BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3600/BTP-PLHSHC | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2006 |
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Về kiến nghị của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7023/UBND-TM ngày 25 tháng 9 năm 2006 liên quan đến thẩm quyền gia hạn thời gian ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5847/VPCP-XDPL ngày 13/10/2006 về việc trả lời kiến nghị này của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
Khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định: "Thời hạn ra quyết định xử phạt là mười ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm: hành chính có nhiều tình Tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày. Trong trường hợp xét thấy cần có thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày. Quá thời hạn nói trên, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt...".
Điều 21 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 quy định: "Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Điều 56 của Pháp lệnh được quy định như sau:
...
3. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất là 10 ngày, trước khi hết thời hạn được quy định tại Khoản 2 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản; thời gian gia hạn không quá 30 ngày".
Như vậy, người có thẩm quyền gia hạn phải là thủ trưởng trực tiếp của người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý vụ việc; thủ trưởng trực tiếp ở đây cần được hiểu theo nguyên tắc quản lý hành chính, tức là không phụ thuộc vào việc người đó có thẩm quyền xử phạt theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hay không. Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định chung là "thủ trưởng trực tiếp" mà không xác định thủ trưởng trực tiếp phải là người có thẩm quyền xử phạt. Như vậy, thủ trưởng trực tiếp của Chánh Thanh tra Sở là Giám đốc Sở, thủ trưởng trực tiếp của Cục trưởng Cục Kiểm lâm là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...v.v. Để có thể hiểu rõ ràng về vấn đề này, cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Ngày 13/10/2006, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5847/CPVP-XDPL thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phạm vi chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật tiếp tục tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trong năm 2007 và đồng thời có hướng dẫn, chỉ đạo chung, thống nhất đối với các bộ, ngành, địa phương trong cả nước để hiểu và thực hiện thống nhất quy định tại Khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Bộ Tư pháp đang tiến hành triển khai những hoạt động này theo đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên đây là ý kiến về quy định tại Khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 liên quan đến thẩm quyền gia hạn thời gian ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kính gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, tham khảo.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 3600/BTP-PLHSHC về kiến nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến thẩm quyền gia hạn thời gian ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp ban hành đang được cập nhật.
Công văn 3600/BTP-PLHSHC về kiến nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến thẩm quyền gia hạn thời gian ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Số hiệu | 3600/BTP-PLHSHC |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Đinh Trung Tụng |
Ngày ban hành | 2006-11-01 |
Ngày hiệu lực | 2006-11-01 |
Lĩnh vực | Hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |