ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 322/NQ-UBTVQH14 | Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2016 |
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 235/NQ-UBTVQH14 ngày 25/8/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017;
Căn cứ Kế hoạch số 30/KH-UBTVQH14 ngày 07/10/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017;
Xét đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
1. Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Danh sách Đoàn giám sát và kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Đoàn giám sát có trách nhiệm thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2017; chuẩn bị dự thảo nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề; chuẩn bị báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật liên quan.
Điều 2.
1. Giao ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội làm Trưởng đoàn giám sát, chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát.
2. Giao Ủy ban quốc phòng và an ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác giúp Đoàn giám sát thực hiện kế hoạch giám sát.
3. Giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban quốc phòng và an ninh giúp Đoàn giám sát về xây dựng chương trình, kế hoạch và thực hiện công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát.
Điều 3.
Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương và yêu cầu của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề tại địa phương và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát.
Điều 4.
Đoàn giám sát, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức, cá nhân và các địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
| TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
THÀNH PHẦN ĐOÀN GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ
“VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, TỔ CHỨC KHAI THÁC, NUÔI TRỒNG, CHẾ BIẾN HẢI SẢN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN GẮN VỚI BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 322/NQ-UBTVQH14)
I. THÀNH VIÊN ĐOÀN GIÁM SÁT
1. Ông Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Trưởng đoàn;
2. Ông Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn thường trực;
3. Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn;
4. Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên;
5. Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy viên;
6. Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội, Ủy viên;
7. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Ủy viên;
8. Ông Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Ủy viên;
9. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Ủy viên;
10. Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Ủy viên;
11. Ông Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Ủy viên;
12. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, Ủy viên;
13. Ông Lưu Văn Đức, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ủy viên;
14. Ông Ngô Trung Thành, Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên;
15. Ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Ủy viên;
16. Ông Phan Thái Bình, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên;
17. Bà Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Ủy viên;
18. Bà Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Ủy viên;
19. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát là Ủy viên.
II. ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT
1. Đại diện Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
2. Đại diện Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội;
3. Đại diện Kiểm toán Nhà nước;
4. Đại diện Hội nghề cá Việt Nam;
5. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam;
6. Một số chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan đến chuyên đề giám sát (do Đoàn giám sát quyết định).
“VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, TỔ CHỨC KHAI THÁC, NUÔI TRỒNG, CHẾ BIẾN HẢI SẢN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN GẮN VỚI BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 322/NQ-UBTVQH14)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.
1.2. Đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập.
1.3. Xác định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Yêu cầu
2.1. Xem xét, đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.
2.2. Đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch này.
2.3. Đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT
1. Phạm vi giám sát
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.
2. Đối tượng giám sát
2.1. Cơ quan chịu giám sát ở trung ương
Chính phủ; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các cơ quan hữu quan khác.
2.2. Cơ quan chịu giám sát ở địa phương
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi có hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.
2.3. Các tổ chức liên quan
- Các doanh nghiệp khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.
- Các ngân hàng thương mại cho vay đối với tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.
- Các Ban quản lý dự án, chương trình khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.
III. NỘI DUNG GIÁM SÁT
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây:
1. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và chính sách, pháp luật liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh phục vụ cho việc khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển (Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương).
2. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
3. Đánh giá việc thực hiện chính sách, quy định của pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
- Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế biển; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác quy hoạch, kế hoạch về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Đánh giá thực trạng tình hình khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; việc tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, bảo vệ nguồn lợi hải sản của các tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả và tính bền vững trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản (như trong phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển, phát triển các khu kinh tế biển, khu kinh tế quốc phòng biển, đảo; hợp tác nghề cá với các nước…); thực trạng vi phạm quy định pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản và đảm quốc phòng, an ninh trên biển.
- Đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng trên biển trong quản lý, bảo vệ vùng trời, bảo vệ biển, đảo và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đảm an ninh, an toàn, phòng chống tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, bảo vệ nguồn lợi hải sản.
- Đánh giá kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản như chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển, hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn trên biển…, trong đó làm rõ các chính sách hỗ trợ và bảo đảm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản bị thiệt hại do sự cố môi trường biển xảy ra từ ngày 06/4/2016 tại 04 tỉnh Miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) và việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
- Hiệu quả tổng hợp của sự kết hợp khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh
4. Làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
IV. PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT
Đoàn giám sát thực hiện giám sát thông qua các hoạt động sau đây:
1. Yêu cầu đối tượng giám sát nêu tại Mục II - 2 gửi báo cáo.
2. Nghe Chính phủ và các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2016.
3. Tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Đoàn giám sát mời đại biểu một số bộ, ngành trung ương và địa phương, một số chuyên gia, nhà khoa học và đại diện một số tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia một số hoạt động của Đoàn giám sát.
5. Yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi Đoàn giám sát không đến làm việc) tổ chức giám sát và gửi báo cáo đến Đoàn giám sát.
6. Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan chịu sự giám sát ở trung ương và địa phương.
7. Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2016.
8. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn, phiên giải trình để thu thập thông tin, đóng góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Triển khai công tác chuẩn bị (tháng 12/2016)
- Công bố Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát (kèm thành phần và kế hoạch giám sát) theo quy định; gửi văn bản đến các cơ quan hữu quan;
- Thành lập Tổ giúp việc;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định danh sách Đoàn giám sát;
- Xây dựng Đề cương báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát;
- Gửi văn bản đến các cơ quan:
+ Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo đến Đoàn giám sát;
+ Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi Đoàn giám sát không đến làm việc) tổ chức giám sát tại địa phương, gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát;
- Trên cơ sở Kế hoạch giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết, Đoàn giám sát xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết để triển khai thực hiện cho cả quá trình hoạt động của Đoàn giám sát. Trong đó, thể hiện rõ cách thức tổ chức, tiến độ cụ thể thực hiện các hoạt động giám sát; xây dựng báo cáo kết quả giám sát; thành lập các Đoàn công tác; phân công nhiệm vụ và các vấn đề liên quan khác;
- Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho Đoàn giám sát thực hiện Kế hoạch giám sát;
- Thu thập cơ sở pháp lý, tư liệu, thông tin liên quan đến chuyên đề giám sát; chuẩn bị bộ tài liệu phục vụ thành viên Đoàn giám sát;
- Tổ chức họp triển khai công tác của Đoàn giám sát, phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn giám sát, tuyên truyền về hoạt động giám sát chuyên đề.
2. Tổng hợp báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị (tháng 01/2017 – 02/2017)
- Đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị gửi báo cáo theo nội dung đã được yêu cầu.
- Tiếp nhận và nghiên cứu báo cáo, tài liệu của các cơ quan gửi cho Đoàn giám sát.
- Tổng hợp báo cáo của các cơ quan theo Đề cương báo cáo kết quả giám sát được duyệt; yêu cầu báo cáo bổ sung (nếu có).
- Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ, các cơ quan có liên quan để xem xét báo cáo.
- Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành giám sát tại địa phương và báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát.
3. Tiến hành giám sát tại một số địa phương, đơn vị liên quan (tháng 3-5/2017)
- Đoàn giám sát tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát tại một số địa phương, đơn vị liên quan (từng Đoàn có kế hoạch riêng).
- Đôn đốc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo theo nội dung đã được yêu cầu (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc).
4. Tiến hành làm việc với các cơ quan hữu quan; tổ chức hội thảo, tọa đàm; tổng hợp kết quả và xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát (tháng 6- 7/2017)
- Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với một số cơ quan hữu quan; tổ chức Đoàn công tác làm việc với số địa phương, đơn vị (nếu chưa hoàn thành).
- Đoàn giám sát tiến hành một số hoạt động khảo sát và tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn, phiên giải trình lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đóng góp vào nội dung chuyên đề giám sát (Tùy theo tình hình cụ thể, Trưởng Đoàn giám sát quyết định việc tổ chức hội thảo, tọa đàm).
- Đoàn giám sát tổng hợp và xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.
5. Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát (tháng 8/2017)
Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; Đoàn giám sát thống nhất những nội dung cơ bản và những nội dung còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát trước khi Ủy ban quốc phòng và an ninh tham gia ý kiến tại phiên họp toàn thể Ủy ban (tháng 8/2017).
6. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Quốc hội (tháng 9-10/2017)
Đoàn giám sát giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề; xây dựng và hoàn thiện báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề gửi đến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).
File gốc của Nghị quyết 322/NQ-UBTVQH14 năm 2016 về thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành đang được cập nhật.
Nghị quyết 322/NQ-UBTVQH14 năm 2016 về thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Số hiệu | 322/NQ-UBTVQH14 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành | 2016-12-22 |
Ngày hiệu lực | 2016-12-22 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |