BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3438/BVHTTDL-VP | Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 4373/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:
1. Cử tri đề nghị quy định cụ thể đối với vấn đề về tiêu chuẩn của bảng quảng cáo ngoài trời vì nếu bảng quảng cáo ngoài trời thiết kế không đảm bảo tiêu chuẩn thì những lúc mưa to, giông gió, sắt bị mục sẽ gây ngã, đỗ ảnh hưởng đến sinh mạng người dân khi tham gia giao thông.
2. Cử tri đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo phải đảm bảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo trên mạng xã hội về nội dung, hình thức quảng cáo phù hợp, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.
3. Cử tri kiến nghị về vấn đề xây dựng và nâng cao chất lượng đội tuyển Quốc gia môn bóng đá cần phải có chiến lược lâu dài, có chế độ hoàn trả kinh phí đào tạo những cán bộ có trình độ trên Đại học ở các nước tiên tiến khi ký hợp đồng với cơ quan tuyển dụng trong nước, thay cho việc cử tuyển cán bộ đi học; có chế độ đãi ngộ nhằm khuyến khích chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam để đào tạo cho đội tuyển; đầu tư xây các trường đại học chất lượng cao.
4. Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (tại khoản 1 Điều 11, Chương 2; khoản 1 Điều 26 Chương 3; Điều 38 Chương 4 quy định nơi tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao “tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội - nếu tổ chức ở Hà Nội; Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh - nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh”. Hiện nay, Nhà tang lễ Thành phố tại số 25 Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, Quận 3 đã dừng hoạt động, di dời về phường An Lạc, quận Bình Tân và chính thức hoạt động tại địa điểm mới từ tháng 01 năm 2021).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
- Về kiến nghị có quy định cụ thể đối với vấn đề về tiêu chuẩn của bảng quảng cáo ngoài trời
Tại Điều 31 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định:
“2. Việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau đây:
a) Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên;
b) Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;
c) Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m2) trở lên
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo gồm có:
....
đ) Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước”.
Như vậy, về quy định tiêu chuẩn của bảng quảng cáo ngoài trời nêu trên đã đảm bảo được tính an toàn trong quá trình thực hiện tại các địa phương. Đối với các loại bảng, biển không thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cử tri để đề xuất trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
- Về kiến nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo phải đảm bảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo trên mạng xã hội về nội dung, hình thức quảng cáo phù hợp, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng
Để quản lý có hiệu quả về nội dung, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng, chẳng hạn như: tuân thủ các quy định của pháp luật về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; trường hợp đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội thì phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Các quy định trên nhằm tăng cường ý thức cho người chuyển tải sản phẩm nói chung, trong đó đặc biệt là người có tầm ảnh hưởng trong việc quảng cáo khi thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến công chúng một cách trách nhiệm, trung thực và hiệu quả.
Ngày 04/6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình số 145/TTr-BVHTTDL báo cáo và trình Chính phủ về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 08 Quốc hội khóa XV.
- Về kiến nghị việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia môn Bóng đá.
Nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội tuyển quốc gia môn Bóng đá, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản như:
(1) Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;
(2) Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 08/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
(3) Chỉ thị số 97/CT-BVHTTDL ngày 13/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
(4) Quyết định số 1738/QĐ-BVHTTDL ngày 13/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Chương trình phối hợp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự chủ động, phối hợp, có trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan; sự ủng hộ, nỗ lực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có liên quan và toàn thể xã hội, Bóng đá Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển chung của bóng đá ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Điều này được thể hiện qua những thành tích rất ấn tượng và mang tính lịch sử như: Đội tuyển Bóng đá nam quốc gia 02 lần đạt thành tích vô địch Đông Nam Á (AFF cup) vào các năm 2008 và 2018; năm 2022, đội tuyển Bóng đá nam quốc gia giành quyền thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á, đội tuyển bóng đá nữ giành quyền tham dự World Cup 2023; đội tuyển U23 quốc gia 02 lần giành huy chương vàng liên tiếp tại các kỳ SEA Games vào năm 2019 và 2021; đội tuyển Bóng đá nữ xuất sắc giành 07 huy chương Vàng SEA Games (đặc biệt là 03 kỳ SEA Games liên tiếp vào các năm 2019, 2021, 2023); đội tuyển Futsal Việt Nam xuất sắc 02 lần tham dự vòng chung kết giải vô địch Futsal thế giới vào các năm 2016 và 2020. Bên cạnh đó, các đội tuyển Bóng đá trẻ quốc gia U20, U19, U17, U15 bao gồm nam và nữ đều đứng trong tốp đầu khu vực và luôn giành quyền tham dự vòng chung kết các giải trẻ của Châu Á.
Bóng đá Việt Nam trong những năm qua đạt được những thành tích trên là hiệu quả của việc xây dựng kế hoạch lâu dài, định hướng đúng đắn từ việc triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Bóng đá Việt Nam theo định hướng của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng tới đầu tư cho các đội tuyển bóng đá trẻ, đội tuyển U23; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp; tạo cơ chế thu hút cầu thủ nước ngoài gốc Việt về thi đấu cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp, qua đó tạo nguồn để bổ sung cho đội tuyển quốc gia; bổ sung các thành viên ban huấn luyện có trình độ chuyên môn cao cho đội tuyển quốc gia, đội tuyển U23; mở rộng cơ chế xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư cho các đội tuyển, đội tuyển trẻ... Đối với các giải pháp lâu dài, cần tiếp tục phát triển mạnh bóng đá phong trào, bóng đá học đường; tăng cường các học viện bóng đá, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ; nâng cao chất lượng giải đấu bóng đá chuyên nghiệp và các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp; mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền bóng đá phát triển; tăng cường các giải pháp về khoa học công nghệ, y học, dinh dưỡng và các điều kiện hậu cần, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên.
- Về kiến nghị liên quan đến chế độ hoàn trả kinh phí đào tạo những cán bộ có trình độ Đại học ở các nước tiên tiến khi ký hợp đồng với cơ quan tuyển dụng trong nước, thay cho việc cử tuyển cán bộ đi học, có chế độ đãi ngộ nhằm khuyến khích chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam để đào tạo cho đội tuyển.
Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tăng cường thu hút các tài năng người nước ngoài và chuyên gia nước ngoài về tham gia các đội tuyển thể thao và làm công tác huấn luyện các đội tuyển. Thể thao Việt Nam có được thành tích tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực của các vận động viên, sự sát sao tận tụy, chu đáo của ban huấn luyện, sự quan tâm kịp thời của các cấp, các ngành, còn có sự đóng góp không nhỏ của các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài với trình độ cao và kinh nghiệm quốc tế đã mang lại cơ hội để nâng cao kỹ năng và phương pháp đào tạo cho vận động viên cho thể thao Việt Nam trong thời gian qua, điển hình như các chuyên gia môn Bắn súng, Bóng đá, Bắn cung, Đua thuyền, Boxing, Đấu kiếm…. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đảm bảo các chế độ, chính sách cho tiền lương, tiền ăn, ở, chế độ làm việc…. và nhà nước đã có các chính sách ưu tiên về thị thực điện tử, lưu trú, cư trú, quy định về nơi ở cho cá nhân nước ngoài và người thân của cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Song, thực tế, thời gian qua, việc thuê chuyên gia, huấn luyện viên nước ngoài để đáp ứng được yêu cầu về trình độ, đảm bảo chỉ tiêu thành tích đặt ra và theo mức lương phù hợp với mặt bằng chung của khu vực và thế giới là hết sức khó khăn. Hiện nay, trong lĩnh vực thể dục, thể thao phần lớn các chế độ, chính sách như tiền lương, tiền ăn, ở, chế độ làm việc cho chuyên gia đều do ngân sách nhà nước chi trả, trừ chuyên gia Bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vận động từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Với điều kiện và nguồn lực có hạn, chúng ta chỉ có thể thuê được một số chuyên gia ở một vài môn thể thao trọng điểm; mức lương chi trả cho chuyên gia chưa hấp dẫn so với mặt bằng chung tại khu vực và châu lục, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị cho công tác huấn luyện của ta so với mặt bằng chung của thế giới còn hạn chế, nên việc tìm kiếm lựa chọn chuyên gia giỏi, có trình độ từ các cường quốc thể thao chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, việc quy định về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho chuyên gia còn bất cập (chuyên gia làm việc tại Việt Nam phải có bằng đại học chuyên ngành trừ chuyên gia Bóng đá theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam), đây là khó khăn rất lớn cho việc mời những chuyên gia trình độ cao sang Việt Nam huấn luyện cho các đội tuyển hiện nay.
Trong thời gian tới, căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách đãi ngộ cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nhất là thủ tục cấp phép lao động. Để có chế độ đãi ngộ khuyến khích chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài các chế độ quy định của nhà nước, đề nghị địa phương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù đối với các chuyên gia nói chung và chuyên gia thể thao nói riêng để thu hút nhân tài cho địa phương.
Việc hoàn trả kinh phí đào tạo đối với những cán bộ có trình độ đại học ở các nước tiên tiến khi ký hợp đồng với cơ quan tuyển dụng trong nước hiện chưa có quy định và các hướng dẫn cụ thể, chỉ có quy định về người được đào tạo nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước phải hoàn trả kinh phí đào tạo trong một số trường hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ghi nhận và sẽ tiếp thu kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách trong thời gian tới.
- Về kiến nghị liên quan đến việc đầu tư xây các trường đại học chất lượng cao.
Hiện nay, cả nước có 04 Trường Đại học trong lĩnh vực thể dục thể thao tại Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội; 01 Viện Khoa học Thể dục thể thao là nơi đào tạo chuyên sâu cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thể dục thể thao cho đất nước và 04 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tổ chức tập huấn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia phục vụ thi đấu các giải thể thao quốc tế. Các trường Đại học Thể dục thể thao là những thiết chế quan trọng để triển khai công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu lý luận, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Việc đầu tư xây dựng các trường Đại học Thể dục thể thao tiên tiến, hiện đại, có chất lượng đào tạo cao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Trung tâm HLTTQG Đà Lạt; nâng cấp, cải tạo Trường bắn thuộc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, nâng cấp khu A Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Trung tâm HLTTQG tại Sa Pa; cải tạo, nâng cấp khu C Tam Đảo, Trung tâm HLTTQG Hà Nội; triển khai giai đoạn 2 (khu 4,3ha) Trung tâm HLTTQG tại TP Cần Thơ; cải tạo, sửa chữa và nâng cấp Trung tâm HLTTQG TP HCM cơ sở 1 và cơ sở 2 tại Mũi Né, tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 2).
- Về kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố
Ngày 05/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 5361/BVHTTDL-VP gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh liên quan đến nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2012/NĐ- CP của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin tiếp thu ý kiến kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh và sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong quá trình tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.
| BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 3438/BVHTTDL-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành đang được cập nhật.
Công văn 3438/BVHTTDL-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch |
Số hiệu | 3438/BVHTTDL-VP |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Văn Hùng |
Ngày ban hành | 2024-08-13 |
Ngày hiệu lực | 2024-08-13 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |