốn nên Công ty B được miễn trách nhiệm bồi thường hư hỏng vỏ container cho Công ty C theo khoản 3 Điều 6 Hợp đồng vận chuyển và theo khoản 5 Điều 539 Bộ luật dân sự 2005. Thực tế Công ty C không bị thiệt hại gì vì đã nhận số tiền bảo hiểm 534.228.000 đồng bồi thường hư hỏng vỏ container của Công ty A chi trả. Nếu Công ty A xét thấy việc chi trả bảo hiểm trên chưa đúng thì yêu cầu Công ty C hoàn trả lại số tiền trên.
- Khi xảy ra sự cố tai nạn, Công ty B đã chủ động khắc phục hậu quả, thuê xe cẩu kéo cứu hộ tại Lạng Sơn để cẩu kéo container hàng hóa, chi phí thuê xe cẩu kéo do Công ty B trực tiếp thanh toán bằng tiền mặt để cẩu container bị tai nạn lên xe ô tô (vì vậy Công ty B không cung cấp được hóa đơn). Sau đó, lái xe tiếp tục hành trình đến cửa khẩu Bình Nghi để trả hàng. Sau khi trả hàng tại cửa khẩu Bình Nghi, xe đầu kéo 15C-094.36 tiếp tục kéo vỏ container về bãi trả vỏ theo Phiếu giao nhận container 0012665 ngày 01-12-2015 tại bãi VNT Logicstics Hải Phòng. Vì vậy, đề nghị Tòa án kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn GTGT số 0000071 ngày 29-11-2015 mà Công ty A cung cấp tại Tòa án để yêu cầu Công ty B bồi thường chi phí cẩu kéo.
- Vỏ container SZLU9153615 là vật chứng của vụ kiện nên Công ty A không có quyền thanh lý, đề nghị Tòa án xem xét.
Vì vậy, bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Quan điểm của Công ty C:
Xác nhận việc ký kết Hợp đồng bao bảo hiểm hàng hóa số 015/2015-BIC QN ngày 22-6-2015 với Công ty A Quảng Ninh và Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 05/HĐVC/HT-TC ngày 20-11-2015 với Công ty B. Quá trình vận chuyển hàng cho Công ty C, xe chở container SZLU9153615 đã xảy ra tai nạn, nguyên nhân là do đến đoạn dốc cua, quanh co, tài xế không giảm tốc độ, gây lật xe. Sau khi xảy ra tai nạn, Công ty C và Công ty B không thương lượng giải quyết vụ việc vì Công ty A Quảng Ninh đã bồi thường bảo hiểm cho Công ty C số tiền là 534.228.000 đồng. Sau khi nhận tiền bồi thường, Công ty C đã chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền là Công ty A Quảng Ninh về việc vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vận chuyển của Công ty B và yêu cầu Công ty A Quảng Ninh phải có trách nhiệm thông báo việc chuyển giao quyền này cho Công ty B. Đối với việc Công ty A khởi kiện Công ty B, Công ty C đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 18-9-2017 người đại diện theo ủy quyền của Công ty C có Công văn số 136/CV-HT gửi Tòa án về việc rút lại Giấy thế nhiệm (rút việc chuyển giao quyền yêu cầu) đối với Công ty A Quảng Ninh ngày 23-01-2016.
* Tại phiên tòa sơ thẩm:
- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có quan điểm: Rút yêu cầu bồi thường thiệt hại chi phí cẩu kéo container SZLU9153615 số tiền 8.000.000 đồng. Giữ nguyên yêu cầu Công ty B bồi thường thiệt hại container SZLU9153615 do vi phạm hợp đồng vận chuyển (không đảm bảo an toàn khi vận chuyển, có lỗi trong việc để xảy ra tai nạn) số tiền là 472.228.000 đồng.
- Người đại diện hợp pháp của bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng bị đơn không có lỗi trong việc xảy ra tai nạn làm hư hỏng container SZLU9153615 nên được miễn trừ trách nhiệm bồi thường hàng hóa vận chuyển. Công ty A Quảng Ninh đã làm hồ sơ bồi thường bảo hiểm chi trả cho Công ty C là không đúng, Công ty B không được thông báo về việc giám định thiệt hại container SZLU9153615 cũng như việc Công ty C chuyển giao quyền yêu cầu cho Công ty A.
Do Công ty C đã có văn bản số 136/CV-HT ngày 18-9-2017 rút việc chuyển giao quyền yêu cầu cho Công ty A nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm; điểm g khoản 1 Điều 217; điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện không có quyền khởi kiện.
II. Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:
Tại Bản án sơ thẩm số 09/2017/KDTM-ST ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng đã căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 228; khoản 2 Điều 244; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 17; Điều 48; khoản 1 Điều 49 của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Điều 303 Luật Thương mại; các Điều 309; 310; 535; 536; 539; 542; khoản 1 Điều 546 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14; Xử:
1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty A đối với Công ty B về bồi hoàn khoản tiền cẩu kéo container SZLU9153615 số tiền 8.000.000 đồng.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A về việc yêu cầu Công ty B bồi hoàn khoản tiền 472.228.000 đồng mà Công ty A đã trả tiền bảo hiểm vỏ container SZLU9153615 cho Công ty C:
- Buộc bị đơn Công ty B phải bồi hoàn cho nguyên đơn Công ty A số tiền 236.114.000 đồng (Hai trăm ba mươi sáu triệu một trăm mười bốn nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 10% tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ nộp án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
III. Nội dung kháng cáo:
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 09-10-2017 bị đơn là Công ty B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm 09/2017/KDTM-ST ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận N và tuyên đình chỉ giải quyết vụ án. Bị đơn không đồng ý với nội dung, nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm. Nội dung kháng cáo như sau: Về tố tụng do Công ty C rút thế quyền nên Công ty A không có quyền khởi kiện, về nội dung Công ty B có căn cứ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khoản 3 Điều 6 của Hợp đồng vận chuyển số05/HĐVC/HT-TC; không có căn cứ buộc Công ty B phải bồi hoàn cho Công ty C236.114.000 đồng; chứng cứ, tài liệu do Công ty A cung cấp cần được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại.
IV. Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn bồi thường thiệt hại container SZLU9153615 do vi phạm hợp đồng vận chuyển (không đảm bảo an toàn khi vận chuyển, có lỗi trong việc để xảy ra tai nạn) số tiền là 472.228.000 đồng.
Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo không chấp nhận bồi thường cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm 09/2017/KDTM-ST ngày 26 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận N và tuyên đình chỉ giải quyết vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo:
- Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.
- Về nội dung kháng cáo: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn đối với việc Công ty C rút việc thế quyền cho Công ty A Quảng Ninh nên Công ty A Quảng Ninh không còn tư cách nguyên đơn trong vụ án. Căn cứ Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn "1.Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm". Trong vụ án này Công ty C đã nhận đủ số tiền bồi thường bảo hiểm đối với vỏ container từ Công ty A nên Công ty C phải có nghĩa vụ chuyển quyền yêu cầu cho Công ty A. Đối với việc miễn trách nhiệm bồi thường tổn thất, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do lỗi của lái xe vi phạm quy định an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển hàng hóa nên bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường. Về mức bồi thường, bị đơn phải xác định căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường theo khoản 5 Điều 539 BLDS 2005 chứ không phải Điều 303 Luật Thương mại. Trong vụ án này, cả nguyên đơn, bị đơn đều thừa nhận có thiệt hại thực tế xảy ra. Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là biên bản khám nghiệm hiện trường và kết luận điều tra của Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, nếu bị đơn không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Do đó không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Tuy nhiên, cả Công ty A và Công ty C đều có lỗi trong việc thực hiện thủ tục xác định căn cứ thanh toán bảo hiểm, Công ty A có lỗi nhiều hơn nên phải chịu 50% mức bồi thường, Công ty C và Công ty B mỗi bên chịu 25% mức bồi thường. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, yêu cầu kháng cáo của bị đơn, việc giải quyết xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa;
- Về thủ tục tố tụng:
[1]. Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là quan hệ tranh chấp về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng vận chuyển, bị đơn có trụ sở tại quận N nên Tòa án nhân dân quận N xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự để thụ lý giải quyết là đúng đúng quy định.
- Về nội dung kháng cáo:
[2]. Về quyền khởi kiện của nguyên đơn: Ngày 23 tháng 01 năm 2016, sau khi nhận tiền bồi thường bảo hiểm từ Công ty A, Công ty C đã ký giấy biên nhận và thế quyền thế nhiệm cho Công ty A Quảng Ninh tới mức số tiền bồi thường, tất cả quyền hạn của Công ty C liên quan đến lô hàng (container SZLU9153615). Việc chuyển quyền yêu cầu này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật kinh doanh bảo hiểm về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn "1.Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm." và các Điều 309, 310 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Do đó, Công ty A có đủ tư cách pháp lý để khởi kiện Công ty B theo quy định. Sau khi chuyển giao quyền yêu cầu, Công ty C phải thông báo cho Công ty B biết việc chuyển quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 309 Bộ luật Dân sự nhưng Công ty C không báo cho Công ty B là chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Đến ngày 18-9-2017, Công ty C lại có công văn xin rút việc việc chuyển quyền. Tuy nhiên việc chuyển quyền là nghĩa vụ của Công ty C vì Công ty C đã nhận đủ tiền bồi thường từ Công ty A nên Hoàng Thái không có quyền rút việc chuyển quyền. Vì vậy Tòa án
cấp sơ thẩm chấp nhận quyền khởi kiện của nguyên đơn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung là phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó yêu cầu kháng cáo này của bị đơn không có căn cứ chấp nhận.
