TÒA ÁN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/TANDTC-TK | Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2010 |
Kính gửi: Văn phòng Quốc hội
Chánh án Toà án nhân dân tối cao nhận được công văn số 385/VPQH-TH ngày 10-3-2010 của Văn phòng Quốc hội về việc mời tham dự và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nội dung chất vấn gồm có:
1. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán;
2. Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về hoạt động xét xử của Toà án nhân dân các cấp;
3. Vấn đề xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai và công tác bồi thường oan sai trong hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
4. Thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của Toà án nhân dân các cấp và hoạt động hướng dẫn chuyên môn của Toà án nhân dân tối cao đối với loại vụ việc này.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin trả lời như sau:
1. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán:
1.1. Về công tác đào tạo Thẩm phán
1.1.1. Về công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử (đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán)
Hiện nay, việc đào tạo Thẩm phán do Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp đảm nhiệm. Toà án nhân dân tối cao luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức ngành Toà án theo chỉ tiêu đào tạo được phân bổ hàng năm (mỗi năm khoảng 500 học viên). Năm 2009, Tòa án nhân dân tối cao đã cử 534 cán bộ của ngành tham gia khóa học đào tạo nghiệp vụ xét xử tại Học viện Tư pháp.
Trong việc thực hiện công tác này, Toà án nhân dân tối cao luôn thường xuyên rà soát đội ngũ Thẩm phán để xác định nhu cầu đào tạo, xác định tiêu chuẩn, điều kiện tuyển sinh, xác định thứ tự ưu tiên của từng khu vực để cân đối số lượng cần đào tạo đối với từng Toà án địa phương. Toà án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành (các đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, một số Tòa án địa phương) lựa chọn và cử cán bộ, Thẩm phán có trình độ, kinh nghiệm để tham gia làm giảng viên kiêm chức cho Học viện Tư pháp.
Đào tạo tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán phải gắn với công tác và kinh nghiệm xét xử của ngành Toà án. Theo cơ chế đào tạo Thẩm phán hiện nay thì vẫn chưa thực sự gắn được trách nhiệm đào tạo Thẩm phán với việc nâng cao chất lượng xét xử của các Toà án. Thực tiễn hoạt động xét xử đã chứng minh rằng công tác đào tạo Thẩm phán có chất lượng thì mới tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng đội ngũ Thẩm phán giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và vững vàng về bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán cũng như chất lượng xét xử, Toà án nhân dân tối cao kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giao chức năng đào tạo Thẩm phán cho Toà án nhân dân tối cao vì đào tạo nghiệp vụ phải gắn với thực tiễn và kinh nghiệm xét xử. Thực tế hiện nay, hầu hết giảng viên tham gia giảng dạy đào tạo Thẩm phán là cán bộ, Thẩm phán của Toà án. (Ngành Kiểm sát đã có trường đào tạo riêng để phục vụ cho việc tạo nguồn Kiểm sát viên). Việc chuyển đổi cơ chế đào tạo Thẩm phán theo hướng này sẽ giúp cho ngành Toà án chủ động hơn trong công tác tạo nguồn Thẩm phán, đồng thời cũng là cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo Thẩm phán, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và chất lượng xét xử của các Toà án.
Hiện nay Toà án nhân dân tối cao đang tiến hành triển khai xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao năng lực và quy mô của Trường cán bộ Toà án. Theo đó, Toà án nhân dân tối cao đang xúc tiến việc củng cố kiện toàn tổ chức, cán bộ và đội ngũ giảng viên cho Trường; xây dựng các chương trình tăng cường bồi dưỡng tập huấn nâng cao cho Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và Hội thẩm; đang triển khai xây dựng Trường với quy mô trên diện tích 5 ha tại Gia Lâm, Hà Nội với tổng nguồn vốn khoảng 335 tỷ đồng (trong đó Chính phủ Hàn Quốc tài trợ khoảng 50 tỷ để xây dựng trung tâm đào tạo Thẩm phán, đảm bảo đủ điều kiện nơi ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho cán bộ của ngành tham gia học tập tại Trường).
1.1.2. Về công tác đào tạo chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn cho Thẩm phán, cán bộ Toà án
Toà án nhân dân tối cao khuyến khích và tạo điều kiện để Thẩm phán, cán bộ tham gia các khoá đào tạo nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ qua các chương trình đào tạo cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị, Thạc sĩ, Tiến sĩ luật học bằng nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho ngành cũng như của địa phương. Năm 2009, Toà án nhân dân các cấp đã cử 326 cán bộ, Thẩm phán tham gia học các lớp cao cấp chính trị, 122 cán bộ, Thẩm phán tham gia học trung cấp chính trị, 92 cán bộ đi học Thạc sĩ và Tiến sĩ;
Để phục vụ cho hội nhập quốc tế, Toà án nhân dân tối cao cũng đã chủ động lựa chọn cán bộ để tham gia các khoá đào tạo chuyên sâu về pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, số lượng cán bộ được cử đi đào tạo còn ít so với nhu cầu và yêu cầu của ngành đặt ra. Năm 2008 có 2 cán bộ được cử đi đào tạo Tiến sĩ và 9 cán bộ được cử đi đào tạo Thạc sĩ; năm 2009 đã chọn cử 01 cán bộ đi đào tạo theo Đề án của Chính phủ về “đào tạo chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2010” và 04 cán bộ đi học lớp ngoại ngữ để chuẩn bị cho việc học cao học và nghiên cứu sinh ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương. Một trong những nguyên nhân chính là do chỉ tiêu đào tạo dành cho ngành Toà án không nhiều, bên cạnh đó số lượng cán bộ của ngành có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia các khóa học theo các chương trình, đề án còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chuẩn về ngoại ngữ.
Công tác đào tạo nguồn lãnh đạo quản lý cũng như cán bộ trong quy hoạch, đội ngũ chuyên gia pháp lý cao cấp, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật ở trung ương và ở địa phương mới chỉ dừng lại ở việc cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, quản lý nhà nước mà chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo cụ thể để chủ động trong việc đào tạo các nguồn cán bộ này. Thực hiện yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chủ trương của ngành Toà án là 100% đội ngũ cán bộ quản lý phải được đào tạo nâng cao về trình độ lý luận chính trị cũng như được đào tạo về quản lý nhà nước; 10% đội ngũ Thẩm phán Toà án các cấp phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công tác; đây là đội ngũ nòng cốt phục vụ cho yêu cầu hội nhập quốc tế của ngành. Ngoài ra, phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật ở Toà án nhân dân tối cao (khoảng 20 người) và Toà án nhân dân cấp tỉnh (mỗi đơn vị khoảng 2 đến 3 người) nhằm phục vụ cho công tác hiện đại hoá các mặt hoạt động của ngành Toà án.
Xuất phát từ thực trạng công tác đào tạo nêu trên, nhu cầu đào tạo Thẩm phán, cán bộ của ngành Toà án, để tạo điều kiện cho ngành Toà án chủ động tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc hội nhập quốc tế, hiện đại hoá ngành Toà án và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực, đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tạo cho ngành Toà án cơ chế để thực hiện công tác đào tạo cán bộ một cách chủ động và có tính khả thi.
1.2. Về công tác bồi dưỡng cán bộ, Thẩm phán:
Năm 2009, Toà án nhân dân tối cao đã tổ chức 14 khoá bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho hơn 2.000 Thẩm phán, cán bộ (chủ yếu cho Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu của việc tăng thẩm quyền xét xử); tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý cán bộ, về kế toán tài chính, hướng dẫn và cấp kinh phí để các Toà án nhân dân địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho Thẩm phán, cán bộ và Hội thẩm thuộc thẩm quyền quản lý. Toà án nhân dân tối cao xác định, việc nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho Thẩm phán, cán bộ của ngành thì công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán phải được thực hiện thường xuyên và phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành.
Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của công tác bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của ngành, Toà án nhân dân tối cao tiếp tục nghiên cứu, và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp sau đây:
- Tổ chức thường xuyên, kịp thời các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật mới, văn bản pháp luật mới để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành đặc biệt là đội ngũ Thẩm phán;
- Chú trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ, rút kinh nghiệm xét xử theo từng loại án và các chuyên đề cụ thể nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán;
- Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch đội ngũ Thẩm phán và đội ngũ cán bộ lãnh đạo Toà án nhân dân các cấp;
- Phân cấp, tăng cường trách nhiệm của Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, cán bộ Toà án theo quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân; làm tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị trong ngành, các cơ sở đào tạo để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo của ngành và của từng đơn vị;
- Phân bổ, sử dụng có hiệu quả kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ;
- Tăng cường năng lực cho Trường cán bộ Toà án, lựa chọn và tập trung bồi dưỡng cho các giảng viên tham gia giảng dạy là Thẩm phán, cán bộ của Toà án nhân dân tối cao và các Toà án địa phương nhằm từng bước xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt của ngành và của từng đơn vị có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy.
- Tranh thủ hợp tác quốc tế và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài trợ của nước ngoài cho công tác, đào tạo, bồi dưỡng của ngành.
1.3. Về công tác bổ nhiệm Thẩm phán:
Toà án nhân dân tối cao thường xuyên quan tâm chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác bổ nhiệm Thẩm phán. Năm 2009, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ký quyết định bổ nhiệm 1.397 Thẩm phán Toà án địa phương, bao gồm 329 Thẩm phán cấp tỉnh (trong đó bổ nhiệm lại là 261 người, bổ nhiệm mới là 68 người) và 1.068 Thẩm phán cấp huyện (trong đó bổ nhiệm lại là 710 người, bổ nhiệm mới là 358 người).
Trong quá trình thực hiện công tác này, về cơ bản các địa phương đều đã thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán. Nhiều địa phương, cấp uỷ và Hội đồng nhân dân đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sâu sát từ khâu quy hoạch cán bộ đến quy trình lấy phiếu tín nhiệm, nhận xét, đánh giá cán bộ và cho ý kiến về việc bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cũng như việc kiện toàn bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo bảo đảm cho hoạt động của Toà án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm lại Thẩm phán đã được Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của các địa phương rà soát kỹ, không đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán đối với các trường hợp do không bảo đảm chất lượng xét xử hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định của pháp luật. Sau khi xem xét, rà soát việc đề nghị bổ nhiệm lại Thẩm phán của các địa phương, trong năm 2009, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã quyết định chưa tái bổ nhiệm đối với 82 Thẩm phán Toà án nhân dân địa phương (cấp tỉnh: 23; cấp huyện: 59) với lý do chủ yếu là có số lượng án huỷ chiếm tỷ lệ cao, cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định…
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì công tác bổ nhiệm Thẩm phán, nhất là việc bổ nhiệm lại cũng còn có những tồn tại dẫn đến việc bổ nhiệm Thẩm phán phần nào chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, như: vẫn còn một số địa phương lúng túng khi tiến hành các bước chuẩn bị nhân sự, thủ tục tuyển chọn Thẩm phán; việc phối hợp với cấp uỷ, Hội đồng nhân dân địa phương một số nơi chưa chặt chẽ nên phải giải trình, làm đi làm lại nhiều lần gây chậm trễ trong việc bổ nhiệm lại Thẩm phán.
Để tăng cường công tác bổ nhiệm Thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao đã và đang chỉ đạo các Toà án nhân dân địa phương tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn Thẩm phán, về trình tự, thủ tục bổ nhiệm; bảo đảm thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chuẩn bị nhân sự, tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán.
- Tăng cường công tác bổ nhiệm Thẩm phán theo hướng tuyển chọn cán bộ là Thư ký, Thẩm tra viên hoặc chuyên viên của Toà án cấp tỉnh có đủ điều kiện để bổ nhiệm làm Thẩm phán cấp huyện nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ Thẩm phán Toà án cấp huyện đáp ứng nhiệm vụ xét xử trong điều kiện tăng thẩm quyền xét xử cho Toà án cấp huyện hiện nay.
- Tăng cường mở rộng nguồn tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán theo hướng phối hợp với cấp uỷ và Hội đồng nhân dân địa phương rà soát cán bộ có trình độ đại học luật của các ngành ở địa phương để ưu tiên điều động cho Toà án; bổ nhiệm Hội thẩm có trình độ đại học luật và kinh nghiệm xét xử làm Thẩm phán nhằm khắc phục tình trạng thiếu Thẩm phán cục bộ ở một số đơn vị, địa phương.
- Xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá về số lượng và chất lượng của đội ngũ Thẩm phán. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo nghiệp vụ xét xử cho cán bộ, công chức Toà án để tạo nguồn Thẩm phán. Trước mắt, Toà án nhân dân tối cao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp xây dựng phương án mở riêng cho các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc theo hướng mỗi địa bàn mở 01 lớp/năm với chỉ tiêu đào tạo khoảng 100 học viên là cán bộ Toà án và cán bộ có trình độ Đại học luật đang công tác tại địa phương có nguyện vọng làm Thẩm phán, với thời gian đào tạo từ 06 đến 09 tháng nhằm tạo điều kiện cho những Toà án thuộc các khu vực này có đủ nguồn cán bộ để bổ nhiệm Thẩm phán; nghiên cứu xây dựng “quỹ đào tạo” cho vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để tạo nguồn bổ sung biên chế.
Ngoài các giải pháp nêu trên, hiện nay Toà án nhân dân tối cao đang triển khai nghiên cứu và đề xuất sửa đổi pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân theo hướng: đổi mới thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán kết hợp kỳ thi tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ xét xử với việc xét chọn Thẩm phán thành kỳ thi quốc gia tuyển chọn Thẩm phán; tăng nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán lên 10 năm hoặc cải tiến theo hướng chỉ quy định nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 5 năm như hiện nay, nếu được bổ nhiệm lại thì nhiệm kỳ Thẩm phán kéo dài cho đến khi nghỉ hưu, trừ trường hợp bị cách chức Thẩm phán do vi phạm hay được điều động công tác khác theo yêu cầu của tổ chức khi cần thiết; kéo dài tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán...
2. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử:
Từ ngày 01-10-2008 đến ngày 31-9-2009, Tòa án các cấp đã nhận để xử lý đối với gần 70.000 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân được gửi đến thông qua đường bưu điện, do các cơ quan, tổ chức khác chuyển đến hoặc gửi trực tiếp tại các Tòa án. Sau khi rà soát, phân loại những đơn trùng lặp, không thuộc thẩm quyền thì có 6.665 đơn/vụ đề nghị xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và 99 đơn tố cáo cán bộ, công chức Tòa án.
Như vậy, chiếm phần lớn đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Tòa án nhân dân là đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Số đơn này chưa có chiều hướng giảm và chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao. Số vụ việc mới phát sinh trong năm 2009 là 6.665 vụ, cùng với 5.295 vụ cũ còn lại, tổng số vụ mà Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án quân sự Trung ương phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm là 11.960 vụ, chiếm 4,36% tổng số các loại vụ án mà toàn ngành đã giải quyết.
Trước tình hình đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa có chiều hướng giảm, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc kế hoạch số 02/KH-LN ngày 03-5-2006 của liên ngành tư pháp trung ương về việc rà soát đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2009/TT-TANDTC ngày 12-01-2009 về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2009 của ngành Tòa án nhân dân, trong đó nhấn mạnh: “Tập trung giải quyết đúng quy định của pháp luật đối với các đơn khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm; chú trọng giải quyết các vụ việc sắp hết thời hạn kháng nghị, bức xúc, kéo dài”. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành sơ kết một năm thực hiện Thông báo số 01/TB-TANDTC-TK ngày 01-02-2008 quy định tạm thời về việc phân cấp và trình tự giải quyết đơn khiếu nại tư pháp trong ngành Tòa án nhân dân và Thông báo số 291/TB-TCCB ngày 11-7-2008 về việc phân công bổ sung nhiệm vụ cho Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đang công tác tại các Toà Lao động, Toà Hành chính, Toà Kinh tế tham gia giải quyết một số vụ việc dân sự, nhằm rút kinh nghiệm.
Trong năm 2009, Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự Trung ương đã giải quyết được 4.712 vụ đạt 39,4%. Trong đó, trả lời cho các đương sự không có căn cứ kháng nghị 3.894 vụ, vì bản án, quyết định bị khiếu nại đã giải quyết đúng pháp luật (Tòa án nhân dân tối cao trả lời đơn 3.510 vụ, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự trung ương trả lời đơn 384 vụ); kháng nghị 818 vụ, chiếm 6,83% số vụ án phải giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và chiếm 0,3% tổng số các loại vụ án mà toàn ngành đã giải quyết, vì các vụ án này vi phạm thủ tục tố tụng, việc thu thập chứng cứ, chứng minh chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. (Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị 707 vụ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Chánh án Tòa án quân sự trung ương kháng nghị 111 vụ).
Mặc dù số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa giải quyết xong còn nhiều, nhưng đều còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Một số ít vụ việc đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm nhưng đương sự có đơn đề nghị tái thẩm và xuất trình được những tài liệu, chứng cứ quan trọng, có căn cứ thì Tòa án vẫn xem xét, giải quyết theo thủ tục tái thẩm.
Các Tòa án đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; khẩn trương xem xét, giải quyết các đơn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan khác chuyển đến; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, các kiến nghị của cử tri, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các yếu kém, sai sót và áp dụng các biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
Đối với các đơn tố cáo cán bộ, công chức Tòa án có hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho đương sự trong hoạt động xét xử, giải quyết các loại vụ án thì ngay sau khi nhận được các đơn này, căn cứ vào nhiệm vụ chức năng và thẩm quyền của mình, các Tòa án có cán bộ bị tố cáo đều khẩn trương tiến hành kiểm tra, xác minh và kết luận theo đúng quy định. Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về hình sự thì chuyển cơ quan điều tra xem xét và xử lý theo đúng pháp luật. Các trường hợp khác, đều được xử lý nghiêm khắc. Công tác giải quyết đơn tố cáo của công dân đối với cán bộ, công chức Tòa án nhìn chung bảo đảm kịp thời, xử lý đúng mức nên không có trường hợp nào khiếu nại quyết định xử lý của Tòa án nhân dân các cấp.
Ngoài ra, trung bình mỗi năm, các Tòa án nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Tòa án. Đây là các khiếu nại trong hoạt động tố tụng, quy trình và thời hạn giải quyết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Các khiếu nại này đều được các Tòa án xem xét và giải quyết kịp thời cùng với việc giải quyết vụ án đó.
3. Vấn đề xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai và công tác bồi thường oan sai trong hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH ngày 17/3/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:
3.1. Về vấn đề xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai:
Theo quy định của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra (viết tắt là Nghị quyết số 388) thì một người được xác định là bị oan khi có quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự kết luận họ không thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, Toà án chỉ xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388 đối với người đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền xác định họ bị oan.
3.2. Về công tác bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 388:
3.2.1. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 388:
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 388, Toà án nhân dân tối cao đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC ngày 25-3-2004 và Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC ngày 22-11-2006 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388.
3.2.2. Các trường hợp được bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388
Người bị oan được bồi thường thiệt hại trong những trường hợp được quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 388 và hướng dẫn tại mục 1 Phần I của Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC ngày 22-11-2006 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388.
3.2.3. Các trường hợp không được bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388
Căn cứ Điều 2 của Nghị quyết số 388 các trường hợp sau đây không được bồi thường thiệt hại:
- Người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
- Người bị xử lý về hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27-6-1985 đã được sửa đổi, bổ sung theo các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 28-12-1989, ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 và ngày 10-5-1997, nhưng nay theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự;
- Người khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;
- Người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết số 388 mà bị tổn hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản do lỗi của chính mình hoặc do sự kiện bất khả kháng thì không được bồi thường thiệt hại.
Ngoài những trường hợp đã nêu tại Điều 2 của Nghị quyết số 388, các trường hợp được quy định tại các tiểu mục 2.1; 2.2; 2.3; 2.4 và 2.5 Mục 2 Phần I của Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT ngày 22-11-2006 cũng không được bồi thường thiệt hại.
Ngoài những trường hợp đã nêu trên còn có một số trường hợp người bị oan theo Nghị quyết số 388 nộp đơn yêu cầu bồi thường nhưng không được Toà án các cấp chấp nhận do đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường.
3.2.4. Kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388.
Theo quy định tại Điều 11 của Nghị quyết số 388 và mục 2 và 3 Phần V của Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC ngày 22-11-2006 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 388, có hai hình thức Toà án giải quyết yêu cầu bồi thường cho người bị oan, cụ thể:
- Toà án có trách nhiệm bồi thường tiến hành thương lượng với người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan để giải quyết bồi thường.
- Trong trường hợp thương lượng không thành, người bị oan hoặc thân nhân của họ có quyền khởi kiện Toà án yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại.
Từ khi Nghị quyết số 388 được ban hành ngày 17-3-2003 tính đến ngày 12-3-2010, Toà án nhân dân các cấp đã thụ lý 123 vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết số 388. Kết quả giải quyết cụ thể như sau:
- Toà án nhân dân các cấp đã tiến hành thương lượng với người bị oan hoặc thân nhân của họ để giải quyết bồi thường 83 vụ với 86 người bị kết án oan.
- Người bị oan hoặc thân nhân của họ đã khởi kiện ra toà án 40 vụ (Tòa án đã giải quyết được 37 vụ, còn lại 03 vụ đang được Toà án các cấp xem xét giải quyết).
Toà án nhân dân tối cao đã tiến hành thẩm định và làm thủ tục đề nghị Bộ Tài chính cấp kinh phí bồi thường tổng cộng 83 vụ với 86 người bị kết án oan, tổng số tiền chi trả bồi thường là 9.562.063.804 đồng.
3.3 Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
Thực tiễn giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan cho thấy một số vướng mắc cụ thể như sau:
- Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2010, Nghị quyết số 388 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2010. Do vậy, kể từ ngày 01-01-2010, Toà án các cấp thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra phải áp dụng Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để giải quyết bồi thường. Do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Luật này nên Toà án các cấp gặp khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Trường hợp bị mất hồ sơ, tài liệu đương sự không xuất trình được các bản án, quyết định của Toà án xác định người đó bị oan hoặc đương sự chỉ xuất trình được tài liệu xác nhận của cán bộ Toà án đã nhận đơn yêu cầu minh oan, xem xét việc Toà án kết án oan. Trong những trường hợp này Toà án có chấp nhận tài liệu xác nhận nêu trên để giải quyết bồi thường cho họ hay không cũng là vấn đề vướng mắc.
4. Thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân các cấp và hoạt động hướng dẫn chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao đối với loại vụ việc này.
4.1 Thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai:
Trong thời gian gần đây, các tranh chấp đất đai do Tòa án giải quyết tăng về số lượng và phức tạp hơn về tính chất. Chỉ tính riêng tranh chấp về quyền sử dụng đất (không tính tranh chấp về tài sản gắn liền với đất) thì năm 2007 Tòa án nhân dân thụ lý 19.564 vụ; năm 2008 thụ lý 19.730 vụ; năm 2009 thụ lý 20.080 vụ. Trong đó, tranh chấp về đất cho mượn, lấn đất, chiếm đất chiếm khoảng 50% trên tổng số các vụ án tranh chấp đất đai; tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm trên 27%; còn lại là tranh chấp khác về đất đai. Trong năm 2009 số lượng các bản án, quyết định về tranh chấp đất đai bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy 4%; sửa 7,5% (án bị sửa, hủy tập trung nhiều nhất là các vụ án tranh chấp về đất cho mượn, lấn đất, chiếm đất).
Qua công tác giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao cho thấy: năm 2008 có 107 vụ, năm 2009 có 158 vụ án tranh chấp về đất đai bị hủy để giải quyết lại, nguyên nhân chủ yếu là do việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân có những vấn đề phức tạp như sau:
Một là: đất đai liên quan đến các tổ chức tôn giáo; thời gian qua tuy không nhiều nhưng đã trở thành vấn đề phức tạp gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Hai là: đất đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, nay chủ cũ trở về đòi đất (nhiều trường hợp họ xuất trình giấy tờ của chế độ cũ hoặc chứng minh còn vật kiến trúc, cây cối… để đòi quyền sử dụng đất). Có trường hợp Tòa án giải quyết buộc người đang sử dụng đất trả lại đất cho chủ cũ; khi phát hiện được sai lầm này của Tòa án các cấp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị để giải quyết lại và không chấp nhận yêu cầu đòi đất. Tuy các bản án nói trên bị hủy chiếm tỷ lệ không nhiều, nhưng đã làm ảnh hưởng lớn đến đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, đất đai đã đưa vào hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất, nhưng sau đó hợp tác xã hoặc tập đoàn giải thể thì chính quyền ở một số địa phương có chủ trương trả lại đất cho người đã đưa đất vào tập đoàn hoặc hợp tác xã; nhưng trên thực tế có những trường hợp do khai báo thiếu trung thực hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đã gian dối để được giao đất. Trong trường hợp này nếu trước đây đất không bị Nhà nước quản lý thì cần trả lại cho chủ đất có nhu cầu sử dụng đất.
Bốn là, vấn đề xác định đất đai là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986, năm 2000. Theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân gia đình năm 1959 “vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Theo Điều 16 Luật Hôn nhân gia đình năm 1986, Điều 32 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000: “vợ hoặc chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người đó có quyền nhập hay không nhập vào tài sản chung vợ chồng”.
Như vậy, chế định về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986 và 2000 có sự khác nhau. Vấn đề là vợ chồng kết hôn khi Luật Hôn nhân và gia đình năm năm 1959 đang có hiệu lực, nhưng họ ly hôn sau ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực thì có xác định tài sản riêng của vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn là tài sản chung của vợ, chồng hay không. Đây là vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau khi giải quyết các vụ án tranh chấp tài sản khi ly hôn.
Năm là, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất: trước ngày 15-10-1993 thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống quản lý; đất đai chưa được thừa nhận là di sản thừa kế. Kể từ khi Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực thì đất đai mới được coi là di sản thừa kế; nhưng trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 15-10-1993 mà đến nay mới xảy ra tranh chấp thì có coi đất này là di sản thừa kế hay không. Mặt khác, đối với trường hợp người có quyền sử dụng đất chết trước ngày 15-10-1993 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế (10 năm) được tính từ ngày mở thừa kế hay là từ ngày 15-10-1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực). Đây cũng là một vướng mắc trong thực tiễn cần được giải thích, hướng dẫn.
Sáu là: giấy tờ, tài liệu chứng minh người có quyền sử dụng đất qua nhiều thời kỳ, không thể hiện rõ diện tích, ranh giới, trong khi đó việc quản lý nhà nước về đất đai qua nhiều thời kỳ chưa tốt, việc quản lý hồ sơ, tài liệu địa chính đối với từng thửa đất chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn cho Tòa án khi xem xét, đánh giá các tài liệu do đương sự hoặc do cơ quan Nhà nước cung cấp để giải quyết vụ án.
4.2 Một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp đất đai:
Một là: theo quy định tại điều 135 khoản 2 Luật Đất đai: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải dợc thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phương, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên mặt trận, các tổ chức khác để hòa giải tranh chấp đất đai. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn”; theo quy định tại Điều 136 Luật đất đai: “tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau: tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử đụng dất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại cách khoản 1, 2, 5 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết…”; theo quy định theo khoản 2 Điều 166 Bộ luật tố tụng dân sự quy định “ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi”.
Như vậy, giai đoạn Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện hòa giải không được tính vào thời hiệu khởi kiện, dẫn đến nhiều trường hợp sau khi tiến hành hoà giải ở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không thành, đương sự gửi đơn đến Tòa án thì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, làm thiệt hai quyền lợi chính đáng của đương sự.
Hai là, pháp luật tố tụng dân sự quy định: theo yêu cầu của Tòa án, các cơ quan, tổ chức… đang lưu giữ, quản lý tài liệu chứng cứ có trách nhiệm cung cấp cho Tòa án; nhưng trong thực tế nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức có liên quan không cung cấp hoặc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Mặt khác, có cơ quan chuyên môn trong việc định giá, giám định đã không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Tòa án, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp đất đai.
Ba là, Điều 46 Luật khiếu nại tố cáo (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004) cho phép người khiếu nại được quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc khiếu nại không được giải quyết. Trong khi đó, Điều 138 Luật đất đai năm 2003 quy định: trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà tiếp tục khiếu nại thì quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cũng không quy định cho đương sự được quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai. Việc quy định của Luật đất đai và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính nói trên đã làm hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của công dân, làm phát sinh khiếu nại bức xúc.
Bốn là: thông qua việc giải quyết tranh chấp đất đai cho thấy có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, làm cơ sở để tham mưu, kiến nghị với Nhà nước về lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai cũng như cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Tuy nhiên, ngành Tòa án nhân dân không đủ kinh phí, nhân lực để thực hiện công việc này.
4.3 Hoạt động hướng dẫn chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai.
Để áp dụng thống nhất pháp luật trong ngành Tòa án nhân dân về công tác giải quyết tranh chấp đất đai, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành sơ kết, tổng kết, tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ đối với công tác giải quyết tranh chấp đất đai trong phạm vi toàn ngành; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ như Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT ngày 03-01-2002 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng cục địa chính hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất; Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, trong đó liên quan đến việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất); các tòa chuyên trách, Viện Khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên ban hành các công văn trao đổi, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong từng trường hợp cụ thể; phát hành các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; xây dựng và trang bị Sổ tay Thẩm phán cho Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp.
4.4 Một số kiến nghị:
4.4.1 Kiến nghị với Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Sửa đổi quy định của Luật đất đai năm 2003 và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính về xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính cho phù hợp với Luật khiếu nại, tố cáo.
- Sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật dân sự về các vấn đề sau:
+ Quy định về việc giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất đối với trường hợp đã hết thời hiệu chia thừa kế mà các đồng thừa kế không thỏa thuận được, thực tế hiện nay người đang quản lý di sản tiếp tục quản lý nhưng không được chuyển nhượng (vì đang có tranh chấp). Đề nghị được hướng dẫn giải quyết.
+ Quy định thời hiệu khởi kiện (10 năm) đối với trường hợp người có quyền sử dụng đất chết trước ngày 15-10-1993 được tính từ ngày mở thừa kế hay từ ngày 15-10-1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực).
+ Để bảo đảm quyền lợi của đương sự, cần quy định đối với trường hợp đã gần hết thời hiệu khởi kiện nhưng chưa tiến hành thủ tục hòa giải tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Đất đai, thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết, trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ yêu cầu đương sự gửi đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiến hành thủ tục hòa giải.
+ Quy định chặt chẽ và có chế tài cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp cung cấp tài liệu, chứng cứ, thực hiện các yêu cầu giám định, định giá và các yêu cầu khác của Tòa án liên quan đến hoạt động tố tụng.
+ Sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng đáp ứng việc xem xét giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các bản án, Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng để hạn chế tình trạng khiếu nại tràn lan, không đúng pháp luật.
4.4.2 Đề nghị Nhà nước cấp kinh phí để ngành Tòa án tổ chức công tác nghiên cứu, tổng kết, qua đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước về những vấn đề quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, đổi mới cơ chế, chính sách trên lĩnh vực đất đai.v.v. nhằm đưa công tác quản lý đất đai từng bước vào nề nếp, hạn chế các tranh chấp về đất đai, góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội của đất nước.
Trên đây là nội dung trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung liên quan đến công tác của ngành Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao xin trân trọng cảm ơn các Đại biểu Quốc hội đã quan tâm và chia sẻ đối với công tác của ngành Tòa án.
Nơi nhận: | CHÁNH ÁN |
File gốc của Công văn 48/TANDTC-TK trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội do Tòa án nhân dân tối cao ban hành đang được cập nhật.
Công văn 48/TANDTC-TK trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân tối cao |
Số hiệu | 48/TANDTC-TK |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Trương Hòa Bình |
Ngày ban hành | 2010-03-17 |
Ngày hiệu lực | 2010-03-17 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |