TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 12/2019/KDTM-PT NGÀY 02/10/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN
Trong các ngày 01 và 02 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2019/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 6 năm 2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Toà án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 10/2019/QĐPT-KDTM ngày 07 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông C, sinh năm 1960 – Chủ doanh nghiệp tư nhân.
Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông C: Ông P, Luật sư – Văn phòng Luật sư P thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn: Công ty N;
Trụ sở: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện hợp pháp cho Công ty: Ông T, Chức vụ Giám đốc Công ty là người đại diện theo pháp luật; Nơi cư trú: huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Ông S, sinh năm 1967;
Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
+ Ông H, sinh năm 1938;
Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
+ Ông L, sinh năm 1971;
Nơi cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
- Người kháng cáo: Ông C là nguyên đơn.
Tại phiên tòa: Ông C, ông P có mặt; đại diện bị đơn, ông S, ông H, ông L vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Nguyên đơn trình bày: Ngày 25/11/2012, Doanh nghiệp tư nhân do ông C làm chủ (gọi tắt là Doanh nghiệp) ký hợp đồng với Công ty cổ phần N (gọi tắt là Công ty N) về việc mua bán thức ăn cá Chẽm. Doanh nghiệp bán cho Công ty N số lượng theo đơn đặt hàng qua điện thoại. Giá, do Công ty bán thức ăn quy định. Phương thức thanh toán: Chuyển khoản qua số tài khoản của Doanh nghiệp. Thời gian thanh toán loại từ số 01 đến số 05 thanh toán đủ một lần. Thời hạn thanh toán loại từ số 06 đến số 07 khi thu hoạch xong cá Chẽm là thanh toán nhưng không quá 08 tháng. Nếu chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất theo quy định của Ngân hàng tại thời điểm thanh toán.
Doanh nghiệp bán cho Công ty N 210.330kg thức ăn, trị giá 6.024.818.500 đồng. Trong số này, Công ty N đã hoàn lại 11.880kg, trị giá 349.272.000 đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty N chỉ thanh toán cho Doanh nghiệp số tiền 1.600.000.000 đồng (Ngày 03/12/2012 chuyển khoản 400.000.000 đồng, ngày 02/02/2013 trả 400.000.000 đồng, ngày 06/02/2013 trả 300.000.000 đồng, ngày 02/7/2013 trả 200.000.000 đồng, ngày 09/7/2013 trả 300.000.000 đồng). Ngày 28/8/2013, Doanh nghiệp có thông báo gửi Công ty N yêu cầu xác nhận số dư nợ, được chị C kế toán Công ty N ký xác nhận Công ty N còn nợ Doanh nghiệp số tiền 4.075.546.500 đồng.
Tháng 8/2013, xảy ra tranh chấp, Đơn khởi kiện ngày 27/8/2013 ông C yêu cầu Công ty N có ngh a vụ thanh toán cho ông số tiền nợ gốc là 4.075.546.500 đồng và khoản lãi suất quá hạn theo pháp luật quy định. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông C yêu cầu buộc các thành viên của Công ty N liên đới với Công ty N thanh toán cho ông tổng số tiền tính đến ngày 19/4/2016 là 6.708.349.539 đồng (tiền gốc 4.075.546.500 đồng, lãi suất quá hạn tính trung bình của ba ngân hàng là 2.632.803.039 đồng); Yêu cầu Tòa án tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định số: 01/2013/QĐ-BPKCTT ngày 04/9/2013 để đảm bảo việc thi hành án.
* Đối với bị đơn là Công ty N và những người có quyền lợi ngh a vụ liên quan là ông S, ông H, ông L, mặc dù đã được Tòa án sơ thẩm tống đạt, niêm yết công khai thông báo thụ lý vụ án, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, phiên họp hoà giải và xét xử nhiều lần nhưng bị đơn, và những người có quyền lợi ngh a vụ liên quan vẫn không có ý kiến phản hồi, đồng thời cũng không có mặt tại phiên tòa để tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án thụ lý trước đây Công ty N có trình bày tại biên bản hòa giải ngày 20/9/2013 và ngày 24/9/2013 như sau: Đại diện Công ty N thừa nhận Công ty N có ký hợp đồng mua bán thức ăn cá Chẽm với ông C. Tuy nhiên, về số liệu tài chính thì Công ty N chưa thống nhất vì cho rằng ông C chưa thực hiện việc đối chiếu, quyết toán công nợ với Công ty N. Công ty N chỉ thừa nhận đã nhận hàng của Doanh nghiệp thể hiện trong 09 hóa đơn bán hàng với tổng số tiền 2.389.320.741 đồng; trừ số tiền đã thanh toán 1.600.000.000 đồng và số thức ăn cá Chẽm hoàn lại, nên Công ty N chỉ còn nợ ông Út 789.320.741 đồng. Việc C ký xác nhận nợ là không có giá trị pháp lý, vì C là kế toán tổng hợp, hàng ngày thống kê, báo cáo số liệu, không có chức năng nhận hàng và ký xác nhận nợ.
Từ nội dung trên, bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2019/KDTM-ST ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào các Điều 24, 50, 306, 317, 319 - Luật thương mại; Điều 305, 474, 476 - Bộ luật dân sự 2005; Điều 147, Điều 2047, Điều 227, Điều 228 - Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 27 - Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông C – Chủ Doanh nghiệp, buộc Công ty N thanh toán cho ông C tổng số tiền tiền 6.708.349.539 đồng (gồm: nợ gốc 4.075.546.500 đồng, nợ lãi 2.632.803.039 đồng).
Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông C – Chủ Doanh nghiệp, buộc các thành viên của Công ty N liên đới với Công ty thanh toán cho ông C tổng số tiền 6.708.349.539 đồng.
Tiếp tục duy trì áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định số: 01/2013/QĐ-BPKCTT ngày 04/9/2013 để đảm bảo việc thi hành án.
Án phí kinh doanh thương mại có giá ngạch: Buộc Công ty cổ phần nuôi trồng thuỷ sản N phải chịu 114.708.000 đồng. Ông C không phải chịu án phí.
Ngày 22/5/2019, ông C nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án với yêu cầu: Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ và kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, điều tra về “ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với S, T, V cùng một số đối tượng có liên quan; đồng thời phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền đã nợ ông. Thẩm tra lại qui trình kế toán của Công ty báo cáo tại Cục thuế Cà Mau, không trung thực nhằm tạo chứng cứ gian dối để chiếm đoạt tiền doanh thu bán cá cũng như để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông C giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đối với yêu cầu: Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ và kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, điều tra về “ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với S, T, V cùng một số đối tượng có liên quan; đồng thời phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền đã nợ ông.
Đối với yêu cầu kháng cáo về việc Thẩm tra lại qui trình kế toán của Công ty N báo cáo tại Cục thuế Cà Mau, không trung thực nhằm tạo chứng cứ gian dối để chiếm đoạt tiền doanh thu bán cá cũng như để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp thì ông C rút lại yêu cầu kháng cáo này.
Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau: Về trình tự thủ tục tố tụng, Hội đồng xét xử, đương sự đã tuân thủ và thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 – Bộ luật tố tụng dân sự bác yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm; Không xem xét phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo về việc Thẩm tra lại qui trình kế toán của Công ty N báo cáo tại Cục thuế Cà Mau, không trung thực nhằm tạo chứng cứ gian dối để chiếm đoạt tiền doanh thu bán cá cũng như để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Ông C là nguyên đơn trong vụ án; Đơn kháng cáo của ông C kháng cáo trong thời hạn luật định, được chấp nhận xem xét, giải quyết.
[2] Ông C kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ và kiến nghị Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, điều tra về “ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với S, T, V cùng một số đối tượng có liên quan.
Ông C cho rằng, việc Công ty N còn nợ ông tiền mua thức ăn cá Chẽm là do trong mua bán có gian dối tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh trách nhiệm việc trả nợ là dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Ông S, V là thành viên Công ty N và ông T là người có liên quan có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông.
Thấy rằng: Yêu cầu của ông C đã được Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội điều tra, xác minh. Ngày 15/10/2014, Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Cà Mau ra Quyết định số 53/PC45 Khởi tố vụ án hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và ngày 25/02/2015, Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Cà Mau ra Quyết định số 32/PC45 Khởi tố bị can đối với H – Phó Giám đốc Công ty N về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 – Bộ luật hình sự 1999. Ngày 14/10/2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau ra Quyết định số 01/KSĐT-KT Hủy bỏ quyết định khởi tố bị can số Quyết định số 32/PC45. Ngày 15/10/2015, Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Cà Mau ra Quyết định số 14/PC45 Đình chỉ điều tra vụ án hình sự. Ông C có Đơn khiếu nại đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ngày 23/5/2018, Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chuyển đơn của ông C đến Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) xem xét. Đến nay đã 18 tháng nhưng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có ý kiến gì đối với Quyết định số 01/KSĐT-KT của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau và Quyết định số 14/PC45 của Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Cà Mau. Như vậy, yêu cầu này của ông C đã được Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Cà Mau điều tra, xác minh và xác định không có dấu hiệu tội phạm nên đã đình chỉ điều tra. Tại phiên tòa, ông C cũng không bổ sung thêm được chứng cứ mới. Với các chứng cứ có tại hồ sơ, Hội đồng xét xử xét thấy chưa đủ căn cứ xác định có tội phạm xảy ra trong hợp đồng mua bán giữa ông C với Công ty N. Đồng thời, ông C vẫn giữa nguyên yêu cầu khởi kiện tại Tòa án đối với Công ty N. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau tiến hành thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại theo Đơn khởi kiện của ông C là đúng quy định của pháp luật. Cho nên, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông C về việc Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ và kiến nghị Cảnh sát điều tra của Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, điều tra về “ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
[3] Kháng cáo của ông C yêu cầu thành viên của Công ty N chịu trách nhiệm liên đới với Công ty N về số tiền nợ ông với lý do: Ông V góp vốn vào Công ty N với số tiền 1.500.000.000 đồng bằng hình thức dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà D; ông H góp vốn vào Công ty N với số tiền 500.000.000 đồng bằng hình thức dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông H, nhưng quyền sử dụng đất không chuyển cho Công ty N. Sau đó, Công ty N lấy các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này thế chấp ngân hàng vay tiền. Sau đó, Công ty N đã trả nợ ngân hàng và các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giao trả lại cho người có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông C cho rằng với hình thức trên xem như ông V, ông H chưa góp vốn cho Công ty N. Đồng thời, số tiền Công ty N bán cá cho khách hàng nhưng khách hàng lại chuyển số tiền trả cho Công ty N vào tài khoản cá nhân ông S với số tiền 3.013.265.000 đồng. Do đó, ông C và Luật sư bảo vệ cho ông C yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, buộc các thành viên Công ty N phải liên đới có ngh a vụ cùng Công ty N trả nợ cho ông C theo quy định tại khoản 4 Điều 112 – Luật Doanh nghiệp 2014.
Hội đồng xét xử xét thấy: Tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về số lượng hàng hóa mua bán từ Hợp đồng mua bán thức ăn cá Chẽm. Bên bán là Doanh nghiệp do ông C làm chủ, bên mua là Công ty N. Ông C cho rằng Công ty N còn nợ vốn 4.075.546.500 đồng không thành toán theo cam kết còn Công ty N chỉ thừa nhận nợ 789.320.741 đồng. Như vậy, trong vụ án này phạm vi giải quyết, Tòa án chỉ xem xét Công ty N có nợ của ông C hay không, nếu có thì số nợ phải trả là bao nhiêu chứ không xem xét giải quyết đến vấn đề về phương thức trả nợ cũng như khả năng tài chính và nguồn tiền nào để trả nợ.
Đối với khoản 4 Điều 112 – Luật Doanh nghiệp 2014 mà ông C và Luật sư viện dẫn để yêu cầu Tòa án phải xem xét, thấy rằng: Điều luật này quy định về ngh a vụ của thành viên Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của Công ty đối với Công ty khi Công ty thực hiện ngh a vụ tài chính. Tức là, khi Công ty tiến hành thực hiện ngh a vụ trả nợ mà tài sản hiện có của Công ty không đủ trả nợ thì lúc này mới xem xét đến trách nhiệm liên đới của cổ đông đối với cổ phần đã đăng ký; trách nhiệm thành viên của Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của Công ty do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về cổ đông phải thanh toán đủ cổ phần được quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều 112 – Luật Doanh nghiệp 2014. Do đó, yêu cầu này của ông C, Tòa án không xem xét giải quyết trọng vụ án này. Vấn đề này chỉ xem xét, giải quyết ở một vụ việc khác khi Công ty N tiến hành thực hiện ngh a vụ tài chính chi trả tiền cho ông C mà phát sinh tranh chấp về ngh a vụ tài chính của Công ty N với ngh a vụ của thành viên Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật của Công ty N theo Luật doanh nghiệp.
Mặt khác, Đơn khởi kiện ngày 27/8/2013 ông C chỉ khởi kiện Công ty N yêu cầu Tòa án buộc Công ty N có ngh a vụ trả lại ông số tiền chưa thanh toán từ hợp đồng mua bán thức ăn cá Chẽm (BL: 30, 101 – 103). Do đó, yêu cầu của ông C về việc buộc các thành viên Công ty N phải có trách nhiệm liên đới với Công ty N trả số tiền trả nợ cho ông theo quy định khoản 4 Điều 112 – Luật Doanh nghiệp là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nhưng cấp sơ thẩm lại xem xét, giải quyết là vi phạm thủ tục tố tụng.
Ngoài ra án sơ thẩm có sai phạm đó là: Ông C yêu cầu buộc các thành viên của Công ty N có ngh a vụ liên đới với Công ty N thanh toán cho ông tổng số tiền 6.708.349.000 đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 112 – Luật Doanh nghiệp 2014 nhưng án sơ thẩm lại xem xét yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 – Luật Doanh nghiệp 2014 để tiến hành giải quyết là xem xét không đúng yêu cầu của ông C đặt ra. Đồng thời, án sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 1 Điều 110 – Luật Doanh nghiệp năm 2014 để nhận định trong bản án là chưa đúng. Vì tại thời điểm xảy ra tranh chấp Luật Doanh nghiệp năm 2005 đang có hiệu lực pháp luật thi hành.
Từ những phân tích và nhận định trên, xét thấy án sơ thẩm có sai phạm mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên hủy và đình chỉ giải quyết đối với phần yêu cầu khởi kiện của ông C – Chủ Doanh nghiệp tư nhân về việc buộc các thành viên Công ty N liên đới với Công ty N thanh toán cho ông C tổng số tiền 6.708.349.000 đồng.
[4] Đối với kháng cáo yêu cầu Thẩm tra lại qui trình kế toán của Công ty Nam Thái báo cáo tại Cục thuế Cà Mau, không trung thực nhằm tạo chứng cứ gian dối để chiếm đoạt tiền doanh thu bán cá cũng như để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Thấy rằng: Yêu cầu này không thuộc phạm vi yêu cầu khởi kiện đã được cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết. Đồng thời, tại phiên tòa ông C rút kháng cáo đối yêu cầu này. Việc rút yêu cầu kháng cáo của ông C là tự nguyện; việc rút kháng cáo của ông C không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khác trong vụ án nên được chấp nhận. Do đó, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo này của ông C.
[5] Do yêu cầu kháng cáo của ông C không được chấp nhận nên ông C phải chịu án phí dân sự phúc thẩm 2.000.000 đồng.
Căn cứ vào khoản 1, 4 và 5 Điều 308 – Bộ luật tố tụng dân sự
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông C – Chủ doanh nghiệp tư nhân về việc Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ và kiến nghị Cảnh sát điều tra của Công an tỉnh Cà Mau khởi tố, điều tra về “ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Giữ nguyên phần quyết định của bản án sơ thẩm buộc Công ty N có ngh a vụ thanh toán cho ông C tổng số tiền 6.708.349.000 đồng.
Hủy và đình chỉ giải quyết vụ án đối với phần ông C yêu cầu các thành viên Công ty N phải chịu trách nhiệm liên đới thực hiện ngh a vụ tài chính trong việc thanh toán cho ông C số tiền 6.708.349.000 đồng.
Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần ông C rút kháng cáo.
Áp dụng khoản 3 Điều 289; Điều 311, điểm g khoản 1 Điều 217; khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 147; khoản 3 Điều 284 – Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều 24, 50, 306, 317, 319 – Luật Thương mại. Khoản 1 và 2 Điều 27 – Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án năm 2009.
Tuyên xử:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C – Chủ Doanh nghiệp tư nhân; Buộc Công ty N có ngh a vụ thanh toán cho ông C tổng số tiền 6.708.349.000 đồng (gồm: nợ gốc 4.075.546.000 đồng, nợ lãi 2.632.803.000 đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền 6.708.349.000 đồng, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
- Hủy và đình chỉ giải quyết vụ án đối với phần yêu cầu khởi kiện của ông C – Chủ Doanh nghiệp tư nhân về việc buộc các thành viên Công ty N liên đới với Công ty N thanh toán cho ông C tổng số tiền 6.708.349.000 đồng.
- Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo của ông C đối với yêu cầu Thẩm tra lại qui trình kế toán của Công ty N báo cáo tại Cục thuế Cà Mau, không trung thực nhằm tạo chứng cứ gian dối để chiếm đoạt tiền doanh thu bán cá cũng như để trốn tránh thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Án phí:
+ Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm ông C phải chịu 2.000.000 đồng; nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0000153 ngày 23/5/2019 của Chi Cục Thi hành án dân sự thành phố Cà Mau, ông C đã nộp đủ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
+ Án phí kinh doanh thương mại có giá ngạch ông C không phải chịu; hoàn trả lại ông C 56.212.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 00840 ngày 28/8/2013 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cà Mau.
+ Án phí kinh doanh thương mại có giá ngạch Công ty N phải chịu 114.708.000 đồng.
Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 12/2019/KDTM-PT ngày 02/10/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán – Tòa án nhân dân Cà Mau đang được cập nhật.
Bản án 12/2019/KDTM-PT ngày 02/10/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán – Tòa án nhân dân Cà Mau
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Số hiệu | 12/2019/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2019-10-02 |
Ngày hiệu lực | 2019-10-02 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |