TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 157/2020/KDTM-PT NGÀY 01/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong ngày 01/9/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 112/2020/KTPT ngày 28/04/2020 về việc tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 08/01/2020 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 435/2020/QĐXX-PT ngày 07/8/2020, giữa:
Nguyên đơn: Công ty cổ phần vật tư NS (A...)
Trụ sở: số .... phố NTT, phường VM, quận ĐĐ, TP Hà Nội; Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Tiến D- Tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: ông Chu Tiến V, ông Lê Anh L, ông Nguyễn Thanh S và ông Trần Minh T (các Văn bản ủy quyền số 198 ngày 01/7/2019 và số 243/VTNS/GUQ-KTTC ngày 25/8/2020) (ông V, ông L, ông S, ông T có mặt tại phiên tòa).
Bị đơn: Tổng công ty bảo hiểm QĐ (M....)
Trụ sở: ...., tòa nhà M , số phố TS , phường NTS, quận ĐĐ, TP HN; Người đại diện theo pháp luật: ông Uông Đông H- Chủ tịch HĐQT; Người đại diện theo ủy quyền: ông Lê Như H, bà Nguyễn Thị Hương L và ông Hoàng Khắc K (theo Văn bản ủy quyền số 353/2020/GUQ- MIC ngày 21/02/2020 và số 1080/2020/GUQ- MIC ngày 06/5/2020) (bà L và ông K có mặt tại phiên tòa) (ông H vắng mặt tại phiên tòa).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Hoàng Hải- Văn phòng Luật sư NG Hoàng Hải và Cộng sự (trụ sở số 37, BT 3, Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội (ông Hải có mặt tại phiên tòa).
Người giám định. Công ty cổ phần giám định PB (N....)
Trụ sở: …………… phố PXL, quận BT, TP HCM; Người đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Đức H- Giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: ông Phan Thanh H- Trưởng phòng giám định (ông H có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Công ty cổ phần vật tư N (A...) trình bày:
Công ty cổ phần Vật tư NS (sau đây gọi tắt là nguyên đơn) đã mua bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt của Công ty bảo hiểm M.... Hà Nội thuộc Tổng công ty bảo hiểm QĐ (sau đây gọi tắt là bị đơn) theo các Giấy chứng nhận bảo hiểm số 5569/17/HĐ- TS.1.1/015-TSKT ngày 27/7/2017 và số 7698/17/HD-TS.1.1.015-TSKT ngày 13/10/2017, cho các rủi ro thuộc nhóm “A” (hỏa hoạn, sét đánh trực tiếp, nổ), nhóm “B” (nổ) và nhóm “H” (giông, bão, lụt) đối với hàng hóa là phân bón các loại tại các kho hàng của nguyên đơn tại HP, BĐ, TP HCM (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận bảo hiểm số 5569 và Giấy chứng nhận bảo hiểm số 7698). Tổng giá trị hàng hóa được bảo hiểm là 325.944.095.500 đồng.
Tối ngày 14/10/2017, hàng hóa trong kho hàng HĐ tại địa chỉ...., HBC, xã TK, huyện BC, TP HCM là hàng hóa được bảo hiểm bị ướt.
Ngày 16/10/2017, đại diện các bên gồm nguyên đơn, bị đơn và đơn vị cho thuê kho là Công ty cổ phần kho vận MN (sau đây gọi là Tổng kho S...) đã tiến hành giám định, xác định thiệt hại, cụ thể như sau:
STT | Hàng hóa | Tổn thất 100% không phục hồi được (tấn) | Ẩm ướt, thẩm thấu từ các lớp dưới (tấn) | Cộng (tấn) |
1 | Phân kali | 1.342,65 | 1.342,65 | 2.685,3 |
2 | Phân DAP | 152,1 | 76,05 | 228,15 |
3 | Phân URE | 35,7 | 17,85 | 53,55 |
4 | Tổng | 1.530,45 | 1.436,55 | 2.967 |
Đối với hàng hóa bị ảnh hưởng do ẩm ướt, thẩm thấu từ các lớp dưới sẽ được thẩm định bởi các bên liên quan để đưa ra giảm giá trị thương mại.
Sau khi có kết quả giám định, bị đơn đã từ chối bồi thường tổn thất hàng hóa với lý do là do lưu lượng nước mưa lớn, kéo dài dẫn đến hiện tượng nước dâng lên từ ngoài đường nội bộ vào trong nền kho thông qua cửa chính, kết hợp với nước ngấm vào đất đùn lên từ nền kho tại khu vực chứa hàng gây ngập hàng hóa trong kho, thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm quy định tại mục 4, điều khoản H của Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt ban hành kèm theo Quyết định số 112/2016/QĐ-MIC ngày 01/01/2016 của bị đơn; thời điểm xảy ra tổn thất đối với hàng hóa là từ ngày 12/10/2017 trong khi nguyên đơn tham gia bảo hiểm Hợp đồng số 7698/HĐ-TS.1.1/015-TSKT ngày 13/10/2017 khi tổn thất đã xảy ra.
Nguyên đơn có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại về hàng hóa của nguyên đơn tại kho HĐ xảy ra do ngập lụt cục bộ vào ngày 14/10/2017, số tiền là 19.070.445.000 đồng.
Ngày 03/10/2019, nguyên đơn có đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án buộc bị đơn ngoài thanh toán số tiền bồi thường thiệt hại về hàng hóa nêu trên, bị đơn còn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi chậm thanh toán đối với số tiền bồi thường tính từ ngày 01/4/2019 tạm tính đến ngày 15/10/2019 với số tiền là 1.318.995.000 đồng.
Bị đơn Tổng công ty bảo hiểm Quân đội do người đại diện hợp pháp trình bày:
Bị đơn không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi thời điểm xảy ra tổn thất từ ngày 12/10/2017, nguyên đơn tham gia bảo hiểm theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số 7698 ngày 13/10/2017 khi tổn thất đã xảy ra.
Theo Biên bản giám định ngày 16/10/2017 của nguyên đơn, bị đơn và Tổng kho Sotrans thì nguyên nhân tổn thất được xác định là do lưu lượng nước mưa lớn kéo dài dẫn đến hiện tượng nước dâng lên từ ngoài đường nội bộ vào trong nền kho thông qua cửa chính gây ra ngập hàng hóa trong kho. Mái vách của nhà kho không có dấu hiệu bị phá vỡ hay bung rách do mưa, giông tác động. Nước tràn vào kho hoàn toàn là do khe hở có sẵn của cửa chính.
Căn cứ vào thông tin khí tượng thủy văn và thực tế giám định hiện trường, tổn thất là do mưa lớn gây ngập úng. Đối chiếu các quy định của các Giấy chứng nhận bảo hiểm số 7698 và số 5569 thì tổn thất đối với hàng hóa của nguyên đơn do nước mưa xâm nhập vào bên trong nhà kho thông qua lỗ hổng có sẵn (khe hở có sẵn từ cửa chính) xảy ra tại kho hàng của nguyên đơn do ngập úng và tổn thất không phải được tạo thành do tác động của giông, bão sẽ bị loại trừ.
Tổn thất ngập hàng hóa kho phân bón từ các ngày 12 đến 14/10/2017 tại kho HĐ C....HBC, xã TK, BC, TP HCM không thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo các Giấy chứng nhận bảo hiểm số 7698 và số 5569.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 08/01/2019 của Tòa án nhân dân Đống Đa đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về việc “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
2. Buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền bảo hiểm là 19.070.445.000 đồng, tiền lãi chậm trả đến ngày xét xử sơ thẩm là 980.813.015 đồng. Tổng số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 20.051.258.051 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, bị đơn còn phải tiếp tục chịu lãi của số tiền bảo hiểm cho đến khi trả xong số tiền bảo hiểm theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Không đồng ý với Bản án sơ thẩm nêu trên bị đơn kháng cáo toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 08/01/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm:
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày tại tòa án cấp sơ thẩm Nguyên nhân gây ra tổn thất đối với hàng hóa do lưu lượng nước mưa lớn kéo dài dẫn đến hiện tượng nước dâng lên từ ngoài đường nội bộ vào trong nền kho thông qua cửa chính, kết hợp với nước ngấm vào đất đùn lên từ nền kho tại khu vực chứa hàng gây ngập hàng hóa trong kho, thuộc trường hợp loại trừ theo quy định mục 4 điều khoản H của Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt ban hành theo Quyết định số 112/2016/QĐ-MIC ngày 01/01/2016 của bị đơn.
Thời điểm xảy ra tổn thất là từ ngày 12/10/2017 nhưng ngày 13/10/2017 nguyên đơn mới tham gia Hợp đồng bảo hiểm số 7698.
Tại thời điểm ngày 12/10/2017, tại Kho HĐ đã bị nước từ bên ngoài tràn vào trong kho và bị ngập hàng hóa. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào các tài liệu mà nguyên đơn cung cấp nên đã không xác định được hàng hóa đã bị tổn thất trước khi mua bảo hiểm.
Nguyên đơn đã có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường: theo tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra hình sự các Tổ chức sự nghiệp, Bộ Quốc phòng (sau đây viết tắt là Cơ quan điều tra) cung cấp thì vào thời điểm ngày 12/7/2017, hàng hóa của nguyên đơn và của các Công ty khác tại kho HĐ đã tổn thất. Do vậy, nguyên đơn đã vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin được quy định tại Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong trường hợp này Hợp đồng bảo hiểm là vô hiệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh Bảo hiểm là tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
Tổng kho Sotrans đã cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để tạo điều kiện cho nguyên đơn đòi bồi thường.
Kết quả giám định của Công ty CP giám định PB (sau đây gọi là N ) do nguyên đơn chỉ định được thực hiện sau gần 01 năm kể từ khi xảy ra tổn thất là không có giá trị pháp lý.
Đồng thời, kết quả giám định nêu trên không gửi cho bị đơn nên không có giá trị đối với bị đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 262 Luật Thương mại.
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, bị đơn không được cung cấp toàn bộ kết quả giám định nêu trên nên chưa thể có ý kiến về mức độ tổn thất. Nhưng Bản án sơ thẩm cho rằng bị đơn đã thừa nhận là không đúng. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không đúng quy định pháp luật, bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Các tài liệu, chứng cứ Tòa án cấp phúc thẩm thu thập:
Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ tại Cơ quan điều tra, các văn bản lấy lời khai của người làm chứng là Công ty TNHH MTV Sotrans Logistics và ông Nguyễn Đức Dự, Trưởng kho của Công ty TNHH MTV Sotrans Logistics để làm rõ các tình tiết của vụ án, theo các tài liệu chứng cứ Tòa án cấp phúc thẩm thu thập được thể hiện:
Công ty TNHH MTV Sotrans Logistics cho biết tại kho HĐ từ vào các ngày từ 12 đến 15/10/2017 đã xảy ra hiện tượng mưa lớn, đặc biệt là lượng mưa liên tục kéo dài từ đêm 13/10/2017 đến hết ngày 14/10/2017 cùng với quá trình nước thủy triều dâng cao đã hình thành sự cố ngập lụt làm ướt phần lớn hàng hóa của các khách hàng gửi kho tại đây, trong đó có hàng phân bón của nguyên đơn. Cụ thể là ngày 12/10/2017 trời đổ mưa, theo báo cáo của thủ kho thì sau trận mưa lớn vào đêm ngày 12/10/2017, nước mưa đường thoát nước (cạnh tường kho) có hiện tượng chảy vào nền kho, ngấm vào chân các cây hàng xếp gần tường, làm ướt nhẹ một số bao hàng phân bón lớp dưới cùng của một số khách hàng xếp ở vị trí đó. Khi nhận được tin báo kho đã chỉ đạo kiểm tra toàn bộ các hàng hóa trong kho, đồng thời cho thông đường thoát nước, đào hố cạnh tường kho bên đường thoát nước trong kho để thu nước và bơm nước ra ngoài để phòng sự cố xảy ra nếu tiếp tục mưa lớn. Tại thời điểm này bên dưới chân một số cây hàng xếp cạnh tường kho phía bên ngoài (hàng của các khách hàng khác) bị ướt nhẹ, hầu hết các cây hàng bên trong kho không bị ảnh hưởng gì. Toàn bộ các cây hàng của nguyên đơn được xếp phía gần giữa kho nên vẫn còn khô ráo nguyên.
Đến ngày 13 và 14/10/2017, mưa lớn tiếp tục đổ xuống cùng chiều cường các sông khu vực TP Hồ Chí Minh làm nước dâng lên cục bộ gây ngập lụt tại một số khu vực, trong đó có kho Hưng Điền. Ngày 14/10/2017, nước dâng lên tại khu vực mỗi lúc một cao hơn, tràn dần vào kho, Công ty đã chỉ đạo nhân viên kho HĐ tiếp tục sử dụng máy bơm và đắp bờ cửa kho nhưng không mang lại hiệu quả. Đến khoảng 10 giờ ngày 14/10/2017, nước bắt đầu tràn dần vào kho và loang dần qua chân các cây hàng phía ngoài giáp tường, tiến vào bên trong khu vực giữa kho làm ướt nhiều cây hàng trong đó có hàng của nguyên đơn. Ngay khi sự cố xảy ra Công ty đã báo cho các khách hàng cũng như các đơn vị liên quan biết.
Trong đợt ngập lự bị nước tràn vào kho lần này, hầu hết các cây hàng lần lượt bị ướt, tuy nhiên có một số cây hàng khác vẫn không bị ảnh hưởng trong đó có cây hàng phân lân Lào Cai của nguyên đơn. Thực tế đã được các bên xác nhận bằng biên bản hiện trường đã lập ngày 16/10/2017 cũng như trong quá trình làm việc với các cơ quan chức năng khác.
Ông Nguyễn Đức Dự là Trưởng kho của Công ty TNHH MTV Sotrans Logistics cho biết: trước năm 2019 ông là thủ kho của Công ty cổ phần kho vận MN tại kho Hưng Điền, kho có chứa các mặt hàng của nguyên đơn. Vào các ngày từ 12 đến 15/10/2017, tại khu vực kho do ông phụ trách đã xảy ra hiện tượng mưa lớn, đặc biệt là lượng mưa liên tục, kéo dài từ đêm ngày 13 đến hết ngày 14/10/2017 cùng với quá trình nước thủy triều dâng cao đã hình thành sự cố ngập lụt cục bộ tại một số nơi thuộc khu vực xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ngoài lượng hàng của nguyên đơn gửi trong kho này còn có hàng gửi của một số khách hàng khác.
Vào ngày 12/10/2017, trời bắt đầu đổ mưa, sau trận mua lớn vào đêm ngày 12/10/2017, một ít nước từ đường thoát nước cạnh tường kho có hiện tượng chảy ngấm vào chân cây hàng xếp gần tường kho (cây hàng phía ngoài) làm ướt nhẹ một số bao hàng phân bón lớp cuối của một số khách hàng khác xếp ở vị trí ngoài. Công ty đã tìm mọi biện pháp khắc phục, bơm nước mưa ra ngoài tránh sự cố xảy ra nếu tiếp tục có mưa lớn. Tại thời điểm này, chỉ có chân một số cây hàng xếp phía ngoài (cạnh tường kho) của các khách hàng khác bị ướt nhẹ, hầu hết các cây hàng bên trong kho vẫn còn khô ráo, trong đó toàn bộ các cây hàng của nguyên đơn được xếp phía trong nên còn khô ráo nguyên, không bị ảnh hưởng.
Đêm ngày 13 và cả ngày 14/10/2017, mưa lớn tiếp tục đổ xuống, nước sông dâng lên cao gây ngập lụt tại một số khu vực, trong đó có khu vực Công ty ông quản lý. Công ty tiếp tục sử dụng máy bơm và đắp bờ cửa kho cao lên nhưng không mang lại hiệu quả. Đến khoảng 20 giờ ngày 14/10/2017, nước bắt đầu tràn dần vào trong kho và loang dần qua chân các cây hàng phía ngoài giáp tường, tiến vào bên trong khu vực giữa kho làm ướt nhiều cây hàng, trong đó có hàng của nguyên đơn. Ông đã kịp thời báo cáo lãnh đạo Công ty và thông báo cho khách hàng cũng như các đơn vị liên quan biết về sự cố này.
Kho HĐ tại C16/6A Huỳnh Bá Chánh từ trước đến nay chưa từng bị ngập lụt và là kho lớn nhất, được xây dựng và khai thác từ lâu nên mặt nền kho không còn được bằng phẳng. Mặc dù bị nước ngập lụt tràn vào làm ướt nhiều cây hàng để trong kho nhưng một vài cây hàng khác vẫn còn khô, không bị ướt, trong đó có cả cây hàng Lân Lào Cai của nguyên đơn vẫn khô, không bị ướt.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn có kháng cáo và Luật sư trình bày: nguyên đơn mua bảo hiểm khi sự kiện thiên tai đã xảy ra, như vậy là nguyên đơn không trung thực khi mua bảo hiểm. Điều này thể hiện tại các tài liệu được thu thập tại Cơ quan điều tra thu thập thì từ 19 giờ ngày 12/10/2017 kho HĐ đã bị ngập nước và đã có một số chủ hàng khai báo bảo hiểm. Ngày 13/10/2017, nguyên đơn mới mua bảo hiểm, như vậy Hợp đồng bảo hiểm đã bị vô hiệu ngay từ đầu nên không phát sinh hiệu lực theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Công ty kho vận MN và ông Nguyễn Đức Dự đã khai báo không trung thực để có lợi cho nguyên đơn trục lợi bảo hiểm. Các Công ty khác cũng có hàng gửi ở kho Hưng Điền đều khai bị ngập vào ngày 12/10/2017 và có yêu bảo hiểm bồi thường thiệt hại như Vinacam và Công ty cổ phần phân bón Long Việt,...
Bản án sơ thẩm chỉ dựa vào Bản giám định của N mà không xác định được lô hàng bị hỏng có phải là hàng của nguyên đơn hay không và thời điểm ngập nước là khi nào nên không đủ căn cứ để bồi thường bảo hiểm. Ngoài ra, trong đơn đề nghị mua bảo hiểm của nguyên đơn không đóng dấu nên không hợp lệ. Từ những phân tích trên, bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm và giao về cho Tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.
Bị đơn cho rằng sau khi nhận được thông báo của nguyên đơn vào ngày 15/10/2017 về hàng hóa của nguyên đơn gửi tại kho HĐ bị ngập nước. Ngày 16/10/2017, nguyên đơn, bị đơn và Công ty kho vận MN đã có Biên bản giám định hàng hóa của bị đơn nhưng chỉ dựa vào Báo cáo của nguyên đơn và Công ty kho vận MN về số lượng hàng hóa là phân bón của nguyên đơn tại ba khu vực bị thiệt hại. Chỉ kiểm tra trên lời khai của nguyên đơn, sau đó bị đơn xét thấy rằng trường hợp của nguyên đơn không thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại bảo hiểm nên bị đơn không yêu cầu Công ty giám định khác để giám định thiệt hại. N là đơn vị giám định được nguyên đơn thuê sau gần 1 năm kể từ khi xảy ra sự kiện bảo hiểm nên không đáng tin cậy.
Trước khi bán bảo hiểm cho nguyên đơn, bị đơn không kiểm tra thực trạng hàng hóa của nguyên đơn, thời tiết lúc bấy giờ vì theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì nguyên đơn phải khai báo trung thực tình hình thời tiết và hàng hóa mua bảo hiểm của mình.
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: nguyên đơn đã cung cấp thông tin về dự báo thời tiết cho Tòa án, trong các ngày từ 12 đến 15/10/2017 tại địa bàn TP Hồ Chí Minh có mưa to tại nhiều khu vực. Điều này đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nên không thể nói nguyên đơn che dấu thông tin về mưa, bão và lụt lội.
Còn về hàng hóa của nguyên đơn bị thiệt hại vào thời điểm nào và nguyên nhân gây ra thiệt hại đã được xác định tại Biên bản giám định vào ngày 16/10/2017 do chính bị đơn tổ chức giám định cùng có mặt nguyên đơn và Công ty kho vận MN là đơn vị quản lý kho hàng của nguyên đơn (và nhiều đơn vị khác gửi hàng tại kho này).
Về thời điểm xảy ra thiệt hại hàng của nguyên đơn đã có Công ty kho vận MN và ông Nguyễn Đức Dự là thủ kho trực tiếp xác nhận thời điểm kho bị ngập nước bắt đầu từ 19 giờ ngày 12/10/2017 nhưng ban đầu chỉ do vỡ ống thoát nước và những kệ hàng bên ngoài của các đơn vị khác như Vinacam bị thiệt hại nhẹ. Sang đêm ngày 14/10/2017, khi đó xảy ra mưa lớn và nước ở sông ngòi dâng lên cao và tràn vào các khe của của kho HĐ và gây thiệt hại. Điều này đã có nhân chứng xác nhận, bị đơn chỉ đưa ra thông tin là hàng của các đơn vị khác bị thiệt hại vào các ngày 12 và 13/10/2017, nhưng không có căn cứ xác thực là hàng hóa của nguyên đơn bị thiệt hại vào thời điểm cụ thể nào. Nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
Hợp đồng bảo hiểm là văn bản thỏa thuận của nguyên đơn và bị đơn, xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên, không vi phạm pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Sự kiện bảo hiểm của nguyên đơn không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường.
Về thiệt hại của nguyên đơn được xác định dựa trên các tài liệu chứng cứ đã cung cấp cho Tòa án, Biên bản giám định ba bên ngày 16/10/2017, Biên bản giám định của N nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và giữ nguyên Bản án sơ thẩm cả số tiền gốc và lãi.
Cơ quan điều tra cũng xác định không có dấu hiệu hình sự trong vụ án này, mà đây là vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Người đại diện theo ủy quyền của Công ty CP giám định PB trình bày:
Tại phiên tòa hôm nay, người đại diện theo ủy quyền của N xuất trình cho Hội đồng xét xử các bản ảnh chụp vào ngày 13/10/2017, thì kho Hưng Điền vẫn khô ráo chỉ một số cây hàng bên ngoài bị thiệt hại nhẹ. Bản ảnh chụp vào ngày 14/10/2017 thì nhìn thấy rõ kho HĐ ngập nước, bị ướt ở nhiều khu vực. N được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thuê để giám định tổn thất nên có mặt tại kho HĐ từ ngày 13 đến 14/10/2017 và biết được tình hình thiệt hại hàng hóa tại các khu vực khác nhau của kho vào thời điểm nào.
Giám định viên của N có mặt tại kho HĐ bắt đầu từ ngày 13/10/2017, khi N được các doanh nghiệp bảo hiểm thuê giám định tổn thất hàng hóa tại kho Hưng Điền. Vào ngày 13/10/2017, các Giám định viên làm việc tại đây cho biết chỉ một số cây hàng sát tường kho là bị thiệt hại nhẹ, đây là hàng của Vinacam còn hàng hóa trong kho của các đơn vị khác vẫn khô ráo. Trong kho chỉ bị nước thủy triều và mưa lớn dâng cao ngập tràn vào kho tối ngày 14/10/2017. Khi đó Công ty kho vận MN và nhân viên dùng máy bơm hút nước ra ngoài nhưng không xuể. Còn hàng hóa của nguyên đơn như thế nào vào thời điểm đó thì chúng tôi không rõ vì N không được thuê giám định tổn thất của nguyên đơn vào thời điểm đó. N cung cấp cho Hội đồng xét xử các bản ảnh của kho HĐ trong các ngày 13 và 14/10/2017 để chứng minh cho lời khai của mình.
Về cách tính thiệt hại hàng hóa của nguyên đơn, N tiến hành lấy ngẫu nhiên 1.400 bao hàng trong kho (khoảng 5% hàng hóa bị thiệt hại của nguyên đơn) và tính thiệt hại. Kết quả cụ thể chúng tôi đã có trong Báo cáo ngày 29/9/2018, tại phiên tòa hôm nay, N giữ nguyên kết luận giám định này để Hội đồng xét xử xem xét.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:
Về thủ tục tố tụng: bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo là hợp lệ.
Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã được tham gia hỏi, tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
Xét các yêu cầu kháng cáo của bị đơn: bị đơn cho rằng nguyên đơn mua bảo hiểm khi đã xảy ra thiệt hại nhưng không đưa ra được các chứng cứ cụ thể về vấn đề này nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn. Thiệt hại về hàng hóa của nguyên đơn tại kho HĐ là do mưa lớn, giông bão và triều cường dẫn đến nước từ bên ngoài trào vào kho, không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của bị đơn.
Về thiệt hại hàng hóa của nguyên đơn là có thật, căn cứ vào Biên bản giám định ba bên do bị đơn lập và có sự chứng kiến của nguyên đơn và Công ty kho vận MN vào ngày 16/10/2017 và Kết luận giám định của N là những chứng cứ về số hàng hóa thiệt hại và tiền bảo hiểm mà bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn. Bị đơn chậm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn thì phải chịu lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên Bản án sơ thẩm và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng: bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật nên kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.
Xét các yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử thấy:
Nguyên đơn đã mua bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt của bị đơn theo các Giấy chứng nhận bảo hiểm số 5569 ngày 27/7/2017 và số 7698 ngày 13/10/2017, cho các rủi ro thuộc nhóm “A” (hỏa hoạn, sét đánh trực tiếp, nổ), nhóm “B” (Nổ) và nhóm “H” (giông, bão, lụt) đối với hàng hóa là phân bón các loại tại các kho hàng của nguyên đơn tại các địa phương là HP, BĐ, TP HCM. Tổng giá trị hàng hóa được mua bảo hiểm là 325.944.095.500 đồng. Việc nguyên đơn, bị đơn ký kết Hợp đồng bảo hiểm trên là hoàn toàn tự nguyện, không bị cưỡng ép lừa dối, việc ký kết đúng pháp luật, phù hợp với đăng ký kinh doanh của các bên nên các bên có nghĩa vụ thực hiện.
Bị đơn cho rằng thời điểm xảy ra tổn thất hàng hóa của nguyên đơn tại kho HĐ là từ ngày 12/10/2017, ngày 13/10/2017 nguyên đơn mới mua bảo hiểm và được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số 7698 ngày 13/10/2017. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật liên quan, thì trước khi bán bảo hiểm, bên bán và bên mua phải cùng nhau kiểm tra tình trạng hàng hóa được bảo hiểm. Bị đơn không xuất trình được tài liệu chứng cứ thể hiện việc đã kiểm tra tình trạng hàng hóa được bảo hiểm tại thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm thì bị đơn phải chịu trách nhiệm bảo hiểm đối với các điều khoản đã thỏa thuận với nguyên đơn trong Hợp đồng bảo hiểm.
Bị đơn cho rằng nguyên đơn đã có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết Hợp đồng bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm, nên nguyên đơn đã vi phạm quy định tại Điều 19 Luật KDBH. Hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn và bị đơn là vô hiệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật KDBH Bị đơn đã gửi đơn đề nghị Cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự trong việc cố tình giao kết Hợp đồng bảo hiểm trái quy định của pháp luật của nguyên đơn. Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do Cơ quan điều tra cung cấp thì không có dấu hiệu hình sự trong vụ án này mà đây là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải của Tòa án.
Hội đồng xét xử xét thấy: bị đơn đưa ra thông tin khí tượng thủy văn của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ xác định thời điểm các ngày từ 12 đến 14/10.2017 tại khu vực BC, TK, BC, HCM, lượng mưa cụ thể như sau: ngày 12/10/2017: 178.1mm (mưa lớn kèm giông, sét), ngày 13/10/2017: 90.7mm (mưa lớn kèm giông, sét), ngày 14/10/2017: 10.4mm (mưa vừa không có giông, sét).
Thông tin này không phù hợp với thông tin khí tượng thủy văn của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cung cấp cho nguyên đơn tại văn bản ngày 16/4/2018 và ngày 05/8/2019. Cụ thể, trong các ngày từ 12 đến 14/10/2017, lượng mưa tại huyện Bình Chánh được xác định như sau: ngày 12/10/2017: 87,4mm (mưa rất to), ngày 13/10/2017: 128,2mm (mưa rất to), ngày 14/10/2017: 11,2mm (mưa vừa).
Qua các thông tin về lượng mưa trong các ngày không chứng minh được tình trạng hàng hóa tại thời điểm ngày 12/10/2017 đã bị tổn thất hay chưa, vì kể từ khi mưa cho đến khi ngập lụt là có khoảng cách về mặt thời gian. Theo lời khai của các đương sự trong vụ án bao gồm nguyên đơn, người làm chứng và người giám định có sự trùng khớp lời khai về thời điểm xảy ra tổn thất hàng hóa của nguyên đơn là vào tối ngày 14/10/2017 và phù hợp với các bản ảnh do người đại diện theo ủy quyền của N cung cấp tại phiên tòa phúc thẩm
Bị đơn cho rằng hàng hóa của nguyên đơn bị thiệt hại vào ngày 12/10/2017 nhưng không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh cho luận điểm của mình, về nguyên tắc, trước khi bán bảo hiểm, bên bán và bên mua phải cùng nhau kiểm tra hiện trạng hàng hóa được bảo hiểm, điều kiện thời tiết tuy nhiên bị đơn đã không thực hiện nhiệm vụ của mình mà vẫn chấp nhận bán bảo hiểm cho nguyên đơn điều này hoàn toàn thuộc về lỗi của bị đơn. Do vậy, bị đơn đưa ra các lý do để từ chối nghĩa vụ bảo hiểm là không có căn cứ pháp luật.
Về nguyên nhân xảy ra tổn thất: tại Biên bản giám định ngày 16/10/2017, do bị đơn lập, có sự chứng kiến của nguyên đơn, bị đơn và đơn vị cho thuê kho thì nguyên nhân tổn thất được xác định tại Mục 3.2. là mái và vách kho không có dấu hiệu bị phá vỡ hay bung rách do mưa giông tác động... Giám định viên xác định nước tràn vào kho qua cấu trúc khe hở có sẵn từ cửa chính. Bên cạnh đó cách kho 15m có con rạch dẫn đến khi nước không thoát kịp và nước tại sông ngòi dâng nên dẫn đến nước đùn từ dưới nền đất tại khu vực chứa hàng... Như vậy, ngoài nguyên nhân nước tràn qua khe cửa, có nguyên nhân nước đùn từ dưới nền đất tại khu vực chứa hàng đây được xác định là nguyên nhân gây tổn thất, thuộc trường hợp quy định tại điểm 6.1 của các Giấy chứng nhận bảo hiểm số 5569 và số 7698, các rủi ro này thuộc nhóm “H” (giông, bão, lụt) đối với hàng hóa là phân bón các loại của nguyên đơn là không thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo Hợp đồng bảo hiểm là có căn cứ, phù hợp với thỏa thuận của hai bên và đúng quy định của pháp luật.
Đối với tổn thất về số lượng hàng hóa là phân bón các loại của nguyên đơn theo Biên bản giám định ngày 16/10/2017, thiệt hại đã được xác định như sau:
STT | Hàng hóa | Tổn thất 100% không phục hồi được (tấn) | Ẩm ướt, thẩm thấu từ các lớp dưới (tấn) | Cộng (tấn) |
1 | Phânkali | 1.342,65 | 1.342,65 | 2.685,3 |
2 | Phân DAP | 152,1 | 76,05 | 228,15 |
3 | Phân URE | 35,7 | 17,85 | 53,55 |
4 | Tổng | 1.530,45 | 1.436,55 | 2.967 |
Sau khi có Biên bản giám định, bị đơn không đồng ý bồi thường và không đưa ra cách giải quyết, mặc dù hai bên đã có nhiều văn bản trao đổi qua lại nhưng không kết quả nên nguyên đơn đã mời N tiến hành giám định độc lập để xác định đối với số hàng hóa bị ảnh hưởng do ẩm ướt, thẩm thấu trên. Đơn vị giám định đã tiến hành cân ngẫu nhiên 1.400 bao hàng hóa trong kho, chiếm khoảng 5% tổng khối lượng hàng hóa bị ảnh hưởng để kiểm tra trọng lượng còn lại của hàng hóa. Báo cáo kết quả giám định khối lượng hàng hóa của N cho thấy số lượng hàng hóa bị ảnh hưởng do ẩm ướt, thẩm thấu từ các lớp dưới lên đã bị giảm trung bình 70,83% về khối lượng.
Sau khi có kết quả giám định, nguyên đơn đã thuê tu chỉnh lại số hàng hóa và thông báo mức độ thiệt hại cho bị đơn như sau:
Hàng hóa hỏng 100% không phục hồi được:
- DAP Trung Quốc nâu: 152,100 tấn x 11.500.000 đồng/tấn= 1.749.150.000 đồng;
- Urea Indonesia hạt trong: 35.700 tấn x 6.500.000 đồng/tấn = 232.050.000 đồng;
- Kali cis miếng: 1.342,65 tấn x 7.500.000 đồng/tấn = 10.069.875.000 đồng.
Hàng hóa tu chỉnh do bị ảnh hưởng:
- Hàng thu hồi được sau khi tu chỉnh chờ thanh lý là 242 tấn x 7.500.000 đồng/tấn x 50% = 907.500.000 đồng;
- Hàng hỏng 100% không phục hồi được sau tu chỉnh là 808 tấn x 7.500.000 đồng/tấn x 100% = 6.060.000.000 đồng;
- Chi phí thuê tu chỉnh hàng hóa là 399 tấn x 130.000 đồng/tấn = 51.870.000 đồng.
Tổng mức độ thiệt hại là 19.070.445.000 đồng.
Hội đồng xét xử xét thấy, thiệt hại đối với hàng hóa hỏng 100% không phục hồi được đã được nguyên đơn, bị đơn xác nhận trong Biên bản giám định xác định thiệt hại ngày 16/10/2017 nên thuộc trường hợp không phải chứng minh. Bị đơn có nghĩa vụ phải thanh toán toàn bộ thiệt hại này cho nguyên đơn, cụ thể là:
- DAP Trung Quốc nâu: 152,100 tấn x 11.500.000 đ/tấn = 1.749.150.000 đồng;
- Urea Indonesia hạt trong: 35.700 tấn x 6.500.000 đ/tấn = 232.050.000 đồng;
- Kali cis miếng: 1.342,65 tấn x 7.500.000 đ/tấn= 10.069.875.000 đồng.
Tổng cộng là 12.051.075.000 đồng.
Đối với thiệt hại về hàng hóa tu chỉnh do bị ảnh hưởng, là hàng hóa thu hồi được sau khi tu chỉnh chờ thanh lý là 242 tấn x 7.500.000 đ/tấn x 50% = 907.500.000 đồng; Hàng hỏng 100% không phục hồi được sau tu chỉnh là 808 tấn x 7.500.000 đ/tấn x 100% = 6.060.000.000 đồng. Chi phí thuê tu chỉnh hàng hóa là 399 tấn x 130.000 đồng /tấn = 51.870.000 đồng. Tổng cộng là 7.019.370.000 đồng.
Tổng cộng toàn bộ thiệt hại về tài sản của nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường là 19.070.445.000 đồng.
Bị đơn chậm thanh toán cho nguyên đơn kể tù ngày 01/4/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm, thì bị đơn phải chịu lãi suất đối với khoản tiền chậm thanh toán. Tòa án sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi với mức lãi suất trung bình của ba Ngân hàng là 6,63%/ năm là chưa đúng với quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 gây thiệt hại cho nguyên đơn. Tuy nhiên, nguyên đơn không có kháng cáo về vấn đề này nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở để điều chỉnh lại lãi chậm thanh toán cho nguyên đơn.
Về án phí: bị đơn phải chịu toàn bộ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm có giá ngạch và án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
- Các điều 30, 35, 143, 144, 147, 271, 273 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
- Các điều 7, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 21, 22, 28, 29, 30, 42, 46 và 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010;
- Khoản 2 Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty bảo hiểm QĐ.
2. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 08/01/2019 của Tòa án nhân dân Đống Đa.
3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần vật tư NS đối với Tổng công ty bảo hiểm QĐ về việc tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm.
- Buộc Tổng công ty bảo hiểm QĐ phải trả cho Công ty cổ phần vật tư NS số tiền như sau:
- Số tiền bảo hiểm là 19.070.445.000 (mười chín tỷ không trăm bảy mươi triệu bốn trăm bốn mươi lăm nghìn) đồng;
- Tiền lãi chậm trả đến ngày xét xử sơ thẩm là 980.813.015 (chín trăm tám mươi triệu tám trăm mười ba nghìn không trăm mười lăm) đồng.
Tổng số tiền Tổng công ty bảo hiểm QĐ phải trả cho Công ty cổ phần vật tư NS là 20.051.258.051 (hai mươi tỷ không trăm lăm mươi mốt triệu hai trăm lăm mươi tám nghìn tám nghìn không trăm lăm mươi mốt) đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Tổng công ty bảo hiểm QĐ còn phải tiếp tục chịu lãi của số tiền bảo hiểm cho đến khi trả xong số tiền bảo hiểm theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
4. Về án phí:
- Tổng công ty bảo hiểm QĐ phải chịu 128.051.258 (một trăm hai mươi tám triệu không trăm lăm mươi mốt nghìn hai trăm lăm mươi tám) đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và 2.000.000 (hai triệu) đồng án phí phúc thẩm được đối trừ vào số tiền Tổng công ty bảo hiểm QĐ đã nộp tại Biên lai số 9830 ngày 13/01/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa.
- Hoàn trả Công ty cổ phần vật tư NS số tiền 65.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đó nộp theo Biên lai số 0008668 ngày 20/05/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa.
5. Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 157/2020/KDTM-PT ngày 01/09/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm – Tòa án nhân dân Hà Nội đang được cập nhật.
Bản án 157/2020/KDTM-PT ngày 01/09/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm – Tòa án nhân dân Hà Nội
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Số hiệu | 157/2020/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2020-09-01 |
Ngày hiệu lực | 2020-09-01 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |