BAN CHỈ ĐẠO 853 TW | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/1998/QĐ-853 | Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1998 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP
- Căn cứ Chỉ thị 853/1997/CT - TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới.
- Căn cứ Quyết định 966/1997/QĐ - TTg ngày 13/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, chống gian lận thương mại.
- Căn cứ Quyết định 422/1998 ngày 19/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trạm Kiểm soát Liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại ở một số tỉnh biên giới.
- Sau khi có ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo 853 TW
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của các Trạm Kiểm soát Liên hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại ở một số tỉnh biên giới.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo 853 TW; Chủ tịch UBND các tỉnh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang và các Trạm Kiểm soát Liên hợp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 853 TW |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP CHỐNG BUÔN LẬU VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI
(Ban hành kèm theo quyết định số: 07/1998/QĐ - 853 ngày 12/6/1998 của Trưởng ban Chỉ đạo 853 TW)
Chương I:
TỔ CHỨC TRẠM KIỂM SOÁT LIÊN HỢP
Điều 1:
Trạm Kiểm soát liên hợp được thành lập theo Quyết định số 422/1998/QĐ - TTg ngày 19/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ, được đặt cố định tại điểm nút ra vào khu vực biên giới, thường xuyên có hàng hóa XNK, buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển đi qua, hoặc những địa điểm tập kết hàng lâu chờ bốc lên phương tiện vận tải, nếu bọn buôn lậu chuyển hướng vận chuyển hàng lậu khi có trạm cố định, thì Trạm có thể di động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, chống buôn lậu, xử lý các loại hàng lậu, góp phần bảo hộ sản xuất trong nước và chống thất thu thuế.
Vị trí đặt trạm do chủ tịch UBND tỉnh lựa chọn và quyết định theo Điều 1 của Quyết định số 422/1998/QĐ - TTg.
Điều 2. Tổ chức biên chế của Trạm:
Mỗi Trạm có 01 Trạm trưởng phụ trách và một số Phó trạm trưởng. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Trạm do UBND tỉnh quyết định theo quy định tại Quyết định số 422/1998/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng Trạm mà UBND tỉnh quy định về biên chế cán bộ, nhân viên của Trạm để bảo đảm hoạt động kiểm tra, kiểm soát được liên tục.
Cán bộ, nhân viên công tác ở Trạm do cơ quan nào cử đến thì cơ quan đó chịu trách nhiệm trả lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có). Các cán bộ, nhân viên thuộc Trạm do các cơ quan cử đến phải bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; trình độ nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát; nắm vững chính sách Pháp luật liên quan đến nhiệm vụ; có sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 3.
1. Trạm đặt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và quản lý trực tiếp của Ban Chỉ dạo 853 của tỉnh. Các Trạm phải xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cụ thể có trọng tâm, trọng điểm. Không kiểm tra, kiểm soát tràn làn, gây cản trở giao thông, ách tắc lưu thông hàng hóa.
2. Nhiệm vụ chính của Trạm: là kiểm tra, kiểm soát, tịch thu các loại hàng nhập lậu, hàng cấm, các loại hàng phải dán tem nhưng không có tem.
- Đối với những Trạm đặt sau chợ biên giới được phép buôn bán hàng nhập khẩu, khi hàng đi qua Trạm Kiểm soát không có tờ khai nhập khẩu và biên lai nộp thuế hàng nhập khẩu thì tịch thu hàng hoặc xử phạt và truy thu đủ thuế nhập khẩu thì tịch thu hàng hoặc xử phạt và truy thu đủ thuế nhập khẩu tùy theo tính chất, mức đô vi phạm.
- Đối với những loại hàng bán buôn trong chợ biên giới đã nộp thuế nhập khẩu, khi vận chuyển hàng qua Trạm phải có bản trích tờ khai hàng nhập khẩu và biên lai nộp thuế nhập khẩu của Hải quan cửa khẩu và do Hải quan cửa khẩu sao trích kèm theo, nếu không có bản sao trích tờ khai nhập khẩu và biên lai nộp thuế nhập khẩu và không có biên lai nộp các loại thuế khác theo quy định tại Thông tư số 73/TC-TCT ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính cũng bị xử lý tịch thu hoặc xử phạt và nộp đủ thuế mới cho đi qua Trạm. Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể việc lập bản sao trích tờ khai nhập khẩu và biên lai nộp thuế nhập khẩu của lô hàng.
Việc thu tiền nộp thuế hoặc thu tiền xử phạt phải sử dụng biên lai ấn chỉ của Bộ Tài chính quy định.
3. Khi phát hiện các hành vi vi phạm thì lập biên bản vi phạm, hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý hoặc đề xuất hình thức xử lý với Thủ trưởng Ngành hoặc chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử lý theo đúng thủ tục trình tự qui định tại Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính và các quy định của Pháp luật hiện hành.
4. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì lập biên bản, hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu và xin ý kiến Ban Chỉ đạo 853 của tỉnh chuyển giao hồ sơ đối tượng cùng tang vật cho cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố điều tra theo qui định của Pháp luật hiện hành.
5. Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 853 của tỉnh chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra thường xuyên tổ chức, hoạt động của Trạm Kiểm soát Liên hợp thuộc tỉnh làm đúng các quy định của pháp luật hiện hành và chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ ở Trạm.
Chương II:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỤ THỂ CỦA TRẠM
Điều 4. Đối tượng kiểm tra: Người, phương tiện xuất nhập cảnh, qúa cảnh và hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại khu vực biên giới (trừ các đối tượng được miễn trừ thì phải có căn cứ chính xác là không vi phạm theo quy định tại các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc công nhận) nếu có căn cứ nghi vấn là vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng trốn thuế, gian lận thương mại đều bị kiểm tra.
Điều 5. Nội dung kiểm tra:
1. Việc kiểm tra bao gồm: hàng hóa, phương tiện vận chuyển và hồ sơ, chứng từ đi cùng hàng hóa đó. Đối với hàng hóa đã làm thủ tục XNK chính ngạch hoặc tiểu ngạch phải có bộ hồ sơ hải quan kèm theo. Đối với hàng hóa được mua lại từ lô hàng nhập khẩu đã làm thủ tục Hải quan, khi vận chuyển phải có hóa đơn bán hàng (hóa đơn đỏ do Bộ Tài chính phát hành) và bản sao tờ khai nhập khẩu, biên lai nộp thuế nhập khẩu của lô hàng đi kèm theo hàng hóa đó. Khi kiểm tra xong, cho hàng qua Trạm thì phải đóng dấu của Trạm, ký tên ghi rõ ngày, giờ kiểm tra vào bộ chứng từ hàng hóa để tránh quay vòng bộ chứng từ.
2. Kiểm tra hàng nhập khẩu vận chuyển qua Trạm không có hóa đơn nộp thuế nhập khẩu, tờ khai nhập khẩu, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp hoặc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính tại Điểm B, Phần II Thông tư số 73 TC/TCT ngày 20/10/1997 hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường thì xử lý theo quy định tại Điều 2 Chương I của Quy chế này.
Điều 6. Nhiệm vụ cụ thể của Trạm:
1/ Kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận chuyển qua lại Trạm trọng việc chấp hành pháp luật Nhà nước và xử lý theo điểm 2 Điều 3 Chương I Quy chế này..
2/ Phát hiện, tạm giữ người, hàng hóa, phương tiện, tang vật vi phạm và xử lý theo qui định tại điểm 3, Điều 3, Chương I của Quy chế này. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định tại điểm 4, Điều 3, Chương I của Quy chế này.
3/ Thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 853 tỉnh giao.
4/ Thường xuyên tổng hợp tình hình và kết qủa hoạt động của Trạm, báo cáo vụ việc, báo cáo đột xuất, báo cáo định kỳ với chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 853 của tỉnh.
5/ Quản lý tiền, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm bi tạm giữ theo đúng quy định của Pháp luật hiện hành.
Điều 7: Quyền hạn của Trạm:
1/ Các Trạm Kiểm soát Liên hợp ở khu vực biên giới được phép dừng các phương tiện vận tải chở hàng hóa và yêu cầu chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện xuất trình các giấy tờ có liên quan về phương tiện, hàng hóa để kiểm tra theo quy định tại Điều 5 Chương II của Quy chế này.
2/ Kiểm tra tất cả hàng hóa và phương tiện vận tải nếu có đủ căn cứ khẳng định trên đó dang cất dấu, vận chuyển hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại.
3/ Tạm giữ giấy tờ, hàng hóa, phương tiện vận tải vi phạm để xử lý theo Pháp lệnh và các Nghị định xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Trạm hoặc báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 853 tỉnh để xin ý kiến chỉ dạo xử lý những trường hợp không thuộc thẩm quyền của Trạm.
4/ Trong trường hợp khẩn cấp có thể trưng dụng các phương tiện giao thông và phương tiện thông tin liên lạc để truy bắt đối tượng vi phạm hoặc cấp cứu người bị nạn.
5/ Trạm được sử dụng con dấu "Trạm Kiểm soát Liên hợp", tương đương con dấu của Trạm Hải quan cửa khẩu. Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định cho phép Trạm thuộc tỉnh được khắc dấu theo nội dung trên.
Điều 8. Chế độ trách nhiệm:
1/ Trưởng Trạm là người lãnh đạo quản lý trực tiếp, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 853 của tỉnh và các Ngành có thành viên về mọi hoạt động của Trạm. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật về mọi quyết định của mình.
2/ Phó trưởng Trạm là người thay thế, giúp việc quản lý, điều hành Trạm khi Trưởng Trạm đi vắng; phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật về mọi quyết định của mình.
3/ Cán bộ, nhân viên Trạm phải chấp hành các yêu cầu và mệnh lệnh của Chỉ huy Trạm, khi thi hành nhiệm vụ phải chấp hành đúng các quy định của luật pháp và của Quy chế này. Đồng thời, phải có thái độ hòa nhã, khiêm tốn, văn minh, lịch sử khi tiếp xúc với chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện.
4/ Trong khi thi hành nhiệm vụ và xử lý vụ việc nếu cán bộ của Trạm có ý kiến khác nhau thì có quyền bảo lưu nhưng vẫn phải chấp hành quyết định của Trưởng Trạm.
Chương III:
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA TRẠM
Điều 9. Chế độ công tác:
1/ Trụ sở Trạm phải treo biển ghi rõ tên Trạm.
2/ Niêm yết công khai nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm đã được quy định tại Quy chế này.
3/ Khi thi hành nhiệm vụ mọi cán bộ, nhân viên các Trạm phải đeo biển hiệu ghi rõ họ tên, chức danh, số hiệu theo đúng mẫu và quy định của từng Ngành. Đồng thời, phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền đã được Pháp luật và Quy chế này quy định.
4/ Cập nhật sổ sách về hoạt động kiểm tra, kiểm soát, tạm giữ và đề xuất xử lý vi phạm.
5/ Quản lý, sử dụng ấn chỉ thu tiền xử phạt, thu thuế, hồ sơ, giấy tờ phải theo đúng các quy định của Nhà nước.
6/ Quản lý, sử dụng vũ khí trang bị và các công cụ hỗ trợ theo quy định của Pháp luật.
Điều 10. Nghiêm cấm:
1/ Khám xét bắt giữ người, hàng hóa, phương tiện vận tải trái pháp luật.
2/ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để gây phiền hà sách nhiễu cho chủ hàng, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện trong qúa trình thi hành công vụ của cán bộ nhân viên của Trạm.
3/ Sử dụng tiền, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ một cách tùy tiện, không đúng quy định của Nhà nước.
4/ Bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng, tiêu cực.
Chương IV:
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 11. Cán bộ, nhân viên Trạm nếu có thành tích trong khi thi hành nhiệm vụ được đề nghị xét khen thưởng theo quy đinh chung của Nhà nước.
Điều 12. Cán bộ, nhân viên Trạm trong khi thi hành nhiệm vụ nếu vi phạm những quy định của Nhà nước, của Pháp luật và các quy định của Trạm tùy theo mức độ phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương V:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Căn cứ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quy chế này Trưởng Trạm kiểm soát Liên hợp tổ chức thực hiện.
Điều 14.
1/ Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 853 tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của Trạm Kiểm soát Liên hợp thuộc tỉnh.
2/ Những vấn đề vướng mắc trong khi thực hiện Quy chế này, Ban Chỉ đạo 853 của tỉnh kịp thời tập hợp báo cáo về Ban Chỉ đạo 853 TW để nghiên cứu bổ sung hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế.
File gốc của Quyết định 07/1998/QĐ-853 về Quy chế tổ chức hoạt động của Trạm Kiểm soát Liên hợp do Trưởng ban Chỉ đạo 853 TW ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 07/1998/QĐ-853 về Quy chế tổ chức hoạt động của Trạm Kiểm soát Liên hợp do Trưởng ban Chỉ đạo 853 TW ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Ban Chỉ đạo 853TW |
Số hiệu | 07/1998/QĐ-853 |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Phan Văn Dĩnh |
Ngày ban hành | 1998-06-12 |
Ngày hiệu lực | 1998-06-27 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |