Skip to content
  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • English
Dữ Liệu Pháp LuậtDữ Liệu Pháp Luật
    • Văn bản mới
    • Chính sách mới
    • Tin văn bản
    • Kiến thức luật
    • Biểu mẫu
  • -
Trang chủ » Văn bản pháp luật » Hành chính » Nghị định 17/2008/NĐ-CP
  • Nội dung
  • Bản gốc
  • VB liên quan
  • Tải xuống

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 17/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ XÂY DỰNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: xây dựng; kiến trúc, quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; phát triển đô thị; nhà ở và công sở; kinh doanh bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Xây dựng có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh; các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, văn bản quy phạm pháp luật khác theo sự phân công của Chính phủ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, các chương trình dự án quốc gia thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

5. Về xây dựng:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, gồm các khâu: lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu (về khối lượng, chất lượng), bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng công trình theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và điều kiện năng lực hành nghề xây dựng của cá nhân và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tham gia trong các hoạt động xây dựng bao gồm: lập dự án đầu tư xây dựng công trình; khảo sát, thiết kế xây dựng; thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng; quản lý chi phí xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý các loại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn kiểm tra công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật về đấu thầu;

e) Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, thu hồi giấy phép cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; thực hiện cấp, thu hồi giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm A và các gói thầu khác thuộc địa bàn từ hai tỉnh trở lên;

g) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế Thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam;

h) Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các khâu: khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành và bảo trì công trình xây dựng; hướng dẫn hoạt động giám định chất lượng công trình xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp của Chính phủ và phân công của Thủ tướng chính phủ;

i) Công bố định mức xây dựng, suất vốn đầu tư, chỉ số giá xây dựng, phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình bao gồm: tổng mức đần tư xây dựng công trình, dự toán xây dựng công trình, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, phương pháp đo bóc khối lượng công trình, phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công;

k) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng;

l) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giao nộp và lưu trữ hồ sơ, tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, hồ sơ, tài liệu hoàn công công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

m) Thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình theo phân cấp, thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình xây dựng theo phân công của Chính phủ; hướng dẫn, kiểm tra công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình, thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình xây dựng theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

n) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, các công trình trọng điểm quốc gia theo quy định của Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chủ đầu tư đối với các dự án đần tư xây dựng quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phân công.

6. Về kiến trúc, quy hoạch xây dựng (bao gồm: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, quy hoạch xây dựng các cửa khẩu biên giới quốc tế quan trọng):

a) Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt các loại đồ án quy hoạch xây dựng; hướng dẫn kiểm tra việc tổ chức thực hiện;

c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị;

d) Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng cụ thể theo phân công của Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

đ) Tổ chức thẩm định hoặc thoả thuận để cấp có thẩm quyền phê duyệt các loại đồ án quy hoạch xây dựng theo phân cấp;

e) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và điều kiện năng lực của các cá nhân và tổ chức tham gia thiết kế quy hoạch xây dựng;

g) Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư.

7. Về hạ tầng kỹ thuật đô thị khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; cấp nước, thoát nưóc, xử lý nước thải, chiếu sáng, công viên cây xanh, nghĩa trang, rác thải trong đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là hạ tầng kỹ thuật):

a) Chỉ đạo thực hiện các định hướng, chiến lược, chương trình, dự án quốc gia về phát triển hạ tầng kỹ thuật, các chỉ tiêu về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật các quy định, quy trình về lập, thẩm định, phê duyệt các loại đồ án quy hoạch lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển và quản lý các dịch vụ về hạ tầng kỹ thuật; hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí các dịch vụ về hạ tầng kỹ thuật;

d) Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ các đồ án quy hoạch thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật theo phân công của Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được phê duyệt;

đ) Tổ chức thẩm định hoặc thoả thuận để cấp có thẩm quyền phê duyệt các loại đồ án quy hoạch thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật theo phân cấp.

8. Về phát triển đô thị

a) Chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia về phát triển đô thị sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp về đầu tư xây dựng và phát triển các đô thị đồng bộ, các chính sách, giải pháp quản lý quá trình đô thị hoá, các mô hình quản lý đô thị;

c) Xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị theo từng giai đoạn phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đô thị hàng năm theo các tiêu chí đã được Chính phủ quy định; quyết định công nhận loại đô thị theo phân cấp của Chỉnh phủ;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế khu đô thị mới; hướng dẫn quản lý trật tự xây dựng đô thị;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch xây dựng đô thị đã được phê duyệt;

e) Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; tổ chức vận động, khai thác, điều phối các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị quốc gia theo phân công của Chính phủ;

g) Tổ chức xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về phát triển đô thị.

9. Về nhà ở và công sở:

a) Xây dựng các định hướng phát triển nhà ở quốc gia cho từng giai đoạn 10 năm, chương trình nhà ở quốc gia 5 năm, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; chỉ đạo việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các chương trình phát triển nhà ở địa phương, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức lập, thẩm định quy hoạch phát triển hệ thống công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương; tổ chức thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

d) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lập quy hoạch phát triển công sở các cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương;

đ) Xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các tiêu chuẩn xây dựng nhà ở, công sở, trụ sở làm việc; ban hành quy định về tiêu chí phân loại, thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, quy chế quản lý, sử dụng, chế độ bảo hành, bảo trì nhà ở, công sở, trụ sở làm việc từ Trung ương đến địa phương;

e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ, khung giá cho thuê nhà ở công vụ, khung giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội áp dụng cho từng thời kỳ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;

g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các tiêu chí điều tra, thống kê, đánh giá về nhà ở; chỉ đạo, hướng dẫn công tác điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ về nhà ở; hướng dẫn việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về nhà ở, công sở, trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước; tổng hợp, công bố định kỳ năm năm thông tin về nhà ở trên phạm vi cả nước;

h) Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.

10. Về kinh doanh bất động sản:

a) Chỉ đạo thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển và quản lý thị trường bất động sản sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản;

c) Hướng dẫn các quy định về bất động sản được đưa vào kinh doanh;

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động mua bán nhà, công trình xây dựng, hoạt động chuyển nhượng các dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp;

e) Ban hành chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá bất động sản, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản; ban hành mẫu chứng chỉ môi giới bất động sản, chứng chỉ định giá bất động sản; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý chứng chỉ môi giới bất động sản, chứng chỉ định giá bất động sản;

g) Thành lập và quản lý vận hành hệ thống thông tin về thị trường bất động sản và hoạt động kinh doanh bất động sản.

11. Về vật liệu xây dựng:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng quốc gia, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng vùng, quy hoạch phát triển xi măng, các chương trình quốc gia về vật liệu xây dựng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Tổ chức lập, phê duyệt và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch phát triển: vật liệu ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh;

c) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng địa phương;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

đ) Hướng dẫn các hoạt động thẩm định, đánh giá về: công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng; chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng;

e) Tổ chức thẩm định các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng và các dự án đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng theo phân cấp của Chính phủ;

g) Tổ chức chỉ đạo việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong các hoạt động: khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng; sản xuất vật liệu xây dựng;

h) Ban hành danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn vật liệu xây dựng được xuất khẩu, vật liệu xây dựng hạn chế xuất khẩu, vật liệu xây dựng kinh doanh phải có điều kiện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

12. Về an toàn kỹ thuật xây dựng:

a) Hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn kỹ thuật trong ngành Xây dựng;

b) Đề xuất danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn áp dụng trong ngành xây dựng, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất ban hành;

c) Ban hành quy trình kiểm định đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

d) Xây dựng và ban hành tiêu chí, điều kiện kỹ thuật đối với các tổ chức kiểm định khi thực hiện kiểm định các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực biện các quy định của pháp luật về an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt và an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

13. Về bảo vệ môi trường:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn việc lồng ghép các quy hoạch, kế hoạch, chương trình bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

b) Nghiên cứu, đề xuất việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn về môi trường; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường, chất thải môi trường trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;

c) Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường; tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền, quan trắc các tác động tới môi trường từ hoạt động của ngành, lĩnh vực, lập báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực; quản lý và kiểm soát chất thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật;

d) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

14. Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

15. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

16. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược Đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình đào tạo kiến trúc sư, kỹ sư và các cấp bậc nghề nghiệp khác thuộc các chuyên ngành xây dựng; xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành xây dựng; xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý đô thị đối với cán bộ chính quyền đô thị.

17. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

18. Về thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ:

a) Xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án sau khi được phê duyệt;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm theo thẩm quyền các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, kế toán trưởng của các công ty nhà nước chưa cổ phần hoá hoặc các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;

c) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty nhà nước chưa cổ phần hoá hoặc các doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;

d) Cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ khi chuyển thành công ty cổ phần.

19. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.

20. Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

21. Hướng dẫn, tạo điều kiện và kiểm tra việc hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tổ chức lấy ý kiến đề xuất, phản biện của các hội, tổ chức phi Chính phủ liên quan để hoàn thiện các cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ khi cần thiết.

22. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.

23. Về quản lý ngạch công chức, viên chức chuyên ngành xây dựng:

a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ngạch công chức, viên chức chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch viên chức thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ được phân công, phân cấp quản lý sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ; xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ được phân công, phân cấp quản lý để Bộ Nội vụ ban hành; ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

24. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

25. Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của Bộ; phối hợp với Bộ Tài chính lập, tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để Chính phủ trình Quốc hội; quản lý, tổ chức thực hiện và quyết toán ngân sách nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ khác về ngân sách nhà nước, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật.

26. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ

1. Vụ Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng;

2. Vụ Quản lý hoạt động xây dựng;

3. Vụ Vật liệu xây dựng;

4. Vụ Kinh tế xây dựng;

5. Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường;

6. Vụ Kế hoạch - Tài chính;

7. Vụ Pháp chế;

8. Vụ Hợp tác quốc tế;

9. Vụ Tổ chức cán bộ;

10. Thanh tra Bộ;

11. Văn phòng Bộ;

12. Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng;

13. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản;

14. Cục Hạ tầng kỹ thuật;

15. Cục Phát triển đô thị;

16. Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại thành phố Hồ Chí Minh;

17. Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn;

18. Viện Kinh tế xây dựng;

19. Viện Khoa học công nghệ xây dựng;

20. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị;

21. Trung tâm Thông tin;

22. Báo Xây dựng;

23. Tạp chí Xây dựng.

Các đơn vị từ khoản 1 đến khoản 16 Điều này là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị từ khoản 17 đến khoản 23 là các đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ.

Các Vụ: Quản lý hoạt động xây dựng, Kế hoạch - Tài chính, Tổ chức cán bộ được tổ chức Phòng trực thuộc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các tổ chức sự nghiệp còn lại thuộc Bộ.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng và các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

Hướng dẫn

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được hướng dẫn bởi Quyết định 988/QĐ-BXD

Quyết định 988/QĐ-BXD năm 2010 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành


Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
...
Điều 1. Vị trí, chức năng:
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Cục Giám định) là cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo phân cấp của Chính phủ và phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Cục Giám định là Cục hạng II, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Nghiên cứu, đề xuất, tổ chức soạn thảo các cơ chế chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình xây dựng và giám định chất lượng công trình xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành hoặc Bộ trưởng phê duyệt, ban hành theo thẩm quyền.
2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các khâu: khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng. hướng dẫn, kiểm tra hoạt động giám định chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
3. Chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và giám định chất lượng công trình xây dựng. giải quyết, xử lý các công việc thường xuyên liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng và giám định chất lượng công trình xây dựng.
4. Theo dõi, tổng hợp, đánh giá, xếp loại, thông tin và báo cáo tình hình chất lượng công trình xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và giám định chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước.
5. Hướng dẫn nghiệp vụ giám định sự cố công trình xây dựng. hướng dẫn, kiểm tra việc giải quyết các tranh chấp về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về tình hình sự cố công trình xây dựng trên phạm vi cả nước.
6. Tổ chức thực hiện việc giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng theo phân cấp của Chính phủ và phân công của Thủ tướng Chính phủ. giúp Bộ trưởng quản lý chất lượng các công trình xây dựng do Bộ làm chủ đầu tư.
7. Tổ chức thực hiện hoặc chỉ định tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện việc giám định chất lượng, giám định sự cố công trình xây dựng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng hoặc theo đề nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
8. Thực hiện các nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng.
9. Quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các tổ chức kiểm định, giám định, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng. chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng ban hành quy định về điều kiện năng lực và việc công nhận các tổ chức này. trực tiếp điều hành hoạt động của Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
10. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ trưởng ban hành các quy định và chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng công trình xây dựng. hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
11. Thực hiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực công tác của Cục.
12. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế. thực hiện chế độ tiền lương, các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng. kỷ luật và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục.
13. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
14.Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cục Giám định và Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về:
1. Tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước. tình hình thực hiện công tác giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước.
2. Kết quả hoạt động của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và các tổ chức, cá nhân giúp việc Hội đồng.
3. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Quyết định này.
Điều 4. Cục trưởng Cục Giám định được quyền:
1. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình chất lượng công trình xây dựng. cung cấp tài liệu, số liệu và tạo điều kiện cần thiết phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và giám định chất lượng công trình xây dựng.
2. Đề xuất hoặc chỉ định các pháp nhân có năng lực phù hợp để thực hiện việc kiểm tra, kiểm định, giám định chất lượng công trình xây dựng khi cần thiết.
3. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật. tạm đình chỉ xây dựng khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về chất lượng công trình, hoặc ngừng khai thác sử dụng công trình khi có nguy cơ dẫn đến sự cố nghiêm trọng, sau đó phải báo cáo Bộ trưởng đồng thời phải thông báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
4. Đề xuất và ký hợp đồng với các chuyên gia, tổ chức tư vấn có năng lực phù hợp để tư vấn trong các trường hợp cần thiết liên quan đến công tác chuyên môn của Cục.
5. Ký các báo cáo kiểm tra, các văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật.
6. Được Bộ trưởng ủy quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.
Điều 5. Cơ cấu tổ chức:
1. Cục Giám định có Cục trưởng, một số Phó cục trưởng và các Phòng, Trung tâm trực thuộc với định biên phù hợp nhu cầu công tác theo từng thời kỳ.
Các phòng có Trưởng phòng, một số Phó trưởng phòng và các công chức chuyên môn nghiệp vụ. các Trung tâm có Giám đốc, một số Phó giám đốc và các viên chức chuyên môn nghiệp vụ.
2. Các đơn vị trực thuộc Cục Giám định:
a) Văn phòng.
b) Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1.
c) Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 2.
d) Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 3.
đ) Văn phòng đại diện Cục Giám định tại Thành phố Hồ Chí Minh.
e) Trung tâm Công nghệ quản lý chất lượng công trình xây dựng Việt Nam.
Trung tâm Công nghệ quản lý chất lượng công trình xây dựng Việt Nam là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo sự ủy quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và các quy định của pháp luật.
3. Việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
4. Cục trưởng Cục Giám định có trách nhiệm: xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Cục, trình Bộ trưởng ban hành. trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Cục, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác cho từng giai đoạn và xác định nhu cầu biên chế của Cục báo cáo Bộ trưởng quyết định. xây dựng quy chế làm việc của Cục, quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trực thuộc, xác định trách nhiệm và sản phẩm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 590/QĐ-BXD ngày 23/4/2008 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Hướng dẫn

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Kinh tế xây dựng được hướng dẫn bởi Quyết định 1089/QĐ-BXD

Quyết định 1089/QĐ-BXD năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Kinh tế xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành


Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
...
Điều 1. Vị trí và chức năng
Viện Kinh tế xây dựng là đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng thực hiện các chức năng: nghiên cứu chiến lược phát triển và cơ chế, chính sách về kinh tế và thị trường phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng. nghiên cứu khoa học, thông tin, đào tạo, hợp tác quốc tế và thực hiện các hoạt động tư vấn về kinh tế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (bao gồm: xây dựng. kiến trúc, quy hoạch xây dựng. hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. phát triển đô thị. nhà ở và công sở. kinh doanh bất động sản. vật liệu xây dựng).
Viện Kinh tế xây dựng có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Nghiên cứu chiến lược phát triển, các cơ chế, chính sách về kinh tế và thị trường, đề xuất và tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên các lĩnh vực: xây dựng. kiến trúc, quy hoạch xây dựng. hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. phát triển đô thị. nhà ở và công sở. kinh doanh bất động sản. vật liệu xây dựng và các dịch vụ công.
2. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ quản lý về kinh tế và thị trường thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện theo các chương trình, kế hoạch, dự án được Nhà nước hoặc Bộ Xây dựng giao, hoặc theo đặt hàng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
3. Nghiên cứu, đề xuất các mô hình tổ chức và hoạt động, mô hình quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý hoạt động sự nghiệp, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, dịch vụ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Xây dựng.
4. Nghiên cứu, xây dựng các chỉ tiêu làm cơ sở cho việc đánh giá tình hình phát triển và đề xuất hoạch định các cơ chế, chính sách quản lý các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng. nghiên cứu phương pháp và xây dựng hệ thống các chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí quy hoạch xây dựng, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị, dịch vụ nhà ở để trình Bộ Xây dựng công bố hoặc Viện công bố theo quy định của pháp luật.
5. Nghiên cứu, đánh giá về tình hình phát triển các loại thị trường thuộc ngành Xây dựng (thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường bất động sản). phân tích các yếu tố cơ bản tạo ra sự biến động của thị trường và đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn, điều tiết và thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại thị trường thuộc ngành Xây dựng.
6. Điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp, quản lý lưu trữ và cung cấp thông tin, tư liệu về kinh tế phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và đáp ứng yêu cầu của thị trường.
7. Tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành Xây dựng.
8. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về kinh tế và thị trường để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành Xây dựng và phục vụ cho việc cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản. đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ thuộc các lĩnh vực nghiên cứu của Viện theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về các lĩnh vực hoạt động của Viện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
10. Thực hiện các hoạt động tư vấn về kinh tế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, bao gồm:
10.1. Tư vấn lập và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
10.2. Tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, gồm: lập, thẩm tra tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình. đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình. xác định định mức, đơn giá xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng. đo bóc khối lượng công trình. lập, thẩm tra dự toán công trình. lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng. xác định giá gói thầu, giá hợp đồng trong hoạt động xây dựng. kiểm soát chi phí xây dựng công trình. lập hồ sơ thanh toán, quyết toán hợp đồng. thanh toán, quyết toán vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình và các công việc khác về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
10.3. Tư vấn phát triển nguồn tài chính đô thị. tư vấn lập và quản lý chi phí quy hoạch xây dựng, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị, dịch vụ nhà ở. tư vấn định giá tài sản doanh nghiệp, định giá bất động sản. các công việc tư vấn khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật.
11. Báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
12. Quản lý về tổ chức bộ máy, cán bộ, viên chức, thực hiện chế độ tiền lương, đ˛i ngộ, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với cán bộ, viên chức thuộc quyền quản lý của Viện theo quy định của pháp luật.
13. Quản lý tài chính, tài sản được giao, quản lý các hoạt động có thu của Viện theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng giao.
Điều 3. Viện Kinh tế xây dựng và Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng về:
1. Thường xuyên báo cáo, cung cấp thông tin, các chỉ tiêu đánh giá tình hình phát triển các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng.
2. Thường xuyên báo cáo, đánh giá về tình hình phát triển, sự biến động của các loại thị trường thuộc ngành Xây dựng và đề xuất kịp thời các giải pháp nhằm bình ổn, điều tiết và thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại thị trường.
3. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2 của Quyết định này.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
1. Viện Kinh tế xây dựng có Viện trưởng, một số Phó viện trưởng và các Phòng, Trung tâm, Phân viện trực thuộc.
- Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Viện trưởng là người đứng đầu Viện, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện và chịu các trách nhiệm khác của Viện trưởng được quy định tại Điều 3 của Quyết định này.
- Các Phó viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Phó viện trưởng có nhiệm vụ giúp Viện trưởng chỉ đạo thực hiện một hoặc một số công tác của Viện, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về những nhiệm vụ được phân công phụ trách.
- Các phòng có Trưởng phòng và các Phó trưởng phòng. các Trung tâm, Phân viện có Giám đốc và các Phó giám đốc. Cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Viện Kinh tế xây dựng do Viện trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Trưởng phòng, Giám đốc Trung tâm, Giám đốc Phân viện chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và l˛nh đạo Viện về quản lý, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được giao theo pháp luật, Quy chế Tổ chức và hoạt động và các Quy chế khác của Viện Kinh tế xây dựng.
2. Các đơn vị trực thuộc Viện Kinh tế xây dựng:
2.1. Phòng nghiên cứu Chiến lược phát triển và Cơ chế quản lý kinh tế ngành (gọi tắt là Phòng Cơ chế).
2.2. Phòng nghiên cứu Giá và Thị trường xây dựng (gọi tắt là Phòng Giá - Thị trường).
2.3. Phòng nghiên cứu Chỉ tiêu và Định mức kinh tế - kỹ thuật (gọi tắt là Phòng Chỉ tiêu - Định mức).
2.4. Phòng nghiên cứu Kinh tế đầu tư và Bất động sản (gọi tắt là Phòng Đầu tư - Bất động sản).
2.5. Phòng nghiên cứu Kinh tế đô thị và Hạ tầng kỹ thuật (gọi tắt là Phòng Kinh tế đô thị).
2.6. Phòng nghiên cứu Kinh tế xây dựng nước ngoài (gọi tắt là Phòng Kinh tế nước ngoài).
2.7. Phòng Tổng hợp và Quản lý khoa học (gọi tắt là Phòng Tổng hợp).
2.8. Phòng Hành chính - Tổ chức.
2.9. Phòng Tài chính - Kế toán.
2.10. Trung tâm Thông tin.
2.11. Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế.
2.12. Trung tâm Tư vấn kinh tế đầu tư xây dựng.
2.13. Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam.
Việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Viện Kinh tế xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định theo đề nghị của Viện trưởng. việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Viện Kinh tế xây dựng do Viện trưởng quyết định.
3. Các Phân viện và Trung tâm trực thuộc Viện Kinh tế xây dựng là các đơn vị sự nghiệp có thu, hạch toán phụ thuộc. Tuỳ theo năng lực hoạt động và yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ, các Phân viện, Trung tâm trực thuộc Viện có thể được khắc con dấu theo mẫu để giao dịch, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng và các quy định của pháp luật.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Từ khóa: Nghị định 17/2008/NĐ-CP, Nghị định số 17/2008/NĐ-CP, Nghị định 17/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 17/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 17 2008 NĐ CP của Chính phủ, 17/2008/NĐ-CP

File gốc của Nghị định 17/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đang được cập nhật.

Hành chính

  • Công văn 7415/VPCP-TH về báo cáo tình hình thực hiện Chương trình công tác năm 2021 và đăng ký Chương trình công tác năm 2022 do Văn phòng Chính phủ ban hành
  • Quyết định 1707/QĐ-TTg năm 2021 về thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
  • Công văn 7417/VPCP-KSTT năm 2021 về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao do Văn phòng Chính phủ ban hành
  • Thông báo 265/TB-VPCP về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020, 8 tháng đầu năm 2021 và trọng tâm công tác phối hợp trong thời gian tới do Văn phòng Chính phủ ban hành
  • Quyết định 1703/QĐ-TTg năm 2021 về kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
  • Quyết định 1523/QĐ-BTP năm 2021 về Kế hoạch tổ chức trực tuyến Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành
  • Quyết định 2563/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ
  • Quyết định 4410/QĐ-UBND năm 2021 về Chuyên đề số 9 "Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định 59/2019/NĐ-CP" do Thành phố Hà Nội ban hành
  • Quyết định 49/2021/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động của công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
  • Quyết định 544/QĐ-UBND năm 2021 công bố Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế; thủ tục hành chính bị bãi bỏ của ngành tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Nghị định 17/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng

- File PDF đang được cập nhật

- File Word Tiếng Việt đang được cập nhật

Chính sách mới

  • Giá xăng hôm nay tiếp tục giảm sâu còn hơn 25.000 đồng/lít
  • Nhiệm vụ quyền hạn của hội nhà báo
  • Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng năm 2023
  • Thủ tục đăng ký kết hôn trực tuyến
  • Sửa đổi, bổ sung một số quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp
  • Tiêu chí phân loại phim 18+
  • Danh mục bệnh Nghề nghiệp được hưởng BHXH mới nhất
  • Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú
  • Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án
  • Văn bản nổi bật có hiệu lực tháng 5/2023

Tin văn bản

  • Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2022
  • Đầu tư giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn mới Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp
  • Danh mục mã hãng sản xuất vật tư y tế để tạo lập mã vật tư y tế phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
  • Từ 11/7/2022: Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 1.000 đồng/lít
  • Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ
  • HOT: Giá xăng, dầu đồng loạt giảm hơn 3.000 đồng/lít
  • Hỗ trợ đơn vị y tế công lập thu không đủ chi do dịch Covid-19
  • Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
  • Phấn đấu đến hết 2025, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%
  • Xuất cấp 432,78 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Phước

Tóm tắt

Cơ quan ban hành Chính phủ
Số hiệu 17/2008/NĐ-CP
Loại văn bản Nghị định
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành 2008-02-04
Ngày hiệu lực 2008-02-26
Lĩnh vực Hành chính
Tình trạng Hết hiệu lực

Văn bản Được hướng dẫn

  • Công văn số 1437/BXD-QLN về việc chuyển Trung tâm Giao dịch Bất động sản Hà Nội từ Sở Tài nguyên và Môi trường về Sở Xây dựng để thống nhất quản lý do Bộ Xây dựng ban hành

Văn bản Hướng dẫn

  • Quyết định 988/QĐ-BXD năm 2010 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
  • Quyết định 1089/QĐ-BXD năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Kinh tế xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

DỮ LIỆU PHÁP LUẬT - Website hàng đầu về văn bản pháp luật Việt Nam, Dữ Liệu Pháp Luật cung cấp cơ sở dữ liệu, tra cứu Văn bản pháp luật miễn phí.

Website được xây dựng và phát triển bởi Vinaseco Jsc - Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số lĩnh vực pháp lý.

NỘI DUNG

  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu
  • Media Luật

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • Chính sách bảo mật
  • Điều khoản sử dụng

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VINASECO

Địa chỉ: Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam - Email: [email protected] - Website: vinaseco.vn - Hotline: 088.66.55.213

Mã số thuế: 0109181523 do Phòng DKKD Sở kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 14/05/2023

  • Trang chủ
  • Văn bản mới
  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu