TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 58/2018/KDTM-PT NGÀY 08/05/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Trong những ngày 08, 09 tháng 5 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số số 53/2017/TLPT- KDTM về tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2017/KDTM-ST ngày 09/01/2017 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 232/2017/QĐ-PT ngày 17 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP Đ
Trụ sở: 35 H, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đức T- Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Dương Xuân P- Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Đ - Chi nhánh Quang Trung và ông Tăng Hoài Đ- Phó Trường phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Đ - Chi nhánh Quang Trung. Ông P, ông Đ có mặt tại phiên tòa.
2. Bị đơn:Công ty Cổ phần V
Trụ sở: Tầng 7 số 77 phố N, quận B, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn M- Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Ngọc A; CMND 017113485 do Công an Hà Nội cấp ngày 06/01/2010; địa chỉ phòng 202, nhà C1C, ngõ 36 L, quận Đ, thành phố Hà Nội. Bà Ngọc A có mặt tại phiên tòa.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Thị T; sinh năm 1944; thường trú tại số 53 phố T, phường N, quận H, thành phố Hà Nội; Ủy quyền cho ông Lương Quang T; sinh năm 1943; thường trú tại phòng 206 tập thể Viện, phường Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội. Vắng mặt tại phiên tòa.
2. Ông Lê Văn M; sinh năm 1960; thường trú tại số 53 phố T, phường N, quận H, thành phố Hà Nội; Ủy quyền cho Bà Nguyễn Thị Ngọc A; CMND số 017113485 do Công an Hà Nội cấp ngày 06/01/2010; địa chỉ phòng 202, nhà C1C, ngõ 36 L, quận Đ, thành phố Hà Nội. Bà Ngọc A có mặt tại phiên tòa.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: ông Trần Văn S- Luật sư Văn phòng Luật sư Trần S và cộng sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ông S có mặt tại phiên tòa.
3. Bà Lê Thị Kim O; sinh năm 1973; trú tại số 24 N, quận H, thành phố Hà Nội; Ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Mai T; sinh năm 1969; thường trú tại TDP L, phường Đ, quận B, thành phố Hà Nội. Vắng mặt tại phiên tòa.
4. Ông Vũ Việt H; sinh năm 1978; thường trú tại số 229 tổ 22 phường H, quận H, thành phố Hà Nội. Vắng mặt tại phiên tòa.
5. Bà Hồ Quỳnh L; sinh năm 1972; thường trú tại số 53 T, quận H,thành phố Hà Nội. Vắng mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm, vụ án có nội dung như sau:
Ngày 07/5/2012, Ngân hàng TMCP Đ và Công ty Công ty Cổ phần V đã ký hợp đồng tín dụng số 01/2012/4747845/HĐTD với một số nội dung chính như sau:
+ Số tiền vay tối đa: 30.000.000.000 VND.
+ Mục đích vay: Cho vay đầu tư dự án khai thác, thu hồi khoáng sản và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quặng vàng đa kim tại xã Nhâm, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
+ Thời hạn vay: 36 tháng kể từ ngày bên vay rút vốn vay lần đầu tiên (từ ngày 09/05/2012). Trong đó thời gian ân hạn là 06 tháng kể từ ngày rút vốn vay lần đầu tiên.
+ Lịch trả nợ gốc cụthể như sau:
Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty V như sau:+ Lịch trả nợ lãi: Trong thời gian ân hạn, lãi được thanh toán 3 tháng/lần vào ngày 25 của tháng thứ 3 và tháng thứ 6 tính từ ngày rút vốn đầu tiên. Sau thời gian ân hạn, lãi được thanh toán 01 tháng/lần vào ngày 25 hàng tháng.
1. Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại* Tài sản đảm bảo: số 53 T, H, Hà Nội được cấp theo Giấy chứng nhận số 10107090009 do UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 02/02/2000 thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị T và ông Lê Minh T. Giá trị định giá tại thời điểm ký là 39.200.000.000 VND. Tài sản được thế chấp theo Hợp đồng số 903.2012/HĐTC tại ngày 03/5/2012 tại Văn phòng công chứng Thăng Long và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Hai Bà Trưng ngày 07/5/2012. Đến ngày 31/7/2013, đăng ký thay đổi tên của bên nhận thế chấp thành tên mới là Ngân hàng TMCP Đ- Chi nhánh Quang Trung do Ngân hàng có chuyển đổi mô hình tổ chức thành Ngân hàng thương mại cổ phần.
2. Quyền sở hữu và sử dụng toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền khai thác và chế biến khoáng sản vàng đa kim hình thành từ vốn vay. Giá trị định giá tại thời điểm ký là 30.583.082.935 VND. Tài sản được thế chấp theo hợp đồng thế chấp tài sản số 01/2012/4747845 ngày 07/5/2012, được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội ngày 08/5/2012Đến ngày 08/8/2013, đăng ký thay đổi tên của bên nhận thế chấp thành tên mới là Ngân hàng TMCP Đ – Chi nhánh Quang Trung do Ngân hàng Đ chuyển đổi mô hình tổ chức thành Ngân hàng Thương mại cổ phần.
Do Công ty không thanh toán nợ đúng hạn nên Ngân hàng đã nhiều lần làm việc và gửi Thông báo yêu cầu Công ty V thực hiện nghĩa vụ trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ theo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp đã ký nhưng Công ty Cổ phần V không thực hiện. Đến ngày 25/02/2013, khoản vay đã bị chuyển quá hạn.
Tình hình dư nợ đến ngày xét xử là ngày 05 tháng 01 năm 2017:
+ Nợ gốc: 29.900.000.000đ
+ Lãi trong hạn: 4.646.524.999đ
+ Lãi quá hạn: 14.132.873.333đ
Tổng cộng: 48.679.398.332 đ
Ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân Ba Đình giải quyết:
Yêu cầu Công ty cổ phần V phải thanh toán toàn bộ số nợ và lãi theo Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2012/4747845/HĐTD ngày 07/05/2012 với số ti ền cụ thể như nêu trên. Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm, yêu cầu Công ty Vạn Phát phải tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thoả thuận trong hợp đồng tín dụng trên tướng ứng với thời gian chậm trả cho đến khi trả xong nợ gốc.
Trường hợp Công ty V không thanh toán đủ số nợ, bà Nguyễn Thị T, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Lê Minh T là bà Nguyễn Thị T, ông Lê Văn M, bà Lê Thị Kim O không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay đối với khoản nợ gốc 29.900.000.000 đồng cùng lãi phát sinh cho Ngân hàng thì đề nghị xử lý bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
* Công ty Cổ phần V do người đại diện trình bày:
Ngày 27/9/2008, Công ty Cổ phần V được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 311310000074 cho dự án khai thác, thu hồi khoáng sản vàng đa kim gốc tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 01/02/2010, Công ty Cổ phần V được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 31131000152 cho dự án xây dựng nhà máy chế biến quặng vàng đa kim Nhâm với thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.
Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép khai thác và xây dựng nhà máy chế biến quặng vàng, Công ty đã tiến hành đầu tư các hạng mục: thăm dò, xây dựng cơ sở hạ tầng mỏ, mua sắm thiết bị máy móc phục vụ thăm dò khai thác…Tổng giá trị đầu tư cho dự án tạm tính là 194.981.732.819 đồng, trong đó số vốn tự có là 164.981.732.819 đồng và số vốn vay Ngân hàng là 30.000.000.000 đồng.
Công ty xác nhận ngày 07/5/2012 đã ký Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2012/4747845/HĐTD để vay số tiền 30.000.000.000 đồng với Ngân hàng TMCP Đ có nội dung như Ngân hàng đã trình bày là đúng, đồng thời xác nhận số nợ gốc còn lại tính đến ngày xét xử là 29.900.000.000 đồng. Do hiện tại điều kiện kinh doanh khó khăn nên Công ty V đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại nợ, tìm cách thanh toán trả Ngân hàng số tiền vay. Công ty đề nghị Toà án xem xét các vấn đề sau để đảm bảo quyền lợi cho Công ty, cụ thể:
- Về lãi suất: Bị đơn cho rằng Ngân hàng khởi kiện đồng nghĩa với việc Ngân hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng giữa hai bên. Do đó kể từ thời điểm khởi kiện đến nay, Công ty Cổ phần V cho rằng Ngân hàng không được tính lãi Công ty Cổ phần V.
- Về tài sản thế chấp là toàn bộ các tài sản hình thành từ vốn vay: Công ty V vay tiền của Ngân hàng để mua các tài sản này, sau đó dùng chính tài sản này để thế chấp cho khoản vay nói trên. Vậy việc thế chấp các tài sản này có đúng quy định của pháp luật hay không?
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm:
- Ông Lê Minh T là bà Nguyễn Thị T (do ông Lương Quang T đại diện uỷ quyền) trình bày:
Bà T và ông Lê Minh T là hai vợ chồng. Ông bà có tài sản chung tạo dựng trong quá trình chung sống là nhà đất tại số 53 T, H, Hà Nội được cấp theo Giấy chứng nhận số 10107090009 do UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 02/02/2000. Vào ngày 03/5/2012, ông bà đã ký Hợp đồng thế chấp bất động sản tại Văn phòng công chứng Thăng Long để đảm bảo cho khoản vay tín dụng của Công ty Cổ phần V mà con trai bà là ông Lê Văn M làm Giám đốc.
Quá trình giải quyết vụ án, ngày 13/7/2015, ông Lê Minh T chết. Theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm bà Nguyễn Thị T và hai người con là Lê Văn M và Lê Thị Kim O.
Nay Ngân hàng TMCP Đ khởi kiện yêu cầu Công ty Cổ phần V thanh toán tiền vay và yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo thu hồi nợ, bà có ý kiến đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện cho Công ty V thu xếp trả nợ và trả lại tài sản cho gia đình bà.
- Ông Lê Văn M- là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đồng thời là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Lê Minh T trình bày:
Ông Lê Văn M là con trai của ông Lê Minh T và bà Nguyễn Thị T. Bố mẹ ông có hai người con chung là ông và Lê Thị Kim O, ngoài ra không có con nuôi, con riêng nào khác. Ngày 13/7/2015, bố ông chết không để lại di chúc. Theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm mẹ ông là bà Nguyễn Thị T, ông và bà Lê Thị Kim O.
Về yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, ông có ý kiến:
+ Đề nghị Ngân hàng tạo điều kiện cho Công ty tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại nợ, tìm cách thanh toán trả Ngân hàng số tiền vay.
+ Phía Công ty sẽ cố gắng tìm cách tháo gỡ khó khăn trả tiền Ngân hàng và trả lại tài sản thế chấp cho bố mẹ ông trong đó có quyền lợi của ông.
+ Ngoài ra, ông và vợ là bà Hồ Quỳnh L kết hôn và ở tại số nhà 53 T, phường N, H, Hà Nội cùng bố mẹ ông. Năm 2011, vợ chồng ông đã bỏ tiền để xây dựng sửa chữa, cải tạo nhà này với tổng kinh phí là: 2.705.500.000 đồng với các hạng mục như: Phá dỡ những hạng mục cũ nát; Xây mới tầng 1 và 2 bên trong của căn nhà; Làm lại trần thạch cao toàn bộ nhà; Lợp lại mái ngói và làm thêm mái tôn trên mái ngói; Lát lại toàn bộ sàn gỗ; Xây mới cầu thang; Lắp đặt hệ thống thiết bị nhà bếp;Lắp mới cửa cuốn; Xây mới nhà vệ sinh và lắp đặt trang thiết bị vệ sinh; Ốp lát sân tường nhà, nhà vệ sinh; Lắp đặt hệ thống máy sân sau; Lắp đặt hệ thống điện nước mới; Sơn nội ngoại thất; Giấy dán tường. Như vậy, tài sản tại số nhà 53 Trần Xuân Soạn có phần đóng góp tài chính của vợ chồng ông. Bố mẹ ông thế chấp ngôi nhà để đảm bảo cho khoản vay của Công ty V tại Ngân hàng TMCP Đ mà không hỏi ý kiến vợ chồng ông. Do vậy ông M đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để đảm bảo quyền lợi cho vợ chồng ông. Bà Hồ Quỳnh L có quan điểm thống nhất với phần trình bày của chồng bà là ông Lê Văn M.
- Bà Lê Thị Kim O - Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Lê Minh T trình bày:
Bà là Phó Giám đốc Công ty V. Việc Ngân hàng khởi kiện, bà có ý kiến Công ty sẽ cố gắng tìm cách tháo gỡ khó khăn, trả tiền Ngân hàng và trả lại tài sản thế chấp cho bố mẹ bà.
- Ông Vũ Việt H trình bày:
Anh có thuê phòng ngoài tầng 1 liền kề với mặt đường Trần Xuân Soạn diện tích khoảng là 50m2 của số nhà 53 T với thời hạn hợp đồng là một năm (từ ngày 06/10/2015 - tháng 10/2016) để kinh doanh quần áo. Anh đã thanh toán tiền nhà và đặt cọc một tháng (là 20 triệu đồng) cho bà Nguyễn Thị T. Anh sử dụng diện tích thuê để kinh doanh, các diện tích còn lại của căn nhà chủ nhà vẫn sử dụng. Đối với vụ án này anh không có ý kiến gì ngoài việc đề nghị chủ nhà phải tạo điều kiện cho anh đảm bảo việc kinh doanh trong thời gian thuê mượn.
Tại bản án số 01/2017/KDTM-ST ngày 09/01/2017 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình đã xử và quyết định:
I. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng.
Buộc Công ty Cổ Phần V phải trả cho Ngân hàng TMCP Đ theo Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2012/4747845/HĐTD ký ngày 07/05/2012 với tổng số tiền là 48.747.919.166 đồng, trong đó:
+ Nợ gốc 29.900.000.000 đồng
+ Nợ lãi quá hạn: 14.201.394.167 đồng
+ Nợ lãi trong hạn: 4.646.524.999 đồng
Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm bên phải thi hành án phải tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thoả thuận trong hợp đồng tín dụng trên tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi trả xong nợ gốc.
Trường hợp Công ty không trả được nợ, bà Nguyễn Thị T, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Lê Minh T không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay thế cho Công ty thì Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý các tài sản thế chấp là:
- Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số 53 T, H, Hà Nội được cấp theo Giấy chứng nhận 10107090009 do UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 02/02/2000 cho bà Nguyễn Thị T.
- Tài sản đảm bảo là toàn bộ các tài sản hình thành từ vốn vay (Có liệt kê chi tiết theo phụ lục đính kèm hợp đồng thế chấp)
Công ty Cổ phần V phải tiếp tục thanh toán số tiền nợ gốc và lãi còn thiếu sau khi đã khấu trừ tài sản phát mại.
Sau đó, bị đơn, bà Nguyễn Thị T và ông Lê Văn M có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
- Bị đơn kháng cáo cho rằng:
+ Theo Hợp đồng thế chấp ngày 03/5/2012 do vợ chồng ông bà ký với Ngân hàng thì tài sản thế chấp là nhà đất tại 53 Trần Xuân Soạn được định giá tại thời điểm ngày 25/4/2012 là: 39.200.000.000đ. Tuy nhiên trước thời điểm thế chấp thì năm 2011, vợ chồng ông Lê Văn M và bà Hồ Quỳnh L có đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa căn nhà này hết 2.705.500.000đ với các hạng mục như đã nêu trong án sơ thẩm. Như vậy, trong tổng trị giá tài sản thế chấp là 39.200.000.000đ đã bao gồm cả phần giá trị đầu tư thêm của vợ chồng ông M nhưng khi ký hợp đồng thế chấp thì bà T và ông T đã bỏ qua không thông báo cho bên nhận thế chấp về quyền lợi của bên thứ ba theo quy định tại khoản 3 Điều 348 Nghị định 163/NĐ-CP là “Bên thế chấp phải thông báo cho Bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có” để xin ý kiến của vợ chồng ông M.
Căn cứ Điều 128, khoản 1 Điều 342 Bộ luật dân sự 2005, khoản 3 Điều 348 Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì hợp đồng thế chấp bị vô hiệu. Do đó khoản vay của bị đơn được xem là khoản vay không có bảo đảm bằng tài sản thế chấp là nhà đất tại 53 T.
+ Theo quy định tại khoản 2(a) Điều 6 và khoản 1(b) Điều 7 Hợp đồng thế chấp thì bên thế chấp và bên nhận thế chấp đã thỏa thuận là hai bên sẽ thực hiện việc công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm. Như vậy một trong các điều kiện để bảo đảm tính hiệu lực của Hợp đồng thế chấp là phải được công chứng, chứng thực, nhưng Ngân hàng không thông báo cho bị đơn đi công chứng hợp đồng, nên hợp đồng thế chấp còn bị vô hiệu về hình thức theo quyđịnh tại Điều 134 Bộ luật dân sự.
Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm: Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án quận Ba Đình xét xử lại.
- Ông Lê Văn M kháng cáo cho rằng:
+ Trước thời điểm bố mẹ ông ký hợp đồng thế chấp thì năm 2011, vợ chồng ông đã đầu tư xây dựng, sửa chữa căn nhà này hết 2.705.500.000đ, nên trong tổng trị giá tài sản thế chấp là 39.200.000.000đ đã bao gồm cả phần giá trị đầu tư thêm của vợ chồng ông nhưng khi ký hợp đồng thế chấp thì bố mẹ ông đã không hỏi ý kiến của vợ chồng ông.
+ Theo khoản 1 Điều 342 BLDS thì ông bà T, T chỉ được dùng tài sản riêng của mình để thế chấp, chứ không được dùng tài sản của người khác đã đầu tư trên bất động sản đó để thế chấp. Trong khi đó, một phần khối tài sản thế chấp là thuộc sở hữu của vợ chồng ông, nên việc thế chấp phải được sự đồng ý của vợ chồng ông bà bằng việc cùng ký tên trong hợp đồng thế chấp nêu trên theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP.
+ Theo quy định tại khoản 3 Điều 348 Nghị định 163/2016/NĐ-CP thì bố mẹ ông phải thông báo với Ngân hàng về quyền của vợ chồng ông vì thực tế gia đình ông đang sống tại căn nhà này.
+ Với những lý do như trên nên Hợp đồng thế chấp là vô hiệu toàn bộ do vi phạm Điều 128, khoản 1 Điều 342 BLDS 2005, vi phạm khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, bản án sơ thẩm cũng không xem xét công nhận quyền lợi của vợ chồng ông đã đầu tư trong toàn bộ giá trị tài sản thế chấp là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình ông. Ông đề nghị cấp phúc thẩm: Hủy án sơ thẩm; tách riêng số tiền mà vợ chồng ông đã đầu tư là 2.705.500.000đ ra khỏi khối tài sản bảo đảm để sau này khi xử lý tài sản bảo đảm ông bà được hưởng số tiền này.
- Bà Nguyễn Thị T: tại đơn kháng cáo ngày 19/01/2017 chỉ nêu kháng cáo toàn bộ bản án mà không có văn bản giải trình cụ thể về nội dung kháng cáo.
Tại phiên toà phúc thẩm:
- Nguyên đơn vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và ông M.
- Người đại diện theo ủy quyền cho bị đơn và ông M vẫn giữ yêu cầu kháng cáo.
- Bà Nguyễn Thị T- người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa.
- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lê Văn M- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Trước thời điểm ký hợp đồng thế chấp, vợ chồng ông M đã đầu tư xây dựng, sửa chữa căn nhà tại số 53 T hết 2.705.500.000đ nhưng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xác minh. Việc bố mẹ ông M ký hợp đồng thế chấp không hỏi ý kiến của ông M và bà L. Khi ký hợp đồng thế chấp, ông M ký với tư cách là người đại diện cho Công ty được bảo đảm. Căn cứ vào quy định tại Điều 342 Bộ luật dân sự 2005 thì ông bà T T chỉ được dùng tài sản riêng của mình để thế chấp, chứ không được dùng tài sản của người khác đã đầu tư trên bất động sản đó để thế chấp. Trong khi đó, một phần khối tài sản thế chấp là thuộc sở hữu của vợ chồng ông M bà L. Tại Điều 348 Bộ luật dân sự 2005 thì vợ chồng bà T phải thông báo với Ngân hàng về sở hữu tài sản của người thứ ba.
Như vậy, việc ký hợp đồng thế chấp là vi phạm Điều 128, khoản 1 Điều 342 Bộ luật dân sự 2005, vi phạm khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.
Việc tranh chấp lối đi chung tại số nhà 51 và 53 T, các hộ dân nhà 51 T đã có đơn đề nghị tham gia tố tụng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa đưa các hộ dân nhà 51 tham gia tố tụng trong vụ án. Hiện nay, lối đi chung giữa hai nhà 51 và 53 đang có tranh chấp, theo quy định của pháp luật tài sản đang tranh chấp không được thế chấp. Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập đầy đủ chứng cứ sửa chữa nhà và không đưa những hộ dân ở nhà 51 T tham gia tố tụng là chưa đúng quy định của pháp luật. Đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vắng mặt và có văn bản trình bày quan điểm:
* Về tố tụng: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền và thời hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
* Về nội dung: Hợp đồng tín dụng được Ngân hàng và Công ty V ký kết trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định của pháp luật nên phát sinh hiệu lực. Việc đại diện theo ủy quyền của người bị kiện kháng cáo cho rằng Ngân hàng khởi kiện công ty V đồng nghĩa với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng giữa hai bên do đó Ngân hàng không được tính lãi là không có căn cứ bởi lẽ khoản nợ của Công ty V đối với Ngân hàng vẫn chưa trả xong. Hơn nữa tại Điều 12 của hợp đồng có quy định rõ hiệu lực của hợp đồng: “Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ký, hợp đồng kết thúc khi bên vay trả nợ xong cả gốc, lãi, lãi phạt quá hạn của toàn bộ những khoản vay đã phát sinh từ hợp đồng này”.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn M đồng thời là giám đốc Công ty V cho rằng nhà đất có công sức đóng góp của vợ chồng ông nhưng khi thế chấp không hỏi ý kiến của ông. Tuy nhiên, theo hợp đồng thế chấp tài sản là nhà đất thì bên được bảo đảm là Công ty V do chính ông M ký. Do vậy ông M cho rằng không biết là không có cơ sở chấp nhận.
Từ những phân tích, đánh giá trên đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2017/KDTM- ST ngày 09/1/2017 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình.
Về án phí phúc thẩm: do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, sau khi nghe các bên đương sự tranh tụng, trình bày và tranh luận, quan điểm của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
* Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn là Công ty cổ phần V, ông Lê Văn M và bà Nguyễn Thị T làm trong thời hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là hợp lệ.
* Về nội dung:
Ngày 07/5/2012, Ngân hàng TMCP Đ và Công ty Công ty Cổ phần V đã ký hợp đồng tín dụng số 01/2012/4747845/HĐTDtheođó Ngân hàng cho Công tyV vay khoản tín dụng tối đa là 30.000.000.000 VND để đầu tư dự án khai thác, thu hồi khoáng sản và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quặng vàng đa kim tại xã Nhâm, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty V 07 lần với tổng số tiền là 30.000.000.000đ. Thời hạn vay: 36 tháng kể từ ngày bên vay rút vốn vay lần đầu tiên (từ ngày 09/05/2012). Trong đó thời gian ân hạn là 06 tháng kể từ ngày rút vốn vay lần đầu tiên. Lịch trả gốc được xác định trong từng khế ước. Lãi….(xem từng khế ước).
Đối với tài sản bảo đảm cho khoản vay như phần đầu bản án đã nêu. Do Công ty không thanh toán nợ đúng hạn nên khoản vay đã bị chuyển quá hạn khoản vay từ 25/02/2013.Tính đến ngày 05/01/2017, Công ty V còn nợ Ngân hàng số tiền còn nợ là:
+ Nợ gốc là: 29.900.000.000đ;
+ Lãi trong hạn: 4.646.524.999đ
+ Lãi quá hạn: 14.132.873.333đ
Tổng cộng: 48.679.398.332 đ
Về lãi: Bị đơn cho rằng Ngân hàng khởi kiện đồng nghĩa với việc Ngân hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng giữa hai bên. Do đó kể từ thời điểm khởi kiện đến nay, Công ty Cổ phần cho rằng Ngân hàng không được tính lãi Công ty Cổ phần V. Về nội dung này, tại cấp phúc thẩm mặc dù bị đơn không nêu chi tiết trong bản kháng cáo, tuy nhiên do là kháng cáo toàn bộ bản án nên Hội đồng xét xử thấy việc Ngân hàng khởi kiện vụ án không phải là một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự. Do đó việc Ngân hàng khởi kiện không được coi là đồng nghĩa với việc hợp đồng được chấm dứt. Do đó không có căn cứ pháp lý cho rằng Ngân hàng không được tính lãi đối với khoản vay của Công ty V. Và việc Ngân hàng tính lãi điều chỉnh theo từng thời kỳ và thỏa thuận của hợp đồng là đúng quy định.
Xét kháng cáo của bị đơn và ông Lê Văn M thấy:
[1] Về việc công chứng, chứng thực các hợp đồng thế chấp:
a. Đối với hợp đồng thế chấp bất động sản:
Ngày 03/5/2012, tại Văn phòng công chứng Thăng Long, ông Lê Minh T là bà Nguyễn Thị T với tư cách là bên thế chấp đã ký Hợp đồng thế chấp nhà đất tại số 53 T, H, Hà Nội (theo Giấy chứng nhận số 10107090009 do UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 02/02/2000 cho bà Nguyễn Thị T) để đảm bảo thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đã, đang và sẽ phát sinh trong tương lai theo toàn bộ các hợp đồng tín dụng của Công ty Cổ phần V (do chính con trai ông bà là ông Lê Văn M làm Giám đốc) tại Ngân hàng Đ. Hợp đồng này có đại diện Công ty V là ông Lê Văn M ký với tư cách là bên được bảo đảm. Hợp đồng được công chứng số 90.2012/HĐTC và đăng ký thế chấp ngày 07/5/2012 tại Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Hai Bà Trưng. Như vậy, hợp đồng thế chấp do các bên có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi ký kết trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định của pháp luật, nên được coi là phát sinh hiệu lực giữa các bên, phù hợp với Điều 122 Bộ luật dân sự.
b. Đối với hợp đồng thế chấp máy móc thiết bị:
Theo quy định tại điểm 2a Điều 6, bên thế chấp có nghĩa vụ: „Thực hiện việc công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm hợp này tại cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu của Ngân hàng”. Theo quy định tại điểm 1b Điều 7 quy định: “Ngân hàng chủ động hoặc phối hợp với bên thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm hợp đồng thế chấp, công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp. Trường hợp NH đứng ra thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm HĐTC thì có quyền yêu cầu bên thế chấp hoàn trả chi phí cần thiết đó theo hóa đơn thực tế”.
Trong trường hợp này, nếu pháp luật có yêu cầu bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì khi Ngân hàng yêu cầu, bên thế chấp có nghĩa vụ phối hợp cùng Ngân hàng thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng trong việc công chứng, chứng thực. Thỏa thuận này không phải là điều kiện đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Hơn nữa theo quy định tại Điều 9 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 thì: “1. Việc công chứng hoặc chứng thực giao dịch bảo đảm do các bên thỏa thuận và 2. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì giao dịch bảo đảm phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Hợp đồng thế chấp máy móc thiết bị đã thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định. Đối tượng của hợp đồng thế chấp pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng.
Tuy nhiên đối với các tàu sản này Luật không quy định phải công chứng nên việc các bên có thỏa thuận về công chứng và sau đó bên thế chấp không công chứng cũng không phải là điều kiện để xác định hợp đồng thế chấp vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự như bị đơn yêu cầu.
Do đó, việc bị đơn kháng cáo cho rằng hợp đồng thế chấp bị vô hiệu theo Điều 128 Bộ luật dân sự 2005 do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không được công chứng, chứng thực là không có căn cứ.
[2] Về việc ông Lê Văn M kháng cáo cho rằng: Trước thời điểm bố mẹ ông ký hợp đồng thế chấp thì năm 2011, vợ chồng ông đã đầu tư xây dựng, sửa chữa căn nhà này hết 2.705.500.000đ, nên trong tổng trị giá tài sản thế chấp là 39.200.000.000đ đã bao gồm cả phần giá trị đầu tư thêm của vợ chồng ông nhưng khi ký hợp đồng thế chấp thì bố mẹ ông đã không hỏi ý kiến của vợ chồng ông thấy:
- Nhà đất trên thuộc quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp của bà Lê Thị T và ông Lê Minh T theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Điều 13 của hợp đồng, bên thế chấp cũng đã cam đoan tài sản thế chấp hoàn toàn thuộc quyền sở hữu, sử dụng, quản lý hợp pháp của bên thế chấp nên theo Điều 715 BLDS 2005, ông Thanh và bà Tú có quyền được thế chấp quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp.
- Hơn nữa theo hợp đồng thế chấp ngày 03/5/2012, ông M với tư cách là đại diện bên bảo đảm là Công ty V đã cùng ký hợp đồng thế chấp nhà đất tại số 53 T, H, Hà Nội, nên mặc nhiên ông đã biết việc bố mẹ mình thế chấp tài sản này để bảo đảm cho khoản vay của Công ty V, biết về nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Trước khi ký hợp đồng thế chấp, bản thân ông M không có ý kiến phản đối nào về việc thế chấp, bên thế chấp cũng không thông báo gì về quyền và lợi ích của bên thứ ba mặc dù khoản 2 Điều 6 Hợp đồng thế chấp đã quy định về nghĩa vụ thông báo này. Khi tham gia ký kết hợp đồng này dù chỉ với tư cách đại diện Công ty được bảo lãnh ông M phải biết và buộc phải biết việc thế chấp tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ cho chính công ty mà mình là người đại diện theo pháp luật sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân mình hoặc người khác nếu có quyền lợi về tài sản trong bất động sản thế chấp. Song ông M không có ý kiến phản đối và bản thân ông cùng bà T (mẹ ông) cũng không thông báo cho bên nhận thế chấp, cơ quan công chứng về quyền lợi của người thứ ba (nếu có) và đây là nghĩa vụ của người thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật. Phía Ngân hàng và cơ quan công chứng không biết và không thể biết về việc tài sản có liên quan quyền lợi của người khác hay không và áp dụng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình khi tham gia giao dịch dân sự.
Các tài liệu về chứng từ sữa chữa cải tạo nhà 53 T cũng chỉ đứng tên ông Lê Văn M, theo các tài liệu trong hồ sơ và các lời khai của ông Lê Minh T thì tại địa chỉ nhà 53 T chỉ có vợ chồng ông T, bà T cùng ông M và con trai ông M sinh sống.
Do vậy, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lê Văn M về việc tách riêng số tiền mà vợ chồng ông đã đầu tư là 2.705.500.000đ ra khỏi khối tài sản bảo đảm để sau này khi xử lý tài sản bảo đảm ông bà được hưởng số tiền này là không có căn cứ.
- Theo khoản 3 Điều 2 hợp đồng thế chấp, các bên đã thỏa thuận: “Mọi công trình do Bên thế chấp xây dựng, cải tạo thêm gắn liền với tài sản thế chấp nêu trên cũng thuộc tài sản thế chấp theo hợp đồng này” và tại khoản 3 Điều 3 quy định: “Trường hợp Bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp nêu tại Điều 2 Hợp đồng này thì phần tài sản tăng thêm do đầu tư cũng thuộc tài sản thế chấp”. Thỏa thuận này cũng phù hợp với khoản 2 Điều 716 Bộ luật dân sự 2005. Như vậy, mọi công trình do bên thế chấp cải tạo đều thuộc tài sản thế chấp.
Việc các đương sự có đơn yêu cầu xác minh tranh chấp ngõ đi chung tại nhà đất số 51, 53 T, trên cơ sở trả lời của Sở tài nguyên và môi trường thành phố Hà Nội và Phòng tài nguyên và môi trường quận Hai Bà Trưng thì vụ việc đang được xem xét giải quyết, sau này nếu tài sản bị phát mại theo quy định thì những người nhận tài sản, chuyển giao tài sản hoặc thủ tục đấu giá tài sản phải thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết ngõ đi chung giữa hai số nhà 51 và 53 T.
Từ những phân tích trên, thấy kháng cáo của bị đơn và ông M cho rằng ông T bà Tthế chấp tài sản mà không thông báo với Ngân hàng về quyền của vợ chồng ông M, để cho rằng hợp đồng thế chấp vô hiệu toàn bộ là không có cơ sở. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Về án phí: Do giữ nguyen án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 và khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2017/KDTM- S ngày 09/01/2017 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội và xử như sau:
Áp dụng:
- Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Điều 122, Điều 715 Khoản 2 Điều 716 Bộ luật dân sự 2005;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử sụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử
1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bà Nguyễn Thị T.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Đ đối với Công ty Cổ Phần V.
Buộc Công ty Cổ Phần V phải trả cho Ngân hàng TMCP Đ theo Hợp đồng tín dụng dài hạn số 01/2012/4747845/HĐTD ký ngày 07/05/2012 với tổng số tiền là 48.747.919.166 đồng (Bốn mươi tám tỷ bảy trăm bốn mươi bảy triệu chín trăm mười chín nghìn một trăm sáu mươi sáu đồng). Trong đó:
- Nợ gốc 29.900.000.000 đồng (Hai mươi chín tỷ chín trăm triệu đồng chẵn);
- Nợ lãi trong hạn là 4.646.524.999 đồng (Bốn tỷ sáu trăm bốn mươi sáu triệu năm trăm hai mươi bốn nghìn chín trăm chín mươi chín đồng);
- Nợ lãi quá hạn 14.201.394.167 đồng (Mười bốn tỷ hai trăm lẻ một triệu ba trăm chín mươi tư nghìn một trăm sáu mươi bảy đồng).
Kể từ ngày kế tiếp sau ngày xét xử sơ thẩm bên phải thi hành án phải tiếp tục chịu lãi suất đối với khoản nợ gốc theo mức lãi suất thỏa thuận mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả cho đến khi trả xong nợ gốc.
Trường hợp Công ty Cổ phần V không trả được nợ, bà Nguyễn Thị T, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Lê Minh T là bà Nguyễn Thị T, ông Lê Văn M, bà Lê Thị Kim O không thực hiện nghĩa vụ thanh toán trả nợ thay thì Ngân hàng TMCP Đ có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp là:
- Quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại số 53 T, H, Hà Nội được cấp theo Giấy chứng nhận số 10107090009 do UBND Thành phố Hà Nội cấp ngày 02/02/2000 cho bà Nguyễn Thị T;
- Tài sản đảm bảo là toàn bộ các tài sản hình thành từ vốn vay (Chi tiết theo phụ lục đính kèm hợp đồng thế chấp) gồm:
+ 02 ô tô tải tự đổ hiệu Dongfeng;
+ 01 hệ thống tổ hợp búa thủy lực;
+ 01 hệ thống tổ hợp máy sàng, máy nghiền;
+ 01 hệ thống tổ hợp máy tách từ tính, máy trộn;
+ 01 hệ thống tổ hợp băng chuyền, máy luyện (Gồm: 01 bộ Băng chuyền và phụ tùng (500x6.000mm), 01bộ Máy luyện xoay và phụ tùng (800mx1.180mm), 01 bộ Máy phân loại xoắn ốc và phụ tùng (219x6.000mm), 01bộ Phễu đựng quặng và phụ tùng, 01bộ Máy sấy và phụ tùng, 01bộ Máy lọc áp lực (với hệ thống thủy lực và bơm)(800x100mm));
+ 01 hệ thống tổ hợp máy phân tách quặng, máy lọc quặng (Gồm: 01 bộ Máy phân tách quặng chạy bằng điện (3mx2.5m), 06 bộ Máy lọc quặng chạy bằng điện (3mx3.5m), 01 bộ Máy trộn quặng chạy bằng điện (3mx3.5m), 06 bộ Máy lắng lọc quặng chạy bằng điện (2.5mx0.45x0.45), 01 bộ Máy nén khí chạy động cơ điện);
+ 01 chiếc lò luyện dùng điện trở công suất 30KW, điện thế 380V;
+ 01 hệ thống tổ hợp búa thủy lực (Gồm: 02 bộ búa thủy lực TB450, 04 bộ kim đục đá, 02 cái lắp chụp đầu búa, 02 cái bạc sơ mi, 04 cái bù long dài, 08 cái bù long, 02 cái van, 01 cái pit tong, 01 bộ phốt);
+ 01 hệ thống tổ hợp 03 máy phát điện (Gồm: 01 bộ Máy phát điện (usede) hiệu CATERPILLAR - đời máy: 500KVA 448KW-sản xuất năm: 2003, 01 bộ Máy phát điện (usede) hiệu CATERPILLAR - đời máy: 500KVA 400KW – sản xuất năm: 1996, 01 bộ Máy phát điện (usede) hiệu CATERPILLAR - đời máy: 400KVA 320KW-sản xuất năm: 1996);
+ 01 hệ thống tổ hợp máy sàng, máy nghiền (Gồm: 01 bộ máy sàng 850mmx3.000mm, 01 bộ máy nghiền thô 500mmx700mm – 55KW, 01 bộ máy nghiền mịn 250mmx1.200mm – 37KW, 01 cái dàn kéo di động đặt máy nghiền 2.5mx9m, 01 bộ máy băng tải B650x36, 01 bộ máy băng tải B650x15, 02 bộ máy băng tải B650x10, 01 bộ máy băng tải B650x4.5, 01 bộ máy sàng điện từ GZ3, 01 bộ máy nghiền bi phi 2.100x3.600, 01 bộ máy nghiền bi phi 1.200x2.800, máy phân loại xoắn ốc phi 1.500x8.000, 02 bộ máy trộn phi 1.200, 14 bộ máy tuyển nổi SF 1.3, 12 bộ máy tuyển nổi 3A, 01 máy lắng lọc, 01 bộ máy sàng rung 1.250mmx2.000mm, 900 viên bi thép phi 40,60; 650 viên bi thép phi 80,100; 300 viên bi thép phi 120, 01 bộ máy nghiền phi 700mmx700mm);
+ 01 hệ thống tổ hợp máy tách từ tính, máy trộn (Gồm: 01 bộ máy tách từ tính 750mmx1.800mm, 01 bộ máy tách từ tính 600mmx1.800mm, 02 bộ máy trộn XB 1.200, 02 bộ lò nung 16XB, 02 bộ bơm cát với đường ống dẫn bơm tăng áp (4 inh), 01 bộ bơm nước (3 inh).
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
3. Về án phí kinh doanh thương mại:
- Án phí sơ thẩm:Công ty Cổ Phần V phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 156.747.919 (Một trăm năm mươi sáu triệu bảy trăm bốn mươi bảy nghỡn chớn trăm mười chín) đồng.
Ngân hàng TMCP được hoàn trả số tiền 69.000.000 đồng (sáu mươi chớn triệu) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0000880 ngày 26/08/2013 của Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
- Án phí phúc thẩm: Công ty cổ phần V phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000 (Hai triệu) đồng, ông Lê Văn M và bà Nguyễn Thị T mỗi người phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000 (Hai triệu) đồng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 08831 ngày 20/1/2017, số 07570 ngày 09/8/2017 và số 08832 ngày 20/1/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 09/5/2018.
File gốc của Bản án 58/2018/KDTM-PT ngày 08/05/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng – Tòa án nhân dân Hà Nội đang được cập nhật.
Bản án 58/2018/KDTM-PT ngày 08/05/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng – Tòa án nhân dân Hà Nội
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Số hiệu | 58/2018/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2018-05-08 |
Ngày hiệu lực | 2018-05-08 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |