TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK
BẢN ÁN 83/2017/DS-PT NGÀY 10/08/2017 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG
Ngày 10/8/2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 54/DSPT, ngày 17 tháng 5 năm 2017 về việc “tranh chấp lối đi chung”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số:06/2017/DSST ngày 03/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị bị đơn ông Lê Văn H1, kháng cáo toàn bộ nội dung bản.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 100/2017/QĐPT-DS ngày 17/7/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Hoàng Xuân H, sinh năm: 1970 (có mặt). Địa chỉ: Thôn A, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.
2. Bị đơn: Ông Lê Văn H1, sinh năm 1955 (có mặt) và bà Đậu Thị H2 sinh năm 1963(vắng mặt). Cùng địa chỉ: Thôn A, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Văn H1: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1969 (có mặt) - Địa chỉ: Thôn A, xã E, huyện C, tỉnh Đăk Lăk.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lê Văn H1: Luật sư Phạm Văn N - Văn phòng luật sư B thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đ (có mặt) - Địa chỉ: đường V, Thành phố B, tỉnh Đăk Lăk.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên C1
Đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Xuân L, sinh năm 1969, chức vụ: Đội trưởng – Thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên C1 (có mặt).
Địa chỉ: Thôn A1, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk
3.2. Bà Phan Thị Đ, sinh năm 1969 (có mặt).
3.3. Ông Hồ Văn S, sinh năm 1974 (có mặt).
Cùng địa chỉ: Thôn A, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.
4. Người làm chứng: Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1962 (vắng mặt). Địa chỉ: Thôn A, xã E, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Nguyên đơn - Ông Hoàng Xuân H trình bày:
Tháng 10/2013, gia đình ông Hoàng Xuân H, bà Phan Thị Đ (Sau đây viết tắt là: ông H) ký hợp đồng nhận chuyển nhượng của ông Hồ Văn S (sau đây viết tắt là: ông S) diện tích đất 1.380m2 tại thửa đất số 10155a, tờ bản đồ số 51, xã E theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là: GCNQSDĐ) đất số M 834718 do UNBD huyện K cấp ngày 10/11/2001. Khi nhận chuyển nhượng, ông S cho biết con đường đi duy nhất vào diện tích đất trên đã có và sử dụng ổn định từ trước năm 2001. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông H tiếp tục sử dụng ổn định diện tích đất và con đường đi nói trên. Ngày 16/12/2013, ông H được UBND huyện C cấp đổi GCNQSDĐ đất số BN 012262 và điều chỉnh thửa đất số 10155a thành thửa đất số 11008, tờ bản đồ số 51, xã E, huyện C.
Tuy nhiên vào cuối năm 2014, gia đình ông Lê Văn H1 và bà Đậu Thị H2 (sau đây viết tắt là: ông H1) cho rằng đường đi nói trên thuộc quyền sử dụng đất của mình nên đã đóng cọc, làm hàng rào, gây cản trở việc đi lại của gia đình ông H. Ông H đã yêu cầu UBND xã E giải quyết và tại biên bản ngày 01/10/2014 UBND xã E đã yêu cầu ông H1 tháo hàng rào chắn, trả lại hiện trạng đường đi nhưng gia đình ông H1 không thực hiện mà tiếp tục trồng thêm cây muồng lấn chiếm một phần đường đi nói trên.
Ông H khởi kiện yêu cầu bị đơn ông H1, bà H2 trả lại một phần diện tích con đường đi là 48m2 theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ có mốc ranh giới giáp với đất lô của ông H1 là hàng muồng trồng năm 1985. Đồng thời yêu cầu ông H1, bà H2 di dời 08 cây muồng trồng mới năm 2014 để trả lại hiện trạng đường đi.
* Bị đơn ông Lê Văn H1 và bà Đậu Thị H2 trình bày:
Năm 1990, ông H1 nhận khoán của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên C1 (sau đâu viết tắt là: Công ty) diện tích 0,74ha cà phê trồng năm 1985, bao gồm hàng muồng do Công ty trồng từ năm 1985 ở phía Tây và đường lô bên ngoài hàng muồng này. Hợp đồng giữa Công ty và ông H1 được ký kết liên tục theo từng giai đoạn. Thông thường, các hộ nhận khoán mỗi lô đất đều có đường lô bốn phía để công nhân đi lại chăm sóc cà phê và thu hoạch sản phẩm, nên mặc nhiên ông H1, bà H2 hiểu là đường lô bên phía Tây (bên ngoài hàng muồng) cũng được Công ty giao gia đình ông H1.
Còn lô đất của gia đình ông H trước đây thuộc quyền sử dụng của nhiều chủ khác và họ sử dụng đường lô phía Tây của gia đình ông H1 để đi lại; do không có nhu cầu sử dụng nên ông H1 không có ý kiến gì. Sau khi gia đình ông H sử dụng đất, gia đình ông H1 rào con đường đi lại thì xảy ra tranh chấp. Năm 2014, gia đình ông H1 trồng thêm 10 cây muồng (chết 02 cây còn lại 08 cây) phía đường đi thẳng hàng với hàng muồng trồng năm 1985. Ông H1 trồng trên đất lô của Công ty chứ không lấn chiếm đường đi của ai.
Hiện nay ông H1 vẫn đang tiếp tục hợp đồng nhận khoán với Công ty. Tuy nhiên hợp đồng giai đoạn năm 2016-2017 thì hộ ông H1 và một số hộ dân khác với Công ty chưa thỏa thuận được nên chưa ký vào hợp đồng.
Nay ông H khởi kiện yêu cầu trả lại diện tích con đường đi 48m2 và di dời 08 cây muồng thì ông H1, bà H2 không đồng ý.
* Người có quyền, nghĩa vụ liên quan:
- Đại diện theo ủy quyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên C1 trình bày:
Ông H1 là hộ nhận khoán đất Công ty từ năm 1990 với diện tích 0,74ha cà phê trồng năm 1985 tại đội 3. Hợp đồng ký kết liên tục theo từng giai đoạn. Công ty giao cho gia đình ông H1, bà H2 diện tích đất được tính từ mép ngoài hàng muồng chắn gió trở vào. Hàng muồng do Công ty trồng vào năm 1985. Khi giao khoán đất cho ông H1 sử dụng thì Công ty giao luôn hàng muồng này cho gia đình ông H1 quản lý. Trước khi giao cho ông H1, thì Công ty không giao thửa đất này cho ai quản lý, sử dụng cả. Hiện nay ông H1 vẫn đang quản lý sử dụng chăm sóc vườn cây trên diện tích đất 0,74ha của Công ty nhưng chưa ký vào hợp đồng giai đoạn năm 2016-2017 vì chưa thỏa thuận được.
Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án cũng thể hiện ranh giới giữa đường đi đang tranh chấp với đất lô giao khoán cho hộ ông H1 là hàng muồng nói trên. Phần đường đi là đường ranh giới giữa đất thổ cư và đất lô của Công ty. Công ty chỉ quản lý từ mép ngoài hàng muồng chắn gió trở vào, không quản lý con đường đi này. Con đường đi này được quy hoạch từ năm 1985 và sử dụng ổnh đến nay, hiện trạng con đường từ trước tới nay đúng như trong biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án, nhưng trong bản đồ của Công ty vẽ thì con đường này là đường thẳng. Việc hộ ông H1 trồng thêm hàng cây muồng năm nào thì Công ty không biết vì ông H1 không báo với Công ty. Phía Công ty không liên quan đến số cây muồng mà ông H1 trồng. Nay ông H và ông H1 xảy ra tranh chấp đường đi, Công ty đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
- Ông Hồ Văn S trình bày: Ông S đã sử dụng con đường đi ổn định từ năm 2001 khi ông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác. Sau đó, ông S chuyển nhượng lại cho ông Hoàng Xuân H bà Phan Thị Đ sử dụng cho đến nay. Quá trình sử dụng con đường đi rộng khoảng 4m, xe công nông ra vào bình thường, hiện nay thì không đi được. Giữa các bên có tranh chấp với nhau thì ông S không có ý kiến gì, không có liên quan nên đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
- Bà Phan Thị Đ trình bày: Đồng ý với ý kiến trình bày của ông H (chồng bà Đ) yêu cầu bị đơn ông H1, bà H2 trả lại một phần diện tích con đường đi là 48m2 theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ có mốc ranh giới giáp với đất lô của ông H1 là hàng muồng trồng năm 1985. Đồng thời yêu cầu ông H1, bà H2 di dời 08 cây muồng trồng mới năm 2014 để trả lại hiện trạng đường đi vì ông H và UBND xã đã yêu cầu ông H1 bà H2 không được lấn chiếm đường đi nhưng ông H1, bà H2 vẫn cố ý thực hiện.
* Người làm chứng - Bà Nguyễn Thị T1 khai tại bản tự khai đã trình bày: Năm 2002, gia đình bà Nguyễn Thị T1 nhận chuyển nhượng thửa đất 10147 tờ bản đồ số 51 xã E đã được cấp GCNQSDĐ. Phía đông nam của thửa đất giáp con đường đi vào đất bà T1 và gia đình ông Hoàng Xuân H. Trước đây, bà T1 cũng sử dụng con đường này để đi nhưng do không phù hợp phong thủy nên bà đã mở lối đi khác, không sử dụng con đường này nữa. Hiện nay, gia đình ông H1 bà H2 đã tự ý rào lại một phần và trồng cây muồng không cho gia đình ông H đi con đường trên.Theo bà T1 được biết, con đường đã hình thành trên 30 năm, người dân xung quanh đều sử dụng con đường để đi lại canh tác.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2017/DSST ngày 03/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã: Căn cứ khoản 9 Điều 26, khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 157, Điều 165, khoản 1 Điều 228, Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự; Áp dụng khoản 1 Điều 265, Điều 599, Điều 600 Bộ luật dân sự năm 2005; Khoản 1 Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Áp dụng Điều 27 Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân H.
Buộc ông Lê Văn H1 và bà Đậu Thị H2 phải di dời 08 cây muồng và trả lại diện tích đất 48m2 đường đi (Có tứ cận: Phía Đông giáp đất bà T1 (thửa 10155a, nay là thửa 10146), cạnh dài 15,45m; Phía Tây giáp đất lô của ông H1 (thửa 10147), cạnh dài 15,5m; Phía Nam tiếp giáp đường đi vào thửa 11008 của ông H, cạnh dài 3,1m; Phía Bắc giáp đường đi, cạnh dài 4,0m) thuộc tờ bản đồ số 51 tại xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk cho ông Hoàng Xuân H sử dụng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí thẩm định, định giá tài sản, về án phí tuyên quyền kháng cáo, quyền thi hành án, nghĩa vụ Thi hành án, thỏa thuận thi hành án và thời hạn thi hành án cho các bên đương sự theo quy định pháp luật.Ngày 17/4/2017, bị đơn ông Lê Văn H1 kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2017/DSST ngày 03/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin với lý do Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin giải quyết không khách quan.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện cho bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn ông Lê Văn H1 trình bày quan điểm: Đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để làm rõ thực địa của con đường vì thực tế trên bản đồ quy hoạch là con đường thẳng, nhưng lối đi mà ông H đang sử dụng lại là đường cong, tại phiên tòa ông S cũng cho rằng con đường trong bản đồ là đường thẳng. Do vậy cần thiết phải được xem xét, thẩm định lại cho chính xác, khách quan.
- Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên toà phúc thẩm:
Về tố tụng: Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Về nội dung: Xét thấy lối đi vào lô đất của gia đình nhà ông H là lối đi duy nhất để đi lại, đồng thời là lối đi chung có trước khi ông H sang nhượng từ ông S. Lối đi này có chiều rộng 4m đã được chính quyền địa phương, Công ty và các hộ dân lân cận thừa nhận có từ trước và đến lúc gia đình ông H1 trồng thêm cây muồng lấn ra một phần lối đi, làm cản trở, ảnh hưởng đến việc đi ra vào lô đất của gia đình ông H nên mới xảy ra tranh chấp. Do vậy việc kháng cáo của bị đơn về nội dung này là không có cơ sở, mà chỉ chấp nhận một phần để sửa kết quả thẩm định của án sơ thẩm theo hướng kết quả thẩm định của cấp phúc thẩm là có căn cứ.
Từ những phân tích trên Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 để sửa một phần bản án sơ thẩm số: 06/2017/DSST ngày 03/4/2017.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà – Tòa án nhận định như sau:
Về hình thức: Đơn kháng cáo của ông Lê Văn H1 được nộp trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ và đã được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm là phù hợp.
Về nội dung:
[1] Năm 2013 ông Hoàng Xuân H nhận chuyển nhượng từ ông Hồ Văn S diện tích đất 1.300m2 tại thửa đất số 10155a, tờ bản đồ số 51, xã E, theo GCNQSDĐ đất số M834718 do UNBD huyện K cấp ngày 10/11/2001, trên đất đã trồng cây cà phê. Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng, ngày 16/12/2013 gia đình ông H được UBND huyện C cấp đổi GCNQSD đất số BN 012262 và điều chỉnh thửa đất số 10155a thành thửa đất số 11008, tờ bản đồ số 51, xã E, huyện C. Khi tiếp quản lô đất và tài sản trên đất, thì gia đình ông H sử dụng lối đi duy nhất rộng 04m có từ trước mà gia đình ông S vẫn sử dụng để đi vào lô đất. Tuy nhiên đến năm 2014 gia đình ông H1 là người đang làm hợp đồng lô cà phê nhận khoán với Công ty cho rằng một phần lối đi mà gia đình ông H đang sử dụng có một phần đất thuộc lô cà phê ông H1 đang quản lý, nên ông H1 đã tự ý trồng 08 cây muồng lấn sang một phần của lối đi cũ nói trên, làm cản trở việc đi vào lô đất của gia đình nhà ông H nên hai bên đã xảy ra tranh chấp.
[2] Xét thửa đất số: 11008, tờ bản đồ số 51, xã E, huyện C có thể hiện có lối đi giáp với lô đất trồng cà phê diện tích 0,74ha thuộc quyền sử dụng của Công ty trách nhiệm hữu hạn C và Công ty đã hợp đồng giao khoán cho gia đình ông H1, bà H2 quản lý chăm sóc vườn cây. Đồng thời chính quyền địa phương xã E, những hộ gia đình có đất liền kề và ông S (người đã chuyển nhượng đất cho ông H) đều xác định lối đi chung có chiều rộng 04m, chiều dài 56m này đã có từ lâu (vào khoảng năm 1990) và được sử dụng ổn định. Ngoài ra trong quá trình giải quyết vụ án, phía Công ty là người được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất cũng xác định ở xung quanh lô đất cà phê 0,74ha mà Công ty giao khoán cho ông H1 đều có lối đi rộng 4m để cho hộ nhận khoán canh tác, thu hoạch cà phê đi lại thuận tiện, riêng đối với lô cà phê gia đình ông H1 đang quản lý thì kể từ khi giao khoán tới nay không có biến động về diện tích. Công ty chỉ giao cho gia đình ông H1 bà H2 quản lý, canh tác diện tích đất tính từ mép ngoài hàng muồng chắn gió trồng từ năm 1985 trở vào, nên phần lối đi đang tranh chấp không thuộc phạm vi quản lý của Công ty. Như vậy xét về tư cách người có quyền sử dụng diện tích đất 0,74ha nói trên là Công ty, còn ông H1, bà H2 chỉ là hộ hợp đồng nhận khoán canh tác cà phê trên đất mà thôi, nên việc ông H1, bà H2 tự ý trồng 08 cây muồng lấn ra phần đất của lối đi chung mà không được sự đồng ý của chủ sử dụng đất là không có căn cứ pháp luật, xâm phạm đến quyền về lối đi của gia đình ông H, vì vậy không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông H1 mà cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần này.
[3] Trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Ông H1 đã có đơn yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét thẩm định lại phần đất đang tranh chấp. Ngày 15/7/2017 Toàn án cấp phúc thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định theo trình tự quy định của pháp luật và xác định được hiện trạng thực tế đối với phần lối đi tranh chấp có tứ cận như sau: Phía đông giáp đất nhà bà T1, có chiều dài là 8,7m; Phía tây giáp lô đất gia đình ông H1, có chiều dài là 9,2 m; Phía nam giáp đường đi, có chiều rộng là 3m; Phía bắc giáp đường đi, có chiều rộng là 2,2 m. Ngoài ra trên phần đất mà gia đình ông H1 đã trồng cây muồng năm 2014, thì tại thời điểm thẩm định chỉ còn 06 cây muồng. Việc thẩm định lại của Tòa án cấp phúc được thể hiện bằng văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương và các đương sự cùng chứng kiến. Do vậy cần chấp nhận kết quả thẩm định của cấp phúc thẩm để sửa bản án sơ thẩm cho chính xác, bởi lẽ đây là quan hệ tranh chấp về lối đi chung, chứ không phải tranh chấp về quyền sử dụng đất, nên chỉ cần xác định phần lối đi bị lấn bởi 06 cây muồng để buộc bên vi phạm phải tháo dỡ và trả lại hiện trạng của lối đi cũ có chiều rộng 04m và chiều dài như biên bản thẩm định của cấp phúc thẩm đã ghi là phù hợp. Ngoài ra bản án sơ thẩm áp dụng điều luật chưa chính xác nên cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm về phần này.
Về chi phí thẩm định: Do chấp nhận kết quả thẩm định của Tòa cấp phúc thẩm nên cần buộc ông H, bà Đ phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ ngày 15/6/2017. Ông H1 được nhận lại số tiền 1.300.000đồng mà ông H1 đã nộp tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ sau khi thu được của ông H, bà Đ.
Về án phí DSPT: Do sửa bản án sơ thẩm nên ông Lê Văn H1 và bà Đậu Thị H2không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Áp dụngcác điều 265, 273, 274 Bộ luật dân sự 2005 và khoản 10 Điều 12, khoản 1 Điều 171 Luật đất đai 2013;
Áp dụng Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Lê Văn H1 – Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2017/DS-ST ngày 03/4/2017 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin.
Tuyên xử:
2. Buộc ông Lê Văn H1 và bà Đậu Thị H2 phải di dời 06 cây muồng trồng năm 2014 và trả lại hiện trạng phần lối đi chung có tứ cận như sau: Phía đông giáp đất nhà bà T1, có chiều dài 8,7m; Phía tây giáp nhà ông H1, có chiều dài 9,2m;
Phía nam giáp đường đi, có chiều rộng 4m; Phía bắc giáp đường đi, có chiều rộng 4m; Trường hợp ông Lê Văn H1 và bà Đậu Thị H2 không tự di dời thì phải chịu chi phí cho việc di dời.
3. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ:
Ông Hoàng Xuân H, bà Phan Thị Đ phải chịu 1.300.000đồng (Một triệu ba trăm ngàn đồng) tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ ngày 15/6/2017. Ông Lê Văn H1 được nhận lại 1.300.000đồng tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ sau khi thu được của ông Hoàng Xuân H, bà Phan Thị Đ.
4. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Ông Lê Văn H1 và bà Đậu Thị H2 phải chịu 200.000đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Ông Hoàng Xuân H được nhận lại số tiền 200.000đồng (Hai trăm ngàn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số: AA/2014/0036098 ngày 23/9/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện C.
5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Văn H1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho ông H1 số tiền 300.000đồng tạm ứng án phí mà ông H1 đã nộp theo biên lai số AA/2014/0043591 ngày 26/4/2017 của Chi Cục thi hành án dân sự thành huyện C, tỉnh Đắk Lắk.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
File gốc của Bản án 83/2017/DS-PT ngày 10/08/2017 về tranh chấp lối đi chung – Tòa án nhân dân Đăk Lăk đang được cập nhật.
Bản án 83/2017/DS-PT ngày 10/08/2017 về tranh chấp lối đi chung – Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Số hiệu | 83/2017/DS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2017-08-10 |
Ngày hiệu lực | 2017-08-10 |
Lĩnh vực | Dân sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |