TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
BẢN ÁN 04/2018/KDTM-PT NGÀY 15/08/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 15 tháng 8 năm 2018, tại Hội trường Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2018/TLPT- KDTM ngày 29 tháng 5 năm 2018 về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 02/2018/QĐ-PT ngày 04 tháng 7 năm 2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ngân hàng N
Địa chỉ trụ sở: đường L, phường T, quận B, thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Minh T - Giám đốc Ngân hàng N Chi nhánh huyện C là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (được ủy quyền theo văn bản ủy quyền số 510/QĐ-HĐTV-PC ngày 19/6/2014 của Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng N); có mặt.
2. Bị đơn: Bà Trần Thị Minh T – Chủ doanh nghiệp tư nhân xăng dầu M.
Địa chỉ trụ sở doanh nghiệp: TK 4, thị trấn A, huyện T, tỉnh Quảng Trị.
Nơi ĐKHKTT: tầng 2, dãy C, khu tập thể L, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chổ ở hiện nay: đường V, phường Q, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; có đơn xin xét xử vắng mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Thiềm Thị Phương M.
Nơi ĐKHKTT: tầng 2, dãy C, khu tập thể L, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chổ ở hiện nay: đường V, phường Q, thành phố B, tỉnh Đồng Nai; có đơn xin xét xử vắng mặt.
4. Người kháng cáo: Chị Thiềm Thị Phương M là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 20 tháng 11 năm 2017 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Ngân hàng N trình bày:
Ngày 17 tháng 01 năm 2012, bà Trần Thị Minh T – Chủ Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu M (viết tắt: Doanh nghiệp M) và Ngân hàng N ký kết hợp đồng tín dụng số 3904 LAV 201200089, theo đó Ngân hàng N cho Doanh nghiệp M vay số tiền 220.000.000 đồng; mục đích vay vốn: xây và sữa chữa kè bao cây xăng C; thời hạn vay 12 tháng, lãi suất 20%/năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi trong hạn.
Để đảm bảo cho khoản vay, ngày 17/01/2012 chị Thiềm Thị Phương M đã ký hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất 350m2, tại thửa đất số 251/3, tờ bản đồ số 21, địa chỉ thửa đất: Thôn C, xã T, huyện C theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 843360 do UBND huyện C cấp ngày 04/12/2007 và quyền sử dụng đất 751m2, thửa đất số 285, 286; tờ bản đồ số 21; địa chỉ thửa đất: Thôn C, xã T, huyện C theo giấy chứng nhận số AK 843361 do UBND huyện C cấp ngày 04/12/2007.
Do bà Trần Thị Minh T không trả nợ theo cam kết nên ngày 22/7/2013 Ngân hàng N đã khởi kiện yêu cầu bà T trả nợ vay. Ngày 25/9/2013, Tòa án nhân dân huyện C xét xử sơ thẩm theo bản án số 03/2013/KDTM-ST; ngày 05/12/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử phúc thẩm theo bản án số 16/2013/KDTM-PT và ngày 21/6/2016 Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định giám đốc thẩm số 04/2016/KDTM-GĐT hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện C giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Trong thời gian từ khi có bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị bà T đã trả toàn bộ số nợ gốc theo hợp đồng là 220.000.000 đồng và Ngân hàng N đã trả lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hợp đồng thế chấp tài sản cho chị Thiềm Thị Phương M. Toàn bộ tài sản thế chấp của chị Thiềm Thị Phương M đã bán cho người thứ ba. Ngày 09/02/2017, sau khi Tòa án nhân dân huyện C thụ lý lại vụ án thì nguyên đơn rút đơn khởi kiện và Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 01/2017/QĐST – KDTM ngày 09/2/2017.
Nay, Ngân hàng N khởi kiện lại yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Trần Thị Minh T – Chủ Doanh nghiệp M trả số tiền nợ lãi 99.647.500 đồng, bao gồm:
- Lãi trong hạn: 13.420.000 đồng.
Từ ngày 17/01/2012 đến ngày 17/05/2012: 220.000.000 đồng x 122 ngày x 18% = 13.420.000 đồng.
- Lãi quá hạn: 86.227.500 đồng.
+ Từ ngày 18/05/2012 đến 14/07/2012: 220.000.000 đồng x 58 ngày x (18% x 150%) = 9.570.000 đồng;
+ Từ ngày 15/07/2012 đến 12/05/2013: 220.000.000 đồng x 302 ngày x (15% x 150%) = 41.525.000 đồng;
+ Từ ngày 13/05/2013 đến 07/07/2013: 220.000.000 đồng x 56 ngày x (13% x 150%) = 6.673.333 đồng;
+ Từ ngày 08/07/2013 đến 15/08/2013: 210.000.000 đồng x 39 ngày x (13% x 150%) = 4.436.250 đồng;
+ Từ ngày 16/08/2013 đến 16/02/2014: 200.000.000 đồng x 185 ngày x (13% x 150%) = 20.041.667 đồng;
+ Từ ngày 17/02/2014 đến 06/04/2014 là 150.000.000 đồng x 49 ngày x (13% x 150%) = 3.981.250 đồng.
Thực hiện bản án phúc thẩm số 16/2013/KDTM-PT ngày 05/12/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị và quyết định của cơ quan thi hành án dân sự huyện C, ngày 07/4/2014 Ngân hàng N đã giao lại 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp cho chị Thiềm Thị Phương M. Việc giao lại 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không làm mất đi nghĩa vụ của chị M trong việc đã dùng tài sản của mình để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay cho bà T. Vì vậy, đề nghị Tòa án buộc chị M vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc trả nợ của bà T, cũng như dùng tài sản của mình để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay nói trên trong trường hợp Doanh nghiệp M không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Tại bản trình bày ý kiến ngày 02/12/2017, bị đơn bà Trần Thị Minh T – Chủ doanh nghiệp M trình bày:
Thừa nhận có ký hợp đồng tín dụng số 3904 – LAV 201200089 ngày 17/01/2012 để vay số tiền 220.000.000 đồng, mục đích vay, lãi suất trong hạn, lãi quá hạn như trình bày của nguyên đơn. Để đảm bảo cho khoản vay trên, chị Thiềm Thị Phương M đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất theo 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 843360 và AK 843361. Tuy nhiên, bà T không đồng ý một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì cho rằng phía người bảo lãnh là chị Thiềm Thị Phương M đã bán hết tài sản thế chấp để trả nợ thay cho Doanh nghiệp M là 220.000.000 đồng và đã hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh của người bảo lãnh. Bị đơn thừa nhận còn nợ số tiền lãi là 37.042.500 đồng nhưng do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nên chưa có tiền trả. Việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu trả số tiền lãi 99.647.500 đồng là quá cao, lãi chồng lãi nên không chấp nhận.
Tại văn bản trình bày ý kiến ngày 03/11/2017 và ngày 15/3/2018, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Thiềm Thị Phương M trình bày:
Thừa nhận có ký hợp đồng thế chấp tài sản số 17.01.2012/TC ngày 17/01/2012 để bảo đảm cho khoản vay của Doanh nghiệp M với số tiền 220.000.000 đồng như nguyên đơn trình bày. Chị M cho rằng đã trả nợ gốc cho Ngân hàng N trong phạm vi bảo lãnh, cụ thể:
- Ngày 08/7/2013, trả nợ gốc 10.000.000 đồng; ngày 16/8/2013 trả nợ gốc 10.000.000 đồng.
- Khi bản án phúc thẩm số 16/2013/KDTM-PT ngày 05/12/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của ngân hàng, chị M tiếp tục trả tiền 2 đợt: Ngày 17/02/2014, trả trực tiếp cho ngân hàng 50.000.000 đồng và ngày 07/04/2014 trả tiếp 150.000.000 đồng cho ngân hàng qua cơ quan thi hành án dân sự huyện C.
Như vậy, chị M cho rằng đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh, nguyên đơn yêu cầu tiếp tục trả số tiền lãi là không đúng quy định của pháp luật.
Bản án sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 21/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện C quyết định:
Căn cứ Điều 361 của Bộ luật dân sự 2005; khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, xử:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Trần Thị Minh T - Chủ doanh nghiệp M trả cho Ngân hàng N số tiền: 99.647.500 đồng.
- Trong trường hợp bà Trần Thị Minh T – Chủ doanh nghiệp M không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì chị Thiềm Thị Phương M có trách nhiệm trả thay.
- Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, hàng tháng bên phải thi hành án phải chịu lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 16/4/2018, bị đơn bà Trần Thị Minh T – Chủ doanh nghiệp M kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng ngày 20/5/2018 đã có đơn xin rút lại đơn kháng cáo.
Ngày 23/4/2018, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Thiềm Thị Phương M kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung:
- Phần lãi suất nguyên đơn yêu cầu được Tòa án sơ thẩm chấp nhận là không đúng, vì khi đang phát sinh tranh chấp tại Tòa án thì ngân hàng không thể tính lãi suất theo thỏa thuận hay lãi quá hạn.
- Tòa án sơ thẩm không xem xét tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất có liên quan đến chồng chị M là ông Quách Hoàng L, vì tài sản trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ một mình chị M ký hợp đồng thế chấp là vi phạm đến quyền lợi của ông L.
- Trong cùng một vụ án không thể chịu án phí hai lần, vì tại bản án phúc thẩm số 16/2013/KDTM-PT ngày 05/12/2013 của TAND tỉnh Quảng Trị bà Trần Thị Minh T đã nộp 5.926.000 đồng nhưng đến bản án số 02/2018/KDTM-ST ngày 21/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện C lại buộc chịu thêm 4.982.357 đồng.
Yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị có ý kiến như sau:
- Về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết, xét xử đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Về nội dung kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Thiềm Thị Phương M:
Tòa án cấp sơ thẩm không xác minh, thu thập chứng cứ xem tài sản chị Thiềm Thị Phương M thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Doanh nghiệp M có liên quan đến quyền lợi của anh Quách Hoàng L hay không? từ đó không đưa anh L vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; không xác minh tổng giá trị thế chấp là bao nhiêu mà đã buộc chị Thiềm Thị phương M có nghĩa vụ trả nợ thay là chưa có căn cứ.
Đối với nội dung kháng cáo về phần án phí sơ thẩm: Bản án sơ thẩm buộc bà Trần Thị Minh T – Chủ Doanh nghiệp M phải chịu án phí sơ thẩm nên chị M không có quyền kháng cáo nội dung này.
Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 và khoản 1 Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 hủy bản án sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến của các bên đương sự, của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
Ngày 16/4/2018, bị đơn bà Trần Thị Minh T - Chủ Doanh nghiệp M kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, ngày 17/5/2018 Tòa án sơ thẩm tống đạt thông báo nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nhưng ngày 20/5/2018 bà T có đơn xin rút lại đơn kháng cáo. Do đó, trường hợp này được coi như từ bỏ việc kháng cáo. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Thiềm Thị Phương M kháng cáo trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; do đó, đơn kháng cáo là hợp lệ.
Bà Trần Thị Minh T và chị Thiềm Thị Phương M có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ vào khoản 2 Điều 296 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
[2] Xét nội dung kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Thiềm Thị Phương M.
[2.1] Xem xét về tính pháp lý của hợp đồng thế chấp tài sản:
Theo Điều 2 của hợp đồng thế chấp tài sản số 17.01.2012/TC ngày 17/01/2012 về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm: Bên B (chị M) tự nguyện đem tài sản thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ của bên C (bà T) đối với bên A (ngân hàng) bao gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phí và chi phí phát sinh khác có liên quan; trong đó, mức dư nợ cho vay theo hợp đồng tín dụng do bên A và bên C ký là 220.000.000 đồng.
Tại điểm 4.3.7 khoản 4.3 Điều 4 của hợp đồng thế chấp quy định: Số tiền thu được từ việc bán tài sản… sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ… bao gồm nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn; phần còn dư sẽ trả lại cho bên B; nếu còn thiếu thì bên C có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ đầy đủ cho bên A.
Mặt khác, theo khoản 22 Điều 1 của Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ sửa đổi khoản 4 Điều 72 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm thì việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác.
Từ những nội dung nêu trên, có căn cứ xác định hợp đồng thế chấp tài sản số 17.01.2012/TC ngày 17/01/2012 giữa chị Thiềm Thị Phương M và Ngân hàng N là hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Doanh nghiệp M theo quy định tại Điều 715, 717 và 721 của Bộ luật dân sự 2005. Nhưng bản án sơ thẩm nhận định hợp đồng thế chấp tài sản số 17.01.2012/TC ngày 17/01/2012 là “Hợp đồng thế chấp tài sản của người thứ ba … về bản chất là quan hệ bảo lãnh …, và phạm vi bảo lãnh là bảo lãnh toàn bộ, bao gồm tiền gốc, tiền lãi trong hạn, tiền lãi quá hạn” và căn cứ vào Điều 361 của Bộ luật dân sự 2005 quy định về bảo lãnh để buộc chị Thiềm Thị Phương M có trách nhiệm trả nợ thay là không đúng quy định pháp luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 04/2016/KDTM-GĐT ngày 21/6/2016 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu khi xét xử lại sơ thẩm cần làm rõ: Do Chị Thiềm Thị Phương M và anh Quách Hoàng L đăng ký kết hôn vào ngày 25/7/2005 nên cần xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ các tài sản chị M đã thế chấp cho ngân hàng có phải là tài sản riêng của chị M không; thu thập chứng cứ để làm rõ lời trình bày của anh L về việc có góp tiền để mua hai thửa đất này; giữa anh L và chị M có thỏa thuận gì về tài sản này trước khi kết hôn hay không; xác minh xem tại các thời điểm thế chấp và hiện nay có tài sản gì trên đất hay không.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết lại vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không đưa anh L vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ các nội dung trên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; chưa xem xét tính pháp lý của hợp đồng thế chấp tài sản mà đã buộc chị M có nghĩa vụ trả nợ thay là chưa đủ căn cứ.
Trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực, Tòa án cấp sơ thẩm cần xác minh làm rõ sau khi chị M nhận lại hai tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất diện tích 350m2 do UBND huyện C cấp ngày 04/12/2007 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 843360 và quyền sử dụng đất diện tích 751m2 do UBND huyện C cấp ngày 04/12/2007 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK 843361 đến nay đã chuyển nhượng cho ai chưa? Nếu đã chuyển nhượng thì giá trị chuyển nhượng là bao nhiêu, từ đó mới có căn cứ xác định chị M còn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với nguyên đơn hay không? Trường hợp tài sản thế chấp chưa chuyển nhượng thì cần có biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ sau này.
[2.2] Về phần án phí sơ thẩm:
Bản án sơ thẩm buộc bà Trần Thị Minh T – Chủ Doanh nghiệp M phải chịu án phí sơ thẩm, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên chị Thiềm Thị Phương M không có quyền kháng cáo nội dung này.
[2.3] Đối với kháng cáo về lãi suất nếu có ảnh hưởng đến quyền lợi của chị Thiềm Thị Phương M sẽ được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét khi giải quyết lại vụ án.
[3] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền lãi 99.647.500 đồng; trong đó, lãi trong hạn: 13.420.000 đồng và lãi quá hạn: 86.227.500 đồng. Nhưng bản án sơ thẩm buộc người phải thi hành án phải chịu lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 là không đúng theo Án lệ số 08/2016/AL.
Từ sự phân tích, đánh giá nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy: Việc xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm chưa được thực hiện đầy đủ để xem xét tính pháp lý của hợp đồng thế chấp; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Quách Hoàng L vào tham gia tố tụng trong vụ án làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo của chị Thiềm Thị Phương M, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
[4] Về án phí: Chị Thiềm Thị Phương M không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Phần án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được quyết định khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ vào khoản 3 Điều 308 và Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
QUYẾT ĐỊNH
1. Chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Thiềm Thị Phương M.
2. Hủy bản án sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 21/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện C và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện C giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
3. Về án phí:
Chị Thiềm Thị Phương M không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả lại cho chị M 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0001571 ngày 17/5/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C.
Nghĩa vụ chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được xác định lại khi Tòa án nhân dân huyện C giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ngày 15/8/2018.
File gốc của Bản án 04/2018/KDTM-PT ngày 15/08/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng – Tòa án nhân dân Quảng Trị đang được cập nhật.
Bản án 04/2018/KDTM-PT ngày 15/08/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng – Tòa án nhân dân Quảng Trị
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Quảng Trị |
Số hiệu | 04/2018/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2018-08-15 |
Ngày hiệu lực | 2018-08-15 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |