TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 21/2019/KDTM-PT NGÀY 30/08/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Vào ngày 30 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 25/2019/TLPT-KDTM ngày 10/7/2019 về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2019/KDTM-ST ngày 25/4/2019 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 27/2019/QĐ-PT ngày 21/7/2019, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại B;
Địa chỉ: Đường B1, khu phố B2, phường B3, quận B4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông C, sinh năm 1976. Địa chỉ: đường C1, phường C2, thành phố C3, tỉnh Đồng Nai là người đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 18/01/2019.
2. Bị đơn: Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Inox D; Địa chỉ: khu phố D1, phường D2, thị xã A, tỉnh Bình Dương. Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà D3, sinh năm: 1976.
Địa chỉ: khu phố D1, phường D2, thị xã A, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 20/3/2019.
3. Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại B.
Theo bản án sơ thẩm:
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện ngày 26/02/2019, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông C trình bày:
Vào ngày 28/3/2018, Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại B (sau đây gọi tắt là Công ty B) và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Inox D (sau đây gọi tắt là Công ty D) có thỏa thuận mua bán 02 bồn inox và đến ngày 29/3/2018 thì ký hợp đồng mua bán số 08/2018/HĐMB với nội dung đã thỏa thuận vào ngày 28/3/2018 cụ thể: Công ty B đặt 02 bồn inox có quy cách và chất lượng như sau:
Fi trong 1800mm x 3.0 li, thân 02 khổ 1500mm + 02 chỏm fi 1800mm. Fi ngoài 2000mm, thân 02 khổ 1500mm x 2.0 li + 01 chỏm fi 2000mm Thân trong và thân ngoài đính kết bằng láp Fi 12 (304), khoảng cách 500 x 500.
Tổng giá trị hợp đồng là 286.000.000 đồng (đã bao gồm thuế VAT). Công ty B đã đặt cọc 30% giá trị hợp đồng tương đương 86.000.000 đồng vào 28/3/2018 bằng hình thức chuyển khoản theo ủy nhiệm chi ngày 28/3/2018 của Ngân hàng TMCP E. Theo thỏa thuận tại Điều II của Hợp đồng thì Công ty D phải giao 02 bồn Inox cho Công ty B trong thời hạn 28 ngày kể từ ngày đặt cọc là ngày 28/3/2018, tức là ngày giao hàng xác định là ngày 26/4/2018 nhưng đến ngày 03/5/2018 Công ty D mới giao được 01 bồn inox và giao tại kho của Công ty B.
Tuy nhiên, bồn inox do Công ty D giao không đảm bảo chất lượng, lúc nhận bồn inox đã phát hiện bị móp nên ngay sau đó Công ty B đã trả lại 01 bồn inox này cho Công ty D và Công ty D đã nhận lại. Công ty B đã yêu cầu Công ty D nhận lại hàng sau khi phát hiện bồn inox bị móp nhưng đến ngày 10/7/2018, Công ty D mới qua lấy bồn inox về. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn xác định do bị đơn vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng là không thực hiện nghĩa vụ giao hàng trong thời gian đã thỏa thuận dẫn đến mục đích của Hợp đồng không đạt được, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty B nên Công ty B khởi kiện yêu cầu:
1/ Yêu cầu Tòa án hủy toàn bộ Hợp đồng mua bán số 08/2018/HĐMB đề ngày 29/3/2018, giữa Công ty B và Công ty D do Công ty D vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là không giao hàng trong thời hạn đã thỏa thuận dẫn đến mục đích của hợp đồng không đạt được theo quy định tại Điều 312 của Luật Thương mại năm 2005;
2/ Buộc Công ty D trả cho Công ty B tiền đặt cọc đã nhận 86.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
3/ Buộc Công ty D trả cho Công ty B số tiền tương đương tiền đặt cọc đã nhận 86.000.000 đồng, theo quy định tại khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Tổng cộng yêu cầu thanh toán là 172.000.000 đồng.
Đối với yêu cầu buộc Công ty D bồi thường thiệt hại cho Công ty B trên cơ sở trả tiền lãi lẽ ra sẽ được hưởng nếu gửi vào ngân hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 314 của Luật Thương mại năm 2005 là: 86.000.000 đồng x 8 tháng (tính từ ngày vi phạm ngày 26/4/2018 tạm tính đến ngày 26/12/2018) x 10%/năm = 5.733.000 đồng, tại phiên tòa Công ty B rút phần yêu cầu này. Công ty B không tranh chấp về chất lượng hàng hóa vì hiện nay 02 bồn inox Công ty D đang giữ nên việc tiến hành giám định chất lượng hàng hóa đối với 02 bồn inox này là không đảm bảo tính khách quan nên Công ty B không yêu cầu giám định.
* Quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện hợp pháp của bị đơn là bà D3 trình bày: Thống nhất với trình bày của đại diện nguyên đơn về nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa đã ký kết và số tiền mà Công ty D đã nhận cọc là 86.000.000 đồng. Về việc đại diện nguyên đơn cho rằng bị đơn đã vi phạm hợp đồng, bà D3 không đồng ý. Bà Đài xác định: Theo thỏa thuận tại Điều II của Hợp đồng về thời gian giao hàng là 28 ngày làm việc kể từ ngày Công ty D nhận được khoản tiền đặt cọc của Công ty B. Hết 28 ngày, Công ty D không làm kịp hàng hóa nên có liên lạc trực tiếp với ông F là Giám đốc Công ty B để thỏa thuận về thời gian giao hàng và F đồng ý cho Công ty D giao trước 01 cái bồn inox vào ngày 03/5/2018, cái còn lại sẽ giao vào vài ngày tới nhưng không thỏa thuận cụ thể là ngày nào. Vào ngày 03/5/2018, Công ty Gia Kiệt đã giao cho Công ty B 01 bồn inox tại kho của Công ty B ở Thành phố C3, tỉnh Đồng Nai. Việc giao nhận này có lập biên bản giao nhận hàng. Cái bồn inox thứ nhất giao vào ngày 03/5/2018 là giao đúng thời hạn đã thỏa thuận vì hai bên thỏa thuận thời gian là ngày làm việc. Đối với cái bồn inox thứ hai, khoảng 01 tuần sau kể từ ngày 03/5/2018, Công ty D có liên lạc với Công ty B để giao tiếp bồn inox thứ hai này nhưng phía Công ty B xin hoãn việc nhận bồn vì Công ty B đang xảy ra việc tai nạn lao động dẫn đến chết người đang phải xử lý. Sau đó, Công ty D đã nhiều lần liên lạc để yêu cầu Công ty B đến nhận bồn nhưng Công ty B không đến nhận hàng. Về việc Công ty B cho rằng Công ty D vi phạm chất lượng hàng hóa nên Công ty B đã trả lại bồn thứ nhất cho Công ty D, bà D3 có ý kiến như sau: Sau khi nhận cái bồn thứ nhất, vào thời điểm nhận hàng, bồn inox không bị móp, Công ty B đã nhận hàng và sử dụng đến ngày 09/7/2018, Công ty B mới thông báo cho Công ty D biết bồn inox không đạt yêu cầu với lý do bồn bị móp và yêu cầu Công ty D lấy bồn về sửa. Ngày 10/7/2018, Công ty D đã đến Công ty B để lấy bồn về sửa lại theo yêu cầu của Công ty B. Sau khi đem bồn bị móp về, ông F là Giám đốc Công ty B đã trực tiếp đến Công ty D để thỏa thuận về việc sửa chữa cái bồn theo hướng thay thân bồn 02 ly bằng inox dày 05 ly và đóng thêm một số đinh vào vị trí của bồn nhưng sau khi Công ty D làm bảng chiết tính báo giá phần sửa chữa thì Công ty B không đồng ý làm nữa nên Công ty D chưa tiến hành sửa chữa. Nay, Công ty B cho rằng vào thời điểm giao bồn thứ nhất thì bồn đã bị móp là không đúng, nếu thời điểm nhận hàng, bồn bị móp thì Công ty B đã không nhận hàng. Công ty D xác định lý do bồn bị móp không phải lỗi của Công ty D, vào thời điểm ký hợp đồng và thỏa thuận các thông số kỹ thuật, Công ty B yêu cầu bề dày của thân bồn độ dày chỉ có 02 ly, Công ty D đã cảnh báo nếu thân bồn chỉ dày 02 ly thì quá trình sử dụng áp lực sẽ bị móp. Tuy nhiên, nhân viên kỹ thuật của Công ty B vẫn giữ nguyên các thông số đặt hàng nên Công ty D đã sản xuất bồn theo đúng yêu cầu của Công ty B. Đối với việc đóng đinh thì Công ty D thừa nhận sau khi nhận bồn về sửa thì Công ty D phát hiện một số đinh được đóng không đúng vị trí như đã thỏa thuận, tuy nhiên, Công ty D đã đồng ý lấy về để sửa chữa lại như yêu cầu của Công ty B. Theo thỏa thuận tại Điều III của Hợp đồng hai bên thỏa thuận công ty B sẽ thanh toán 70% giá trị còn lại của Hợp đồng cho Công ty D tương đương 200.000.000 đồng trước khi tiến hành giao nhận hàng hóa và hóa đơn tài chính. Tuy nhiên, do Công ty D mới giao được 01 cái bồn inox vào ngày 03/5/2018 nên chỉ yêu cầu Công ty B thanh toán giá trị 01 cái bồn đã giao nhưng Công ty B không chịu thanh toán. Đối với cái bồn thứ 02 Công ty D đã sản xuất hoàn thiện theo đúng yêu cầu và có gửi email cũng như điện thoại liên lạc nhiều lần để yêu cầu Công ty B đến nghiệm thu trực tiếp tại Công ty D để tiến hành giao bồn. Tuy nhiên, Công ty B hứa cử người đến nhiều lần để nghiệm thu nhưng không ai đến để nghiệm thu nên công ty D không tiến hành giao bồn được. Ngày 28/8/2018, Công ty D đã gửi email thông báo cho Công ty B nội dung nếu đến ngày 05/9/2018 Công ty B không cho người đến Công ty D để nhận hàng thì D sẽ thanh lý hợp đồng, số tiền Công ty B đặt cọc sẽ không còn giá trị thanh toán nữa nhưng phía Công ty B không trả lời. Đến ngày 05/10/2018 nhân viên Công ty B điện thoại nói sẽ lấy cái bồn và Công ty D đã gởi email cho Công ty B yêu cầu thanh toán tiền mới cho lấy bồn. Sau đó, Công ty B không thanh toán thêm tiền và cũng không đến nghiệm thu để nhận bồn.
Trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý vì bị đơn không vi phạm hợp đồng, cái bồn inox thứ nhất đã giao đúng thời hạn, chỉ có cái bồn thứ hai là giao trễ khoảng 01 tuần nhưng việc này Công ty B biết và đồng ý. Nay, Công ty D có ý kiến nếu Công ty B không chịu nhận hàng thì công ty B chịu mất tiền đặt cọc, Công ty D không đồng ý trả lại tiền cọc và không đồng ý bồi thường cọc theo yêu cầu khởi kiện của Công ty B vì hiện nay 02 bồn inox Công ty D đã sản xuất đúng yêu cầu của Công ty B đặt hàng.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2019/KDTM-ST ngày 25/4/2019 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại B đối với Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh doanh Inox D về việc hủy hợp đồng mua bán hàng hóa, yêu cầu trả tiền cọc và phạt cọc với tổng số tiền 172.000.000 đồng.
2. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại B về việc buộc Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh doanh Inox D bồi thường thiệt hại số tiền 5.733.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 06/5/2019, nguyên đơn Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại B nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:
- Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án bị kháng cáo: Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ mới nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các đương sự trình bày ý kiến và Kiểm sát viên phát biểu quan điểm; sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về nội dung vụ án:
Ngày 28/3/2018, Công ty B có thỏa thuận miệng giao kết hợp đồng mua 02 bồn inox của Công ty D với giá 286.000.000 đồng, theo đó Công ty D cung cấp quy cách kỹ thuật và chất lượng như sau:
Fi trong 1800mm x 3.0 li, thân 02 khổ 1500mm + 02 chỏm fi 1800mm. Fi ngoài 2000mm, thân 02 khổ 1500mm x 2.0 li + 01 chỏm fi 2000mm. Thân trong và thân ngoài đính kết bằng láp Fi 12 (304), khoảng cách 500 x 500.
Cùng ngày 28/3/2018, Công ty B đã thanh toán trước cho Công ty D là 86.000.000 đồng tương đương 30% giá trị hợp đồng bằng hình thức chuyển khoản. Ngày 29/3/2018, hai bên ký kết hợp đồng mua bán số 08/2018/HĐMB với nội dung như đã thỏa thuận ngày 28/3/2018. Trong hợp đồng, ngoài các điều khoản về giá trị hợp đồng, phương thức thanh toán, trách nhiệm của hai bên, Công ty D và Công ty B còn thỏa thuận thời gian giao nhận hàng hóa là 28 ngày làm việc kể từ ngày Công ty D nhận được khoản tiền đặt cọc của Công ty B và địa điểm giao hàng tại kho của Công ty D. Ngày 03/5/2018, Công ty D giao 01 bồn inox cho Công ty B tại kho của Công ty B ở thành phố C3, tỉnh Đồng Nai. Đối với 01 bồn inox còn lại Công ty D chưa hoàn thành nên chưa giao. Công ty B cho rằng sau khi nhận bồn inox thứ nhất thì phát hiện bồn bị móp là không đảm bảo chất lượng nên đã yêu cầu trả lại ngay cho Công ty D nhưng đến ngày 10/7/2018 Công ty D mới nhận bồn về, Công ty B chưa sử dụng bồn inox này.
Công ty B xác định, Công ty D đã vi phạm nghĩa vụ cơ bản về thời gian giao hàng dẫn đến mục đích của hợp đồng không đạt được nên Công ty B khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng; buộc Công ty D trả tiền cọc đã nhận 86.000.000 đồng, bồi thường cọc với số tiền 86.000.000 đồng và tiền lãi tính đến ngày 26/4/2018 là 5.733.000 đồng.
Bị đơn cho rằng bị đơn không vi phạm hợp đồng, bồn inox thứ nhất đã giao đúng thời hạn, chỉ có bồn thứ hai là giao trễ khoảng 01 tuần nhưng việc này Công ty B biết và đồng ý. Nếu Công ty B không chịu nhận hàng thì công ty B mất tiền đặt cọc, Công ty D không đồng ý trả lại tiền cọc và không đồng ý bồi thường cọc theo yêu cầu khởi kiện của Công ty B vì hiện nay 02 bồn inox Công ty D đã sản xuất đúng yêu cầu của Công ty B đặt hàng.
[2] Xem xét yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn thấy rằng:
[2.1] Nguyên đơn kháng cáo về thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm:
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án hủy bản án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm không thực hiện thủ tục công khai chứng cứ đối với phiếu giao hàng số 4529 ngày 03/5/2018 và không tiến hành đối chất để xác định người nhận hàng theo thông tin thể hiện tại phiếu giao hàng là ai vì Công ty B không thừa nhận có nhận hàng của Công ty D.
[2.1.1] Xét ý kiến của nguyên đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm không đối chất để xác định việc giao nhận hàng, thấy rằng: Trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đều xác định ngày 03/5/2018 Công ty D sản xuất xong 01 cái bồn và giao hàng, cụ thể tại trang 2 của đơn khởi kiện (bút lục số 02), tại trang 1 của bản tự khai ngày 21/3/2019 (bút lục số 52), tại trang 1 biên bản lấy lời khai ngày 02/4/2019 (bút lục số 50) và tại biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 25/4/2019. Đồng thời, lời trình bày của bị đơn thống nhất với trình bày của nguyên đơn về thời gian giao hàng nêu trên. Mặt khác, theo thỏa thuận tại Điều II của hợp đồng thì khi giao hàng Bên A (Công ty B) cung cấp biên bản (phiếu) giao hàng. Do đó, việc Công ty D có giao nộp Phiếu giao hàng ngày 03/5/2018 là phù hợp với thỏa thuận trên của hợp đồng, phù hợp với trình bày của nguyên đơn trong quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm. Theo quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án tiến hành đối chất khi đương sự có yêu cầu hoặc có mâu thuẫn trong lời khai. Các đương sự không yêu cầu Tòa án tiến hành đối chất, lời khai của nguyên đơn và bị đơn là không có mâu thuẫn nên không thuộc trường hợp Tòa án phải tiến hành đối chất theo quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2.1.2] Xét ý kiến của nguyên đơn về việc Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành công khai chứng cứ đối với phiếu giao hàng số 4529 ngày 03/5/2018 thấy rằng, phiếu giao hàng nêu trên do Công ty D giao nộp cho Tòa án vào hồi 14 giờ 00 và kết thúc 14 giờ 10 phút cùng ngày 02/4/2019 (bút lục 83), các bên đương sự không cung cấp “Biên bản giao nhận ngày 03/5/2018”. Việc giao nộp tài liệu chứng cứ được thực hiện trước thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ vào lúc 16 giờ 00 phút đến 16 giờ 30 phút ngày 02/4/2019. Tại biên bản phiên họp nguyên đơn trình bày “đối với tài liệu chứng cứ do bị đơn cung cấp tôi đã được tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ nội dung” và ký tên (bút lục số 86 đến 89). Như vậy, đủ căn cứ xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy thủ tục công khai chứng cứ theo quy định pháp luật. Mặc dù, biên bản không liệt kê “phiếu giao hàng” nhưng có liệt kê “Biên bản giao nhận ngày 03/5/2018” thời gian tại biên bản trùng khớp với thời gian thực hiện giao nhận hàng theo phân tích tại mục [2.1.1] nên nội dung biên bản có sự nhầm lẫn trong quá trình Tòa án cấp sơ thẩm soạn thảo biên bản nhưng không làm thay đổi bản chất thực hiện hợp đồng giữa hai bên.
[2.2] Xem xét các yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về phần nội dung vụ án thấy rằng:
[2.2.1] Nguyên đơn rút yêu cầu về việc buộc Công ty D bồi thường thiệt hại số tiền 5.733.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này là đúng quy định.
[2.2.2] Các bên đương sự thống nhất những nội dung sau đây:
Về việc giao kết và thực hiện hợp đồng: Giữa Công ty B với Công ty D ký kết Hợp đồng mua bán số 08/2018/HĐMB ngày 29/3/2018, theo đó Công ty D bán cho Công ty B 02 bồn inox có quy cách và chất lượng như sau:
Fi trong 1800mm x 3.0 li, thân 02 khổ 1500mm + 02 chỏm fi 1800mm. Fi ngoài 2000mm, thân 02 khổ 1500mm x 2.0 li + 01 chỏm fi 2000mm.
Thân trong và thân ngoài đính kết bằng láp Fi 12 (304), khoảng cách 500 x 500.
Đơn giá 130.000.000 đồng/cái, tổng giá trị hợp đồng là 286.000.000 đồng (đã bao gồm thuế VAT).
Về số tiền thanh toán: Công ty B đã đặt cọc số tiền 86.000.000 đồng, đồng thời xác định số tiền đặt cọc trên được trừ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán đợt 1 tương đương 30% giá trị hợp đồng của Công ty B đối với Công ty D.
Về thời hạn giao hàng là: 28 ngày làm việc kể từ ngày Công ty D nhận được khoản tiền đặt cọc của Công ty B.
Những nội dung các đương sự thống nhất là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2.2.3] Quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn xác định nguyên đơn không tranh chấp về chất lượng hàng hóa mà xác định lý do yêu cầu hủy bỏ hợp đồng là do bị đơn vi phạm thời gian giao hàng nên Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm không xem xét và nhận định về chất lượng hàng hóa là đúng.
[2.2.4] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy hợp đồng do bị đơn vi phạm nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng thấy rằng: Tại Điều II của Hợp đồng mua bán số 08/2018/HĐMB ngày 29/3/2018 đã ký kết hai bên thỏa thuận về thời hạn giao hàng là: “28 ngày làm việc kể từ ngày Bên A nhận được khoản tiền đặt cọc của Bên B”. Công ty B đặt cọc cho Công ty D số tiền 86.000.000 đồng bằng hình thức ủy nhiệm chi vào ngày 28/3/2018. Tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự quy định: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”, theo quy định trên, ngày xác định là ngày 28/3/2018 (Công ty B đặt cọc) do đó, thời hạn được tính từ ngày 29/3/2018.
Như vậy, tính từ ngày 29/3/2018 (ngày bắt đầu tính thời hạn) đến ngày 03/5/2018 (ngày Công ty D giao 01 bồn Inox cho Công ty B) là 36 ngày. Hai bên thỏa thuận thời hạn là ngày làm việc nên thời hạn giao hàng phải trừ đi ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể: 36 ngày – {03 ngày nghỉ lễ [giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch (25/4/2018 dương lịch); giải phóng Miền Nam ngày 30/4 và Quốc tế lao động ngày 01/5] + 05 ngày chủ nhật hàng tuần} = 28 ngày, đối chiếu với thời hạn đã thỏa thuận thì thấy rằng nguyên đơn đã giao hàng trong hạn. Mặc dù đã giao hàng trong hạn nhưng Công ty D chỉ giao cho Công ty B 01 bồn inox nên Công ty D đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng về số lượng. Theo quy định tại Điều 298 Luật Thương mại thì Công ty B có thể gia hạn cho Công ty D thời gian hợp lý để giao 01 bồn inox còn thiếu. Công ty D cho rằng có thỏa thuận với Công ty B về việc gia hạn thực hiện hợp đồng nhưng Công ty D không chứng minh được có sự thỏa thuận nêu trên. Luật Thương mại không quy định về trách nhiệm của bên giao hàng không đúng số lượng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được về việc gia hạn thực hiện hợp đồng. Do đó, áp dụng khoản 2 Điều 437 Bộ luật Dân sự quy định về việc bên bán giao hàng ít hơn số lượng thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
a) Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu;
b) Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại;
c) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc vi phạm làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại là phù hợp với điểm c khoản 2 Điều 437 Bộ luật Dân sự nên có căn cứ chấp nhận.
[2.2.5] Về hậu quả của việc hủy hợp đồng: Căn cứ khoản 2 Điều 314 Luật Thương mại quy định các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Công ty B đã thực hiện nghĩa vụ đặt cọc số tiền 86.000.000 đồng nên Công ty B yêu cầu Công ty D hoàn trả tiền đặt cọc đã nhận 86.000.000 đồng là có cơ sở chấp nhận.
Đối với 01 bồn inox Công ty D giao cho Công ty B nhưng Công ty Công ty D thừa nhận đã nhận lại hàng hóa và Công ty D không có bất kỳ yêu cầu phản tố nào nên Công ty B không phát sinh nghĩa vụ hoàn trả đối với Công ty D.
[2.2.6] Về bồi thường thiệt hại: Công ty B yêu cầu Công ty D bồi thường thiệt hại với số tiền 86.000.000 đồng (tương đương tiền đặt cọc đã nhận) theo quy định tại khoản 2 điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015, là không phù hợp. Bởi lẽ, theo phân tích tại mục [2.2.4] thì Công ty D chỉ giao thiếu số lượng hàng chứ Công ty D không từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng nên không thể áp dụng hình thức phạt cọc theo quy định tại khoản 2 điều 328 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với Công ty D. Công ty D vi phạm về việc giao thiếu số lượng hàng nên “giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm” (khoản 2 Điều 302 luật Thương mại), nhưng Công ty B không chứng minh được thiệt hại thực tế; đồng thời Công ty B đã rút yêu cầu đối với khoản lãi suất của số tiền Công ty B đã giao cho Công ty D ngày 28/3/2018 nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu bồi thường của Công ty B.
[3] Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “Tuy Công ty D không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc Công ty B đồng ý cho Công ty D giao tiếp 01 bồn inox còn lại vào 01 tuần sau đó nhưng thực tế Công ty B đã đồng ý việc giao hàng thiếu này nên mới nhận 01 bồn inox vào ngày 03/5/2018 mặc dù Công ty B được quyền từ chối nhận hàng” và “xác định nguyên đơn đã lựa chọn nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu mà không lựa chọn quyền lựa chọn hủy bỏ hợp đồng vào thời điểm nhận hàng. Đồng thời, việc nhận phần đã giao thể hiện mục đích giao kết hợp đồng đã đạt được” để bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp với những quy định đã phân tích tại các mục [2.2.4], [2.2.5] và [2.2.6].
[4] Từ những phân tích nêu trên, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn: Sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy hợp đồng và buộc bị đơn hoàn trả tiền nguyên đơn đã đặt cọc; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc. Theo đó, các đương sự phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo qui định của pháp luật.
[5] Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm là chưa hoàn toàn phù hợp.
[6] Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải nộp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ Điều 92, Điều 96, Điều 147, Khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Điều 147, Điều 328, Điều 357, Điều 437 và Điều 468 Bộ luật Dân sự;
- Điều 104 và Điều 115 Bộ luật Lao động;
- Điều 24, Điều 37, Điều 56, Điều 300, Điều 302, Điều 312, Điều 314 Luật Thương mại;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại B.
2. Sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 05/2019/KDTM-ST ngày 25/4/2019 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương như sau:
2.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại B đối với Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh doanh Inox D:
2.1.1. Hủy hợp đồng mua bán hàng hóa số 08/2018/HĐMB ngày 29/3/2018 được ký kết giữa Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại B và Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh doanh Inox D.
2.1.2. Buộc Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh doanh Inox D hoàn trả cho Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại B số tiền 86.000.000 đồng.
Kể từ ngày Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại B có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong nếu Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh doanh Inox D không thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
2.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại B đối với Công ty TNHH Sản Xuất và Kinh doanh Inox D về việc phạt cọc với tổng số tiền 86.000.000 đồng.
2.3. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Sản - Thương mại B về việc buộc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Inox D bồi thường thiệt hại số tiền 5.733.000 đồng.
2.4. Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:
2.4.1. Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại B phải chịu 4.300.000 đồng được khấu trừ 2.594.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0028181 ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã A, tỉnh Bình Dương. Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại B còn phải nộp 1.706.000 đồng tiền chênh lệch.
2.4.2. Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Inox D phải chịu 4.300.000 đồng.
3. Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm: Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại B không phải chịu. Hoàn trả cho Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại B số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0028513 ngày 06/5/2019 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã A.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
File gốc của Bản án 21/2019/KDTM-PT ngày 30/08/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Bình Dương đang được cập nhật.
Bản án 21/2019/KDTM-PT ngày 30/08/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Bình Dương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Số hiệu | 21/2019/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2019-08-30 |
Ngày hiệu lực | 2019-08-30 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |