VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 1999 |
Ngày 4 và 5 tháng 01 năm 1999 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 1999 của khu vực 15 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng Bắc bộ và khu 4 cũ. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Xây dựng, Thủy sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Nhà nước, Ban Vật giá Chính phủ, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Đại chính, Ban Đổi mới quản lý. Doanh nghiệp Trung ương, Ban quản lý các Khu công nghiệp Việt Nam, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Thủy sản và Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương; ý kiến phát biểu của lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố và 1 doanh nghiệp trong khu vực; ý kiến phát biểu của lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố và 1 doanh nghiệp trong khu vực; ý kiến giải đáp của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thương mại và ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QỦA KẾ HOẠCH NĂM 1998:
Năm 1998, trong điều kiện cực kỳ khó khăn nhưng cả nước nói chung và các địa phương trong khu vực nói riêng vẫn duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội và một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu vẫn phát triển, đó là thắng lợi lớn thể hiện sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân ta.
Sản xuất nông nghiệp trong khu vực vẫn phát triển ổn định, sản lượng quy thóc đạt 8,7 triệu tấn tăng 40 vạn tấn so với năm 1997. Đặc biệt có nhiều mô hình kinh tế trang trại, nhiều đơn vị và cá nhân lao động giỏi ở các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An ... là những điển hình cần tổng kết nhân rộng ra. Công nghiệp địa phương tăng khá như: Hà Nội tăng 10,4%, Hải Phòng 11,2%, Thanh Hóa 11,6% ... Xuất khẩu tăng 21%.
Tuy nhiên phát triển kinh tế trong khu vực chưa đồng đều. Việc giải phóng mặt bằng cho xây dựng triển khai các dự án, đặc biệt là các khu công nghiệp và công trình giao thông qúa chậm, nên đã gây trở ngại cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đảm bảo tiến độ các dự án.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã nêu tương đối đầy đủ tình hình và nhiệm vụ của năm 1999
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 248/1998/QĐ - TTg ngày 24 tháng 12 năm 1998 về một số chủ trương, biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1999. Quyết định có quy định cụ thể một số vấn đề tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách Nhà nước, trong bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các lĩnh vực có liên quan đến nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm.
Trong kế hoạch năm 1999, Thủ tướng Chính phủ giao phần kinh phí cho 1000 xã đặc biệt khó khăn thành mục riêng (mục 2, Điều 9 Quyết định số 248/1998/QĐ - TTg ngày 24/12/1998 của Chính phủ). Yêu cầu các địa phương chỉ đạo các huyện có xã đặc biệt khó khăn phải bảo đảm trong số kinh phí cho xây dựng cơ bản mỗi xã xây dựng một trong những công trình thiết yếu sau: giao thông, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt, điện, chợ ...
Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan liên quan đi kiểm tra cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các Quyết định điều hành kế hoạch năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM ĐỂ TRIỂN KHAI SAU HỘI NGHỊ:
1. Về lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn:
15 Tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Bắc bộ Bắc Khu 4 cũ là vùng đang nẩy sinh nhiều mâu thuẫn cần giải quyết; cơ sở công nghiệp đã đầu tư với công nghệ lạc hậu, phương thức sản xuất manh mún, dân đông, đất ít, tỷ lệ dân sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ rất thấp, chỉ cao hơn các tỉnh miền núi phía Bắc (dân số chiếm 1/3 so với cả nước, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người 0.27 ha/hộ so với cả nước 0,68 ha/hộ, 73% lao động làm nông nghiệp).
Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn cần lưu ý chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với thị trường và cần tập trung giải quyết các vấn đề sau đây:
a) Về trồng trọt:
- Đẩy mạnh sản xuất lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực;
- Ngành sản xuất mía đường: tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía, bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy đường; chú ý đến công nghiệp sau đường như sản xuất cồn, sợi ép.
- Sản xuất rau qủa thu hút được nhiều lao động, nhưng phải chú ý đến thị trường xuất khẩu, liên doanh với nước ngoài chế biến rau qủa phải yêu cầu bao tiêu.
b) Chăn nuôi:
- Lợn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại tìm biện pháp giải quyết khó khăn về tiêu thụ thịt lợn ở đồng bằng sông Hồng để khuyến khích sản xuất.
- Bò: Hiện đang có thị trường và bắt đầu có giống bò tốt, cần đẩy mạnh công tác cải tạo đàn bò, tạo đàn bò sữa tốt để phát triển nhất là ở ngoại thành Hà Nội. Có chính sách khuyến khích như cho vay vốn để có nhiều hộ gia đình nuôi từ 5 đến 10 con bò sữa.
c) Xây dựng nông thôn:
- Tiếp tục thực hiện chuyển đổi các hợp tác xã nông nghiệp thành hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Liên minh các Hợp tác xã trình Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nợ và cho vay vốn để triển khai công tác này.
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương có kế hoạch và phân công cụ thể để đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ hợp tác xã.
- Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại ở vùng núi và ven biển.
- Đất đai:
+ Tổng cục Địa Chính phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ đến năm 2000 phải cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ nông dân.
+ Hướng dẫn việc đổi ruộng để đảm bảo ruộng liền khoảnh cho nông dân.
d) Củng cố hệ thống thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt, bão, hạn hán:
Theo dự báo, năm 1999 thời tiết diễn biến phức tạp cần đề phòng hạn hán lớn, do vậy phải tăng cường tu bổ, sửa chữa hệ thống thủy lợi, bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước; đồng thời đề phòng lụt bão. Cần xây dựng phương án chống bão, chống lũ lụt, kể cả phương án phân lũ sông Hồng và sông Thái Bình trong trường hợp cần thiết.
Các công tác tu bổ, tôn tạo, củng cố hệ thống đê, đặc biệt trên những vùng, những tuyến xung yếu với lũ chính vụ phải hoàn thành trước tiểu mãn 15 tháng 5. Phải lưu ý kiểm tra kỹ các công trình dưới đê, đẩy mạnh việc trồng tre chắn sóng dọc đê.
đ) Về lâm nghiệp: Triển khai thực hiện chương trình trồng 5 triệu ha rừng, quan tâm phát triển rừng phòng hộ ven biển.
- Cần có biện pháp tăng nhanh nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt, đưa số ruộng trũng canh tác kém hiệu qủa vào nuôi trồng thủy sản.
- Các Bộ, ngành và nhất là các địa phương phải tiếp tục có biện pháp chỉ đạo để hoàn thành tốt chương trình phát triển đánh cá xa bờ; chú ý đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ hậu cần và mở rộng thị trường tiêu thụ để phát huy hiệu qủa của chương trình này.
3. Vấn đề giải quyết việc làm:
Các tỉnh đồng bằng sông Hồng là vùng tỷ lệ thiếu công ăn việc làm cao nhất nước và đang có xu hướng tăng lên, năm 1997 là 7,25% (cả nước là 6,01%), năm 1998 tăng lên 8,25% (cả nước 6,85%).
Phấn đấu đạt mục tiêu từ năm 1999, mỗi năm tạo thêm 50 vạn chỗ làm việc mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống 7%, tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 72,5%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 23% vào năm 1999.
Để đạt được mục tiêu trên cần thực hiện những giải pháp một cách toàn diện nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và phù hợp với điều kiện thực hiện của địa phương, theo hướng:
- Giải quyết việc làm tại chỗ là chính, kết hợp với phân bổ lại lao động theo lãnh thổ; khuyến khích và hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống ...
- Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong khu vực, trong nước và xuất khẩu;
- Đặc biệt chú ý vừa đẩy mạnh được qúa trình cơ giới hóa các khâu của sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, vừa đảm bảo giải quyết được việc làm, giữ ổn định được xã hội.
4. Công nghiệp và đổi mới doanh nghiệp:
a) Công nghiệp:
Năm 1999 công nghiệp trong khu vực cần tập trung những lĩnh vực sau:
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp cơ bản:
+ Ngành điện: Đẩy mạnh Chương trình điện khí hóa; kết hợp việc đảm bảo cung cấp điện với việc chống lũ mùa khô. Năm 1999 đưa điện về 47 xã ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
+ Ngành than: Dự kiến sản xuất 11 - 11,6 triệu tấn than sạch trong đó xuất khẩu 3,4 triệu tấn. Đảm bảo thỏa mãn nhu cầu than trong nước; trước hết là đối với các hộ tiêu thụ lớn (xi măng, nhiệt điện, phân bón ...). Tìm thêm thị trường mới, mở rộng đầu mối xuất khẩu.
+ Ngành đóng tàu: Đẩy mạnh công nghiệp đóng tầu phục vụ cho ngành hải sản và ngành giao thông vận tải, cũng như cho các lĩnh vực khác. Tập trung đầu tư nâng cấp nhà máy đóng tàu Bạch Đằng để có khả năng đóng tầu 1 vạn tấn, trước mắt hoàn thành đóng tầu 6.500 tấn.
- Đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trước hết là tập trung cơ giới hóa khâu làm đất, vận chuyển trong nông nghiệp, máy móc trong thu hoạch; phát triển mạnh khâu chế biến sau thu hoạch;
Đối với các dự án sản xuất máy động lực nhỏ: Khẩn trương triển khai 2 dự án về động cơ diesel - máy kéo (thuộc chương trình hỗ trợ phát triển ngành cơ khí theo Quyết định 29/1998/QĐ - TTg ngày 09 tháng 02 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ) tại Công ty máy kéo và máy nông nghiệp Hà Đông; Công ty cơ khí Thái Bình, Bộ Công nghiệp và các tỉnh Hà Tây, Thái Bình phải phối hợp tạo điều kiện cho các nhà máy này vươn lên đáp ứng nhu cầu của thị trường máy nông nghiệp.
- Phát triển công nghiệp tiêu dùng theo hướng khai thác hết các tiềm năng trong nước, hạn chế nhập khẩu:
+ Công nghiệp dệt - may: phấn đấu phát triển lĩnh vực dệt để tăng khối lượng vải dệt trong nước cung cấp trực tiếp cho lĩnh vực may, giảm nhập khẩu vải. Năm 1999 đầu tư xây dựng mới nhà máy dệt vải Denim 6,5 triệu m/năm ở Hà Nội, 2 nhà máy may công suất 1,2 triệu sản phẩm/năm ở Hà Nội và Quảng Ninh; bắt đầu đầu tư giai đoạn 1 Trung tâm nhuộm và hoàn tất vải cao cấp Hà Nội.
+ Công nghiệp giấy: Sản lượng giấy năm 1999 là 3.500 tấn, cần áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng và phấn đấu đảm bảo tự túc bột giấy từ trong nước.
+ Công nghiệp da giầy: Phát huy năng lực các dây chuyền sẵn có, đầu tư một số dây chuyền mới ở Quảng Ninh, đưa sản lượng giầy dép năm 1999 trên địa bàn lên 30 triệu đôi. Có các biện pháp để phấn đấu dần dần tiến tới sử dụng triệt để nguyên liệu trong nước.
+ Thuốc lá: Đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu thuốc lá 12.000 tấn/năm ở Sóc Sơn.
+ Bia: Mở rộng nhà máy Bia Hà Nội giai đoạn 1 và giải quyết khó khăn về tài chính cho các nhà máy bia địa phương (Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình ...).
Bộ Công nghiệp và các địa phương cần phối hợp, hợp đồng hợp tác chặt chẽ để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy giấy, thuốc lá, chế biến nông lâm sản. Đây là vấn đề cần đặc biệt chú ý để đảm bảo hoạt động ổn định của các nhà máy đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp và giải quyết việc làm ở nông thôn.
- Tăng cường khai thác - chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng ở Quảng Ninh và từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh.
b) Đổi mới doanh nghiệp
Trong những năm qua, đi đôi với việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách quản lý vĩ mô, Chính phủ đã chú ý xây dựng mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp để việc quản lý của Nhà nước bớt quan liêu hơn, sát thực tế hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu qủa, tăng khả năng cạnh tranh, đứng vững và tiếp tục phát triển trong tình hình khủng hoảng tài chính khu vực.
Chủ trương sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được các ngành, các địa phương quan tâm. Đến nay phần lớn các địa phương trong khu vực đã đánh giá thực trạng doanh nghiệp nhà nước trực thuộc và dự thảo phương án phân loại và sắp xếp.
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bước đầu được thực hiện. Năm 1998 các tỉnh trong khu vực đăng ký 56 doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, tới nay đã thực hiện được 48 doanh nghiệp đạt 85% chỉ tiêu.
Để đẩy mạnh công tác đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 1999 cần tập trung chỉ đạo các công việc mà Ban Đổi mới Doanh nghiệp Trung ương đã trình bày tại hội nghị.
5. Đầu tư, xây dựng, đô thị và cấp thoát nước:
a) Qui hoạch xây dựng đô thị:
Vùng đồng bằng Bắc Bộ và bắc khu 4 cũ đang có điều kiện phát triển đô thị hóa. Tuy nhiên qúa trình đô thị hóa trong vùng còn chưa kiểm soát được chặt chẽ. Một trong những nguyên nhân là công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết các đô thị còn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển đô thị.
Trong thời gian tới chúng ta cần tập trung giải quyết các nhiệm vụ quy hoạch sau:
- Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và một số đô thị cũng như một số khu công nghiệp trong vùng đã được phê duyệt. Cần rút ra những bài học kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quản lý đô thị, thực hiện xây dựng theo quy hoạch.
- Triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị: Hải Phòng, Hà Đông, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
- Bước đầu khảo sát, lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất đai các đô thị từ loại I đến loại III.
- Lập và xét duyệt các quy hoạch chi tiết một số quận, huyện của thành phố Hà Nội, Hải Phòng, dự án cải tạo 5 cửa ô và một số nút giao thông tại Hà Nội.
- Hoàn chỉnh các văn bản pháp quy và những chính sách nhằm mở rộng cơ chế xã hội hóa trong xây dựng và quản lý đô thị.
Do vị trí quan trọng của vùng so với cả nước, giao thông vận tải trong vùng cần phát triển mạnh, cả về đầu tư cơ sở hạ tầng (đường, cảng, sân bay, nhà ga ...) cả về phát triển phương tiện và hình thức khai thác vận tải.
Khối lượng đầu tư các công trình giao thông hiện nay rất lớn song còn gặp trở ngại, phức tạp là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Các địa phương phải đưa công tác này vào nền nếp, phải phân công một Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh phụ trách, có các biện pháp tổ chức triển khai thích hợp đảm bảo việc đền bù thuận tiện, dứt điểm, công bằng, dân chủ, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu tiến độ thị công và giảm bớt được thắc mắc, khiếu kiện của nhân dân.
Các công trình xây dựng giao thông có thể sử dụng nhiều lao động tại chỗ, lao động nông nhàn tại các đại phương. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu để quy định đưa việc sử dụng lực lượng lao động này trong các hợp đồng giao thầu. Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tạo việc làm và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Hiện nay tại các đô thị ở nước ta đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang phải chịu sức ép ngày một lớn về giao thông. Giải quyết giao thông đô thị là vấn đề rất phức tạp, các địa phương cần khẩn trương, có kế hoạch và biện pháp xử lý sớm để giải quyết sau này đỡ khó khăn và tốn kém. Đối với Hà Nội, UBND Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải giải quyết hệ thống giao thông của thành phố, đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông, từng bước giải quyết nạn ùn tắc giao thông trước mắt ở những nút giao thông quan trọng, đồng thời tăng cường vận tải công cộng.
Cần quan tâm đến an toàn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ mới được khôi phục, nâng cấp như quốc lộ 5, quốc lộ 1 và trên các tuyến giao thông đường thủy trong khu vực.
IV. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT TRONG HỘI NGHỊ:
Các kiến nghị của các địa phương, cơ bản đã được các Bộ giải đáp trong Hội nghị. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương nào đề nghị các Bộ, ngành đó nghiên cứu xử lý hoặc trình Chính phủ xem xét quyết định theo Quy chế làm việc của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành phố trong khu vực biết và thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VP. CHÍNH PHỦ |
File gốc của Thông báo số 31/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc tại hội nghị triển khai nghị quyết của quốc hội về kế hoạch năm 1999 khu vực 15 tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc bộ và Khu 4 cũ do Văn phòng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Thông báo số 31/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc tại hội nghị triển khai nghị quyết của quốc hội về kế hoạch năm 1999 khu vực 15 tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc bộ và Khu 4 cũ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Số hiệu | 31/TB-VPCP |
Loại văn bản | Thông báo |
Người ký | Nguyễn Tôn |
Ngày ban hành | 1999-02-22 |
Ngày hiệu lực | 1999-02-22 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |