BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19-CT/TCĐN | Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1992 |
Căn cứ vào Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29-12-1978, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 30-6-1990, Pháp lệnh ngân hàng, HTX tín dụng và Công ty tài chính ngày 24-5-1990, Nghị định số 28-HĐBT ngày 6-2-1991, của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 189-HĐBT ngày 15-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành qui chế chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh hoạt động tại Việt Nam;
Thực hiện Nghị định số 22-HĐBT ngày 24-1-1991, của Hội đồng Bộ trưởng qui định chế độ thu về sử dụng vốn NSNN và Chỉ thị số 138-CT ngày 25-4-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc mở rộng trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho các đơn vị cơ sở quốc doanh;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ nhận nợ và hoàn trả vốn NSNN của các bên Việt Nam trong xí nghiệp liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN NGHĨA VỤ
1. Đối tượng nhận nợ, hoàn trả và nộp tiền thu về sử dụng vốn NSNN
Đối tượng nhận nợ, hoàn trả và nộp tiền thu về sử dụng vốn NSNN là các tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ có tư cách pháp nhân hạch toán kinh tế độc lập, bao gồm:
- Các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) là các bên Việt Nam trong xí nghiệp liên doanh (sau đây gọi tắt là liên doanh) và các bên Việt Nam tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp doanh) hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được phép sử dụng vốn NSNN để góp vốn trong liên doanh hoặc trong hợp doanh.
- Các ngân hàng thương mại quốc doanh, các ngân hàng cổ phần (sau đây cũng gọi tắt là doanh nghiệp) là bên Việt Nam trong ngân hàng liên doanh (sau đây cũng gọi tắt là liên doanh) hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Pháp lệnh ngân hàng, HTX tín dụng và công ty tài chính được phép sử dụng vốn NSNN để góp vốn trong liên doanh.
2. Tổng số vốn doanh nghiệp nhận nợ với ngân sách nhà nước bao gồm:
a) Giá trị nhà xưởng, công trình xây dựng khác; máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải; tài sản cố định không có hình thức vật chất như bí quyết kỹ thuật, bằng sáng chế phát minh; nguyên vật liệu; tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ đã được NSNN cấp cho doanh nghiệp từ trước hoặc khi thành lập liên doanh để góp vốn vào liên doanh được xác định bằng đô la Mỹ hoặc quy đổi ra đô la Mỹ.
b) Tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển là vốn NSNN mà các doanh nghiệp được phép của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thoả thuận với các bên nước ngoài tại hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để góp vốn liên doanh hoặc hợp doanh.
II. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH VÀ THỦ TỤC GIAO NHẬN NỢ
1. Việc sử dụng vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.a để góp vốn trong liên doanh phải được cơ quan chủ quản và Bộ Tài chính (nếu là doan nghiệp Trung ương) hoặc Sở Tài chính(nếu là doanh nghiệp địa phương) cho phép bằng văn bản.
2. Việc sử dụng vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.b để góp vốn liên doanh và hợp doanh phải tuân thủ chế độ quản lý đất đai qui định tại Luật đất đai và được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chuẩn y không phân biệt thành phần kinh tế.
3. Việc xác định phần vốn doanh nghiệp nhận nợ với NSNN để góp vốn liên doanh và hợp doanh được thông qua hội đồng giao nhận nợ. Hội đồng giao nhận nợ do Bộ Tài chính (đối với doanh nghiệp Trung ương) hoặc Sở Tài chính (đối với doanh nghiệp địa phương) ra quyết định thành lập gồm đại diện cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan chủ quản và giám đốc doanh nghiệp. Chủ tịch hội đồng là đại diện cơ quan tài chính.
4. Hội đồng giao nhận nợ có nhiệm vụ:
a) Xác định rõ phần góp vốn của doanh nghiệp là vốn của NSNN:
- Đối với số vốn nêu tại Mục 1 điểm 2.a căn cứ vào số vốn đã góp vốn pháp định trong liên doanh được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chuẩn y trong giấy phép bằng đô la Mỹ hoặc qui đổi ra đô la Mỹ sau khi đã trừ số vốn đi vay của doanh nghiệp
- Đối với số vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.b căn cứ vào giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển đã góp vốn pháp định trong liên doanh hoặc vốn kinh doanh trong hợp doanh được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chuẩn y trong giấy phép bằng đô la Mỹ.
b) Lập biên bản giao nhận nợ và kế hoạch hoàn trả vốn NSNN (Phụ lục số 1 đính kèm) theo các qui định dưới đây:
Hội đồng giao nhận nợ căn cứ vào luận chứng KT-KT, thời gian kinh doanh có lãi và số lợi nhuận dự kiến chia cho bên Việt Nam để xác định kế hoạch hoàn trả vốn NSNN. Thời điểm bắt đầu hoàn trả vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.a của bên Việt Nam trong liên doanh không được chậm hơn thời điểm liên doanh có lợi nhuận chia cho các bên theo luận chứng KT-KT. Thời điểm bắt đầu hoàn trả vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.b của bên Việt Nam trong liên doanh có thể chậm hơn nếu nguồn lợi nhuận bên Việt Nam được chia không đủ để hoàn trả cả hai loại vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.a và Mục 1 điểm 2.b.
- Các bên Việt Nam tham gia hợp doanh phải thanh toán tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển hàng năm cho ngân sách Nhà nước theo mức qui định tại giấy phép kể từ thời điểm góp vốn. Trường hợp doanh nghiệp được nhận nợ các khoản vốn này với Nhà nước thì hội đồng giao nhận nợ xác định kế hoạch hoàn trả vốn NSNN từ thời điểm hợp doanh bắt đầu có lợi nhuận.
III. CÁC QUI ĐỊNH VỀ HOÀN TRẢ VÀ NỘP TIỀN THU VỀ SỬ DỤNG VỐN NSNN
1. Các đối tượng nêu tại Mục 1 điểm 1 có trách nhiệm hoàn trả số vốn đã nhận nợ với NSNN mỗi năm hai lần theo lịch ghi tại biên bản giao nhận nợ và hàng năm phải nộp tiền thu về sử dụng vốn NSNN.
2. Mức tiền thu về sử dụng vốn NSNN được qui định là 3% năm trên số dư tiền nhận nợ bằng đô la Mỹ hoặc qui đổi ra đô la Mỹ và được nộp NSNN theo qui định tại Thông tư 13-CT/TCT ngày 28-2-1991 của Bộ Tài chính.
3. Trường hợp doanh nghiệp được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cho phép chuyển nhượng phần vốn góp trong liên doanh thuộc vốn NSNN đã nhận nợ cho doanh nghiệp khác bên chuyển nhượng.
- Chậm nhất trong thời hạn 3 (ba) tháng phải hoàn thành các nghĩa vụ hoàn trả số nợ thực tế phát sinh đã qui trong biên bản giao nhận nợ cho NSNN từ khi liên doanh được cấp giấy phép đến thời điểm chuyển giao.
- Chậm nhất là 1 (một) tháng kể từ khi việc chuyển nhượng được chuẩn y hai doanh nghiệp phải báo cáo hội đồng giao nhận nợ để làm thủ tục thay đổi đối tượng nhận nợ.
4. Trường hợp liên doanh thanh lý hợp đồng do hết thời hạn hoặc do giải thể trước thời hạn theo sự phê chuẩn của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư thì trong vong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thanh lý đối tượng nhận nợ có trách nhiệm hoàn trả vốn cho NSNN bao gồm vốn thuộc Mục 1 điểm 2.a và vốn thuộc Mục 1 điểm 2.b.
Riêng thời hạn liên doanh hoặc hợp doanh phải giải thể trước thời hạn thì số vốn đã nhận nợ NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.b phải được hoàn trả là số nợ phát sinh từ thời điểm được cấp giấy phép đến thời điểm quyết định giải thể được chuẩn y.
5. Các doanh nghiệp không hoàn trả vốn NSNN đúng với lịch ghi tại biên bản giao nhận nợ thì người nộp khoản thu về sử dụng vốn NSNN qui định vào điểm 2 nêu trên còn phải trả lãi phạt cho số tiền nộp chậm. Mức lãi phạt chậm trả theo mức lãi do Ngân hàng Nhà nước qui định.
IV. NGUỒN HOÀN TRẢ VỐN NSNN, NỘP TIỀN VỀ SỬ DỤNG VỐN NSNN
1. Nguồn hoàn trả vốn NSNN và nộp tiền về sử dụng vốn NSNN là các khoản lợi nhuận hoặc sản phẩm hàng hoá được chia trong quá trình hoạt động của liên doanh hoặc hợp doanh, tài sản và vốn được chia khi thanh lý liên doanh hoặc hợp doanh và các nguồn hợp pháp khác. Không được hạch toán các nguồn trả nợ này vào chi phí hay giá thành của bản thân doanh nghiệp.
V. HẠCH TOÁN CÁC KHOẢN HOÀN VỐN NSNN
1. Việc hạch toán tất cả các khoản hoàn vốn NSNN nói tại Thông tư này được thực hiện qua hệ thống kho bạc Nhà nước.
2. Đối với số vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.a doanh nghiệp thuộc cấp quản lý nào thì trả vốn nhận nợ cho ngân sách cấp đó.
3. Số vốn NSNN nêu tại Mục 1 điểm 2.b đều được hoàn trả cho Ngân sách Trung ương.
4. Trường hợp hoàn trả ngân sách bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thì nộp vào quĩ ngoại tệ tập trung được thực hiện theo Thông tư số 27 TC/KBNN ngày 7-5-1991 của Bộ Tài chính qui định việc quản lý ngoại tệ Nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Ngân sách Trung ương sẽ thoái trả ngân sách địa phương phần vốn nêu tại Mục 1 điểm 2.a bằng tiền Việt Nam theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng Ngoại thương Trung ương công bố tại thời điểm thoái trả.
5. Trường hợp hoàn ngân hàng bằng tiền Việt Nam thì hạch toán số vốn hoàn trả theo chương, loại, khoản, hạng, mục theo mục lục Ngân sách Nhà nước.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị thực hiện đối với tất cả các hợp đồng liên doanh và hợp doanh đã được cấp giấy phép và đang triển khai trước khi ban hành Thông tư này.
| Phạm Văn Trọng (Đã Ký) |
File gốc của Thông tư 19-CT/TCĐN năm 1992 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ nhận nợ và hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước của các Bên Việt Nam trong xí nghiệp liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 19-CT/TCĐN năm 1992 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ nhận nợ và hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước của các Bên Việt Nam trong xí nghiệp liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 19-CT/TCĐN |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phạm Văn Trọng |
Ngày ban hành | 1992-06-09 |
Ngày hiệu lực | 1992-06-09 |
Lĩnh vực | Đầu tư |
Tình trạng | Hết hiệu lực |