THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1156/TTg-TCCV | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2021 |
Kính gửi: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, cương quyết giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo tinh thần các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về nội dung này tại Công văn số 5319/VPCP-TCCV ngày 04 tháng 8 năm 2021 và Công văn số 5741/VPCP-TCCV ngày 19 tháng 8 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.
Để việc xây dựng Nghị định nêu trên đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung sau:
1. Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá và xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trong đó cần làm rõ các vấn đề sau:
a) Về chức năng
- Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là bộ): Rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo phân công của Chính phủ và quy định pháp luật chuyên ngành, bảo đảm một ngành, lĩnh vực được giao cho một bộ chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước.
- Đối với cơ quan thuộc Chính phủ: Rà soát, đánh giá kỹ và xác định đầy đủ chức năng theo quy định của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu phát triển theo chủ trương của Đảng và của pháp luật.
b) Về nhiệm vụ, quyền hạn
- Đối với các bộ: Rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng sau:
+ Về nhiệm vụ, quyền hạn chung: Đề nghị kết cấu lại các khoản, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn chung theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP.
+ Về nhiệm vụ, quyền hạn theo ngành, lĩnh vực: Rà soát và hoàn thiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ, bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; những việc có sự giao thoa giữa các bộ, ngành và giữa các tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành phải xác định rõ nội dung phối hợp, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện; không chồng chéo hoặc chia cắt, bỏ trống nhiệm vụ.
Trong quá trình hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần thể hiện rõ nội dung phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với bộ, ngành và giữa bộ, ngành với chính quyền địa phương cấp tỉnh, bảo đảm đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công trong phạm vi cả nước.
- Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ: Rà soát, đánh giá kỹ và xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng sau:
+ Về nhiệm vụ, quyền hạn chung: Đề nghị kết cấu lại các khoản, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn chung theo quy định của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP.
+ Về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể: Rà soát và hoàn thiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ, trong đó kết cấu lại các khoản để thể hiện rõ nội dung phân cấp trong việc cung ứng dịch vụ công thuộc phạm vi, nhiệm vụ của cơ quan thuộc Chính phủ.
c) Về tổ chức bộ máy
- Đối với tổ chức hành chính: Rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP (đặc biệt là các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục), Nghị định số 47/2019/NĐ-CP; giảm tổ chức trung gian; sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức tham mưu, quản lý chuyên ngành mà không xác định rõ phạm vi, đối tượng thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ; giải thể hoặc tổ chức lại các cơ quan, tổ chức có trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động không hiệu quả; bỏ phòng trong vụ; giảm tối đa tổ chức phòng và tương đương thuộc cục, thanh tra, văn phòng.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
+ Rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ, thuộc tổng cục, cục thuộc bộ (được quy định trong cơ cấu tổ chức của bộ, của tổng cục, cục thuộc bộ), bảo đảm thu gọn tối đa đầu mối, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực và đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Rà soát, đánh giá kỹ và đề xuất phương án sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc bộ, thuộc cục, tổng cục (Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng thành lập) theo hướng: (1) Chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập do Chính phủ quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; (2) Chuyển các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn lại về địa phương quản lý và sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm thu gọn tối đa đầu mối và đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; (3) Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và quy định của Chính phủ tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Về tiến độ thực hiện: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sớm hoàn thành dự thảo Nghị định gửi về Bộ Nội vụ để thẩm định trước ngày 20 tháng 9 năm 2021 và tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định.
Trên đây là một số nội dung, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nghiêm túc triển khai, thực hiện.
| KT. THỦ TƯỚNG |
Từ khóa: Công văn 1156/TTg-TCCV, Công văn số 1156/TTg-TCCV, Công văn 1156/TTg-TCCV của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 1156/TTg-TCCV của Thủ tướng Chính phủ, Công văn 1156 TTg TCCV của Thủ tướng Chính phủ, 1156/TTg-TCCV
File gốc của Công văn 1156/TTg-TCCV năm 2021 về xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Công văn 1156/TTg-TCCV năm 2021 về xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 1156/TTg-TCCV |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Phạm Bình Minh |
Ngày ban hành | 2021-09-13 |
Ngày hiệu lực | 2021-09-13 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |