HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 123-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VẤN ĐỀ QUẢN LÝ CẢNG HẢI-PHÒNG
Kính gửi
| - Các Ông Bộ trưởng các Bộ, |
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 12-09-1962 nhằm giải quyết những vấn đề về giao thông vận tải,
Căn cứ những ý kiến đã nhất trí trong cuộc họp ngày 11 tháng 10 năm 1962 và ngày 29-10-1962 do Phủ Thủ tướng chủ trì, có các Bộ: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại thương, Bộ Công nghiệp nặng, Tổng cục vật tư, Bộ Nội thương, Bộ Nông trường, Bộ Nông nghiệp, Ủy ban hành chính thành phố Hải-phòng,
Nhằm mục đích tăng cường và cải tiến công tác quản lý cảng Hải-phòng, khắc phục dần những khó khăn và tính chất phức tạp hiện nay của cảng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, Tổng cục và Ủy ban hành chính thành phố Hải-phòng cần nhận rõ và thực hiện tốt những điều quy định sau đây:
1. Cảng Hải-phòng đảm nhận công việc bốc xếp, giao nhận, bảo quản hàng hóa xuất nhập khẩu của Nhà nước trong phạm vi cảng, quan hệ với tàu bè của nước ngoài và khách quốc tế ra vào… Những việc này đều có liên quan đến các Bộ, các ngành ở Trung ương và Ủy ban hành chính thành phố Hải-phòng cho nên giữa cảng và các cơ quan nói trên thường xuyên phải có sự phối hợp điều hòa chặt chẽ mới đảm bảo việc quản lý cảng đạt kết quả tốt.
Các Bộ Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Nội thương Thủy lợi và Điện lực, Nông trường, Tổng cục vật tư và nhất là Bộ Ngoại thương, Bộ Giao thông vận tải…cần tăng cường về tổ chức cơ quan đại diện hoặc cử cán bộ có khả năng và đủ thẩm quyền để cùng với cảng giải quyết công việc được nhanh chóng và kịp thời và toàn diện. Để đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo công tác quản lý cảng, tất cả các cơ quan đại diện và cán bộ của các Bộ, Tổng cục được ủy quyền nói trên, ngoài việc chịu sự chỉ đạo của Bộ. Tổng cục mình còn phải chịu sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính thành phố Hải-phòng. Ông Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hải-phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ chủ trì việc phối hợp điều hoà giữa các cơ quan có trách nhiệm ở cảng nhằm đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch xuất nhập khẩu của Nhà nước tại cảng. Trong trường hợp giữa các bên hữu quan không nhất trí hoặc phải thay đổi kế hoạch bốc dỡ, vận chuyển ở cảng cho phù hợp với tình hình (lịch tàu ra vào, kế hoạch bốc xếp, vận chuyển, bảo quản hàng hóa, kế hoạch điều động phương tiện, nhân lực, kế hoạch sử dụng kho bãi, giao dịch đối với các tàu nước ngoài, vv…) thì sẽ do ông Chủ tịch thành phố Hải-phòng quyết định. Trường hợp gặp khó khăn mắc mứu thuộc quyền quyết định của các Bộ, Tổng cục hoặc Thủ tướng Chính phủ thì ông Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hải-phòng phải trao đổi với các Bộ, Tổng cục sở quan hoặc xin Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
2. Cảng Hải-phòng phải tích cực tập trung sử dụng mọi khả năng hiện có theo đúng Chỉ thị số 332-TTg ngày 26-12-1962, phải sắp xếp phương tiện, tổ chức lao động hợp lý, bố trí kế hoạch và định chỉ tiêu năng suất bốc dỡ để giải phóng nhanh phương tiện ra vào cảng.
3. Đối với việc tăng cường bổ sung thiết bị phương tiện cho cảng như cần trục, băng chuyền, phụ tùng máy móc, xe tải, máy xúc… Văn phòng Công nghiệp Phủ Thủ tướng cần soát lại khả năng tồn kho của Tổng cục vật tư và các Bộ khác hiện chưa sử dụng hết để điều động và cấp cho cảng. Bộ giao thông vận tải cần bàn bạc với Tổng cục vật tư và các Bộ để có đề nghị giải quyết cụ thể, đồng thời có kế hoạch dự trữ phương tiện cần thiết cho những trường hợp đột xuất của cảng.
4. Bộ Ngoại thương, Bộ Giao thông vận tải và Bộ khác có liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong kế hoạch xuất nhập hàng hóa và phải tích đến khả năng thực tế của cảng để chuẩn bị lòng lạch, cầu bến, hàng hóa, kho bãi, phương tiện… điều hòa lịch tàu ra vào điều đặn giảm bớt hệ số chênh lệch quá cao; các Tổng công ty và cảng cần ký kết hợp đồng cụ thể trong việc xuất nhập hàng hóa, tránh dồn dập gây căng thẳng cho cảng và lãng phí của Nhà nước.
5. Các Bộ có hàng xuất nhập khẩu cần nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị số 332-TTg ngày 26-12-1960 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 30-CP ngày 08-03-1962 của Hội đồng Chính phủ nhằm giải phóng nhanh kho bãi của cảng, tuyệt đối không để hàng hóa, thiết bị, máy móc, phân bón… ứ đọng quá hạn định tại cảng cũng như ở các kho trung chuyển khác trong khu vực Hải-phòng.
- Đối với các Bộ, Tổng cục có nhiều thiết bị, máy móc để ngoài trời tại Hải-phòng cần có kế hoạch vận chuyển kịp thời về nơi sử dụng và bảo quản tốt, chấm dứt tình trạng để hư hỏng, mất phẩm chất như đã xảy ra hiện nay;
- Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm dùng nhiều biện pháp vận tải đường thủy, đường sắt và đường bộ theo yêu cầu kế hoạch vận chuyển của các Bộ, Tổng cục có hàng ứ đọng để bố trí phương tiện thích hợp, theo thời gian nhất định, cố gắng vận chuyển tất cả hàng ứ đọng vể nơi sử dụng với tinh thần khẩn trương nhất, đồng thời nghiên cứu gấp kế hoạch tổ chức vận chuyển thẳng các loại hàng hóa về nơi sử dụng không cần phải qua khâu bốc dỡ, lưu kho bãi ở cảng nữa, trước mắt là các loại hàng đã có kế hoạch tiêu thụ ổn định.
- Ủy ban kế hoạch Nhà nước cùng với Bộ tài chính có trách nhiệm nghiên cứu điều chỉnh vốn lưu động cấp cho cơ quan để nhận vật tư ứ đọng mặc dù chưa sử dụng (thiết bị toàn bộ, thiết bị viện trợ…) để chuyển nhanh về địa điểm xây dựng và có kế hoạch xây dựng lán, trại để bảo quản vật tư để phòng hư hỏng.
6. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại thương, Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính nghiên cứu lại chính sách giá cước của cảng, điều chỉnh giá cước chuyên tải và giá thuế cần trục cho thích hợp để có thể áp dụng ngay.
7. Căn cứ khả năng phương tiện hiện có, Bộ Giao thông vận tải cần có kế hoạch tập trung nạo vét lòng lạch cửa Cấm, cửa Nam triệu bảo đảm có độ sâu cần thiết cho tàu ra vào thường xuyên, mặt khác xúc tiến việc đặt thêm phao đẩy mạnh việc chuyển tải trong lúc thiếu cầu tàu.
Quan hệ mua bán giữa ta và các nước ngày càng được mở rộng, để bảo đảm hoàn thành kế hoạch Nhà nước trong kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng nhiều, Thủ tướng Chính phủ nhận thấy việc tăng cường tổ chức lãnh đạo cảng Hải-phòng là cần thiết và cấp bách, các Bộ, các ngành có liên quan và Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa đối với công tác quản lý của cảng, xúc tiến ngay việc đặt kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện các vấn đề đã được nêu ra trong chỉ thị này, nếu có gặp khó khăn trở ngại phải báo cáo kịp thời lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Chỉ thị 123-TTg năm 1962 về quản lý cảng Hải-phòng do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 123-TTg năm 1962 về quản lý cảng Hải-phòng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Số hiệu | 123-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Ngày ban hành | 1962-12-15 |
Ngày hiệu lực | 1962-12-30 |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
Tình trạng | Đã hủy |