BỘ TÀI CHÍNH - | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2012/TTLT/ BTC- BCA | Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2012 |
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ - CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ - CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Thực hiện Quyết định số 135/QĐ - TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định số 1427/QĐ - TTg ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người giai đoạn 2011- 2015.
Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người, được hưởng cơ chế tài chính như đối với chương trình mục tiêu quốc gia như sau:
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng.
1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí từ Ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người.
2. Trường hợp các cơ quan, đơn vị sử dụng từ nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người thì ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn, định mức chi theo chế độ quy định hiện hành của nhà nước, nếu nhà tài trợ có hướng dẫn riêng thì thực hiện theo quy định của nhà tài trợ hoặc theo quy định của cơ quan chủ quản sau khi có sự thoả thuận của đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính (nếu có).
Trường hợp nhà tài trợ và Bộ Tài chính không có hướng dẫn riêng thì áp dụng theo các quy định tại Thông tư này.
Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi Ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước. Cụ thể:
1. Ngân sách Trung ương:
a) Bảo đảm kinh phí cho các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1427/QĐ- TTg ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người giai đoạn 2011- 2015.
b) Hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương trọng điểm về tội phạm mua, bán người, không tự cân đối được ngân sách, được giao nhiệm vụ tham gia Chương trình phòng, chống tội phạm mua, bán người để thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua, bán người trên địa bàn; xây dựng, củng cố và mở rộng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng, chống tội phạm mua, bán người; nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua, bán người; thực hiện việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về; xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình phòng ngừa tội phạm mua, bán người tại các địa bàn trọng điểm về tội phạm mua, bán người.
2. Các địa phương, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương cho Ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí Ngân sách địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, huy động và lồng ghép với các Chương trình mục tiêu và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai, thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình này trên địa bàn.
3. Nguồn viện trợ quốc tế; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn huy động hợp pháp khác.
1. Chi thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức trong phòng, chống tội phạm mua, bán người, bao gồm:
a) Chi giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức trong phòng, chống tội phạm mua, bán người, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phòng, chống tội phạm mua, bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng (các báo, đài phát thanh, đài truyền hình) và các hình thức tuyên truyền khác. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo các quy định hiện hành tại Thông tư số 73/2010/TTLT - BTC - BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
b) Chi tổ chức các cuộc mít tinh, lễ ra quân mở các đợt cao điểm, các buổi giao lưu, diễn đàn, các lớp nói chuyện truyền thông, giáo dục chuyên đề về công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người. Mức chi theo quy định hiện hành về chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Chi hỗ trợ truyền thanh cấp xã, phường: chi biên tập. Mức chi 75.000 đồng/trang/350 từ; chi bồi dưỡng phát thanh. Mức chi 30.000đồng/lần.
d) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người, gồm: chi biên soạn đề thi và đáp án (bao gồm cả biểu điểm). Mức chi tối đa 500.000 đồng/cuộc thi; chi bồi dưỡng chấm thi, ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi. Mức chi tối đa 250.000đồng/người/ngày; chi bồi dưỡng thành viên ban tổ chức cuộc thi. Mức chi tối đa 150.000 đồng/người/ngày; chi cho giải thưởng: giải thưởng tập thể. Mức chi tối đa là 2.000.000đồng/giải thưởng; Giải thưởng cá nhân. Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/giải thưởng. Tuỳ theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các khoản chi phục vụ cuộc thi (nếu có) như thuê sân khấu, hội trường, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, trang trí, bồi dưỡng cho người phục vụ, người dẫn chương trình; chi hỗ trợ tiền tầu, xe, tiền ăn, nghỉ cho người dự thi ở xa nơi tổ chức cuộc thi; chi văn phòng phẩm, khánh tiết, xăng xe hoặc phương tiện vận chuyển. Mức chi thực hiện theo chế độ hiện hành. Trường hợp chưa có quy định mức chi, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc thi quyết định mức chi trong phạm vi dự toán được giao; chi tổng hợp, báo cáo kết quả cuộc thi. Mức chi với cấp Trung ương là 500.000đồng/báo cáo, cấp tỉnh 300.000đồng/báo cáo, cấp huyện 200.000 đồng/báo cáo, cấp xã 100.000đồng/báo cáo.
2. Chi cho xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm mua, bán người cấp xã. Mức chi tối đa không quá 15.000.000đồng/mô hình/năm. Tuỳ theo thực tế tình hình và mục tiêu cần đạt được khi xây dựng mô hình tại địa phương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức chi cụ thể khi xây dựng mô hình.
3. Chi hỗ trợ cho những người không hưởng lương từ Ngân sách nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, giáo dục đối tượng phạm tội mua, bán người. Mức chi 50.000đồng/người/ngày, nhưng không quá 10 ngày/tháng.
4. Chi khảo sát, điều tra, thống kê để xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về phòng, chống tội phạm mua, bán người theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra, thống kê.
Chi xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về phòng, chống tội phạm mua, bán người. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử và Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26/5/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
5. Chi cho tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, hội thảo, hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết, giao ban, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tội phạm mua, bán người thực hiện theo quy định tại Thông tư 97/2010/TT- BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị, tập huấn đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Chi cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ nguồn Ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
7. Chi hỗ trợ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua, bán người
a) Chi mua tin phục vụ công tác điều tra, khám phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua, bán người; chi hỗ trợ công tác xác minh các đơn thư tố giác có liên quan đến tội phạm mua, bán người. Tuỳ theo nội dung, chất lượng tin cung cấp, tính chất, quy mô tổ chức của đường dây mua, bán người, nội dung cần xác minh, Thủ trưởng cơ quan điều tra, trinh sát Công an, Biên phòng quyết định mức chi mua tin, mức chi hỗ trợ công tác xác minh các đơn thư tố giác.
b) Chi cho việc giải cứu nạn nhân và bắt giữ đối tượng theo quy định của pháp luật; chi hỗ trợ công tác điều tra khám phá các chuyên án về tội phạm mua, bán người.
Nội dung chi, mức chi, trình tự thẩm quyền phê duyệt dự toán, thanh, quyết toán và thanh tra, kiểm tra kinh phí hỗ trợ cho các nội dung chi quy định tại tiết a, b khoản 7 Điều này thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước và quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về lĩnh vực này.
c) Chi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án mua, bán người; chi hỗ trợ cho công tác truy tố, xét xử điểm, xét xử lưu động các vụ án mua, bán người; chi giám định pháp y, pháp y tâm thần cho nạn nhân bị mua, bán phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; chi thống kê số liệu về tội phạm mua, bán người; chi tổng kết, hướng dẫn, chỉ đạo và thực hiện nghiệp vụ chuyên môn của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp về hoạt động phòng, chống tội phạm mua, bán người thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về lĩnh vực chi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
d) Chi cho công tác bảo vệ nạn nhân bị mua, bán là nhân chứng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua, bán người, gồm:
Chi ngoài giờ làm việc cho cán bộ bảo vệ nạn nhân bị mua bán là nhân chứng của các vụ án. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức; chi đưa nạn nhân về cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ hoặc đưa nạn nhân về gia đình; chi hỗ trợ công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân; chi cho hoạt động của các cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 27/9/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về, Thông tư liên tịch số 113/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 03/8/2010 hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH.
Trường hợp cần phải bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân để tránh sự trả thù, đe doạ của đối tượng phạm tội, Thủ trưởng cơ quan điều tra, truy tố, xét xử quyết định địa điểm thuê chỗ ở tạm thời cho nạn nhân. Mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
8. Chi hỗ trợ mua sắm phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống tội phạm mua, bán người, thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước về mua sắm, đấu thầu, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển của nhà nước.
9. Chi xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống mua, bán người (Đề án 4). Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 73/2010/TTLT-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư số 192/2010/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 01/12/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thông tư số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15/1/2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Nguồn kinh phí do Ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Công an, các Bộ, cơ quan và các địa phương tham gia Đề án 4.
10. Chi hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người (Đề án 5), để tăng cường năng lực và triển khai các hoạt động của Chương trình (gồm chi đoàn ra, đoàn vào, hợp tác đào tạo, hội nghị, hội thảo quốc tế, chi vốn đối ứng cho các dự án, kế hoạch hợp tác quốc tế về phòng, chống mua, bán người). Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định tại các Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí, Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có), Thông tư số 219/2009/TT- BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA, hoặc thực hiện theo các cam kết trong văn kiện ký kết giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ.
Nguồn kinh phí do Ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán kinh phí chi thường xuyên hàng năm của Bộ Công an, các Bộ, cơ quan và các địa phương tham gia Đề án 5.
11. Chi cho hoạt động quản lý, điều hành chỉ đạo Chương trình
a) Chi cho công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá, hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyên môn của từng đề án, tiểu đề án. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
b) Chi hỗ trợ mua sắm văn phòng phẩm, mua sắm, sửa chữa máy móc, trang, thiết bị văn phòng, phương tiện và hỗ trợ các chi phí xăng xe, thông tin liên lạc. Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình căn cứ tiêu chuẩn, chế độ, định mức, đơn giá nhà nước hiện hành để xây dựng và phê duyệt dự toán trước khi thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý, sử dụng Ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chi tiêu này.
c) Chi cho cộng tác viên, thuê mướn chuyên gia: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý Chương trình, đề án, tiểu đề án căn cứ tình hình được giao, khả năng triển khai thực hiện Chương trình, đề án, tiểu đề án để quyết định việc thuê chuyên gia, cộng tác viên. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về chi cho cộng tác viên, chuyên gia.
d) Chi thù lao: Đối với Ban chỉ đạo Trung ương: mức chi thù lao cho Trưởng ban: 500.000 đồng/tháng, Phó ban: 400.000đồng/tháng; thành viên Ban chỉ đạo: 350.000đồng/tháng; Chuyên viên kiêm nhiệm liên ngành: 350.000 đồng/tháng; Đối với Tiểu ban chỉ đạo địa phương: Mức chi thù lao cho Trưởng Tiểu ban: 350.000đồng/tháng; Phó Tiểu ban: 300.000đồng/tháng; thành viên Tiểu Ban chỉ đạo: 250.000 đồng/tháng; Chuyên viên kiêm nhiệm liên ngành: 200.000 đồng/ tháng.
đ) Chi làm đêm, làm thêm giờ: nội dung chi, mức chi làm đêm, làm thêm giờ của Ban chỉ đạo Trung ương và Tiểu ban chỉ đạo ở địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
12. Chi khen thưởng cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, mục tiêu chương trình của cấp có thẩm quyền. Nội dung chi, mức chi và nguồn kinh phí chi khen thưởng thực hiện theo các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng.
Điều 4. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí của Chương trình.
Việc lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn, bổ sung một số điểm sau:
1. Hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện Chương trình của năm trước và kế hoạch thực hiện Chương trình năm sau, các cơ quan chủ trì đề án (quy định tại Quyết định số 1427/QĐ- TTg ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người giai đoạn 2011- 2015) tiến hành xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình (cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, gửi Bộ Công an (cơ quan chủ trì Chương trình), đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với thời điểm xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Căn cứ khả năng Ngân sách trung ương và tình hình thực hiện Chương trình năm trước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tổng mức kinh phí Chương trình do Ngân sách trung ương đảm bảo cho Bộ Công an để xây dựng phương án phân bổ kinh phí cho các Bộ, cơ quan Trung ương chủ trì đề án và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương. Sau khi phân bổ, Bộ Công an gửi phương án đã phân bổ kinh phí của Chương trình cho Bộ Tài chính (phần vốn sự nghiệp) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phần vốn đầu tư phát triển) để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giao dự toán cho các Bộ, cơ quan Trung ương và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương.
3. Kinh phí của Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người được quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước.
Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí của Chương trình phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và thanh, quyết toán các nguồn kinh phí của Chương trình theo đúng quy định. Quyết toán kinh phí thực hiện đề án, Chương trình được tổng hợp vào quyết toán ngân sách hàng năm của từng Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện đề án, Chương trình.
4. Chế độ báo cáo.
a) Cơ quan chủ trì đề án chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các đề án được phân công chủ trì, gửi cơ quan quản lý Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người (Bộ Công an), đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định hiện hành về quản lý Ngân sách nhà nước.
b) Bộ Công an (cơ quan chủ trì Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người) chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tổng hợp số liệu, tình hình thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình; tình hình quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư để theo dõi chung.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Công an để nghiên cứu, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
Nơi nhận: |
|
Từ khóa: Thông tư liên tịch 22/2012/TTLT/BTC-BCA, Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT/BTC-BCA, Thông tư liên tịch 22/2012/TTLT/BTC-BCA của Bộ Công An, Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT/BTC-BCA của Bộ Công An, Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch 22 2012 TTLT BTC BCA của Bộ Công An, Bộ Tài chính, 22/2012/TTLT/BTC-BCA
File gốc của Thông tư liên tịch 22/2012/TTLT/BTC-BCA hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người do Bộ Tài chính – Bộ Công an hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tịch 22/2012/TTLT/BTC-BCA hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua, bán người do Bộ Tài chính – Bộ Công an hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Công An, Bộ Tài chính |
Số hiệu | 22/2012/TTLT/BTC-BCA |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Nguyễn Công Nghiệp, Phạm Quý Ngọ |
Ngày ban hành | 2012-02-16 |
Ngày hiệu lực | 2012-04-01 |
Lĩnh vực | Hình sự |
Tình trạng | Hết hiệu lực |