VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03-VKSTC/CT | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 1989 |
VỀ VIỆC THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội khóa 8, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 28-6-1988 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1989. Để kịp thời thi hành bộ luật này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho các cán bộ chủ chốt của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương và các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành. Sau đó các Viện kiểm sát đã triển khai học tập Bộ luật này cho tất cả cán bộ kiểm sát của địa phương, đơn vị mình. Nhìn chung, các cán bộ kiểm sát đã bước đầu nắm được những quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự. Một số vướng mắc tồn tại đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các ngành Tòa án, Nội vụ, Tư pháp ra Thông tư liên ngành hướng dẫn như Thông tư liên ngành số 01 ngày 8-12-1988 và số 02 ngày 12-1-1989. Còn một số tồn tại khác sẽ nghiên cứu giải quyết tiếp; song không vì thế mà ảnh hưởng đến việc thi hành Bộ luật theo thời gian đã quy định.
Để Bộ luật tố tụng hình sự được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ thị cho các Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát quân sự cần chú ý thực hiện những vấn đề sau đây:
1- Kiểm sát việc đăng ký và giải quyết các tin báo về tội phạm
Xuất phát từ nguyên tắc mọi tội phạm phải được phát hiện và đưa ra xử lý theo pháp luật và nhằm đảm bảo việc thu thập kịp thời các tài liệu ban đầu về vụ án, Bộ luật đã xác định việc đăng ký và giải quyết các tin báo về tội phạm là một bước không thể thiếu của quá trình tố tụng hình sự. Do đó Viện kiểm sát các cấp phải mở sổ ghi chép theo dõi các thông tin về tội phạm của cơ quan điều tra và các nguồn thông tin khác, phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra đối chiếu sổ sách với cơ quan điều tra và đôn đốc nhắc nhở cơ quan điều tra xác minh và giải quyết theo đúng quy định của điều 84 và điều 86 - Bộ luật tố tụng hình sự.
2- Kiểm sát việc khởi tố và không khởi tố vụ án hình sự
Viện kiểm sát các cấp phải nắm vững những căn cứ khởi tố vụ án hình sự (điều 83) và những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự (điều 89) để thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm việc khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp theo điều 91- Bộ luật tố tụng hình sự.
Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm xem xét và xử lý nhanh chóng các tin báo về tội phạm gửi đến VKS, và kiểm tra việc quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự của VKS cấp dưới để giải quyết cho đúng điều 90-BLTTHS, ngay cả đối với những vụ án chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại (điều 88).
3- Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn
Kiểm sát viên của VKS các cấp phải chú ý kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn của cơ quan điều tra trong suốt quá trình tiến hành điều tra vụ án.
Cần lưu ý kiểm sát việc bắt, nhất là bắt người trong trường hợp khẩn cấp, việc phê chuẩn gia hạn tạm giữ trong trường hợp cần thiết bảo đảm đúng quy định của các điều 62, 63, 65, 69 BLTTHS. Đối với trường hợp cần tạm giam phải thực hiện đúng quy định của điều 70 BLTTHS.
Căn cứ vào điều 62 điểm d- điều 69 điểm 2- điều 70, điểm 3 thì việc phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam do VKS cùng cấp thực hiện, nên Viện trưởng, phó Viện trưởng và kiểm sát viên được Viện trưởng ủy quyền được ký phê chuẩn các lệnh trên của cơ quan điều tra. Riêng việc gia hạn tạm giam phải do Viện trưởng, phó Viện trưởng VKS cấp tỉnh và quân khu trở lên quyết định.
Sau khi đã ra lệnh tạm giam hoặc phê chuẩn tạm giam, kiểm sát viên cần chú ý theo dõi thời hạn tạm giam bảo đảm đúng quy định của điều 71 BLTTHS. Nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì phải tác động ngay với cơ quan điều tra đề nghị với VKS hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam. Hoặc nếu xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác như: cấm đi khỏi nơi cư trú (điều 74), bảo lĩnh (điều 75), đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm đối với bị can là người nước ngoài (điều 76 BLTTHS). Khi đã hết thời hạn tạm giam mà không được phép gia hạn thì yêu cầu người ra lệnh tạm giam phải trả lại tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Cần lưu ý nhắc cơ quan điều tra khi áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc bảo lĩnh phải buộc bị can làm giấy cam đoan có mặt, khi có giấy triệu tập.
Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án chuyển đến Viện kiểm sát, kiểm sát viên phải tiếp tục kiểm tra biện pháp ngăn chặn đối với các bị can để nếu cần thiết có thể áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Trong trường hợp bị can đang bị tạm giam, mà thời hạn tạm giam để điều tra đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành bản cáo trạng thì Viện kiểm sát có thể ra lệnh tạm giam, nhưng không quá 30 ngày theo điều 142, điểm 2 BLTTHS.
4- Kiểm sát việc điều tra thu thập chứng cứ
Kiểm sát viên phải chú ý kiểm sát chặt chẽ từ đầu việc điều tra thu thập chứng cứ bảo đảm áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Phải xác định rõ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền, nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội (điều 11 BLTTHS).
Vì vậy, kiểm sát viên phải đặc biệt chú ý kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, việc khám nghiệm để thu thập dấu vết và vật chứng, việc trưng cầu giám định, nhất là đối với những trường hợp luật quy định bắt buộc phải giám định (điều 44, điểm 5 BLTTHS) bảo đảm thu thập chứng cứ xác thực và khoa học để chứng minh tội phạm. Phải kiểm sát việc cơ quan điều tra hỏi cung bị can nhất là trường hợp có tạm giam bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, việc đối chất và nhận dạng theo đúng quy định của các điều 107, 108, 110, 111, 112, 113, 114 BLTTHS. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án (điều 54 BLTTHS). Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng; người bị hại trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó (điều 51, 52 BLTTHS).
Đối với những vụ án nghiêm trong, phức tạp, thì KSV có thể tham gia cùng với cơ quan điều tra hỏi cung bị can để nắm chắc lời khai báo của bị can đối chiếu với các chứng cứ khác. Sau mỗi buổi hỏi cung, cần trao đổi góp ý với cơ quan điều tra để tiếp tục khai thác. Tùy trường hợp cụ thể, KSV có thể mặc sắc phục kiểm sát và giới thiệu rõ họ tên, chức vụ với bị can hoặc không mặc sắc phục và cũng không giới thiệu là kiểm sát viên. Điều cốt yếu là phải phối hợp với cơ quan điều tra thông qua hoạt động kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật trong điều tra, và tích cực tham gia vào việc đấu tranh làm rõ tội phạm.
Kiểm sát viên phải kiểm sát việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra theo trình tự và thủ tục do BLTTHS quy định và phải yêu cầu lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất để đưa toàn bộ tài liệu đó vào hồ sơ vụ án, tránh tự tiện rút bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án.
Các vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm phải được chuyển giao cho Tòa án cùng với hồ sơ vụ án như Thông tư liên ngành số 01 ngày 8-12-1988 đã nói rõ. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh để đưa vào hồ sơ vụ án và vật chứng phải được niêm phong, bảo quản. Các vật chứng là kim loại quý, đá quý, chất độc v.v… phải được giám định sau khi thu thập và giao cho cơ quan chuyên trách theo điều 56 và điều 57 BLTTHS.
Việc bàn giao vật chứng từ cơ quan điều tra sang Tòa án vẫn thực hiện giao tay ba, có chứng kiến của Viện kiểm sát như đã làm trước đây.
Kiểm sát viên phải theo dõi việc tuân thủ thời hạn điều tra vụ án bảo đảm kết thúc điều tra sớm hơn thời hạn quy định tại điều 97 blhtths, đồng thời phải đôn đốc cơ quan điều tra giải quyết mọi tồn tại của vụ án trước khi chuyển bản kết luận điều tra và hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát, hạn chế trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc tự mình phải điều tra bổ sung.
5- Việc giao cáo trạng cho bị can
Căn cứ điều 142 BLTTHS thì bản cáo trạng phải được VKS giao cho bị can, sau khi VKS quyết định truy tố bị can trước Tòa án. Tuy chưa có điều luật quy định thời hạn giao cáo trạng, song VKS cần hoàn thành việc giao cáo trạng cho bị cáo chậm nhất là 10 ngày trước khi Tòa án mở phiên tòa. Đây cũng là thời hạn luật quy định cho Tòa án phải giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo. (*)
Đối với bị can đang tạm giam, VKS có thể cử nhân viên cơ quan mình thực hiện việc giao cáo trạng cho bị can.
Đối với bị can tại ngoại thì dùng giấy triệu tập gửi qua bưu điện gọi bị can để nhận cáo trạng.
Trường hợp phải xét xử vắng mặt bị cáo thì bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
Các VKS cần in số phiếu giao cáo trạng để bị can, người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị can ký nhận, sau đó đưa vào hồ sơ vụ án.
Đây là một công việc mới, ta chưa có kinh nghiệm, nên các VKS cần nghiên cứu chọn cách làm thuận lợi nhất.
6- Việc cử KSV tiến hành tố tụng
Điều 31 BLTTHS quy định việc thay đổi kiểm sát viên.
Để thực hiện những quy định trên, các KSV được phân công tiến hành tố tụng trong vụ án kể cả KSĐT và KSXX phải báo cáo với Viện trưởng cấp mình những trường hợp mà mình có thể bị thay đổi để Viện trưởng cử người khác làm thay, tránh để bị thay đổi khi làm nhiệm vụ, nhất là trường hợp bị Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa để thay KSV, gây trở ngại cho công tác và ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng. Trường hợp quyết định hoãn phiên tòa của Hội đồng xét xử để thay KSV, mà không có căn cứ thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định, VKS cùng cấp phải ra quyết định kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp trên xét lại theo điều 213 BLTTHS.
7- Về thẩm quyền truy tố của VKS các cấp
Điều 145 BLTTHS quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp, cũng có nghĩa là quy định thẩm quyền truy tố của VKS các cấp.
Viện KSNDTC đã lập bảng kê các điều khoản của Bộ luật hình sự quy định về tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và quân sự khu vực. Các VKS cần căn cứ vào bảng kê này và Thông tư liên ngành số 02 ngày 12-1-89 để thực hiện cho đúng, tránh để án sơ thẩm dồn lên cấp tỉnh và án phúc thẩm dồn lên cấp tối cao.
Cần lưu ý đối với những tội phạm đã có tình tiết định khung thì phải căn cứ vào khung hình phạt của điều luật để xác định án thuộc thẩm quyền cấp huyện hay cấp tỉnh, chứ không thể căn cứ vào tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ để xác định thẩm quyền. Đến khi xét xử thì có thể vận dụng điều 38, khoản 3 Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Thông tư liên ngành còn hướng dẫn cho cấp huyện và quân sự khu vực khi xét xử kẻ phạm tội đã có án tù cũ chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong, nay cần tổng hợp hình phạt của hai bản án thì tùy tính chất mức độ cụ thể của án cũ, Tòa án cấp huyện hoặc quân sự khu vực có thể tuyên hình phạt chung vượt mức 7 năm tù. Vì vậy VKS các cấp cần nghiên cứu kỹ Thông tư liên ngành nói trên và điều 42 Bộ luật hình sự để thực hiện cho đúng.
Đối với những VKS cấp huyện còn yếu về nghiệp vụ thì VKS cấp tỉnh cần tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, để bồi dưỡng cho cán bộ cấp huyện làm tròn nhiệm vụ theo luật định.
8- Vấn đề họp trù bị phiên tòa
Hai ngành đã nhất trí đưa vấn đề họp trù bị vào Thông tư liên ngành số 01 ngày 8/12/1988 để hướng dẫn cho các cấp thực hiện cả trong thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm. Vì vậy, các VKS cần nghiên cứu nội dung vấn đề này nêu trong Thông tư trên để áp dụng.
9- Việc tham gia phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm
Điều 164 và điều 217 BLTTHS quy định KSV của VKS cùng cấp phải tham gia tất cả các phiên tòa của Tòa án khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu KSV vắng mặt thì Tòa án phải hoãn phiên tòa.
Để thực hiện quy định này, nhất là trường hợp đang thực hiện thông khâu giữa KSĐT và KSXX sơ thẩm, VKS các cấp cần quan hệ với Tòa án cung cấp bản bố trí lịch phiên tòa hàng tháng, trên cơ sở đó giao nhiệm vụ cho các KSV sắp xếp công việc để bảo đảm tham gia đầy đủ các phiên tòa này, không để Tòa án phải hoãn phiên tòa, vì vắng mặt KSV.
Đối với vụ án xử sơ thẩm hoặc sơ thẩm đồng thời là chung thẩm có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì có thể cử 2 KSV cùng tham gia phiên tòa, trong đó nên có 1 đồng chí đã nắm chắc hồ sơ vụ án từ giai đoạn điều tra. Tùy từng trường hợp cụ thể, nên phân công 1 KSV đảm nhiệm đọc cáo trạng và tham gia xét hỏi là chính, 1 KSV phát hiện luận tội và tham gia tranh luận. Tuy nhiên, trong khi thực hiện nhiệm vụ có thể vận dụng linh hoạt và trao đổi bàn bạc với nhau để thống nhất thực hei65n.
Đối với vụ án cần xét xử theo thủ tục sơ thẩm đồng thời là chung thẩm của Tòa án hình sự - TANDTC, giao cho các Viện KSXXPT 2 và 3 cử KSV tham gia theo khu vực đang phụ trách thuộc các tỉnh phía Nam. Riêng đối với các tỉnh phía Bắc thì từng trường hợp cụ thể sẽ giao cho Vụ 3 hoặc VKSXXPT 1 cử KSV tham gia.
Trong thủ tục xét xử sơ thẩm, KSV cần chú ý kiểm sát:
- Thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án bảo đảm quy định của điều 151 BLTTHS.
- Thành phần của Hội đồng xét xử đối với những vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình theo điều 160, đoạn 2 BLTTHS.
- Giới hạn của việc xét xử theo điều 170 BLTTHS, Tòa án chỉ có thể tuyên xử theo tội danh mà VKS đã truy tố hoặc xét xử với tội danh khác có mức hình phạt cao nhất của điều luật bằng nhau hoặc nhẹ hơn. Điều luật này không nói đến khung hình phạt, nếu Tòa án áp dụng khung nặng hơn khung hình phạt mà VKS đã truy tố dẫn tới xử quá nặng thì cần kháng nghị để cải sửa.
- Việc cách ly những người làm chứng, cách ly bị cáo với nhau, cách ly các bị cáo với người làm chứng trong trường hợp cần thiết tránh họ khai dựa dẫm vào nhau theo điều 178, điểm 2 và điều 183 BLTTHS.
- Việc xem xét các tài liệu mới đưa ra khi xét hỏi theo điều 188, đoạn 2 BLTTHS. Khi có tài liệu mới đưa ra phiên tòa, KSV cần kiểm tra thận trọng. Nếu có căn cứ xác đáng thì đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, ngược lại thì cần nói rõ lý do không chấp nhận. Trường hợp phải có thời gian tăng cứu xác minh mới kết luận được thì yêu cầu Hội đồng xét xử hoãn xử.
Sau khi đã chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án, nếu VKS cần rút một phần quyết định truy tố (rút bớt bị can, rút bớt tội danh, rút bớt hành vi) mà do điều kiện khách quan, không rút cáo trạng về làm lại được thì phải làm văn bản gửi cho Tòa án trước khi mở phiên tòa, để Hội đồng xét xử không xét phần đã rút truy tố. Nếu tại phiên tòa KSV mới đề nghị rút một phần truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án (điều 169 BLTTHS).
Do thời gian giữ hồ sơ vụ án của VKS để làm quyết định truy tố chỉ có 30 ngày đến 60 ngày, nên các VKS cần tính toán những trường hợp phải chuyển hồ sơ vụ án lên VKS cấp trên để thỉnh thị bảo đảm thời hạn luật định, nhất là loại án cần xử với mức hình phạt tử hình mà VKS còn băn khoăn về chứng cứ, về đường lối xử lý, loại án xử người phạm tội có chức sắc trong tôn giáo, nhân sỹ, cán bộ cao cấp, đại biểu quốc hội.
Trong thủ tục xét xử phúc thẩm, KSV cần chú ý kiểm sát:
- Thời hạn xét xử phúc thẩm theo điều 215 BLTTHS.
- Việc xem xét những chứng cứ mới đưa ra tại phiên tòa theo điều 218 BLTTHS. Trường hợp chưa thể kết luận được thì tùy tình hình cụ thể mà đề nghị Hội đồng xét xử hoãn xử để VKS cấp phúc thẩm tăng cứu xác minh, nếu thời gian cần có để tăng cứu xác minh không quá 10 ngày, hoặc đề nghị hủy án giao về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại đối với vấn đề mà VKS cấp phúc thẩm không có điều kiện hoặc thời gian để tăng cứu xác minh.
- Việc cải sửa hoặc hủy án của án phúc thẩm có căn cứ và đúng pháp luật không? theo các điều 221, 222, 223 BLTTHS. Chú ý Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh và quân khu cải sửa án của cấp huyện và quân sự khu vực theo hướng tăng nặng, không được xử vượt thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và quân sự khu vực như Thông tư liên ngành số 02 ngày 12-1-89 đã hướng dẫn.
Do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, nên VKS cấp trên khó thực hiện việc kháng nghị án 10- Kiểm sát thi hành án
Công tác kiểm sát thi hành án đang còn nhiều yếu kém, chưa bảo đảm thực hiện theo những quy định đã hướng dẫn trước đây, nhất là với loại án phạt tù giam. Nay Bộ luật tố tụng hình sự giao cho Chánh án Tòa án có quyền quyết định cho người bị kết án đang tại ngoại được hoãn thi hành án phạt tù (điều 231), cho người bị kết án tạm đình chỉnh chấp hành hình phạt tù (điều 232) giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt tù và giao cho Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực quyết định việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành các hình phạt khác hoặc giảm thời gian thử thách (điều 238). Do vậy, VKS các cấp cần tăng cường công tác kiểm sát đối với các trường hợp này, bảm đảm người bị kết án tù phải được đưa vào trại cải tạo để chấp hành án được đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật. Đối với những trường hợp Tòa án cho hoãn, tạm đình chỉnh, giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt trái với quy định của BLTTHS thì VKS phải kháng nghị kịp thời để yêu cầu Tòa án cấp trên xét lại, ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực trong công tác này.
11- Kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm
Để thực hiện nhiệm vụ theo luật định, để khắc phục nhược điểm hiện nay về quyền kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp trên, các VKS cấp tỉnh và quân khu trở lên phải tăng cường kiểm tra án đã có hiệu lực pháp luật qua các đơn khiếu nại và báo cáo đề xuất kháng nghị của VKS cấp dưới để xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, khi có đủ căn cứ.
Để bảo đảm tính ổn định của bản án đã có hiệu lực pháp luật BLTTHS quy định thời hạn kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án là 1 năm kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày VKS nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện (điều 247, điều 265 BLTTHS). So với trước đây, thời hạn này ngắn hơn nhiều, nên các VKS cần khẩn trương kháng nghị hoặc báo cáo lên Viện kiểm sát cấp trên để giải quyết theo thẩm quyền.
Sau khi đã ra quyết định kháng nghị án, tùy trường hợp cụ thể Viện trưởng VKS từ cấp tỉnh và quân khu trở lên có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với người đang bị tạm giam để thi hành án, nếu Viện trưởng xét thấy cần tạm đình chỉ thi hành án đối với họ, như đã hướng dẫn trong Thông tư liên ngành số 01 ngày 8-12-88, thì phải làm văn bản “quyết định tạm đình chỉ thi hành án” gửi cho Ban giám thị trại giam để yêu cầu trả tự dọ cho họ, chờ xét xử lại.
Theo điều 249 BLTTHS quy định: “phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện trưởng VKS cùng cấp hoặc KSV được Viện trưởng uỷ quyền”. Như vậy, phiên tòa giám đốc thẩm phải có mặt đại diện VKS. Ở thủ tục tái thẩm, chỉ VKS có quyền kháng nghị, nên VKS phải cử người tham gia phiên tòa để bảo vệ kháng nghị.
Sau khi nhận được chỉ thị này, Viện trưởng VKS các địa phương và VKS quân sự cần tổ chức nghiên cứu và phổ biến quán triệt cho cán bộ của cấp mình và cấp dưới. Nên tổ chức chí đạo thí điểm ở một quận hoặc thị xã và một huyện, 1 đơn vị để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung, có sự phối hợp của ba ngành Công an hoặc cơ quan điều tra, VKS, TA. Vì BLTTHS có nhiều quy định mới, chưa thể hướng dẫn đầy đủ ngay một lúc, nên VKS các cấp cần nghiên cứu thực hiện và kịp thời phát hiện những vướng mắc nảy sinh để tập hợp và báo cáo về VKSNDTC hướng dẫn tiếp.
Cần xem xét vấn đề cán bộ, bố trí một số cán bộ có năng lực nghiệp vụ đảm nhiệm công tác KSĐT và KSXX sơ thẩm theo thông khâu ở cấp tỉnh, mạnh dạn đề bạt thêm KSV cấp tỉnh (KSV trung cấp) và KSV cấp huyện bảo đảm có đủ cán bộ có quyền năng pháp lý để thực hiện BLTTHS ở các khâu công tác khác.
Cần tính toán dự trù kinh phí, phương tiện, để phân bố cho phù hợp, lưu ý vấn đề giấy, các biểu mẫu, các sổ sách, máy chữ, mực và giấy in v.v… VKS cấp tỉnh cần kịp thời tổ chức in gửi cho các VKS cấp huyện các văn bản mà Viện KSNDTC chưa có điều kiện gửi tới huyện. Trước mắt, các VKS địa phương cần tranh thủ đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ một phần để triển khai thực hiện, trong lúc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa dự trù kịp.
(*) Điểm này đã được TTLN số 7 ngày 13/9/90 thay thế.
(*) Thời hạn kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp trên đã được luật tố tụng sửa đổi, bổ sung quy định lại.
File gốc của Chỉ thị 03-VKSTC/CT thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 03-VKSTC/CT thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Số hiệu | 03-VKSTC/CT |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 1989-03-16 |
Ngày hiệu lực | 1989-03-31 |
Lĩnh vực | Hình sự |
Tình trạng | Đã hủy |