BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 14-BYT | Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 1966 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP 24 TÀI KHOẢN
Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp 24 tài khoản.
Chế độ kế toán 24 tài khoản mới ban hành có nhiều tiến bộ. Thi hành chế độ này công tác kế toán sẽ ghi chép, phản ánh được mọi hoạt động trong cơ sở về sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm, thực tập, giảng dạy, lương bổng, ăn ở, tài sản, vật tư, kho tàng, xây dựng v.v…do đó đưa việc chi tiêu tài chính và sử dụng vật tư, tài sản vào kế hoạch, kịp thời phục vụ cho công tác chuyên môn, tăng cường được công tác quản lý kinh tế tài chính, giúp các đồng chí thủ trưởng nắm chắc và quản lý tốt mọi hoạt động trong đơn vị;
Thi hành chế độ này hiện nay các cơ sở còn gặp một số khó khăn là tổ chức quản lý tài sản; vật tư còn phân tán, tổ chức kế toán còn nhập chung với quản trị, chi tiêu tài chính và sử dụng vật tư chưa đi vào kế hoạch, sản xuất chưa tính giá thành, kiểm kê chưa định được giá v.v…
Để chuẩn bị chấp hành tốt chế độ kế toán 24 tài khoản, Bộ chỉ thị các đơn vị tiến hành các công việc sau đây:
1. Chế độ kế toán 24 tài khoản đòi hỏi mọi hoạt động kinh tế tài chính ở đơn vị phải đi vào kế hoạch, nó sẽ có liên quan đến mọi bộ phận, mọi người trong cơ sở, cho nên các đồng chí lãnh đạo phải động viên mọi người thông suốt và quán triệt chấp hành cho nghiêm chỉnh.
2. Phải chấn chỉnh củng cố lại những bộ phận tổ chức hiện nay chưa phù hợp:
- Cần tách bộ phận kế toán tài vụ ra khỏi phòng quản trị, xây dựng thành bộ phận riêng (theo điều lệ quản lý tài vụ kế toán số 47-QĐ) của Bộ ban hành ngày 26-01-1965), cử kế toán trưởng để có người phụ trách rõ ràng;
- Củng cố bộ phận theo dõi tài sản cố định và vật rẻ tiền mau hỏng chuyên môn ở phòng dược và bộ phận theo dõi tài sản cố định, vật rẻ tiền mau hỏng không chuyên môn ở phòng quản trị để tiến tới thống nhất tổ chức thành bộ phận quản lý tài sản chung của cơ sở (bao gồm cả công việc sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý vật tư);
- Chấn chỉnh lại các kho tàng, phân loại tài sản, vật liệu cho phù hợp với từng kho, cử người bảo quản cho chu đáo;
3. Phải quy định rõ chức năng, quyền hạn và xây dựng quan hệ giữa bộ phận kế toán tài vụ với các bộ phận có liên quan cho tốt:
- Bộ phận kế toán tài vụ chịu trách nhiệm theo dõi, ghi chép để phản ánh toàn bộ tài sản, vật tư, tiền vốn và theo dõi, ghi chép để phản ảnh và phân tích toàn bộ hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị, quản lý mọi công việc thu, chi, xuất, nhập, xét và tổng hợp kế hoạch thu, chi, tài chính, xin kinh phí phục vụ cho các hoạt động của đơn vị và giúp đỡ các bộ phận có liên quan tổ chức công việc kế toán;
- Bộ phận dược chịu trách nhiệm xét duyệt việc cấp phát các loại tài sản, vật liệu thuộc phạm vi dược quản lý, tăng cường và củng cố công việc kế toán dược để tính toán giá thành các vật liệu và sản phẩm tự chế để cuối tháng cung cấp số liệu cho kế toán vào sổ tổng hợp;
- Bộ phận quản trị chịu trách nhiệm xét duyệt việc cấp phát các loại tài sản, vật liệu thuộc phạm vi quản trị quản lý, tổ chức sửa chữa các loại máy móc, dụng cụ hành chính quản trị và chuyên môn, nếu tự tổ chức sửa chữa lớn và xây dựng nhỏ nhà cửa và chế biến vật liệu thì tính chi phí của các công việc đó để cung cấp số liệu cho kế toán vào sổ tổng hợp;
- Các khoa, phòng, bộ môn khác chịu trách nhiệm theo dõi, ghi chép việc sử dụng tài sản, vật liệu và kết quả công việc làm để cung cấp số liệu cho kế toán vào sổ tổng hợp;
- Kể từ ngày thi hành chế độ kế toán 24 tài khoản này, mọi chi tiêu và sử dụng vật tư phải dần dần đi vào kế hoạch hóa. Dù các trường hợp hoạt động thường xuyên hay đột xuất các khoa, phòng đều phải có dự trù hoặc bảng kê yêu cầu kinh phí và vật tư cho hoạt động đó;
- Cần giữ vững chế độ hội đồng kiểm nhận hàng khi mua về. Kho chỉ nhận hoặc giao hàng khi có phiếu nhập hoặc xuất kho của kế toán. Các công trình xây dựng xong cũng phải có chế độ kiểm tra lại như kiểm nhận hàng.
4. Phải tiến hành kiểm kê lại toàn bộ tài sản, vật tư hiện có (bao gồm cả những thứ hiện có trong kho và những thứ đang dùng ở các khoa, phòng), thứ nào chưa có giá phải định giá cho được để xây dựng giá trị ban đầu của các loại vật tư tài sản tiện cho việc theo dõi từ nay về sau.
5. Căn cứ vào các mẫu sổ sách, chứng từ và báo biểu kế toán của Bộ Tài chính và của Bộ, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ để thực hiện cho đầy đủ và gửi báo cáo về Bộ theo đúng thời gian quy định.
Bộ quyết định thi hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp 24 tài khoản kể từ ngày 1-7-1966.
Thi hành chế độ này, trước khi đi vào nề nếp, sẽ có một số khó khăn mới nảy ra, các đồng chí thủ trưởng các đơn vị cần thấy cho hết để lãnh đạo đơn vị thi hành cho tốt.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
File gốc của Chỉ thị 14-BYT năm 1966 về thi hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp 24 tài khoản do Bộ Y tế ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 14-BYT năm 1966 về thi hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp 24 tài khoản do Bộ Y tế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Số hiệu | 14-BYT |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phạm Ngọc Thạch |
Ngày ban hành | 1966-04-16 |
Ngày hiệu lực | 1966-07-01 |
Lĩnh vực | Kế toán - Kiểm toán |
Tình trạng | Đã hủy |