[3]. Về việc miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Ngày 20-11-2015, Công ty Cvà Công ty B ký kết Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 05/HĐVC-TC. Tại khoản
3 Điều 6 của hợp đồng 05/HĐVC-TC hai bên thỏa thuận về việc giải quyết hao hụt hàng hóa như sau: Trong trường hợp xảy ra tai nạn ngoài ý muốn của bên vận chuyển thì được miễn trừ trách nhiệm bồi thường hàng hóa vận chuyển. Đề nghị bên A (Công ty C) thu đòi từ bên bảo hiểm hàng. Thực hiện hợp đồng số 05/HĐVC-TC, trong quá trình vận chuyển hàng hóa, lái xe của Công ty B đã để xảy ra tai nạn làm hư hỏng hàng hóa vận chuyển là container SZLU9153615. Nguyên nhân xảy ra tai nạn theo Bản kết luận vụ tai nạn giao thông số 04/CAH ngày 01-12-2015 của Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn là “do anh Trần Đức Hải... điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS 15C-094.36, rơ-mooc BKS 15R-051.03 vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật giao thông đường bộ... Điều 5 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT ngày 17/7/2009...”. Mặt khác, nguyên nhân xảy ra tai nạn không phải do sự kiện bất khả kháng (thiên tai, địch họa, chiến tranh...) mà do lái xe của Công ty B dù đã biết đoạn đường xấu, đèo dốc trơn trượt nhưng vì quá tự tin, không lường trước được hậu quả xảy ra khi điều khiển xe đã tự mình gây tai dẫn đến hư hỏng container vì vậy phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra chứ không thể cho rằng đó là lỗi ngoài ý muốn và được miễn trừ trách nhiệm bồi thường hàng hóa vận theo khoản 3 Điều 6 Hợp đồng vận chuyển hàng hóa số 05/HĐVC-TC đã ký kết giữa Công ty C và Công ty B. Vì vậy, Công ty B phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất do thiệt hại về container theo quy định tại khoản 1, 5 Điều 539; khoản 1 Điều 546 Bộ luật Dân sự năm 2005.
[4]. Về căn cứ bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 48 của Luật Kinh doanh bảo hiểm: Khi tai nạn xảy ra, theo quy định Công ty C phải báo cho Công ty B và Công ty A tham gia giám định nguyên nhân, xác định mức độ thiệt hại, các bên có quyền thực hiện giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với vỏ container số ZLU9153615, trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có quyền mời cơ quan giám định độc lập để giám định về nguyên nhân và mức độ tổn thất. Tuy nhiên, sau khi vụ tại nạn xảy ra, Công ty Cvà Công ty A không thông báo cho Công ty B biết để thực hiện quyền của mình về việc giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với container số ZLU9153615 là chưa đúng. Công ty A đã căn cứ vào biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; Bản kết luận vụ tai nạn giao thông số 04/CAH ngày 01-12-2015 của Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; biên bản giám định hàng container ngày 26-11-2015 của đại diện Công ty A Hải Phòng và đại diện Công ty C; Thông báo ngày 10-12-2015 của Công ty Transworld GLS (V) Co Việt Nam và Công văn 09/CV-2016 HT ngày 20-01-2016 của Công ty Cvề bồi thường tổn thất để làm căn cứ bồi thường tổn thất container lạnh số ZLU9153615 cho Công ty C với số tiền534.228.000 đồng là không đúng quy định tại khoản 8.2 Hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa hai bên và Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Sau khi bồi thường cho Công ty C số tiền trên, Công ty A đã nhận lại vỏ container lạnh số ZLU9153615, như vậy số tiền 472.228.000 đồng không phải là giá trị thiệt hại của của vỏ container lạnh số ZLU9153615 do Công ty B gây nên mà là toàn bộ giá trị của vỏ container lạnh số ZLU9153615. Công ty A đã được nhận lại vỏ container lạnh số ZLU9153615 từ chủ sở hữu tuy nhiên không báo cho Công ty C và Công ty B tham gia định giá giá trị còn lại mà tự thanh lý vỏ container lạnh số ZLU9153615 cho Công ty TNHH giám định kiểm định an toàn thiết bị cảng với giá 54.000.000 đồng là không đúng. Như vậy, số tiền 54.000.000 đồng mà Công ty Bảo hiểm đã thanh lý vỏ container số ZLU9153615 không phải là giá trị thực tế còn lại của vỏ container số ZLU9153615 sau khi bị tổn thất. Hiện tại, không thể tiến hành lại việc giám định nguyên nhân, mức độ thiệt hại của vỏ container lạnh ZLU9153615 và giá trị thực của vỏ container nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định giá trị còn lại của vỏ container ZLU9153615 là 472.228.000 đồng (534.228.000 đồng trừ chi phí thanh lý vỏ container 54.000.000 đồng và8.000.000 đồng chi phí cẩu kéo.) Tuy nhiên, thiệt hại trên do lỗi của cả Công ty C, Công ty B và Công ty A và có căn cứ để xác định Công ty A có lỗi nhiều nhất (không thông báo cho Công ty Bvề việc giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất đối với container ZLU9153615, tự ý thanh lý vỏ container không báo cho Công ty C và Công ty B) nên phải chịu 50% tổn thất: 472.228.000 đồng x 50% = 236.114.000 đồng, lỗi của Công ty C(không thông báo cho Công ty B biết việc giám định container hỏng, không thông báo cho Công ty Bsau khi chuyển quyền cho BIC), Công ty B(để xảy ra tai nạn dẫn đến hỏng container) ít hơn nên mỗi bên phải chịu 25% tổn thất: 236.114.000 đồng: 2 = 118.057.000 đồng. Do đó cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn về mức bồi thường thiệt hại.
[5]. Về tài liệu, chứng cứ trong vụ án: Các tài liệu do nguyên đơn cung cấp đều là bản phô tô công chứng nên có giá trị pháp lý: Bản kết luận vụ tai nạn giao thông số 04/CSH của Công an huyện Văn Lãng, Lạng Sơn; biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; sơ đồ hiện trường vụ tai nạn. Trên cơ sở tài liệu nguyên đơn cung cấp, Tòa án đã lập các biên bản xác minh tình trạng và giá trị tổn thất của container lạnh số ZLU9153615 tại Công ty Transworld GLS (V) Co Việt Nam chi nhánh Hải Phòng ngày 28-7-2017 và tại Công ty VNT Logistics Hải Phòng ngày 02-8-2017. Việc xác minh thu thập chứng cứ của Tòa án nhân dân quận N trong quá trình giải quyết vụ án theo đúng trình tự thủ tục nên yêu cầu kháng cáo của bị đơn về chứng cứ có trong vụ án không có căn cứ chấp nhận. Từ những phân tích nêu trên, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm.
[6]. Về án phí:
Án phí sơ thẩm: Công ty A phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với khoản tiền phải chi trả và không được chấp nhận.
Án phí phúc thẩm: Do bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm sửa một phần nên bị đơn là Công ty B không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 147, Điều 148, khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 228, khoản 2 Điều 244, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Áp dụng điểm e khoản 1 Điều 17, Điều 48, khoản 1 Điều 49 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Điều 303 Luật Thương mại, các Điều 309, 310, 535, 536, 539, 542, khoản 1 Điều 546 của Bộ luật Dân sự năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14;
Xử: Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2017/KDTM-ST ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng.
1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Công ty A đối với Công ty B về bồi hoàn khoản tiền cẩu kéo container SZLU9153615 số tiền 8.000.000 đồng.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty A: Buộc Công ty B bồi thường cho Công ty A số tiền 118.057.000 đồng (Một trăm mười tám triệu, không trăm năm mươi bảy nghìn đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án chưa thi hành án thì hàng tháng phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của 03 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương) tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả theo Án lệ 09/2016/AL ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Hội đồng thẩm phán- Tòa án nhân dân tối cao
3. Về án phí kinh doanh thương mại:
Công ty A phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 17.708.550 đồng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 12.685.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 1698 ngày 20/4/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố Hải phòng. Công ty A còn phải nộp 5.023.550 đồng.
Công ty B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 5.902.850 đồng.
- Án phí phúc thẩm: Công ty B không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Trả lại Công ty B 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/0002080 ngày 27-10-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận N, thành phố Hải Phòng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ tuyên án.
Trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
File gốc của Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng bảo hiểm số 12/2018/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Hải Phòng đang được cập nhật.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng bảo hiểm số 12/2018/KDTM-PT – Tòa án nhân dân Hải Phòng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Số hiệu | 12/2018/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2018-03-22 |
Ngày hiệu lực | 2018-03-22 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |