CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2007/NQ-CP | Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2007 |
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM KIỀM CHẾ TAI NẠN GIAO THÔNG VÀ ÙN TẮC GIAO THÔNG
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, từ năm 2003 đến năm 2005 đã thực hiện được mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay tình hình trật tự an toàn giao thông lại có những diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng so với những năm trước.
Tai nạn giao thông, đặc biệt tai nạn giao thông đường bộ đã gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đang là vấn đề xã hội hết sức bức xúc, nghiêm trọng đòi hỏi Nhà nước, Chính phủ phải tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ để nhanh chóng kiềm chế tai nạn giao thông.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông tăng trong thời gian qua là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương chưa thật tập trung và chưa có trọng điểm, có lúc điều hành thiếu quyết liệt hoặc chưa liên tục; chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn thờ ơ hoặc đứng ngoài cuộc; ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông kém, nhiều người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông rất ngang nhiên mà không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm.
Để kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông, đòi hỏi phải có sự tham gia của toàn xã hội, nhất là các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chính quyền các cấp, các tổ chức, các đoàn thể và mỗi người tham gia giao thông đều phải có trách nhiệm tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chỉ có như vậy thì các quy định của pháp luật trật tự an toàn giao thông mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực.
Trên cơ sở "Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông Quốc gia đến năm 2010", Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt và liên tục các giải pháp cấp bách sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông.
a) Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự an toàn giao thông cho mọi đối tượng tham gia giao thông để mọi người tự giác chấp hành là biện pháp quan trọng hàng đầu; yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí phải đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục.
b) Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các đoàn thể, các doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các thành viên trong tổ chức của mình gương mẫu chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; phải có chương trình thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật trật tự an toàn giao thông cho mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành quy chế khen thưởng, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và không xét các danh hiệu thi đua và khen thưởng với mọi hình thức đối với những người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
- Ban hành chương trình giáo dục trật tự an toàn giao thông phù hợp trong nhà trường, tăng thời lượng giảng dạy chính khóa, các hoạt động ngoại khóa về trật tự an toàn giao thông. Thực hiện chương trình giảng dạy trật tự an toàn giao thông mới từ niên học 2008 - 2009 ở tất cả các cấp học;
- Chỉ đạo Hiệu trưởng các trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên về chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội; quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông. Từ ngày 01 tháng 9 năm 2007 kiên quyết xử lý nghiêm đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy; Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường không tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định trên.
đ) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Thanh niên Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương quy định việc phổ biến nội dung pháp luật trật tự an toàn giao thông trong các buổi sinh hoạt thường kỳ, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán các cá nhân vi phạm; nêu cao hơn nữa vai trò của Đoàn, Hội, Đội trong việc giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông.
e) Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, chỉ đạo và huy động các cơ quan thông tin, báo chí, tuyên truyền nêu cao vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân và thực hiện Nghị quyết này; cần chú ý cùng với việc phê phán những cá nhân, tổ chức, đơn vị vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông, còn phải nêu gương người tốt, việc tốt, tổ chức, đơn vị làm tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Mỗi tờ báo phải có chuyên đề tuyên truyền về an toàn giao thông.
a) Đi đôi với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trật tự an toàn giao thông phải kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm các quy định của pháp luật trật tự an toàn giao thông. Để tạo được chuyển biến tích cực về công tác này cần phải áp dụng ngay các biện pháp sau đây:
- Thực hiện đình chỉ lưu hành các phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng hình thức tạm giữ phương tiện hoặc tạm giữ đăng ký phương tiện, biển số đăng ký, sổ chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo thời hạn quy định của pháp luật hiện hành;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, không đăng kiểm an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật;
- Đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó;
- Tạm giữ mô tô, xe gắn máy 30 ngày trở lên nếu người điều khiển vi phạm một trong các quy định sau: chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông;
- Tạm giữ mô tô, xe gắn máy 90 ngày không phân biệt sở hữu đối với trường hợp học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi hoặc không có Giấy phép lái xe điều khiển mô tô, xe gắn máy.
b) Lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phải xử lý công khai và đúng pháp luật, không phân biệt người vi phạm đi bộ, đi xe đạp, đi mô tô hay lái ô tô; người có thẩm quyền xử lý vi phạm mà cố tình không xử lý sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
c) Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án "Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sớm trình Chính phủ Đề án "Tăng cường biên chế, trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy"; từng bước áp dụng công nghệ mới trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giám sát việc chống tiêu cực trong lực lượng cảnh sát; bất kỳ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nào có hành vi tiêu cực đều bị xử lý kỷ luật, nếu hành vi nhận hối lộ, hành vi vi phạm pháp luật đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có chế độ khen thưởng kịp thời những cán bộ chiến sĩ mẫn cán và hoàn thành nhiệm vụ, kỷ luật thích đáng cán bộ, chiến sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm.
d) Trong quý I năm 2008, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ Đề án "Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải".
3. Về kết cấu hạ tầng giao thông
a) Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức giải tỏa dứt điểm trước ngày 30 tháng 3 năm 2009 các trường hợp lấn chiếm đất hành lang an toàn giao thông đường bộ các quốc lộ trên địa bàn trong phạm vi đã được đền bù, xử lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chịu trách nhiệm về việc cưỡng chế, phá dỡ các công trình trái phép trên hành lang an toàn quốc lộ; xử lý kỷ luật Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nếu để tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; những trường hợp cố tình vi phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Trong năm 2008 hoàn thành việc quy hoạch hệ thống đường gom ngoài hành lang an toàn hệ thống quốc lộ và thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải các vị trí đấu nối vào hệ thống quốc lộ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đến năm 2010;
- Tổ chức phân làn riêng cho mô tô, gắn máy trên những tuyến đường, tuyến phố đủ điều kiện để khắc phục tình trạng lưu thông hỗn hợp;
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp ngăn chặn việc mở đường ngang trái phép vượt qua đường sắt, đồng thời xóa bỏ khoảng 50% số đường ngang trái phép trong năm 2009; giải tỏa công trình vi phạm hoặc các vật cản khác làm hạn chế tầm nhìn của người lái tầu.
b) Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:
- Tổ chức thống kê, phân loại và xử lý các đường đấu nối trái phép vào hệ thống quốc lộ; xoá bỏ khoảng 50% số đường đấu nối trái phép trước ngày 30 tháng 3 năm 2009; tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng đấu nối trái phép trước năm 2011;
- Hoàn thành việc cải tạo các “điểm đen” về tai nạn giao thông đã phát hiện trên hệ thống quốc lộ trước ngày 30 tháng 11 năm 2007. Từ năm 2008 những “điểm đen” về tai nạn giao thông được phát hiện phải xử lý xong trong khoảng 90 ngày kể từ ngày hoàn tất hồ sơ;
- Hết quý II năm 2008 phải hoàn thành việc bổ sung đầy đủ các công trình phụ trợ phòng ngừa và hạn chế thiệt hại do tai nạn giao thông tại các khu vực đèo, dốc nguy hiểm trên hệ thống quốc lộ;
- Rà soát, phân loại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt để thiết lập đường ngang có phòng vệ phù hợp với quy định hiện hành; xây dựng rào chắn ngăn cách quốc lộ với đường sắt ở những đoạn quốc lộ chạy sát đường sắt; đến năm 2010 xây dựng xong hàng rào ngăn cách đường sắt với các khu dân cư;
- Bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu, gờ giảm tốc và các điều kiện cảnh báo khác tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt chưa đủ tiêu chuẩn xây dựng gác chắn hoặc cảnh báo tự động;
- Quy định khi xây dựng mới quốc lộ, các tuyến phố mới phải tổ chức phân làn riêng cho xe mô tô, xe gắn máy, lắp đặt các hệ thống giám sát an toàn.
c) Bộ Công an chỉ đạo việc xử lý nghiêm minh đối với cá nhân có hành vi xâm hại công trình giao thông, cản trở giao thông, nếu hành vi xâm hại công trình giao thông, cản trở giao thông có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
4. Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông vận tải.
a) Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp quy định việc đăng ký, cấp biển số cho phương tiện cơ giới của thương binh và người khuyết tật; thu hồi biển số đăng ký của phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ các bến đò khách, đò chở khách trên địa bàn quản lý; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò, các đò không đủ tiêu chuẩn an toàn, thiếu trang bị cứu sinh theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để xẩy ra tai nạn giao thông do bến đò hoặc đò không đủ các điều kiện an toàn sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị cách chức, bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
c) Bộ Tài chính xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu việc tăng lệ phí trước bạ, tăng lệ phí đăng ký mô tô và xe gắn máy ở các thành phố lớn.
d) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh quy định việc cấm mô tô và xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị.
đ) Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp tăng cường chất lượng công tác kiểm định an toàn kỹ thuật đối với phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy, chú trọng việc nâng cao chất lượng kỹ thuật của phương tiện thuỷ nội địa đang lưu hành; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn bay nhằm hạn chế phát sinh các vụ việc gây ra chậm chuyến bay hoặc phải huỷ chuyến bay.
5. Giải pháp đối với người điều khiển phương tiện.
a) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra chất lượng đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; thu hồi có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn Giấy phép những cơ sở đào tạo lái xe không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc bị phát hiện có tiêu cực, cắt giảm chương trình đào tạo lái xe.
b) Bộ Giao thông vận tải ban hành các quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác sát hạch, hoàn thiện các thủ tục cấp, đổi Giấy phép lái xe theo hướng đơn giản về thủ tục nhưng vẫn quản lý chặt chẽ; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các hành vi tiêu cực, có thể xử lý đến mức buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực trong lĩnh vực này, lãnh đạo của đơn vị có hành vi tiêu cực phải chịu trách nhiệm liên đới; quy định về tiêu chuẩn tay nghề đối với lái xe khách chuyên nghiệp, lái taxi, lái xe tải đường dài.
c) Thực hiện việc bắt buộc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ trước khi nhận lại Giấy phép lái xe đối với những lái xe vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông đến mức bị tạm giữ Giấy phép lái xe từ 60 ngày trở lên; thu hồi không thời hạn Giấy phép lái xe của lái xe khách chuyên nghiệp các loại D, E để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng hoặc chở khách quá 100% số khách quy định.
d) Thu hồi không thời hạn Giấy phép lái xe của những lái xe nghiện ma túy.
đ) Trong năm 2007, Bộ Y tế bổ sung, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển từng loại phương tiện cơ giới, quy định hình thức kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ sức khỏe của lái xe thay thế các quy định hiện hành không còn phù hợp.
6. Giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
a) Từ ngày 15 tháng 9 năm 2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên các quốc lộ bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
b) Từ ngày 15 tháng 12 năm 2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
c) Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định hướng dẫn tổ chức hoạt động cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ bảo đảm ứng cứu kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.
d) Bộ Y tế ban hành quy định việc thành lập các trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên các quốc lộ trọng điểm với khoảng cách giữa các trạm hợp lý và theo quy định; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cấp cứu tai nạn giao thông cho các đối tượng liên quan đến cứu hộ, cứu nạn và giải quyết tai nạn giao thông.
đ) Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định mức phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có tăng hoặc giảm tuỳ theo mức độ tai nạn của mỗi chủ xe nhằm khuyến khích việc ngăn ngừa tai nạn đối với chủ xe và lái xe; đồng thời tiếp tục đổi mới các thủ tục tham gia bảo hiểm và điều kiện bồi thường thiệt hại; nghiên cứu nâng mức phí bảo hiểm bắt buộc để mức bồi thường bảo hiểm có thể bù đắp được thiệt hại; hướng dẫn sử dụng một phần kinh phí từ nguồn bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để đầu tư lại cho công tác phòng ngừa tai nạn giao thông.
e) Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính quy định chế độ phối hợp giữa cơ quan công an với cơ quan bảo hiểm công tác giám sát và kiểm tra các chủ xe cơ giới; xử lý nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe vi phạm chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
7. Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước
a) Trong năm 2007, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trình Chính phủ phương án kiện toàn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông ở địa phương theo hướng nâng cao trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức phối hợp và tính chuyên nghiệp của bộ máy này.
b) Bộ Giao thông vận tải xây dựng và trình Chính phủ trong năm 2007 phương án kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn giao thông của Bộ và các Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính).
a) Chính phủ đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo các cấp ủy Đảng kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua, xây dựng kế hoạch lãnh đạo của các cấp ủy Đảng mạnh mẽ hơn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các Bộ trong việc triển khai các giải pháp mạnh nêu trên.
d) Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông quốc gia đến năm 2010, các Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; hàng quý tổ chức giao ban với các Bộ, các địa phương theo khu vực nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết này ở từng ngành, từng địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những kết quả đạt được.
9. Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
File gốc của Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành. đang được cập nhật.
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành.
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Số hiệu | 32/2007/NQ-CP |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành | 2007-06-29 |
Ngày hiệu lực | 2007-08-01 |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
Tình trạng | Còn hiệu lực |