TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 03/2021/KDTM-PT NGÀY 01/04/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 01/4/2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 07/2020/TLPT-KDTM ngày 02/11/2020 về việc “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa”;
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 03/08/2020 của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo và kháng nghị;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 79/2020/QĐ-PT ngày 22/12/2020, Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 01/2021/TB-TA ngày 12/01/2021, Thông báo về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa số 10/TB-TA ngày 03/3/2021, Quyết định hoãn phiên tòa số 08/2021/QĐ-PT ngày 24/3/2021 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần K Việt Nam.
Địa chỉ: Phòng 501, tầng 5, Tòa nhà T, số 15, đường PH, phường M, quận T, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần K Việt Nam: Ông Kim Duck H- Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền của Công ty Cổ phần K Việt Nam: Công ty luật TNHH S Địa chỉ: Tầng 3, Khu văn phòng, Tòa nhà F, đường L, phường M2, quận T, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty luật TNHH S: Bà Vũ Đặng Hải Y – Giám đốc.
Người được Công ty luật TNHH S ủy quyền lại: Bà Trần Thị Hồng N, sinh năm 1986.
Địa chỉ: Tầng 3, Khu văn phòng, Tòa nhà F, đường L, phường MĐ2, quận T, Thành phố Hà Nội.
2. Bị đơn: Công ty TNHH D Việt Nam.
Địa chỉ : Lô CN4, khu B, cụm công nghiệp Q, xã Q, huyện B, tỉnh Hải Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Jong Z - Chức vụ : Chủ tịch.
Người đại diện theo ủy quyền : Bà Lê Thị G, sinh năm 1973.
Địa chỉ liên hệ: Tầng 6, Tòa văn phòng V, số 1 Đại lộ A, phường R, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
3. Người kháng cáo: Nguyên đơn là Công ty Cổ phần K Việt Nam.
4. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Tại phiên tòa có mặt bà N, bà G; vắng mặt ông Kim Duck H, ông Lee Jong Z.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm và các tài liệu trong hồ sơ, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:
Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Công ty cổ phần K Việt Nam trình bày:
Công ty cổ phần K Việt Nam (sau đây gọi là công ty K) được thành lập hợp pháp, kinh doanh lĩnh vực buôn bán kim loại và một số lĩnh vực khác. Ngày 10/4/2017 và ngày 08/5/2017, công ty K đã ký kết với công ty TNHH D Việt Nam (sau đây gọi là công ty D) hai hợp đồng mua bán hàng hóa là thép các loại (bản mã, thanh chấn, thép hộp, thép tấm, thép hình….) theo đó, công ty K là bên bán hàng, công ty D là bên mua hàng. Hợp đồng ngày 10/4/2017 có giá trị 1.833.486.098 đồng; hợp đồng ngày 08/5/2017 có giá trị 891.334.620 đồng.
Về chất lượng thép trong hợp đồng chỉ quy định là thép do nhà máy Việt Nam sản xuất hoặc sản phẩm tương đương sản xuất theo tiêu chuẩn bên mua yêu cầu. Hàng mới 100%, nguyên thanh, nguyên kiện chưa qua sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn, bị đơn đã thống nhất về chất lượng thép mua bán phải đạt tiêu chuẩn mác thép SS400. Về thời hạn thanh toán tiền mua hàng là trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao hàng.
Sau khi hợp đồng được ký kết và có hiệu lực (kể từ ngày ký hợp đồng), công ty K đã giao thép làm nhiều lần cho công ty D từ ngày 13/4/2017 đến ngày 20/5/2017, mỗi lần giao hai bên đều lập biên bản giao nhận hàng với nhau. Tổng giá trị hàng hóa được giao là 2.724.820.718 đồng.
Ngày 26/5/2017, công ty D thanh toán trả công ty K 700.000.000 đồng và đến ngày 20/3/2018, công ty D tiếp tục thanh toán số tiền hàng 1.000.000.000 đồng, số tiền hàng còn lại không thanh toán.
Công ty K cho rằng công ty D đã vi phạm hợp đồng khi không thanh toán đầy đủ tiền hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng nên khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc công ty D phải thanh toán số tiền hàng còn thiếu là 1.024.820.718 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán tiền hàng tính đến ngày 03/8/2020 (ngày xét xử sơ thẩm) là 399.562.662 đồng. Tổng tiền hàng và tiền lãi là 1.424.383.380 đồng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn công ty D trình bày: Công ty D và công ty K ký hợp đồng mua bán hàng hóa như công ty K trình bày. Công ty D không nhất trí với yêu cầu của nguyên đơn với lý do: Xác nhận việc công ty K đã giao hàng với số lượng như hợp đồng hai bên đã thỏa thuận, nhưng lại không đảm bảo chất lượng hàng hóa đã thỏa thuận là thép chất lượng đạt mác SS400. Khi công ty D đưa vào sử dụng để sản xuất ra copha đổ betong và bán cho đối tác là Công ty cổ phần HN để xây dựng công trình thì copha không đạt chất lượng yêu cầu khiến betong bị lồi lõm, méo và đối tác đã yêu cầu công ty D đền bù thiệt hại…Khi đó, công ty D nhiều lần yêu cầu công ty K hợp tác xử lý vấn đề thép không đảm bảo chất lượng, tuy nhiên công ty K không hợp tác, không xuống công trường xây dựng, từ chối trách nhiệm. Do vậy, công ty D đã phải đem thép mua của công ty K đi kiểm tra chất lượng tại phòng thí nghiệm, kết quả thí nghiệm cho thấy loại thép mà công ty K giao không đảm bảo chất lượng, yêu cầu đã thỏa thuận. Do đối tác của công ty D đã từ chối thanh toán cho công ty D cho đến khi nào xử lý xong trách nhiệm của của công ty D do cung cấp copha không đảm bảo nên vào thời điểm Tòa án mới thụ lý vụ án, công ty D có quan điểm tạm dừng việc thanh toán cho K, khi nào nhận được tiền thanh toán từ đối tác và xử lý xong vấn đề liên quan đến thiệt hại thì sẽ thanh toán tiền hàng cho công ty K. Đồng thời công ty D yêu cầu phản tố, buộc công ty K phải bồi thường thiệt hại do thép kém chất lượng gây ra, với số tiền là 392.734.378 đồng. Lý do công ty D đưa ra con số yêu cầu bồi thường trên vì thực tế, công ty đã phải thuê nhân công, mua vật liệu để gia cường lại copha, khắc phục betong không đảm bảo chất lượng do sử dụng thép của công ty K làm copha xây dựng. Ngoài thiệt hại trên, công ty D còn đang bị đối tác yêu cầu phạt, bồi thường nhiều tỷ đồng, nhưng trong thiệt hại yêu cầu công ty K bồi thường, công ty chỉ yêu cầu mức thiệt hại như nêu trên. Bị đơn đã cung cấp kết quả thí nghiệm chất lượng thép, chi phí khắc phục thiệt hại do sử dụng thép không đảm bảo chất lượng bao gồm tiền mua vật liệu, tiền công thanh toán cho công nhân kỹ thuật khắc phục hậu quả. Trong quá trình xét xử, bị đơn xác định mặc dù thiệt hại là hoàn toàn có thật, nhưng bị đơn vẫn rút yêu cầu phản tố, rú t yêu cầu trưng cầu giám định thép vì lý do nguyên đơn không thừa nhận thép bị đơn đem đi kiểm định chất lượng và không đảm bảo chất lượng là thép nguyên đơn giao cho bị đơn. Nhưng bị đơn vẫn xác định nguyên đơn giao hàng không đảm bảo chất lượng và giá trị số hàng hóa không đảm bảo chất lượng bị đơn tính bằng 400.000.000 đồng (tương đương với số thiệt hại 392.734.378 đồng được làm tròn). Phần còn lại 624.820.718 đồng chưa thanh toán thì bị đơn chấp nhận nguyên đơn đã giao hàng đảm bảo chất lượng.
Về thanh toán tiền lãi do chậm trả tiền hàng: bị đơn không chấp nhận yêu cầu trả lãi những khoản đã thanh toán xong, đối với việc thanh toán tiền lãi của số tiền 624.820.718 đồng nêu trên thì bị đơn xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng, nguyên đơn phải giao hàng cho bị đơn kèm theo các chứng chỉ chất lượng, nguồn gốc hàng hóa (CO, CQ). Tuy nhiên, thực tế đến ngày 12/7/2017, sau khi giao hàng hơn 1 tháng, nguyên đơn mới gửi chuyển phát qua bưu điện các chứng chỉ CO, CQ. Mặc dù các chứng chỉ này cũng không phù hợp với hàng hóa thép mà bị đơn thực nhận nhưng bị đơn vẫn công nhận 12/7/2017 là ngày nguyên đơn thực hiện giao đủ số lượng hàng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, thời điểm thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao hàng nên xác định hạn cuối phải thanh toán là ngày 12/8/2017. Do bị đơn mất 7 tháng để khắc phục hậu quả thiệt hại tại công trường khi sử dụng thép kém chất lượng nên 7 tháng đó không tính vào thời hạn chậm trả mà là tạm dừng thanh toán. Do vậy, phải tính bị đơn chậm thanh toán kể từ ngày 12/3/2018, không tính thời hạn chậm thanh toán như yêu cầu của nguyên đơn.
Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án xác minh tại Công ty cổ phần HN (gọi tắt là công ty HN). Địa chỉ: Đường B2, khu B, KCN C, huyện E, tỉnh Hưng Yên- Là công ty đã mua sản phẩm copha thép của công ty D để thi công công trình xây dựng. Công ty HN có quan điểm: Công ty đã mua copha từ công ty D, không biết công ty D mua thép sản xuất copha từ đâu, copha không đảm bảo chất lượng, khi đưa vào xây dựng thì bề mặt bê tông không đạt chất lượng nghiệm thu phải sửa chữa dẫn đến công ty HN bị yêu cầu đền bù thiệt hại 15.353.303.577 đồng và tổn thất uy tín. Tuy nhiên, giữa công ty HN và công ty D đang tự giải quyết việc bồi thường với nhau, nếu không giải quyết được thì công ty HN sẽ khởi kiện đòi công ty D bồi thường thiệt hại trong vụ án khác mà không yêu cầu Tòa án huyện Bình Giang giải quyết trong cùng vụ án tranh chấp giữa công ty K và công ty D.
Tại Bản án kinh doanh thương mại số 01/2020/KDTM-ST ngày 03/8/2020, Tòa án nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương đã quyết định: Căn cứ vào Điều 24; khoản 2 Điều 318, Điều 306, Điều 50 Luật thương mại. Điều 217 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147, Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Toà án.
Xử :
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của công ty cổ phần K Việt Nam: Buộc công ty TNHH D Việt Nam trả cho công ty cổ phần K Việt Nam số tiền mua hàng chưa thanh toán là 624.820.718 đồng và tiền lãi chậm thanh toán tiền mua hàng là 267.598.835 đồng. Tổng cộng phải thanh toán cả tiền hàng và tiền lãi là 892.419.553 đồng.
Không chấp nhận một phần yêu cầu của công ty cổ phần K Việt Nam đòi công ty TNHH D Việt Nam trả cho công ty cổ phần K Việt Nam số tiền hàng và tiền lãi chậm thanh toán là 531.963.827 đồng.
2. Đình chỉ xét xử yêu cầu phản tố của công ty TNHH D Việt Nam về đòi công ty cổ phần K Việt Nam bồi thường thiệt hại.
3. Về án phí: Buộc công ty TNHH D Việt Nam chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 38.772.586 đồng. Buộc công ty cổ phần K Việt Nam chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 25.278.553 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về lãi suất chậm trả, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án.
Ngày 17/8/2020, công ty K kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm khấu trừ khoản tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị đơn vào khoản tiền nợ gốc bị đơn có trách nhiệm thanh toán, chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng quy định pháp luật. Về án phí: Buộc nguyên đơn phải chịu án phí đối với phần tiền hàng và tiền lãi chậm trả không được chấp nhận là không hợp lý.
Ngày 16/8/20120, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐKNPT-VKS-KDTM kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm do:
- Bản án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc công ty D trả công ty K số tiền mua hàng chưa thanh toán 624.820.718 đồng (tương ứng với số hàng bị đơn thừa nhận đảm bảo chất lượng), không chấp nhận một phần yêu cầu của công ty K buộc công ty D trả 400.000.000 đồng (tương ứng với số hàng bị đơn không thừa nhận đảm bảo chất lượng) là chưa đủ căn cứ.
- Về việc tính lãi đối với số tiền chậm thanh toán: Việc xác định thời hạn bị đơn thanh toán tiền phải căn cứ vào từng ngày giao hàng (mỗi lần giao hàng khác nhau thì thời hạn thanh toán tiền khác nhau). Công ty K giao hàng cho công ty D 06 lần ở 05 ngày khác nhau nhưng bản án sơ thẩm nhận định ngày giao hàng cuối cùng 20/5/2017 được tính là ngày giao hàng của hai hợp đồng để xác định thời hạn bị đơn phải chịu lãi suất chậm thanh toán từ ngày 20/6/2017 là không đúng.
- Công ty luật TNHH S được công ty K ủy quyền tham gia tố tụng, sau đó công ty luật TNHH S ủy quyền lại cho bà Trần Thị Hồng N nhưng bản án sơ thẩm xác định người đại diện theo ủy quyền của công ty K là bà Trần Thị Hồng Nhung là chưa chính xác.
Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người đại diện hợp pháp của công ty K (bà N) trình bày giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu công ty D phải thanh toán số tiền hàng còn nợ là 1.024.820.718 đồng, tiền lãi do chậm thanh toán kể từ ngày 20/6/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm 03/8/2020 với mức lãi suất 11,55%/năm (tính là 0,0316%/ngày). Do sau khi xét xử sơ thẩm, đến ngày 20/8/2020, công ty D đã thanh toán trả số tiền 892.419.533 đồng nên công ty K đề nghị trừ số tiền này vào số tiền hàng còn nợ.
Người đại diện hợp pháp của công ty D (bà G) trình bày không nhất trí yêu cầu kháng cáo của công ty K và kháng nghị của VKSND huyện Bình Giang, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, xác nhận ngày 20/8/2020, công ty D đã thanh toán trả cho công ty K số tiền 892.419.533 đồng theo quyết định của bản án sơ thẩm.
Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã cơ bản thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án: VKS thay đổi một phần kháng nghị, từ kháng nghị hủy bản án sơ thẩm thay đổi sang kháng nghị sửa bản án sơ thẩm. Căn cứ Điều 309, khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự, Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND huyện Bình Giang và chấp nhận một phần kháng cáo của công ty K, sửa bản án sơ thẩm:
- Buộc công ty D phải trả cho công ty K số tiền hàng còn nợ là 1.024.820.718 đồng (được đối trừ đi số tiền 892.419.553 đồng công ty D đã trả cho công ty K vào ngày 20/8/2020), số tiền công ty D còn phải tiếp tục thanh toán cho công ty K là 132.401.165 đồng và tiền lãi chậm thanh toán của số tiền gốc chậm trả tính từ ngày 20/6/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm 03/8/2020 với mức lãi suất là 11,55%.
- Về án phí: Công ty K không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của đương sự, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Kháng cáo của nguyên đơn là Công ty K trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên là kháng cáo hợp lệ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, VKS thay đổi kháng nghị, không đề nghị hủy bản án sơ thẩm mà đề nghị sửa bản án sơ thẩm, việc thay đổi này không vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
Tại phiên tòa vắng mặt ông Kim Duck H, ông Lee Jong Z nhưng đều có mặt người đại diện theo ủy quyền nên căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt những người này.
[2] Xét kháng cáo của công ty K và kháng nghị của Viện kiểm sát đều về nội dung buộc công ty D thanh toán số tiền hàng còn nợ là 1.024.820.718 đồng cho công ty K, Hội đồng xét xử xét thấy:
Công ty K và công ty D đã ký kết hợp đồng kinh tế số KV/HD/17/1004 ngày 10/04/2017 và hợp đồng kinh tế số KV/HD/17/0805 ngày 08/5/2017, quá trình thực hiện hợp đồng các bên không tranh chấp về số lượng hàng hóa đã giao. Đến nay, công ty D không thanh toán số tiền hàng là 400.000.000 đồng do thép bản mã 3.2mm do công ty K giao theo hợp đồng ngày 10/5/2017 không đảm bảo chất lượng (loại màu trắng), còn bản mã 3.2mm loại màu đen đảm bảo chất lượng.
Công ty K cho rằng không còn thời hiệu khiếu nại, sau khi nhận đủ hàng (đợt giao hàng cuối cùng là ngày 20/5/2017), công ty D đã có văn bản phản hồi lại về chất lượng hàng hóa, cụ thể: tại công văn số 25/09/CV ngày 25/9/2017, công ty D cho rằng có lỗi do thép ống, thép chấn khi thi công bị lỗi méo; tại công văn số 04/10/CV ngày 04/10/2017, công ty D cho rằng sắt chấn và sắt hộp đã bị méo và phồng rất nhiều; tại công văn số 16/11/CV ngày 16/11/2017, công ty D cho rằng xảy ra nhiều lỗi của thép tấm không đảm bảo chất lượng. Tại cấp phúc thẩm, đại diện công ty D trình bày bản mã 3.2mm được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: thép chấn, sắt chấn, thép tấm là không hợp lý. Theo 2 hợp đồng đã ký thì các loại mặt hàng mua bán gồm: thép hộp, thép tấm, thép hình, thép góc, bản mã 3.2mm các loại, bản mã 4mm các loại, thanh chấn 3.2mm các loại. Khi giải quyết tại cấp sơ thẩm, công ty D mới xác định bản mã 3.2mm không đảm bảo chất lượng. Như vậy, khiếu nại của công ty D về chất lượng bản mã 3.2mm đã quá thời hạn 6 tháng theo quy định tại Điều 318 Luật thương mại.
Xét thấy theo hợp đồng kinh tế số KV/HD/17/0805 ngày 10/5/2017, các loại thép bản mã 3.2mm hai bên mua bán có các loại với kích cỡ, trọng lượng, giá thành khác nhau. Tất cả các hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản giao nhận hàng giữa hai bên chỉ ghi các thông số về số lượng, loại, trọng lượng, giá thành của thép bản mã 3.2mm, không ghi màu sắc của các loại thép bản mã 3.2mm. Tổng trọng lượng thép bản mã 3.2mm theo hợp đồng ngày 10/5/2017 là 26.436kg, thành tiền 396.540.000 đồng. Công ty D không có căn cứ chứng minh thép bản mã 3.2mm mà công ty D cho rằng không đảm bảo chất lượng thuộc lô hàng giao ngày nào, số lượng, giá trị cụ thể mà cấp sơ thẩm lại lấy số tiền thiệt hại do thép không đảm bảo chất lượng để quy đổi sang giá trị hàng hóa không đảm bảo chất lượng là không có căn cứ.
Theo thỏa thuận của các bên tại hợp đồng kinh tế số KV/HD/17/0805 ngày 10/5/2017 thì trách nhiệm của bên bán là cung cấp vật liệu đảm bảo đúng tiến độ, số lượng, chất lượng, bên mua thanh toán cho bên bán đúng theo phương thức thanh toán đã thống nhất, trường hợp bên bán cung cấp vật liệu không đúng chất lượng, chủng loại hàng hóa thì bên mua có quyền trả lại hàng và chấm dứt hợp đồng. Cung cấp hồ sơ tài liệu về vật tư mà bên bán cung cấp (bao gồm chứng chỉ xuất xưởng, cơ quan thí nghiệm vật liệu nếu có). Như vậy, nếu công ty K cung cấp không đúng chất lượng, chủng loại hàng hóa thì công ty D có quyền trả lại hàng, hai bên không có thỏa thuận được trừ thiệt hại vào số tiền hàng phải thanh toán. Nếu có thiệt hại thực tế xảy ra do hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì công ty D có quyền yêu cầu phản tố buộc công ty K bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 302 Luật thương mại. Trong khi đó, tại cấp sơ thẩm, công ty D đã rút yêu cầu phản tố về bồi thường thiệt hại do chất lượng thép không đảm bảo.
Thực tế công ty D đã không thực hiện việc trả lại hàng cho công ty K theo như hợp đồng thỏa thuận. Tại cấp phúc thẩm, công ty D cho rằng có trả lại hàng một, hai lần cho công ty K nhưng không nhớ số lượng thép, số lần trả, thời gian trả cụ thể và khi đổi trả chỉ trao đổi qua điện thoại, khi trả hàng thì công ty K đổi lại hàng mới, không lập biên bản bàn giao vì số lượng cụ thể đã ghi trong các biên bản giao trước, tuy nhiên phía công ty K xác định công ty D không lần nào trả hàng cho công ty K. Mặt khác, sau khi đưa thành phẩm copha vào xây dựng tại công trình SG có sự cố bề mặt bê tông lồi lõm..thì đến các ngày 25/9/2017, 4/10/2017, 16/10/2017 công ty D có 03 công văn gửi công ty K, mỗi công văn lại nêu 01 loại thép khác nhau không đảm bảo chất lượng. Công ty D xuất trình kết quả thí nghiệm xác định thép bản mã 3.2mm (thép trắng) không đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên các mẫu thép này do công ty D tự mang đi thí nghiệm nên không có căn cứ xác định mẫu thép được thí nghiệm trên là thép do công ty K bán cho công ty D, trong khi công ty K không chấp nhận kết quả thí nghiệm và không đồng ý thực hiện theo yêu cầu giám định tiếp (nếu có), do vậy việc thu thập tài liệu và thực hiện giám định xác định thép do công ty K bán cho công ty D không đảm bảo chất lượng là không thể thực hiện được. Khi bán thép cho công ty D, công ty K đã chứng minh hàng hóa đảm bảo chất lượng bằng các chứng nhận xuất xứ, chứng nhận kiểm nghiệm và kết quả thí nghiệm tính chất cơ lý thép hình xác định thép đạt mác SS400.
Từ những phân tích trên, chấp nhận kháng cáo của công ty K và kháng nghị của Viện kiểm sát, buộc công ty D thanh toán số tiền hàng còn thiếu cho công ty K là 1.024.820.718 đồng. Do sau khi xét xử sơ thẩm, công ty D đã thanh toán 892.419.553 đồng vào ngày 20/8/2020 nên công ty D phải tiếp tục thanh toán số tiền hàng còn thiếu là 132.401.165 đồng.
[3] Xét kháng cáo của công ty K và kháng nghị của Viện kiểm sát về số tiền lãi chậm thanh toán.
Công ty K xác định giao hàng thành nhiều ngày khác nhau từ ngày 13/4/2017 đến ngày 20/5/2017, tại cấp phúc thẩm công ty K chấp nhận tính ngày giao hàng để xác định thời điểm chậm thanh toán là ngày giao hàng cuối cùng 20/5/2017, đề nghị tính lãi chậm thanh toán kể từ ngày 20/6/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 11,55%/năm (0,0316%/ngày). Viện kiểm sát kháng nghị cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty K giao hàng cho công ty D ở 5 thời điểm khác nhau nên việc xác định thời hạn tính lãi phải căn cứ vào từng ngày giao hàng, cấp sơ thẩm nhận định ngày giao hàng cuối cùng 20/5/2017 được tính là ngày giao hàng của cả hai hợp đồng để xác định thời hạn bị đơn phải chịu lãi chậm thanh toán từ ngày 20/6/2017 là chưa chính xác.
Xét thấy tại Điều 4 Hợp đồng các bên đã thỏa thuận thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao hàng, trên thực tế công ty K giao hàng làm nhiều ngày khác nhau nên phải tính lãi chậm thanh toán căn cứ vào từng lần giao hàng, do vậy có căn cứ chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm, công ty K tự nguyện tính ngày giao hàng để xác định thời điểm chậm thanh toán là ngày giao hàng cuối cùng 20/5/2017, đề nghị tính lãi chậm thanh toán kể từ ngày 20/6/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 11,55%/năm tức là 0,0316%/ngày (phù hợp với mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo cách tính tại Án lệ 09/2016/AL là từ 11,55% đến 17,6%) nên cần chấp nhận. Tiền lãi phải trả do chậm thanh toán tính từ ngày 20/6/2017 đến ngày 20/3/2018 (tính trên số tiền hàng chưa thanh toán 2.024.820.718 đồng) là 174.677.234 đồng; tiền lãi phải trả do chậm thanh toán tính từ ngày 21/3/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm 03/8/2020 (tính trên số tiền hàng chưa thanh toán 1.024.820.718 đồng) là 280.772.182 đồng; tổng cộng tiền lãi là 455.449.416 đồng.
[4] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát về nội dung bản án sơ thẩm xác định người đại diện theo ủy quyền của công ty K là bà Trần Thị Hồng N là chưa chính xác.
Hội đồng xét xử xét thấy công ty luật TNHH S được công ty K ủy quyền tham gia tố tụng, sau đó công ty luật TNHH S ủy quyền lại cho bà Trần Thị Hồng N nên bản án sơ thẩm xác định người đại diện theo ủy quyền của công ty K là bà Trần Thị Hồng N là đúng, tuy nhiên tại phần đầu của bản án sơ thẩm ghi thiếu việc ủy quyền của công ty K cho công ty luật TNHH S, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[5] Về án phí: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Công ty K kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
[6] Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị, không được Hội đồng xét xử xem xét giải quyết có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 148, khoản 2 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND huyện Bình Giang, chấp nhận kháng cáo của công ty cổ phần K Việt Nam.
Sửa Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2020/KDTM-ST ngày 03/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Căn cứ vào Điều 24, Điều 50, Điều 306 Luật thương mại năm 2005; Án lệ số 09/2016/AL; Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 về án phí, lệ phí Toà án. Xử:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty cổ phần K Việt Nam: Buộc công ty TNHH D Việt Nam trả cho công ty cổ phần K Việt Nam số tiền hàng chưa thanh toán là 1.024.820.718 đồng, tiền lãi phải trả do chậm thanh toán tính từ ngày 20/6/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm 03/8/2020 là 455.449.416 đồng; tổng là 1.480.270.134 đồng.
Ghi nhận ngày 20/8/2020 công ty TNHH D Việt Nam đã thanh toán số tiền 892.419.553 đồng nên công ty TNHH D Việt Nam còn phải tiếp tục thanh toán trả công ty cổ phần K Việt Nam số tiền 587.850.581 đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong đối với số tiền trên, người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Về án phí: Buộc công ty TNHH D Việt Nam chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 56.408.104 đồng, được đối trừ vào tạm ứng án phí 10.120.000 đồng đã nộp theo biên lai số AA/2017/0005379 ngày 27/6/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Công ty TNHH D Việt Nam còn phải nộp 46.288.104 đồng án phí.
Trả lại công ty cổ phần K Việt Nam 19.000.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu số AB/2014/0002440 ngày 09/02/2018 và 2.000.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo biên lai số AA/2017/0009499 ngày 28/8/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
3. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
File gốc của Bản án 03/2021/KDTM-PT ngày 01/04/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Hải Dương đang được cập nhật.
Bản án 03/2021/KDTM-PT ngày 01/04/2021 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Hải Dương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Số hiệu | 03/2021/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2021-04-01 |
Ngày hiệu lực | 2021-04-01 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |