Skip to content
  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • English
Dữ Liệu Pháp LuậtDữ Liệu Pháp Luật
    • Văn bản mới
    • Chính sách mới
    • Tin văn bản
    • Kiến thức luật
    • Biểu mẫu
  • -
Trang chủ » Văn bản pháp luật » Giao thông - Vận tải » Nghị định 94/2007/NĐ-CP
  • Nội dung
  • Bản gốc
  • VB liên quan
  • Tải xuống

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 Số: 94/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2007

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BAY

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức, sử dụng vùng trời; cấp phép bay; phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự; quản lý hoạt động bay đặc biệt.

2. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc tổ chức, sử dụng vùng trời; cấp phép bay; phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự; quản lý hoạt động bay đặc biệt.

Chương 2:

TỔ CHỨC, SỬ DỤNG VÙNG TRỜI

Điều 2. Tổ chức vùng trời phục vụ hoạt động bay dân dụng

1. Vùng trời Việt Nam phục vụ cho hoạt động bay dân dụng gồm có:

a) Vùng trời sân bay dân dụng, sân bay dùng chung;

b) Đường hàng không;

c) Khu vực phục vụ cho hoạt động hàng không chung;

d) Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hoá dành cho tàu bay dân dụng.

2. Phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý.

Điều 3. Đường hàng không

1. Đường hàng không bao gồm đường hàng không quốc tế, đường hàng không nội địa, được thiết lập trên cơ sở sau đây:

a) Nhu cầu giao lưu hàng không quốc tế;

b) Yêu cầu hoạt động bay nội địa;

c) Yêu cầu, khả năng cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không;

d) Yêu cầu, khả năng quản lý và bảo vệ vùng trời; bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;

đ) Phù hợp quy hoạch phát triển ngành hàng không dân dụng Việt Nam và kế hoạch không vận của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. 

2. Đường hàng không nội địa là đường hàng không có điểm đầu và điểm cuối nằm trong lãnh thổ Việt Nam; chiều rộng là 20 km, trong trường hợp đặc biệt đến 30 km; giới hạn thấp là độ cao bay an toàn thấp nhất. Đường hàng không nội địa được ký hiệu bằng chữ W và đánh số thứ tự bằng chữ số Ả Rập.

3. Đường hàng không quốc tế là đường hàng không trong vùng trời Việt Nam có chiều rộng là 30 km, trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý là 90 km; giới hạn thấp là độ cao bay an toàn thấp nhất. Đường hàng không quốc tế được ký hiệu bằng chữ A, B, G, L, M, N, P, R và đánh số bằng chữ số Ả Rập.

Điều 4. Thiết lập, điều chỉnh, huỷ bỏ, công bố đường hàng không

1. Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thiết lập, điều chỉnh, huỷ bỏ đường hàng không nội địa sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

2. Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với Bộ Quốc phòng về việc thiết lập, huỷ bỏ đường hàng không quốc tế, thoả thuận với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng xác định các thông số của đường hàng không; thông báo cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, các tổ chức, cá nhân liên quan và công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) về đường hàng không.

Điều 5. Nguyên tắc sử dụng đường hàng không

1. Đường hàng không quốc tế được sử dụng cho chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa. Đường hàng không nội địa được sử dụng cho chuyến bay nội địa.

2. Việc sử dụng thường xuyên đường hàng không nội địa cho các chuyến bay quốc tế khi có nhu cầu phải được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan cấp phép bay cho phép từng chuyến bay quốc tế sử dụng đường hàng không nội địa sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng.

Điều 6. Vùng trời sân bay

1. Vùng trời sân bay là vùng trời trên sân bay, phục vụ cho tàu bay cất cánh, hạ cánh, bay chờ trên sân bay. Vùng trời sân bay có giới hạn ngang và giới hạn cao phù hợp với đặc điểm của từng sân bay.

2. Vùng trời sân bay được thiết lập trên cơ sở các yếu tố sau đây:

a) Bảo đảm an toàn cho hoạt động bay ở trong và xung quanh khu vực sân bay;

b) Nhu cầu cất cánh, hạ cánh của các loại tàu bay khai thác;

c) Trang bị, thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát.

3. Giới hạn vùng trời sân bay của từng sân bay cụ thể được xác định tại Quy chế bay trong khu vực sân bay theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Điều 7. Thiết lập, điều chỉnh, huỷ bỏ, công bố khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay

1. Nhằm mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thiết lập, điều chỉnh, huỷ bỏ khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.

2. Trong trường hợp quyết định cấm bay hoặc hạn chế bay tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu thông báo ngay cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn bay; trường hợp xuất hiện tình huống trên không uy hiếp đến an ninh quốc gia, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân thực hiện xử lý, thông báo cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không và các đơn vị liên quan để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn bay và báo cáo ngay về Bộ Tổng Tham mưu; các quyết định trên có hiệu lực thi hành ngay.

3. Cục Hàng không Việt Nam thông báo cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, các cơ quan, đơn vị có liên quan và công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) về khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đã được thiết lập, huỷ bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không thông báo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị có liên quan; cơ sở cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không phát Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) phù hợp về khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đã được thiết lập, huỷ bỏ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 8. Xác định và công bố khu vực nguy hiểm

1. Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng xác định và thông báo cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không về khu vực nguy hiểm tối thiểu hai mươi bốn (24) giờ trước khi có hoạt động gây nguy hiểm cho hoạt động bay dân dụng; trong trường hợp khẩn cấp xảy ra tác chiến phòng không, các trung tâm quản lý điều hành bay của Quân chủng Phòng không - không quân phải thông báo ngay cho doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không để thông báo đến tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Thông báo của Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, các trung tâm quản lý điều hành bay của Quân chủng Phòng không - không quân về khu vực nguy hiểm bao gồm các thông tin sau đây:

a) Vị trí xác định theo hệ toạ độ VN 2000 hoặc WGS-84;

b) Giới hạn ngang, giới hạn cao;

c) Thời gian có hiệu lực của khu vực nguy hiểm;

d) Hoạt động gây nguy hiểm;

đ) Cảnh báo đối với hoạt động bay;

e) Những thông tin phải bảo đảm bí mật an ninh quốc gia (nếu có).

3. Doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không thông báo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan; cơ sở cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không phát Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) phù hợp về khu vực nguy hiểm đã được thiết lập quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 9. Khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung

1. Khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung được xác định cho từng loại hình khai thác, có giới hạn ngang, giới hạn cao; có quy tắc, phương thức bay và các yêu cầu về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. 

2. Căn cứ vào nhu cầu khai thác, Bộ Quốc phòng quyết định thiết lập khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 10. Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay

1. Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hoá hoặc các đồ vật khác từ tàu bay được thiết lập cho từng sân bay có hoạt động bay dân dụng, có giới hạn ngang, giới hạn cao được quy định tại Quy chế bay trong khu vực sân bay theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

2. Việc thiết lập khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường cho người, tài sản, công trình ở mặt đất.

3. Cục Hàng không Việt Nam công bố khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hoá hoặc các đồ vật khác từ tàu bay.

Điều 11. Khu vực trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu

1. Khu vực trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu là khu vực kiểm soát trên không, mặt đất, bao gồm khu vực kiểm soát mặt đất, khu vực kiểm soát tại sân bay, khu vực kiểm soát tiếp cận, khu vực kiểm soát đường dài và khu vực tư vấn không lưu.

2. Khu vực trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có giới hạn ngang, giới hạn cao và được xác định trên cơ sở các yếu tố sau đây:

a) Bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin cho tàu bay hoạt động;

b) Kiểu loại và mật độ hoạt động bay;

c) Đặc điểm địa hình và điều kiện khí tượng khu vực;

d) Hoạt động của các đơn vị, cơ sở điều hành bay hàng không và quân sự.

3. Căn cứ vào chất lượng cung cấp dịch vụ không lưu và loại quy tắc bay, khu vực trách nhiệm kiểm soát trên không của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu được phân loại như sau:

a) Vùng trời không lưu loại A là vùng trời chỉ cho phép thực hiện chuyến bay theo quy tắc bay bằng thiết bị (sau đây gọi chung là chuyến bay IFR); các chuyến bay được cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu và phân cách với nhau;

b) Vùng trời không lưu loại B là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và theo quy tắc bay bằng mắt (sau đây gọi chung là chuyến bay VFR); các chuyến bay được cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu và phân cách với nhau;

c) Vùng trời không lưu loại C là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu; chuyến bay IFR được phân cách với chuyến bay IFR khác và chuyến bay VFR; chuyến bay VFR được phân cách với chuyến bay IFR và được thông báo tin tức về chuyến bay VFR khác;

d) Vùng trời không lưu loại D là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu; chuyến bay IFR được phân cách với chuyến bay IFR khác và được thông báo về chuyến bay VFR; chuyến bay VFR nhận được thông báo về các chuyến bay khác;

đ) Vùng trời không lưu loại E là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; chuyến bay IFR được cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu và phân cách với chuyến bay IFR khác; các chuyến bay được thông báo về  hoạt động bay tuỳ theo điều kiện thực tế cho phép; vùng trời không lưu loại E không được sử dụng như là khu vực trách nhiệm kiểm soát;

e) Vùng trời không lưu loại F là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay IFR được phân cách nếu điều kiện thực tế cho phép và các chuyến bay nhận được dịch vụ thông báo bay nếu có yêu cầu;

g) Vùng trời không lưu loại G là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR và được cung cấp dịch vụ thông báo bay nếu có yêu cầu.

4. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xác định phạm vi, giới hạn ngang, giới hạn cao và công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) các khu vực trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu sau khi có ý kiến thống nhất của Quân chủng Phòng không - không quân.

Điều 12. Phương thức bay

1. Phương thức bay bao gồm phương thức cất cánh, tiếp cận, hạ cánh, bay chờ, bay trên vùng trời sân bay.

2. Việc xây dựng phương thức bay phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:

a) Kết cấu hạ tầng của sân bay;

b) Trang bị, thiết bị dẫn đường, giám sát;

c) Địa hình sân bay, chướng ngại vật quanh sân bay;

d) Mật độ hoạt động của tàu bay;

đ) Khu vực cấm bay, khu khu vực nguy hiểm, khu chờ tác chiến phòng không, khu vực hoạt động của không quân.

3. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam quy định phương thức bay cho  hoạt động bay dân dụng tại sân bay dân dụng và thông báo cho Quân chủng Phòng không - không quân; quy định phương thức bay cho hoạt động bay dân dụng tại sân bay dùng chung sau khi có ý kiến thống nhất của Quân chủng Phòng không - không quân.

4. Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân quy định phương thức bay cho hoạt động bay quân sự tại sân bay dùng chung sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Hàng không Việt Nam.

Điều 13. Quy chế bay trong khu vực sân bay

1. Quy chế bay trong khu vực sân bay bao gồm các nội dung sau đây:

a) Nguyên tắc chung;

b) Thuyết minh sân bay;

c) Khu vực sân bay;

d) Bảo đảm phương tiện thông tin, kỹ thuật vô tuyến và chiếu sáng;

đ) Bảo đảm khí tượng và thông báo hoạt động của chim;

e) Điều hành bay;

g) Thực hành bay;

h) Quy tắc phục hồi định hướng trong khu vực sân bay;

i) Công tác tìm kiếm, cứu nạn và khẩn nguy sân bay;

k) Các phụ lục liên quan.

2. Thẩm quyền ban hành Quy chế bay trong khu vực sân bay

a) Quy chế bay trong khu vực sân bay dân dụng của cảng hàng không nội địa do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành và thông báo cho Quân chủng Phòng không - không quân;

b) Quy chế bay trong khu vực sân bay dân dụng của cảng hàng không quốc tế do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Quân chủng Phòng không - không quân;

c) Quy chế bay trong khu vực sân bay dùng chung của cảng hàng không nội địa do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân;

d) Quy chế bay trong khu vực sân bay dùng chung của cảng hàng không quốc tế do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân đồng trình Tổng Tham mưu trưởng ban hành.

Điều 14. Sử dụng sân bay dự bị

1. Sân bay dự bị là sân bay mà một tàu bay có thể đến, hạ cánh khi không thể hoặc không nên đến, hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh, bao gồm:

a) Sân bay dự bị cất cánh là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh khi cần thiết ngay sau khi cất cánh và không thể sử dụng sân bay cất cánh;

b) Sân bay dự bị trên đường bay là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh sau khi gặp tình huống khẩn nguy hoặc bất thường trong quá trình bay đường dài;

c) Sân bay dự bị hạ cánh là sân bay mà tàu bay có thể đến khi không thể hoặc không nên hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh.

2. Sân bay dự bị phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu về đường cất hạ cánh, đường lăn, vị trí đỗ, hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và các dịch vụ cần thiết khác.

3. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam quyết định danh mục sân bay dự bị phục vụ cho hoạt động bay dân dụng sau khi có ý kiến thống nhất với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng.

4. Cục Hàng không Việt Nam công bố sân bay dự bị cho các chuyến bay quốc tế trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP); sân bay dự bị cho các chuyến bay nội địa trong Quy chế bay trong khu vực sân bay.

Chương 3:

CẤP PHÉP BAY

Điều 15. Thẩm quyền cấp, sửa đổi, huỷ bỏ phép bay

1. Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cấp, sửa đổi, huỷ bỏ phép bay cho các chuyến bay quy định tại điểm a khoản 2 Điều 81 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;

2. Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng cấp, sửa đổi, huỷ bỏ phép bay cho các chuyến bay quy định tại điểm b khoản 2 Điều 81 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

3. Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, huỷ bỏ phép bay cho các chuyến bay quy định tại điểm c khoản 2 Điều 81 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, trong đó các chuyến bay sau đây chỉ được cấp phép sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng:

a) Chuyến bay hạ cánh, cất cánh tại sân bay quân sự;

b) Chuyến bay vận chuyển quân nhân, vũ khí, dụng cụ chiến tranh;

c) Chuyến bay thực hiện trong khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay và khu vực nguy hiểm;

d) Chuyến bay bằng tàu bay trực thăng;

đ) Chuyến bay thực hiện trong vùng trời Việt Nam nhưng ngoài đường hàng không, ngoài khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung, ngoài vùng trời sân bay;

e) Chuyến bay của tàu bay công vụ nước ngoài;

g) Chuyến bay quốc tế sử dụng đường hàng không nội địa quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này;

h) Chuyến bay bằng khí cầu có người lái; 

i) Chuyến bay thực hiện hoạt động bay đặc biệt.

4. Đối với chuyến bay chở chất thải hạt nhân, việc cấp phép bay chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép.

5. Vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính hoặc trong trường hợp cấp thiết, Cục Hàng không Việt Nam có thể uỷ quyền cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu cấp, sửa đổi, huỷ bỏ phép bay cho các chuyến bay sau đây:

a) Chuyến bay chuyên chở thợ máy, động cơ, trang bị, thiết bị phục vụ, sửa chữa tàu bay hỏng hóc hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện của tàu bay bị hỏng hóc;

b) Chuyến bay tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, y tế, cứu hộ;

c) Chuyến bay nội địa chuyển sân; chuyến bay kiểm tra kỹ thuật;

d) Chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam;

đ) Sửa đổi các nội dung sau đây của phép bay: đường hàng không, điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam; thay đổi tàu bay vì lý do phi thương mại; thay đổi tàu bay vì lý do thương mại đối với chuyến bay nội địa; thay đổi sân bay cất cánh, hạ cánh ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam.

6. Kiểm soát viên không lưu đang trực tiếp điều hành chuyến bay có quyền cấp hiệu lệnh phù hợp cho tàu bay để thực hiện hoạt động bay bảo đảm an toàn bay.

7. Các cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm thông báo công khai địa chỉ cấp phép bay.

Điều 16. Đơn đề nghị cấp phép bay và các tài liệu liên quan

1. Người khai thác tàu bay, người vận chuyển hoặc người được ủy quyền (sau đây gọi chung là người đề nghị cấp phép bay) gửi đơn đề nghị cấp phép bay đến cơ quan cấp phép bay quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 Nghị định này.

2. Đơn đề nghị cấp phép bay bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;

b) Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký, quốc tịch tàu bay và trọng lượng cất cánh tối đa;

c) Hành trình bay hoặc khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung;

d) Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam;

đ) Ngày thực hiện chuyến bay; thời gian dự kiến cất cánh, hạ cánh hoặc thời gian dự kiến bay qua điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);

e) Mục đích của chuyến bay;

g) Số lượng ghế và trọng tải cung ứng.

3. Đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung, người đề nghị cấp phép bay phải nộp sơ đồ bay kèm theo đơn đề nghị cấp phép bay.

4. Đơn đề nghị cấp phép bay đối với khí cầu bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:

a) Sân bay cất cánh, hạ cánh hoặc vị trí thả khí cầu (toạ độ VN 2000 hoặc WGS-84);

b) Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);

c) Độ cao tối đa;

d) Đường bay, hướng bay của khí cầu;

đ) Đặc điểm nhận dạng;

e) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;

g) Những điểm lưu ý khác.

5. Người đề nghị cấp phép bay tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin, tài liệu của chuyến bay.

Điều  17. Thời hạn nộp đơn đề nghị, thời hạn cấp, sửa đổi phép bay

1. Chậm nhất ba mươi (30) ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với các trường hợp sau đây:

a) Chuyến bay quốc tế thường lệ đến và đi từ lãnh thổ Việt Nam;

b) Chuyến bay quốc tế thường lệ qua vùng trời Việt Nam;

c) Chuyến bay nội địa thường lệ.

2. Chậm nhất mười (10) ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với với các trường hợp sau đây:

a) Chuyến bay thử nghiệm, biểu diễn, thao diễn;

b) Chuyến bay phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh tế quốc dân, hoạt động văn hóa, thể thao;

c) Chuyến bay của tàu bay quân sự nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.

3. Chậm nhất bảy (07) ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với với các trường hợp sau đây:

a) Chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho các chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ khác của nước ngoài và các chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó;

b) Chuyến bay quốc tế thuê chuyến, tăng chuyến đến và đi từ Việt Nam;

c) Chuyến bay của tàu bay công vụ nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Chậm nhất ba (03) ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với các trường hợp sau đây:

a) Chuyến bay không thường lệ qua vùng trời Việt Nam hoặc hạ cánh kỹ thuật tại Việt Nam;

b) Chuyến bay được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

c) Chuyến bay được thực hiện theo hợp đồng thuê, mua, bán tàu bay;

d) Chuyến bay chuyển sân bay quốc tế;

đ) Chuyến bay phục vụ nhu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

e) Chuyến bay vì mục đích nhân đạo;

g) Chuyến bay hoạt động hàng không chung khác.

5. Chậm nhất hai mươi bốn (24) giờ trước giờ dự kiến thực hiện chuyến bay đối với chuyến bay quy định tại điểm c khoản 5 Điều 15 Nghị định này.

6. Không áp dụng thời hạn đối với các trường hợp sau đây:

a) Chuyến bay trong tình thế cấp thiết;

b) Chuyến bay quy định tại các điểm a, b, d khoản 5 Điều 15 Nghị định này;

c) Sửa đổi phép bay quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 15 Nghị định này.

7. Thời hạn nộp đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay đối với chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay hộ tống, tiền trạm, thực hiện theo quy định về bảo đảm chuyên cơ.

8. Cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm xem xét, thông báo phép bay cho người nộp đơn đề nghị trong thời hạn sau đây:

a) Mười lăm (15) ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Bảy (07) ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Năm (05) ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;

đ) Mười hai (12) giờ, kể từ thời điểm nhận đơn đề nghị đối với trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này;

e) Cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm trả lời ngay cho người nộp đơn đề nghị đối với trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này.

9. Trong trường hợp đơn đề nghị cấp phép bay được nộp không đúng thời hạn, cơ quan cấp phép bay xem xét các yếu tố như: lý do gửi đơn chậm, tính chất, sự cần thiết của chuyến bay và các vấn đề liên quan khác để quyết định cấp hoặc từ chối cấp phép bay.

10. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn, đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không đối với hãng hàng không trước khi cấp phép bay cho chuyến bay vận chuyển hàng không đến và đi từ Việt Nam; trong trường hợp cần thiết, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá năng lực giám sát an toàn hàng không, bảo đảm an ninh hàng không của nhà chức trách hàng không của hãng hàng không nước ngoài. Người đề nghị cấp phép bay phải nộp kèm theo đơn đề nghị cấp phép bay các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam phục vụ cho việc đánh giá.

Điều 18. Nội dung phép bay

1. Nội dung phép bay bao gồm:

a) Tên, địa chỉ của người được cấp phép bay; tên, địa chỉ của người khai thác tàu bay;

b) Số phép bay được cấp;

c) Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký và quốc tịch của tàu bay;

d) Hành trình bay hoặc khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung;

đ) Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam;

e) Thời gian dự kiến cất, hạ cánh hoặc thời gian dự kiến bay qua các điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);

g) Mục đích của chuyến bay;

h) Giá trị thời gian thực hiện của phép bay;

i) Việc chỉ định cơ quan điều hành bay (nếu cần thiết);

k) Các quy định khác của phép bay.

2. Phép bay đối với khí cầu bao gồm các nội dung quy định tại khoản 1  Điều này và các nội dung sau đây:

a) Sân bay cất cánh, hạ cánh hoặc vị trí thả khí cầu (toạ độ VN 2000 hoặc WGS-84);

b) Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);

c) Độ cao tối đa;

d) Đường bay, hướng bay của khí cầu;

đ) Đặc điểm nhận dạng;

e) Trang thiết bị thông tin liên lạc;

g) Những điểm lưu ý khác.

Điều 19. Hiệu lực của phép bay

1. Thời gian thực hiện của từng chuyến bay được xác định theo nội dung phép bay đã cấp.

2. Phép bay cho chuyến bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam có giá trị hiệu lực từ một (01) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến hai mươi bốn (24) giờ sau giờ dự kiến hạ cánh ghi trong phép bay.

3. Phép bay cho chuyến bay cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam có giá trị thực hiện trong phạm vi thời gian hai mươi bốn (24) giờ, kể từ giờ dự kiến cất cánh ghi trong phép bay. Trong trường hợp có yêu cầu cất cánh sớm không quá một (01) giờ so với giờ dự kiến cất cánh ghi trong phép bay, chuyến bay chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và Trung tâm quản lý điều hành bay của Quân chủng Phòng không - không quân.

4. Phép bay cho chuyến bay qua vùng trời Việt Nam có giá trị thực hiện trong phạm vi thời gian từ một (01) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến bảy mươi hai (72) giờ sau giờ dự kiến ghi trong phép bay.

Điều 20. Sửa đổi, huỷ bỏ phép bay

1. Cơ quan cấp phép bay có thể huỷ bỏ phép bay vì lý do sau đây:

a) An ninh, quốc phòng;

b) An toàn của chuyến bay;

c) Trật tự và lợi ích công cộng;

d) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước;

đ) Theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

e) Người đề nghị cấp phép bay cung cấp thông tin không trung thực hoặc có những hành vi lừa dối khác.

2. Khi muốn thay đổi nội dung phép bay đã được cấp, người đề nghị cấp phép bay nộp đơn đề nghị sửa đổi phép bay đến cơ quan cấp phép bay.

3. Người đề nghị cấp phép bay phải thông báo cho cơ quan cấp phép bay trước thời hạn dự kiến thực hiện chuyến bay trong trường hợp huỷ chuyến bay đã được cấp phép.

Điều 21. Gửi phép bay

1. Cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm gửi phép bay đã cấp, sửa đổi hoặc huỷ bỏ  cho người đề nghị cấp phép bay và Trung tâm quản lý điều hành bay quốc gia.

2. Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao có trách nhiệm gửi phép bay đã cấp, sửa đổi hoặc huỷ bỏ cho Cục Hàng không Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu.

3. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm gửi phép bay đã cấp, sửa đổi hoặc huỷ bỏ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu và Cảng vụ hàng không liên quan.

Điều 22. Thủ tục nhận thông báo bay đối với chuyến bay qua, bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý

1. Người khai thác tàu bay, người vận chuyển hoặc người được ủy quyền  đối với chuyến bay qua, bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý (sau đây gọi là người gửi thông báo bay), gửi yêu cầu được cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu trong thời hạn sau đây:

a) Ba mươi (30) ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với chuyến bay thường lệ;

b) Một (01) giờ trước giờ dự kiến thực hiện chuyến bay đối với chuyến bay không thường lệ.

2. Thông báo bay bao gồm các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;

b) Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký, quốc tịch tàu bay và trọng lượng cất cánh tối đa;

c) Hành trình bay hoặc khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung;

d) Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra phần vùng thông báo bay;

đ) Ngày thực hiện chuyến bay; thời gian dự kiến bay qua điểm bay vào, bay ra phần vùng thông báo bay (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);

e) Mục đích của chuyến bay.

3. Đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung, người khai thác tàu bay phải nộp sơ đồ bay kèm theo thông báo bay.

4. Thông báo bay đối với khí cầu bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:

a) Vị trí thả khí cầu toạ độ VN 2000 hoặc WGS-84;

b) Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);

c) Độ cao tối đa;

d) Đường bay, hướng bay của khí cầu;

đ) Đặc điểm nhận dạng;

e) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;

g) Những điểm lưu ý khác.

5. Người gửi thông báo bay tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin, tài liệu của chuyến bay.

6. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu có trách nhiệm xem xét và thông báo việc chấp thuận cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho người gửi thông báo bay.

Điều 23. Lập và thực hiện kế hoạch hoạt động bay

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu lập kế hoạch hoạt động bay dân dụng theo mùa, theo ngày và gửi cho Trung tâm quản lý điều hành bay quốc gia.

2. Trung tâm quản lý điều hành bay quốc gia tổng hợp kế hoạch hoạt động bay chung trong cả nước và triển khai đến các đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay thuộc Bộ Quốc phòng; thực hiện quản lý, điều hành kế hoạch hoạt động bay chung trong cả nước; gửi kế hoạch hoạt động bay quân sự liên quan đến hoạt động bay dân dụng cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch hoạt động bay dân dụng, kế hoạch hoạt động bay quân sự liên quan và gửi cho Cảng vụ hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan.

4. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm triển khai kế hoạch hoạt động bay đến các cơ quan, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay liên quan.

 

Chương 4:

PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BAY DÂN DỤNG VÀ QUÂN SỰ

Điều 24. Tổ chức vùng trời, xây dựng phương thức bay phục vụ hoạt động bay quân sự ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng

Việc tổ chức vùng trời, xây dựng phương thức bay phục vụ cho quản lý và hoạt động quân sự ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng phải có ý kiến thống nhất của Cục Hàng không Việt Nam trên cơ sở quy định tại Chương II Nghị định này, bảo đảm hiệu quả việc sử dụng vùng trời, an toàn và sử dụng tối ưu dịch vụ, trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

Điều 25. Điều hành chuyến bay

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu điều hành chuyến bay thực hiện hoạt động hàng không dân dụng, chuyến bay khác do cơ quan cấp phép bay uỷ nhiệm bằng văn bản phụ thuộc vào khả năng cung cấp dịch vụ của mình. Đơn vị quản lý điều hành bay của Bộ Quốc phòng điều hành chuyến bay thực hiện hoạt động bay quân sự, chuyến bay khác do cơ quan cấp phép bay uỷ nhiệm bằng văn bản phụ thuộc vào khả năng cung cấp dịch vụ của mình.

2. Khi có hoạt động bay hỗn hợp dân dụng và quân sự, việc chỉ huy điều hành trực tiếp trong vùng trời sân bay dùng chung được thực hiện từ một đài chỉ huy hỗn hợp.

3. Khi huấn luyện bay dân dụng trong vùng trời sân bay, cơ sở huấn luyện phải có người chỉ huy tàu bay huấn luyện.

4. Việc điều hành tàu bay quân sự hoạt động trong đường hàng không, khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung, vùng trời sân bay phải trên cơ sở hiệp đồng giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu với cơ quan quản lý điều hành bay quân sự.

5. Việc chủ trì hiệp đồng điều hành hoạt động bay thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Kiểm soát viên không lưu chủ trì hiệp đồng đối với hoạt động bay trong đường hàng không, vùng trời sân bay dân dụng;

b) Thực hiện theo Quy chế bay trong khu vực sân bay dùng chung đối với hoạt động bay trong vùng trời sân bay dùng chung;

c) Chỉ huy bay quân sự chủ trì hiệp đồng đối với hoạt động bay ngoài khu vực quy định tại điểm a khoản này.

6. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu có trách nhiệm thu thập, tổng hợp các thông tin liên quan đến các hoạt động bay mà mình cung cấp dịch vụ trong phần vùng thông báo bay trên  biển quốc tế do Việt Nam quản lý và thông báo cho Cơ quan quản lý điều hành bay quốc gia của Bộ Quốc phòng.

Điều 26. Phân cách bay giữa tàu bay quân sự và tàu bay dân dụng

Phân cách bay giữa tàu bay quân sự và tàu bay dân dụng thực hiện theo Quy chế không lưu hàng không dân dụng hoặc Quy tắc bay của Bộ Quốc phòng, chọn tiêu chuẩn nào an toàn hơn.  

Điều 27. Sử dụng dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không

1. Việc cung cấp dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn cho hoạt động bay được thực hiện trên cơ sở hợp đồng.

2. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng về tần số thuộc nghiệp vụ hàng không dân dụng.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc tổ chức và quản lý bảo đảm hoạt động bay; tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép khai thác cho các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm hoạt động bay và nhân viên hàng không bao gồm các văn bản sau đây:

a) Quy chế không lưu hàng không dân dụng;

b) Quy chế thông báo tin tức hàng không;

c) Quy chế thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không dân dụng;

d) Quy chế khí tượng hàng không dân dụng;

đ) Quy chế tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

2. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến quản lý hoạt động bay sau đây:

a) Bản đồ, sơ đồ hàng không;

b) Phương thức không lưu hàng không dân dụng;

c) Khai thác các cơ sở điều hành bay;

d) Thiết lập phương thức bay hàng không dân dụng;

đ) Đặc tính dẫn đường;

e) Khai thác đường cất cánh, hạ cánh phụ thuộc hoặc độc lập;

g) Trang bị, thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát;

h) Trang thiết bị khí tượng hàng không;

i) Khai thác sân bay trong mọi điều kiện thời tiết;

k) Đơn vị đo lường;

l) Phương thức liên lạc không - địa;

m) Phối hợp hiệp đồng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

n) Kiểm tra, hiệu chuẩn trang bị, thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát;

o) Cấp phép bay.

Điều 29. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Nghị định số 25/2000/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.

Điều 30. Tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
 cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao; 
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

Hướng dẫn

Điều này được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 10. Thủ tục nhận thông báo bay và chấp thuận cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đối với chuyến bay qua, bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý
1. Thủ tục nhận thông báo bay và chấp thuận cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đối với chuyến bay qua, bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
2. Thông báo bay được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, thư điện tử, Fax hoặc AFTN đến cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo địa chỉ:
a) Trung tâm Kiểm soát đường bay Hà Nội, Công ty Quản lý bay miền Bắc:
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-4-38865352. Fax: 84-4-38866185.
AFTN: VVNBZRZX. Email: [email protected]
b) Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Công ty Quản lý bay miền Nam:
22 Trần Quốc Hoàn, Phường 4, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 84-8-38441132/38441153. Fax: 84-8-38443774.
AFTN: VVTSZRZX. Email: [email protected].
c) Trung tâm hiệp đồng Điều hành bay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam:
5/200 Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
AFTN: VVVVZGZX. SITA: HANZGVN, HANZAVN.

Hướng dẫn

Điều này được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 11. Lập và triển khai kế hoạch hoạt động bay
1. Căn cứ vào thông tin về phép bay đã được các cơ quan liên quan cấp, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam lập kế hoạch hoạt động bay dân dụng theo mùa, theo ngày và gửi cho Trung tâm Quản lý điều hành bay Quốc gia, các Cảng vụ Hàng không khu vực, các Tổng Công ty Cảng hàng không và các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan. Kế hoạch hoạt động bay dân dụng theo ngày được gửi muộn nhất vào 15 giờ 00 phút (giờ Việt Nam) ngày hôm trước.
2. Sau khi nhận được kế hoạch hoạt động bay quân sự liên quan đến hoạt động bay dân dụng Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam tổng hợp, gửi kế hoạch cho các Cảng vụ Hàng không khu vực, các Tổng Công ty Cảng hàng không và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan.
3. Trên cơ sở các phép bay, kế hoạch hoạt động bay dân dụng và kế hoạch hoạt động bay quân sự nhận được, các Tổng Công ty Cảng hàng không lập kế hoạch hoạt động bay hàng ngày đối với các chuyến bay đi từ hoặc đến các cảng hàng không, sân bay trong khu vực thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không quản lý, thông báo cho Cảng vụ Hàng không khu vực liên quan và triển khai đến các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay. Kế hoạch hoạt động bay hàng ngày được lập dưới dạng biểu mẫu, sử dụng giờ hoạt động là giờ địa phương, mã hiệu 03 chữ cái tên cảng hàng không, sân bay theo quy định của IATA.
4. Cảng vụ Hàng không khu vực triển khai kế hoạch hoạt động bay hàng ngày quy định tại khoản 2 của Điều này đến Cảng vụ Hàng không trực thuộc và cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay liên quan. giám sát việc triển khai kế hoạch hoạt động bay của Tổng Công ty Cảng hàng không.

Hướng dẫn

Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 4. Cơ quan cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam
1. Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
a) Địa chỉ gửi đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay cho chuyến bay đi đến:
Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam.
119 Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-4-38272281. Fax: 84-4-38272290. AFTN: VVVVYVYX.
Email: [email protected].
Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Sáng: từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút. Chiều: từ 13 giờ 00 phút đến 16 giờ 30 phút.
b) Địa chỉ gửi đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay cho chuyến bay quá cảnh:
Phòng Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không Việt Nam.
119 Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-4-38723600. Fax: 84-4-38274194. AFTN: VVVVYAAN.
Email: [email protected].
Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Sáng: từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút. Chiều: từ 13 giờ 00 phút đến 16 giờ 30 phút.

Hướng dẫn

Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 4 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Điều 4. Cơ quan cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam
...
2. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay:
a) Cho các chuyến bay được quy định tại khoản 5 Điều 15 của Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
b) Địa chỉ gửi đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay đối với các trường hợp nêu tại khoản này như sau:
Trung tâm hiệp đồng Điều hành bay, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.
5/200 Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-4-38271840. Fax: 84-4-38259222.
AFTN: VVVVZGZX. Email: [email protected].
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.

Hướng dẫn

Trách nhiệm của cơ quan cấp phép bay được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan cấp phép bay
1. Việc cấp phép bay tuân thủ theo các quy định tại Điều 82 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các yêu cầu quy định tại Thông tư này.
Người đề nghị cấp phép bay chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp. Trường hợp đặc biệt vì lý do an ninh, quốc phòng, cơ quan cấp phép bay có quyền từ chối cấp phép bay mà không cần nêu rõ lý do.
2. Đối với chuyến bay thường lệ đi đến, cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm kiểm tra các yếu tố sau đây:
a) Chuyến bay được khai thác phù hợp với quyền vận chuyển hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cấp đối với chuyến bay vận chuyển thương mại.
b) Tàu bay dự định khai thác có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay còn hiệu lực.
c) Người khai thác tàu bay có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được Cục Hàng không Việt Nam cấp (đối với người khai thác tàu bay Việt Nam) hoặc phê chuẩn năng định khai thác (đối với người khai thác tàu bay nước ngoài).
d) Hãng hàng không có Chương trình An ninh hàng không được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.
đ) Loại tàu bay, đường hàng không, tần suất và giờ khai thác dự kiến phù hợp với điều kiện khai thác an toàn, điều hòa, hiệu quả của cảng hàng không, sân bay, đường hàng không.
e) Việc thực hiện quy trình nêu tại Điều 7 Thông tư này đối với chuyến bay thực hiện hoạt động hàng không chung, chuyến bay vận chuyển thương mại trong vùng trời Việt Nam nhưng ngoài đường hàng không, ngoài khu vực hoạt động hàng không chung, ngoài vùng trời sân bay.
3. Đối với chuyến bay không thường lệ đi đến, cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm kiểm tra các nội dung sau đây:
a) Các quy định tại các điểm b, điểm đ và điểm e khoản 2 của Điều này.
b) Các quy định tại các điểm c và điểm d khoản 2 của Điều này đối với chuyến bay vận chuyển thương mại, chuyến bay kinh doanh hàng không chung.
c) Việc thực hiện chuyến bay vận chuyển thương mại không ảnh hưởng xấu khai thác thương mại của chuyến bay thường lệ.
4. Đối với chuyến bay quá cảnh, cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm kiểm tra các nội dung sau đây:
a) Tần suất, thời gian khai thác và đường hàng không dự kiến sử dụng phù hợp với khả năng cung ứng dịch vụ đảm bảo hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả.
b) Người khai thác tàu bay đối với chuyến bay vận chuyển thương mại, kinh doanh hàng không chung có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được Nhà chức trách hàng không tại quốc gia của người khai thác tàu bay cấp.
5. Đối với chuyến bay chuyển sân trong trường hợp tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tạm thời bị mất hiệu lực, cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm phối hợp kiểm tra văn bản xác nhận của Nhà chức trách hàng không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay về khả năng thực hiện chuyến bay an toàn (Special Flight Permit or Ferry Flight Permit).

Hướng dẫn

Thủ tục cấp phép bay được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 6. Thủ tục cấp phép bay
1. Người đề nghị cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, thư điện tử, Fax hoặc AFTN đến cơ quan cấp phép bay theo quy định tại Điều 4 Thông tư này và phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ đề nghị. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Sơ đồ bay đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung.
c) Bản sao văn bản xác nhận của nhà chức trách hàng không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay về khả năng thực hiện chuyến bay an toàn (Special Flight Permit or Ferry Flight Permit) trong trường hợp tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tạm thời bị mất hiệu lực.
2. Thời hạn nộp hồ sơ đề nghị, thời hạn cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.

Hướng dẫn

Thủ tục phê duyệt phương án khai thác cho các chuyến bay theo Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 7. Thủ tục phê duyệt phương án khai thác cho các chuyến bay thực hiện hoạt động hàng không chung, chuyến bay vận chuyển thương mại trong vùng trời Việt Nam nhưng ngoài đường hàng không, ngoài khu vực hoạt động hàng không chung, ngoài vùng trời sân bay
1. Trách nhiệm của người đề nghị cấp giấy phép bay:
Trước khi đề nghị cấp phép bay theo quy định tại Điều 6 Thông tư này cho các chuyến bay thực hiện hoạt động hàng không chung, chuyến bay vận chuyển thương mại trong vùng trời Việt Nam nhưng ngoài đường hàng không, ngoài khu vực hoạt động hàng không chung, ngoài vùng trời sân bay, người đề nghị cấp phép bay phải nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án khai thác trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Hàng không Việt Nam và phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ.
2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án khai thác bao gồm:
a) Đơn đề nghị phê duyệt phương án khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Bản sao các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người vận chuyển, người khai thác tàu bay.
c) Báo cáo về khu vực hoạt động, sân bay hoặc bãi đáp ngoài sân bay.
d) Sơ đồ bay.
đ) Phương thức bay.
e) Báo cáo về việc hiệp đồng cung cấp dịch không lưu.
g) Báo cáo về tần suất bay.
h) Phương án bảo đảm an toàn, an ninh hàng không cho chuyến bay.
3. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam:
a) Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và đánh giá nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án khai thác. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản yêu cầu người đề nghị hoàn thiện hồ sơ, thời hạn phê duyệt tính từ khi hồ sơ được hoàn thiện theo yêu cầu.
b) Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm xem xét, gửi văn bản trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc Fax lấy ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng về phương án khai thác. Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trả lời đồng ý hoặc không đồng ý và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý của Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án khai thác. Trường hợp không chấp thuận, Cục Hàng không Việt Nam thông báo bằng văn bản tới người đề nghị và nêu rõ lý do.
4. Thời hạn cấp phép bay cho các chuyến bay cụ thể theo phương án khai thác đã được phê duyệt:
Thời hạn cấp phép bay cho các chuyến bay cụ thể theo phương án khai thác đã được phê duyệt theo quy định của Điều này tối đa là 5 giờ làm việc kể từ thời điểm nhận được đơn đề nghị cấp phép bay.

Hướng dẫn

Phép bay chuyển sân được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 8. Phép bay chuyển sân đối với chuyến bay trong điều kiện tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tạm thời bị mất hiệu lực
1. Đối với chuyến bay của tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của Việt Nam, người khai thác tàu bay phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép bay chuyển sân theo quy định của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Đối với chuyến bay của tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của nước ngoài, người khai thác tàu bay phải có phép bay chuyển sân (hoặc phép bay đặc biệt) do Nhà chức trách hàng không của quốc gia cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cấp, bao gồm các nội dung sau:
a) Thông tin về tàu bay, động cơ tàu bay, tổ bay.
b) Mục đích của chuyến bay. hành trình dự kiến.
c) Các nội dung không tuân thủ yêu cầu đủ điều kiện bay áp dụng.
d) Các khuyến cáo của nhà chế tạo tàu bay, các giới hạn mà người khai thác tàu bay cho là cần thiết để khai thác tàu bay an toàn.
đ) Các điều kiện, giới hạn khai thác bổ sung của nhà chức trách hàng không của quốc gia cấp phép bay chuyển sân.
e) Thời hạn hiệu lực của phép bay chuyển sân.

Hướng dẫn

Phép bay chuyển sân được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 8. Phép bay chuyển sân đối với chuyến bay trong điều kiện tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tạm thời bị mất hiệu lực
1. Đối với chuyến bay của tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của Việt Nam, người khai thác tàu bay phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép bay chuyển sân theo quy định của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải.
2. Đối với chuyến bay của tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của nước ngoài, người khai thác tàu bay phải có phép bay chuyển sân (hoặc phép bay đặc biệt) do Nhà chức trách hàng không của quốc gia cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay cấp, bao gồm các nội dung sau:
a) Thông tin về tàu bay, động cơ tàu bay, tổ bay.
b) Mục đích của chuyến bay. hành trình dự kiến.
c) Các nội dung không tuân thủ yêu cầu đủ điều kiện bay áp dụng.
d) Các khuyến cáo của nhà chế tạo tàu bay, các giới hạn mà người khai thác tàu bay cho là cần thiết để khai thác tàu bay an toàn.
đ) Các điều kiện, giới hạn khai thác bổ sung của nhà chức trách hàng không của quốc gia cấp phép bay chuyển sân.
e) Thời hạn hiệu lực của phép bay chuyển sân.

Hướng dẫn

Địa chỉ triển khai phép bay được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 62/2011/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 15/02/2020)

Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam như sau:
...
Điều 9. Địa chỉ triển khai phép bay
1. Người đề nghị cấp phép bay: Như địa chỉ nêu trong đơn đề nghị cấp phép bay.
2. Trung tâm quản lý - Điều hành bay quốc gia:
Quân chủng Phòng không - Không quân.
176 Đường Trường Chinh - Quận Thanh Xuân - Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-4-35635385/84-69562254. Fax: 84-4-38533652.
AFTN: VVVVYXYX.
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
3. Trung tâm hiệp đồng Điều hành bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Địa chỉ liên lạc như nêu tại khoản 2, Điều 4 của Thông tư này.
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
4. Cảng vụ Hàng không miền Bắc:
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-4-38840114/35844176. Fax: 84-4-38865832.
AFTN: VVNBYDYX. Email: [email protected]
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
5. Cảng vụ Hàng không miền Trung:
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
Điện thoại: 84-511-3656049. Fax: 84-511-3646688.
AFTN: VVDNYDYX. Email: [email protected]
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
6. Cảng vụ Hàng không miền Nam:
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 84-8-35470418. Fax: 84-8-35470409.
AFTN: VVTSYDYX. Email: [email protected]
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
7. Tổng Công ty Cảng hàng không miền Bắc:
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 84-4-38865540. Fax: 84-4-38865047.
AFTN: VVNBZPZX. Email: [email protected]
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
8. Tổng Công ty Cảng hàng không miền Trung:
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
Điện thoại: 84-511-3614572. Fax: 84-511-3823393.
AFTN: VVDNZPZX. Email: [email protected]
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
9. Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam:
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 84-8-38485383. Fax: 84-8-38445127.
AFTN: VVTSZPZX. Email: [email protected]
Thời gian làm việc: 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.

Hướng dẫn

Nội dung này được hướng dẫn bởi Thông tư 44/2014/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 01/08/2017)

Thông tư 44/2014/TT-BGTVT về phương thức liên lạc không - địa hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về phương thức liên lạc không - địa hàng không dân dụng.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Quy ước viết tắt
...
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
...
Điều 4. Quy định chung đối với việc đảm bảo liên lạc không - địa
...
Điều 5. Các phương thức liên lạc không - địa
...
Chương II. PHƯƠNG THỨC LIÊN LẠC THOẠI KHÔNG - ĐỊA
Điều 6. Quy định chung
...
Điều 7. Quy định về kỹ thuật phát
...
Điều 8. Quy định về cách phát âm các chữ cái
...
Điều 9. Quy định cách phát âm các chữ số
...
Điều 10. Quy định cách phát thời gian
...
Điều 11. Quy định cách hiểu các từ, cụm từ chuẩn trong liên lạc không - địa
...
Điều 12. Quy định về tên gọi
...
Điều 13. Quy định về liên lạc
...
Điều 14. Phương thức kiểm tra liên lạc
...
Điều 15. Quy định về phát một số thuật ngữ trong trường hợp đặc biệt
...
Điều 16. Huấn lệnh về độ cao, mực bay
...
Điều 17. Báo cáo vị trí
...
Điều 18. Kế hoạch bay
...
Chương III. PHƯƠNG THỨC LIÊN LẠC DỮ LIỆU (ADS/CPDLC)
Điều 19. Vùng trời có liên lạc đường truyền dữ liệu
...
Điều 20. Phương thức đăng nhập ADS/CPDLC
...
Điều 21. Phương thức khai thác ADS/CPDLC
...
Điều 22. Giới hạn của dịch vụ ADS/CPDLC
...
Điều 23. Kết thúc dịch vụ liên lạc dữ liệu ADS/CPDLC
...
Điều 24. Điền kế hoạch bay
...
Điều 25. Mất kết nối liên lạc dữ liệu
...
Điều 26. Địa chỉ tiếp nhận báo cáo sự cố
...
Chương IV. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN LIÊN QUAN
Điều 27. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam
...
Điều 28. Trách nhiệm của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu
...
Điều 29. Trách nhiệm của các hãng hàng không
...
Chương V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
...

Hướng dẫn

Quy định về phương thức bay Hàng không dân dụng được hướng dẫn bởi Thông tư 28/2009/TT-BGTVT (VB hết hiệu lực: 01/08/2017)

Thông tư 28/2009/TT-BGTVT về phương thức bay hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về Quản lý hoạt động bay.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phương thức bay Hàng không dân dụng như sau:
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Quy ước viết tắt
...
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
...
Chương II NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 4. Các phương thức bay Hàng không dân dụng sử dụng thiết bị
...
Điều 5. Bay hiệu chuẩn đối với các phương thức bay sử dụng thiết bị
...
Điều 6. Quy định về nhân viên thiết kế phương thức bay
...
Điều 7. Yêu cầu đối với phương thức bay và tổ chức vùng trời
...
Điều 8. Xác định vòng rẽ khi xây dựng phương thức bay
...
Điều 9. Hồ sơ xây dựng phương thức bay
...
Chương III PHƯƠNG THỨC CẤT CÁNH
Điều 10. Phương thức cất cánh sử dụng thiết bị
...
Điều 11. Cất cánh thẳng
...
Điều 12. Cất cánh theo vòng rẽ
...
Điều 13. Phương thức cất cánh không xác định hướng
...
Điều 14. Bắt đầu giai đoạn cất cánh
...
Điều 15. Ấn định độ dốc bay lên theo thiết kế
...
Chương IV PHƯƠNG THỨC ĐẾN VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC TIẾP CẬN
Mục A. PHƯƠNG THỨC ĐẾN TIÊU CHUẨN SỬ DỤNG THIẾT BỊ
Điều 16. Quy định chung về phương thức đến tiêu chuẩn sử dụng thiết bị
...
Điều 17. Các tiêu chuẩn của phương thức đến.
...
Mục B. GIAI ĐOẠN TIẾP CẬN ĐẦU
Điều 18. Quy định chung về giai đoạn tiếp cận đầu
...
Điều 19. Các tham số xác định giai đoạn tiếp cận đầu
...
Mục C. GIAI ĐOẠN TIẾP CẬN GIỮA
Điều 20. Quy định chung về giai đoạn tiếp cận giữa
...
Điều 21. Bắt đầu và kết thúc của giai đoạn tiếp cận giữa
...
Mục D. GIAI ĐOẠN TIẾP CẬN CHÓT
Điều 22. Quy định chung về giai đoạn tiếp cận chót
...
Điều 23. Giai đoạn tiếp cận chót của phương thức tiếp cận giản đơn cã điểm tiếp cận chót
...
Điều 24. Giai đoạn tiếp cận chót của phương thức tiếp cận giản đơn không cã điểm tiếp cận chót
...
Điều 25. Phương thức tiếp cận chính xác
...
Điều 26. Độ cao quyết định trong phương thức tiếp cận chính xác
...
Điều 27. Vùng bảo vệ giai đoạn chính xác
...
Mục E. GIAI ĐOẠN TIẾP CẬN HỤT
Điều 28. Quy định chung về giai đoạn tiếp cận hụt
...
Điều 29. Các đoạn trong giai đoạn tiếp cận hụt
...
Mục F. KHU VỰC VÒNG LƯỢN
Điều 30. Vòng lượn
...
Điều 31. Vùng bảo vệ của vòng lượn
...
Điều 32. Phương thức tiếp cận hụt trong vòng lượn
...
Điều 33. Vòng lượn sử dụng vệt bay qui định
...
Chương V PHƯƠNG THỨC BAY CHỜ VÀ PHƯƠNG THỨC TRÊN ĐƯỜNG BAY
Mục A. PHƯƠNG THỨC BAY CHỜ
Điều 34. Nguyên tắc chung đối với phương thức bay chờ
...
Điều 35. Các tham số xác định khu chờ
...
Điều 36. Phương thức tiến nhập khu chờ
...
Điều 37. Vùng đệm và độ cao chờ tối thiểu
...
Mục B. PHƯƠNG THỨC TRÊN ĐƯỜNG BAY
Điều 38. Khoảng thông thoáng chướng ngại vật tối thiểu
...
Điều 39. Độ cao bay an toàn thấp nhất
...
Điều 40. Vòng rẽ trên đường bay
...
Chương VI ĐẶT TÊN VÀ CÔNG BỐ CÁC PHƯƠNG THỨC BAY
Điều 41. Quy ước đặt tên cho phương thức bay sử dụng thiết bị
...
Điều 42. Công bố thông tin phương thức bay trên sơ đồ
...
Chương VII TRÁCH NHIỆM CỦA TỐ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 43. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam
...
Điều 44. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dẫn đường
...
Điều 45. Trách nhiệm của người khai thác
...
Điều 46. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu và dịch vụ thông báo tin tức hàng không
...
Chương VIII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Tổ chức thực hiện
...
Điều 48. Hiệu lực, trách nhiệm thi hành

Hướng dẫn

Quy chế không lưu hàng không dân dụng được hướng dẫn bởi Quyết định 32/2007/QĐ-BGTVT (VB hết hiệu lực: 01/08/2017)

Quyết định 32/2007/QĐ-BGTVT ban hành "Quy chế không lưu hàng không dân dụng" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành


Căn cứ Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế không lưu hàng không dân dụng".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bãi bỏ Quyết định số 63/2005/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Quy chế không lưu hàng không dân dụng Việt Nam”.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
...
QUY CHẾ KHÔNG LƯU HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
Chương 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Quy ước viết tắt
...
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
...
Điều 4. Dịch vụ không lưu
...
Điều 5. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu
...
Chương 2. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG LĨNH VỰC KHÔNG LƯU
Điều 6. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam
...
Điều 7. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu
...
Điều 8. Trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu
...
Điều 9. Trách nhiệm của người khai thác tàu bay và tổ lái
...
Điều 10. Nhân viên không lưu
...
Điều 11. Nhiệm vụ của nhân viên không lưu
...
Điều 12. Giấy phép nhân viên không lưu
...
Điều 13. Huấn luyện nhân viên không lưu
...
Chương 3. QUY TẮC BAY
MỤC 1. ÁP DỤNG QUY TẮC BAY
Điều 14. Phạm vi áp dụng quy tắc bay
...
Điều 15. Chấp hành quy tắc bay
...
Điều 16. Trách nhiệm của người chỉ huy tàu bay
...
MỤC 2. QUY TẮC BAY TỔNG QUÁT
Điều 17. Bảo vệ con người và tài sản
...
Điều 18. Hoạt động gần tàu bay khác
...
Điều 19. Quyền ưu tiên trong khi bay
...
Điều 20. Sử dụng đèn tàu bay
...
Điều 21. Bay bằng thiết bị giả định
...
Điều 22. Hoạt động trên sân bay và trong khu vực lân cận sân bay
...
Điều 23. Nộp kế hoạch bay không lưu
...
Điều 24. Nội dung của kế hoạch bay không lưu
...
Điều 25. Điền kế hoạch bay không lưu
...
Điều 26. Thay đổi kế hoạch bay không lưu
...
Điều 27. Chấm dứt kế hoạch bay không lưu
...
Điều 28. Tín hiệu
...
Điều 29. Thời gian
...
Điều 30. Huấn lệnh kiểm soát không lưu
...
Điều 31. Thực hiện kế hoạch bay không lưu
...
Điều 32. Báo cáo vị trí
...
Điều 33. Kết thúc kiểm soát
...
Điều 34. Quy định về liên lạc
...
Điều 35. Can thiệp bất hợp pháp
...
Điều 36. Bay chặn
...
MỤC 3. QUY TẮC BAY VFR
Điều 37. Chuyến bay VFR
...
Điều 38. Điều kiện cất cánh, hạ cánh hoặc bay vào khu vực hoạt động tại sân bay
...
Điều 39. Thời gian hoạt động
...
Điều 40. Các trường hợp không được phép hoạt động bay VFR
...
Điều 41. Các khu vực không được phép thực hiện chuyến bay VFR
...
Điều 42. Độ cao bay VFR
...
Điều 43. Điều kiện hoạt động bay VFR khi được cung cấp dịch vụ không lưu
...
Điều 44. Quy định về liên lạc
...
Điều 45. Đổi từ bay VFR sang bay IFR
...
MỤC 4. QUY TẮC BAY IFR
Điều 46. Phạm vi áp dụng
...
Điều 47. Các quy tắc áp dụng cho chuyến bay IFR trong vùng trời kiểm soát
...
Điều 48. Các quy tắc áp dụng cho hoạt động bay IFR ngoài vùng trời kiểm soát
...
Chương 4. DỊCH VỤ KHÔNG LƯU
MỤC 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 49. Mục đích của dịch vụ không lưu
...
Điều 50. Mục đích cụ thể của các loại hình dịch vụ không lưu
...
Điều 51. Yêu cầu đối với dịch vụ không lưu
...
Điều 52. Tính năng dẫn đường yêu cầu (RNP)
...
Điều 53. Hiệp đồng giữa người khai thác tàu bay và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu
...
Điều 54. Hiệp đồng giữa hàng không dân dụng và quân sự
...
Điều 55. Thông báo, hiệp đồng về hoạt động có khả năng gây nguy hiểm đối với tàu bay dân dụng
...
Điều 56. Hiệp đồng giữa cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không
...
Điều 57. Hiệp đồng giữa cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và cơ sở cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không
...
Điều 58. Độ cao bay an toàn thấp nhất
...
Điều 59. Giờ sử dụng trong dịch vụ không lưu
...
Điều 60. Xử lý tình huống khẩn nguy trong khi bay
...
Điều 61. Xử lý trường hợp tàu bay bị lạc đường, không được nhận dạng
...
Điều 62. Xử lý đối với việc bay chặn tàu bay dân dụng
...
Điều 63. Quy định về việc trang bị và sử dụng thiết bị báo cáo độ cao khí áp.
...
Điều 64. Quy định về quản lý an toàn dịch vụ không lưu
...
Điều 65. Sử dụng ngôn ngữ
...
Điều 66. Kế hoạch ứng phó không lưu
...
Điều 67. Cấp giấy phép khai thác cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu
...
MỤC 2. DỊCH VỤ ĐIỀU HÀNH BAY
Điều 68. Chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay
...
Điều 69. Cơ sở điều hành bay
...
Điều 70. Cung cấp dịch vụ điều hành bay
...
Điều 71. Các hình thức phân cách giữa các tàu bay
...
Điều 72. Phân cách tối thiểu
...
Điều 73. Phân công trách nhiệm kiểm soát
...
Điều 74. Chuyển giao trách nhiệm kiểm soát
...
Điều 75. Hiệp đồng chuyển giao kiểm soát
...
Điều 76. Nội dung huấn lệnh kiểm soát không lưu
...
Điều 77. Phối hợp cấp huấn lệnh
...
Điều 78. Kiểm soát luồng không lưu
...
Điều 79. Kiểm soát hoạt động của người, phương tiện di chuyển trên sân bay
...
Điều 80. Sử dụng ra đa giám sát di chuyển trên bề mặt sân bay (SMR)
...
MỤC 3. DỊCH VỤ THÔNG BÁO BAY
Điều 81. Phạm vi áp dụng
...
Điều 82. Nội dung dịch vụ thông báo bay
...
Điều 83. Dịch vụ thông báo bay bằng phát thanh
...
Điều 84. Cung cấp dịch vụ thông báo bay bằng HF (OFIS-HF)
...
Điều 85. Cung cấp dịch vụ thông báo bay trên sóng VHF (OFIS-VHF)
...
Điều 86. Dịch vụ thông báo tự động trên kênh thoại trong khu vực sân bay
...
Điều 87. Nội dung điện văn ATIS
...
MỤC 4. DỊCH VỤ TƯ VẤN KHÔNG LƯU
Điều 88. Phạm vi áp dụng
...
Điều 89. Nội dung dịch vụ tư vấn không lưu
...
MỤC 5. DỊCH VỤ BÁO ĐỘNG
Điều 90. Phạm vi áp dụng
...
Điều 91. Các giai đoạn khẩn nguy
...
Điều 92. Nội dung thông báo cho cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn
...
Điều 93. Sử dụng thiết bị liên lạc
...
Điều 94. Vẽ tiêu đồ đường bay
...
Điều 95. Thông báo cho người khai thác tàu bay
...
Điều 96. Thông báo cho tàu bay đang hoạt động gần tàu bay lâm nguy, lâm nạn
...
Chương 5. ĐẢM BẢO LIÊN LẠC VÀ CUNG CẤP TIN TỨC CHO CƠ SỞ CUNG CẤP DỊCH VỤ KHÔNG LƯU
MỤC 1. ĐẢM BẢO LIÊN LẠC CHO VIỆC CUNG CẤP DỊCH VỤ KHÔNG LƯU
Điều 97. Liên lạc lưu động (liên lạc hai chiều không - địa)
...
Điều 98. Liên lạc lưu động sử dụng cho dịch vụ thông báo bay
...
Điều 99. Liên lạc lưu động sử dụng cho dịch vụ kiểm soát đường dài
...
Điều 100. Liên lạc lưu động sử dụng cho dịch vụ kiểm soát tiếp cận
...
Điều 101. Liên lạc lưu động sử dụng cho dịch vụ kiểm soát tại sân bay
...
Điều 102. Liên lạc cố định hàng không
...
Điều 103. Liên lạc cố định hàng không trong phạm vi một vùng thông báo bay
...
Điều 104. Liên lạc cố định hàng không sử dụng cho liên lạc giữa các vùng thông báo bay
...
Điều 105. Ghi và lưu trữ số liệu về không lưu
...
Điều 106. Yêu cầu đảm bảo hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị và tài liệu nghiệp vụ
...
MỤC 2. CUNG CẤP TIN TỨC CHO CƠ SỞ CUNG CẤP DỊCH VỤ KHÔNG LƯU
Điều 107. Tin tức khí tượng
...
Điều 108. Tin tức về tình trạng sân bay, hệ thống kỹ thuật, thiết bị trên sân bay
...
Điều 109. Tin tức về tình trạng hoạt động của thiết bị dẫn đường
...
Điều 110. Tin tức về khí cầu tự do không người lái
...
Chương 6.ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 111. Tổ chức thực hiện
...
Điều 112. Sửa đổi, bổ sung

Hướng dẫn

Dẫn chiếu

Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006

Điều 81. Cấp phép bay
...
2. Tàu bay hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam phải được các cơ quan sau đây của Việt Nam cấp phép bay:
a) Bộ Ngoại giao cấp phép bay cho chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.
Chuyến bay chuyên cơ là chuyến bay được sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc thông báo theo quy định phục vụ chuyến bay chuyên cơ.

Hướng dẫn

Dẫn chiếu

Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006

Điều 81. Cấp phép bay
...
2. Tàu bay hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam phải được các cơ quan sau đây của Việt Nam cấp phép bay:
...
b) Bộ Quốc phòng cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay quân sự của Việt Nam, nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam và chuyến bay của tàu bay không người lái.

Từ khóa: Nghị định 94/2007/NĐ-CP, Nghị định số 94/2007/NĐ-CP, Nghị định 94/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 94/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 94 2007 NĐ CP của Chính phủ, 94/2007/NĐ-CP

File gốc của Nghị định 94/2007/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay đang được cập nhật.

Giao thông - Vận tải

  • Công văn 4655/SGTVT-QLVT năm 2021 về tiếp tục thực hiện thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 do Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội ban hành
  • Quyết định 1793/QĐ-BGTVT năm 2021 về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị và trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô tại một số tỉnh, thành phố do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
  • Công văn 3522/UBND-ĐT năm 2021 triển khai theo lộ trình thí điểm hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ do Thành phố Hà Nội ban hành
  • Công văn 4601/SGTVT-QLVT năm 2021 về tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ trên địa bàn Thành phố Hà Nội
  • Thông báo 11082/TB-SGTVT năm 2021 về hoạt động vận tải hành khách bằng đường thủy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
  • Kế hoạch 1784/KH-SGTVT năm 2021 về tổ chức tạm thời hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh trong tình hình mới do Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội ban hành
  • Công văn 4579/SGTVT-QLVT năm 2021 thực hiện Quyết định 1777/QĐ-BGTVT do Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội ban hành
  • Công văn 4382/CHK-KHĐT về nguồn kinh phí thực hiện bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý năm 2021 của Cục Hàng không Việt Nam ban hành
  • Quyết định 1786/QĐ-BGTVT năm 2021 về Phụ lục thay thế Phụ lục 2 kèm theo Quyết định 1776/QĐ-BGTVT quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
  • Công văn 10640/BGTVT-VT năm 2021 về phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương... để về quê, đảm bảo trật tự và an toàn và phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Nghị định 94/2007/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay

- File PDF đang được cập nhật

- File Word Tiếng Việt đang được cập nhật

Chính sách mới

  • Giá xăng hôm nay tiếp tục giảm sâu còn hơn 25.000 đồng/lít
  • Nhiệm vụ quyền hạn của hội nhà báo
  • Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng năm 2023
  • Thủ tục đăng ký kết hôn trực tuyến
  • Sửa đổi, bổ sung một số quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp
  • Tiêu chí phân loại phim 18+
  • Danh mục bệnh Nghề nghiệp được hưởng BHXH mới nhất
  • Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú
  • Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án
  • Văn bản nổi bật có hiệu lực tháng 5/2023

Tin văn bản

  • Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2022
  • Đầu tư giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn mới Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp
  • Danh mục mã hãng sản xuất vật tư y tế để tạo lập mã vật tư y tế phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
  • Từ 11/7/2022: Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 1.000 đồng/lít
  • Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ
  • HOT: Giá xăng, dầu đồng loạt giảm hơn 3.000 đồng/lít
  • Hỗ trợ đơn vị y tế công lập thu không đủ chi do dịch Covid-19
  • Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
  • Phấn đấu đến hết 2025, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%
  • Xuất cấp 432,78 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Phước

Tóm tắt

Cơ quan ban hành Chính phủ
Số hiệu 94/2007/NĐ-CP
Loại văn bản Nghị định
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành 2007-06-04
Ngày hiệu lực 2007-07-17
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải
Tình trạng Hết hiệu lực

Văn bản Điều chỉnh

  • Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006

Văn bản Được hướng dẫn

  • Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Văn bản Hướng dẫn

  • Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006

Văn bản Được hướng dẫn

  • Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006

Văn bản Hướng dẫn

  • Thông tư 62/2011/TT-BGTVT quy định việc cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành
  • Thông tư 44/2014/TT-BGTVT về phương thức liên lạc không - địa hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
  • Thông tư 28/2009/TT-BGTVT về phương thức bay hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải ban hành
  • Quyết định 32/2007/QĐ-BGTVT ban hành "Quy chế không lưu hàng không dân dụng" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

DỮ LIỆU PHÁP LUẬT - Website hàng đầu về văn bản pháp luật Việt Nam, Dữ Liệu Pháp Luật cung cấp cơ sở dữ liệu, tra cứu Văn bản pháp luật miễn phí.

Website được xây dựng và phát triển bởi Vinaseco Jsc - Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số lĩnh vực pháp lý.

NỘI DUNG

  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu
  • Media Luật

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • Chính sách bảo mật
  • Điều khoản sử dụng

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VINASECO

Địa chỉ: Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam - Email: [email protected] - Website: vinaseco.vn - Hotline: 088.66.55.213

Mã số thuế: 0109181523 do Phòng DKKD Sở kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 14/05/2023

  • Trang chủ
  • Văn bản mới
  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu