TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 12/2020/KDTM-ST NGÀY 29/10/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 29 tháng 10 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 25/2019/TLST-KDTM ngày 23 tháng 12 năm 2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 116a/2020/QĐXXST-KDTM ngày 19 tháng 9 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 130/2020/QĐST-KDTM ngày 07 tháng 10 năm 2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ngân hàng A; địa chỉ: Tòa nhà TP, số 57 K, quận HK, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Xuân T – chuyên viên Phòng xử lý nợ miền Bắc(Văn bản ủy quyền số 18/2020/GUQ- TPB.HĐQT ngày 25 tháng 9 năm 2020 và Văn bản ủy quyền số 723/2020/GUQ- TPB.CMC ngày 28 tháng 10 năm 2020). Có mặt
- Bị đơn: Ông Trần Văn H và bà Mạc Thị H1; cùng ĐKHKTT: phố Mới đường 10, xã TD, huyện T, thành phố Hải Phòng. Cùng vắng mặt
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ L1 quan:
1. Ông Nguyễn Hồng Đ; cư trú tại: thôn AL1, xã AL, huyện T, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt
2. Bà Trần Thị L; cư trú tại: thôn AL1, xã AL, huyện T, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt
Người đại diện theo ủy quyền của bà L: Cụ Trần Văn L1; cư trú tại: thôn AT, xã AL, huyện T, thành phố Hải Phòng(văn bản ủy quyền không số và không ngày tại BL số 126). Có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 05/6/2018 và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện của nguyên đơn trình bày:
Ngày 30/9/2011, ông Trần Văn H và bà Mạc Thị H1 ký Hợp đồng tín dụng số 300911/HĐTD-TPB/TVH với Ngân hàng Ngân hàng A để vay vốn. Theo nội dung của Hợp đồng thì ông H, bà H1 vay TPBank số tiền 2,3 tỷ đồng, thời hạn vay là 12 tháng (từ ngày 04/10/2011 đến ngày 04/10/2012), mục đích vay là để bổ sung vốn kinh doanh, lãi suất vay trong hạn tại thời điểm giải ngân là 23%/năm và có sự thay đổi theo từng thời kỳ của ngân hàng, lãi suất quá hạn 150% lãi suất trong hạn.
Thực hiện Hợp đồng Ngân hàng A đã giải ngân cho ông H, bà H1 vay số tiền 2,3 tỷ đồng theo giấy đề nghị giải ngân kiêm giấy nhận nợ ngày 04/10/2011. Tính đến ngày 06/02/2012, ông H và bà H1 đã trả được 137.597.453đ tiền lãi, trong đó lãi trong hạn là 136.903.909đ và lãi phạt lãi là 693.544đ.
Để bảo đảm cho khoản vay ông H, bà H1, ông Đ và bà L đã dùng quyền sử dụng 188m2 và tài sản gắn liền trên đất là ngôi nhà 04 tầng với diện tích sử dụng là 520m2 thuộc thửa đất số 943, tờ bản đồ số 01 tại thôn AL1, xã AL, huyện T, thành phố Hải Phòng, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) số BE919783, vào sổ cấp giấy chứng nhận: CH 00262 do UBND huyên T cấp cho ông Đ và bà L ngày 19/5/2011 thế chấp cho TPBank theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 300911/HĐTC-TPB. HP/TVH ngày 30/9/2011 đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Trong quá trình thực hiện Hơp đồng, ông H và bà H1 vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên TPBank đã ra thông báo số 332/2014/TB-TPB-PC về việc thu hồi nợ quá hạn nhưng ông H, bà H1 vẫn không thực hiện.
Do ông H và bà H1 không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc ông H, bà H1 thanh toán ngay cho TPBank tổng số tiền tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 29/10/2020) là 8.026.690.534đ; trong đó:
Nợ gốc 2.300.000.000đ Nợ lãi trong hạn 362.515.534đ Nợ lãi quá hạn 5.364.175.000đ.
Trường hợp ông H, bà H1 không thanh toán toàn bộ khoản nợ cho Ngân hàng A thì Ngân hàng A có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án kê biên và phát mại tài sản bảo đảm là QSDĐ 188m2 và tài sản gắn liền trên đất là ngôi nhà 04 tầng với diện tích sử dụng là 520m2 thuộc thửa đất số 943, tờ bản đồ số 01 tại thôn AL1, xã AL, huyện T, thành phố Hải Phòng, theo GCNQSDĐ số BE919783, vào sổ cấp GCN: CH 00262 do UBND huyên T cấp cho ông Đ và bà L ngày 19/5/2011 thế chấp cho TPBank theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 300911/HĐTC-TPB. HP/TVH ngày 30/9/2011 để thu hồi nợ cho TPBank. Số tiền thu được từ việc bán/xử lý tài sản bảo đảm không đủ thanh toán hết khoản nợ thì ông H, bà H1 vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ cho TPBank.
Bị đơn ông H và bà H1 vắng mặt tại địa phương, không có quan điểm trình bày về việc giải quyết vụ án.
Tại bản tự khai ngày 25/4/2019, người có quyền lợi, nghĩa vụ L1 quan ông Nguyễn Hồng Đ trình bày: Lúc 08 giờ sáng ngày 25/4/2019, ông Đ có đến trụ sở Tòa án theo yêu cầu của Tòa án nhưng không có mặt đại diện của ngân hàng để cùng nhau làm việc nên ông Đ chưa trình bày về quan điểm giải quyết vụ án.
Tại bản tự khai ngày 10/6/2019, người có quyền lợi, nghĩa vụ L1 quan bà Trần Thị L trình bày: Năm 2011, em trai bà L là ông H và vợ là bà H1 có ký Hợp đồng tín dụng để vay 2.300.000.000đ của Ngân hàng A, thời hạn vay là 12 tháng, mục đích vay bổ sung vốn kinh doanh, để bảo đảm cho khoản vay của vợ chồng ông H và bà H1 vợ chồng bà L, ông Đ đã dùng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thuộc quyền sử hữu của vợ chồng bà L, ông Đ để thế chấp cho Ngân hàng A, thửa đất số 943, tờ bản đồ số 01 tại thôn AL1, xã AL, huyện T, thành phố Hải Phòng do UBND huyện T cấp cho ông Đ và bà L. Do anh Đ và bà H1 gặp khó khăn về kinh tế nên không trả được nợ gốc và lãi theo đúng thỏa thuận. Bà L đề nghị Ngân hàng A cho ông H, bà H1 trả nợ dần và không phát mại tài sản thế chấp đứng tên bà L và ông Đ.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện của nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền lãi phạt chậm trả lãi. Việc ký kết Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và bị đơn phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy, nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện còn lại của nguyên đơn là buộc bị đơn ông H, bà H1 phải trả nguyên đơn số tiền tạm tính đến ngày 28/10/2020 là 8.026.690.534đ; trong đó nợ gốc là 2.300.000.000đ, nợ lãi trong hạn là 362.515.534đ và lãi quá hạn là 5.364.157.000đ. Trường hợp ông H, bà H1 không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng thì ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bị đơn ông H và bà H1 đã trả được cho nguyên đơn 137 triệu đồng có lẻ là tiền lãi.
Cụ Trần Văn L1 trình bày: Cụ L1 có biết việc ông H, bà H1 vay tiền của ngân hàng và có dùng quyền sử dụng 188m2 đất và ngồi nhà 04 tầng trên đất đứng tên ông Đ và bà L để thế chấp cho ngân hàng. Tuy nhiên, ông L1 không biết số tiền vợ chồng ông H, bà H1 đã vay của ngân hàng như thế nào. Hiện tại ông H, bà H1 đang ở Hồng Kông nhưng cụ L1 không biết địa chỉ cụ thể của ông H. Cụ L1 đã thông báo cho ông H biết việc ngân hàng khởi kiện. Ông H không thể về Việt Nam vì chưa có chuyến bay. Cụ L1 cho biết là ông H, bà H1 và ông Đ, bà L đã ly hôn nhưng cụ L1 không nhớ rõ thời gian ly hôn. Cụ L1 biết quyết định ly hôn không có việc giải quyết về vấn đề nợ lần và tài sản vì cụ L1 đã được xem quyết định ly hôn.
Cụ L1 đề nghị Ngân hàng miễn lãi và tạo điều kiện để cụ L1 các con của cụ L1 trả nợ gốc.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Từ khi thụ lý đến trước thời điểm tuyên án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử chấp hành đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả số tiền nợ gốc là 2.299.306.456đ là số tiền sau khi đã trừ đi số tiền nguyên đơn đã thu lãi phạt lãi 693.544đ và số tiền lãi là 5.571.786.625đ. Trường hợp bị đơn không trả cho nguyên đơn số tiền trên thì được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp. Ông Trường không được ủy quyền rút một phần yêu cầu khởi kiện nên không chấp nhận yêu cầu này nguyên đơn. Trường hợp nguyên đơn cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý hợp lệ để chứng minh việc rút một phần yêu cầu khởi kiện là đúng quy định trước khi tuyên án thì đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút một phần yêu cầu khởi kiện và đình chỉ yêu cầu này của nguyên đơn theo quy định của pháp luật. Bị đơn phải chịu án phí tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận, nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần không được Tòa án chấp nhận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về tố tụng:
[1]. Xét về thẩm quyền giải quyết vụ án và việc xét xử vắng mặt các đương sự tại phiên tòa: theo Văn bản số 11701/QLXNC-PC5 ngày 22/7/2019 của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thể hiện bị đơn ông H đã xuất cảnh ngày 16/4/2019, bà H1 xuất cảnh ngày 10/8/2012 và chưa có thông tin nhập cảnh về nước. Căn cứ khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 41 BLTTDS, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.
[1.1]. Theo Hợp đồng tín dụng số 300911/HĐTD-TPB/TVH ngày 30/9/2011 và xác nhận của chính quyền địa phương (BL số 11) thể hiện trước khi ông H và bà H1 xuất cảnh có hộ khẩu thường trú tại phố Mới, đường 10, xã TD, huyện T, thành phố Hải Phòng. Nguyên đơn không biết địa chỉ hiện tại của bị đơn. Người thân của bị đơn là cụ L1 (bố đẻ của ông H) cũng không biết địa chỉ cụ thể của ông H, bà H1 chỉ biết ông H, bà H1 ở Hồng Kông, Trung Quốc. Và khi ông H, bà H1 xuất cảnh đến nay không thông báo cho nguyên đơn biết địa chỉ cư trú của mình. Căn cứ đoạn 5 khoản 7.2 Điều 7 của Hợp đồng tín dụng quy định về nghĩa vụ của bên vay như sau: “Thông báo kịp thời cho Bên cho vay khi có những thay đổi của Bên vay…về…địa chỉ cứ trú/nơi làm việc…”; khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC quy định:
“Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện,…là địa chỉ người bị kiện…đã từng cư trú, làm việc…mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.”; và điểm a khoản 6 Nghị quyết số 04 quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, …theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, … thay đổi nơi cư trú, … gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung...”.
Như vậy, thể hiện bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ không thông báo việc thay đổi địa chỉ cư trú cho ngân hàng theo thỏa thuận tại Hợp đồng và bị đơn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng tín dụng đã ký nên trường hợp này được coi là bị đơn cố tình giấu địa chỉ.
[1.2]. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng tại địa chỉ cư trú cuối cùng của bị đơn và tại trụ sở Tòa án, đăng trên cổng thông tin điện tử của TAND và thông báo trên đài phát thanh dành cho người nước ngoài (VOV5) trong 05 ngày (từ ngày 20/3/2020 đến ngày 24/3/2010) và được in trên trang thông tin điện tử của đài Tiếng nói Việt Nam. Tòa án đã làm văn bản yêu cầu Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông niêm yết và thông báo trên cổng thông tin điện tử. Hơn nữa, tại phiên tòa cụ L1 (bố đẻ của anh H) trình bày là cũng đã báo cho anh H biết về việc ngân hàng khởi kiện nhưng anh H không về được. Căn cứ khoản 3 Điều 474, điểm b khoản 5 Điều 477 BLTTDS, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn.
[1.3]. Người có quyền lợi, nghĩa vụ L1 quan là ông Đ vắng mặt lần thứ hai không có lý do chính đáng, bà L vắng mặt nhưng có người đại diện theo ủy quyền tham gia phiên tòa. Căn cứ khoản 2 Điều 227, khoản 2 và khoản 3 Điều 228, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt ông Đ và bà L.
[2]. Xét quan hệ pháp luật tranh chấp: Theo đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn ông H, bà H1 phải trả số tiền vay theo Hợp đồng tín dụng số 300911/HĐTD-TPB/TVH ngày 30/9/2011. Xét thấy mục đích vay của bị đơn là để bổ sung vốn kinh doanh và hoạt động cho vay của ngân hàng cũng như hoạt động vay của bị đơn đều có mục đích lợi nhuận nên thuộc những tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS.
- Về nội dung:
[3]. Xét Hợp đồng tín dụng 300911/HĐTD-TPB/TVH ngày 30/9/2011: Hợp đồng được ký bởi người đại diện hợp pháp của Ngân hàng A và ông H, bà H1. Các bên ký hợp đồng trên tinh thần tự nguyện, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội phù hợp với quy định tại Điều 17 của Quy chế cho vay của Tổ chức Tín dụng đối với khách hàng kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Điều 122, Điều 123 và Điều 124 BLDS năm 2005 nên có hiệu lực pháp luật.
[4]. Xét yêu cầu đòi số tiền nợ gốc: Tại Hợp đồng tín dụng và tại giấy đề nghị giải ngân kiêm giấy nhận nợ ngày 04/10/2011 thể hiện ông H, bà H1 có vay Ngân hàng A số tiền là 2.300.000.000đ. Theo lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ L1 quan là bà Trần Thị L thì ông H và bà H1 có ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng A để vay số tiền 2.300.000.000đ. Hơn nữa, theo tài liệu, chứng cứ nguyên đơn cung cấp thể hiện ông H mới chỉ trả được số tiền nợ lãi là 137.597.453đ, trong đó lãi trong hạn là 136.903.909đ và lãi phạt chậm trả lãi là 693.544đ. Do vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả số tiền nợ gốc 2.300.000.000đ là có căn cứ, đúng với sự thỏa thuận của các bên và đúng quy định của pháp luật nên được chấp nhận.
[5]. Xét yêu cầu đòi số tiền nợ lãi trong hạn: Theo bảng tính nguyên đơn cung cấp cho Tòa án và theo sự thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ thể hiện: thời gian vay là 12 tháng (Từ ngày 04/10/2011 đến ngày 04/10/2012), số tiền vay là 2.300.000.000đ với lãi suất tại thời điểm giải ngân là 23%/năm.
Ngày 14/01/2012, Ngân hàng A thay đổi lãi suất từ 23%/năm xuống 21,5%/năm.
Ngày 14/7/2012, Ngân hàng A thay đổi lãi suất từ 21,5%/năm xuống 19%/năm.
Xét thấy mức lãi suất do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 11 của Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001, Điều 1 của Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Ngân hàng Nhà nước, khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 nên được chấp nhận.
[5.1]. Số tiền lãi trong hạn được tính như sau:
- Số tiền lãi trong hạn tính từ ngày giải ngân (ngày 04/10/2011) đến ngày thay đổi lãi suất (ngày 14/01/2012) là (2.300.000.000đ x 23%/năm x 102 ngày) : 360 = 149.883.333đ.
- Số tiền lãi trong hạn tính từ ngày 14/01/2012 đến ngày thay đổi lãi suất tiếp theo (ngày 14/7/2012) là (2.300.000.000đ x 21,5%/năm x 182 ngày) : 360 = 249.997.222đ.
- Số tiền lãi trong hạn tính từ ngày 14/7/2012 đến ngày hết hạn Hợp đồng (ngày 04/10/2012) là (2.300.000.000đ x 19%/năm x 82 ngày) : 360 = 99.538.888đ.
Tổng số tiền lãi trong hạn là 149.883.333đ + 249.997.222đ+ 99.538.888đ = 499.419.444đ. Bị đơn đã trả được số tiền lãi trong hạn là 136.903.909đ nên số tiền lãi trong hạn bị đơn còn phải trả nguyên đơn là 499.419.444đ - 136.903.909đ = 362.515.534đ và đúng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên có căn cứ chấp nhận.
[6]. Xét yêu cầu đòi số tiền nợ lãi quá hạn: Theo Điều 3 và Điều 4 của Hợp đồng tín dụng thì thời gian phát sinh lãi quá hạn là từ ngày 04/10/2012. Số ngày quá hạn tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 29/10/2020) là 2946 ngày. Do vậy, số tiền lãi quá hạn là (2.300.000.000đ x 28,5%/năm x 2946 ngày) : 360 = 5.364.175.000đ và đúng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên có căn cứ chấp nhận.
[6.1]. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng nguyên đơn đã thu của bị đơn số tiền lãi phạt chậm trả lãi là 693.544đ vào các ngày 09/11/2011, 09/12/2011, 09/01/2012, 14/01/2012 và ngày 24/02/2012 theo như thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng. Nhưng căn cứ theo khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định; Điều 11 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001; khoản 4 Điều 13, khoản 1 Điều 33, khoản 1 Điều 34 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước, Hội xét thấy việc thỏa thuận và thu số tiền lãi phạt chậm trả lãi của nguyên đơn là không phù hợp với quy định của pháp luật nên số tiền 693.544đ nguyên đơn đã thu của bị đơn sẽ được trừ vào số tiền lãi quá hạn của bị đơn theo như thỏa thuận tại điểm 3.8 Điều 3 của Hợp đồng tín dụng. Do vậy, số tiền lãi quá hạn bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 5.364.175.000đ- 693.544đ = 5.363.481.456đ.
[7]. Xét yêu cầu đòi số tiền lãi chậm trả lãi: Tại phiên tòa, người đại diện của nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền lãi phạt chậm trả lãi là 883.544.024đ và Tòa án nhận được đơn đề nghị rút một phần yêu cầu khởi kiện này của người có thẩm quyền của Ngân hàng A. Căn cứ khoản 2 Điều 244 BLTTDS, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ đối với yêu cầu này của nguyên đơn.
[8]. Như vậy, tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả được Tòa án chấp nhận là: (gốc)2.300.000.000đ + (lãi trong hạn)362.515.534đ + (lãi quá hạn)5.363.481.456đ = 8.025.996.990đ. Số tiền nguyên đơn yêu cầu không được Tòa án chấp nhận là 8.026.690.534đ - 8.025.996.990đ = 693.544đ.
[9]. Xét Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 300911/HĐTC-TPB. HP/TVH ngày 30/9/2011: Hợp đồng thế chấp được ký giữa người đại diện của Ngân hàng A với ông Trần Văn H là người đại diện theo ủy quyền của ông Đ và bà L (chủ tài sản thế chấp) theo Hợp đồng ủy quyền ngày 23/9/2011 đã được công chứng tại Văn phòng Công chứng Hải Phòng. Và người có quyền lợi, nghĩa vụ L1 quan là bà L cũng thừa nhận dùng quyền sử dụng đất của mình thế chấp cho TPBank để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của ông H, bà H1. Do vậy, có căn cứ cho rằng việc ký Hợp đồng thế chấp của các bên trên cơ sở tự nguyện, Hợp đồng đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004; điểm a khoản 1 Điều 130 Luật Đất đai năm 2003; Điều 122, Điều 123, Điều 124, Điều 581, Điều 585 và Điều 715 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 9, 10 và Điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 22/02/2012) của Chính phủ; điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012) của Chính phủ nên Hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm đăng ký thế chấp. Trường hợp ông H, bà H1 không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng thì Ngân hàng có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ là đúng với sự thỏa thuận tại Hợp đồng ủy quyền giữa ông Đ, bà L, Hợp đồng thế chấp và phù hợp với quy định của Điều 56 Nghị định số 163; Điều 299, Điều 323 Bộ luật Dân sự.
[9]. Xét về án phí và chi phí tố tụng: Bị đơn phải chịu án phí tương ứng với số tiền 8.025.996.990đ là ((8.025.996.990đ – 4.000.000.000đ) x 0,1%) + 112.000.000đ = 116.026.000đ(làm tròn). Nguyên đơn phải chịu án phí tương ứng với số tiền không được Tòa án chấp nhận 693.544đ là 3.000.000đ nhưng được trừ vào số tiền 57.500.000đ TPBank đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm. TPBank được trả lại số tiền thừa là 57.500.000đ - 3.000.000đ = 54.500.000đ theo quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTDS và khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 30, Điều 35, Điều 39, Điều 41, Điều 147, Điều 174, Điều 176, Điều 227, Điều 228, Điều 244, Điều 276, Điều 474, Điều 477, Điều 479 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003; Điều 130 Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Điều 122, Điều 123, Điều 124, Điều 581, Điều 585 và Điều 715 BLDS năm 2005 và Điều 121, Điều 122, Điều 123, Điều 124, Điều 280, Điều 281, Điều 290, Điều 318, Điều 319, Điều 322, Điều 299, Điều 323, Điều 342 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ Điều 91 và 95 của Luật Các tổ chức tín dụng; Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Ngân hàng Nhà nước; Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 31/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 22/02/2012) của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm; Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012) của Chính phủ quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Án lệ số 08/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A.
1. Buộc ông Trần Văn H và bà Mạc Thị H1 phải trả Ngân hàng A số tiền 8.025.996.990đ(tám tỷ, không trăm hai mươi lăm triệu, chín trăm chín mươi sáu nghìn, chín trăm chín mươi đồng); trong đó: Nợ gốc 2.300.000.000đ, nợ lãi trong hạn 362.515.534đ và nợ lãi quá hạn 5.363.481.456đ.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (Ngày 30/10/2020) khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của Ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho Ngân hàng cho vay theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng cho vay.
2. Trường hợp ông Trần Văn H và bà Mạc Thị H1 không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng A thì Ngân hàng A có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại Quyền sử dụng 188m2 và tài sản gắn liền trên đất là ngôi nhà 04 tầng với diện tích sử dụng là 520m2 thuộc thửa đất số 943, tờ bản đồ số 01 tại thôn AL1, xã AL, huyện T, thành phố Hải Phòng, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BE919783, vào sổ cấp giấy chứng nhận: CH 00262 do UBND huyên T cấp cho ông Đ và bà L ngày 19/5/2011, theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 300911/HĐTC-TPB.HP/TVH ngày 30/9/2011để thu hồi nợ cho Ngân hàng A.
3. Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu đòi số tiền lãi phạt chậm trả lãi của Ngân hàng A là 883.544.024đ.
4. Về án phí sơ thẩm:
- Ông Trần Văn H và bà Mạc Thị H1 phải chịu 116.026.000đ (một trăm mười sáu triệu, không trăm hai mươi sáu nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
- Ngân hàng A phải chịu 3.000.000đ (ba triệu đồng) án phí sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền 57.500.000đ đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai thu tiền số 0000414, ngày 07/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, thành phố Hải Phòng. Trả lại Ngân hàng A số tiền 54.500.000đ (Năm mươi tư triệu, lăm trăm nghìn đồng).
5. Về quyền kháng cáo: Ngân hàng A và bà Trần Thị L có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Ông Trần Văn H và bà Mạc Thị H1 có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết. Ông Nguyễn Hồng Đ có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
File gốc của Bản án 12/2020/KDTM-ST ngày 29/10/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng – Tòa án nhân dân Hải Phòng đang được cập nhật.
Bản án 12/2020/KDTM-ST ngày 29/10/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng – Tòa án nhân dân Hải Phòng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Số hiệu | 12/2020/KDTM-ST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2020-10-29 |
Ngày hiệu lực | 2020-10-29 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |