TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 01/2020/KDTM-PT NGÀY 26/02/2020 VỀ TRANH CHẤP THANH TOÁN TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 26 tháng 02 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2020/TLPT-KDTM ngày 07/01/2020 về Tranh chấp thanh toán trong Hợp đồng mua bán hàng hóa.
Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 13/5/2019 của Toà án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2020/QĐ-PT ngày 04/02/2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty TNHH thƣơng mại xuất nhập khẩu H Địa chỉ trụ sở chính: Số ... QT, Phường Ph, Quận H, Thành phố HP;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị Thúy H - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên, là người đại diện theo pháp luật (vắng mặt); Bà Phạm Thị Anh Th - Chức vụ: Kế toán trưởng là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền ngày 01/01/2020) có mặt;
2. Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên L Địa chỉ trụ sở chính: Khu công nghiệp L, xã L, huyện K, tỉnh Hải Dương;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn Ch - Chức vụ: Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật (vắng mặt). Ông Lê Đức D- Chức vụ: Trưởng phòng Kế hoạch thị trường, là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền ngày 25/02/2020), có mặt 3. Người kháng cáo: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên L.
Địa chỉ trụ sở chính: Khu công nghiệp L, xã L, huyện K, tỉnh Hải Dương;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Văn Ch - Chức vụ: Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật (vắng mặt). Ông Lê Đức D - Chức vụ: Trưởng phòng Kế hoạch thị trường, là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền ngày 25/02/2020), có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nguyên đơn trình bày: Ngày 01/09/2007, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tầu thủy L (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên L, viết tắt là công ty L) ký hợp đồng số 60/HĐMB/2007-LV với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại & Xuất Nhập khẩu H (viết tắt là công ty H) về việc mua bán ống nhựa PE, PVC và phụ tùng các loại để phục vụ thi công hệ thống nước sạch trong khu công nghiệp tầu thủy L. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty L đã gửi các đơn đặt hàng cho Công ty H. Sau khi nhận được đơn đặt hàng Công ty H đã tiến hành giao hàng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty L. Công ty L đã thanh toán một phần công nợ mua hàng với chi tiết như sau: Tổng giá trị tiền hàng đã nhận: 604.428.618đ, đã thanh toán:
393.505.000đ, còn nợ lại: 210.923.618đ. Từ năm 2011 đến nay, Công ty H nhiều lần yêu cầu Công ty L thanh toán số tiền trên nhưng không được Công ty L thanh toán. Công ty H khởi kiện yêu cầu buộc Công ty L thanh toán tiền hàng bao gồm: 210.923.618đ tiền gốc và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.
Bị đơn trình bày: Hiện nay, Công ty L không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến Công ty H; Theo báo cáo bàn giao và báo cáo kiểm toán đến ngày 15/4/2014 (Thời điểm bàn giao KCN L từ Tập đoàn dầu khí về UBND tỉnh Hải Dương quản lý) tại bảng chi tiết công nợ, Công ty L còn nợ Công ty H số tiền 210.923.618đ nhưng không có hồ sơ lưu về công nợ này. Mặt khác, theo văn bản số 5677/DKVN-HĐTV ngày 20/7/2012 của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, dự án chuyển giao giữa Vinashin và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã được Phó thủ tướng có ý kiến bằng văn bản số 6974/VPCP-KTTH ngày 05/9/2012, số công nợ 210.923.618đ của Công ty H trên thuộc công nợ phải trả cho các nhà thầu và hồ sơ thanh quyết toán đều chưa tuân thủ quy định hiện hành nên Công ty L không thanh toán và đề nghị không xem xét để tính lãi suất chậm trả. Do vậy, đề nghị Tòa án căn cứ theo quy định của pháp luật giải quyết.
Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 13/5/2019 về việc Tranh chấp thanh toán trong Hợp đồng mua bán hàng hóa, của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương quyết định: Căn cứ khoản 3 Điều 144, Điều 147, khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 156, 157, 370, 688 Bộ luật Dân sự; Điều 24, Điều 50, khoản 1 Điều 292, Điều 306 và Điều 319 Luật Thương mại ; Luật Phí và lệ phí ; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Buộc Công ty TNHH MTV KCN L có nghĩa vụ thanh toán trả cho Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu H số tiền 427.433.196đ (Trong đó nợ gốc là:
210.923.618đ; nợ lãi chậm trả là 216.509.578đ) Tính đến ngày 13.5.2019. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án, lãi suất chậm trả.
Ngày 28/5/2019 Bị đơn công ty L kháng cáo và đề nghị cấp phúc thẩm yêu cầu công ty H phải cung cấp các hồ sơ thanh quyết toán và phù hợp với nhau để bị đơn thanh toán cho nguyên đơn số tiền còn nợ, có thể số tiền không đúng như thư nhận nợ, bị đơn không chấp nhận lãi suất chậm trả.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn vì toàn bộ hóa đơn, chứng từ thanh toán, đều đã gửi công ty L, Công ty L đã xác nhận công nợ. Các vật liệu do công ty H cung cấp cho công trình của Công ty L theo hợp đồng đã được bên bị đơn đưa vào sử dụng từ những năm 2007-2008 cho đến nay.
Bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, cho rằng giá trị hàng hóa không đúng như giá trị ghi trong bảng kê của hợp đồng, khi có sự thay đổi về giá nhưng phía công ty H không xuất trình được văn bản thể hiện sự đồng ý của Công ty L theo quy định tại mục 3.1 Điều 3 của hợp đồng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến: Thẩm phán, HĐXX, Thư Ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án, căn cứ khoản 1 Điều 308 của BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH MTV KCN L, giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 13/5/2019 của TAND huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Công ty L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm (KDTM) theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Bị đơn gửi đơn kháng cáo trong thời gian luật định và được Hội đồng xét kháng cáo quá hạn của TAND tỉnh Hải Dương chấp nhận, nên kháng cáo là phù hợp quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn, HĐXX xét thấy: Theo Hợp đồng mua bán hàng hóa số 60/HĐMB/2007-LV ngày 01/9/2007 giữa Công ty H và Công ty L kèm theo danh mục hàng hóa sẽ được mua bán; Đơn đặt hàng của Công ty Lai Vu đối với Công ty H các ngày 08/10/2007, 22/10/2007, 24/12/2007, 10/02/2008 tương ứng với các biên bản giao nhận hàng hóa ngày 13/10/2007; 03,04/11/2007, 18/12/2007 cùng với hóa đơn giá trị gia tăng các ngày 29/10/2007, 30/11/2007, 5/5/2008 là đủ chứng cứ thể hiện rõ việc giao kết, thực hiện hợp đồng số 60/HĐMB/2007-LV ngày 01/9/2007, việc giao nhận hàng hóa được Công ty H thực hiện theo đúng thỏa thuận. Biên bản đối chiếu và xác nhận công nợ ngày 14/07/2008 thể hiện rõ việc Công ty L đã mua hàng của Công ty H tính đến thời điểm 14/07/2008 trị giá 604.428.618đ và đã thanh toán 373.505.000đ, còn nợ là 230.923.618đ. Biên bản đối chiếu công nợ ngày 06/04/2010 giữa hai bên thể hiện Công ty L đã thanh toán tiếp cho Công ty Minh Hải 20.000.000đ vào các ngày 03 và 10/02/2010, nên số nợ của Công ty L còn lại là 210.923.618đ. Thư xác nhận công nợ 210.923.618đ do Công ty L gửi tới Công ty H thể hiện hai bên đã chốt công nợ đến thời điểm ngày 30/06/2010 là đủ căn cứ xác định khoản dư nợ này của Công ty L với Công ty H. Như vậy, có đủ căn cứ xác định Công ty L còn nợ công ty H số nợ gốc là 210.923.618đ . Công ty Lai Vu kháng cáo yêu cầu công ty H phải cung cấp hồ sơ về các khoản nợ trên là không có cơ sở vì công ty H đã xuất trình, giao nộp đầy đủ tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng các hóa đơn giá trị gia tăng có giá một số mặt hàng không phù hợp với bảng giá kèm theo hợp đồng, khi có sự thay đổi về giá nhưng không có xác nhận việc chấp nhận về giá bằng văn bản của Công ty L. HĐXX xét thấy, tại mục 3.1 Điều 3 của hợp đồng số 60/HĐMB/2007- LV ngày 01/9/2007 thể hiện giá bán "theo đơn giá hiện hành của Công ty CP Nhựa T đang thực hiện", công ty H là đại lý của công ty Nhựa T nên phải chịu chi phối về giá đối với hàng hóa của công ty Nhựa T cung cấp. Hơn nữa việc giá của một số mặt hàng có sự thay đổi nhưng đã được Công ty L thừa nhận và chốt nợ bằng các thư nhận nợ đối với công ty H. Do vậy, kháng cáo của bị đơn không có căn cứ chấp nhận.
[3] Về pháp nhân thay thế chịu trách nhiệm thanh toán nợ (chuyển giao nghĩa vụ): Bằng Quyết định số 819 ngày 30/5/2006, Hội đồng quản trị Tổng công ty Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam quyết định thành lập Công ty TNHH MTV CNTT L (Laivu shipbuilding industry company limitted- Viết tắt Laivushinco.,Co Ltd). Sau 4 năm hoạt động, Thủ tướng Chính phủ Quyết định Tái cơ cấu Tập đoàn C theo quyết định số 926/QĐ-TTg, ngày 18/6/2010, xác định Khu Công nghiệp tàu thủy L (Hải Dương), bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy L được điều chuyển về Tập đoàn D với nguyên tắc việc điều chuyển, bàn giao nguyên trạng (trụ sở, tài sản, đất đai, tiền vốn, công nợ, tổ chức bộ máy, lao động và các quyền, nghĩa vụ pháp lý...). Như vậy, theo Quyết định số 926, pháp nhân thuộc sở hữu của Tập đoàn V. Ngày 01/6/2012 Hội đồng thành viên Tập đoàn V đã ra Quyết định số 1170/QĐ-DKVN Phê duyệt chuyển đổi tên gọi “Công ty TNHH MTV CNTT L” thành “Công ty TNHH MTV KCN L” và chuyển trụ sở Cty TT L (nay là Cty KCN L) đến Nhà điều hành Khu Công nghiệp L - Xã L, huyện K, Tỉnh Hải Dương. Năm 2012, trên cơ sở báo cáo tình hình hoạt động của các Doanh nghiệp/Dự án chuyển giao từ V của Tập đoàn V số 5677/DKVN-HĐTV ngày 20/7/2012, công văn số 6974/VPCP-KTTH ngày 05/9/2012 của Phó thủ tướng về việc xác định công nợ và Văn bản số 2301/VPCP-KTTH ngày 07/4/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển giao nguyên trạng toàn bộ Khu Công nghiệp L về UBND tỉnh Hải Dương quản lý, thì cùng với đó khoản nợ này được chuyển giao nghĩa vụ thanh toán cho Công ty L. Việc chuyển giao nghĩa vụ này phù hợp với quy định của Điều 370 BLDS 2015 do việc, người có quyền không có phản đối và đã khởi kiện yêu cầu Công ty L là pháp nhân thay thể thanh toán khoản nợ trên là có căn cứ, cần được chấp nhận. Đại diện theo pháp luật của Công ty L xác định Công ty L còn nợ Cty M khoản nợ gốc trên, do vậy phải có nghĩa vụ thanh toán.
[4] Về thời hiệu yêu cầu tính lãi: Theo quy định của pháp luật và thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng (tại Điều 6) thì việc chậm thanh toán tiền hàng sẽ bị tính lãi chậm trả. Quá trình thực hiện hợp đồng các bên đã nhiều lần giao nhận hàng, thiết lập đối chiếu công nợ và không xác định vi phạm thỏa thuận thanh toán, nên thời điểm chốt nợ cuối là ngày 30/6/2010 (theo Thư xác nhận công nợ). Công ty M đồng ý xác nhận trước tháng 7/2010 mà vẫn không được thanh toán là Công ty L đã vi phạm thỏa thuận thanh toán. Do vậy, kể từ khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của hợp đồng mua bán hàng hóa, cho đến khi khởi kiện đã hơn 8 năm. Về mặt thời gian là đã hết thời hiệu khởi kiện để được chấp nhận về lãi suất chậm thanh toán, nên trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, các vấn đề quy đinh về thời hiêu đã được Tòa giải thích rõ, nhưng các đương sự không ai yêu cầu tính thời hiệu, nên Tòa không thể áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 184 BLDS 2015. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn có đề cập tới vấn đề thời hiệu. Tuy nhiên, việc chấm dứt, thay thế các doanh nghiệp từ Công ty L do Tập đoàn Công nghiệp T Việt Nam, sang cho Tập Đoàn V và đến nay là UBND tỉnh Hải Dương quản lý đồng thời với việc chuyển tên gọi được diễn ra suốt từ năm 2010 đến nay, không được thông báo cho các bên đối tác một cách cụ thể, bên bị kiện không có chứng cứ xác định việc công khai theo quy định, nên được coi như một trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền khởi kiện khó có thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình theo quy định của Điều 156 BLDS 2015. Hơn thế, bên có nghĩa vụ là Công ty L đã thừa nhận một phần nghĩa vụ của mình, nên thời hiệu khởi kiện đối với phần lãi suất chậm thanh toán đã được phục hồi theo Điều 157 BLDS 2015.
[5] Về lãi và thời hạn tính lãi chậm trả: Theo thỏa thuận của hợp đồng thì sau khi bên bán giao hàng trong thời hạn phải thanh toán xong trong cuối năm 2007, đầu 2008 nhưng đến năm 2010 Cty L mới gửi thư chốt nợ là đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán của hợp đồng, nên theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại 2005: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả” và Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của HĐTP TAND Tối cao quy định: “...Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả...”. Theo quy định, Tòa án đã yêu cầu Ngân hàng thương mại gồm Công Thương, Ngoại Thương và Nông nghiệp có chi nhánh tại tỉnh Hải Dương, đều xác định lãi chậm trả, trên cơ sở cung cấp của ba ngân hàng tính được mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của 3 ngân hàng này, tại Hải Dương là 12,1%. Do vậy, lãi suất chậm trả được tính kể từ sau khi quyền lợi của Công ty M bị vi phạm trước đó năm 2008. Tuy nhiên, Cty M tự nguyện chỉ yêu cầu tính lãi từ ngày 01/01/2011, nên cần chấp nhận tính lãi chậm trả kể từ thời điểm này đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Như vậy, lãi suất chậm trả được tính là 216.509.600đ (có bản tính lãi cụ thể kèm theo) (làm tròn) và cấp sơ thẩm đã buộc bị đơn công ty Lai Vu phải trả lãi chậm trả là đúng quy định của pháp luật.
[6] Từ phân tích trên, xét thấy bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp thêm chứng cứ gì mới để chứng minh yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ, do vậy HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty L. Áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 13/5/2019 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
[7] Về án phí: Kháng cáo của bị đơn không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm dân sự (về kinh doanh thương mại), theo quy định tại Điều 148 của BLTTDS, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 gày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
[8] Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Không nhận kháng cáo của bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu Công nghiệp L. Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2019/KDTM-ST ngày 13-5-2019 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Căn cứ khoản 3 Điều 144, Điều 147, khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 156, 157, 370, 688 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 24, Điều 50, khoản 1 Điều 292, Điều 306 và Điều 319 Luật thương mại; Luật phí và lệ phí ; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu M.
1. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khu công nghiệp L có nghĩa vụ thanh toán trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại xuất nhập khẩu M số tiền 427.433.200đ (làm tròn) (Bốn trăm hai mươi bảy triệu bốn trăm ba mươi ba nghìn hai trăm đồng). Trong đó nợ gốc là: 210.923.600đ (làm tròn) (Hai trăm mười triệu chín trăm hai mươi ba nghìn sáu trăm đồng); nợ lãi chậm trả là 216.509.600đ (làm tròn) (Hai trăm mười sáu triệu năm trăm linh chín nghìn sáu trăm đồng) tính từ ngày 01/1/2011 đến ngày xét xử sơ thẩm 13/5/2019.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án không thi hành thì còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
2. Về án phí: Buộc Công ty TNHH MTV KCN L phải chịu 2.000.000đ (Hai triệu đồng) án phí dân sự phúc thẩm (về tranh chấp kinh doanh thương mại). Đối trừ với số tiền 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2017/0004102 ngày 02/10/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
3. Các nội dung khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định của các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thưc hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án./
File gốc của Bản án 01/2020/KDTM-PT ngày 26/02/2020 về tranh chấp thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Hải Dương đang được cập nhật.
Bản án 01/2020/KDTM-PT ngày 26/02/2020 về tranh chấp thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng hóa – Tòa án nhân dân Hải Dương
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Số hiệu | 01/2020/KDTM-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2020-02-26 |
Ngày hiệu lực | 2020-02-26 |
Lĩnh vực | Kinh tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |