TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 22/2020/KDTM-PT NGÀY 28/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Trong các ngày 21, 28 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 23/2020/TLPT-KDTM ngày 21/5/2020 về việc: “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 15/2020/KDTM-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân thị xã U, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 31/2020/QÐ-PT ngày 07/8/2020, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH Giấy bao bì TP; địa chỉ: Thị xã U, tỉnh Bình Dương Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Thiều Thị M, sinh năm 1983; địa chỉ: huyện Bắc U, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số 0119TP ngày 01-9-2019), có mặt
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Hồ Hữu T, luật sư thuộc văn phòng luật sư Đ, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH I; địa chỉ: thị xã U, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
- Ông H, sinh năm 1956; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.
- Ông Nguyễn Huy T1, sinh năm 1972; địa chỉ: thị xã U, tỉnh Bình Dương;
địa chỉ liên hệ: thị xã U, tỉnh Bình Dương (theo Văn bản ủy quyền ngày 14-7- 2017), có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH ML.,LTD; địa chỉ: Taiwan (có yêu cầu xét xử vắng mặt).
- Người làm chứng: Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ V; địa chỉ:
huyện Bắc U, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp: Ông Đào Ngọc K, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc.
- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH I.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung bản án sơ thẩm:
Công ty TNHH Giấy bao bì TP (gọi tắt là Công ty TP) chuyên sản xuất, phân phối và xuất khẩu các sản phẩm bao bì (thùng carton, giấy tấm carton, giấy sóng các loại…). Năm 2013, Công ty TP và Công ty TNHH I (tên tiếng việt viết tắt là Công ty T2) ký Hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/13 ngày 01-01-2013 mua bán mặt hàng thùng carton. Ngày 31-12-2013 hợp đồng hết hạn nhưng hai bên vẫn dựa trên một số nguyên tắc của hợp đồng và có thỏa thuận lại bằng miệng một số điều khoản để tiếp tục giao dịch mua bán. Các bên giao dịch mua bán đều bằng Fax, mỗi lần giao dịch mua bán, Công ty T2 fax đơn đặt hàng, trong đơn đặt hàng ghi rõ tên sản phẩm, mã hàng, chất liệu, quy cách, số lượng, đơn giá. Nguyên đơn dựa vào thông tin bị đơn cung cấp để báo giá, sau khi báo giá nếu Công ty T2 đồng ý thì giao dịch thành công, hai bên tiến hành giao hàng và chuyển tiền. Trong đơn đặt hàng và đơn báo giá đều thể hiện mã hàng, màu sắc, quy cách, số lượng, đơn vị, thành tiền, số lượng giao, số lượng thiếu.
Thời gian giao nhận hàng và thời gian thanh toán là đối trừ 04 ngày theo Hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/13 ngày 01-01-2013. Thời gian khiếu nại về chất lượng cũng thực hiện theo đối trừ 07 ngày sau khi bị đơn nhận được hàng. Sau 04 ngày nhận hàng nếu bị đơn không có khiếu nại gì thì xem như hàng hóa đạt chất lượng theo thỏa thuận hai bên.
Công ty TP đã giao hàng đầy đủ theo đơn đặt hàng nhưng cho đến nay Công ty T2 vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với các hóa đơn sau: Hóa đơn số 0002237 ngày 31-7-2014 giá trị 149.416.608 đồng; Hóa đơn số 0002319 ngày 30- 8-2014 giá trị 2.215.862 đồng; Hóa đơn số 0002391 ngày 30-9-2014 giá trị 26.578.453 đồng; Hóa đơn số 0002437 ngày 16-10-2014 giá trị 2.524.500 đồng.
Do đó, Công ty TP yêu cầu Công ty T2 phải thanh toán nợ gốc của 04 hóa đơn là 180.735.423 đồng và lãi suất do chậm thanh toán tính từ ngày 16-10-2014 đến ngày 31-10-2019 (60 tháng 15 ngày) theo cách tính 180.735.423 đồng x 60 tháng 15 ngày x 0,75% = 82.008.698 đồng. Tổng số tiền yêu cầu 262.744.121 đồng (Hai trăm sáu mươi hai triệu bảy trăm bốn mươi bốn nghìn một trăm hai mươi mốt đồng).
Đối với yêu cầu phản tố của Công ty T2 yêu cầu Công ty TP phải bồi thường số tiền 648.750.000 đồng vì hàng hóa không đạt chất lượng. Nguyên đơn không đồng ý vì: Sau khi Hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/13 ngày 01-01-2013 hết hạn, hai bên vẫn dựa trên một số điều khoản của hợp đồng như số lượng, giá, thanh toán, khiếu nại chất lượng hàng hóa để tiếp tục mua bán. Chất liệu C+9+C hai bên thỏa thuận độ nén của thùng carton là 275pound/in2, trong hợp đồng có thỏa thuận “Bên A phải đảm bảo hàng đúng quy cách, mẫu mã, chất lượng như mẫu đã duyệt”. Tuy nhiên, giữa hai công ty hợp tác mua bán bao bì với nhau chỉ căn cứ vào từng đơn hàng cụ thể chưa từng duyệt mẫu để làm mẫu chuẩn. Nguyên đơn giao hàng cho bị đơn căn cứ trên đơn đặt hàng của bị đơn, sau 04 ngày đối trừ bị đơn không có khiếu nại thì mặc nhiên xem đây là hàng hóa đạt chất lượng. Bị đơn không có chứng cứ chứng minh bao bì đóng gói sản phẩm giao cho Công ty TNHH ML.,LTD là bao bì của nguyên đơn giao cho bị đơn vào thời gian nào.
Địa chỉ thư điện tử: [email protected] là của Công ty TP. Tuy nhiên, bị đơn không sử dụng để liên lệ với khách hàng, mọi giao dịch với Công ty T2, Công ty TP đều thực hiện qua fax, điện thoại và gửi văn bản trực tiếp.
Trong năm 2014, Công ty TP có giao cho Công ty T2 những đợt hàng như bị đơn đã trình bày. Tuy nhiên, nguyên đơn không nhận được thông báo nào qua địa chỉ [email protected],
qua Skype và qua đường bưu điện việc phản ánh chất lượng thùng carton không đạt yêu cầu gây thiệt hại cho Công ty T2. Vào tháng 4- 2015 hai bên có trao đổi bằng điện thoại về chất lượng sản phẩm nhưng Công ty T2 không nói rõ chất lượng sản phẩm bị khiếu nại là chất liệu nào, nơi nào khiếu nại trong khi bị đơn đặt hàng đối với nguyên đơn rất nhiều loại. Do có thời gian dài hợp tác với nhau nên Công ty TP đồng ý giảm cho Công ty T2 10% tiền hàng trong tổng giá trị 04 đơn hàng Công ty T2 chưa thanh toán nhưng Công ty T2 không đồng ý mà chỉ đồng ý trả 90.000.000 đồng trên tổng số 180.735.423 đồng.
Đối với Kết quả Giám định số 15G02NĐ05755-01 ngày 09-12-2015 của Công ty TNHH Giám định V1 Thành phố Hồ Chí Minh là không chính xác vì mẫu sản phẩm giám định Công ty TP sản xuất từ lâu, chất lượng không còn như mới sản xuất, sản phẩm giấy bao bì là hàng hóa dễ hư hỏng, thời hạn sử dụng không quá 06 tháng, trong khi các mẫu hàng đưa đi giám định là hàng còn tồn sót lại trong kho của bị đơn đưa mẫu hàng mang đi giám định nên có kết quả không đúng, yêu cầu giám định là của bị đơn, nguyên đơn không yêu cầu giám định.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn ông H và ông Nguyễn Huy T1 trình bày: Ngày 01-01-2013, Công ty TP và Công ty T2 ký Hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/13. Hết ngày 31-12-2013, hợp đồng mua bán trên hết hạn nên hai bên không thể căn cứ vào hợp đồng trên để thực hiện nhưng hai bên vẫn giao dịch mua bán hàng hóa theo những nội dung đã thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/13 ngày 01-01-2013. Khi mua hàng Công ty T2 gửi đơn đặt hàng và Công ty TP sẽ gửi bảng báo giá, nếu Công ty T2 đồng ý giá thì giao dịch được xác lập. Công ty TP giao hàng và Công ty T2 chuyển tiền sau khi nhận hàng. Trong đơn đặt hàng, bảng báo giá, phiếu giao hàng đều thể hiện chất lượng hàng hóa, số lượng. Thời hạn khiếu nại về chất lượng hàng hóa được quy định tại Điều 2 của hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/13. Từ khi Công ty TP và Công ty T2 giao kết hợp đồng mua bán bao bì, các giao dịch mua bán đều căn cứ vào đơn đặt hàng cụ thể từng đợt, chưa từng thỏa thuận và duyệt mẫu hàng để làm mẫu chuẩn. Công ty T2 thừa nhận còn nợ Công ty TP số tiền 180.735.423 đồng nhưng vì hàng hóa Công ty TP giao không đúng chất lượng gây thiệt hại cho Công ty T2. Bị đơn đã nhiều lần phản ánh nhưng nguyên đơn không có thiện chí khắc phục nên bị đơn không đồng ý trả tiền gốc và lãi chậm thanh toán theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo thỏa thuận, mã hàng thùng carton 69903 chất liệu C+9+C độ nén là 275 pound/in2 nhưng những đơn hàng Công ty TP giao cho Công ty T2 trong năm 2014 đều không đạt chất lượng. Trước thời điểm tháng 8-2104 và cuối tháng 8-2014 Công ty T2 đã bị công ty đối tác phản hồi về chất lượng bao bì có chất liệu C+9+C nhưng do Công ty T2 còn nghi ngờ có thể do thùng carton hoặc do mút xốp nên bị đơn chỉ báo để Công ty TP rà soát lại chất lượng nhưng Công ty TP khẳng định không có vấn đề về chất lượng.
Trong tháng 9-2014 Công ty TP giao cho Công ty T2 các đơn hàng sau: Ngày 04-9-2014, mã giao hàng thành phẩm 14090050, tên hàng VC14037, chất liệu C+9+C, kiểu dáng NAP; ngày 04-9-2014, mã giao hàng thành phẩm 14090050, tên hàng VC14037, chất liệu C+9+C, kiểu dáng DAY và ngày 05-9- 2014, mã giao hàng thành phẩm 14090050, tên hàng VC14037, chất liệu C+9+C, kiểu dáng NAP.
Toàn bộ các đơn hàng chất liệu C+9+C trên không còn ở trong kho của Công ty T2 vì đã được sử dụng đóng gói bao bì sản phẩm gỗ để xuất khẩu sang Công ty TNHH ML.,LTD tại Đài Loan (Trung Quốc). Công ty T2 đồng ý cho khách hàng rút kiểm tra ngẫu nhiên lô hàng mới giao vào ngày 04 và 05 tháng 9- 2014 nhưng kết quả kiểm định chỉ đạt 240 lbs/in2 không đạt 275 lbs/in2. Khi bị phản ánh về chất lượng bao bì thì Công ty T2 mới biết bao bì Công ty TP giao không đạt chất lượng.
Ngày 15-9-2014, Công ty T2 đã thông báo bằng điện thoại cho Công ty TP chất lượng bao bì không đạt yêu cầu, cụ thể độ bục thùng carton không đạt 275 pound/in2 nên gây thiệt hại cho Công ty T2. Theo yêu cầu của Công ty TP, Công ty T2 đã gửi bản kiểm tra chất lượng thùng catton, hình ảnh thùng catton để Công ty TP có hướng giải quyết. Ngày 19-9-2014, Công ty T2 gửi kết quả giám định qua Skype. Tuy nhiên, Công ty TP không phản hồi. Ngày 27-9-2014, Công ty T2 tiếp tục gửi thư điện tử bằng song ngữ tiếng Hoa và tiếng Việt qua Email [email protected] nhưng cũng không được phản hồi. Đến tháng 12-2014 Công ty TP mới đồng ý thương lượng và đồng ý phương án Công ty T2 đưa ra là sẽ giảm 10% số tiền trên tất cả các đơn hàng có chất liệu C+9+C từ trước đến nay. Do tin tưởng nhau nên thỏa thuận chỉ bằng lời nói không lập thành văn bản. Tuy nhiên Công ty TP không thực hiện giải quyết hậu quả tổn thất do hàng kém chất lượng mà còn kiện Công ty T2 ra tòa để yêu cầu trả tiền. Từ tháng 3-2014 đến tháng 9- 2014 Công ty T2 liên tục nhận được than phiền từ khách hàng MeiLin về chất lượng thùng carton và phải nhận lỗi về mình, phải chấp nhận chịu khấu trừ tiền phạt 30.000 USD do vi phạm cam kết với Công ty TNHH ML.,LTD.
Trước khi xảy ra thiệt hại do chất lượng bao bì của Công ty TP, Công ty T2 không mua và không dùng bất cứ bao bì của Công ty nào khác có mã hàng 69903 để đóng gói sản phẩm của Công ty T2. Công ty TP giao sản phẩm không đủ chất lượng gây thiệt hại cho Công ty T2 nên Công ty TP phải bồi thường thiệt hại. Ngày 17-4-2015, Công ty T2 có đơn phản tố yêu cầu Công ty TNHH Giấy bao bì TP phải bồi thường thiệt hại số tiền 648.750.000 đồng (Sáu trăm bốn mươi tám triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng) tương đương 30.000 USD do sản phẩm mã hàng thùng carton 69903 không đúng chất lượng.
Chứng cứ chứng minh thiệt hại: Công ty TNHH ML.,LTD có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) là khách hàng của Công ty T2 đã xác nhận trừ số tiền 30.000 Đô la Mỹ do của Công ty T2 sử dụng thùng carton không đảm bảo chất lượng, kết quả ủy thác tư pháp và Vi bằng của Văn phòng thừa phát lại U lập. Bị đơn đồng ý Kết quả giám định số 15G02NĐ05755-01 ngày 09-12-2015 của Công ty TNHH Giám định V1 Thành phố Hồ Chí Minh và không yêu cầu giám định lại.
Công ty T2 không đồng ý thanh toán tiền gốc 180.735.423 đồng và tiền lãi 82.008.698 đồng. Tổng số tiền yêu cầu 262.744.121 đồng (Hai trăm sáu mươi hai triệu bảy trăm bốn mươi bốn nghìn một trăm hai mươi mốt đồng) theo cầu của Công ty TP.
Công ty T2 phản tố yêu cầu Công ty TNHH Giấy bao bì TP phải bồi thường thiệt hại số tiền 648.750.000 đồng (Sáu trăm bốn mươi tám triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng) tương đương 30.000 USD do sản phẩm không đủ chất lượng - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH ML trình bày: Công ty TNHH ML đặt mua hàng hóa là gỗ gia dụng của Công ty TNHH T2. Kể từ năm 2013, Công ty TNHH T2 sử dụng thùng Carton (chất liệu C+9+C) do Công ty TNHH Giấy bao bì TP sản xuất để đóng gói hàng hóa bán cho Công ty TNHH ML chất liệu C+9+C, tức độ nén (độ chống toét) 275pound/in2. Trong năm 2013, hàng hóa do Công ty TNHH ML nhận từ Công ty TNHH T2 luôn trong tình trạng bao bì đạt chất lượng nên hàng hóa bên trong luôn bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, đến năm 2014 khi Công ty TNHH ML nhận các thùng hàng đồ gỗ gia dụng của Công ty TNHH T2 có hiện tượng bao bì là thùng Carton (do Công ty TNHH Giấy bao bì TP sản xuất và Công ty TNHH T2 sử dụng để đóng gói) bị bục, rách dẫn đến việc đồ gỗ gia dụng đựng bên trong bị hư hỏng gây thiệt hại cho Công ty Mei Lin. Nghiêm trọng nhất là vào tháng 9-2014, các thùng hàng do Công ty TNHH ML nhận từ Công ty TNHH T2 đã bị bục, rách với số lượng lớn, giá trị hàng hóa bị hư hỏng do bao bì hàng hóa bị bục, rách trên 30.000 USD. Cũng trong tháng 9-2014, Công ty TNHH ML đã tiến hành lấy mẫu bao bì Carton (lô sản phẩm VC14037, chất liệu C+9+C, độ nén 275Pound/in2, mã hàng 69903) do Công ty TNHH Giấy bao bì TP sản xuất và được Công ty TNHH T2 sử dụng để đóng gói hàng hóa nêu trên để gửi đi kiểm định. Kết quả kiểm định xác định độ chịu bục chỉ đạt 240pound/in2, trong đó khi thực tế yêu cầu độ nén phải đạt 275pound/in2, chất lượng này được Công ty TP báo giá và trong đơn đặt hàng cũng nêu rõ. Như vậy, do bao bì là thùng Carton không đạt độ chịu bục 275pound/in2 đúng như đơn đặt hàng của Công ty TNHH ML như trong thỏa thuận nên đã bị bục, rách, hàng hóa bên trong bị hư hại trên 30.000 USD. Đây chính là nguyên nhân Công ty TNHH ML đã phạt Công ty TNHH T2 số tiền 30.000 USD.
Người làm chứng Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ V trình bày: Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ V (Sau đây gọi tắt là Công ty V) có ký kết hợp đồng mua bán háng hóa với Công ty T2, Công ty V bán mặt hàng thùng carton cho Công ty T2 từ tháng 8-2014 cho đến khoảng năm 2016. Công ty T2 đặt hàng qua Fax, quy cách bao bì thùng carton được ghi trong đơn đặt hàng, đơn đặt hàng không quy định về thời hạn sử dụng và tất cả các thùng giấy bao bì carton không ai ghi thời hạn sử dụng trên bao bì. Do thời gian đã lâu nên Công ty V không còn lưu giữ các đơn đặt hàng. Công ty T2 đặt rất nhiều mã hàng trong đó có mã hàng 69903 CV 14038, 69903 CV 14039, cụ thể trong tháng 8-2014 Công ty V bán mặt hàng thùng carton cho CÔNG TY T2 với tổng số tiền 362.265.442 đồng, tháng 9-2014 bán với tổng số tiền 139.706.644 đồng. Hiện Công ty V và Công ty T2 không còn giao dịch mua bán với nhau, tranh chấp giữa Công ty TP và Công ty T2 đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 15/2020/KDTM-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân thị xã U, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Giấy bao bì TP về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa với bị đơn Công ty TNHH I.
Buộc Công ty TNHH I phải thanh toán cho Công ty TNHH Giấy bao bì TP số tiền 262.744.121 đồng trong đó tiền nợ gốc 180.735.423 đồng và tiền lãi chậm thanh toán 82.008.698 đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán xong số tiền phải thi hành thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả.
2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH I về việc yêu cầu Công ty TNHH Giấy bao bì TP phải bồi thường số tiền 648.750.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí giám định, chi phí ủy thác tư pháp và quyền kháng cáo.
Ngày 11/12/2019, bị đơn nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày: TAND thị xã U giải quyết vụ án là không đúng thẩm quyền, kết quả giám định của Công ty TNHH giám định V1 là có căn cứ, chứng minh được nguyên đơn bán hàng kém chất lượng nhưng cấp sơ thẩm không chấp nhận là không phù hợp pháp luật. Yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Đại diện nguyên đơn trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ y bản án sơ thẩm.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:
Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Về nội dung: Nguyên đơn khởi kiện bị đơn thanh toán tiền hàng hóa là có căn cứ chấp nhận. Bị đơn không chứng minh được mẫu thùng carton mà Công ty ML lấy đi giám định có phải là của Công ty TP sản xuất hay không, khi lấy mẫu không có sự chứng kiến của TP. Khi V1 giám định tháng 12/2015 nhưng các mẫu giám định là giấy carton đã sản xuất năm 2013, 2014 nên kết quả giám định không phản ánh đúng chất lượng sản phẩm tại thời điểm sản xuất. Không có căn cứ để xác định các mẫu giám định là các sản phẩm mà bị đơn sử dụng đóng hàng cho Công ty ML nên không có căn cứ sử dụng kết quả giám định làm cơ sở giải quyết vụ án. Bị đơn không chứng minh được đã có thông báo, khiếu nại về chất lượng sản phẩm với nguyên đơn. Bản án sơ thẩm xét xử là có căn cứ, đúng pháp luật. Bị đơn kháng cáo là không có căn cứ chấp nhận. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thẩm quyền: Ngày 06/3/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2016/KDTM-ST ngày 23/9/2016 của Tòa án nhân dân thị xã U, tỉnh Bình Dương và chuyển hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân thị xã U giải quyết lại vụ án. Tòa án nhân dân thị xã U đã thụ lý vụ án số 18/TB-TLVA ngày 24/4/2017 và đưa Công ty TNHH ML có địa chỉ:
Taiwan hoặc thị xã Torlol A, B.V.I. vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Theo Điều 471 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định việc không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau: “Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được một Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết theo quy định về thẩm quyền của Bộ luật này thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết có sự thay đổi quốc tịch, nơi cư trú, địa chỉ của các đương sự hoặc có tình tiết mới làm cho vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền của Tòa án khác của Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài”. Ngoài ra, tại Mục 8 phần IV công văn Giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau: Theo quy định tại khoản 3 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, vụ án mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Như vậy, nếu tại thời điểm thụ lý lại vụ án mà có đương sự ở nước ngoài thì về nguyên tắc vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với trường hợp trong bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đã giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý, giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì Tòa án nhân dân cấp huyện phải thụ lý, giải quyết.
Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 02/2018/QĐ-ST ngày 12-10-2018 chuyển vụ án về cho Tòa án nhân dân thị xã U giải quyết. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Nguyễn Huy T1 đã nhận được quyết định chuyển vụ án (bút lục số 838) nhưng bị đơn đã không thực hiện quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự nên quyết định số 02/2018/QĐ-ST có hiệu lực thi hành. Vì vậy, Tòa án nhân dân thị xã U đã xét xử vụ án là đúng thẩm quyền, bị đơn kháng cáo về thẩm quyền là không có cơ sở chấp nhận. Mặt khác, bị đơn kháng cáo về thẩm quyền nhưng vẫn yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
[2] Công ty TP yêu cầu Công ty T2 thanh toán số tiền mua hàng còn nợ lại là 180.735.423 đồng. Bị đơn kháng cáo cho rằng không thừa nhận số nợ 180.735.423 đồng nhưng bản án sơ thẩm nhận định bị đơn thừa nhận nợ là không đúng.
Xét tại phiên tòa phúc thẩm đại diện bị đơn vẫn xác nhận có mua số hàng hóa trị giá 180.735.423 đồng theo 04 hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) như nguyên đơn trình bày nhưng không thừa nhận đây là số nợ vì cho rằng nguyên đơn giao hàng hóa không đạt chất lượng, bị đơn phải giữ lại số tiền trên để khấu trừ thiệt hại. Vì vậy, đã có đủ cơ sở để xác định bị đơn có mua số hàng hóa trị giá 180.735.423 đồng của nguyên đơn nhưng chưa thanh toán tiền. Theo Điều 55 Luật Thương mại 2005 quy định “Bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá”. Theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định bên bán có quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền lãi do vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Vì vậy, bản án sơ thẩm buộc bị đơn thanh toán số tiền mua hàng 180.735.423 đồng và lãi chậm trả là đúng quy định pháp luật.
[3] Bị đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn phản tố của bị đơn buộc nguyên đơn phải bồi thường số tiền 30.000 USD tương đương 648.750.000 đồng do hàng hóa nguyên đơn cung cấp không đạt chất lượng nên bị đơn bị Công ty TNHH ML phạt 30.000 USD. Đại diện bị đơn cho rằng lô hàng bao bì ngày 4 và ngày 5/9/2014 do nguyên đơn bán cho bị đơn là không đảm bảo chất lượng về độ bục dẫn đến Công ty TNHH ML phạt 30.000 USD.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn xác định trước khi xuất hàng đi thì nhân viên Công ty TNHH ML đã cùng với nhân viên của Công ty T2 kiểm tra kỹ thuật lô hàng bao bì ngày 4, 5/9/2014 tại công ty BV Việt Nam vào ngày 12/9/2014. Ngày 15/9/2014, công ty BV Việt Nam có báo cáo kỹ thuật xác định mẫu thử nghiệm không đạt yêu cầu về độ bền chống tõe (tức độ bục của bao bì) chỉ có 240,51 lbs/in2 so với yêu cầu là 275 lbs/in2. Nhưng do đã đến hạn giao hàng nên bị đơn phải lập tờ khai hải quan ngày 16/9/2014 và chuyển hàng lên tàu biển để giao cho Công ty TNHH ML vào ngày 19/9/2014.
Xét Báo cáo kỹ thuật số (9614) 255-0067 ngày 15/9/2014 của BV Việt Nam (bản dịch sang tiếng Việt tại các bút lục số 197, 198 và 199) thể hiện mẫu thùng Các-tông mà bị đơn đã kiểm tra kỹ thuật là thùng hàng các sản phẩm trẻ em của công ty D, còn lô hàng bị đơn xuất theo vận đơn ngày 15/9/2014 (bút lục 208, 209) có sản phẩm là 9 bàn phấn có ngăn kéo. Vì vậy, mẫu thùng Các-tông mà bị đơn gửi cho công ty BV Việt Nam kiểm tra kỹ thuật ngày 15/9/2014 không phải lô hàng bao bì ngày 4, 5/9/2014 nên không có căn cứ để xác định nguyên đơn giao các lô hàng này không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, ngày 15/9/2014 bị đơn đã nhận được kết quả kiểm tra kỹ thuật của công ty D là hàng hóa không đạt chất lượng nhưng bị đơn không cùng với nguyên đơn lập biên bản xác định rõ vi phạm của các bên và xác định thiệt hại mà vẫn lập tờ khai hải quan vào ngày 16/9/2014 và chuyển hàng lên tàu biển vào ngày 19/9/2014 để xuất hàng cho đối tác là không phù hợp với thực tế khách quan và thỏa thuận của các bên về việc trả hàng hóa nếu không đảm bảo chất lượng. Theo Giấy xác nhận khấu trừ (bản dịch của Phòng tư pháp Thủ Dầu Một ngày 29/3/2016 bút lục 436) thể hiện Công ty TNHH ML khấu trừ 30.000 USD ngoài số tiền bồi thường do bao bì hư hỏng còn có việc trừ tiền bổ sung phụ kiện cho khách hàng. Vì vậy, xét lời trình bày của đại diện bị đơn là mâu thuẩn và không phù hợp với chứng cứ do chính bị đơn cung cấp nên kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận.
[4] Về việc giám định hàng hóa: Khi thiệt hại xảy ra, Công ty TNHH ML không tiến hành lập văn bản, chụp hình... ghi nhận số lượng bao bì nào hư hỏng, hiện trạng hư hỏng thế nào và không gửi mẫu bao bì đi giám định nên không có căn cứ để xác định được số lượng, nguyên nhân bao bì bị hư hỏng là do không đảm bảo chất lượng về độ bục hay do các nguyên nhân khác liên quan đến quá trình vận chuyển như bị va đập, bị thấm nước... Tòa án cấp sơ thẩm có trưng cầu Công ty TNHH giám định V1 giám định chất lượng hàng hóa theo Kết quả giám định ngày 09-12-2015 thể hiện độ chịu bục của thùng carton là 208pound/in2. Tuy nhiên, cả đại diện nguyên đơn và đại diện bị đơn đều thừa nhận mẫu thùng Các- tông gửi đi giám định V1 không phải là mẫu do Công ty TNHH ML cho rằng bị thiệt hại. Đại diện bị đơn thừa nhận lô hàng bao bì ngày 4 và 5/9/2014 do nguyên đơn bán thì bị đơn đã dùng để đóng gói sản phẩm và xuất toàn bộ cho Công ty TNHH ML và khi xảy ra thiệt hại thì Công ty TNHH ML không trả về để giám định. Vì vậy, đại diện bị đơn kháng cáo yêu cầu sử dụng kết quả giám định ngày 09-12-2015 là không đảm bảo căn cứ chứng minh hàng hóa không đạt chất lượng do đối tượng giám định không phải là số hàng hóa bao bì Công ty TNHH ML bị thiệt hại.
[5] Tòa án cấp sơ thẩm có thiếu sót trong việc quyết định chi phí ủy thác tư pháp nhưng căn cứ bản án chính số 15/2020/KDTM-ST ngày 28/11/2020, biên bản nghị án ngày 28/11/2020 có thể hiện Hội đồng xét xử đã quyết định chi phí giám định và ủy thác tư pháp ra nước ngoài thì Công ty TNHH I phải nộp số tiền 10.280.000 đồng. Vì vậy, việc đính chính bản án phát hành của cấp sơ thẩm là phù hợp.
[6] Từ những cơ sở nhận định nêu trên, xét kháng cáo bị đơn là không có căn cứ chấp nhận. Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm là có căn cứ chấp nhận.
Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo phải chịu.
Vì các lẽ trên,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào:
- Điều 148, khoản 1 Điều 308, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
I. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 15/2020/KDTM- ST ngày 28/11/2020 của Tòa án nhân dân thị xã U, tỉnh Bình Dương.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Giấy bao bì TP về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa với bị đơn Công ty TNHH I.
Buộc Công ty TNHH I phải thanh toán cho Công ty TNHH Giấy bao bì TP số tiền 262.744.121 đồng (Hai trăm sáu mươi hai triệu bảy trăm bốn mươi bốn nghìn một trăm hai mươi mốt đồng), trong đó tiền nợ gốc 180.735.423 đồng và tiền lãi chậm thanh toán 82.008.698 đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán xong số tiền phải thi hành thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả.
2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH I về việc yêu cầu Công ty TNHH Giấy bao bì TP phải bồi thường số tiền 648.750.000 đồng (Sáu trăm bốn mươi tám triệu năm trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).
3. Về chi phí giám định và ủy thác tư pháp ra nước ngoài: Công ty TNHH I phải nộp số tiền 10.280.000 đồng (Mười triệu hai trăm tám mươi nghìn đồng), khấu trừ vào số tiền tạm ứng chi phí giám định và ủy thác tư pháp ra nước ngoài, đã nộp xong.
4. Về án phí sơ thẩm:
- Công ty TNHH I phải nộp số tiền 43.087.206 đồng (Bốn mươi ba triệu không trăm tám mươi bảy nghìn hai trăm lẻ sáu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm được, khấu trừ vào số tiền 29.950.000 đồng (Hai mươi chín triệu chín trăm năm mười nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2013/05847 ngày 15-6-2015 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã U, tỉnh Bình Dương. Công ty TNHH I còn phải nộp số tiền 13.137.206 đồng (Mười ba triệu một trăm ba mươi bảy nghìn hai trăm lẻ sáu đồng).
- Công ty TNHH Giấy bao bì TP không phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được nhận lại số tiền 4.620.000 (Bốn triệu sáu trăm hai mươi nghìn đồng) đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2013/05656 ngày 16-3-2015 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã U, tỉnh Bình Dương.
II. Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH I phải chịu 2.000.000 đồng, được khấu trừ toàn bộ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0037542 ngày 02/01/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã U, tỉnh Bình Dương.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 28/8/2020./.
File gốc của Bản án 22/2020/KDTM-PT ngày 28/08/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Bình Dương đang được cập nhật.
Bản án 22/2020/KDTM-PT ngày 28/08/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Bình Dương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Số hiệu | 22/2020/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2020-08-28 |
Ngày hiệu lực | 2020-08-28 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |