BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/2007/TT-BTC | Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2007 |
Căn cứ Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg); Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm như sau:
4. Đối với xe ô tô phục vụ công tác tại các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ công an căn cứ vào Quy định tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg, đặc điểm hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để xây dựng tiêu chuẩn định mức, quy chế quản lý, sử dụng xe phục vụ công tác trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.
5. Đối với xe ô tô phục vụ lễ tân, đối ngoại Nhà nước thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
I. Hướng dẫn quy định tại Điều 3, 4, 5, 6 và khoản 1 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg như sau:
1. Xe ô tô phục vụ cho các chức danh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg được thay thế theo yêu cầu công tác. Nguồn kinh phí mua xe được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước được giao.
2. Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg được thay thế theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định này. Nguồn kinh phí mua xe được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước được giao.
3. Xe ô tô phục vụ cho các chức danh quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg được thay thế trên cơ sở tiêu chuẩn quy định tại Quyết định này và khả năng tài chính của công ty do Hội đồng quản trị (đối với công ty nhà nước có Hội đồng quản trị) hoặc Ban giám đốc (đối với công ty nhà nước không có Hội đồng quản trị) quyết định.
4. Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại Điều 7, 8, khoản 2 Điều 9 và chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg được thanh lý khi đã sử dụng ít nhất 250.000 km và không được thay thế.
Riêng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hoạt động trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn mà xe hiện có đã đủ điều kiện thanh lý nhưng không có xe điều chuyển; không có điều kiện thuê được xe ô tô của tổ chức cung ứng dịch vụ phục vụ công tác thì được mua mới với giá mua tối đa không quá 550 triệu đồng/xe, nếu phải mua xe 2 cầu thì giá tối đa 800 triệu đồng/xe. Thẩm quyền mua xe thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Quy định ban hành theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg.
5. Xe ô tô được thay thế hoặc được thanh lý phải bán đấu giá theo quy định hiện hành, số tiền bán xe sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan xử lý như sau: nộp vào ngân sách nhà nước đối với các cơ quan hành chính và ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của nhà nước; bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản tại doanh nghiệp đối với công ty nhà nước.
II. Hướng dẫn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg như sau:
1. Đối với Ban Quản lý dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc vốn viện trợ nước ngoài thực hiện theo quy định của Hiệp định đã ký kết. Trường hợp Điều khoản của Hiệp định không ghi cụ thể giá mua xe thì căn cứ theo đối tượng sử dụng xe, Ban quản lý dự án được mua xe theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia; các dự án đầu tư nhóm A, B theo tuyến, thực hiện trên địa bàn từ hai (02) tỉnh, thành phố trở lên hoặc dự án triển khai trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn nằm trong danh mục các địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nhưng các chức danh lãnh đạo không đủ mức hệ số phụ cấp lãnh đạo theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg được trang bị xe ô tô từ nguồn xe điều chuyển để phục vụ công tác. Trường hợp không có xe điều chuyển thì được mua mới xe ô tô với giá tối đa 550 triệu đồng/xe, nếu để phù hợp với địa bàn sử dụng phải mua xe 2 cầu thì giá tối đa 800 triệu đồng/xe. Nguồn kinh phí mua xe bố trí từ kinh phí hoạt động của Ban quản lý dự án được cấp có thẩm quyền giao.
3. Trên cơ sở đề nghị của Ban Quản lý dự án, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, quyết định số lượng xe ô tô được sử dụng đối với từng Ban quản lý dự án thuộc trung ương quản lý. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng xe ô tô được sử dụng đối với từng Ban quản lý dự án thuộc địa phương quản lý sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
4. Xe ô tô phục vụ hoạt động Ban quản lý dự án sau khi kết thúc dự án phải thực hiện xử lý kịp thời theo các quy định hiện hành về quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
III. Hướng dẫn quy định tại Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg như sau:
1. Xe chuyên dùng quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg bao gồm:
a) Xe gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng hoặc có cấu tạo theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ như: xe cứu thương, xe cứu hoả, xe chở tiền, xe chở phạm nhân, xe quét đường, xe phun nước, xe chở rác, xe ép rác, xe sửa chữa lưu động, xe trang bị phòng thí nghiệm, xe thu phát điện báo, xe sửa chữa điện, xe kéo, xe cần cẩu,…
b) Xe sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù của ngành, lĩnh vực như: xe thanh tra giao thông, xe phát thanh truyền hình lưu động, xe hộ đê, xe tập lái, xe chở diễn viên đi biểu diễn, xe chở vận động viên đi luyện tập và thi đấu,... có dấu hiệu riêng được in rõ trên thành xe, ngoài nhiệm vụ quy định không được sử dụng cho việc khác.
c) Xe sử dụng cho các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội mà không thực hiện được việc thuê xe hoặc thuê xe không có hiệu quả như: xe phòng chống dịch, xe kiểm lâm, xe phòng chống lụt bão, xe chống buôn lậu,...
3. Căn cứ vào hoạt động cụ thể của từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có yêu cầu trang bị xe chuyên dùng, định mức và dự toán ngân sách được duyệt; hàng năm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quyết định việc mua sắm, trang bị xe ô tô chuyên dùng theo quy định hiện hành đối với các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng để áp dụng cho các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý nhằm đảm bảo sử dụng xe đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
IV. Hướng dẫn quy định tại Điều 12 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg như sau:
1. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án mới thành lập sau ngày Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 10/6/2007) mà có chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 được trang bị 01 xe ô tô phục vụ công tác từ nguồn điều chuyển, trường hợp không có xe điều chuyển và không thuê được xe ô tô của tổ chức cung ứng dịch vụ thì được mua mới 01 xe ô tô phục vụ công tác với giá tối đa 550 triệu đồng/xe. Trường hợp đơn vị được thành lập trước ngày Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành nhưng chưa được trang bị xe thì cũng được trang bị như quy định tại khoản 1 Điều 12 Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg.
2. Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định trang bị xe cho các đơn vị mới thành lập và thay thế xe phục vụ các chức danh cho các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trang bị xe cho các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
CƠ CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG TÁC
I. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHO CÁC CHỨC DANH QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 6, 7, 8, 9 QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 59/2007/QĐ-TTG ĐƯỢC HƯỚNG DẪN CỤ THỂ NHƯ SAU:
1. Đối với các chức danh quy định tại Điều 6 và khoản 1 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg có điều kiện và tự nguyện đăng ký tự túc phương tiện thì Thủ trưởng đơn vị quyết định việc khoán kinh phí sử dụng phương tiện đi lại cho chức danh theo từng công đoạn: đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc; đi công tác; đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác.
Số tiền khoán được chi trả cùng với kỳ trả lương của đơn vị cho từng chức danh đã đăng ký thực hiện khoán. Đơn giá khoán là đơn giá thuê xe do Sở Tài chính thông báo sát với đơn giá thuê xe ở địa bàn địa phương. Mức khoán cho từng chức danh trong cơ quan do thủ trưởng cơ quan quyết định theo nguyên tắc sau:
a) Trường hợp chức danh đăng ký khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày thì mức khoán được xác định như sau:
Mức khoán đưa đón (MKđđ) = Đơn giá khoán x Số km khoán x 4 lượt x 22 ngày, trong đó:
- Số km khoán là khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc của từng chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe đưa đón, do thủ trưởng cơ quan xác định.
- 4 lượt: bao gồm 2 lượt đón đi và 2 lượt đưa về trong một ngày làm việc.
- 22 ngày: là số ngày làm việc hàng tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
b) Trường hợp chức danh đăng ký khoán đi công tác thì mức khoán được xác định như sau:
Mức khoán đi công tác (MKct) = Đơn giá khoán x Số km thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh.
Số km thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh được xác định trên cơ sở lịch trình công tác thực tế của chức danh được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác nhận.
c) Trường hợp chức danh nhận khoán toàn bộ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác thì mức khoán được tổng hợp từ hai mức khoán trên.
Mức khoán toàn bộ (MK tb)= MKđđ + MKct
2. Đối với các chức danh quy định tại Điều 7 và Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg, căn cứ vào mô hình tổ chức, quản lý số xe hiện có theo quyết định của cấp có thẩm quyền, tình hình cung cấp dịch vụ phương tiện đi lại của thị trường và khả năng ngân sách, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định bố trí phương tiện đi lại phục vụ công tác cho các chức danh này theo các hình thức sau:
- Sử dụng số xe hiện có của cơ quan;
- Thuê xe của các tổ chức cung ứng dịch vụ;
- Khoán kinh phí để tự túc phương tiện đi lại.
Kinh phí sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công tác cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe được bố trí trong dự toán ngân sách được giao và xác định cho từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Trường hợp sử dụng số xe hiện có của cơ quan:
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng khung giá sử dụng xe (quy định mức giá tối đa, tối thiểu cho 1 km sử dụng đối với từng loại xe theo dung tích và số chỗ ngồi) để áp dụng cho các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn trong trường hợp sử dụng số xe hiện có; khung giá sử dụng xe được xây dựng trên cơ sở khảo sát giá thị trường, tính toán các yếu tố chi phí sử dụng xe hợp lý thời kỳ trước (không bao gồm khấu hao xe), trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và điều chỉnh khi các yếu tố chi phí có biến động làm chi phí sử dụng xe tăng hoặc giảm trên 20%.
- Căn cứ vào khung giá sử dụng xe do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, Thủ trưởng đơn vị quy định đơn giá khoán cho từng xe để làm cơ sở thanh toán chi phí sử dụng xe theo số km thực tế sử dụng cho các đối tượng có tiêu chuẩn.
- Các cơ quan, đơn vị thực hiện mở sổ sách kế toán theo dõi chi phí sử dụng thực tế (không bao gồm chi phí khấu hao) đối với từng đầu xe bao gồm: tiền lương lái xe, chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa xe (bao gồm cả chi phí sửa chữa lớn được phân bổ hợp lý) và các chi phí liên quan đến vận hành, sử dụng xe. Chi phí thực tế sử dụng xe được công khai hàng năm cùng với việc công khai sử dụng kinh phí chung của cơ quan.
- Việc xử lý số tiền chênh lệch giữa số chi theo mức khoán và chi phí thực tế hàng năm thực hiện theo quy chế của từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở cơ chế tài chính hiện hành.
b) Trường hợp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chọn phương thức thuê xe của các tổ chức cung ứng dịch vụ phương tiện đi lại trên thị trường để phục vụ công tác cho các chức danh có tiêu chuẩn thì thực hiện thanh toán chi phí sử dụng xe theo Hợp đồng kinh tế ký kết với tổ chức cung cấp dịch vụ theo hoá đơn song không cao hơn đơn giá thuê xe theo giá thị trường do Sở Tài chính thông báo.
c) Trường hợp cá nhân nhận khoán để tự túc phương tiện để đi công tác thì mức khoán được tính bằng công thức: MK ct = Đơn giá khoán x Số km bình quân đi công tác trong tháng của từng chức danh, trong đó đơn giá khoán là đơn giá thuê xe theo giá thị trường theo thông báo của Sở Tài chính.
Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào các số liệu thống kê của kỳ trước, tần suất đi công tác hàng tháng của mỗi chức danh để xác định số km bình quân hàng tháng cho từng chức danh.
II. TỔ CHỨC, SẮP XẾP, QUẢN LÝ SỐ XE HIỆN CÓ TẠI CƠ QUAN ĐƠN VỊ QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 18 QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 59/2007/QĐ-TTG ĐƯỢC HƯỚNG DẪN CỤ THỂ NHƯ SAU:
1. Đối với số xe ô tô phục vụ cho các chức danh có tiêu chuẩn được trang bị xe quy định tại Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg được quản lý tại từng cơ quan, đơn vị và được thực hiện hạch toán chi phí sử dụng, số km sử dụng thực tế của từng xe để thực hiện công khai hàng năm cùng với việc công khai sử dụng kinh phí chung của cơ quan.
2. Đối với số xe ô tô phục vụ công tác chung được trang bị trước ngày Quyết định số 59/2007/ QĐ-TTg có hiệu lực thi hành và xe ô tô phục vụ các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe mới trang bị; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào số lượng xe, trình độ quản lý và khả năng cung ứng dịch vụ phương tiện đi lại của thị trường để tổ chức quản lý, sử dụng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị theo một trong hai phương thức:
- Giao cho các cơ quan, đơn vị tiếp tục quản lý, sử dụng số xe đã được trang bị;
- Tập trung số xe hiện có của các cơ quan, đơn vị thành một hoặc một số đầu mối (theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu) để phục vụ chung cho các cơ quan đơn vị có nhu cầu trên địa bàn.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng xe có trách nhiệm xây dựng Quy chế sử dụng xe ô tô phục vụ công tác trong đó quy định rõ việc thuê phương tiện đi lại phục vụ công tác (thuê xe của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác hoặc dịch vụ của thị trường).
Trường hợp cần cung cấp dịch vụ cho các cá nhân trong cơ quan và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác có nhu cầu phục vụ công tác, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác định đơn giá dịch vụ theo nguyên tắc đảm bảo chi phí và thực hiện hạch toán số tiền thu được theo quy định; đồng thời trong Quy chế sử dụng xe phải quy định rõ đối tượng được cung cấp dịch vụ, đơn giá cho thuê xe và cơ chế sử dụng nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ theo cơ chế hiện hành.
3. Riêng xe ô tô của Văn phòng trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ không thực hiện cung cấp dịch vụ cho các cá nhân trong cơ quan cũng như các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác; việc quản lý, sử dụng xe ô tô tại các cơ quan này thực hiện theo quy định tại điểm 1 Mục này.
4. Người lao động dôi dư trong quá trình tổ chức, sắp xếp theo mô hình mới và do số xe ô tô giảm dần (không được mua thay thế) theo quy định tai Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này, được giải quyết theo chế độ tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
III. VIỆC QUẢN LÝ SỬ DỤNG XE CHUYÊN DÙNG QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 11 QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 59/2007/QĐ-TTG ĐƯỢC HƯỚNG DẪN CỤ THỂ NHƯ SAU:
1. Xe chuyên dùng trang bị theo quy định tại Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ- TTg được giao quản lý tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để sử dụng cho nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
2. Từng cơ quan, đơn vị được giao quản lý xe chuyên dùng phải xây dựng quy chế quản lý sử dụng xe, đơn giá sử dụng (đồng/ km) của từng loại xe trình cấp giao dự toán phê duyệt để thực hiện thanh toán và hạch toán chi phí sử dụng cho từng đầu xe. Quy chế sử dụng xe, đơn giá sử dụng xe và chi phí sử dụng thực tế xe chuyên dùng của cơ quan đơn vị phải thực hiện công khai cùng với việc công khai sử dụng kinh phí hàng năm của cơ quan.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương có trách nhiệm :
- Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, quyết định việc trang bị xe ô tô cho các đơn vị mới thành lập và các chức danh có tiêu chuẩn trang bị xe quy định tại Điều 12 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ- TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý căn cứ vào khung giá sử dụng xe do Chu tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a, khoản 2, mục I Phần III để xây dựng quy chế quản lý, sử dụng xe theo hướng dẫn tại Thông tư này.
- Tổ chức, quản lý số xe hiện có theo quy định tại Điều 18 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
- Rà soát lại số xe đã được trang bị của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định điều chuyển theo thẩm quyền số xe của các dự án đã kết thúc, xe của các cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng cho các đơn vị chưa được trang bị xe ô tô phục vụ công tác; kiểm tra việc mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác của các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi quản lý để phát hiện xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các sai phạm theo quy định tại Điều 22 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ngành có liên quan:
- Xây dựng đơn giá thuê xe ở địa bàn địa phương sau khi Thông tư này có hiệu lực thi hành; điều chỉnh đơn giá thuê xe khi giá thị trường có biến động trên 20% trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn làm căn cứ tính toán mức chi trả cho các chức danh quy định tại Điều 6 và khoản 1 Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg khi đăng ký thực hiện khoán.
- Xây dựng khung giá sử dụng xe trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành làm cơ sở cho các co quan, đơn vị trên địa bàn quyết định đơn giá khoán cho từng xe hiện có đang sử dụng, hạch toán và công khai chi phí sử dụng xe theo quy định.
- Căn cứ nhu cầu trang bị xe ô tô cho các đơn vị mới thành lập và các chức danh có tiêu chuẩn trang bị xe quy định tại Điều 12 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm trình cấp có thẩm quyền quyết định và giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương thực hiện.
- Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức, quản lý số xe hiện có trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 18 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
- Rà soát lại số xe đã được trang bị của các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương quản lý để đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chuyển số xe của các dự án đã kết thúc, xe của các cơ quan, đơn vị không có nhu cầu sử dụng cho các đơn vị chưa được trang bị xe ô tô phục vụ công tác; kiểm tra việc mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác của các cơ quan đơn vị thuộc địa phương quản lý; phát hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các sai phạm theo quy định tại Điều 22 Bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và hướng dẫn tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 103/2007/TT- BTC hướng dẫn Quyết định 59/2007/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty nhà nước do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 103/2007/TT- BTC hướng dẫn Quyết định 59/2007/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 103/2007/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành | 2007-08-29 |
Ngày hiệu lực | 2007-09-25 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |