TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÀU BÀNG, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 06/2019/KDTM-ST NGÀY 29/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIA CÔNG NUÔI HEO
Ngày 29 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 127/2017/TLST-DS ngày 11 tháng 10 năm 2017 về tranh chấp về hợp đồng gia công nuôi heo theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2019/QĐXXST-DS ngày 15 tháng 3 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 07/2019/QĐST-DS ngày 12 tháng 4 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 13/2019/QĐST-DS ngày 10 tháng 5 năm 2019 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty C; địa chỉ: Khu công nghiệp B II, phường L, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
Ông M, sinh năm 1962; quốc tịch: Thái Lan; cư trú tại: 69/57 Moo 6, C Ward, T District, Bangkok, Thailand; chức danh: Tổng giám đốc, là người đại diện theo pháp luật (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần, mã số doanh nghiệp: 3600224423, đăng ký lần đầu: ngày 22 tháng 7 năm 1996, đăng ký thay đổi lần thứ: 1, ngày 12 tháng 8 năm 2015 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp).
Anh Đào Công Tr, sinh năm 1978; hộ khẩu thường trú: số 51B, tổ 11, khu phố 2, phường D, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; địa chỉ liên hệ: Văn phòng Luật sư N, số 277, đường 30/4, phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai, là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 10 tháng 10 năm 2017), có mặt.
- Bị đơn:
1. Ông Lê Công T, sinh năm 1965; cư trú tại: số 199, ấp L, xã N, huyện B, tỉnh Bình Dương, vắng mặt.
2. Ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1967; cư trú tại: số 107, đường ĐX085, tổ 15, khu 3, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương, vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Ngô Đình Tr, sinh năm 1966; cư trú tại: ấp S, xã L, huyện B, tỉnh Bình Dương, có mặt.
2. Anh Trương Phúc C, sinh năm 1978 và chị Nguyễn Ái N, sinh năm 1981; cùng cư trú tại: ấp T, thị trấn T, thị xã U, tỉnh Bình Dương, cùng vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại Đơn khởi kiện ngày 10 tháng 10 năm 2017 của nguyên đơn Công ty C (gọi tắt là Công ty C), quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, anh Đào Công Tr là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ngày 01 tháng 01 năm 2015, Chi nhánh Công ty C tại tỉnh Bình Phước là bên đặt gia công có ký Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt Chi nhánh: Bình Phước số CPVN-BP052/2015 (gọi tắt là Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt) với ông Lê Công T là bên nhận gia công (việc nuôi gia công này do ông T và ông Nguyễn Văn P cùng làm chung). Theo đó, ông T và ông P đồng ý nhận nuôi gia công heo con đã cai sữa với số lượng là 900 con cho Công ty C đến lúc xuất bán thịt; thời hạn hợp đồng từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Sau khi ký Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt, ngày 10 tháng 4 năm 2015, Công ty C giao heo lần 01 với số lượng 400 con; ngày 11 tháng 4 năm 2015, Công ty C giao heo lần 02 với số lượng 400 con. Do nhu cầu phát sinh thêm nên hai bên thỏa thuận tăng số lượng heo nuôi gia công lên 1.400 con. Vì vậy, ngày 16 tháng 4 năm 2015, Công ty C giao heo lần 03 với số lượng 300 con và ngày 21 tháng 4 năm 2015, Công ty C giao heo lần 4 với số lượng 300 con. Tổng cộng 04 lần giao heo là 1.400 con. Các lần giao heo đều có phiếu giao nhận heo và do ông P trực tiếp nhận. Đến ngày 01 tháng 6 năm 2015, Công ty C và ông T mới cùng ký biên bản thỏa thuận về việc tăng số lượng heo từ 900 con lên 1.400 con.
Theo các báo cáo hàng tuần heo thịt do ông T và ông P gửi Công ty C, số lượng heo chết trong quá trình nuôi heo tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2015 là 30 con và số lượng heo còn lại là 1.370 con.
Ngày 13 tháng 8 năm 2015, Công ty C đến kiểm tra thực tế tại trại để làm biên bản xác nhận số lượng và biên bản thỏa thuận chuẩn bị xuất heo thì phát hiện số heo còn lại là 869 con, thiếu 1.370 con – 869 con = 501 con. Ngày 14 tháng 8 năm 2015, khi Công ty C đến bắt heo khỏi trại thì số lượng heo thực tế còn lại là 867 con (chênh lệch 02 con so với ngày 13 tháng 8 năm 2015 do chết trong quá trình vét trại). Số heo còn thiếu đã bị ông T và ông P đã tự ý bán lấy tiền mà không hoàn trả cho Công ty C.
Tổng trọng lượng 867 con heo còn lại nặng 67.033 kg, trọng lượng bình quân 77,3 kg/con. Tổng trọng lượng heo bị ông T và ông P bán là 501 con x 77,3 kg/con = 38.727,3 kg. Giá bán heo của Công ty C tại thời điểm ngày 14 tháng 8 năm 2015 là 46.500 đồng/kg. Tổng số tiền mà ông T và ông P đang giữ của Công ty C là 38.727,3 kg x 46.500 đồng/kg = 1.800.819.450 đồng.
Theo khoản 5.2 Điều 5 của Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt, giá mỗi kg tăng thêm ông T và ông P đuợc hưởng tiền công nuôi là 3.100 đồng. Tổng trọng lượng của 1.400 con heo ban đầu Công ty C giao cho ông T và ông P là 7.535 kg. Tổng số heo khi trừ đi số heo chết là 501 con + 867 con = 1.368 con; tổng trọng lượng là 1.368 con x 77,3 kg/con =105.746,4 kg; số kg thịt tăng thêm là 105.746,4 kg – 7.535 kg = 98.211,4 kg. Số tiền công ông T và ông P được hưởng đối với trọng lượng heo tăng thêm là 3.100 đồng/kg x 98.211,4 kg = 304.455.340 đồng. Số tiền ông P và ông T đang chiếm giữ của Công ty C là 1.800.819.450 đồng – 304.455.340 đồng = 1.496.364.110 đồng.
Theo Đơn khởi kiện ngày 10 tháng 10 năm 2017 và quá trình tố tụng, Công ty C yêu cầu ông T và ông P phải trả cho Công ty C số tiền bán heo và tiền lãi phát sinh trong thời gian chậm trả từ ngày 13 tháng 8 năm 2015 (là thời điểm Công ty C phát hiện ông T và ông P tự ý bán 501 con heo) tạm tính đến ngày 13 tháng 7 năm 2017, tổng cộng là 1.883.548.323 đồng (số tiền yêu cầu cụ thể sẽ được tính lại khi vụ án đưa ra xét xử), cụ thể:
- Tiền bán heo: 1.496.364.110 đồng;
- Tiền lãi do chậm trả (tạm tính đến ngày 13 tháng 7 năm 2017 là 23 tháng): (1.496.364.110 đồng x 1,125%/tháng) x 23 tháng = 387.184.213 đồng.
Tại phiên tòa, Công ty C yêu cầu ông T và ông P phải trả cho Công ty C số tiền bán heo và tiền lãi phát sinh trong thời gian chậm trả từ ngày 13 tháng 8 năm 2015 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 29 tháng 5 năm 2019, tổng cộng là 2.063.508.553 đồng, cụ thể:
- Tiền bán heo: 1.496.364.110 đồng;
- Tiền lãi do chậm trả (tính đến ngày 29 tháng 5 năm 2019 là 45 tháng 15 ngày), mức lãi suất áp dụng theo Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 10%/năm, tương đương 0,833%/tháng: (1.496.364.110 đồng x 0,833%/tháng) x 45 tháng 15 ngày = 567.144.443 đồng (làm tròn).
Đồng thời tại phiên tòa, Công ty C căn cứ Điều 153 của Bộ luật Tố tụng hình sự kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét khởi tố đối với ông T và ông P vì đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Công ty C.
Tại Bản tự khai ngày 13 tháng 11 năm 2017, bị đơn ông Lê Công T trình bày: Ông T, ông P và ông Ngô Đình Tr cùng nhau thống nhất thuê quyền sử dụng đất của anh Trương Phúc C tọa lạc ấp 9, xã L, huyện N, tỉnh Bình Phước để chăn nuôi heo gia công cho Công ty C. Ông T là người đứng tên trong Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt với Công ty C. Khoảng một tháng sau khi sửa chuồng trại xong, ông P nói với ông T là Công ty C đã giao hết số heo con, cám và thuốc phòng bệnh, ông P là người ký nhận; ông P đã thay đổi hợp đồng thuê trại, ông T không còn đứng tên trong hợp đồng thuê trại nên ông P không cho ông T vào trại. Ông T và ông P cùng nhau lên Công ty C yêu cầu giải quyết nhưng Công ty C không giải quyết.
Đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty C, ông T không đồng ý, mặc dù ông T là người đứng tên trong Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt nhưng ông T không được giao và ký nhận gì từ Công ty C.
Tại Bản tự khai ngày 24 tháng 10 năm 2017 và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Nguyễn Văn Ph trình bày:
Ông P, ông T và ông Tr (anh vợ ông T) cùng hùn vốn để nuôi heo gia công và nuôi heo nái theo Hợp đồng liên doanh (thuê trại nuôi heo) ngày 31 tháng 12 năm 2014. Theo đó, trại liên doanh (quyền sử dụng đất) thuê của anh Trương Phúc Chánh, tọa lạc ấp 9, xã L, huyện N, tỉnh Bình Phước. Các hoạt động kinh doanh của trại là nhận nuôi gia công heo cho Công ty C. Ông T là người đứng ra ký Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt với Công ty C ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Theo Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt giữa Công ty C và ông T, ông Ty nhận gia công nuôi heo cho Công ty C với số lượng 900 con heo con đã cai sữa; thời hạn hợp đồng từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 31 tháng 01 năm 2019. Tuy nhiên đến khi thả heo thì số lượng là 1.400 con, cụ thể: ngày 10 tháng 4 năm 2015, Công ty C giao 400 con; ngày 11 tháng 4 năm 2015, Công ty C 400 con; ngày 16 tháng 4 năm 2015, Công ty C giao 300 con và ngày 21 tháng 4 năm 2015, Công ty C giao 300 con. Ông P là người ký nhận toàn bộ số heo trên. Lý do ông P đứng ra ký nhận toàn bộ số heo trên vì ông T nói với ông P là 500 con heo còn dư so với hợp đồng là của ông T nuôi riêng, không liên quan đến hợp đồng.
Sau khi Công ty C thả heo, ông P và ông Tr trực tiếp nuôi heo nhưng khoảng hai tháng sau thì ông Tr không làm nữa nên ông P là người nuôi heo đến khi xuất chuồng. Sau nửa tháng kể từ khi nhập heo, ông P có làm đơn đề nghị Công ty C chuyển người đứng tên trong Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt từ ông T sang cho ông P. Công ty C có hướng dẫn cho ông P làm hồ sơ, ông P đã làm theo hướng dẫn nhưng đến nay hợp đồng vẫn đứng tên ông T.
Quá trình nuôi heo, số heo chết là 30 con. Khi heo đã đạt mức xuất chuồng, ngày 02 tháng 7 năm 2018, Công ty C tiến hành kiểm tra trại, số lượng heo còn lại sau khi đã trừ số heo chết là 1.400 con – 30 con heo chết = 1.373 con.
Ngày 10 tháng 8 năm 2015, ông P đã bán 500 con heo với tổng số tiền là 1.400.000.000 đồng (không có hóa đơn, chứng từ thể hiện) để thu hồi khoản nợ ông T nợ ông P là 1.300.000.000 đồng (đây là tiền đầu tư vật tư, sửa chữa trang trại để nuôi heo). Sau khi bán heo, ông P dùng số tiền bán heo để trả nợ do đầu tư trang trại, số tiền còn lại là 100.000.000 đồng, ông P đã trả tiền thuê trại cho ông Trương Phúc C là 70.000.000 đồng, còn lại 30.000.000 đồng ông P đang giữ.
Ngày 13 tháng 8 năm 2015, Công ty C tiến hành vét trại, số heo còn lại là 1.373 con – 500 con = 870 con; do bị chết thêm 01 con nên số heo còn lại là 869 con.
Nay, ông P không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty C vì: tuy ông P là người trực tiếp ký nhận 1.400 con heo con của Công ty C; số heo còn thừa là 500 con ông T nói của ông T (nói miệng), nhưng ông P tin vì hợp đồng chỉ thể hiện 900 con. Về mối quan hệ hùn vốn nuôi heo giữa ông P, ông T và ông Tr, ông P không có yêu cầu gì đối với ông T và ông Tr trong vụ án này. Đối với số tiền công gia công nuôi heo là 350.00.000 đồng, ông P đề nghị Công ty C phải trả cho ông P; tuy nhiên, ông P không yêu cầu phản tố đối với Công ty C mà chỉ đề nghị để Tòa án và Công ty C xem xét. Còn số tiền 30.000.000 đồng ông P đang giữ, sau khi Công ty C trả tiền gia công nuôi heo cho ông P, ông P sẽ dùng để thanh toán khoản nợ còn lại, kể cả tiền hùn vốn của ông Tr.
Tại Bản tự khai ngày 29 tháng 5 năm 2018, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ngô Đình Tr trình bày:
Ông Tr cùng ông P và ông T hùn vốn để nuôi heo theo Hợp đồng liên doanh (thuê trại nuôi heo) ngày 31 tháng 12 năm 2014. Ông Tr hùn 400.000.000 triệu đồng (ông Tr đưa cho ông Ty 300.000.000 đồng và đưa cho ông P 100.000.000 đồng). Sau đó, ông T có ký Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt với Công ty C. Sau khi Công ty C thả heo, ông Tr ở lại trại để nuôi heo khoảng hai tháng. Vào khoảng tháng 6 năm 2015, giữa ông Tr và ông P có xảy ra mâu thuẫn nên ông Tr không làm ở trại heo nữa. Việc nuôi heo cho Công ty C do một mình ông P làm và ông P đã tự ý bán heo của Công ty C.
Nay, Công ty C khởi kiện ông T và ông P, ý kiến của ông Tr như sau: đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, người bán heo có trách nhiệm đền bù. Về số tiền ông Tr hùn vốn với ông T và ông P để nuôi heo là 400.000.000 đồng, ông Tr không yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án và sẽ khởi kiện bằng một vụ án khác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Trương Phúc C và chị Nguyễn Ái N đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần để tham gia tố tụng nhưng anh C và chị N vắng mặt không lý do nên Tòa án không ghi nhận được ý kiến của anh C và chị N.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và về việc giải quyết vụ án: quá trình giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; yêu cầu khởi kiện của Công ty C đối với ông T là không có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận; yêu cầu khởi kiện của Công ty C đối với ông P là có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, buộc ông P phải trả cho Công ty C số tiền bán heo và tiền lãi do chậm thanh toán theo yêu cầu khởi kiện của Công ty C; đối với việc Công ty C căn cứ Điều 153 của Bộ luật Tố tụng hình sự kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét khởi tố ông T và ông P là không có cơ sở nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phân tích, đánh giá và nhận định:
[1] Về thủ tục thụ lý việc khởi kiện của nguyên đơn đã thực hiện đúng theo các quy định về khởi kiện và thụ lý vụ án của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về quan hệ pháp luật: các bên tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt Chi nhánh: Bình Phước số CPVN-BP052/2015 ngày 01 tháng 01 năm 2015, đây là hợp đồng gia công được quy định tại Điều 179 của Luật Thương mại, Hội đồng xét xử xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là tranh chấp về hợp đồng gia công nuôi heo.
[3] Về thẩm quyền:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự, những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là “tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Thương mại, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Hoạt động gia công theo Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt là hoạt động gia công trong thương mại được quy định tại Điều 178 của Luật Thương mại. Nguyên đơn và bị đơn giao kết hợp đồng chăn nuôi gia công nuôi heo thịt đều có mục đích lợi nhuận. Vì vậy, tranh chấp về hợp đồng gia công nuôi heo giữa các đương sự là một loại tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bị đơn Lê Công T cư trú tại ấp L, xã N, huyện B, tỉnh Bình Dương và bị đơn Nguyễn Văn P cư trú tại ấp L1, xã N, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương (sau khi thụ lý ông P mới thay đổi nơi cư trú) nên vụ án vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Bàu Bàng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ án mới phát hiện được vụ án thuộc tranh chấp về kinh doanh, thương mại, không phải tranh chấp về dân sự. Vì vậy, Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung, nhưng ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án theo đúng hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[4] Bị đơn ông T và ông P, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh C và chị N đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt tại phiên tòa không lý do, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt ông T, ông P, anh C và chị N.
[5] Về áp dụng pháp luật nội dung: như đã phân tích ở trên, hoạt động gia công theo Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt giữa các bên là hoạt động gia công trong thương mại; căn cứ Điều 4 của Luật Thương mại, Hội đồng xét xử áp dụng Luật Thương mại và pháp luật có liên quan để giải quyết vụ án.
[6] Về cơ sở tính số tiền bán heo để Công ty C yêu cầu ông T và ông P trả, Công ty C căn cứ vào: Biên bản vét trại ngày 14 tháng 8 năm 2015, số lượng heo còn lại là 867 con heo thịt, tổng trọng lượng là 67.033 kg, trọng lượng bình quân mỗi con là 77,3kg/con; giá heo thị trường tại thời điểm ngày 14 tháng 8 năm 2015 là 46.500 đồng/kg heo thịt.
Quá trình tố tụng, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì về vấn đề này; Hội đồng xét xử căn cứ vào trọng lượng bình quân mỗi con heo và giá heo theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để giải quyết vụ án.
[7] Nguyên đơn và các bị đơn đều thừa nhận Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt, Hội đồng xét xử xác định đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự, công nhận tình tiết, chứng cứ này là có thật.
Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt có hình thức phù hợp với quy định tại Điều 179 của Luật Thương mại, việc ký kết hợp đồng của đại diện Chi nhánh Công ty C theo Quy chế ủy quyền ký hợp đồng, văn bản giao dịch của Công ty C ngày 01 tháng 10 năm 2014, có Phụ lục điều chỉnh lần thứ ba ngày 30 tháng 01 năm 2015 nên có hiệu lực, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định tại Điều 181, Điều 182 và Điều 183 của Luật Thương mại. Quá trình thực hiện hợp đồng, nguyên đơn cho rằng bị đơn đã tự ý bán 501 con heo thịt của nguyên đơn nên phát sinh tranh chấp.
[8] Xét yêu cầu của Công ty C buộc ông T và ông P phải trả cho Công ty C số tiền bán heo là 1.496.364.110 đồng:
Tổng số heo con đã cai sữa Công ty C giao để ông T thực hiện việc chăn nuôi gia công là 1.400 con theo các tài liệu do Công ty C cung cấp như sau: Phiếu giao nhận heo ngày 10 tháng 4 năm 2015 là 400 con, Phiếu giao nhận heo ngày 11 tháng 4 năm 2015 là 400 con, Phiếu giao nhận heo ngày 16 tháng 4 năm 2015 là 300 con và Phiếu giao nhận heo ngày 21 tháng 4 năm 2015 là 300 con, tăng 500 con so với Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt. Công ty C và ông T có Biên bản thỏa thuận (V/v thả con giống tăng, giảm so với hợp đồng) ngày 01 tháng 6 năm 2015. Tất cả các lần Công ty C giao heo trên ông P đều là người ký nhận; quá trình tố tụng, ông P thừa nhận điều này.
Theo các báo cáo hàng tuần heo thịt từ ngày 05 tháng 4 năm 2015 đến ngày 31 tháng 7 năm 2015 do Công ty C cung cấp, số lượng heo còn lại thực tế ở trại là 1.370 con, số heo chết là 30 con; quá trình tố tụng, ông P thống nhất số heo chết là 30 con, ông T và ông Tr cũng không có ý kiến phản đối nên đây cũng là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo Biên bản xác nhận số lượng heo ngày 13 tháng 8 năm 2015 do Công ty C cung cấp, số lượng heo thực tế còn ở trại là 869 con, thiếu 1.370 con – 869 con = 501 con so với ngày 31 tháng 7 năm 2015. Theo Biên bản vét trại ngày 14 tháng 8 năm 2015 do Công ty C cung cấp, số lượng heo thực tế còn ở trại là 867 con, chênh lệch 02 con so với ngày 13 tháng 8 năm 2015 do chết trong quá trình vét trại, Công ty C không được tính vào số lượng heo thất thoát. Như vậy, khoảng thời gian thất thoát heo được xác định từ ngày 31 tháng 7 năm 2015 đến ngày 13 tháng 8 năm 2015. Ông P cũng thừa nhận ngày 10 tháng 8 năm 2015, ông P đã tự ý bán 500 con heo để thu hồi nợ là phù hợp với khoảng thời gian trên.
Theo Công ty C, số lượng heo 501 con bị thiếu do bị đơn đã tự ý bán; ông P thừa nhận ông P chỉ tự ý bán 500 con heo với giá 1.400.000.000 đồng nhưng ông P không có tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Cũng theo Biên bản vét trại ngày 14 tháng 8 năm 2015, tổng trọng lượng 867 con heo là 67.033 kg; trọng lượng trung bình của 01 con heo là 77,3 kg/con. Tổng trọng lượng heo ông T và ông P bán là 501 con x 77,3 kg/con = 38.727,3 kg. Giá bán heo của Công ty C tại thời điểm ngày 14 tháng 8 năm 2015 là 46.500 đồng/kg. Tổng giá trị heo ông T và ông P đã bán là 38.727,3 kg x 46.500 đồng/kg = 1.800.819.450 đồng. Công ty C khấu trừ số tiền công ông T và ông P được hưởng là 304.455.340 đồng, chỉ yêu cầu ông P và ông T trả cho Công ty C là 1.800.819.450 đồng – 304.455.340 đồng = 1.496.364.110 đồng.
Theo quy định tại khoản 4.2 Điều 4 và Điều 6 của Hợp đồng chăn nuôi gia công heo thịt, Công ty C có quyền chấm dứt hợp đồng ngay và yêu cầu bên nhận gia công theo hợp đồng là ông T bồi thường thiệt hại thực tế xảy ra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, giữa ông T và ông P có hợp đồng liên doanh thuê trại nuôi heo; phần cuối của hợp đồng có xác nhận của chính quyền địa phương cũng như ông P và ông T cũng thừa nhận về điều này; Công ty C cũng thừa nhận, một số văn bản, tài liệu Công ty C đồng ý cho ông P ký với tư cách đại diện chủ trại; ông P chính là người ký nhận heo và tự ý bán heo của Công ty C. Mặt khác, theo Giấy ủy quyền V/v nhận tiền thu nhập từ nuôi heo gia công ngày 05 tháng 5 năm 2015, có xác nhận của chính quyền địa phương do chính Công ty C cung cấp, nội dung ủy quyền thể hiện ông Ty ủy quyền cho ông P được quyền nhận toàn bộ tiền thu nhập nuôi gia công heo thịt và chịu hoàn toàn trách nhiệm với Công ty C theo hợp đồng đã ký số CPVN-BP 052/2015 ngày 01 tháng 01 năm 2015. Trước đó, ông P còn có Đơn đề nghị thay đổi số tài khoản hộ chăn nuôi ngày 15 tháng 4 năm 2015 đề nghị Công ty C thay đổi số tài khoản thanh toán từ ông T sang ông P. Điều này thể hiện, Công ty C biết rõ ông P có vai trò chính trong quá trình thực hiện hợp đồng trên thực tế, ông T chỉ là người đứng tên trên hợp đồng. Theo Điều 293 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về việc thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba: “Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Như vậy, ông P là người có trách nhiệm bồi thường cho Công ty C, không phải là ông T. Việc ông P cho rằng tiền nuôi gia công heo là 350.000.000 đồng nhưng ông P không có yêu cầu phản tố đối với Công ty C trong vụ án nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Từ các lập luận trên, Hội đồng xét xử có căn cứ buộc ông P có trách nhiệm trả cho Công ty C số tiền bán heo 1.496.364.110 đồng.
[9] Xét yêu cầu trả tiền lãi chậm trả từ ngày 13 tháng 8 năm 2015 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 29 tháng 5 năm 2019 là 45 tháng 15 ngày, mức lãi suất áp dụng là 10%/năm, tương đương 0,833%/tháng: (1.496.364.110 đồng x 0,833%/tháng) x 45 tháng 15 ngày = 567.144.443 đồng (làm tròn):
Xét đây là quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán của Công ty C đối với bị đơn, phù hợp theo quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại. Do ông P có trách nhiệm trả tiền bán heo cho Công ty C nên ông P đồng thời có trách nhiệm trả tiền lãi do chậm thanh toán cho Công ty C.
Về thời gian yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 13 tháng 8 năm 2015 đến ngày xét xử sơ thẩm là ngày 29 tháng 5 năm 2019 là 45 tháng 15 ngày theo yêu cầu của Công ty C: như đã phân tích ở trên, ngày 13 tháng 8 năm 2015 là ngày Công ty C phát hiện bị thất thoát 501 con heo; Công ty C yêu cầu trả tiền lãi do chậm thanh toán đến ngày xét xử sơ thẩm là hoàn toàn phù hợp nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
Về mức lãi suất theo yêu cầu của Công ty C: theo quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại và Điều 11 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, tiền lãi trên số tiền chậm trả tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm). Xét mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm xét xử gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) là 18%/năm (1,5%/tháng). Tuy nhiên, tại phiên tòa, Công ty C chỉ yêu cầu mức lãi suất 10%/năm (0,833%/tháng), tổng số tiền lãi do chậm trả là 567.144.443 đồng nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
Như vậy Hội đồng xét xử có cơ sở quyết định, buộc ông P có trách nhiệm trả cho Công ty C tiền lãi do chậm thanh toán là 567.144.443 đồng.
[10] Về việc tại phiên tòa, Công ty C căn cứ Điều 153 của Bộ luật Tố tụng hình sự kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét khởi tố đối với ông T và ông P vì đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Công ty C: quá trình tố tụng, Công ty C cung cấp cho Tòa án Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, nội dung không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra ngày 09 tháng 8 năm 2015 tại ấp 9, xã L, huyện N, tỉnh Bình Phước. (Theo đơn khiếu nại của Công ty C); Quyết định giải quyết đơn khiếu nại của Công ty C số 03/QĐ-KT ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Bình Phước, nội dung không chấp nhận đơn khiếu nại ngày 07/12/2015 của Công ty C và Quyết định giải quyết đơn khiếu nại số 86/QĐ-VKS-P3 ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, nội dung bác đơn khiếu nại của Cty C đối với Quyết định giải quyết khiếu nại số 03/QĐ-KT ngày 21.12.2015 của Viện trưởng Viện KSND huyện N. Xét kiến nghị này của Công ty C là không có cơ sở nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[11] Xét ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa về việc tuân theo pháp luật tố tụng và về việc giải quyết vụ án là phù hợp.
[12] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C đối với ông T; chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C đối với ông P, tổng số tiền ông P có trách nhiệm trả cho Công ty C là 2.063.508.553 đồng.
[13] Quá trình tố tụng, các đương sự không có yêu cầu gì khác nên Hội đồng xét xử không xem xét. Quan hệ pháp luật giữa ông T, ông P và ông Tr sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu.
[14] Về án phí:
Công ty C không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Ông P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 39, khoản 2 Điều 92, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 293 của Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 3, Điều 4, Điều 178, Điều 179, Điều 181, Điều 182, Điều 183 và Điều 306 của Luật Thương mại;
Căn cứ vào khoản 1 Điều 6 và khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 11 và Điều 13 của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C đối với ông Lê Công T.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C đối với ông Nguyễn Văn P: Buộc ông Nguyễn Văn P có trách nhiệm trả cho Công ty C số tiền bán heo là 1.496.364.110đ (một tỉ bốn trăm chín mươi sáu triệu ba trăm sáu mươi bốn nghìn một trăm mười đồng) và tiền lãi do chậm thanh toán là 567.144.443đ (năm trăm sáu mươi bảy triệu một trăm bốn mươi bốn nghìn bốn trăm bốn mươi ba đồng). Tổng số tiền Nguyễn Văn P có trách nhiệm trả cho Công ty C là 2.063.508.553đ (hai tỉ không trăm sáu mươi ba triệu năm trăm lẻ tám nghìn năm trăm năm mươi ba đồng).
3. Không chấp nhận kiến nghị của Công ty C về việc xem xét khởi tố đối với ông Lê Công T và ông Nguyễn Văn P.
4. Về án phí:
Công ty C được nhận lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 34.253.500đ (ba mươi bốn triệu hai trăm năm mươi ba nghìn năm trăm đồng) theo biên lai thu tiền số AA/2016/0002651 ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn P phải chịu 73.270.171đ (bảy mươi ba triệu hai trăm bảy mươi nghìn một trăm bảy mươi mốt đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
5. Về nghĩa vụ thi hành án:
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
6. Về quyền kháng cáo: các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
File gốc của Bản án 06/2019/KDTM-ST ngày 29/05/2019 về tranh chấp hợp đồng gia công nuôi heo – Tòa án nhân dân Huyện Bàu Bàng – Bình Dương đang được cập nhật.
Bản án 06/2019/KDTM-ST ngày 29/05/2019 về tranh chấp hợp đồng gia công nuôi heo – Tòa án nhân dân Huyện Bàu Bàng – Bình Dương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Huyện Bàu Bàng - Bình Dương |
Số hiệu | 06/2019/KDTM-ST |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2019-05-29 |
Ngày hiệu lực | 2019-05-29 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |